Hai buổi chiều vàng

òng ta chôn một khối tình...

K. H.

I

Chưa để Kính đọc hết, Triết giật lấy từ báo, đưa mắt tìm chỗ đăng tin hội đồng Bề hình nay mai xử mấy vụ hội kín. Chàng đọc lại đoạn nói về bị cáo nhân Nguyễn văn Lộc, một đảng viên quan trọng âm mưu phá rối cuộc trị an. Triết đặt từ báo xuống bàn nói một mình:

- Nguyễn văn Lộc quán ở Vĩnh Yên!... Chính Lộc ấy.

Triết ngước nhìn một cái khung kính dán đầy ảnh chăm chú vào tấm ảnh con đặt ở góc, chụp một cặp vợ chồng trẻ: ảnh Lộc và Thoa, vợ Lộc, lúc hai người mới lấy nhau.

Kính nói:

- Vụ này, mỗi anh ít ra cũng hai mươi năm khổ sai.

Nghe đến mấy tiếng “hai mươi năm khổ sai”, Triết giật mình ngơ ngác. Chàng nhìn vào hình Thoa trên bức ảnh, hai con mắt mơ màng, thầm gọi:

- Em Thoa...

Đã ba năm nay chàng chưa gặp mặt, nhưng hình ảnh của Thoa lúc nào cũng phảng phất trong trí tưởng. Mặc dầu Thoa đã lấy chồng, đối với Triết, Thoa lúc nào cũng là một người bạn gái, chàng đã yêu trong quãng đời hoa niên xa xăm mà chàng biết rằng còn yêu, yêu mãi... Bức ảnh chụp hai vợ chồng Thoa, chàng không muốn cắt đôi ra sợ mọi người nghi ngờ, chàng đem dán lẫn với những tấm ảnh khác để lúc nào cũng có trước mặt mà chỉ có riêng đối với chàng. Bức ảnh chụp lâu ngày, nay đã mờ và bị những chấm trắng lấm tấm lan gần khắp; hình Thoa trên tấm ảnh một ngày kia sẽ mất, nhưng ở trong lòng chàng thì không bao giờ phai lạt.

Triết thăm tính:

- Hai mươi năm... Bây giờ Thoa hai mươi bốn tuổi...

Chàng với điếu thuốc lá châm hút để được bình tĩnh vì chàng không muốn nghĩ ngợi tìm cách xử trí, trong óc chàng bối rối bị những ý tưởng trái ngược nhau dồn dập đến một loạt.

Nhìn theo khói thuốc lá từ từ lan ra phía cửa sổ, chàng thẫn thờ để tâm trí phiêu diêu nhớ đến cảnh quê cũ: mấy nóc nhà tranh bên vài cây cau thân trắng, khóm chuối xơ xác và những ao bèo đầy lá khô, những bè rau rát mỗi khi thu về điểm hoa vàng lấm tấm... nơi mà chàng đã cùng Thoa sống những ngày vui không trở lại nữa.

 

Nhà Triết và Thoa cạnh nhau. Hai người, trong bao nhiêu năm cùng chơi bời đua nghịch, cùng đi học một trường, nên quen nhau và hiểu nhau như hai người bạn trai. Triết hơn Thoa ba tuổi. Vì Thoa là con một, mồ côi cha từ bé, nhà lại sa sút hơn nhà Triết, nên Triết tự nhiên săn sóc, che chở Thoa như một người em gái. Tuy nhà Triết chỉ đủ ăn, mà Triết cũng cố nói với mẹ giúp đỡ cho Thoa được cắp sách đi học.

Dần dần Triết thấy tình bè bạn hai người đổi khác trước; trong những lúc chơi đùa, cả Thoa và chàng cầm tay nhau đã thấy hơi ngượng.

Một hôm, hôm đó Thoa lần đầu tiên quấn khăn. Nàng sang chơi bên nhà Triết để khoe. Triết đương đứng với mẹ ở hiên, lấy tay chỉ nói với mẹ:

- Kìa mẹ trông! Cô Thoa... nhà tôi.

Rồi chàng và cả mẹ chàng cùng cười ngặt nghẽo. Bỗng Triết ngừng hẳn lại, đăm đăm nhìn vào mặt Thoa: lần đầu chàng thấy Thoa đẹp, lần đầu chàng để ý đến nhan sắc của Thoa, không nhìn Thoa như một cô bé nữa, mà lại là một cô gái xinh đẹp đương tuổi dậy thì... Thoa mỉm cười hỏi Triết:

- Cô Thoa nhà anh làm sao cơ?

Mẹ Triết cười nói:

- Trông cô ra dáng một cô dâu lắm rồi.

Thoa tinh nghịch nhìn Triết hỏi:

- Nhưng còn ai là chú rể?

Triết không đáp, nhưng chàng đã hiểu ý của Thoa...

Năm mười bảy tuổi, Triết phải lên Hà Nội học. Lần đầu tiên hai người xa cách nhau nên cùng thấy buồn vơ vẩn. Hôm đi, Triết không thấy Thoa vồn vã ân cần như mọi ngày; nàng chỉ đứng ngoài hè nhà yên lặng nhìn Triết xếp quần áo, sách vở. Lúc lên xe, Triết không dám quay mặt nhìn lại.

Mỗi lần Triết nghỉ học, hai người lại sống lại những ngày vui cũ; nhưng cái vui dần dần nghiêm trang hơn trước; hai người không đùa nghịch nữa tuy vẫn cả ngày gần nhau.

Triết còn nhớ lại hôm cùng Thoa đứng bên bờ ao hai người không biết làm gì, vơ vẩn nhìn những lá tre khô rơi xuống mặt nước. Thoa một tay vịn cành ổi, lấy chân hắt nước lên trên bè rau rát để ngắm những ngọn lá bị động dần dần cúp lại và rủ xuống như lá héo. Nàng nói:

- Anh có nhớ hôm nào phải ăn canh khoai rau rút trừ cơm không?

Triết cười đáp:

- Thế mà chưa bữa cơm nào ngon hơn.

Một lúc, Thoa vẻ mặt hơi buồn, chép miệng nói:

- Em ước ao chẳng bao giờ phải gặp nông nỗi ấy nữa.

Triết hỏi:

- Cô sợ nghèo lắm à?

Thoa yên lặng không đáp. Triết nhìn tấm áo trắng vá vai, chiếc khăn đã cũ của Thoa, chợt hiểu và đem lòng thương hại nỗi lòng của người bạn gái có nhan sắc nhưng vì nghèo không dám nghĩ đến sự điểm trang. Chàng nói đùa để an ủi Thoa:

- Tôi ăn bữa cơm khoai hôm đó ngon hơn bữa cơm sang trọng, cũng như tôi nhìn cô măc bộ quần áo nghèo này đẹp hơn khi cô mặc bộ quần áo sang.

