THƯ GỞI CHO HỌC SINH CŨ ĐỂ THAY LỜI GIỚI THIỆU

Các em học sinh cũ thân mến,

Ngày xưa, khi tôi còn là học sinh trung học, trong những câu chuyện mà thỉnh thoảng thầy kể cho chúng tôi nghe, tôi còn nhớ một chuyện cảm động xảy ra trong thời Đệ nhị Thế chiến. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, chuyện nầy vẫn còn trong ký ức tôi, nhưng nhiều chi tiết về tên người và địa danh đã bị nhòe đi vì năm tháng. Mặc dù vậy, hôm nay tôi vẫn muốn kể lại cho các em nghe câu chuyện ngày xưa đó.

Vào năm 1944, trong một trại tù binh của Nhật Bản tại một xứ ở vùng Nam Á, có một đôi bạn tù, một là người Anh, một là người Indonêsia. Ho thân nhau vì cùng ở chung một phòng giam và thường bị còng chung. Họ không nói chuyện được với nhau vì ngôn ngữ bất đồng, nhưng tình thương thì ngày một phát triển qua những tháng dài khổ dịch.

Công việc nặng nhọc, ăn uống thiếu thốn, ngày ngày bị hành hạ dã man, cơ thể lại mang đầy vi trùng sốt rét..., tù binh lần lượt ngã gục. Thần chết lặng lẽ mang từng linh hồn, từng linh hồn ra đi. Lúc đầu người ta còn xúc động khi chứng kiến một người bạn tù vĩnh biệt. Dần dần, sự chết chóc xảy ra thường xuyên làm cho tâm hồn họ chai lỳ. Họ uể oải đào huyệt trên nền đất cứng, họ thản nhiên đặt xác bạn mình xuống đó. Họ quá mệt mỏi, có khi không còn đủ sức đọc hết bài kinh cầu nguyện cho linh hồn người chết.

Tử thần bay qua lượn lại trên những trại tù. Một hôm, Tử thần vươn dài tay, đặt lưỡi hái vào đúng người bạn tù Indonêsia của chúng ta. Trước khi nhắm mắt, anh nắm tay người bạn xứ Anh, đôi mắt thẫn thờ nhìn vào cõi hư vô, miệng nói lời trăng trối. Anh muốn nhắn bạn mình, nếu sống sót qua chiến tranh, hãy đến gia đình báo tin và an ủi những người thân ở quê nhà. Người Anh hiểu ý muốn của bạn, không phải qua lời nói mà qua cái nhìn của người sắp chết. Từ đôi mắt lờ đờ, có một tia nhỏ như cây kim chạy xuyên qua quả tim và khối óc của người Anh. Người Anh siết tay bạn, thổn thức:

- Tôi hứa, tôi xin hứa làm theo lời bạn dặn.

Ngọn gió Đông Nam thổi ào ào qua tàn lá, thốc vào căn trại làm rung rinh ánh đèn vàng vọt. Người Anh cảm thấy môi trên của bạn mình khẽ nhếch lên. Một nụ cười mãn nguyện, một lời cám ơn không thành tiếng nói? Có lẽ cả hai. 

Bàn tay người chết buông xuôi. Người Anh vuốt mắt bạn mình và ngạc nhiên khi thấy tay mình chạm vào một giọt nước, không hiểu làm sao tiết ra được từ cơ thể khô héo nầy. Anh nghẹn ngào lập lại: 

- Tôi xin hứa, không phải với bạn nữa mà với linh hồn đáng thương của bạn.

Một năm trôi qua trong các cánh rừng già nhiệt đới, người Anh và một số ít người khác đã chiến thắng số mệnh, tránh khỏi lưỡi hái của Thần Chết và được quân đội Đồng Minh giải thoát. Anh trở về nước trong tư thế kẻ thắng trận, ân nhân của dân tộc Anh và của cả loài người.

Chưa có vợ con nên sau một năm dưỡng bệnh và nghỉ ngơi, năm 1946, anh gom góp tiền bạc, lên đường sang Indonêsia để thực hiện lời hứa trong tù. Công việc cực kỳ khó khăn vì anh chỉ biết tên người bạn qua các lần điểm danh còn địa chỉ thì vỏn vẹn một chữ DJAKARTA mà thôi!

