Ăn vặt Sài Gòn năm xưa

Trời hôm nay mưa lâm râm, không nóng không lạnh. Làm gợi nhớ nhiều chuyện. Như những chuyện tình xưa chẳng hạn. Nhưng sao quái lạ! Tình xưa bây giờ mờ mờ ảo ảo, quên đã gần hết! Mà ký ức bây giờ lại chỉ toàn những hình ảnh, âm thanh, mùi vị... của những nơi chốn và những món ăn vặt! Của Sài Gòn năm xưa. Như những món nghêu, sò, bò khô đu đủ, nước mía Viễn Đông, Đồng Chung hủ tíu, Thiện Thuật bò viên.... Bỗng dưng sao mà nhớ. chao ơi sao mà thèm!!!

Nghêu Nguyễn Tri Phương bán ở vỉa hè. Người bán có bếp, có nồi bày lộ thiên suốt dọc đường. Người ăn ngồi chồm hỗm hay ngồi trên ghế gỗ nhỏ xíu, ăn từng thau nghêu mới luộc, nóng hổi. Dân nhậu uống la de, ăn nghêu chấm nước mắm pha tỏi, ớt, vừa ăn vừa suýt soa nóng, nhưng đã vô cùng. Vì nghêu tươi, mang mỗi ngày từ vùng biển về, nghêu nhỏ nhưng ngọt thịt, dai dai, sần sật, chấm nước mắm, mằn mặn, ngọt ngọt, cay cay, sao ngon làm vậy! Lại rẻ rề, ăn mấy thau nghêu đến no bụng cũng không tốn bao nhiêu. Món ăn thật bình dân, nhưng người ăn đủ loại, giàu nghèo, sang hèn đều đến ăn vì ngon tuyệt vời! Mà phải thấy cảnh mọi người ăn rau ráu, húp nước mắm sùm sụp, càng đông người càng tăng thêm phần thú vị và ngon hơn!

Nhắc đến nghêu phải nhắc đến sò huyết nướng bên Chợ Lớn, ngoài vỉa hè của tiệm Hải Ký Mì Gia. Sò huyết ở đây ăn hết xảy! Sò huyết tươi mang từ Nha Trang về, nướng trên lò, mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Nước sò màu đỏ như máu nên gọi sò huyết, ăn hết thịt sò phải húp hết huyết sò vẫn còn thòm thèm, phải gọi nướng thêm ăn tiếp! Bao nhiêu năm bên Mỹ này không bao giờ thấy món sò huyết! Chắc chỉ Việt Nam mới có. Viết tới đây nhớ lại mà thèm món này quá, chắc không bao giờ được ăn lại!

Rồi còn nước mía Viễn Đông. Khu này cũng là nơi ăn vặt số dách! Dọc con đường nhỏ đâm ra đường Lê Lợi, bầy giờ quên tên đường, trước mặt tiệm nước mía Viễn Đông, bao nhiêu món ăn vặt của mấy tên Tàu như bò bía, phá lấu, đu đủ bò khô. Buổi chiều đi bát phố Lê Lợi, ghé vào đây, ăn đĩa đu đủ bò khô, làm thêm mấy cái bò bía, rồi uống ly nước mía Viễn Đông. Nước mía ở đây ngon cũng do mấy tên Tàu đứng bán, cho thêm cam vắt nên thơm, ngọt, mát, uống đến đâu mát dạ đến đó! Chỗ này nhiều người đẹp đến ăn vặt, các cô đi dạo phố mùa xuân rồi ghé đây vừa ăn vừa cười đùa với đám bạn, ríu rít như chim. Bao nhiêu người đẹp như hoa, thơm như mộng đến đây ăn vặt, bảo sao các chàng hào hoa không đóng đô ở khu này để tán gái cho được!

Cũng gần khu này có con đường gần chùa Ấn Độ là hai tiệm Đồng Chung và Thanh Xuân chuyên môn món hủ tiếu tôm cua. Món này để ăn sáng, không phải ăn chiều, nhưng hai tiệm này đều làm hủ tiếu tôm cua ngon vô cùng! Đồng Chung có lẽ ngon hơn một chút. Hủ tiếu dai dai, ăn khô ngon hơn ăn nước, càng cua lớn, dày, thịt chắc, còn để lại chút vỏ phần dưới. Tôm to, đỏ hon hỏn, ăn vừa béo vừa ngậy. Nước dùng ngọt ngào, đậm đà. Buổi sáng đói lòng phải đợi lâu mới có bàn ăn, nên nhìn người khác ăn càng thấy thèm hơn! Ăn xong, ra đường Lê Lợi, uống ly cà phê sữa nóng ở tiệm Prince, châm một điếu Dunhill hút để kéo dài dư vị của tô hủ tiếu tôm cua. Rồi ngồi nhìn ra ngoài, chiêm ngưỡng các người đẹp dạo phố Lê Lợi, sao đời sống thần tiên như vậy!

Dân thích ăn vặt không thể không biết đến bò viên Nguyễn Thiện Thuật. Con đường này có ngõ hẻm bổ ngang là khu chuyên trị thịt bò vò viên. Những viên thịt bò hoặc nạc, hoặc gân, to tròn, thả trong tô canh nhỏ, thơm sực mũi, nước dùng sao ngọt và tuyệt diệu đến thế. Cắn một miếng bò viên, chấm tương đen lẫn chút tương đỏ, nuốt từ từ để thưởng thức hết cái chắc nịch, cái sần sật của gân bò, rồi húp chút nước dùng. Chao ôi là khoái khẩu! Ăn thịt bò vò viên phải vào buổi chiều, lúc 3 hay 4 giờ, vừa ngủ trưa dậy, người còn đang ngật ngừ. Ra Nguyễn Thiện Thuật làm tô bò viên là thêm sinh khí, thấy đời đáng sống ngay! 

Còn bao nhiêu món ăn vặt thần sầu của Sài Gòn năm xưa nữa! Nhưng viết đến đây nuốt nước miếng mãi, mệt quá rồi! Thôi để lúc khác kể tiếp vậy!