Những người đàn bà mắt đen

Những truyện trong bản gốc cuốn The Refugees được công bố lần đầu trên những ấn phẩm sau: “Black-Eyed Women” trên tờ Epoch, 64.2; “The Other Man” (với tựa “A Correct Life”), trên Best New American Voices 2007; “War Years” (với tựa “The War Years”) trên TriQuarterly, 135/136; “The Transplant” (với tựa “Arthur Arellano”), trên Narrative, số mùa Xuân 2010; “I’d Love You to Want Me” (với tựa “The Other Woman”), trên Gulf Coast, 20.1; “The Americans” trênChicago Tribune, số tháng Mười hai 2010; “Someone Else Besides You” trên Narrative, số mùa Đông 2008; “Fatherland” trên Narrative, số mùa Xuân 2011.

Tặng những người tị nạn, ở bất cứ đâu

Tôi viết sách này cho những hồn ma vốn là nhóm duy nhất ở với thời gian bởi vì họ ở ngoài thời gian. 

Roberto BolañoAntwerp 

Những thứ ám ảnh bạn không phải là những ký ức của bạn 

Không phải những điều bạn đã viết ra 

Mà là những điều bạn đã quên, bạn phải quên 

Những điều bạn phải tiếp tục quên suốt cả đời mình. 

James FentonA German Requiem

 

Những người đàn bà mắt đen

Tiếng tăm đến đột ngột, thường là thứ mà người bình thường không mong nó đến với mình, chẳng hạn như bị bắt cóc và cầm tù nhiều năm, chịu nhục nhã trong một vụ bê bối tình dục, hoặc sống sót qua một biến cố thảm khốc. Những người ấy cần người chấp bút, giúp ghi lại câu chuyện của mình, và người đại diện họ có thể thi thoảng vớ được tên tôi. “May quá, tên tuổi của mày không được nhắc đến,” má tôi nói thế. Khi tôi trả lời rằng tôi sẽ không phiền nếu được nhắc đến trong lời cảm ơn ở các cuốn sách, bà nói, “Ðể tao kể mày nghe một chuyện.” Có thể đây là lần đầu tiên tôi nghe câu chuyện này, nhưng không phải lần cuối cùng. “Hồi kia ở xứ mình,” bà nói tiếp, “có một tay phóng viên lên tiếng chỉ trích chính phủ tra tấn tù nhân. Thế là chính phủ cho hắn nếm đúng cái thứ mà hắn tố cáo chính phủ đã làm. Họ bỏ tù hắn và hắn bị mất tích. Ðó là chuyện xảy ra cho mấy đứa ghi tên mình dưới bài viết nào đó.”

Vào thời điểm Victor Devoto chọn tôi, tôi đã chấp nhận vai trò của một tác giả viết thuê không có tên trên bìa sách. Ðại diện xuất bản đưa cho ông xem một cuốn mà tôi đã viết, tác giả danh nghĩa của cuốn này là cha của một cậu trai từng bắn và giết nhiều người trong trường của cậu ấy. “Tôi thấu hiểu cảm giác tội lỗi của người cha,” Victor nói với tôi. Ông là người sống sót duy nhất trong một vụ rơi máy bay, một trăm bảy mươi ba người đã thiệt mạng, trong đó có cả vợ và các con của ông. Ông xuất hiện trong các chương trình trò chuyện trên truyền hình, nhưng chỉ là cái xác không hơn không kém. Một giọng nói đều đều nhỏ nhẹ, đôi mắt mỗi khi ngước lên, dường như còn giữ mãi hình bóng của đoàn người than khóc. Chủ nhà xuất bản bảo phải gấp rút hoàn tất câu chuyện khi khán giả còn nhớ thảm kịch đó, và đây là mối bận tâm của tôi vào ngày mà người anh quá cố hiện về với tôi.

Má đánh thức tôi dậy khi ngoài trời còn tối om, nói, “Ðừng sợ.”

Cửa phòng đang mở, ánh đèn từ hành lang làm tôi chói mắt. “Sao con phải sợ?”

Khi bà nhắc đến tên anh, tôi không nghĩ tới anh ngay. Anh mất đã lâu. Tôi nhắm mắt lại và nói con đâu quen ai có tên đó, nhưng bà vẫn kiên trì. “Nó về đây thăm nhà mình,” bà nói, kéo cái mền tôi đang đắp và lay giật cho đến khi tôi mắt nhắm mắt mở, ngồi nhổm dậy. Bà đã sáu mươi ba, đôi khi hơi lẫn, nên khi bà dẫn tôi ra phòng khách và bật khóc, tôi không ngạc nhiên mấy. “Nó ở ngay đây,” bà quỳ xuống bên chiếc ghế bành bọc vải hoa và rờ mặt thảm. “Còn ướt nè.” Bà bò tới cửa trước trong bộ đồ ngủ vải bông, theo dấu vết đó. Khi tôi chạm vào mặt thảm, thấy còn ẩm ướt. Trong thoáng chốc tôi giật thót người tin thật, sự im lặng của ngôi nhà lúc bốn giờ sáng làm tôi lo ngại. Rồi tôi nghe thấy tiếng mưa rơi trên máng xối, và nỗi sợ đang siết cổ tôi dần nới lỏng ra. Má tôi chắc đã mở cửa, bị mắc mưa nên quay trở vào. Tôi ngồi xuống bên cạnh khi bà nép sát cửa, tay đặt trên nắm đấm, “Má cứ hay tưởng tượng chuyện bóng gió!”

“Tao biết tao nhìn thấy gì chứ.” Gạt tay tôi khỏi vai, bà đứng dậy, sự giận dữ lấp lánh trong đôi mắt tối thẫm của bà. “Nó lướt đi. Nó nói chuyện. Nó muốn gặp mày.”

