Giới thiệu văn bản

Việt điện u linh tập (VĐULT) là tác phẩm của Lý Tế Xuyên, được biên soạn xong vào năm Khai Hựu nguyên niên (1329) đời Trần Hiến Tông.

Về Lý Tế Xuyên, chúng ta không biết được gì nhiều hơn những thông tin ít ỏi do dòng lạc khoản bài tựa sách cung cấp: ông giữ các chức Thủ đại tạng, Thư hỏa Chánh chưởng, Trung phẩm Phụng ngự, An tiêm lộ Chuyển vận sứ dưới triều nhà Trần. “Thủ đại tạng” dường như là chức trông coi kho tài liệu lưu trữ của Nhà nước, hoặc một kho kinh Phật. “Thư hỏa” chưa rõ phụ trách công việc cụ thể gì. Đại Việt sử ký toàn thư có chép vào năm Đại Khánh 3 (1316), tháng 11, vua sai Nhân Huệ đại vương Khánh Dư đi Diễn Châu xét duyệt sổ lính và sổ dân đinh, có lấy Nội thư hỏa Chánh chưởng Nguyễn Bính làm phó (xem Bd, Đại Việt Sử Ký toàn thư, Tập 2, NXB KHXH, 1985, tr. 101). Cũng sách này, ở một chỗ khác còn chép: “Năm Khai Thái 2 (1325) (...), mùa thu, tháng 8, ban xuống các điều lệ mới quy định. Theo quy chế cũ, Hành khiển ty ở cung Quan triều và Thánh từ, gộp với Thư hỏa cục, gọi chung là Nội mật viện. Đến đây, đồi Hành khiển ty thành Môn hạ sảnh, còn Nội thư hỏa cục vẫn là Nội mật viện” (Sđd. tr.110). Vậy thì, “Thư hỏa Chánh chưởng” có thể hiểu là người đứng đầu Nội thư hỏa cục, sau đổi tên là Nội mật viện. Theo An Nam chí lược, Q.14, thì các quan hầu cận đời Trần đều thêm chữ “Nội” phía trước tên chức vụ. “Trung phẩm Phụng ngự” có lẽ là một tước vị, hoặc một thứ phẩm hàm. An Nam chí lược, cũng Q.14 cho biết có ba bậc Phụng ngự: Thượng phẩm Phụng ngự, Trung phẩm Phụng ngự và Hạ phẩm Phụng ngự. Hàm “Trung phẩm” ở vào bậc giữa. Còn “Chuyển vận sứ” chủ yếu phụ trách việc chuyên chở, xuất nhập tiền và thóc thu thuế của một tỉnh, đây là lộ An Tiêm. Qua các chức trách được giao như vừa thấy, có thể biết Lý Tế Xuyên là một nhân vật khá quan trọng trong cung đình nhà Trần.

Việt điện u linh tập, hiểu theo nhan đề sách, có nghĩa là một bộ sưu tập về các truyện u linh trên cõi đất Việt. “U linh” ở đây không chỉ có linh hồn những anh hùng đã khuất, mà còn bao gồm cả các thần hằng được dân tộc tôn thờ. Họ thường là những bậc “thông minh chính trực”, “có khả năng phát huy công tích, ngầm giúp nhân dân” (VĐCLT Tự). Non sông đất nước đã sản sinh ra họ và họ cũng làm rạng rỡ cho non sông đất nước, trở thành một trong những chỗ dựa quan trọng của dân tộc về mặt tinh thần, nhất là trước những thử thách gay go của lịch sử.

Lý Tế Xuyên chia các thần ra làm ba loại: Lịch đại nhân quân (vua các đời), Lịch đại phụ thần (bầy tôi các đời) và Hạo khí anh linh (sự tích thiêng liêng). Theo Phan Huy Chú thì sách VĐULT của Lý Tế Xuyên có cả thay 28 truyện (xem Lịch triều hiến chương loại chí, Q.45. Văn tịch chí, Truyện ký loại).

