Bài học

Fernando Sorrentino (Ác-hen-ti-na)

Sau khi tốt nghiệp trường trung học, tôi xin vào làm một chân văn phòng ở Công ty Bảo hiểm Buenos Aires. Công việc mới không hề dễ chịu chút nào và xung quanh tôi toàn những người tính tình khó ưa.

Đó là một tòa nhà mười tầng có bốn cái thang máy. Ba trong số đó là dành cho cán bộ công nhân viên, không phân biệt cấp bậc, vị trí trong công ty. Cái thứ tư được trải thảm đỏ chót với ba cái gương soi được trang trí một cách cầu kì là dành riêng cho giám đốc công ty, các thành viên của ban giám đốc và giám đốc điều hành. Điều này có nghĩa là chỉ bọn họ mới có quyền sử dụng cái thang máy màu đỏ, nhưng nó cũng chẳng cản trở việc chúng tôi sử dụng ba cái thang còn lại.

Tôi chưa bao giờ dám đưa mắt nhìn ông giám đốc hay các thành viên ban, nhưng lần nào cũng vậy, từ đằng xa tôi luôn bắt gặp ánh mắt của giám đốc điều hành đang nhìn ai đó. Ông ta khoảng chừng năm mươi tuổi với điệu bộ bệ vệ của một nhà quý tộc. Tôi thấy ông ta nửa giống một quí ông Áchentina thời xưa, nửa giống một vị quan tòa cực kì liêm khiết của tòa án tối cao. Mái tóc muối tiêu, bộ ria mép cắt tỉa gọn gàng, bộ com-lê chỉnh tề và thái độ nhã nhặn khiến tôi vốn ghét cay ghét đắng mấy ông sếp cũng phải thấy kính trọng ngài Fernando. Đó là cách người ta gọi ông: "Ngài" cộng với tên thánh của ông mà không gọi tên họ, một kiểu gọi vừa suồng sã, lại vừa tôn kính như đối với một vị vua thời phong kiến.

Ngài Fernando và các nhân viên của ông chiếm toàn bộ tầng thứ năm của tòa nhà. Bộ phận của chúng tôi làm việc ở tầng ba, nhưng từ khi tôi trở thành thứ nhân viên ít quan trọng nhất ở đây, họ đẩy tôi xuống tầng một để tiện chạy mấy việc lặt vặt. Trên tầng mười chỉ có mấy ông già hay cáu bẳn với mấy bà tính tình khó chịu có thể nổi khùng vì bất cứ chuyện gì. Mỗi ngày tôi phải lên đó để nộp một tập báo cáo về những nhiệm vụ mà bộ phận của tôi sẽ thực hiện trong ngày hôm đó.

Vào một buổi chiều, sau khi đã lên tầng mười để gửi công văn, tôi chuẩn bị về nhà. Tôi đợi thang máy. Tôi đã mặc áo khoác, đầu tóc chải gọn gàng. Tôi chỉnh lại chiếc cà-vạt và nhìn vào gương. Trên tay là cặp tài liệu bằng da.

Đột nhiên tôi thấy ngài Fernando đứng bên cạnh, hình như ông cũng đang đợi thang máy.

Tôi chào ông với vẻ tôn kính nhất có thể: "Xin chào, thưa ngài Fernando". Ngài Fernando chào lại một cách giản dị. Ông bắt tay tôi và nói: "Rất vui được gặp anh, anh bạn trẻ. Tôi thấy là anh đã có một ngày làm việc hoàn hảo và giờ anh đang chuẩn bị tận hưởng một sự nghỉ ngơi xứng đáng".

Tôi cảm thấy sự mỉa mai trong thái độ và lời nói của ông và điều đó khiến tôi lo lắng.

Đúng lúc đó, một trong những chiếc thang máy phục vụ cho những "người bình dân" dừng lại. Cánh cửa tự động mở ra. Tôi ấn tay vào nút giữ cho cửa mở và nói với ngài Fernando. "Xin mời ngài" - "Không, không thể thế được, anh bạn trẻ", ngài Fernando đáp lại bằng một nụ cười. "Cậu vào trước đi".

"Không, thưa ngài, tôi không thể. Tôi sẽ vào sau" - "Vào đi anh bạn", ông có vẻ mất kiên nhẫn, "Xin mời". Từ "xin mời" có vẻ ép buộc khiến tôi phải chấp nhận như một mệnh lệnh. Tôi hơi cúi đầu và bước vào thang máy. Ngài Fernando bước theo sau tôi.

Cánh cửa khép lại. "Ngài xuống tầng năm ạ, thưa ngài Fernando?". "Tôi xuống tầng trệt. Tôi cũng chuẩn bị về nhà giống anh. Tôi nghĩ là tôi cũng có quyền được nghỉ ngơi một chút chứ nhỉ, anh không nghĩ vậy sao?". Tôi chẳng biết phải nói gì. Sự xuất hiện của ông, mà lại ở quá gần tôi như thế này khiến tôi thấy vô cùng bất tiện. Tôi buộc bản thân mình phải chịu đựng một cách nhẫn nhịn bằng cách kéo dài sự im lặng suốt từ tầng chín xuống đến tầng trệt. Tôi chẳng có gan ngước nhìn ngài Fernando, thay vào đó tôi dí mắt vào mũi giầy của mình.