“Vậy anh ấy đâu hả má? Con có thấy ai đâu?”

“Dĩ nhiên mày không thấy.” Bà thở dài, cứ như tôi là đứa không hiểu được điều hiển nhiên. “Nó là hồn ma mà?”

Từ hồi ba mất cách đây mấy năm, má con tôi sống nương tựa vào nhau. Cả hai cùng mê câu chữ, nhưng tôi thích sự im lặng trong việc viết lách còn bà lại thích nói. Bà thường xuyên kể cho tôi nghe những lời đồn và những câu chuyện, loại chuyện duy nhất tôi thích là về cha tôi hồi ông còn là một người mà tôi không biết, trẻ và hạnh phúc. Rồi đến những chuyện kinh hoàng kiểu như chuyện về anh phóng viên, với bài học rút ra là cuộc đời cũng giống như đám cảnh sát, thích lâu lâu lại đánh đập dằn mặt con người ta. Sau cùng là loại chuyện ma ưa thích của bà, thứ đó bà biết nhiều, một số là chuyện chính bà đã gặp.

“Dì Sáu mày bị bệnh tim mất hồi bảy mươi sáu tuổi,” má nói với tôi một, hai, hay có thể ba lần, lặp lại là thói quen của bà. Tôi chẳng bao giờ tin những chuyện bà kể. “Dì sống ở Vũng Tàu còn nhà mình ở Nha Trang. Tao đang dọn cơm ra bàn thì thấy dì Sáu mày mặc đồ ngủ ngồi đó. Mái tóc dài muối tiêu của dì ấy thường được bó thành búi bữa đó xổ ra phủ xuống vai rồi che luôn mặt. Tao thiếu điều làm rớt mớ chén dĩa. Khi tao hỏi dì ấy làm gì đó, dì ấy chỉ mỉm cười, đứng dậy, hun tao, rồi xoay tao về phía nhà bếp. Khi tao quay lại dòm thì dì ấy biến mất tiêu. Ðó là hồn của dì ấy. Dượng mày xác nhận lúc tao gọi điện. Dì mới mất ngay sáng đó.”

Dì Sáu ra đi thanh thản, theo má tôi kể, hồn của dì chỉ đi lòng vòng ở nhà và bên gia đình để từ biệt thôi. Má tôi lặp lại câu chuyện về dì khi má con tôi ngồi ở bàn ăn vào buổi sáng mà bà nói đã thấy anh tôi. Tôi đã pha một ấm trà xanh và đo thân nhiệt cho bà mặc dầu bà phản đối, kết quả là nhiệt độ bình thường như bà đã tiên đoán. Vẩy vẩy nhiệt kế về phía tôi, bà nói chắc anh tôi biến mất vì mệt. Dù sao thì anh ấy cũng vừa vượt qua cuộc hành trình dài băng Thái Bình Dương.

“Sao anh ấy tới đây được?”

“Nó bơi.” Bà nhìn tôi với ánh mắt tội nghiệp. “Bởi vậy nên nó mới ướt.”

“Ảnh bơi giỏi lắm đó,” tôi đùa cho bà vui. “Má thấy ảnh làm sao?”

“Y như hồi xưa.”

“Hăm lăm năm rồi. Ảnh không thay đổi gì hết sao?”

“Người ta lúc nào cũng y như lúc mình thấy lần cuối.”

Tôi nhớ anh ấy trông ra sao vào lần cuối đó, nó khiến mọi ý nghĩ cợt nhã trong tôi chợt tan biến. Vẻ sửng sốt trên mặt anh, đôi mắt mở to, mảnh ván vỡ ra từ sàn tàu ép vào ngực anh – tôi không muốn thấy lại hình ảnh ấy nữa, và vờ như đang nhìn thứ gì hoặc ai đó khác. Sau khi má đi làm, tôi cố ngủ lại nhưng không được. Mỗi khi nhắm mắt thì anh ấy lại nhìn tôi đăm đăm. Lúc này tôi mới nhận ra đã mấy tháng rồi mình không nhớ tới anh. Từ lâu tôi đã cố quên anh ấy, nhưng chỉ cần ngang qua một góc rẽ nào trong cuộc đời này hoặc trong tâm trí là tôi đâm sầm ngay vào anh, người bạn thân nhất của tôi. Trong chừng mực còn nhớ được, tôi vẫn nghe thấy tiếng anh đang gọi ở ngoài ngôi nhà của chúng tôi. Ðó là tín hiệu để theo bước anh qua những đường ngang ngõ dọc trong làng, qua những vườn xoài vườn mít, lách tránh những cây dừa gãy đổ và hố bom để ra đến con rạch và cánh đồng. Hồi đó, đấy là một tuổi thơ bình thường.