Lê Quý Đôn cho biết cụ thể hơn: “Hồi đầu niên hiệu Khai Hựu đời Trần, quan Phụng ngự Lý Tế Xuyên soạn sách Việt điện u linh, 1 quyển, ghi những việc thần dị ở các đền miếu, có 8 truyện về các vua, 12 truyện về bầy tôi, và 8 truyện về sự tích thiêng liêng” (xem Kiến văn tiểu lục, Q.4, tờ 4).

8 truyện về vua các đời gồm: 1. Sĩ Nhiếp (Sĩ tiên vương); 2. Phùng Hưng (Bố Cái đại vương); 3, Triệu Quang Phục (Triệu Việt Vương); 4. Lý Phật Tử (Hậu Lý Nam Đế); 5. Hậu Tắc (Xã Tắc đế quân); 6 và 7. Hai Bà Trưng (Trưng nữ vương); 8. Mỵ Ê (vợ vua Chiêm Thành).

12 truyện về bầy tôi các đời gồm: 1. Lý Hoảng; 2. Lý Ông Trọng; 3. Lý Thường Kiệt; 4. Tô Lịch; 5. Phạm Cự Lượng; 6, Lê Phụng Hiểu; 7, Mục Thận; 8 và 9. Trương Hống và Trương Hát; 10. Lý Phục Man; 11. Lý Đô Úy; 12. Cao Lỗ.

8 truyện về sự thiêng liêng gồm: 1. Thần núi Đồng Cổ; 2. Thần Long Đỗ; 3. Thổ thần làng Phù Đổng; 4. Sơn thần Tản Viên; 5. Thần thổ địa Đằng Châu; 6. Thần thổ lệnh Bạch Hạc; 7. Thổ thần quận Hải Thanh; 8. Long vương ở Nam Hải (Số thần ở phần này, các bản chép có chênh lệch nhau chút ít).

Sang thế kỷ 15, Nguyễn văn Chất (có nơi chép nhầm là Nguyễn văn Hiền) soạn Tục Việt điện u linh tập, đưa thêm vào sách Lý Tế Xuyên 4 truyện nữa, đó là: 1. Sóc Thiên vương; 2. Thanh Sơn đại vương; 3. Càn Hải môn từ; 4. Quản Gia Đô Bát đại vương.

Nguyễn văn Chất (1422-?) người xã Vũ Di, huyện Bạch Hạc, nay là thôn Vũ Di, huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú. Ông đỗ Hoàng giáp khoa Mậu Thìn, năm Thái Hòa 6 (1448) đời Lê Nhân Tông, làm quan đến chức Thượng thư, có đi sứ nhà Minh vào năm 1480. Theo Đăng khoa lục bị khảo, ông từng làm sách Tục Việt điện u linh tập.

Đến đầu thế kỷ 20, Tam Thanh quán Đạo nhân cho rằng VĐULT của họ Lý chủ yếu là chép từ sách ghi việc tế tự (Tự điển) của triều Trần, còn bỏ sót khá nhiều vị thần quan trọng khốc. Ơng do vậy đã làm thêm thần “trùng bổ” gồm 10 truyện, xếp chung dưới một đề mục mới gọi là “Anh liệt chính khí”, trở thành loại thần thứ tư tiếp sau ba loại thần đã có của Lý Tế Xuyên.

Các truyện “trùng bổ” gồm: 1. Đoàn tướng quân; 2. Thanh Cẩm miếu; 3. Hưng Đạo đại vương; 4. Đông Hải Nguyễn tướng quân; 5. Minh Lang đại vương; 6, Linh Lang đại vương; 7. Bảo Nghĩa đại vương; 8, Thủ Lĩnh tự Minh đại vương; 9. Định quốc vương; 10. Thiên thượng thần vương. Các truyện “trùng bổ” vừa nêu phần nhiều được rút ra từ các sách như Tang thương ngẫu lục, Lĩnh Nam chích quái, thần tích, thần phả v.v. Tam Thanh quán Đạo nhân hoàn thành công việc “trùng bổ” vào năm Kỷ Mùi (1919) và gọi sách VĐULT đã được ông bổ sung thêm là “Trùng bổ VĐULT toàn biên”.