Thoa mỉm cười nói:

- Sao anh biết? Vì em chưa mặc bộ quần áo nào sang trọng cả.

Triết đáp:

- Cũng chả mấy lúc nữa.

Chàng nói câu ấy vì chàng nghĩ rằng không mấy lúc nữa chàng thi ra, chàng sẽ đi làm và lúc đó không sợ thiếu tiền để giúp nhà Thoa nữa. Chàng sẽ lấy Thoa làm vợ và hai người sẽ mãi mãi sống gần nhau như đã sống gần nhau từ trước đến nay. Triết yên trí rằng đó là một việc tất nhiên, không thể khác dược.

Đột ngột Hoa hỏi:

- Chỉ còn một năm nữa anh đã thi ra rồi, nhỉ?

Triết sung sướng nghĩ thầm:

- Thoa cũng một ý nghĩ và một ước vọng như mình.

Mấy ngày trước khi lên Hà Nội, nhân một buổi mẹ Thoa đi vắng, Triết sang bên nhà Thoa và nhất quyết định tỏ cho nàng biết cái tình yêu ngấm ngầm của mình trong bấy lâu. Chàng phấp phỗng lo sợ, vừa đi vừa lựa trước những câu sẽ phải nói với Thoa.

- Anh Triết đi đâu mà vội vàng hấp tấp thế kia?

Câu hỏi và một tiếng cười giòn theo luôn sau làm Triết giật mình ngửng lên. Thoa lúc đó đương đứng bên một cái lồng chim treo ở cành cây nhãn.

- Anh cho hộ em con chim này vào lồng.

Triết hỏi:

- Sao cô bắt nó?

Thoa đặt con chim vào lòng bàn tay Triết, nói:

- Em có bắt nó đâu. Nó ở trong lồng bay ra, em đuổi mãi mới tóm được anh chàng... Mệt quá.

Vì Triết đứng gần sát nên thấy hơi thở của Thoa đưa mơn man qua má chàng. Lúc cho con chim vào lồng, Triết có ý để đầu chàng chạm vào khăn Thoa. Thoa cứ đứng yên, chăm chú nhìn con chim, vờ như không để ý đến. Triết hỏi:

- Sao cô lại cử nhất định cho nó vào lồng?

Thoa nhìn Triết, ngây thơ đáp:

- Cho nó có đôi kẻo nó buồn. Em không hiểu sao nó lại dại dột đòi bay ra.

Rồi nàng hạ giọng như muốn ngỏ cho Triết một sự gì bí mật lắm:

- Hai vợ chồng nó đấy.

Triết đậy cửa lồng chim lại cẩn thận, rồi đứng lui dựa vào cái giậu nứa, thờ thẫn nhìn Thoa. Chàng nhận ra rằng ý định của chàng lúc này không cần nữa. Nhìn hai con mắt Thoa, chàng thấy một cách rõ ràng rằng Thoa đã hiểu tình của chàng rồi và Thoa cũng yêu chàng như chàng yêu Thoa. Hai người đã yêu nhau và đã biết thế từ lâu rồi thì cần gì phải nói nữa. Chàng thấy sự yên lặng của hai người lúc nhìn nhau phô diễn nhiều ý hơn những lời nói nồng nàn...

- Anh táy máy làm đứt cả lạt ra thế kia.

Triết nhìn xuống, thấy mấy sợi lạt bị chàng vô tình rứt xổ tung cả ra. Triết mỉm cười. Thoa đến đập nhẹ vào bàn tay Triết, nũng nịu trách:

- Hôm qua mưa to, giậu đổ, em phải buộc mất cả buổi sáng đấy.

Triết nói:

- Tôi xin buộc đền.

Rồi chàng quên cả câu chuyện kia, loay hoay cùng Thoa buộc lại cái giậu nứa.

Triết yên tâm lên tỉnh học. Ít lâu chàng nhận được của mẹ chàng một bức thư, vội vàng mở ra xem:

Anh Triết,

Anh lại nói với bác cả mua hộ một tấm áo lượt tây màu trứng gà và khi về nghỉ, anh lại lấy đem về cho tôi để tôi làm quà cho cô Thoa. Cô ấy nay mai sắp lấy chồng lấy cậu Lộc ở trên tỉnh, cháu ông Vịnh ấy mà. Có lẽ hôm cưới đúng ngày nghỉ, anh về mừng cho em. Anh nhớ dặn bác mua cho được thứ màu trứng gà vì xem ý cô Thoa chỉ thích màu đó.

Đọc xong đã lâu mà Triết vẫn ngồi yên nhìn chòng chọc vào mấy dòng chữ.

Chàng cau mày như người chưa hiểu, lẩm bẩm:

- Thế này là nghĩa lý gì?

Chàng đọc lại những dòng chữ do tay em chàng viết một lần nữa, thầm mong em chàng viết đùa chới. Nhưng không, em chàng còn nhỏ chưa hề đùa như vậy được. Chàng cầm cái phong bì lên xem dấu nhà dây thép. Bỗng chàng để ý đến nét chữ:

- Chính chữ của Thoa.

Ở nhà chỉ có Thoa là đề nổi phong bì, nên Triết không lấy làm lạ; chàng tự hỏi:

- Nhưng Thoa biết trong thư viết gì không? Triết toan xin nghỉ học để về ngay, nhưng nghĩ không tiện, nên đành đợi đến ngày nghỉ.

Hôm về tới nhà gặp mẹ, chàng cố giữ vẻ thản nhiên vứt gói vải xuống giường, nói:

- Áo của cô Thoa.

Mẹ chàng vội hỏi:

- Mua được thứ màu trứng gà đấy chứ?

Thấy mẹ hỏi vậy, Triết biết ngay là chuyện thật.

Chàng đáp:

- Vâng... nhưng cô Thoa lấy chồng thật đấy ư mẹ?

- Chẳng thật thì giỡn sao.

Triết thấy mẹ yên trí rằng Thoa phải lấy người khác đến nỗi không cho câu hỏi của chàng là lạ. Chàng hỏi:

- Sao bác Huấn lại biết nhà Lộc?

- Bác Huấn có biết đâu. Em Thoa lên tỉnh mua hàng, rồi hai ngươi mến nhau; mãi bác Huấn mới thuận đấy, vì cậu ấy nghèo, mồ côi cả cha lẫn mẹ, ở nhờ nhà ông Vinh.

Cả đời Triết chưa thấy giận ai bằng giận Thoa lúc đó. Có tiếng động, chàng quay lại. Thoa ở ngoài đi vào tươi cười mừng rỡ chào Triết.

- Anh đã về.

Triết như người ngây dại, chỉ gói áo để trên giường nói:

- Áo cưới của cô đấy.

Thoa ngồi xuống giường giở gói áo hỏi:

- Anh mua cho em?