Nhưng giờ nhìn lại, tôi thấy rằng tụi tôi đã trải qua tuổi trẻ tại một xứ sở bị ma ám. Ba tôi bị động viên, và cả nhà sợ rằng ông có thể chẳng bao giờ trở về nữa. Trước khi đi, ông đã đào một chỗ tránh bom kế bên nhà, một hầm trú ẩn đắp bao cát với nóc kết bằng cây gỗ. Mặc dù nó nóng và ngộp, ngập mùi đất và lúc nhúc sâu bọ, nhưng lúc nhỏ tụi tôi vẫn xuống đó chơi. Khi lớn hơn, tụi tôi chui xuống hầm để học và kể đủ chuyện. Tôi là đứa học giỏi nhất trường, đủ xuất sắc để ông thầy dạy thêm cho tôi tiếng Anh sau giờ học, những bài tôi cho anh học chung. Bù lại, anh ấy kể tôi nghe những chuyện hoang đường, chuyện dân gian và dăm ba lời đồn đại. Khi máy bay gào rú trên trời và tụi tôi với má rúm vào nhau trong hầm, anh thì thầm kể chuyện ma vào tai tôi để tôi tạm quên. Có điều, anh ấy nhấn mạnh, nó không phải chuyện ma. Ðó là chuyện có thật theo những nguồn đáng tin cậy, từ những bà già xưa nhai trầu và nhổ nước cốt trầu trong khi ngồi chồm hổm trong chợ, coi ngó mấy lò than hay mấy rổ hàng. Những cư dân kiên trì ở lại mảnh đất của chúng tôi, theo lời họ kể, có cả nửa thân trên của một trung úy Ðại Hàn, bị mìn tống bay lên mấy nhánh cây cao su; một gã Mỹ da đen bị lột da đầu nổi lềnh bềnh dưới một con rạch không xa chỗ chiếc trực thăng rơi, đôi mắt và khối bán nguyệt của bộ óc gã lộ ra, lấp lánh trên mặt nước; một binh nhì Nhật bị chặt đầu mò mẫm trong những bụi khoai mì để tìm lại cái đầu. Những kẻ xâm lăng đó đến để chiếm mảnh đất của chúng tôi và chẳng thể trở về quê nhà được nữa, mấy bà già kể, cười khùng khục và phô hàm răng nhuộm đen, hoặc như anh tôi kể lại thế. Trong bóng tối, tôi hào hứng đến run người như tận tai nghe thấy tiếng những người đàn bà mắt đen, và tôi nghĩ có lẽ mình sẽ chẳng bao giờ kể được những câu chuyện như thế.

Vậy có trớ trêu không khi tôi kiếm sống bằng nghề viết thuê? Tôi tự chất vấn mình khi nằm trên giường vào buổi trưa, nhưng các bà mắt đen và răng đen đó nghe được tôi. Mày gọi thứ mày có đây là cuộc sống sao? Răng của họ kêu lạch cạch khi họ cười tôi. Tôi kéo mền đắp lên tới mũi, theo kiểu tôi quen làm trong những năm đầu trên đất Mỹ, vì sợ những sinh vật không chỉ lẩn lút ở hành lang mà còn lang thang xung quanh nhà. Ba má luôn nhìn qua màn cửa phòng khách trước khi đáp lại bất kỳ tiếng gõ cửa nào, vì ngại những đồng bào trẻ tuổi của mình, những cậu trai đã biết về bạo lực do lớn lên trong thời chiến. “Ðừng mở cửa cho người lạ,” má cảnh báo tôi, một, hai, ba lần. “Mình đâu muốn kết thúc giống gia đình bị chĩa súng trói lại. Tụi nó dí thuốc lá vào thằng bé sơ sinh cho đến khi bà mẹ khai ra chỗ giấu tiền.” Thời thanh niên Mỹ của tôi bị nhồi đầy những câu chuyện khốn nạn như thế, tất cả làm bằng chứng cho những điều má tôi nói, rằng chúng tôi không thuộc về nơi này. Trong một xứ sở mà tài sản định giá trị mọi thứ, chúng tôi chẳng có của cải gì ngoài những câu chuyện.

Khi tiếng gõ cửa đánh thức tôi dậy, ngoài trời còn tối đen. Ðồng hồ của tôi chỉ 6 giờ 35 tối. Tiếng gõ lại vang lên, nhẹ nhàng, dò dẫm. Tự nhiên tôi biết ngay đó là ai. Tôi đã khóa cửa phòng ngủ để phòng chuyện này, và bây giờ tôi kéo mền trùm cả đầu, tim tôi đập thình thịch. Tôi muốn anh ấy biến đi, nhưng khi anh ấy vặn lạch cạch nắm đấm cửa, tôi biết mình không thể làm gì khác ngoài việc bò dậy. Những sợi lông tơ trên người tôi đều dựng đứng cả lên trong khi tôi nhìn theo nắm đấm cửa run run dưới sức mạnh của tay anh. Tôi tự nhủ rằng anh ấy đã hy sinh mạng sống vì tôi, điều tối thiểu tôi có thể làm là mở cửa ra.

Anh trương phình và nhợt nhạt, tóc mượt như lông chim, nước da tối, mặc quần đùi đen và áo thun xám tả tơi, chân tay khẳng khiu. Lần cuối cùng trong mắt tôi, anh ấy cao hơn tôi một cái đầu, bây giờ tình hình đôi bên đảo ngược. Khi anh gọi tên tôi, giọng anh khản và bực bội, chẳng hề giống giọng nam cao thanh niên của anh. Tuy nhiên, đôi mắt anh vẫn vậy, soi mói, cũng như đôi môi, hơi hở ra, luôn chuẩn bị nói. Một vết bầm tím với quầng đen ánh lên ở thái dương bên trái của anh, nhưng vết máu mà tôi còn nhớ đã biến mất, bị rửa trôi, tôi nghĩ vậy, vì nước mặn và bão tố. Cho dù trời không mưa, anh vẫn ướt sũng. Tôi có thể ngửi thấy mùi biển ở anh, và tệ hơn, tôi ngửi được con thuyền, nồng nặc với mùi mồ hôi và chất thải của người.

