Danh Sách Bài Hát

 

Nhớ Người Ra đi

Phạm Duy

6

bài hát

Nhớ Người Ra đi

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già
Chờ con lúc đêm khuya
Người con đã ra đi, vì nước
Con bước đi khi trống làng rồn xa
Mẹ đưa mắt trông về ngọn cờ
Cầu cho đứa con trai
Ở đâu đó con ơi, được vui !
Nhớ thương con oán thù loài thực dân
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh.


Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người vợ hiền
Chồng ra lính biên cương
Ngồi may áo cho con, còn nhớ
Em tiễn anh ra mãi tận đầu thôn
Một hôm lúc trâu bò về chuồng
Rồi anh nhớ anh mong
Chờ chiến sĩ xa xăm lập công.
Nhớ thương anh oán thù loài thực dân
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh.

Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương đàn trẻ nhỏ
Đùa trong nắng ngây thơ
Cùng nhau hát líu lo, ngoài ngõ
Nhưng mỗi khi dưới mái nhà mênh mang
Ngừng chơi nắm tay mẹ, hỏi rằng
Rằng : Cha chúng con đâu?
Về mua bánh cho cho con, mẹ ơi
Nhớ thương cha oán thù loài thực dân
Lúc xa nhau mong chờ ngày chiến thắng
Bóng dáng người hùng anh về ấm lũy tre xanh...

(Thái Nguyên - 1947)

*** GS Lê Văn Lang: Cảm ơn NS Phạm Duy, Một Chứng Nhân Lịch Sử

(Trích từ cuốn Vidéo)

“Việt Nam hiện nay đang cố gắng nghiên cứu để đưa Hà Nội trở thành một di tích lịch sử 4,000 năm văn hiến. Trong một loạt phóng sự về bà mẹ liệt sĩ, có nhiều người con anh hùng đã hy sinh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Thiên phong sự mô tả bà cụ Nguyễn Thị Ngoan ở thôn Lập Trí, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn một làng ngoại thành Hà Nội. Khi phóng viên đề nghị bà nói ít câu, bà cụ Ngoan nói về gia cảnh, về chuyện xưa, về chồng, về con… đã hy sinh thế nào, rồi bà cụ bỗng hát lên một câu. Khi tôi xem, nghe đến câu hát của cụ, tôi giật mình… vì thấy một bà cụ già nua, cổ kính, thậm chí còn giữ nguyên tóc bạc, răng đen, trùm khăn mỏ quạ, áo nâu sồng, ở một vùng quê rất xa, lại hát một bài hát bà thuộc lòng. Anh phóng viên khi nghe hát, đề nghị bà hát lại để thu âm cho chính xác, vì e rằng sai đi một vài lời. Thế là bà cụ đã hát lại, hát toàn bộ bài hát đó từ đầu tới cuối. Khi tôi xem phóng sự, tôi thấy gai ốc nổi lên… Có thể một vài phát âm không đúng, nhưng lời và nhạc rất chính xác, không có chút cải biên đi chút nào. Nhớ thế nào, hát y như vậy. Tôi nghiệm ra rằng, sức sống của bài hát, để thành công, vượt thời gian và trở thành sản phẩm của lịch sử, không có gì quí bằng đã đi vào lòng dân, đi vào văn hóa của dân tộc, qua các thời đại, các biến động lịch sử. Bài hát đó là “Tiễn Người Ra Ði” của nhạc sĩ Phạm Duy.

Rồi không biết thế nào, người phóng viên làm thiên phóng sự đó là học trò của tôi. Sau khoảng hai tuần, tôi liên lạc gặp anh, chính chàng phóng viên mới hơn 20 tuổi này cũng không biết gì về bài hát của Phạm Duy. Tôi mới kể cho anh ta nghe, là bài này làm từ năm 1947, tận trong khu 4, rồi bất ngờ thế nào lại luân lạc ra tận một làng quê hẻo lánh, đến tai và ăn sâu vào tâm khảm của bà cụ già trên 100 tuổi. Tôi xin anh phóng viên in lại một phiên bản phóng sự và tôi nghĩ một dịp nào đó sẽ chuyển cho nhạc sĩ Phạm Duy, để ông giữ đó như một kỷ niệm, thừa nhận, biết ơn của những người đã hưởng thụ những nhạc phẩm của ông đã thấm đượm tình nước non, nỗi lòng của người dân Việt Nam. Rất cám ơn Phạm Duy.”

(...)


°Nguyễn Quang Minh: Ðiều mong muốn cuối đời của nhạc sĩ là gì?

