Chương 1 - LỜI NGƯỜI DỊCH

Hằng năm, cứ vào mùa an cư là chúng tôi có sách ấn tống để cúng dường chư tôn đức Tăng, Ni cùng quý Phật tử gần xa. Mỗi lần làm được thế thì chúng tôi, kẻ có công dịch, người đóng góp ấn tống, người giúp đỡ để sách đến tay nhiều người trong sự tốt đẹp nhất có thể, đều hạnh phúc. Sau đó lại bắt tay vào việc chuẩn bị sách cho mùa an cư sau... một cách hạnh phúc.

Năm nay, đến hẹn, nhưng không thể ‘xuất hiện’ được vì nhiều lý do. Nhưng lỗi nặng nhất là ở người dịch, lỗi không tinh tấn, lỗi khâu chọn bài, khó liên kết đề mục với nhau chặt chẽ. Đã toan không in nữa. Tuy nhiên khi chia sẻ với bạn bè ý định đó thì bạn khuyên rằng, mình đã làm hết sức, kết quả hãy để người đọc tự kết luận. Nghe ra, chúng tôi mạnh dạn in. Mong bạn đọc thứ tha nếu có làm rộn phiền, làm mất những giây phút sống trong hiện tại quý báu của quý vị. Vì tất cả chúng tôi đều làm công việc này với tâm thiện lành, mong cho mọi người được ích lợi, dù nhiều, dù ít.

Cuốn sách này là tập hợp các bài dịch rải rác của chúng tôi trong thời gian qua. Vì sự hiểu biết còn nhiều hạn hẹp, nên khó tránh được nhiều sai sót, kính mong quý độc giả chỉ bày cho.

Và cũng như tất cả mọi quyển sách trước đây, chúng tôi hàm ân các nhà hảo tâm, quý đạo hữu đã chung tay góp sức để sách được đến tay nhiều độc giả dưới dạng sách ấn tống.

Nguyện đem công đức này hướng đến tất cả chúng sanh.

Nguyện tất cả đều tìm được niềm vui trong đạo Phật chân chánh.

Nay kính,

Diệu Liên Lý Thu Linh

ltl3107@yahoo.com

Thu 2017

 

Chương 1

Richard Harold, Giám đốc một công ty truyền hình, phụ trách nội dung trên các mạng. Ông là Phật tử theo truyền thống Nguyên thủy, hiện sống tại bang Chicago, Hoa Kỳ.

Mới đây một đồng nghiệp đã nhờ tôi phác đồ cách dạy trẻ em từ 4-14 tuổi về Tứ diệu đế. Đó là một phần trong bài diễn thuyết của anh tại giáo đoàn Unitarian Universalist (Nhất thế giáo). Tôi nhanh chóng tìm kiếm tài liệu trên mạng, nhưng thật ngạc nhiên khi thấy có rất ít tài liệu về việc dạy Phật giáo cho trẻ em.

Một vị sư có lần nói với tôi rằng trong nhiều gia đình người Thái, việc đầu tiên cha mẹ dạy con trẻ là cách chắp tay khi vái lạy. Tiếp theo đó, cha mẹ dạy chúng cách lạy trước các tượng Phật ba lạy. Có phải họ dạy cho con cái cung cách vái lạy vì đó là một phần trong các nghi lễ Phật giáo?

Không hẳn thế. Dầu đó cũng là một phần trong nghi lễ Phật giáo, nhưng khi lạy và chắp tay đúng cách đòi hỏi trẻ phải chú tâm. Chúng phải chú tâm đến việc mình đang làm. Và thay vì dạy trẻ nhỏ những điều cao siêu như nhân và quả, cha mẹ người Thái dạy con họ cách chú tâm chánh niệm để làm điều gì đó đúng cách. Suy cho cùng, sự chú tâm chánh niệm cũng nằm trong ba điều dạy của Đức Phật: Giới, Định (chánh niệm) và Tuệ.