Triết gay gắt đáp:

- Không, của bác, tôi thì đâu dám tặng cô những thứ ấy.

Bà mẹ Triết nói đùa:

- Chắc anh sẻ làm quà cho cô thứ khác quý hơn nhiều. Đấy là thứ quà quê mùa của tôi.

Thoa giơ tấm vải, vắt lên tay soi ra ánh sáng, mỉm cười nói tiếp:

- Cháu lấy chồng nghèo, tấm áo này là quý lắm rồi.

Thấy mẹ đi sang buồng bên, Triẽt lại gần Thoa, hỏi mỉa mai:

- Sao cô bảo cô sợ nghèo lắm kia mà?

Thoa mở to mắt nhìn Triết, không hiểu, và trên mặt hơi thoáng qua vẻ buồn. Triết như không để ý đến, nói luôn:

- Cô bảo cô chưa mặc chiếc áo sang trọng nào, bây giờ tôi muốn xem cô mặc áo cô dâu ra làm sao?

Triết thấy mình tàn ác và nói những câu không có nghĩa lý gì. Chàng hối hận, nhưng hễ muốn dịu giọng nói một câu để mừng nàng, thì Triết thấy nghẹn ở cổ. Chàng biết mình không sao giữ nổi giận, nên đi lảng ra ngoài vườn. Trong nhà có tiếng Thoa nói sẽ với mẹ chàng:

- Độ này anh Triết lo học thi nên trông người gầy sút hẳn.

Vì biết là Thoa yêu Lộc như một người tình nhân, mà chỉ coi chàng như một người anh, nên sau một đêm băn khoăn, Triết nghĩ không gì hơn là bỏ đi và để khỏi làm bối rối Thoa vô ích. Chưa hết hạn nghỉ, chàng đã từ biệt mẹ lên Hà Nội.

Ngày cưới của Thoa lại đúng vào dịp tết: nể lời mẹ nói khẩn khoản nên Triết phải về để đi đưa Thoa về nhà chồng. Hôm đón dâu, Thoa mặc chiếc áo lưọt màu trứng gà phủ ngoài chiếc áo xa tanh da đồng, chiếc áo lượt mà chính tay chàng đã mua về. Nàng thân mật hỏi Thiết:

- Anh trông em thế nào?

- Cô dâu thế kia thì đến nhạn cũng phải sa!

Chàng thấy Thoa đẹp và đáng yêu hơn trước: lạ nhất là tuy cảnh ngộ thật mỉa mai đau đớn mà Triết thấy lòng mình bình tĩnh như không, có phần hơi vui nữa.

Chàng vừa cười nói vừa ngắm Thoa ngồi vấn tốc và nói chuyện với chị em bạn. Thỉnh thoảng Thoa ngửng lên; khi hai con mắt nàng gặp mắt Triết, nàng có ý ngừng lại nhìn lâu một chút. Triết thấy hai con mắt Thoa như nói riêng với chàng:

- Em sung sướng.

Triết mỉm cười sẽ gật như đáp lại:

- Anh cũng thấy thế.

Trong lúc đưa dâu, Triết không thấy mặt Thoa nữa. Mãi đến khi họ nhà gái về, cô dâu đứng ở cửa buồng chào mọi người, Triết mới gặp lại.

Thoa như người mất hồn, ngơ ngác nhìn, nước mắt chạy quanh. Đoán là Thoa đưa mắt tìm mình. Triết đi lại gần; chàng thấy Thoa khi nhìn chàng hình như có vẻ bớt lo, vì được có một người bạn thân đứng cạnh.

Thoa chắp tay, nghiêm trang chào Triết:

- Lạy anh ạ.

Rồi bỗng nàng ứa nước mắt, cúi mặt khóc nức nở. Một người trong họ nói:

- Cô dâu chưa chi đã nhớ nhà rồi.

Tuy đó là cử chỉ rất thông thường của các cô dâu mà Triết cũng sinh ra nghĩ ngợi mãi. Chàng nơm nớp sợ Thoa chưa hẳn đã được hoàn toàn sung sướng.

Nửa năm sau, Triết mới có dịp biết rõ.

Lúc đó bà Huấn đã rời quê nhà lên ở với con rể dạy học tư trên Vĩnh Yên.

Nghe tin mẹ chàng mệt, bà Huấn và Thoa về thăm. Triết thấy Thoa có phần gầy sút hơn trước, chàng đoán là vì lo nghĩ nhiều. Nhưng sau mấy hôm, Triết nhận ra rằng nàng vẫn giữ được cái tính vui như ngày còn con gái. Nàng hay nói đùa hơn trước, và thấy Triết ngạc nhiên, nàng phân giải:

- Em bắt chước nhà em đấy, vì nhà em nói đùa luôn miệng. Có khi em cười suốt ngày, quên cả ăn.

Triết mỉm cười đáp:

- Cười mà no thì chắc chẳng phải ăn canh rau rút trừ cơm như độ nào nữa.

Thoa có vẻ bâng khuâng, nói một mình:

- Anh nhắc đến làm em lại tiếc... độ ấy vui quá nhỉ?

- Thế bây giờ cô buồn à?

Thoa quay vào ngẫm nghĩ một lát, rồi hỏi lại Triết:

- Thế anh có tiếc độ ấy không?

- Tiếc lắm chứ.

- Thế bây giờ anh có buồn không?

- Không.

- Thế sao anh lại bảo em buồn. Em nghèo nhưng lúc nào cũng vui sướng là đủ rồi.

Triết chữa lại:

- Có, tôi có buồn, vì tiếc những ngày ấy có cô ở bên cạnh.

- Em thì em tiếc vì những ngày ấy em được ở gần anh.

Triết nhìn ra ngoài vườn, hai con mắt mơ màng, sẽ nói:

- Sao chúng mình không được như thế mãi... cả đời?...

Chàng nói xong, giật mình vì chàng đã quên bẵng không nghĩ đến rằng đương nói với một người đàn bà có chồng. Chàng vội chữa:

- Xin lỗi cô. Tôi cứ tưởng ngồi nói chuyện với cô Thoa bé bỏng ngày xưa.

Thoa nhìn Triết một lúc lâu rồi nói thong tha như cốt để cho Triết hiểu cái ý ngầm của mình:

- Thì em cũng là Thoa, chứ có khác gì trước. Chỉ khác là không được ở gần nhau mãi thôi.

Triết hiểu; chàng biết Thoa muốn tỏ cho chàng hay rằng Thoa chỉ coi chàng như một người bạn, trước kia cũng như bây giờ. Nhưng một việc khác - việc đó Triết không biết là hữu ý hay tình cờ - đến làm cho chàng bứt rứt. Thoa đương ngồi xem cuốn truyện, thấy Triết đến liền ngửng lên hỏi:

- Anh đã đọc chưa?

- Truyện gì vậy?

- Truyện “Tình tuyệt vọng”.