Tôi run rẩy khi anh gọi tên mình, nhưng đây là hồn ma của một người tôi yêu thương và không bao giờ làm hại, loại hồn ma, như má tôi từng nói, sẽ không bao giờ làm hại tôi. “Vào đi,” tôi nói, với tôi đây có vẻ là điều dũng cảm nhất mà tôi nói ra được. Không nhúc nhích, anh nhìn tấm thảm mà anh đang nhỏ nước xuống đó. Khi mang cho anh một cái áo thun và quần đùi sạch, cùng với chiếc khăn, anh nhìn tôi chờ đợi cho tới khi tôi quay người đi để anh thay quần áo. Bộ đồ đó là thứ chật nhất của tôi nhưng vẫn là quá rộng với anh ấy, cái quần đùi dài tới đầu gối, áo thun thì thùng thình. Tôi ra hiệu cho anh vào, và lần này anh nghe lời, ngồi trên chiếc giường nhăn nhúm của tôi. Anh tránh không nhìn vào mắt tôi, có vẻ như anh sợ tôi nhiều hơn tôi sợ anh. Tuy anh vẫn mười lăm tuổi nhưng tôi đã băm tám, không còn là đứa con gái nghịch phá ngoại hạng, ngại nói chuyện trừ khi có mục đích rõ rệt, như lúc tôi phỏng vấn Victor. Việc làm nghề viết thuê, dù chỉ là hạng ba hay hạng tư, thì những phép xã giao cơ bản tôi vẫn dư sức thực hiện. Nhưng người ta biết nói gì với một hồn ma, ngoài việc hỏi tại sao họ có mặt ở đây? Tôi sợ câu trả lời, nên chỉ nói, “Sao giờ anh mới tới?”

Anh nhìn những ngón chân với bộ móng để trần của tôi. Có lẽ anh đoán được tôi không giỏi gần trẻ con. Việc làm một người mẹ là quá sức đối với tôi, cũng như những mối quan hệ kéo dài hơn một đêm.

“Anh đã phải bơi. Phải mất rất lâu mới vượt được xa như thế, phải không?”

“Ừ.” Miệng anh vẫn hở ra, cứ như anh muốn nói thêm nhưng không chắc chắn phải nói gì hoặc nói như thế nào. Có lẽ lần hiện hồn này là hệ quả đầu tiên của thứ mà má tôi coi là bản chất không tự nhiên của tôi, độc thân và không con cái. Có lẽ anh không phải là sản phẩm từ trí tưởng tượng của tôi mà là một triệu chứng của điều gì sai hỏng, như chứng ung thư đã giết ba tôi. Ông cũng có một cái chết lành, theo má tôi, ngay tại nhà và bên cạnh người thân của mình, không giống chuyện xảy đến với con trai ông và, suýt nữa, xảy đến với cả tôi. Nỗi hoảng loạn bốc lên từ cái giếng sâu không đáy mà tôi đã đậy kín bằng bê tông, và tôi chợt thấy nhẹ nhõm khi nghe tiếng cửa trước mở ra. “Má chắc muốn gặp anh đấy,” tôi nói. “Ðợi đây đi. Em quay lại liền.”

Khi trở lại, chúng tôi chỉ thấy bộ đồ sũng nước của anh và cái khăn ướt. Má cầm cái áo thun xám lên, y như cái áo anh đã mặc trên chiếc thuyền màu xanh có vẽ hai con mắt đỏ đó.

“Bây giờ mày biết rồi đó,” má tôi nói. “Ðừng bao giờ quay lưng lại với một hồn ma.”

Cái quần đùi đen và áo thun xám bốc mùi nước biển và bết nặng không chỉ vì ngấm nước. Khi tôi cầm chúng vào bếp, sức nặng của mớ quần áo trên tay tôi là sức nặng của bằng chứng. Tôi đã thấy anh ấy mặc bộ này hàng chục lần. Tôi còn nhớ lúc cái quần đùi ban đầu không phải đen vì cáu bẩn mà có màu xanh dương, lúc cái áo thun không phải màu xám và tả tơi mà còn màu trắng và sạch sẽ. “Giờ mày tin chưa?” má nói, giở nắp đậy máy giặt lên. Tôi ngần ngừ. Có người nói niềm tin cháy bỏng bên trong họ, nhưng niềm tin mới tìm được này lại lạnh buốt đối với tôi. “Dạ,” tôi nói. “Con tin.”

Máy giặt kêu rầm rì ở phía sau khi má con tôi ngồi ăn tối trong nhà bếp, không khí đẫm mùi đại hồi và gừng. “Ðó là lý do mà nó phải mất nhiều thời gian như vậy,” má tôi vừa nói vừa thổi chén xúp nóng. Không có gì làm giảm cảm giác ngon miệng hay làm sứt mẻ được cái bao tử gang thép của bà, kể cả những biến cố trên cái thuyền đó hay chuyện con trai bà hiện về. “Nó bơi nguyên quãng đường đó mà.”

“Dì Sáu sống cách xa mấy trăm cây số mà má còn gặp trong cùng một ngày mà.”

“Hồn người ta đâu có sống theo luật của mình. Mỗi hồn mỗi khác. Hồn tốt, hồn xấu, hồn sướng, hồn buồn. Hồn của người chết lúc già, lúc trẻ, lúc còn nhỏ. Mày tưởng hồn của mấy đứa con nít cư xử y như hồn cỡ ông ngoại mày sao?”

Tôi chẳng biết gì về các hồn ma. Tôi không tin các hồn ma và những người khác tôi quen biết cũng không tin ngoại trừ má tôi với Victor, bản thân ông này cũng có vẻ ma quái, nỗi buồn đau chưa bao giờ vơi khiến ông trắng nhợt và gần như mờ đục, màu sắc duy nhất của ông là từ một mảng tóc đỏ rậm không chải. Ngay với ông, cái thế giới bên kia đã xuất hiện hai lần, một lần qua điện thoại và một lần trong phòng khách của mình. Không có gì được động vào kể từ ngày gia đình ông lên đường ra phi trường, kể cả mớ bụi buồn bã cũng không. Tôi ngờ rằng các cửa sổ cũng không được mở ra kể từ ngày đó, cứ như ông muốn bảo tồn cái không khí bị rút cạn kiệt mà vợ và các con đã hít thở trước khi họ phải chịu cái chết dữ, xa nhà đến thế. “Người chết đi tiếp,” ông nói khi cuộn người trên ghế bành, hai tay khép giữa hai đùi, “Nhưng người sống, chúng ta chỉ ở đây.”