Djakarta rộng mênh mông vì đây là thủ đô của một đất nước có đến hơn một trăm triệu dân. Anh đến bộ Quốc phòng, bộ Nội vụ và nhiều cơ quan khác để hỏi tung tích người đã mất. Chẳng được kết quả gì. Một nước lạc hậu, sau chiến tranh thì có một núi công việc để làm hơn là truy tìm tung tích của một người. Công cuộc tổ chức lại xã hội sau khi thoát khỏi sự chiếm đóng của phát xít Nhật và trong thời kỳ tranh đấu cho nền độc lập hoàn toàn để chấm dứt sự cai trị của thực dân Hà Lan làm cho mọi người quá bận rộn nên công việc dò la của anh trở thành lạc điệu.

Anh tìm mua một tấm bản đồ của thủ đô Djakarta. Anh đánh số các con đường và quyết định một cách điên cuồng là lần theo từng khu phố, đi hỏi từng nhà bằng câu tiếng bản xứ mà anh mới học được: 

- Đây có phải là nhà của ông..., bị mất tích trong Đệ nhị Thế chiến hay không?

Thế là sau gần ba tháng đến Djakarta và mất thì giờ một cách vô ích với các cơ quan của chính phủ, anh bắt đầu công việc mò kim đáy biển.

Ngày thứ nhất trôi qua mà chẳng có kết quả gì. Rồi các ngày kế tiếp, các tháng kế tiếp lần lượt đi qua. Anh lặp đi lặp lại động tác rung chuông hay gõ cửa, nói trọ trẹ bằng tiếng địa phương câu hỏi trên đây và luôn luôn nhận được vẻ mặt ngạc nhiên và cái lắc đầu của người đối diện.

Một buổi chiều, khi về khách sạn, anh đánh dấu trên bản đồ quãng đường đã đi qua trong ngày. Số thứ tự các con đường tăng lên một cách chậm chạp vì các con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo không có trong bản đồ. Hàng trăm lần, anh tự nhủ không được nản chí và bỏ cuộc. Thỉnh thoảng, quá mệt mỏi, anh nghỉ ngơi vài ngày, đi du lịch đó đây cho khuây khỏa để lấy lại sức và lòng can đảm. Anh cũng thường gửi thư về nhà cho người thân và cho bạn bè. Mọi người đều thông cảm và xót xa; họ gởi tiền để yểm trợ cuộc sống của anh.

1948, hơn hai năm dài dằng dặc đã trôi qua, lòng hăng hái và hy vọng tàn lụi dần theo năm tháng. Một buổi sáng, anh bước vào một căn nhà nhỏ tồi tàn với một tâm trạng lãnh đạm và thờ ơ, khác xa với thái độ hăng hái của những ngày đầu tiên.

Gian nhà nhỏ bé, nghèo nàn. Tựa vào tấm vách cuối phòng là một bàn thờ đơn sơ. Anh đứng sững, trố mắt nhìn tấm ảnh trên bàn thờ. Trời ơi! Một khuôn mặt! Khuôn mặt tuy còn rất trẻ nhưng rất quen thuộc đối với anh. Khuôn mặt nầy, trước đây hàng đêm đối diện với anh, vì tay còng chung thì không thể ngoảnh mặt sang phía khác được.

Một bà già xuất hiện ở bệ cửa cuối phòng. Anh la lớn câu hỏi quen thuộc, giọng lạc hẳn đi. Bà già trố mắt nhìn anh, miệng há hốc. Bà không hiểu thiên thần hay ác quỷ đang xuất hiện. Tuy nhiên, bà cũng run run đáp lời:

- Đúng, nó là con trai duy nhất của tôi.

Chưa dứt lời, bà già ôm mặt khóc òa. Anh cũng khóc theo. Khi bạn anh chết, anh không hề khóc. Còn bây giờ, sau hơn hai năm thực hiện lời hứa, anh có cảm tưởng như đi tìm người thân nhất đời.

Anh đã đi đến nơi và anh đứng khóc như một đứa trẻ thơ...

Câu chuyện đến đây là hết. Thầy tôi kết luận:

- Con người như thế thì không bao giờ nuốt lời hứa. Khi không thực hiện lời đã hứa thì họ không bao giờ tha thứ cho mình được.

Thầy tôi không giải thích thêm «con người như thế» là gì nhưng trong thâm tâm chúng tôi đều hiểu và lòng tự nhủ lòng rằng mình phải là con người như thế.