- Có, tôi đọc rồi...

Thoa nói:

- Có bài thơ dịch hay quá nhỉ?

Rồi nàng sẽ đọc:

Lòng ta chôn một khối tình

Tình trong giây phút mà thành thiên thâu.

Tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu

Mà người gieo thảm như hầu không hay.

Hỡi ơi, người đó ta đây,

Sao ta thui thủi đêm ngày chiếc thân

Thoa lật trang. Triết tự nhiên đọc theo:

Dẫu ta đi trọn đường trần,

Truyện riêng dễ dám một lần hé môi.

Người dù ngọc nói hoa cười,

Nhìn ta như thể nhìn người không quen.

Đường đời lặng lẽ bước tiên,

Ngờ đâu chân đạp lên trên khối tình.

Một niềm tiết liệt đoan trinh,

Xem thơ nào biết có mình ở trong.

Lạnh lùng, lòng sẽ hỏi lòng,

Người đâu tả ở mấy dòng thơ đây.

Thoa hỏi:

- Anh đọc thuộc lòng được à?

Triết cười, nói như nói đùa:

- Vì tôi cũng gặp một cảnh ngộ ấy.

Thoa ngẩn ngơ nhìn Triết:

- Thế à, em không biết đấy.

- Cô biết thế nào được.

Hai ngươi trầm ngâm một lát, rồi Thoa nói một câu như để bình phẩm truyện:

- Em tưởng gặp cảnh ngộ ấy, chỉ có thế là hơn cả.

Triết thì cho câu bình phẩm ấy là một câu khuyên chàng. Câu khuyên ấy đã bốn năm nay lúc nào cũng nghe văng vẳng bên tai. Chàng không cô dịp gặp Thoa nữa nhưng càng ngày càng yêu Thoa hơn lên. Chàng chưa hiểu rõ Thoa mà chàng cũng không muốn tìm để hiểu rõ nữa; cái tình trạng mập mờ ấy đã cho chàng cái cảm tưởng êm thu rằng trong cuộc đời hiu quạnh của chàng có một người yêu chàng mà chàng yêu, hai người yêu nhau lúc nào cũng nghĩ tới nhau và không ai dám tự thú nhận. Chàng cho ở đời chỉ có cái tình yêu như vậy là lâu bền nhất.

Trong thời kỳ đó, chàng vừa bận làm lụng để kiếm ăn vừa bận học để thi tú tài. Chàng hợp sức với Kính, một ngươi bạn thân để mở ở Hà Nội một buồng giấy làm đơn từ và trông nom về mọi việc kiện tụng. Chàng đã vào học trường luật được một năm và dự định về sau sẽ hết sức làm những việc mà chàng vẫn hoài bão và đã nhiều lần nói chuyện ngỏ cho Thoa biết.

Nhiều khi, trong những lúc làm việc vất vả, hoặc trong chán nản, chàng ngửng mặt nhìn ra cửa sổ, lặng yên tưởng tới Thoa: chàng lại thấy cái vui vẻ phấn khởi trở tại trong tâm hồn. Lăn lộn trong chốn phồn hoa, gặp bao nhiêu người đẹp mà chàng không hề để ý đến ai. Vì Thoa là cái biểu hiệu linh động của quãng đời thơ ấu của chàng; chàng nghĩ đến Thoa lúc nào là thấy hiện ra những hình ảnh đáng yêu mến của những ngày vui cũ ở quê nhà.

Không ai thấy được Thoa trong lòng chàng, vì người ta một đời chỉ có một tuổi thơ. Tuổi thơ của chàng đã qua, qua hẳn và Thoa cũng không bao giờ trở về với chàng nữa.

Một hôm, hôm đó tự nhiên Triết thấy vui vẻ lạ thường. Chàng biết cái lẽ khiến chàng vui, nhưng chàng không dám tự thú. Như một cái máy, Triết lấy vé xe lửa lên Vĩnh Yên. Chàng tìm đến nhà Thoa ở và sẽ lấy cớ rằng có việc đi qua Vĩnh Yên vào thăm bà Huấn và Thoa trong lúc đợi giờ xe về Hà Nội. Cái cớ ấy tự nhiên lắm, Triết cũng thấy thế, nhưng không biết tại sao, đến khi nhìn thấy cổng nhà Thoa, chàng cho là không thể được. Chàng không còn đủ can đảm để nói dối nữa mà chàng lại tin chắc chắn rằng thế nào Thoa cũng biết là chàng nói dối.

Sẵn có cái quán gần đấy, chàng vào ngồi uống nước. Cổng nhà Thoa lúc đó đóng kín. Sau bức giậu găng ta lẫn dâm bụt chỉ lộ ra một cái mái tranh và một ngọn cau in trên nền núi cao.

Trời đã về chiều, một buổi chiều vàng người ta thường thấy những khi bắt đầu mùa hạ. Ánh chiều tà lướt trên áo chàng,  trên bãi cỏ ngay trước cổng và nhuộm vàng những thân cau trong sân nhà Thoa. Triết ngồi yên lặng, nghe rõ tiếng mình thở. Chàng tin rằng lúc đó Thoa đương ngồi chơi mát ngoài sân mà ánh sáng của buổi chiều vàng chàng đương ngắm đây, ở bên kia giậu, cũng lấp lánh trong đôi con mắt của Thoa.

 

- Anh nghĩ gì vậy?

Nghe tiếng Kính hỏi. Triết vứt điếu thuốc lá cháy dở ra cửa số, quay lại.

Triết nhấc tờ báo lên, đưa cho Kính xem, nghiêm trang nói:

- Vài hôm nữa tôi lên Vĩnh Yên mở trên đó một buồng giấy.

- Về kiện tụng?

Triết gật:

- Về kiện tụng. Anh tính chừng này người bị bắt cũng nhiều công việc lắm chứ?

Kính nói:

- Anh điên?

Triết nói, giọng quả quyết:

- Việc ấy tôi đã nhất định rồi. Anh đừng bàn, vô ích, Thế nào tôi cũng đi.

- Thế còn việc học của anh, còn tôi?

- Việc học hãy tạm để đấy. Còn anh thì anh chịu khó buồn vậy.

II

Lên Vĩnh Yên, Triết cố ý thuê một căn nhà ngay đầu tỉnh để khi nào Thoa ra chợ phải đi ngang qua. Chàng bày biện cho có vẻ một cái buồng giấy và treo ở ngoài cửa một tấm biển thực to, khiến ai đi qua cũng phải để ý.

Mỗi lần nhìn cái biển, chàng không khỏi mỉm cười, nghĩ thầm:

- Nếu mong có khách đến để mà sống thì chắc là chết đói trước khi có ông khách đầu tiên.

Mở buồng giấy chỉ là một kế để chàng được ở gần nhà Thoa không ngại vì lời dị nghị. Chàng có thể giúp Thoa, mà giúp một cách rất tự nhiên, cả đến Thoa cũng không ngờ được cái dụng ý của chàng.