Những lời đó mở đầu chương cuối cùng của cuốn hồi ký, chương mà tôi viết khi má đã đi ngủ và tôi chui xuống tầng hầm sáng sủa, được chiếu rọi bằng những ống đèn huỳnh quang. Tôi viết một câu, rồi dừng lại chờ nghe một tiếng gõ cửa hay những bước chân trên cầu thang. Nhịp điệu xuyên đêm của tôi đã thành nếp, một vài dòng rồi tới một quãng chờ đợi điều gì đó vốn không xảy ra, ngày hôm sau lại giống y vậy. Phần kết cho hồi ký của Victor hiện rõ khi má tôi từ tiệm làm móng trở về với những túi mua sắm ở khu Phố Tàu, một túi đầy đồ tạp phẩm, túi kia có đồ lót, một bộ đồ ngủ, quần jean xanh, một áo khoác jean, một lô vớ, găng tay đan, một nón kết bóng chày. Sau khi chất những thứ đó kế bộ quần áo đã được phơi khô và ủi phẳng của anh ấy, bà nói, “Nó đâu có lang thang giữa trời lạnh ngoài kia với mấy đồ mày đưa cho nó được, cứ như dân vô gia cư hay nhập cư lậu.” Khi tôi nói mình không nghĩ được như thế, bà khịt mũi, bực bội vì tôi không biết đến nhu cầu của các hồn ma. Mãi đến lúc ăn tối xong bà mới vui vẻ trở lại. Tâm trạng của bà đã khá hơn vì tôi không rút xuống tầng hầm như mọi khi mà ở lại cùng xem một trong mớ phim tình cảm bà đã mướn về, bộ phim nhiều tập về những người Hàn Quốc xinh xắn bị vướng vào đống chuyện tình rối rắm. “Nếu không có chiến tranh,” đêm đó bà nói, vẻ đăm chiêu của bà kéo tôi lại gần hơn, “mình chắc giống Hàn Quốc ngày nay. Sài Gòn sẽ là Seoul, ba tụi bay còn sống, mày có chồng có con, còn tao là bà nội trợ nghỉ hưu, chứ đâu phải thợ làm móng.” Bà để tô hạt dưa lên đùi, tóc quấn đầy những ống cuộn uốn tóc. “Tao có thể suốt ngày đi thăm bạn bè hay có bạn bè tới thăm, tới chừng tao chết, cả trăm người tới dự đám tang. Còn giờ có hai chục người tới đây viếng là hạnh phúc rồi, còn mày phải lo mọi chuyện. Chuyện đó làm tao sợ hơn bất cứ chuyện gì khác. Mày đâu có nhớ bỏ rác ra hay thanh toán các hóa đơn, thậm chí còn không ra ngoài mua đồ ăn dự trữ nữa.”

“Con sẽ nhớ chăm sóc hương hồn má.”

“Chừng nào mày cho viếng? Chừng nào làm đám giỗ tao? Mày sẽ khấn gì?”

“Ghi lại giùm con đi,” tôi nói. “Má muốn con khấn gì?”

“Thằng anh mày chắc nó biết làm,” bà nói. “Con trai thì nhờ cậy có nhiêu đó.”

Vụ này tôi chẳng biết trả lời sao.

Ðến mười một giờ mà anh ấy vẫn không hiện ra, má tôi đi ngủ. Tôi lại xuống tầng hầm và cố viết. Viết tức là bước vào sương mù, mò mẫm tìm một con đường từ thế giới này tới thế giới huyền ảo của chữ nghĩa, một con đường mà không phải hôm nào cũng dễ dàng tìm thấy. Trong lúc tôi loạng choạng qua cõi xám xịt thì trên vai tôi xuất hiện một câu hỏi cứ như một con vẹt lẩn khuất trên đó, tra hỏi tôi xem tôi sống và anh ấy chết ra sao. Tôi trẻ hơn và yếu hơn, nhưng người mà chúng tôi chôn cất lại là anh ấy, để anh ấy trôi xuống biển không một tấm khăn liệm hay một lời từ miệng tôi. Tiếng khóc than của má và tiếng sụt sịt của ba ùa về, nhưng không tiếng nào nhấn chìm được sự im lặng của tôi. Bây giờ nói ra vài lời mới là phải đạo, gọi anh ấy về như anh ấy hẳn đã trông đợi, nhưng tôi không tìm ra những lời lẽ đó. Ngay khi tôi nghĩ sắp qua một đêm nữa mà anh ấy không hiện về thì nghe tiếng gõ trên đầu cầu thang. Mình tin, tôi tự nhắc mình. Tôi tin rằng anh ấy không bao giờ làm hại tôi.

“Ðừng gõ,” tôi nói khi mở cửa. “Ðây cũng là nhà anh mà.”

Anh chỉ nhìn tôi, và chúng tôi rơi vào một khoảng im lặng lúng túng. Rồi anh nói, “Cám ơn nghen.” Giọng của anh giờ đã mạnh hơn, gần như the thé bằng mức tôi còn nhớ, và lần này anh không nhìn lảng đi. Anh vẫn còn mặc áo thun và quần đùi của tôi, nhưng khi cho anh xem mớ quần áo mà má mua, anh ấy nói, “Tao đâu cần mấy thứ này.”

“Anh vẫn mặc thứ em cho anh mà.”

Anh im lặng một hồi lâu tới nỗi tôi nghĩ anh không nghe tôi nói.

“Bọn tao mặc vì người sống,” sau cùng anh nói. “Không phải vì bọn tao.”

Tôi dẫn anh đến sofa. “Ý anh là mấy hồn ma hả?”

Anh ngồi xuống bên cạnh tôi, ngẫm nghĩ câu hỏi trước khi trả lời.

