Chương 1

Phượng Vũ vừa kéo chiếc áo pull ngắn ôm sát người vừa ngắm mình trong gương. Nàng chắc lưỡi, có kéo sao đi nữa thì vẫn hở ra một chút eo. Lúc này đang thịnh hành mode quần jeans lưng thấp nên lại càng khó che hết cho kín đáo. May là cái quần jeans nàng mặc không đến nỗi mode lắm mà còn như vậy. Phượng Vũ lại chắc lưỡi, kệ, hở thì hở, có gì đâu phải ngại cơ chứ. Dù sao cái eo của nàng vẫn thon nên nhìn đâu có xấu, người ta nói “đẹp khoe xấu che” mà, sao nàng lại muốn che nó làm gì.

Phượng Vũ nhìn lại mình trong gương lần chót. Chiếc mũi không cao lắm nhưng thẳng, đôi mắt tuy không to lắm nhưng sáng long lanh. Hai hàng mi không dài và cong như nàng muốn nhưng cũng khá rậm. Nàng trề môi làm xấu. Chỉ có đôi môi là cái mà nàng không hài lòng nhất trên gương mặt của mình, môi trên hơi cong và môi dưới thì cứ trề ra một cách ngang tàng. Ngày còn nhỏ vì đôi môi này mà nàng bị ông nội đặt cho cái biệt hiệu Nam kỳ rặt là “quình quang quớt trớt”. Ông nội tuy sống ở Saigon nhưng gốc gác quê quán tận dưới Chương Thiện. Phượng Vũ không biết mình viết bốn chữ này như vậy có đúng không bởi vì hình như nàng không nghe ai dùng bốn chữ này cả. Nàng cũng không hiểu nghĩa của cái biệt hiệu đó là gì chỉ biết rằng lúc đó ba nàng giải thích là tại đôi môi hơi dầy, khi nào không hài lòng thì cứ cong lên phụng phịu giận dỗi của nàng nên mới bị gọi như vậy. Tuy ai cũng nói là không xấu nhưng Phượng Vũ đâm ra ghét nó từ đó.

Phượng Vũ dùng năm ngón tay làm lược chải nhẹ vào mái tóc demi-garçon cho bồng lên và có vẻ rối chút xíu. Như vậy mới đúng tính cách của nàng. Không hiểu có phải vì cái tên nửa trai nửa gái mà ba mẹ đặt cho nàng đã khiến tính tình của Phượng Vũ từ nhỏ giống con trai hay không. Nàng còn nhớ thời gian học tiểu học bạn bè cứ chế nhạo cái tên Vũ của nàng là tên con trai. Có nhiều khi ức quá Phượng Vũ về nhà khóc bắt đền ba mẹ. Ba nàng đã vuốt tóc và nói với Phượng Vũ rằng ý nghĩa của tên nàng rất đẹp và nữ tính, điệu múa của chim phượng hoàng, một loài chim quí trong những loại chim.

Sau khi lên trung học, những đứa bạn thân vẫn gọi đùa nàng là “thằng Vũ” dù Phượng Vũ đã bao nhiêu lần giận dỗi nhưng tụi nó vẫn không tha. Nói hoài không được, Phượng Vũ mặc kệ tụi nó muốn gọi sao thì gọi. Mà nghĩ cho cùng, cái tên “thằng Vũ” quả thật “xứng” với nàng. Ngoài mái tóc demi-garçon nhìn thật ngổ ngáo, tính tình Phượng Vũ cũng ngang ngược và mạnh bạo không thua gì con trai. Khi còn nhỏ, nàng không bao giờ chơi búp bê hay bán hàng như những đứa con gái khác. Phượng Vũ thường tụ tập bắn bi, đánh đáo với đám con trai cùng xóm mặc cho mẹ nàng dùng mọi cách để ngăn cản. Nàng cũng chẳng bao giờ diện áo đầm hay jupe vì cảm thấy nó vướng víu không thể chơi đùa một cách tự nhiên được.