Thấy Thoa ở phía xa đi lại, Triết vội cởi áo ngoài cho có vẻ một người đương làm việc. Khi đi ngang qua trước cái biển, Thoa chậm bước lại, ngước mắt đọc. Đứng sau bức bình phong nhìn trộm Thoa, thấy nàng gay sút hẳn, vẻ mặt bơ phờ tiều tụy, Triết động lòng thương hại và nhận thấy việc mình định giúp là rất cần. Chàng chạy vội ra chào:

- Kìa cô...

Thoa giật mình:

- Kìa anh Tú.

Rồi nàng mừng rỡ cuống quít nói luôn:

- Anh làm em hết hồn vía... Anh lên chơi đây bao giờ?

Triết lùi lại nhường cho Thoa vào trước, cố lấy giọng bình tĩnh đáp:

- Tôi lên mở buông giấy trên này. Định lên thăm bác với cô, nhưng chưa xếp dọn xong nhà cửa... May quá, lại vừa gặp ngay cô đi qua.

Thấy Thoa đưa mắt nhìn cái bàn giấy như có vẻ nghi hoặc, Triết vội vàng phân giải:

- Đây là buồng giấy phụ, mở ra cốt để giúp người anh em. Nhưng lúc đầu, tôi phải lên để lấy khách.

Rồi chàng cố hết sức giữ vẻ tự nhiên, hỏi:

- Trường bác giáo dạy học có gần đây không?

Thoa ngơ ngác nhìn chàng:

- Anh chưa biết tin em à?

- Chưa, tin gì?

- Nhà bị em bắt rồi.

Thoa bảo Triết đưa mình vào nhà trong vừa khóc vừa kể sự tình cho nghe. Triết nói:

- Tôi đọc nhật trình không để ý. Nếu biết thì tôi đã lên đây ngay. Tôi có ngờ đâu.

Rồi chàng thân mật trách:

- Sao cô không viết thư cho tôi biết?

Thoa lau nước mắt, nói:

- Ừ, sao em không nghĩ ra! Thật lú cả trí khôn. Bây giờ có anh đây, sao em vững tâm quá.

Triết thầm cảm ơn Thoa, đứng dậy nói:

- Bây giờ ta về thăm bác đã.

Hai người lững thững đi, không ai nói câu gì. Khỏi dãy phố, Triết thấy hiện ra cái mái tranh nhà Thoa với bức giậu và mấy ngọn cau. Nhưng Thoa không cách chàng một bức giậu nữa. Nhớ đến mấy tiếng “hai mươi năm khổ sai”, Triết có cái cảm tưởng rằng Thoa lúc ấy lại là người hạn thửa bé của chàng. Nhưng Triết lấy làm mừng một cách chân thật rằng cái cảm tưởng ấy chỉ là một cái cảm tưởng làm cho chàng thấy thoáng vui trong lòng chứ không phải là cái cớ đã xui giục chàng về giúp Thoa. Chàng về giúp chỉ vì thương bạn, muốn an ủi bạn chứ không phải để mong mỏi thứ gì khác. Đến chỗ rẽ vào nhà Thoa, Triết cứ đi đi thẳng. Thoa gọi giặt lại:

- Anh quên đường rồi à, anh Tú?...

Triết quay lại, lo sợ nhìn Thoa nói:

- Tôi đã biết đường đâu mà quên. Sao cô lại cho là tôi biết đường?

- Em nhớ hình như anh đã đến chơi một lần rồi.

Triết bối rối đáp:

- Chưa, bây giờ tôi mới đến là một.

Thoa nói:

- Có lẽ em nằm mê.

Thấy Thoa hai lần gọi mình là “anh Tú”, Triết khó chịu. Chàng hỏi:

- Sao cô lại gọi tôi bằng anh Tú?

- Vì anh đỗ tú tài.

- Sao cô biết?

- Anh làm việc gì mà em không biết.

Triết thẫn thờ buông hai tiếng:

- Thế à?

Buổi chiều hôm ấy, ngồi ngoài sân nói chuyện với bà Huấn và Thoa, Triết tưởng sống lại những năm ở quê nhà. Bà Huấn nói:

- Trông anh Tú vẫn thế.

Triết đáp:

- Cháu trông bác cũng không khác mấy, cả cô Thoa cũng vậy.

Chàng giơ tay che miệng mỉm cười, nói:

- Chết chửa, cứ quen như ngày trước.

Triết nghiệm ra rằng có chàng ngồi đấy thì bà Huấn và Thoa yên tâm, và sau khi nghe chàng nói, hai người rất hy vọng Lộc sẽ được tha. Bà Huấn nói:

- Không có anh thời mẹ con tôi chịu, chẳng biết xoay xở ra làm sao?

Thoa buồn rầu nói tiếp:

- Mấy hôm nọ em lo quá. Giá nhà em bị từ chung thân thì em khó lòng mà sống nổi. Em sợ quá. Anh Triết, liệu nhà em có được tha không anh?

Câu hỏi ấy không biết Thoa hỏi đã mấy lần. Triết gượng cười đáp:

- Tôi chắc thế nào cũng được tha. Bác và cô cứ yên tâm, tôi xin lo liệu.

Trời đã xâm xẫm tối mà Triết cũng không nghĩ đến về. Thoa mời:

- Anh ở luôn đây ăn cơm với em.

Bà Tuấn nói:

- Cơm có gì mà mời anh ấy ở lại.

Thoa mỉm cười nhìn Triết:

- Anh không từ chối chứ?

Triết đáp:

- Tôi chẳng dám từ chối cô cái gì.

Thoa vui vẻ đứng lên, nói:

- Để em vào bếp làm cơm.

Đi mấy bước, nàng quay lại nói với Triết:

- Hôm nay có canh rau ngót nấu tôm. Ngày trước anh thích ăn lắm cơ đấy. Để em vào nấu thật ngon cho anh xơi.

Triết nhìn thoa mơ mộng:

- Cô nhớ lâu nhỉ?

Tuy vẫn chân thật định tìm hết cách làm cho Lộc được tha, mà Triết lúc đó thấy mình thầm mong cho Lộc phải tù chung thân. Nghĩ đến hai sự trái ngược ấy, Triết mỉm cười.

Bà Huấn bỗng bảo khẽ Triết:

- Anh cố giúp em nhé. Bác lo quá, bác chỉ sợ có làm sao thì em nó hóa điên mất, anh ạ.

III

Thoa đứng ở bờ ao, tay vin cành ổi, khoắng nước rửa chân. Triết lững thững đi lại gần, vừa đi vừa có cái cảm tưởng là lạ rằng chàng đương sống lại những phứt mà một năm nào trước kia chàng đã sống qua một lần rồi. Chàng cố nghĩ nhưng không nhớ ra.