“Mình vẫn biết là có ma mà,” anh nói.

“Em có nghi ngờ của em.” Tôi cầm tay anh. “Sao anh trở lại?”

Cái nhìn của anh mất thoải mái. Anh không hề chớp mắt.

“Tao không trở lại,” anh ấy nói. “Tao đến đây.”

“Anh vẫn chưa rời thế giới này hả?”

Anh gật đầu.

“Tại sao chưa?”

Anh lại im lặng. Sau cùng anh nói, “Thế mày nghĩ tại sao?”

Tôi nhìn ra chỗ khác. “Em đã cố quên.”

“Mà chưa được?”

“Không được.”

Tôi không quên được chiếc thuyền xanh dương không tên gọi của chúng tôi và nó cũng không quên tôi, đôi mắt đỏ vẽ hai bên mũi thuyền không bao giờ thôi nhìn xuống tôi. Sau bốn ngày yên ổn trên một vùng biển lặng dưới bầu trời xanh và những đêm trong trẻo, cuối cùng những hòn đảo cũng hiện ra, như một đường khâu đen trên chân trời tuốt đằng xa. Lúc này một con thuyền khác xuất hiện ở xa xa, tiến về phía chúng tôi. Nó đi nhanh còn chúng tôi quá chậm, chở nặng hơn trăm người trên một con thuyền đánh cá vốn dự trù chỉ đủ cho một toán ngư dân và một lượng cá thu ướp lạnh. Anh Hai dẫn tôi vào phòng máy chật chội với động cơ đang khò khè và lấy dao nhíp cắt mái tóc dài của tôi thành mái tóc con trai ngắn củn lởm chởm mà đến giờ tôi vẫn để. “Ðừng nói gì hết,” anh dặn. Anh mười lăm còn tôi mười ba. “Mày vẫn nói giọng con gái. Bây giờ cởi áo ra.”

Tôi luôn làm theo lời anh, nhưng lần này có hơi mắc cỡ, dù anh hầu như không nhìn tới tôi khi rạch áo tôi thành nhiều mảnh. Anh quấn bộ ngực còn chưa ra hình dáng của tôi bằng mớ vải đó, rồi cởi áo sơ mi của anh ra mặc vào cho tôi và cài kín nút lại, trên người anh chỉ còn cái áo thun bèo nhèo. Rồi anh bôi dầu máy lên mặt tôi và chúng tôi rúm vào bóng tối cho đến khi đám cướp biển bước tới. Những người này cũng là dân chài, cũng rám đen và gân guốc giống cha anh chúng tôi, ngoại trừ việc họ mang mã tấu và súng tiểu liên. Họ lấy vàng, đồng hồ và đồ trang sức của chúng tôi. Rồi họ bắt con gái và phụ nữ trẻ, cả chục người, bắn chết một người cha và một ông chồng dám phản đối. Mọi người câm bặt ngoại trừ những kẻ bị lôi đi, gào thét và khóc lóc. Tôi không quen ai trong số họ, mấy cô ở các làng khác, và điều đó làm tôi đỡ áy náy hơn trong khi nép sát vào cánh tay anh và cầu nguyện cho mình không bị bắt đi. Chỉ đến khi đứa con gái cuối cùng đã bị ném sang tàu của bọn cướp biển và những tên cướp biển cũng leo theo họ trở lại thuyền, tôi mới thở lại được.

Tên cuối cùng rời thuyền nhìn lướt qua tôi. Hắn cỡ tuổi ba tôi, mũi hắn bằng cái móng heo cháy nắng, mùi của hắn là mớ trộn lộn của mùi mồ hôi và ruột cá. Tên cướp nhỏ thó này, nói được ít nhiều tiếng Việt, bước tới gần và nâng cằm tôi lên. “Mày đẹp trai lắm,” hắn nói. Sau khi anh tôi đâm hắn bằng cái dao nhíp, cả ba chúng tôi đứng đó kinh ngạc, tất cả nhìn vào lưỡi dao, mũi nhọn đầy máu, một giây im lặng vỡ toang khi tên nhỏ thó đó rú lên vì đau đớn, kéo khẩu súng máy lên, và dộng cái báng thật mạnh vào đầu anh tôi. Tiếng vỡ vụn – tôi vẫn còn nghe thấy. Anh ấy ngã xuống với sức nặng của một xác chết, máu trào ra từ trán anh, hàm và thái dương của anh đập xuống sàn gỗ với âm thanh kinh người đến nay còn vang trong ký ức của tôi.

Tôi rờ chỗ bầm đó. “Có đau không?”

“Hết rồi. Mày còn đau không?”

Một lần nữa tôi giả như suy nghĩ về một câu hỏi mà tôi đã biết câu trả lời. “Còn,” sau cùng tôi nói. Khi tên nhỏ thó đó quăng tôi lên sàn tàu, cú ngã làm bầm phía ót của tôi. Khi xé áo tôi ra, hắn làm tôi tứa máu vì những móng tay sắc cạnh của hắn. Khi tôi quay mặt đi và nhìn thấy má với ba tôi gào lên, màng nhĩ tôi như vỡ tung, vì tôi chẳng nghe được gì nữa. Ngay cả khi gào lên tôi cũng không nghe được tiếng mình, cho dù tôi cảm thấy miệng mình há ra và ngậm lại. Thế giới bị khóa miệng, theo kiểu nó sẽ bị bịt mãi sau đó với má tôi, ba tôi và tôi, không ai trong chúng tôi thốt ra một tiếng nào về chuyện này. Sự im lặng của họ và của chính tôi sẽ cứa đi cứa lại vào tôi. Nhưng cái làm tôi đau đớn nhất không nằm trong những điều đó, không phải sức nặng của tên đàn ông trên người tôi. Mà nó là ánh sáng chiếu vào đôi mắt đen tối của tôi khi tôi nhìn lên bầu trời và thấy đầu thuốc lá cháy âm ỉ của Thượng đế, lơ lửng giữa trời trong giây phút trước khi nó bị dí vào da tôi.

