LỜI NGƯỜI DỊCH

Chiến tranh, dường như đây là căn bệnh nan y của loài người mà không có thời đại nào không xảy ra, không có quốc gia nào là không từng nếm phải. Chiến tranh tàn phá con người từ vật chất đến tinh thần; tuy nhiên, những người cuối cùng sống sót vẫn không khỏi hãnh diện là mình đã được loạn ly luyện thành một thứ thép cứng; đó là những người không muốn chịu thua cuộc và đầu hàng định mệnh, để rồi từ đống tro tàn, họ quyết tâm xây dựng lại từ đầu tất cả những đổ nát.

Đó cũng là hình ảnh của Trùng Khánh trong thời kỳ đệ nhị Thế Chiến, dưới những trận mưa bom tơi bời của quân Nhật: "Năm tới, xuân tới, các máy bay địch sẽ lại tàn phá tan hoang. Thu tới, chúng tôi sẽ xây dựng thành phố lại." Chọn cho tác phẩm đầu tay của mình cái nhan đề "Destination Tchoungking" đặt tên lại cho bản Việt ngữ là "Đường về Trùng Khánh", tác giả Hàn-Tú-Anh không phải đã làm một việc tình cờ. Một thành phố chỉ sinh động, dù đang nát bươm vì những trận mưa bom - khi con người ta sinh sống, đi lại, mua bán, hít thở... Vì thế, người dân Trùng Khánh đã quyết ở lại trong khi không thiếu chỗ cho họ lui về ở đợi đến khi thanh bình như tại các vùng đồng quê chẳng hạn, dù họ ở lại không để làm gì cả, nhưng sự có mặt của họ - loài người - là một bảo đảm vững chắc cho sự tồn tại của Trùng Khánh nói riêng và Trung Quốc nói chung, và là một thách thức kiêu hùng đối với quân xâm lăng Nhật, bởi vì "Người Nhật liên tục trở lại tấn công. Hình như họ bị ám ảnh về Trùng Khánh. Ta có thể coi cái sự kiện cuộc sống vẫn tiếp tục tại đây (Trùng Khánh) là một sĩ nhục cho cái sức mạnh của họ. Còn đối với dân chúng Trùng Khánh, họ đã chứng tỏ sức bền bỉ chặt chẽ. Mặc dù dân số đã giảm đi một phần tư (...). Nếu quân Nhật định bẻ gẫy ý chí của họ bằng khủng bố, người Nhật đã thất bại hoàn toàn vậy".

Qua "Đường về Trùng Khánh", người đọc có thể nhận ra những nhân vật điển hình - những "diễn viên kỳ cựu" - của bất cứ vở kịch chiến tranh nào xảy ra từ trước tới nay trong lịch sử nhân loại: này đây "đám nông dân cổ cày vai bừa sẽ chết, trong khi đám con cháu các gia đình khá giả lười biếng ăn chơi hay học hành tại các trường đại học và sửa soạn vào các nghề tài chánh, y khoa hay luật sư"; dĩ nhiên, cũng có những người ngoại lệ, và tuy thế, cũng không phải là ít và thực đáng cảm động: "Tôi không thể nào ngồi yên được nữa, tôi phải tham dự vào cuộc chiến, tôi phải tham dự vào cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Hoa. Tôi phải về nước. Dù không làm được gì quan trọng tôi cũng phải về; tôi cần hiện diện để chia sẻ những khổ cực và gian nguy. Tôi là người Trung Hoa mà". Đó là câu nói của nhân vật chính của tác giả, Hàn-Tú-Anh, người nữ văn sĩ mang hai giòng máu Trung Hoa - Bỉ.

 

Dù mang hai giòng máu Trung Hoa - Bỉ, dù xuất thân từ một gia đình giàu có mà tổ tiên bên nội thuộc giai cấp quan liêu Trunh Hoa và tổ tiên bên ngoại là giai cấp đại tư bản Âu, nhưng Hàn-Tú-Anh đã dứt khoát chọn lựa cái quê hương mà bà cảm thấy mình có ích đối với nó hơn cả: Trung Hoa. Mối bận tâm đầy tính cách nhân bản ở người nữ văn sĩ này đã thắng mối bận tâm về nỗi là-một-đứa-con-lai của bà. Tốt nghiệp nghề cô đỡ rồi y sĩ, Hàn-Tú-Anh đã đem trọn đời mình dâng hiến cho cái khối nhân loại bất hạnh: bà đã đi mọi nơi, nhất là quanh vùng châu Á nghèo khổ chậm tiến, vừa hành nghề y sĩ vừa thâu thập chất liệu cho tác phẩm của mình (*).

* Muốn tìm hiểu thêm về Hàn-Tú-Anh, xin đọc "Mười Lăm Gương Phụ Nữ" của Marianne Monestier, do Nguyễn Hiến Lê lược dịch.

 

Trước khi mời bạn đọc bước vào "Đường về Trùng Khánh", tưởng cũng cần nói qua những trở ngại mà chúng tôi gặp phải: Vì không kiếm ra bản nguyên tác bằng Anh ngữ, nên chúng tôi đã phải chấp nhận dịch từ bản Pháp ngữ của Daria Olivier (ấn bản Le Livre de Poche). Ngoài ra, chúng tôi cũng mạn phép lược bỏ những đoạn rườm rà có lẽ là đã được tác giả viết ra với chủ đích để cho độc giả Tây phương hơn là Đông phương, như tiết II và tiết III của Chương Hai nói về các cách thức xưng hô phức tạp của người Trung Hoa cùng những liên hệ họ hàng mà chúng ta đã quá quen thuộc. Cuối cùng chúng tôi cũng bỏ trọn Chương Mười ba tức chương cuối cùng có tính cách một bài tiểu luận chính trị không lấy gì làm đặc sắc lắm; nhằm đề cao vai trò của giới mà tác giả gọi là cu-li; không ăn nhập gì tới toàn bộ tác phẩm, nếu không nói là có vẻ rườm rà nặng nề. Mong bạn đọc thông cảm.  

Sàigòn, ngày 29/7/71

T.D. & H.H.