ª Phạm Duy: Trong dịp về Việt Nam năm 2002, tôi được một nhà sử học Việt Nam là ông Lê Văn Lang, một trong bốn nhà sử học Việt Nam, người đang cùng với một ủy ban nghiên cứu lịch sử, khôi phục lại Thành Thăng Long cũ. Ông Lang đã tặng tôi một cuốn Vidéo, quay một phóng sự về một bà cụ, sống ở thôn Lập Chí - Xã Minh Trí - Huyện Sóc Sơn trải qua chiến tranh, có 2 con là bộ đội, hy sinh anh dũng. Bà sống với con dâu (năm nay cũng ngoài 80) và một lòng kính Chúa yêu người. Bà được Ðảng và nhà nước cấp nhà, cấp đất cho sinh sống… Nói chung là một gương ân tình điển hình của nhà nước đối với người dân có công với cách mạng. Trong một đoạn phim, bà cụ Nguyễn Thị Ngoan đã hát gần như trọn bài hát “Tiễn người ra đi” của tôi (viết năm 1947) với nguyên bản. Khi xem khúc phim này, tôi quá cảm động. Tôi có cảm giác đã “tới nơi” rồi. Những huy chương Hồ Chí Minh, Lê Nin hay những khen tặng tại Hí viện này nọ, các chương trình lớn nhỏ cũng không bằng một bà cụ 100 tuổi, công giáo thuần thành, có con trai chết trận, mà vẫn dùng bài hát của tôi như một an ủi, vỗ về suốt 60 năm! Thiệt là tài tình. Họ nói tôi kiêu ngạo, tôi thế này thế kia… thì cứ để họ nói. Như các anh đây, ở đâu có xa xôi gì với tôi, mà có khi hàng tháng, hàng năm mới gặp nhau?
(nói đến đây, nhạc sĩ Phạm Duy mời chúng tôi, anh Lê Vũ, chủ nhiệm Việt Weekly, ông Phạm Văn Kỳ Thanh và tôi cùng xem thiên phóng sự nói về bà cụ Nguyễn Thị Ngoan, hát bài hát của Phạm Duy)

°NQM: Thưa nhạc sĩ Phạm Duy, ông nghĩ gì về thiên phóng sự này?

ª PD: Tôi nghĩ ngay, đời sống âm nhạc của tôi đến đây là đủ. Tôi sinh ra là một nhạc sĩ. Mà nhạc sĩ, ai cũng muốn trở thành Bethoven, Mozart, còn tôi, khi xem những thước phim như trên, tôi mới thấy mình, biết là âm nhạc của mình là cho người dân lam lũ, khổ sở và, nói như nhà sử học Lê Văn Lang, một số nhạc phẩm của tôi thời kháng chiến đã “nâng đỡ”, “an ủi” những bà mẹ già, những em thơ, những vợ góa trong cuộc chiến tranh Pháp, rồi Mỹ. Một bài hát khác, như bài “Bà Mẹ Gio Linh” (Dân ca kháng chiến - Làng Gio Linh 1948), có người bảo tôi rằng, họ nhắc tôi, sao tôi không về thăm họ. Nhưng họ nói thế thôi, không được thâu vào hình, còn thiên phóng sự này hình ảnh hẳn hoi, cảm động lắm. Sau này, tôi nghiệm ra rằng… Một cách siêu hình, những nhạc phẩm có tính lịch sử trong một giai đoạn lịch sử, sẽ còn mãi mãi với thời gian. Tôi may mắn là một chứng nhân bằng âm nhạc trong những giai đoạn thăng trầm, để có cơ hội “khóc cười theo vận nước nổi trôi” là vậy. Ở đây, người ta có vinh danh tôi hàng nghìn buổi, ăn mặc đẹp đi dự ở hí viện La Mirada, cũng không bằng một bà cụ ở tận Sóc Sơn, hát bài hát của tôi. Âm nhạc của tôi không dành cho những thính phòng ở La Mirada. Mà ở những nơi có người mẹ mất con, mất tất cả những gì thương yêu nhất, và âm nhạc của tôi đã an ủi được họ, gắn bó một cách thần kỳ với họ qua nhiều thập niên. Bà cụ không hề cho tôi một xu nào, lại đang ở một nơi còn cấm, còn hạn chế nhạc của tôi, thế mà bài hát vẫn cứ được ghi lại, cất lên. Thật là quí hóa quá.




Source: VietWeekLy vol. 3 no. 16, 2005

*Nghe: Thái Thanh trong Băng nhạc Sơn Ca số 10-1974

Thái Thanh trong Băng nhạc Thanh Thúy số 07-1970

Thanh Lan trong Băng nhạc Jo Marcel số 22-1970

Duy Khánh, Thanh Tuyền và bé Bạch Quyên trong Băng nhạc Trường Sơn số 02-1970.

Lệ Thu trong CD Tiếng hát Bất Hủ và 14 tình khúc Bất hủ - Lệ Thu, Ca Dao số 64 - 2002 (origin from TT Giáng Ngọc - 1989).

Duy Quang trong Băng nhạc Trăng Chiến Khu, Đông Tiến thực hiện, 1982.

Hương Lan trong CD Bài Ca Sao - Tình khúc Phạm Duy 4 và VHS Phạm Duy-Người Tình, Thúy Nga - 1995.