Từ đó tôi lẩn tránh ban ngày và ánh nắng. Ngay anh ấy cũng nhận ra, chìa cánh tay anh ra so với cánh tay tôi để cho thấy tôi trắng hơn anh. Chúng tôi đã từng làm thế trong hầm trú ẩn, xòe bàn tay mình ra trước mặt để xem trong bóng tối có nhìn thấy nó không. Chúng tôi muốn biết mình vẫn còn ở đó, bụi đất phủ đầy người sau mỗi tiếng nổ, ký ức về máy bay Mỹ gầm rú trên đầu khiến tôi run rẩy. Lần đầu chúng tôi nghe tiếng máy bay như thế, anh đã thì thào vào tai tôi bảo đừng lo lắng. Ðó chỉ là những Con ma thôi.[2]

“Anh biết hồi đó em thích cái gì nhất không?” Anh lắc đầu, chúng tôi ngồi trên sofa trong văn phòng tầng hầm của tôi, ở đây vào tháng Mười một ấm hơn phòng khách. “Anh em mình có thể ra ngoài sau trận giội bom, anh nắm tay em khi mình đứng hấp háy mắt trong ánh nắng. Ðiều em yêu thích là sau cảnh tối đen của hầm trú ẩn thì có ánh sáng như thế. Và sau mọi sấm sét ầm vang là im lặng như thế.”

Anh gật đầu, không nháy mắt, ngồi co mình trên sofa giống tôi, đầu gối hai đứa tôi chạm nhau. Con vẹt nép trên vai tôi, đậu ngủ ở đó từ khi gia đình tôi thả anh xuống biển, và tôi chợt nhận ra rằng cứ để nó nói là cách duy nhất để đuổi nó đi.

“Kể em nghe đi,” nó nói. “Tại sao em sống còn anh chết?”

Anh ấy nhìn tôi với đôi mắt vốn sẽ không bao giờ khô héo dù chúng vẫn mở thao láo. Má tôi sai rồi. Anh ấy đã thay đổi, bằng chứng là đôi mắt đó, được giữ gìn trong nước biển lâu đến mức chúng sẽ mở to mãi mãi.

“Mày cũng chết rồi,” anh nói. “Có điều mày không biết thôi.”

Tôi nhớ lại lần nói chuyện với Victor. Ðêm nọ lúc mười một giờ, một câu hỏi chợt hiện ra với tôi cấp bách đến độ tôi gọi điện cho ông, biết chắc rằng ông còn thức. “Phải, tôi tin có ma,” ông nói, không ngạc nhiên khi nghe tôi hỏi. Tôi có thể thấy ông ngồi cuộn mình trên ghế, cái đầu rực lên trên thân thể như tượng sáp, cứ như ông được thắp sáng bằng ký ức về vụ tai nạn máy bay vốn đã cướp đi sinh mạng của cả gia đình ông. Khi tôi hỏi liệu ông có bao giờ thấy ma chưa, ông trả lời, “Thấy hoài. Khi tôi nhắm mắt, vợ con tôi hiện ra giống như họ còn sống. Khi mở mắt, tôi sẽ thấy họ thoáng hiện nơi khóe mắt. Họ vụt đi và biến mất trước khi tôi kịp nhìn. Nhưng tôi vẫn ngửi thấy họ, mùi nước hoa của vợ tôi khi cô ấy đi ngang qua, dầu gội trên mái tóc của đứa con gái, mồ hôi trong những cái áo Jersey [3]của con trai tôi. Và tôi có thể chạm vào họ, con trai tôi lướt bàn tay nó trên bàn tay tôi, vợ tôi thở vào cổ tôi theo kiểu cô ấy thường làm trên giường, con gái tôi bấu vào đầu gối tôi. Và sau cùng, tôi còn nghe được hồn ma nữa. Vợ tôi dặn kiểm tra lại chìa khóa trước khi rời nhà. Con gái nhắc đừng để cháy bánh mì nướng. Con trai muốn tôi gom lá khô để nó nhảy vào đó. Họ còn hát bài chúc mừng sinh nhật cho tôi nữa.”

Sinh nhật của Victor là vào hai tuần trước, và cảnh bữa đó mà tôi tưởng tượng – ông ngồi trong bóng tối, mắt nhắm lại, lắng nghe những âm vang của những buổi sinh nhật đã qua – trở thành phần mở đầu cho hồi ký của ông.

“Ông không sợ ma sao?” Tôi hỏi.

Trong nín lặng, nghe rõ cả tiếng nhiễu sóng rin rít.

“Cô đâu có sợ những thứ cô tin,” ông nói.

Tôi cũng viết điều này trong hồi ký cho ông, tuy tôi không hiểu hết ý nghĩa của nó.

Giờ tôi đã hiểu. Thân thể tôi siết cứng lại khi tôi khóc thổn thức không xấu hổ và không sợ hãi. Anh tôi nhìn tôi tò mò khi tôi khóc cho anh và cho tôi, cho biết bao năm chúng tôi có thể sống cùng nhau mà không được, cho mọi lời lẽ không bao giờ được nói ra giữa má tôi, ba tôi, với tôi. Phần lớn nhất, tôi khóc cho những đứa con gái khác vốn đã biến mất và không bao giờ trở lại, trong đó có tôi.