"Anh đang làm ở bộ phận nào, anh bạn trẻ?" - "Bộ phận quản lí sản phẩm, thưa ngài". Tôi chợt nhận thấy rằng ngài Fernando còn lùn hơn cả tôi.

"À". ông xoa cằm bằng ngón trỏ và ngón cái, "Sếp trực tiếp của cậu là ông Biotti, nếu tôi không nhầm" - "Vâng, thưa ngài. Đúng là ông Biotti". Tôi vô cùng căm ghét ông Biotti, tôi thấy ông ta đúng là một tên đần độn kiêu căng khoác lác, nhưng tôi không dám thổ lộ ý nghĩ này với ngài Fernando.

"Và ông Biotti không dạy cậu cách tôn trọng những nguyên tắc trong nội bộ công ty sao?"

"Sao, sao cơ thưa ngài?"

"Tên cậu là gì?"

"Roberto Kriskovich".

"Ồ, một cái tên Ba Lan"

"Không, thưa ngài, nó không phải tiếng Ba Lan. Đó là tên Croatia".

Cuối cùng chúng tôi cũng xuống đến tầng trệt. Ngài Fernando đứng cạnh cửa giờ bước lùi sang một bên nhường đường cho tôi ra trước.

"Xin mời", ông yêu cầu.

"Không, thưa ngài", tôi trả lời. Tôi thấy vô cùng sợ hãi. "Tôi sẽ ra sau".

Ngài Fernando nhìn xoáy vào tôi.

"Thôi nào anh bạn. Tôi xin anh đấy, anh hãy ra ngoài đi"

Quá sợ hãi, tôi đành vâng lời.

"Học hỏi không bao giờ là quá muộn, anh bạn ạ", ông nói khi bước ra phố cùng tôi. "Có muốn đi uống cà phê với tôi không".

Vậy là chúng tôi rẽ vào một quán ăn tự phục vụ ở góc phố. Ngài Fernando đi trước còn tôi theo sau. Ở đó tôi cảm thấy mình có thể đối mặt với giám đốc điều hành mà chẳng có gì ngoài một cái bàn ngăn cách giữa hai chúng tôi.

"Cậu làm việc cho công ty được bao lâu rồi?"

"Tôi bắt đầu làm từ tháng mười hai năm ngoái, thưa ngài"

"Nói cách khác là cậu làm ở đây chưa đầy một năm"

"Đến tuần tới là được chín tháng, chưa ngài Fernando"

"Còn tôi đã làm ở cái công ty này hai mươi bảy năm". Ông lại nhìn tôi chằm chằm.

Khi đó tôi cảm thấy ông đang chờ đợi một phản ứng của tôi, tôi đành gật gù cố tỏ thái độ khâm phục.

Ông rút từ túi áo một chiếc máy tính nhỏ.

"Hai mươi bảy năm, nhân với mười hai tháng, tổng cộng là ba trăm hai mươi tư tháng. Ba trăm hai mươi tư chia cho chìn bằng ba mươi sáu. Vậy có nghĩa là tôi làm việc ở đây lâu gấp ba mươi sáu lần cậu. Gì nữa nhỉ, cậu chỉ là một nhân viên bình thường còn tôi là giám đốc điều hành. Cuối cùng, cậu mới mười chín, hai mười tuổi, còn tôi đã năm mươi hai. Đúng không?"

"Vâng, vâng thưa ngài"

"Ngoài ra cậu đang theo học đại học đúng không?"

"Vâng thưa ngài Fernando, tôi học văn học, chuyên ngành tiếng Hi Lạp và Latin"

Ông nhăn mặt như thể vừa bị xúc phạm. Ông nói: "Mặt khác, tôi cũng có bằng kinh tế và đã tốt nghiệp với điểm số rất cao"

Tôi cúi đầu như để thể hiện rằng mình quá là kém cỏi.

Ông tiếp tục: "Và cậu không cho rằng tôi xứng đáng nhận được sự tôn trọng đặc biệt sao?"

"Có chứ thưa ngài"

"Vậy tại sao cậu dám bước vào thang máy trước tôi? Và như thế chưa đủ táo tợn, cậu lại cả gan đi ra trước cả tôi?"

"Dạ thưa ngài, tôi không muốn tỏ thái độ xấc láo hay ương ngạnh. Nhưng do ngài đã khăng khăng nên tôi..."

"Tôi có khăng khăng hay không đó là việc của tôi. Nhưng lẽ ra cậu nên nhận ra rằng dù trong bất kì tình huống nào cậu cũng không nên vào thang máy trước tôi. Hoặc đi ra trước khi tôi bước ra. Hay tệ hại hơn là cãi lại tôi. Tại sao cậu lại nói rằng tên cậu là tiếng Croatia khi tôi bảo cậu đó là tiếng Ba Lan?"