“Tam Thanh quán Đạo nhân” tức Ngô Giáp Đậu (1853-?), hiệu Tam Thanh, người làng Tả Thanh Oai, nay là thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Ông đậu Cử nhân năm Thành Thái 3 (1891), làm quan đến Đốc học.

Ngoài những biến động về mặt văn bản như đã trình bày, VĐULT còn được cải biên thành sách truyền kỳ, như cuốn Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập do Chư Cát Thị soạn vào năm Cảnh Hưng 35 (1774), trên mặt sách có đề mấy chữ “Đệ nhị kỳ thư”, nghĩa là “cuốn sách lạ thứ hai”. Bài tựa của Chư Cát Thị có đoạn viết: “Tập sách (VĐULT) này làm ra từ triều Lý (...), diên cách các đời còn sơ lược, chưa đầy đủ. Đến triều Trần, ông Lý làm tiếp đến phần cuối (...), sưu tầm rộng rãi (...) sửa sang hàng mấy chục năm, nghiên cứu những điều bí ẩn, thật là chịu khó” Chư Cát Thị viết tiếp: “Tôi sinh không nhầm thời, gặp nhiều biến cố, nhàn ngồi chĩnh chệ bên song để qua ngày. Giữa mùa thu năm Quý Hợi (1743), tôi sang chơi nhà Quách Thị bên họ ngoại. Ông Quách lấy tập VĐULT từ trong hòm ra đưa cho tôi xem. Tôi mượn sách về nhà để đọc, thấy trong đó còn nhiều chỗ chưa ổn”. Thế là họ Chư Cát đã cất công sưu tầm thêm tư liệu và viết lại VĐULT, nhằm làm cho sách văn vẻ lưu loát, “đầu đuôi nhất quán, mạch lạc tương thông”.

Chư Cát Thị tên thật là gì, hiện vẫn chưa rõ. Chỉ biết ông người Hồng Đô, từng giữ chức Thủ bạ ở bộ Lễ thời Lê Cảnh Hưng.

Về văn bản VĐULT, Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện tàng trữ 8 bản viết tay sau đây:

1. Việt điện u linh A. 1919: 77 trang; 32 X 22 cm: 1 tựa của Lý Tế Xuyên; 1 mục lục. Có Tục bổ và Phụ lục.

2. Việt điện u linh tập lục A.47: 43 trang; 29.5 X 16.5 cm; 1 tựa của Lý Tế Xuyên; 1 mục lục. Có Tăng bổ của Nguyễn văn Chất.

3. Việt điện u linh phụ bản quốc cổ tích lục A.2879: 144 trang; 28 X 17 cm; 1 tựa của Lý Tế Xuyên; 1 bạt của Lê Thuần Phủ (= Lê Hữu Hỷ) để năm Vĩnh Thịnh 8 (1712): 1 mục lục. Có Tăng bổBản quốc cổ tích lục.

4. Việt điện u linh tập lục toàn biên VHv. 1285/a: 222 trang; 29 X 16.5 cm; 1 tựa của Lý Tế Xuyên; 1 bạt của Lê Hữu Hỷ; Cao Huy Diệu bổ chú và bình luận; Kim Miện Muội án lục; Tam Thanh quán Đạo nhân trùng bổ.

5. Việt điện u linh tập lục VHv.1285/b: 50 trang; 29 X 16.5 cm Lý Tế Xuyên tập: Kim Miện Muội án lục.

6. Việt điện u linh tập lục A.751: 190 trang: 29 X 20.5 cm; 1 tựa của Lý Tế Xuyên: 1 bạt của Lê Thuần Phủ; 1 bạt của Tam Thanh quán Đạo nhân đề năm Kỷ Mùi (1919).