Bước vào tuổi “teen”, bản chất con trai vẫn còn trong nàng. Khi những đứa con gái cùng trang lứa đã biết làm dáng, sửa soạn và e lệ khi đối diện với tụi con trai thì Phượng Vũ vẫn tỉnh queo khi giao thiệp với họ. Với bản tính bạo dạn như vậy, Phượng Vũ không bao giờ có thể ngờ rằng trong nàng lại tiềm ẩn một dòng máu lãng mạn. Nàng khám phá ra điều này khi học đến lớp chín trung học. Lúc đó là sau biến cố 75, khi thơ văn và nhạc của thời trước bị xếp vào hạng “văn hoá đồi trụy” và ngăn cấm rất gắt gao thì Phượng Vũ lại mê say tìm kiếm và sưu tầm. Phượng Vũ mơ hồ nhận ra một sự rung động lạ lùng trong tim khi thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật trữ tình lãng mạn đó, dù với số tuổi mười ba nàng chưa có chút hiểu biết nào về tình yêu. Phượng Vũ nắn nót chép thật đẹp những bài thơ, bài nhạc vào một quyển tập và nâng niu như bảo vật. Đám bạn dù thân cách mấy cũng chỉ được nàng mở hé cho coi chứ không bao giờ được sờ hay cầm vào quyển tập này đừng nói chi đến chuyện mượn đem về.

Từ sau khi biết yêu nghệ thuật, tính tình Phượng Vũ trở nên đằm thắm hơn một chút. Nàng đã biết mơ mộng. Nhiều khi nàng bỏ ra hàng giờ để tự ngắm mình trong gương, xăm soi phân tích xem mình đẹp hay xấu, chăm chút đến áo quần mặt mũi hơn khi ra ngoài. Dù cố gắng làm ra vẻ con gái nhưng cách ăn mặc và mái tóc demi-garçon vẫn khiến nàng trông thật ngổ ngáo. Biết như vậy nhưng Phượng Vũ không thể nào thay đổi. Mái tóc vừa dài ra được chút đã khiến nàng cảm thấy ngứa ngáy khó chịu phải đi cắt ngay. Nàng cũng đã từng thử mặc vào những chiếc áo đầm hay jupe nhưng cảm thấy đi đứng ngượng nghịu và vướng vít thế nào, cho nên cuối cùng Phượng Vũ vẫn mang dáng dấp ngang tàng giống con trai.

Ba năm cuối trung học đám con gái có đứa đã rục rịch có bồ, hẹn hò nhau đi ciné, đi bát phố. Phượng Vũ không tán thành việc này. Nàng nhớ lời ba vẫn thường khuyên mấy chị em là ít nhất phải học hết trung học thì mới đủ lớn để nói đến chuyện yêu đương. Vì vậy Phượng Vũ bỏ ngoài tai tất cả những lời tán tỉnh hay tỏ tình của đám bạn trai. Khổ nỗi hình như những gì chiếm đoạt càng khó khăn lại càng khiêu khích người ta chinh phục, cho nên Phượng Vũ luôn là mục tiêu bị tấn công bởi đám con trai học cùng trường. Vả lại Phượng Vũ biết mình không xấu. Cái dáng dấp con trai không giống ai và tính bướng bỉnh của nàng như càng thu hút mọi người hơn.

Từ nhỏ trong gia đình Phượng Vũ đã quen được nuông chìu. Khi đi học nàng cũng quen thói hay bắt nạt những đứa bạn thân. Mà kể cũng lạ, Phượng Vũ chỉ cần mè nheo hay nhõng nhẽo một chút là lập tức đạt được những gì mình muốn cho nên nàng vẫn thường dùng cách này như một vũ khí để được người ta chìu theo ý mình. Đến khi lớn lên cũng vậy, Phượng Vũ muốn nhờ vả ai chuyện gì cũng rất ít khi bị từ chối. Khi đi học bạn bè muốn xin xỏ thày cô điều gì cũng thường hay cầu cứu nàng. Phượng Vũ biết mình chỉ cần trề môi và rơm rớm nước mắt thì cho dù ai có khó khăn đến đâu đi nữa cũng sẽ phải gật đầu.