"Nhưng đó thực sự là một cái tên Croatia, cha mẹ tôi sinh ra ở Split, Nam Tư"

"Tôi không cần biết bố mẹ cậu sinh ra hay không sinh ra ở đâu. Khi tôi đã nói đó là tiếng Ba Lan thì đó chính là tiếng Ba Lan, cậu không được phép cãi lại tôi"

"Tôi xin lỗi, thưa ngài. Tôi sẽ không bao giờ làm thế nữa"

"Rất tốt. Vậy là bố mẹ cậu sinh ra ở Split, Nam Tư?"

"Không thưa ngài. Họ không sinh ra ở đó"

"Vậy ở đâu?"

"Ở Krakow, Ba Lan"

"Lạ thật!". Ngài Fernando dang hai cánh tay có vẻ ngạc nhiên. "Làm sao cậu lại có một cái tên Croatia trong khi bố mẹ cậu là người Ba Lan nhỉ?"

"Thực ra là do có nội chiến nên cả hai bên ông bà nội ngoại tôi đã di cư từ Nam Tư sang Ba Lan. Và bố mẹ tôi sinh ra ở Ba Lan"

Khuôn mặt ngài Fernando sa sầm lại với vẻ buồn bã.

"Tôi lớn tuổi hơn cậu nhiều và tôi cho rằng tôi không phải là một thằng ngốc. Hãy nói cho tôi biết, anh bạn, làm thế nào cậu có thể nghĩ ra việc thêu dệt nên một câu chuyện trí trá như thế? Làm sao cậu có thể cho rằng tôi sẽ tin vào cái câu chuyện hoang đường vớ vẩn ấy. Chẳng phải trước đó cậu đã nói rằng bố mẹ cậu sinh ra ỏ Split sao?"

"Vâng thưa ngài, nhưng vì ngài đã nói rằng tôi không được cãi lại ngài nên tôi đã thừa nhận là bố mẹ tôi sinh ra ở Krakow"

"Dù thế nào đi nữa, cậu đã nói dối tôi"

"Việc cậu nói dối cấp trên cũng thể hiện sự thiếu tôn trọng và còn hơn thế nữa, những thông tin sai lệch sẽ ảnh hưởng tới phúc lợi của công ty"

"Đúng như vậy, thưa ngài. Tôi hoàn toàn đồng ý với những điều ngài vừa nói"

"Cậu bé, tôi vẫn muốn được thấy chút giá trị của con người cậu, giờ tôi thấy cậu cũng dễ bảo và biết lẽ phải đấy. Nhưng tôi muốn cậu vượt qua bài kiểm tra cuối cùng. Chúng ta đã gọi hai cốc cà phê. Vậy ai sẽ là người trả tiền?"

"Tôi rất vui lòng được làm điều đó"

"Cậu lại nói dối tôi rồi. Với cái đồng lương còm cõi của cậu, cậu không thể cảm thấy vui vẻ khi phải trả tiền cho cốc cà phê của giám đốc điều hành được, nhất là khi cậu biết rằng tiền lương vị giám đốc điều hành của cậu trong một năm bằng số tiền cậu kiếm trong hai nắm. Vậy nên tôi yêu cầu cậu không được nói dối tôi và hãy nói sự thật. Có đúng là cậu muốn trả tiền cho cốc cà phê của tôi không?

"Không, thưa ngài Fernando, sự thật là tôi không muốn làm như vậy"

"Nhưng mặc dù sự thật là cậu không muốn, cậu có sẵn sàng làm việc đó không?"

"Có, thưa ngài Fernando. Tôi sẵn sàng làm việc đó"

"Vậy thì hãy đứng dậy và làm đi. Trả tiền đi và đừng bắt tôi phải mất thêm thời gian nữa, lạy Chúa!".

Tôi gọi phục vụ đến và trả tiền cho hai cốc cà phê. Chúng tôi đi ra phố, ngài Fernando đi trước. Cuối cùng chúng tôi cũng đến lối vào ga xe điện ngầm.

"Rất tốt, anh bạn, giờ tôi phải đi rồi. Thành thật mà nói tôi rất hy vọng cậu tiếp thu được bài học của tôi và nó sẽ có ích cho cậu về lâu dài".

Ông bắt tay tôi rồi đi xuống cầu thang ga xe điện.

Như tôi đã nói đấy, tôi không hề thích công việc này. Vào khoảng cuối năm, tôi xin một công việc ít buồn tẻ hơn ở công ty khác. Trong hai tháng làm việc cuối cùng của tôi ở công ty bảo hiểm, tôi cũng nhìn thấy ngài Fernando đôi lần, nhưng luôn từ đằng xa, vì vậy tôi không bao giờ được nhận thêm bất kì một bài học nào của ông nữa.