Chính quãng đời trong ba năm chàng sống trở lại bên cạnh Thoa, từ khi Lộc bị bắt, chàng thấy nó giống quãng đời tuổi trẻ của chàng quá, nên những kỷ niệm của hai thời kỳ lẫn lộn với nhau, không sao phân biệt rõ.

Đối với Thoa, chàng đã cố hết sức nhưng không làm thế nào được, vì chính Lộc đã tự mình rước lấy tội vào thân. Lộc mới nhập hội kín, chưa kịp hành động việc gì đã bị bắt ngay. Khi lấy cung, đứng trước mặt anh em, Lộc không từ chối điều gì, nhiều việc không hề nhúng tay qua, Lộc cũng cứ nhận liều. Lộc bị án hai mươi lăm năm phát vãng. Sau khi Lộc ra ngoài Côn đảo thì bà Huấn đưa Thoa về nhà quê. Triết nói với mẹ giúp Thoa mở một ngôi hàng tấm để lấy kế sinh nhai, chàng thì thỉnh thoảng lại về chơi y như là độ chàng còn học trong trường mà Thoa chưa đi lấy chồng. Nỗi đau khổ của Thoa cũng nhẹ bớt dần. Thấy vậy Triết rất mừng, nhưng thật chàng mừng cho Thoa chứ không phải mừng cho chàng. Chàng tha thiết mong có một ngày kia Thoa quên hẳn được.

Trước kia khi Thoa đi lấy chồng, trong lúc tuyệt vọng, lẩn thẩn chàng đã nghĩ đến hai cảnh khiến Thoa trở về với mình: Thoa bỏ chồng hay góa chồng. Bây giờ tuy nàng không góa mà cũng như góa: không một cớ gì có thể bắt người đàn bà giữa tuổi xuân chờ đợi cho đến khi già. Nếu Thoa có thể quên được thì phải giúp cho nàng quên đi. Triết đã băn khoăn nghĩ ngợi mãi mới dám quyết định về việc ấy. Huống hồ chồng Thoa không phải là người quen chàng, không phải là bạn chàng.

Đêm nằm nghĩ đến việc đó, Triết cho là rất dễ dàng, nhưng hễ cứ thấy mặt Thoa là chàng ngượng nghịu và lưỡng lự không biết có nên không.

Thoa thấy Triết đi lại phía mình liền mỉm cười hỏi:

- Sao lần này lâu anh mới về, chắc anh bận gì lắm.

Triết đáp:

- Tôi bận học thi.

- Thi gì?

- Thi bằng “cô-vê”.

Hai người cùng cười. Thoa nói:

- Độ anh thi cái bằng đó sao ở nhà lo thế. Em còn nhớ một lần bác cúng cho anh đỗ, bác khấn đến hai chữ “cô-vê” làm em không thể nhịn cười được.

Trên mặt ao, những làn sóng từ chỗ Thoa đứng lan ra làm cho bè rau rút bập bềnh cùng với bóng mấy đám mây in đáy nước. Thấy bè rau rát, Triết nhớ ngay ra hôm nói chuyện với Thoa về sự giàu nghèo trong khi Thoa hắt nước lên bè rau để nhìn ngọn lá cúp lại. Triết nhìn nàng nói:

- À, tôi nhớ ra rồi.

- Anh nhớ ra gì cơ?

Triết lắc đầu:

- Tôi lại quên mất rồi.

Chàng nói đùa lẩn quẩn để đỡ ngượng và để tìm dịp khơi câu chuyện dự định cho được tự nhiên, khỏi đột ngột. Chàng lại gần đứng dựa gốc ổi, nhìn vơ vẩn:

- Phong cảnh chẳng đổi khác trước một tí gì, mà chúng mình cũng vậy, rắc rối một độ rồi lại về đứng nguyên ở cái bờ ao này. Chỉ khác một điều là mỗi người già thêm mấy tuổi. Tôi ba mươi tuổi rồi đấy...

Thoa tiếp theo:

- Em kém hơn anh ba tuổi, thành ra em...

Nàng ngừng lại tỏ vẻ ngạc nhiên:

- Thế ra em hai mươi bảy tuổi rồi à? Em không kịp nghĩ đến tuổi nữa... Chóng quá.

Thấy trên gương mặt Thoa thoáng qua vẻ buồn, Triết hiểu ngay là Thoa nghĩ đến cái năm xa lắc xa lơ chồng nàng được về, cái năm không bao giờ đến.

Triết nói:

- Những ngày sung sướng thường đi rất mau...

Thoa cúi mặt, nghịch lấy ngón chân cái ấn xuống đất, có vẻ ngẫm nghĩ. Một lúc lâu nàng buồn rầu nói:

- Như mấy năm ở Vĩnh Yên sao mà chóng thế.

Ba năm vừa rồi sao lâu quá chừng... Thế mà còn hơn hai mươi năm nữa...

- Sao cô cứ nhắc đến làm gì. Tôi vẫn mong cho cô quên đi.

Triết nhìn Thoa âu yếm nói tiếp:

- Chúng mình cố coi những năm vừa rồi như không có và bây giờ bắt đầu sống lại như sống từ năm còn 17, 20 tuổi trở đi. Đấy, cô xem, hôm nay chúng mình đứng đây thật chẳng khác gì cái hôm nào cô nghịch đá nước lên bè rau rút mươi năm về trước. Cô còn nhớ không cô Thoa? Lúc nãy, tôi nói: nhớ ra rồi, là nhớ hôm ấy đấy.

Thấy Thoa vẫn đứng yên như lắng tai nghe, Triết bạo dạn nói tiếp, tiếng chàng mỗi lúc một khẽ dần, nghe đều đều dịu ngọt như tiếng ru:

- Xa nhau ít lâu rồi lại gần, đời chúng mình hình như có liên lạc gì với nhau. Ba mươi tuổi mà tôi chưa có vợ thì cô cũng có thể coi như là chưa có chồng, sao không thế được.

Thoa ngửng lên nhìn Triết ngập ngừng như không dám hiểu những lời Triết nói, Triết lại thấy ngượng, sợ rằng mình nói quá rõ, nên vội nói tránh đi:

- Tôi không nghĩ đến lấy vợ, vì có lẽ vợ chưa chắc đã là người bạn... mà bạn thì đã có rồi.

Thoa ngắt lời:

- Vợ chồng khác mà bạn khác.

- Nhưng cô có thể lấy tình bạn để khuây khỏa được không?

Triết hồi hộp đợi câu trả lời của Thoa. Chàng mừng rằng đã nói được câu chàng định nói từ bao lâu. Nhưng Thoa lại hiểu ra cách khác, nàng đáp:

- Em không có anh thì khó lòng mà sống nổi được đến bây giờ.