Rõ ràng câu chuyện có tác dụng rất cao về giáo dục chữ tín. Thầy tôi cũng không nói đây là câu chuyện có thực một trăm phần trăm hay là một chuyện ngắn tưởng tượng của ai đó. Nhưng dù thế nào đi nữa, câu chuyện cũng làm cho tôi xúc động sâu xa. Có lẽ nhờ đó mà sau này, hứa với ai điều gì thì tôi cố gắng làm tròn lời hứa đó.

Đối với các em học sinh cũ của tôi, có một lời hứa mà tôi đã lặp đi lặp lại hàng trăm lần. Tuy không nghiêm trọng bằng lời hứa của người Anh trong câu chuyện, nhưng dù sao, đó cũng là một lời hứa mà tôi vẫn không quên.

Trong mấy chục năm đứng trên bục giảng, tôi thường bắt chước thầy tôi, giáo dục các em bằng những câu chuyện. Tôi không thích chuyện tưởng tượng của người khác, nên tôi thường kể những chuyện có thực trong cuộc đời mà tôi đã chứng kiến.

Tôi đã có dịp đi đây đi đó nhiều nơi trên dải đất miền Nam thân yêu, từ Quảng Trị đến Cà Mau, nên những câu chuyện của tôi thường gắn liền với những địa phương mà tôi đã đi qua. Có lần, học sinh gọi những phút kể chuyện nầy là tiết mục «ca tụng giang sơn gấm vóc». Tôi rất vui trong lòng khi thấy tiết mục ca tụng giang sơn gấm vóc nầy làm cho các em ưa thích hơn những bài địa lý khô khan.

Có lẽ tôi đã mô tả giang sơn gấm vóc của chúng ta qua tâm tình và sự xúc động chân thành của tôi. Từ khi con rất bé, tôi đã ngẩn ngơ khi lần đầu tiên đứng trước vịnh Cam Ranh, nhìn những dãy núi xanh lơ bao quanh một vùng nước bạc mênh mông. Tôi đã ngây ngất khi đi xuyên qua khu rừng Vĩnh Viễn xanh tươi, say đắm ngắm nhìn con đường cái quan ngoằn ngoèo trên quãng đường đèo An Khê, trườn mình uốn lượn giữa vùng cây lá bạt ngàn. Tôi đã cảm thấy lòng phơi phới khi đi trên những con đường làng rợp bóng mát của vùng đồng bằng Cửu Long, hay trên những bờ kênh êm ả, một bên là dòng nước đục phù sa, một bên là ruộng lúa mênh mông, cò bay thẳng cánh...

Lòng yêu nước không thể sinh ra từ những bài học khô khan hay những bài diễn văn đầy sáo ngữ. Lòng yêu nước phải xuất phát từ những rung động trong tim khi đứng trước những cảnh trí tuyệt vời của đất nước thân yêu.

Tôi biết các em không được may mắn đi đây đi đó như tôi, nên tôi muốn truyền lại cho các em sự rung cảm mà tôi có, tôi muốn ươm trong lòng các em mầm mống của lòng yêu nước. Vì lòng yêu nước tạo nên hạnh phúc cao sang nhất của cuộc đời.

Xen với những câu chuyện ca tụng giang sơn gấm vóc, tôi cũng thường kể cho các em nghe các mẩu chuyện thực bên ngoài học đường, vì tôi không muốn các em mang cả một bầu ảo tưởng để vào đời. Cuộc đời này có biết bao nhiêu cái đẹp lẫn với lắm điều xấu xa. Tôi muốn các em ý thức rõ cái đẹp cũng như cái xấu để tự định cho mình một hướng đi thực tế, khôn ngoan và phù hợp với đạo lý làm người.

Tôi sung sướng thấy các em bao giờ cũng khao khát nghe những câu chuyện của tôi. Nhưng tiếc thay, những giây phút đó quá ít ỏi. Từ khi bắt đầu ra dạy, tôi luôn luôn bị «trấn» vào các lớp đi thi. Chương trình thì quá nặng, trách nhiệm đối với kỳ thi của các em thì quá lớn, làm sao tôi dám buông lơi. Vì vậy năm nào cũng thế, lớp nào cũng thế, các em đòi hỏi «kể chuyện «đời», và trong hầu hết các trường hợp, tôi đành hứa với các em: «đến khi có dịp». Thực ra, chẳng có dịp nào cả, khi thầy trò mải miết chạy theo chương trình học và đến cuối năm thì chia tay.

Các em lên đại học hoặc ra kiếm sống trong cuộc đời, công việc bận rộn tẩy xóa dần sự yêu thích nghe thầy kể chuyện. Còn tôi thì ở lại đón nhận lớp đàn em, lại tiếp tục chạy thanh toán chương trình và nói những lời hứa suông.