Vì không có ý định bước vào tình yêu quá sớm cho nên Phượng Vũ luôn có một thái độ bình thản và tự nhiên khi đối diện với sự tấn công của đám con trai. Với ai Phượng Vũ cũng đối xử dịu dàng nhưng chừng mực để tránh họ hiểu lầm về tình cảm của mình. Phượng Vũ biết lúc đó có một số người đã cho rằng nàng dùng sắc đẹp, cố tình treo cao giá ngọc để lợi dụng con trai. Nhưng Phượng Vũ không hề bận tâm đến việc này vì nàng tự biết mình không phải là như vậy. Với bản tính ương ngạnh, Phượng Vũ không khi nào để dư luận hay “thiên hạ sự” ảnh hưởng tới mình. “Vàng thật không sợ lửa” nên Phượng Vũ yên tâm với cách sống của mình.

Sau khi học hết trung học, cả gia đình Phượng Vũ vượt biên và may mắn đến được Mã Lai sau mười ngày trôi giạt trên biển. Bốn tháng sau, gia đình nàng đã có mặt tại Canada. Cuộc sống ở xứ người thời gian đầu thật gian nan, vất vả. Phượng Vũ lúc đó đã lớn nên phải tìm việc làm để phụ giúp ba nàng nuôi cả gia đình. Thời gian thấm thoát, mọi việc rồi cũng ổn định đâu vào đó. Những đứa em nàng đã học hành xong và đã có đứa lập gia đình. Phượng Vũ tuy không được học hành có bằng cấp nhưng nàng cũng hài lòng với việc làm trong một hãng điện tử với mức lương tương đối cao.

Vấn đề khiến ba mẹ bận tâm về Phượng Vũ bây giờ là việc lập gia đình của nàng. Nhìn những đứa em nhỏ tuổi hơn lần lượt lên xe hoa mẹ nàng càng sốt ruột. Thật ra không phải Phượng Vũ không có ai để ý. Ngược lại, lúc nào nàng cũng luôn được săn đón bởi những cây si vây chung quanh. Tại hải ngoại, tình trạng trai thừa gái thiếu trong cộng đồng Việt Nam càng khiến cho con gái tha hồ lên giá. Vậy mà với bao nhiêu ứng viên, bấy nhiêu năm qua Phượng Vũ vẫn không cảm được chàng nào, dù trong những người theo đuổi nàng cũng có nhiều người đẹp trai, học giỏi và có sự nghiệp vững chắc. Ở họ Phượng Vũ vẫn cảm thấy thiếu một chút gì đó, nàng không rõ là gì nhưng vẫn biết là không ai trong số họ khiến tim nàng rung động.

Thời gian lẳng lặng trôi, Phượng Vũ đã bước qua tuổi “băm” mà vẫn phòng không chiếc bóng. Thấy ba mẹ nàng sốt ruột, đám em của Phượng Vũ lại càng đưa thật nhiều người quen về nhà để giới thiệu với nàng. Với ai Phượng Vũ cũng vẫn không động lòng. Người nào cũng dịu dàng, ngọt ngào và lấy lòng nàng hết mực nhưng vẫn không khiến quả tim của Phượng Vũ xao động, dù chỉ là một thoáng. Hối thúc mãi không có kết quả, mẹ nàng chán nản buông xuôi để Phượng Vũ tự do quyết định đời mình. Nhiều khi mẹ nàng có ý hối hận vì đã sinh Phượng Vũ vào năm Dần nên khiến nàng cao số phải lận đận đường tình duyên. Phượng Vũ an ủi mẹ rằng chưa chắc không lập gia đình như nàng là một chuyện xấu. Nhìn xung quanh có biết bao nhiêu cặp vợ chồng cưới nhau vội vã rồi chia tay cũng nhanh chóng không kém. Kết quả là những đứa con nhỏ của họ phải chịu sống trong cảnh gia đình đơn thân, tuần này sống với cha, tuần sau lại khăn gói về nhà mẹ. Như vậy chẳng những người lớn không hạnh phúc mà còn khiến con cái của mình khổ sở theo. Cứ một mình như Phượng Vũ mà lại hay, nàng cũng có hạnh phúc của một người không bị ràng buộc.