7. Việt điện u linh tập VHv.1503: 54 trang; 28.5 X 16 cm; 1 tựa (của Lý Tế Xuyên, 1 bạt của Lê Thuần Phủ; có Lịch triều linh hiển công chúa, Thần nữ liệt vị. Sách này chỉ ghi tóm lược các truyện trong VĐUL.

8. Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập A. 335: 310 trang; 32 X 22 cm; 1 tựa của Lý Tế Xuyên; 1 dẫn của Chư Cát Thị đề năm Cảnh Hưng Giáp Ngọ (1774); 1 mục lục.

Các truyện giới thiệu trong lần xuất bản này của chúng tôi là trích từ cuốn Việt điện u linh do NXB Văn học ấn hành tai Hà Nội năm 1972.

Phần Bài tựa, Bài bạt, Bài tự dẫn, Bài bạt sách Trùng bổ Việt điện u linh toàn biên, cùng các truyện Sĩ Nhiếp (Gia ứng thiện cảm linh vũ dại vương), Phùng Hưng (Bố Cái đại vương), Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử (Triệu Việt Vương, Lý Nam Đế), Hai Bà Trưng (Nhị Trưng phu nhân), Mỵ Ê (Hiệp chính hựu thiên trinh liệt chân mãnh phu nhân), Lý Ông Trọng (Hiệu úy uy mãnh anh liệt phu tín đại vương), Lý Thường Kiệt (Thái úy trung phụ dũng vũ uy thắng công), Tô Lịch (Bảo quốc trấn linh định bang quốc đô thành hoàng đại vương), 10 truyện trên lấy từ VĐULT của Lý Tế Xuyên (bản A.751), Triệu Trinh (Lệ Hải bà vương ký), Mai Thúc Loan (Hương Lãm Mai đế ký), 2 truyện trên lấy từ Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập của Chư Cát Thị, bản A.335 do Đinh Gia Khánh dịch và chú thích.

Phần các truyện Lê Phụng Hiểu (Đô thống khuông quốc tá thánh vương), Mục Thận (Thái úy trung tuệ vũ lượng công), Thần Long Đỗ (Quảng Lợi thánh hựu uy tế phu ứng đại vương), 3 truyện trên lấy từ VĐULT của Lý Tế Xuyên (bản A.751) do Trịnh Đình Rư dịch và chú thích.

Bài Tựa

Thánh nhân xưa nói: “Thông minh chính trực, mới đáng gọi là thần, không phải hạng dâm thần, tà ma quỷ quái mà lạm gọi là thần được đâu”.

Trong nước Hoàng Việt ta, các thần thờ ở miếu đền xưa nay rất nhiều, nhưng mà công tích to lớn rõ rệt, cứu giúp sinh linh thì có được mấy đâu? Tuy nhiên, các thần vốn có phẩm loại không ngang nhau, có vị là linh túy của núi sông, có vị là nhân vật kiệt linh, khí thế rừng rực lúc đương thời, anh linh tỏa rộng đến đời sau. Nếu không ghi chép sự việc lại thì phẩm loại trên dưới khó phân biệt. Cho nên tôi dựa theo kiến văn nông cạn thấp kém của mình mà ghi chép về cõi u linh. Nếu có bậc quân tử bác nhã hiếu sự sửa chữa cho thì thỏa lòng mong ước của tôi vậy.

Hoàng triều Khai Hựu 1 (1329)

Thủ đại tạng, Thư hỏa Chánh chưởng, Trung phẩm Phụng ngự, An Tiêm lộ Chuyển vận sứ, kể bề tôi là Lý Tế Xuyên kính cẩn viết bài tựa.