Tuy nhiên cũng có những cha mẹ dầu là Phật tử thuần thành cũng không muốn ‘truyền giáo’ cho con cái họ. Thật lòng, tôi thấy cách ứng xử đó hơi ích kỷ. Vì đối với đa số chúng ta, những người cải đạo sang Phật giáo, chúng ta tìm đến Phật giáo vì chúng ta không chấp nhận cách giáo dục theo tôn giáo riêng của cha mẹ. Tôi nghĩ có lẽ họ cũng muốn để cho con cái tự ‘tìm ra’ con đường riêng giống như họ. Nhưng điều này đối với tôi, là một cách suy nghĩ thiển cận.

Thử nghĩ xem, có biết bao người chấp nhận tôn giáo của cha mẹ và tiếp tục đi theo tín ngưỡng này? Đa phần họ làm thế là vì lúc nhỏ, cha mẹ dẫn họ đi nhà thờ, học các lớp giáo lý vì để hiểu rõ về tôn giáo của mình, bắt buộc họ phải học kinh sách. Và những đứa trẻ này, dĩ nhiên, cũng tham gia nhiều nghi lễ theo tôn giáo của cha mẹ - từ việc đọc kinh trước khi ăn đến việc tham dự vào các hoạt động ở nhà thờ nơi cha mẹ họ thường đi.

Con cái họ chấp nhận việc này và tiếp tục giữ ‘tôn giáo’ đó cho đến khi trưởng thành.

Những người cải đạo theo Phật giáo như chúng ta chắc chắn cũng đã được giáo dục theo cách đó, nhưng dần dần chúng ta bắt đầu đặt nghi vấn về những lý thuyết và cách thực hành theo tôn giáo của cha mẹ. Vì không có được những câu trả lời làm thỏa lòng, chúng ta đã đi tìm cái gì đó khác. Đối với phần đông chúng ta, cái gì đó là Phật giáo. Nào, hãy tự hỏi mình điều này: Liệu bạn có tìm đến Phật giáo nếu từ lúc đầu bạn đã hài lòng với việc giáo dục theo tôn giáo của cha mẹ? Nếu bạn không biết đến những cách thức thực hành theo tôn giáo của cha mẹ, liệu bạn có đi tìm kiếm một thứ gì khác đó? Có thể có, mà cũng có thể không.

Điều tôi muốn nói ở đây là việc lúc ấu thơ bạn đã được tiếp xúc với một tôn giáo sẽ dễ khiến bạn muốn tìm hiểu về tôn giáo khác. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, đa số cũng được giáo dục trong những môi trường tương tự nhưng họ cảm thấy thoải mái, hài lòng với tôn giáo của cha mẹ, và chẳng bao giờ cảm thấy có nhu cầu đi tìm thứ gì khác.

Vậy mà đối với một số người cải đạo theo Phật giáo, hay đang theo Phật giáo lại có ý muốn kỳ lạ là không cho con cái họ cơ hội đó. Tại sao không dạy con cái bạn về Phật giáo? Tại sao không ‘truyền giáo’ cho chúng?  Dạy dỗ rồi buông. Nếu chúng chấp nhận sự hướng dẫn của bạn, thì chúng sẽ được hạnh phúc. Nếu không, chúng sẽ tự đi tìm một tôn giáo khác, giống như bạn đã làm. Có thể chúng sẽ gia nhập theo một tôn giáo khác và thấy hạnh phúc. Đó không phải là điều chúng ta muốn dành cho con cái mình sao, là cho chúng được hạnh phúc?

Số khác không muốn ‘ép’ con cái phải theo Phật giáo, vì họ không muốn giống như cha mẹ họ, đã ‘ép’ họ theo tôn giáo của cha mẹ. Nhưng dạy con cái Phật pháp không cần phải là một hoạt động có tính ‘ép buộc’.