Tuy nói như vậy nhưng từ sâu trong thâm tâm nhiều khi Phượng Vũ vẫn cảm thấy buồn.  Nhất là khi nhìn những gia đình hạnh phúc. Nàng cũng muốn lắm chứ một cuộc sống bình thường như mọi người. Cũng muốn có một người chồng thương yêu lo lắng. Cũng muốn được bồng bế nựng nịu đứa con do chính mình mang nặng đẻ đau. Nhưng... có lẽ tại nàng tuổi Dần nên cao số như người ta vẫn nói. Cuối cùng Phượng Vũ chỉ biết chấp nhận lý luận không có tính cách khoa học này để tự an ủi lấy mình.

Đối với một người không có gánh nặng gia đình để lo toan thì ngoài giờ đi làm, thời gian rảnh rỗi khá nhiều. Để lấp đi khoảng thời gian trống trải này Phượng Vũ đã hăng hái đóng góp vào những việc của cộng đồng. Nàng xông xáo tham gia hết mình vào những tổ chức lễ lạc của người Việt Nam như giỗ tổ Hùng Vương, lễ Hai Bà Trưng, Tết Trung Thu hoặc những chương trình văn nghệ gây quĩ. Gần đây, khi một nhóm người thiện nguyện chung sức mướn một trường trung học vào mỗi buổi chiều Chúa nhật để giảng dạy tiếng Việt cho các em nhỏ thì Phượng Vũ đã hăng hái ghi tên làm cô giáo. Nàng cảm thấy đây là một việc làm thật có ý nghĩa, vừa để bảo tồn và phát triển văn hóa Việt Nam vừa giúp các em có cơ hội tụ họp lại sinh hoạt chung để nhớ về nguồn gốc của mình, dù chỉ có bốn tiếng một tuần theo ý Phượng Vũ là quá ít.

Những khóa học này đã được mở ra cách đây đúng một năm. Năm đầu tiên chưa có kinh nghiệm nên tổ chức còn nhiều luộm thuộm. Vì vậy năm nay ban tổ chức đã cho mời tất cả giáo viên và phụ huynh đến họp mặt hai tuần trước ngày khai giảng để cùng bàn bạc và đóng góp ý kiến cho năm học mới được tốt đẹp và có kết quả hơn. Và hôm nay Phượng Vũ đang sửa soạn để đi dự buổi họp này. Hôm nay không có học trò nên Phượng Vũ tự cho phép mình ăn mặc “cao bồi” chút xíu.

Phượng Vũ đậu xe vào parking phía sau rồi đi vòng ra trước sân trường. Chưa tới giờ họp mà trời lại quá đẹp nên mọi người đều tụ tập trước sân trò chuyện. Nhìn thấy có bàn tay vẫy mình, Phượng Vũ nheo mắt nhìn thì nhận ra là nhóm người của Ngọc Loan, Thanh Trúc và Mỹ Dung, ba người “giáo viên nghiệp dư” mà nàng đã quen từ niên khóa trước. Phượng Vũ bước về phía họ. Nàng nghe loáng thoáng giọng của chị Mỹ Dung:

-Nghe Loan kể tui cũng thiệt muốn biết mặt của anh chàng sở khanh đó coi ra sao...

Chị Mỹ Dung là người Nam, khi nói chuyện vẫn thường xưng tui một cách mộc mạc. Phượng Vũ vừa bước tới, xen vào:

-Anh chàng nào mà khiến chị Mỹ Dung tò mò vậy hở Loan?

Ngọc Loan không trả lời mà nhìn Phượng Vũ nheo mắt:

-Phượng Vũ sau ba tháng Hè chẳng những không già hơn mà còn có vẻ trẻ đẹp ra nha...

Thanh Trúc cười:

-Khỏe không Phượng Vũ? Ngọc Loan nói đúng đó, thấy Phượng Vũ tươi rói như vậy hay đã tìm ra hoàng tử bạch mã rồi?

Chị Mỹ Dung chắc lưỡi:

-Độc thân như vậy mà sướng, đừng tìm gông để mang vào cổ Phượng Vũ ơi, có gia đình rồi nhiều thứ phải lo lắm...