Bài Bạt

Sách Việt điện u linh lưu truyền ở đời đã lâu rồi, nhưng các bản đều sai lẫn khó đọc. Ngẫu nhiên thấy có một bản cổ mà chữ “anh” thì viết bớt nét đi, mới biết đây là di tích còn lại từ trước đời Trung hưng của nước Hoàng Việt ta. Do đó bèn sao chép lại, tất là khác với các bản vốn có; nhưng các phần mà người đời sau chép tiếp vào thì lại thiếu nhiều ở bản cổ này, có điều là nó giữ được tính chất cổ mà các bản khác không giữ được. Tôi lại lấy các bản chép đời sau, đem đối chiếu để mà đính chính, nếu có điều đáng ngờ, thì khuyên một vòng tròn để đánh dấu, rồi thêm phần bổ sung vào chỗ thiếu, chỗ sót, để cho việc tham khảo được đầy đủ.

Than ôi! Tụ lại thì khó, tan đi thì dễ, từ xưa đã có lời than như vậy. Huống hồ người khắc bản in ở nước ta lại ít; cho nên không lấy làm lạ rằng đã có tình trạng ấy. Tìm khắp nơi mà ngẫu nhiên lại thấy được, há chẳng phải là may mắn hay sao? Cho nên nói rõ manh mối để các bạn cùng chí hướng biết, ngỏ hầu sưu tầm thêm mà bổ xuyết vào, lượm lặt rộng để chọn lọc sâu. Như vậy thì đối với sự hưng thịnh của tự văn [1] vị tất là không có chút ít bổ ích vậy.

Hoàng triều năm Vĩnh Thịnh 8 (1712), mùa thu, sớm ngày lành. Lê Thuần Phủ [2], Tiến sĩ cập đệ khoa Canh Thìn (1700), Hàn lâm viện hiệu thảo, cúi đầu để ở Tiến tu thư hiên.

Bài Tự Dẫn

Tập sách này làm ra từ triều Lý, có trước ngòi bút của Lê văn Hưu, để ghi chép sự việc. Trải qua sự diên cách của các đời, vẫn chưa được đầy đủ.

Vốn nước Việt ta ngày trước, phong tục chuộng sự trong trắng giản dị, chính hóa nảy sinh từ sự hồn nhiên, văn giáo dấy lên từ sự phác dã, lời văn hoa mỹ chưa từng thấy có. Nếu có được chút gì thì chỉ là những chước thuật thu nhặt những điều tục truyền, những lời khẩu thoại. Nhưng xét cho rõ ràng kỹ lưỡng thì càng chưa ghi chép được hết những sự tích của dân đời trước, mà lời lẽ thì lại có chỗ rất vu khoát, có chỗ rất khó hiểu. Khắc cây liễu không cành, sao lại có thể chỉ vạch cho sự phán quyết của người đời sau? Kịp đến ông họ Lý đời Trần mới lại nối thêm phần đuôi vào, tìm khắp nhặt rộng, tập hợp thành quyển sách. Ở chốn hiên nhàn làm việc chỉnh lý trong mấy rhục năm, họ Lý đã tìm tòi nghiên cứu, vất vả tấc lòng, có được chút gì thì cùng không nhiều hơn thế. Dụng công tuy rằng nhiều, việc so sánh nghiên cứu tuy rằng tốt, nhưng chưa được tinh tường về những lời kể ở chốn làng quê, những điều nhớ ở nơi thôn dã, chưa được rành mạch về những câu ngạn ngữ, những lời tục ngữ; nghiền ngẫm ước lượng thì thấy có chỗ sai lẫn, cũng chưa thể cho là đã đi tới chỗ tận diệu vậy. Mà xét kỹ tình trạng ấy, chúng ta có thể nghĩ rằng nếu không lấy việc hỏi kẻ dưới làm điều xấu hổ, đi tìm hỏi những người hiền còn sót lại trong đám ẩn dật thì kết quả thu được há lại chỉ có thế mà thôi ư? Ôi, làm ra từ đời trước, thuật lại vào đời sau, cũng có thể gọi là có lòng với danh giáo vậy.