Thấy Thoa hiểu câu hỏi của mình ra ý khác Triết biết rằng không bao giờ chàng còn có can đảm hỏi Thoa lại một lần thứ hai như thế nữa.

 

Cách đó một tháng, Triết chưa có dịp nào về quê thăm Thoa, thì bỗng được tin chính phủ dự định ân xá các chính trị phạm. Chàng vội vàng đáp ngay xe hỏa đêm về báo tin cho Thoa biết.

Mười giờ tối chàng về tới nơi. Bên nhà Thoa còn đèn sáng: chàng cầm bức thư của người bạn bên Pháp gửi về chạy vội sang.

Thoa cầm đèn ra hiên soi, ngơ ngác không hiểu có chuyện gì mà Triết về khuya khoắt vậy. Triết mỉm cười giơ tay đỡ lấy cái đèn:

- Cô để tôi cầm hộ... tôi sợ nó vỡ.

Sau khi đặt đèn lên bàn cẩn thận, Triết mới đưa bức thư cho Thoa. Chàng nhìn Thoa, nói:

- Có lẽ anh ấy được tha về.

Thoa hai tay run lẩy bẩy, giơ bức thư ra ánh đèn. Lẩm nhẩm đọc qua vài dòng rồi nàng đưa thư cho Triết:

- Anh đọc hộ em...

Triết vừa đọc xong, Thoa đã giằng lấy bức thư chạy vào buồng, cuống quýt gọi bà Huấn dậy:

- Nhà con được tha, mẹ ạ.

Nàng lại chạy ra ngoài nhà, hai bên má nước mắt giàn giụa lấp loáng dưới ánh đèn. Bỗng nàng ngừng lại, vì thấy Triết ngồi gục bên bàn, vẻ mặt buồn rầu ủ rũ. Nàng lo sợ nghi ngờ hỏi:

- Có đúng thế thật không anh?

 

Triết mua hoa xong, thuê chiếc xe bảo kéo thật mau. Chàng ngẫm nghĩ:

- Ở nhà chắc bác Huấn và Thoa đương nóng lòng đợi.

Chàng nói một mình:

- Thôi chỉ còn hai hôm nữa...

Câu ấy chàng không biết để than thở cho mình chỉ còn được hai hôm ở gần Thoa hay là để mừng cho Thoa sắp được gặp mặt chồng.

Đã mấy hôm bà Huấn và Thoa lên Hà Nội ở nhà chàng, để đợi tin tức về Lộc; chiều hôm nay ra sở mật thám hỏi, Triết mới biết đích xác lẳng ngày kia thì người ta giải Lộc lên Vĩnh Yên. Triết đoán chắc rằng biết tin rồi thì bà Huấn và Thoa sáng mai sẽ từ giã chàng để đi lên trên ấy đón Lộc.

Triết vừa xuống xe thì trời bắt đầu mưa nặng hột. Qua lá cây, chàng thoáng thấy bóng Thoa. Chàng lững thững đi vào không cần gì mưa, cốt để được thong thả ngắm Thoa đương đứng ở hiên đợi chàng như một người vợ đợi chồng đi làm về.

Triết nói ngay:

- Đến ngày kia, cô ạ.

Thoa nhìn bó hoa Triết ôm bên người hỏi:

- Anh mua lắm hoa thế?

- Mua về để mừng cô.

Thoa xuống mấy bực thềm, giơ tay đỡ lấy bó hoa:

- Anh để em cầm cho. Hoa đẹp quá nhỉ... Thơm lạ.

Thoa ôm bó hoa vào ngực: mặt nàng phản chiếu ánh phớt hồng của bó hoa lộ ra một vẻ đẹp rực rỡ, nồng nàn. Triết quay đi vì nhìn gò má và cặp môi của Thoa bên những bông hoa hé nở thoang thoảng hương thơm, Triết thấy sinh ra những ý nghĩ thèm muốn làm chàng ngây ngất một cách khó chịu.

Thoa hỏi:

- Nhà có bình cắm hoa không anh?

Triết mỉm cười đáp:

- Không có. Nhưng không sao, để tôi lấy cái này thay vậy.

Chàng lại bàn giấy lấy một cái liễn Bát Tràng cổ vẫn dùng để cắm thước và cắm những cuộn giấy. Thoa cười:

- Nhà không có đàn bà có khác.

Triết tiếp theo luôn:

- Mà chẳng bao giờ có đàn bà nữa.

Chàng giơ tay chỉ trên trần nhà nói:

- Cô xem màng nhện giăng khắp cả thế kia.

Thoa cắm hoa vào liễu, và cặm cụi xếp đặt những bông hoa cho đẹp mắt. Thoáng nghĩ đến cái đời sống cô độc của Triết, Thoa đột nhiên nói:

- Anh ở đây hẻo lánh quá nhỉ những hôm trời mưa thế này mà về đây một mình thì buồn chết.

Triết nói:

- Lâu cũng quen dần... vả lại cả đời cứ phải sống thế không quen cũng không được.

Thoa nghiêng đầu ngắm cái liễn hoa:

- Ở trong nhà có ít hoa trông vui hẳn len. Đấy anh xem.

Triẽt cười nói đùa:

- Cô nói nghe cũng có lý đấy.

Rồi như mới nghĩ ra được điều gì, chàng nhìn Thoa, vẻ mặt bâng khuâng:

- Tôi cũng nghe cô. Để mai kia, khi cô lên Vĩnh Yên rồi, tôi sẽ dùng cái liễn này để cắm hoa. Ngày nào cũng mua hoa về cắm cho vui nhà.

Bỗng chàng hỏi Thoa đột ngột:

- Cô thích thứ hoa gì nhỉ?

Thoa đáp:

- Em thích nhất hoa hồng.

Triết lẩm bẩm nói một mình:

- Hoa hồng có quanh năm...

Rồi như sợ Thoa đoán được ý mình, chàng nói tiẽp:

- Chơi hoa hồng vừa rẻ tiền lại vừa tiện. Hoa hồng đẹp, nhưng mà phải cái thường quá.

Nghe tiếng bà Huấn ở trên gác, Thoa giật mình nói:

- Để em chạy lên gác báo tin cho mẹ em biết.

Triết uể oải ngồi xuống ghế. Quên mình đi, khó nhọc mấy tháng trời để tìm cách cho Lộc về với Thoa, mong mỏi mãi cho đến ngày có kết quả, nay ngày ấy đã đến Triết thấy buồn bã lạ thường. Bắt đầu từ ngày mai chàng không còn được gần gũi Thoa nữa.

Ngoài nhà, mưa vẫn rơi tầm tã.

Một cơn gió lạnh thổi vào làm rung động mấy bông hồng và đưa lại phía chàng một ít hương thơm nhẹ. Triết lẩm bẩm:

- Éo le vô cùng...