Bây giờ, tôi ngồi đây một mình, thảnh thơi với tuổi già, không còn tất bật với công việc mà cuộc đời đã giao phó cho tôi. Tôi đang có quá nhiều thời giờ để kể chuyện đời cho các em nghe, nhưng các em như đàn chim đã lần lượt lìa tổ ấm quá lâu, cuộc đời đã kể cho các em nghe ngàn vạn câu chuyện hay ho và hấp dẫn hơn những câu chuyện mà tôi đã hứa với các em. Lời hứa của tôi xưa kia, các em không còn nhớ nữa để đòi. Nhưng tôi thì vẫn nhớ, nhớ một cách êm đềm với nỗi buồn thoang thoảng, mênh mang.

Tôi nhắm mắt lại, bước những bước dài vào dĩ vãng. Tôi đứng trước mặt các em trong lớp học ấm cúng. Tôi nhìn những đôi mắt thơ ngây, hồn nhiên và trong sáng của các em; tôi bắt đầu kể cho các em nghe vài mẩu chuyện đời, những mẩu chuyện của chính cuộc đời mình...

Tôi đặt viết vào trang giấy nhưng cây viết vẫn đứng yên. Ở cái tuổi bảy mươi, khi muốn đưa dĩ vãng về hiện tại, thì mọi thứ cùng lúc đổ dồn về một cách ào ạt. Trong cái đám hỗn độn đó tôi phải chọn lựa một góc nho nhỏ thì mới có thể trình bày cho mạch lạc được.

Tôi nhớ lại vào khoảng năm 1967, nghĩa là cách nay độ ba mươi chín năm, trong lớp đệ nhất, tức là lớp mười hai, mà tôi hướng dẫn có một học sinh rất giỏi và rất ngoan, tháng nào em cũng đứng nhất lớp và cuối năm lãnh phần thưởng toàn trường. Một hôm, trước giờ vào lớp, tôi hỏi em:

- Sau này học xong em thích làm nghề gì?

Em nhìn tôi và trả lời không chút lưỡng lự:

- Thưa thầy, con sẽ làm cô giáo!

Nói xong em cười. Tôi đọc được trong nụ cười đó một nét rạng rỡ đáng yêu. Tôi hỏi tiếp:

- Tại sao em thích làm cô giáo?

Em lại mỉm cười:

- Tai còn thích được đi dạy như thầy, được bắt chước phong cách của thầy. Con sẽ học cách thầy chào học sinh khi vào lớp, cách thầy đứng giảng bài, một tay cầm phấn, một tay đưa ra trước như mời mọc học sinh thu nhận kiến thức của thầy.

Tôi lặng người vì lời khen đó của đứa học trò nhỏ. Tôi không có thói quen tự đề cao mình trước mặt người khác, nhưng với lời khen mà đứa học trò vừa ban cho tôi thì tôi nỡ lòng nào không nhận. Bây giờ tôi vẫn còn nhớ khuôn mặt thùy mị, thơ ngây, tươi vui của em và tôi bỗng bật cười khi chợt nghĩ rằng câu chuyện xảy ra cách nay đã hơn một phần ba thế kỷ, em đã già và có thể đã trở thành bà nội, bà ngoại rồi. 

Hết năm học đó, tôi chuyển trường và chuyển chỗ ở, không còn gặp em nữa, nên không biết em có được làm cô giáo như nguyện vọng thời thơ ấu hay không. Lời khen của đứa học trò nhỏ vẫn văng vẳng bên tai tôi trong mấy chục năm trời và đó chính là phần thưởng cao quý nhất mà tôi nhận được trong nghề nghiệp của mình.

Nhờ nhớ lại chuyện cũ mà bây giờ tôi tìm được đề tài để viết rồi đây. Tôi sẽ viết lại những bài học mà tôi nhận được ở thầy, ở bạn và ở cả học trò trong đời tôi. Chính những bài học đó đã giúp tôi trau dồi khả năng giáo dục, hoàn thành phần nào bổn phận của mình đối với xã hội, được nhận lời khen của đứa học trò nhỏ xưa kia và được hưởng cuộc sống thanh thản ngày nay. Tôi cũng mong những bài học đó cũng trở thành những bài học cho các thầy cô đàn em của tôi. Nếu được như thế thì nguồn vui trong tuổi già của tôi được tăng lên gấp bội.