Vài tháng sau đó cuốn hồi ký của Victor được xuất bản và bán khá chạy. Nó cũng nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới phê bình. Tên tuổi tôi không hề xuất hiện trong đó, nhưng danh tiếng nhỏ bé của tôi lớn hơn được một chút trong giới viết thuê. Ðại diện của tôi gọi điện đề nghị tôi viết một hồi ký khác với điều kiện hậu hĩ hơn, câu chuyện về người lính mất hết tay chân khi cố gỡ một trái mìn. Tôi từ chối. Tôi đang viết một cuốn tự truyện cho mình.

“Tập truyện ma hả?” giọng bà ấy lộ vẻ tán thành. “Tôi bán được đó. Người ta khoái cảm giác hoảng sợ.”

Tôi không nói với bà rằng tôi không mong muốn làm kinh hãi người sống. Không phải hồn ma nào cũng muốn trả thù và gây thương tổn. Những con ma của tôi thuộc loại lặng lẽ và rụt rè giống như anh tôi, cũng như những hồn ma buồn rầu hiện về trong những câu chuyện của má tôi. Chính má tôi, chuyên gia về ma, đã bảo rằng anh tôi sẽ không trở lại. Anh ấy đã biến mất khi tôi quay lưng lại phía anh, thò tay lấy hộp khăn giấy. Chỉ còn lại một chỗ lõm trên sofa chỗ anh đã ngồi, chạm vào thấy lạnh. Tôi lên lầu để đánh thức bà, và sau khi đặt ấm nước pha trà lên bếp, bà ngồi xuống bàn với tôi để nghe chuyện anh Hai ghé thăm. Sau khi đã khóc thương anh ấy biết bao năm, bây giờ bà không khóc nữa.

“Mày biết là nó đi luôn rồi, phải không? Nó về và nói hết những điều muốn nói rồi.”

Ấm nước bắt đầu rung lách cách và phì hơi.

“Má,” tôi nói. “Con chưa nói hết những điều con muốn nói.”

Và má tôi, người không hề rời mắt khỏi tôi khi ở trên boong của cái thuyền ấy, giờ lại nhìn lảng đi. Trong mọi câu chuyện ma mà bà biết, có một chuyện mà bà không muốn kể, một loại bầu bạn mà bà không muốn giữ. Họ đang ở đó trong bếp với chúng tôi, hồn ma của những người tị nạn và hồn ma của những tay cướp biển, hồn ma của con thuyền nhìn chúng tôi bằng hai con mắt không bao giờ khép lại, kể cả hồn ma của đứa con gái vốn là tôi trước đây, nhóm hồn ma duy nhất mà má tôi sợ.

“Kể chuyện gì đi má,” tôi nói. “Con nghe nè.”

Bà dễ dàng tìm ra một chuyện, như tôi biết bà sẽ làm. “Hồi trước có cái bà kia,” bà nói, “rất thương chồng, ổng đi lính rồi biến mất khi làm một nhiệm vụ trong vùng địch chiếm. Người ta đưa giấy báo tử, bả không chịu tin. Chiến tranh kết thúc và bả thoát được sang xứ sở mới này, rồi tái hôn sau mấy chục năm. Bả hạnh phúc cho đến ngày ông chồng trước từ cõi chết trở về, được thả khỏi trại tù nơi ổng là một tù nhân bí mật chịu án gần ba chục năm”. Má tôi cho tôi coi một bài viết cắt từ báo ra để làm bằng chứng, với một bức ảnh chụp bà ấy với người chồng trước, gặp lại nhau ở phi trường mấy năm trước. Cái nhìn của họ không gặp nhau. Họ trông rụt rè, kém thoải mái, lẻ loi, đứng giữa những bạn bè và phóng viên vốn không thấy được hai hồn ma cũng có mặt tại buổi gặp gỡ nản lòng đó, những cái bóng bản ngã nhòe nhoẹt trước đây của họ.

“Mấy chuyện như vầy xảy ra hoài,” má tôi nói, rót cho tôi một tách trà xanh. Trò chuyện thế này sẽ là nghi thức mới hàng đêm của má con tôi, một bà già, và một người đang dần có tuổi. “Sao mày lại đi viết những thứ chuyện tao kể?”

“Thì phải có người viết lại chớ,” tôi nói, xấp giấy đặt trong lòng, bút thủ sẵn.

“Ðúng là mấy nhà văn.” Bà lắc đầu, nhưng tôi nghĩ bà hài lòng. “Ít nhất mày cũng không bịa đặt ra mọi chuyện như mọi khi.”

Ðôi khi đây chính là cách thức mà các câu chuyện đến với tôi, thông qua bà. “Ðể tao kể mày nghe chuyện này,” bà thường nói thế, một lần, hai lần, hoặc có lẽ ba lần. Tuy vậy chuyện thường xảy ra là tôi truy tìm các hồn ma, một việc tôi có thể làm mà không rời khỏi nhà. Do họ lui tới xứ sở chúng ta, nên chúng ta cũng qua lại xứ sở của họ. Họ là những tạo vật xanh xao, sợ chúng ta nhiều hơn chúng ta sợ họ. Bởi thế nên hiếm khi thấy được những cái bóng đó, và do đó chúng ta phải lùng kiếm họ. Những tấm bùa trên bàn của tôi, một cái quần đùi tả tơi, một áo thun rách nát, sạch và khô ráo, được ủi phẳng phiu, nhắc tôi nhớ rằng má tôi đúng. Những câu chuyện chỉ là thứ chúng ta chế ra, không hơn. Chúng ta tìm kiếm chúng trong một thế giới bên cạnh thế giới của chúng ta, rồi để chúng ở đây cho người ta nhận thấy, mớ áo quần do những hồn ma bỏ lại.

Chú thích:


[2] Con ma, tức Phantom, cũng là tên của một loại chiến đấu cơ, còn được gọi là F-4, được dùng rộng rãi trong chiến tranh Việt Nam. (ND)

[3]Jersey: một loại áo thể thao mặc khi chơi bóng chuyền, bóng rổ. (BT)