Rồi chàng chống hai khuỷu tay lên bàn, với một bông hồng, áp vào môi, nhắm mắt lại, rưng rưng muốn khóc.

 

Ăn cơm xong, bà Huấn kêu nhức đầu lên gác nghĩ, chỉ còn Thoa và Triết ngồi bên bàn nói chuyện. Mưa đã tạnh: nước đọng ở mái nhà rơi từng giọt một xuống rãnh, nghe đều đều như điểm thời khắc qua.

Triết thẫn thờ nói:

- Thế là ngày kia anh ấy đã về rồi.

Chàng thấy câu nói của mình rõ ràng có vẻ là một câu than thở, lo sợ sắp đến ngày Lộc về. Chàng đưa mắt nhìn Thoa. Nàng thở dài một một cái rất nhẹ, yên lặng không đáp. Triết nói:

- Lần này đi dễ chừng đến tết cô mới về thăm quê nhà được.

Thoa đáp:

- Chắc em về luôn, vì còn ruộng nương của em. Anh không biết à? Bác mới sang tên cho em mấy mẫu ruộng ở ngay ngõ đi vào.

- Tôi không biết.

Thật ra, chính vì chàng nói nên mẹ chàng mới nghĩ đến việc cho Thoa mấy mẫu ruộng ấy Thoa nói:

- Ngày cưới; bác cho em áo, bây giờ bác lại cho ruộng.

- Chỉ có tôi là không có gì tặng cô.

- Sao anh lai nghĩ thế. Anh thì phải cần gì cho em nữa.

Triết ngồi cúi nhìn về phía Thoa, ngập ngừng sẽ gọi:

- Cô...

Triết định nói cho Thoa hiểu hết cải tình u ẩn của mình. Chàng nghĩ bây giờ Lộc về thì có thể nói cho Thoa biết được, vì Thoa vẫn yêu chồng và cái tình của chàng tuy có ngang trái, nhưng vẫn là một tình bè bạn trong sạch. Chàng nghĩ nói ra cũng không có hại cho ai, can gì mà giấu diếm Thoa trong bao nhiêu năm.

Thoa thấy Triết gọi, ngửng lên nhìn.

Lần này cũng như lần Thoa chưa đi lấy chồng, Triết nhìn hai con mắt Thoa thấy một cách rõ ràng rằng Thoa đã hiểu chàng rồi và đã biết chàng định nói gì. Chàng không cần phải nói nữa.

Thoa thấy Triết đăm đăm nhìn mình nên cúi mặt xuống; nàng mỉm cười buồn rầu sẽ nói:

- Lạ quá, không có gì cả, nhưng hễ em cứ sắp đi đâu là em thấy buồn.

Triết nói:

- Tôi bận việc, nhưng đến vụ gặt, cô về quê trong coi ruộng thì tôi cũng cố về.

Thoa tiếp theo:

- Nhưng chẳng cứ gì trông thấy mới là gặp.

Triết nắm chặt hai bàn tay lại với nhau để cố giữ vẻ cảm động và âu yếm nhìn Thoa nói:

- Tôi hiểu cô lắm. Như trước kia, khi cô ở Vĩnh Yên ba, bốn năm, tuy không trông thấy cô, mà lúc nào cũng như gặp cô, vì lúc nào cũng nghĩ tới cô, mong cô sung sướng. Cô khổ thì tôi không thể nào vui được.

Thoa ngước mắt nhìn Triết, mỉm cười:

- Cám ơn anh. Em được sung sướng ngày nào là nhờ ở anh cả. Nhưng em biết lấy gì để đền ơn anh.

- Cô nói làm gì đến ơn nghĩa. Cô hiểu tôi như tôi hiểu cô, thế là đủ. Suốt đời tôi, tôi không mong ước gì hơn nữa.

Hai người nhìn nhau, tự nhiên thấy ngượng. Mắt Thoa tỏ vẻ bối rối, nhưng có thoáng một nỗi vui mới lạ. Triết đứng lên ra tựa cửa sổ, trông ra ngoài vườn. Quả tim chàng đập một cách êm ái, không có gì cả nhưng từ lúc đó chàng biết chắc là Thoa cũng bắt đầu yêu chàng như yêu một người tình nhân. Một lúc lâu chàng nói:

- Mưa xong mà có trăng, trời trong lạ. Trong đời, tôi chưa thấy đêm nào đẹp như đêm nay...

Câu tả cảnh trời đẹp ấy, Triết chỉ cốt mượn nó để mong diễn cho Thoa biết cái vui sướng đương tràn ngập cả tâm hồn chàng, cái vui sướng mà chàng thấy nó trong sáng hơn cả bầu trời đêm hôm đó.

Nhưng cái tình của chàng với Thoa đẹp đẽ quá, khiến chàng nghi ngờ không biết cái vui của mình có thể thật được không. Hay đó chỉ là cái ảo tưởng diễm lệ của một sự khao khát về tình ái không bao gìờ được mãn nguyện.

Triết nhìn ánh trăng đọng trên lá cây ướt, ngẫm nghĩ:

- Miễn là cái ảo tưởng ấy hai người cố giữ sao cho được lâu bền mãi, suốt đời.

V

Một buổi chiều vàng... Thoa lững thững ra ngoài cổng chơi mát. Ngửi thấy mùi lúa chín thơm gió đưa thoảng qua, nàng lẩm bẩm:

- Đã hai vụ gặt rồi chưa về thăm quê.

Nàng lại gần quán nước hỏi chuyện bà hàng:

- Mấy hôm nay có hội, hẳn là đông khách.

Bà hàng lắc đầu:

- Ế quá, mợ ạ. Nhưng cũng may hôm nay có được một thầy mặc quần áo tây vào ngồi uống có một bát nước trơ cho những năm xu. Thầy ấy làm ở lục lộ. Ngồi một lúc, cháu thấy thầy ấy giở cuốn sổ tay họa mấy cái nhà này và biên chép mãi.

Thoa đã toan đi, bỗng một ý nghĩ vụt hiện đến làm nàng thấy lặng cả ngươi. Nàng hỏi:

- Hay là ông tham lục lộ?

- Không phải, người này trẻ hơn. Vào trạc ba mươi tuổi.

Yên lặng một lúc rồi bà hàng tiếp theo:

- Hình như thầy ấy trước đã có đến một hai lần rồi.

Thoa không cần hỏi nữa, vì nàng đã biết người ấy là ai.

Nàng quay mặt ra phía đường xe lửa xuôi Ha Nội, đứng lặng yên đưa mắt nhìn theo hàng cột dây thép nhỏ dần rồi khuất sau quả đồi xóm Rùa làng Khai Quang; trên mỏm đồi, về phía đầm Vạc, trơ trọi đứng một cây thông cằn in lên nền trời xa, hiu quạnh.

Hai con mắt mơ màng, Thoa se sẽ lắc đầu và thở dài rất nhẹ.