Phượng Vũ cười nhẹ:

-Nghe Ngọc Loan và Thanh Trúc tán kiểu này Phượng Vũ khỏi ăn chiều cũng no...

Rồi quay sang chị Mỹ Dung, nàng tiếp:

-Chị Mỹ Dung đừng lo, em nghe lời chị, độc thân muôn năm...

Vừa nói nàng vừa giơ tay như người ta vẫn làm khi hô khẩu hiệu trong những cuộc biểu tình khiến cả ba cùng cười. Trong bọn chị Mỹ Dung lớn tuổi hơn nên Phượng Vũ vẫn gọi bằng chị. Thanh Trúc và Ngọc Loan thì hơn nàng một hai tuổi thôi nên Phượng Vũ gọi bằng tên. Chị Mỹ Dung có gia đình và hai đứa con mười và tám tuổi vẫn đang theo học tiếng Việt ở trường này. Thanh Trúc vừa lấy chồng năm ngoái chưa có con, còn Ngọc Loan thì tuy chưa có chồng nhưng đã có người yêu, có lẽ cũng gần cưới.

Phượng Vũ hỏi:

-Lúc nãy chị Mỹ Dung đang nói về ai vậy? Phượng Vũ nghe loáng thoáng gì mà có sở khanh trong đó nữa...

Chị Mỹ Dung chép miệng:

-Ngọc Loan đang kể về chuyện của người em họ yêu lầm một chàng họ Sở, lỡ có bầu mà chàng ta không chịu cưới nên lén đi phá thai, nào ngờ bị làm băng và qua đời...

Ngọc Loan thêm vào:

-Anh chàng đó đẹp trai lắm, tướng tá cũng lịch sự, con nhà gia giáo, ai ngờ...

Thanh Trúc hỏi:

-Ngọc Loan biết rõ chuyện tình của họ lắm hở? Họ quen nhau lâu chưa?

Ngọc Loan lắc đầu:

-Không, Loan có thấy mặt anh chàng mấy lần đưa cô em họ về chứ chưa bao giờ nói chuyện. Hình như họ quen nhau cũng mấy năm... nhưng thấy cô em họ có vẻ không thích ai nhắc tới chuyện của mình nên Loan cũng không biết gì nhiều...

Phượng Vũ nổi máu anh hùng:

-Những anh chàng họ Sở này ở đâu mà không có... Phượng Vũ mà có quyền là đem xử trảm hết... Nhưng cô em họ của Loan tại sao đi phá thai làm gì, có bầu thì cứ sinh ra rồi nuôi, đâu phải mình nuôi không nổi...

Ngọc Loan thở dài:

-Vậy mới nói, dì của Loan khóc xỉu lên xỉu xuống nhìn mà tội...

Đã tới giờ họp nên người ta lục đục kéo vào bên trong. Câu chuyện của anh chàng sở khanh cũng được tạm ngưng. Buổi họp được tổ chức trong hội trường. Ba hàng ghế đầu dành cho giáo viên. Nhóm của Phượng Vũ chọn hàng ghế bên trái cùng nhau ngồi xuống. Năm nay có lẽ số học trò ghi danh khá đông nên thành phần giáo viên cũng có vẻ nhiều hơn năm ngoái, Phượng Vũ nhận xét như vậy.

Buổi họp diễn ra trong không khí thân mật và cởi mở. Những anh chị giáo viên “amateur” coi bộ đều rất tậm tâm trong vai trò của mình, họ thay phiên nhau đưa ý kiến. Bên phía phụ huynh cũng vậy, đã có nhiều người tỏ ra rất nhiệt tình. Mọi người cùng bản thảo thật sôi nổi. Phượng Vũ tuy không góp lời nhưng vẫn chăm chú lắng nghe ý kiến của mọi người. Đến khoảng giữa buổi họp, Phượng Vũ nghe một giọng đàn ông chợt cất lên:

-Tuy tôi chưa phải là giáo viên chính thức của trường nhưng hôm nay tôi mạn phép ban tổ chức và các anh chị giáo viên cùng quí vị phụ huynh đưa ra một ý kiến nho nhỏ, mong là sẽ giúp ích được việc dạy dỗ các em. Theo tôi nghĩ, suốt những ngày trong tuần các em đều đã học rất nhiều ở trường. Hai ngày cuối tuần ngoài một buổi đi học tiếng Việt, tôi chắc chắn là phần lớn các em đều có học những môn khác như đàn, vẽ hay bơi lội. Vì vậy có thể nói các em rất mệt mỏi. Chúng ta có thể tìm cách nào phác thảo một chương trình vừa học vừa chơi mà vẫn có thể truyền đạt cho các em căn bản về tiếng Việt một cách nhẹ nhàng và khéo léo. Làm được như vậy tôi nghĩ rằng các em sẽ ham học hơn và cũng sẽ tiến bộ hơn so với những bài học khô khan và cứng ngắt...

Phượng Vũ nhìn thấy nhiều cái đầu quay tìm người đàn ông vừa đưa ý kiến. Nàng cũng không tránh khỏi tò mò. Chẳng những vì ý kiến của ông ta khá độc đáo mà còn vì giọng nói trầm ấm rất đỗi cuốn hút kia. Ông ta ngồi ở hàng ghế thứ ba phía góc bên tay mặt, khoảng cách khá xa nên Phượng Vũ không nhìn rõ mặt nhưng vẫn nhận ra hình như ông ta chưa già lắm và khá đẹp trai.

Bỗng Phượng Vũ nghe tiếng Ngọc Loan run run:

-Trời, không ngờ hắn ta lại xuất hiện ở đây...

Phượng Vũ quay lại chưa kịp hỏi thì đã nghe tiếng Thanh Trúc:

-Hắn ta là ai vậy Loan? Nhìn cũng đẹp trai phong độ lắm chứ...

Giọng Ngọc Loan vẫn còn run:

-Thì là cái người họ Sở mà mình vừa nhắc đến khi nãy đó...

Không hẹn mà Phượng Vũ, Thanh Trúc và chị Mỹ Dung cùng ồ lên ngạc nhiên và quay đầu lại để nhìn. Nhưng ông ta đã ngồi xuống nên cả ba không nhìn thấy nữa.

Khi buổi họp chấm dứt, Phượng Vũ cùng mọi người rời khỏi hội trường. Dòng người cùng túa về phía cửa nên không thể đi nhanh được. Đang đi chợt Ngọc Loan khều nhẹ cánh tay Phượng Vũ và thì thầm:

-Hình như hắn đang đi phía sau mình kìa Phượng Vũ...

Phượng Vũ đã đoán ra Ngọc Loan đang nói ai nên khựng lại quay đầu nhìn về phía sau. Người đàn ông đi phía sau nàng vì bất ngờ nên vẫn đi tới và va vào người nàng. Phượng Vũ theo phản ứng tự nhiên tránh ngang một bước nên bị mất thăng bằng loạng choạng muốn té. Người đàn ông kia thấy vậy vội bước lên giữ lấy hai vai nàng giúp Phượng Vũ đứng vững trở lại.

Khi người đàn ông buông hai tay ra khỏi vai nàng, Phượng Vũ thấy nhiều ánh mắt đang nhìn mình nên xấu hổ cúi mặt. Cũng tại cái tội tò mò và nhanh nhẩu đoảng mà ra. Người đàn ông thấy Phượng Vũ không có phản ứng nên hỏi nhỏ:

-Cô có sao không? Xin lỗi cô... có lẽ tại tôi đi hơi nhanh...

Giọng nói trầm ấm pha chút ngại ngùng khiến Phượng Vũ bối rối ngước nhìn:

-Không sao, lỗi tại tôi mới đúng, đang đi tự dưng đứng lại...

