Ở Sài Gòn, không nhà nào bán đồ xưa danh tiếng cho bằng nhà Phục Hưng ở cầu ông Lãnh. Quai de Belgique (Belgique). Chủ tiệm là một người 50 tuổi ngoài, ốm mà cao, thường hay xưng rằng sõi sành hơn cả ai ai.

Ông vẩn ở tỉnh này sang tỉnh nọ, lội cùng khắp ngoài chợ trong quê tìm mua chổ cổ, bởi nên cữa hàng của ông bao giờ cũng có lắm đồ vô giá.

Mấy năm ông nhờ những món đồ xưa mà cữa rộng nhà cao, vườn lớn ruộng nhiều. Năm nay người ta cơm không đủ ăn, bạc không đủ xài, nghề này nghề nọ, nghề nào cũng gay, thì cái nghề của ông lại còn không vững nữa.

Những đồ cần kiếp người ta còn nhịn sắm nhịn mua, huống chi mấy món hàng của ông là hàng "chết rồi", món hàng chờ thời thì bảo ông khá là khá làm sao cho được.

Gần một tháng nay, cữa tiệm của ông, sớm mai mở ra rồi chiều đóng lại, mà chẳng có một đồng tiền vô, một món đồ ra.

Một bữa kia, cái xe hơi màu xanh xanh tới đậu ngay trước cửa tiệm, khách trên xe, khăn đen áo dài, vuốt hàng râu rậm, sữa đôi kiến gọng vàng rồi thong thả bước xuống. Chủ ân cần tiếp khách, mời ngồi dưng nước, chỉ xem món nọ, bày vẻ món kia, món nào cũng là xưa là tốt, là có một không hai. Khách lựa một cặp dĩa, một cặp bình, trả lên trả xuống một hồi rồi định mua giá 300p00. Khách mua rồi nhưng chẳng chịu đi, ở cà rà xem món này món nọ như muốn mua thêm nữa. Khách cầm lên một cái bình sức miệng, nhắm nhía mãi hồi lâu rồi nói:

- Uổng thay! Giã như không sứt một miếng thì bình này 10.000 bạc cũng mua.

Chủ nghe nói sãng sốt mà nghĩ thầm:

- Cái bình xưa thì có xưa nhưng giá 1000 bạc chớ đâu đến 10.000p. Hay là mình không biết nổi, hay là khách nhầm?

Đương suy nghỉ bỗng khách nói:

- Bình này không rỏ có tự hồi nào nhưng đến khi Tần Thỉ Hoàng làm vua thì đã thấy có trong cung rồi.

Chủ thấy khách bảo rằng cái bình ấy là xưa là quý thì cũng nói theo rằng:

- Phải, cái bình này đã có hơn 4000 năm rồi, nội tiệm tôi đây chỉ có nó là mắt hơn hết thảy, nếu ông bằng lòng mua thì tôi xin tính giá vừa phải cho ông.

- Ông muốn bán chừng bao nhiêu?

- Năm ngàn.

- Năm ngàn tôi cũng dám mua nếu nó không mẻ miệng.

- Nếu nó không mẻ miệng thì tôi chẳng bán năm ngàn.

- Muốn mua lắm nên tôi xin trã chắc giá ba ngàn.

- Cũng muốn bán lắm, vậy xin ông cho bốn ngàn.

Kèo nèo một hồi không được, chủ bằng lòng bán giá 3000p. Người bằng lòng bán, kẻ bằng lòng mua, xong rồi khách bèn nói rằng:

- Bữa nay tôi không có đủ tiền tại đây, vậy xin mai sẻ đem lại mà lấy bình.

- Dạ thưa ông ở đâu?

- Tôi ngụ tại Phong Cảnh khách lầu, phòng số 1...

Muốn chắc ý tôi xin đặt cọc trước 100p00 đây. Khách vừa nói vừa lấy đưa ra 100p00 rồi ra xe mà đi.

Khách đi rồi vợ chồng chủ tiệm mừng cúm (#1), chồng bảo vợ rằng:

- Thần tài gõ cữa, nếu không gặp người khách sang quí này thì làm gì tiệm mình chịu nổi năm nay.

- Nhưng cái bình ấy không phải của mình.

- Mua được mà sợ mắc lắm, không còn lời mà ăn.

Khách chịu mua 3000 thì thế nào cũng là có lời. Hôm nọ người ta đem bảo bán giùm 200. Chìa khoá đây, mình coi tiệm đễ tôi đi lại người chủ cái bình mà mua phúc cho rồi.

Chủ tiệm đi một hồi trở về bộ không được vui mấy.

- Sao mua được không?

- Được, mà mắc quá, tới hai ngàn đồng.

- Sao hôm nọ họ gởi bán hai trăm?

- Hôm nọ nói không dè rằng cái bình nó quí giá.

- Thôi, mua hai ngàn bán ba ngàn, lời đở một ngàn cũng khá.

Người ta hẹn qua ngày sau, mà hôm ấy vợ chồng chủ tiệm đã ngóng trông rồi. Qua ngày sau từ sáng sớm đến chiều, trông lên trông xuống, trông đứng trông ngồi, mà người khách quí kia, nào thấy ở đâu. Chiều tối không thể trông được nữa, mau kêu một cái xe chạy lên Phong Cảnh khách lầu tìm người khách quí đi xe màu xanh.

Chết nỗi người ta bảo rằng hôm nào tới nay phòng số 1 chẳng có ai ở mà cã mấy phòng kia chẳng có ma nào có hàm râu cá chốt và mắt kiến gọng vàng.

Hy vọng càng cao thì thất vọng càng nhiều, vợ chồng chủ tiệm cã mấy đêm không ngủ êm vì công việc làm ăn năm này không khá mà lại xui chi tốn của hao tài, tức vì mình đã tuổi chất đầy đầu mà còn bị điếm đàng lừa gạt.

Rõ ràng là bị chúng đánh lừa nhưng chủ tiệm cũng còn chút ít hy vọng, nên mỗi bữa, bữa nào cũng ngóng trông cầm chừng cái người khách quí.

Chú thích:

(1-) Mừng húm.

Công Luận báo, Ngày 8-8-1931

Hết