Ta sinh không gặp thời, bao lần gặp cảnh biến loạn của thế sự, ngồi nơm nớp ở chốn thư song nhàn dật, để cho qua ngày tháng. Vào tiết trọng thu năm Quý Hợi sang nhà Quách Sinh bên họ ngoại, thấy trong hòm có chứa tập sách này; Quách Sinh đưa cho ta xem. Ta bỏ vào tay áo đưa về nhà để tiện xem đọc, thấy ở trong có nhiều chỗ chưa ổn. Cho nên ta để tâm rộng tìm các bậc ẩn dật, rộng nhặt khắp bách gia, đem đối chiếu so sánh, tìm ra phần chủ chốt, phàm những điều mơ hồ khó kê khảo, nếu viết được thì viết vào, nếu bỏ được thì bỏ đi, cốt sao cho ý tứ lưu loát, đầu cuối khớp nhau, mạch lạc liên tục để thuận tiện cho việc xem, việc nghe vậy.

Ấy là muốn công bố trong thiên hạ, hiểu thấu thắng cảnh danh tích xưa nay, há dám có một chút ý riêng trong đó đâu. Cho nên không ngại thiển lậu, mạo muội dẫn lại nguyên ủy sách này, để chờ bậc học rộng đời sau xem xét, đính chính mà đưa vào khuôn mẫu cho. Như thế quả là may mắn.

Năm Giáp Ngọ (1774), đời Cảnh Hưng, mùa thu, ngày tạnh. Chức Chủ bạ bộ Lễ là Hồng đô Chư Cát thị kính cẩn cúi đầu viết bài tựa.

Bài bạt sách “Trùng bộ Việt điện u linh tập toàn biên”

Nước Việt ta lập quốc, sơn kỳ thủy tú, địa linh nhân kiệt, so với các nước trong toàn cầu, thực là anh vĩ đặc biệt, cố nhiên là không chịu nhường ai rồi. Chính khí chung đúc, từ đó xuất hiện đấng thần kỳ, sống làm bậc danh tướng, chết làm bậc danh thần, làm bậc tiết nghĩa, làm bậc trinh liệt; chính khí của các bậc ấy bàng bạc vòng quanh vòm trời xanh, hoặc là tản ra mà thành tiên phong, thành đạo cốt cũng đều lưu truyền bất hủ về sau. Cứ xem trong các sách Công dư tiệp ký, Truyền kỳ mạn lục, Lĩnh Nam chích quái, Tang thương ngẫu lục thì có thể thấy rõ. Nay xét tập sách của ông Lý thì đều là những việc chép trong tự điển [3] triều Trần, ngoài ra thì chưa có đủ, thiếu mất khá nhiều các truyện khác. Tôi quên mình bỉ lậu, đứng ra trùng bổ, đúng là cái kẻ mà ông gọi là người hiếu sự vậy. Có người bảo: “Các truyện về anh liệt chính khí mà bổ sung thêm vào thì đã đành rồi, đến như lại chép các truyện thần thông chân khí như truyện Đạo Hạnh, Minh Không mà phần lớn có tính chất hoang đường thì là cớ sao vậy?”, Xin thưa: “Cố nhiên là quái đản rồi. Nhưng truyện vốn lưu hành ở đời là như vậy đây” Lại thưa: “Chỉ là chép cái điều nghe thấy đấy thôi. Còn nếu như lấy lý mà xét, bỏ cái quái đản, giữ cái hợp lẽ thường thì là việc của người xem, chứ người chép có can dự gì vào đấy kia chứ”.

Xin kính cẩn đề mấy lời bạt ở cuối toàn thiên sách.

Năm Kỷ Mùi (1919), đêm tháng Bảy, Tam Thanh quán Đạo nhân [4] đề lời bạt.

Chú thích:

[1] Tư văn: đạo Nho. Nghĩa rộng là văn minh, văn hóa nói chung.

[2] Lê Thuần Phủ: tên tự của Lê Hữu Hỷ (có bản viết là Lê Đôn Phủ)

[3] Tự điển: Sách chép về các miếu đền, về các vị thần đã được Nhà nước phong kiến chính thức công nhận, về phép tắc thể lệ cúng tế ở miếu đường.

[4] Tam Thanh quán Đạo nhân: tên hiệu của Ngô Giáp Đậu.