Khi ánh mắt của Phượng Vũ chạm phải ánh mắt của người đàn ông kia thì nàng cảm thấy như có một dòng điện chạy thẳng vào tim khiến trái tim nàng đập thật mạnh. Đây là lần đầu tiên trong đời Phượng Vũ có cảm giác này. Người đàn ông trước mặt còn khá trẻ, chắc khoảng tuổi nàng. Gương mặt rắn rỏi, vầng trán cao rộng và hơi nhô ra chứng tỏ bản tính vừa thông minh vừa bướng bỉnh. Điểm đặc biệt phải kể có lẽ là ánh mắt, Phượng Vũ không biết làm sao để diễn tả hết sự thu hút của ánh mắt này. Nàng vẫn thường đọc thấy trong tiểu thuyết người ta diễn tả những ánh mắt hớp hồn người nhưng không thể nào tưởng tượng được nó ra làm sao. Bây giờ nhìn ánh mắt của người đối diện Phượng Vũ mới cảm nhận được. Làn da rám nắng, dáng dấp cao ráo và rắn chắc, có lẽ ông ta cũng là dân chơi sport chứ không phải bạch diện thư sinh.

Còn đang lơ mơ với những ý tưởng của mình thì bỗng Thanh Trúc níu tay Phượng Vũ:

-Đi thôi Phượng Vũ ơi, mình đứng đây cản đường người ta kìa...

Vừa nói Thanh Trúc vừa kéo Phượng Vũ đi nên nàng vội gật nhẹ đầu chào người đàn ông nọ rồi bước theo Thanh Trúc. Ra tới bên ngoài mà Phượng Vũ như vẫn chưa hoàn hồn, nàng như vẫn còn bị ánh mắt thu hút kia “hớp hồn”.

-Đúng là “dò sông dò biển dễ dò”, nhìn hắn ta đàng hoàng vậy mà họ Sở, tiếc thật...

Tiếng chị Mỹ Dung vang lên khiến Phượng Vũ giật mình:

-Ủa... vậy anh chàng đó là người mà Ngọc Loan nói đó hở?

Ngọc Loan mở to mắt:

-Trời... vậy Phượng Vũ tưởng hắn là ai? Loan tưởng Phượng Vũ nhận ra hắn là người đưa ý kiến lúc nãy chứ...

Phượng Vũ lắc đầu:

-Lúc nãy xa quá nên Phượng Vũ nhìn không ra...

Thanh Trúc cười cười:

-Thôi chết, chị Mỹ Dung và Ngọc Loan có nhận thấy Phượng Vũ ngẩn ngơ như người mất hồn không? Chẳng lẽ Phượng Vũ bị “coup de foudre” với anh chàng sở khanh kia rồi sao?

Phượng Vũ đỏ mặt:

-Thanh Trúc chọc Phượng Vũ nha, “coup de foudre” chỉ là trong tiểu thuyết thôi, ngoài đời làm gì có...

Ngọc Loan trầm ngâm:

-Loan cũng mong vậy, lúc nãy thấy hai anh chị “bốn mắt nhìn nhau” sao Loan lo ghê...

Chị Mỹ Dung chép miệng:

-Cái gì cũng có số hết Loan ơi, nếu đúng số thì có chạy đàng trời...

Mỗi người nói một câu khiến Phượng Vũ cũng bắt đầu cảm thấy lo lắng:

-Mọi người làm Phượng Vũ bắt đầu cảm thấy sợ rồi nè... Vậy từ giờ Phượng Vũ thấy bóng dáng anh chàng đó là quay lưng chạy thật xa...

Rồi nàng chợt thắc mắc:

-Không biết anh ta có phải là một trong những giáo viên mới của niên khoá này không nữa, nếu đúng thì sẽ gặp mặt hoài hoài... làm sao tránh được...

Thanh Trúc để tay lên ngực trái:

-Phượng Vũ đâu cần tránh... ăn thua chỗ này nè... nhiều khi nó muốn, có tránh cũng không được...

Câu chuyện chấm dứt ở đây rồi ai về nhà nấy. Khuôn mặt đẹp trai và ánh mắt của người đàn ông lạ vẫn lảng vảng trong đầu Phượng Vũ trên đường về nhà. Nàng tự ngạc nhiên với chính mình, vừa mới gặp mặt lần đầu mà đã nghĩ đến người ta như vậy, chẳng lẽ đúng là “tiếng sét ái tình” như lời Thanh Trúc nói? Phượng Vũ nhớ đến lời nói của Ngọc Loan và tự nhắc nhở mình rằng hắn ta không phải là người tốt. Từ nay nàng phải thật cẩn thận nếu có gặp lại người đàn ông này.