Đức Phật đã dùng hình ảnh cái gương rất bình thường để dạy con trai, Rahula, khi đứa trẻ chỉ mới 8 tuổi, về sự quán chiếu các hành động quan trọng thế nào đến sự bình an, hạnh phúc của mình. Chú tâm vào việc mình đang làm là điều quan trọng trong Phật giáo. Và có nhiều cách để dạy con cái chúng ta điều đó mà không cần phải ‘ép buộc’ chúng. Nếu bạn dạy con cái sự liên hệ nhân quả giữa hành động của chúng và kết quả mà các hành động đó mang đến, đó là bạn đang dạy trẻ về Phật giáo.

Một trong năm điều quán chiếu mà Đức Phật dạy là: “Tôi là chủ của nghiệp, do nghiệp sinh, do nghiệp tạo, liên hệ do nghiệp, tuân thủ theo nghiệp…”. Liên hệ do nghiệp thì đúng như thế: con cái bạn là nghiệp quả của bạn. Chúng là con cái bạn do một lý do nào đó. Hãy quán tưởng về điều đó trong lần tọa thiền tới, để xem điều gì trỗi lên trong tâm bạn.

Dưới đây là một số điều tôi đề nghị để dạy Phật giáo cho trẻ em. Chúng rất cơ bản, nhưng đó là khởi đầu.

Dạy Tứ diệu đế cho trẻ em. Hãy nói với các em:

Không phải lúc nào chúng ta cũng hạnh phúc; có những lúc ta buồn, giận, sợ hay cảm thấy cô đơn.

Chúng ta cảm thấy buồn, giận, sợ hay cô đơn vì ta không thể có được cái mình muốn, hay phải làm điều ta không muốn làm.

Chúng ta cảm thấy như thế là do cái nhìn của bản thân, nhưng ta có thể sửa đổi các trạng thái đó khi ta đã học cách muốn đúng.

Đức Phật đã dạy chúng ta tám thứ để ghi nhớ, để giúp ta học cách làm đúng và chấp nhận rằng cuộc đời không phải lúc nào cũng như ta muốn.

Tám thứ đó là Bát Chánh đạo của Đức Phật, chính yếu là dạy cho ta biết có những cách làm đúng và những cách sai lầm. Làm đúng có nhiều ý nghĩa hơn là sống đạo đức. Làm điều đúng mang lại cho ta hạnh phúc, khiến ta cảm thấy tự tại, không lo lắng, không sợ hãi điều gì có thể xảy ra cho ta. Đó là thứ hạnh phúc lâu dài, vững bền. Đức Phật đã so sánh loại hạnh phúc này với cái bóng của ta: nó luôn theo sát ta, nhưng ta không hề biết đến nó trừ khi ta quay nhìn nó.

Làm điều sai trái là cái sẽ mang đến cho chúng ta những cảm giác mà ta không thích. Thí dụ, nếu ta nói lời ác ý, ta sẽ khiến ai đó tức giận, và người ta thường làm điều gì với người khiến họ tức giận? Họ sẽ trả đũa, họ sẽ làm gì đó đề hại lại ta. Do đó tất cả là do ta bắt đầu. Ta tạo ra sự bất hạnh cho bản thân, và điều đó có thể khiến ta cảm thấy vô vọng, bất lực, giống như ta phải luôn mang một gánh nặng bên mình. Đức Phật đã diễn tả những hành động sai trái của ta tạo ra phiền não như thế nào bằng cách sử dụng một ẩn dụ của con bò kéo xe. Chiếc xe đã nặng nề, vướng víu. Nhưng mỗi lần ta hành động sai trái, cũng giống như ta bỏ thêm một viên đá nặng khác lên chiếc xe ta đang kéo phía sau. Nếu ta không bỏ thêm đá nặng, chắc chắn ta sẽ dễ kéo chiếc xe kia hơn.

Diệu Liên Lý Thu Linh

(Chuyển ngữ theo Teaching Children Well,

nguồn:  mybuddhaispink.blogspot.com)