Em đã bỏ tôi một buổi chiều.

Khi sương Đà Lạt đượm hương yêu.

Rơi lên vành lá hoen màu lệ.

Khóc hộ tình tôi lạnh đá rêu,...

Nước mắt chan hoà, Hùng thơ thẩn bên bờ hồ Xuân-Hương, một trong những địa điểm kỷ niệm giữa chàng và Hà. Ven hồ, hai cây thông cao vút, khẳng khiu. Cây này có cành nhỏ bé đan vào cành của cây kia, như cặp tình nhân nắm tay nhau ngắm hồ. Trên một gốc cây, ngang tầm mắt, hai chữ H lồng nhau được khắc sâu vào vỏ cây. Hình ảnh đó bây giờ chỉ mang lại cho người con trai mới hơn hai mươi ba tuổi nỗi đau buồn sâu đậm. Trong khoảnh khắc, Hùng thấy nước hồ Xuân-Hương mời gọi chàng thật tha thiết. Phải. Được thả mình cho chìm xuống đáy hồ chắc là thoải mái lắm, khi mà thể xác vô duyên không còn ngăn cản được linh hồn thanh thoát. Thịt da ngấm nước lạnh 10 độ của mùa đông, co cứng lại, rồi từ từ rữa nát. Linh hồn kẻ thất tình tan vào nước hồ để thu hút lại tất cả hình ảnh, âm thanh, hương vị yêu đương của chàng với người yêu đã từng được nước hồ chứng giám. Hạnh phúc biết bao ! Khổ đau sẽ hết. Tình yêu sẽ giữ được muôn đời.

Nhưng, cơn gió mát rượi từ đâu phào tới, làm Hùng tỉnh lại, cứu chàng thoát khỏi ý nghĩ điên rồ là sẽ hủy diệt thân xác vì một con người phản trắc. Hà đã vâng theo lời cha mẹ, tuân theo lý trí của chính nàng, lấy chồng là một bác sĩ có tương lai sáng lạn, hứa hẹn cuộc sống huy hoàng, bảo đảm chắc chắn. Nàng đã bỏ rơi không thương tiếc mối tình đầu đã dệt thêu nên biết bao dấu vết tình yêu của họ để nhập vào vẻ đẹp thơ mộng của xứ Đà Lạt. Hai cặp bàn chân sóng đôi nhịp bước. Những trao đổi yêu đương qua cử chỉ luyến ái đam mê, tiếng thì thầm thề nguyện, hơi thở quyện nhau hâm nóng một khoảng trời nhỏ bé của không gian giá lạnh. Tất cả các phong cảnh chứa chan vẻ đẹp lãng mạn của vùng cao nguyên này không trốn tránh được dấu vết tình yêu đó :

Nào là những phong cảnh ngoạn mục như Cầu Ông Đạo, hồ Lớn, hồ Than-Thở, Suối Vàng, thác Cam-Ly, Thung lũng Tình Yêu,... Nào là những địa điểm mang nhiều nét thực tế :

Từ Nhà Thờ Lớn nguy nga, chùa Linh Sơn, chuà Trúc Lâm cổ kính, dinh Toàn Quyền, dinh Bảo Đại, đại học Đà Lạt, ga xe lửa kiến trúc kiểu Tây phương với ba nóc hình tam giác đặc biệt, vô số căn nhà nổi lềnh bềnh san sát theo hình vòng cung trên sông La Ngà, chợ Trung Ương ban đêm lộng lẫy ánh đèn vàng rực chiếu lên cây tháp Eiffel ngạo nghễ, cho đến những khu làng thiểu số đơn sơ, tối tăm, tịch mịch ...

Tiếng nói mạnh và trong đượm âm sắc ra lệnh cất lên làm Hùng tỉnh hẳn :

- Ê ! Hùng ! Mày đi đâu làm tao tìm mãi, giờ mới thấy ? Đi có một mình sao ? Bồ tèo đâu rồi ?

Chưa kịp trả lời, đôi tai Hùng nhận thêm loạt âm thanh sắc bén :

- Thôi tao hiểu rồi. Bị bồ cho leo cây phải không. Cứ nhìn gương mặt sầu thế kỷ là biết ngay.

Hùng để cho Giao, người bạn trai thân nhất của chàng, nắm tay kéo đi, miệng nói tiếp :

- Này ! Bảo thật nghe. Tìm con khác đi. Đây thiếu gì em. Buồn chi cho tổn thọ ! Về đi !

Bốn câu thơ "thất tình" lúc nãy mờ đi trong tâm trí Hùng, nhường chỗ cho hàng loạt hình ảnh các thiếu nữ mà chàng đã gặp, ngoài đời cũng như tại chỗ làm việc của chàng. Hùng ra trường thành giáo sư Việt văn mới được vài tháng của một năm Ất-Tị. Nhiệm sở của chàng ở rất xa nơi gia đình cha mẹ anh chị em chàng trú ngụ. Cao Lãnh. Một tỉnh nhỏ có bụi đường hồng, nước kinh đục, dân quân quốc cộng sinh hoạt lẫn lộn. Chàng nhớ rõ buổi chiều hôm ấy, từ trường trở về nhà trọ, nhận được lá thư mỏng manh. Mở ra đọc để thấy toàn thân bàng hoàng như người lên cơn đau tim. Mồ hôi chảy giàn giụa trên mặt, khắp thân thể chàng, không phải vì hơi nóng của miền Hậu Giang mưa nguồn nắng lửa, mà bởi lá thư gửi đến chàng đúng vào thời gian cuối năm với những hăm hở sắp được nghỉ lễ, về thăm gia đình và người yêu. Mảnh giấy xé vội chứa đựng vài dòng nguệch ngoạc bằng nét chữ con gái,:

" ...Hà phải vâng lệnh song thân, lên xe về nhà chồng, cho trọn chữ hiếu. Vĩnh biệt mối tình đầu của tôi !...." Tạm biệt bầu trời miền nam vào mùa khô chan hoà ánh nắng, Hùng trở về vùng cao nguyên xanh tím trong muà đông giá lạnh. Bộ complet và khăn quàng len không làm chàng ấm áp khi chàng biết rõ rằng Hà đã thực sự cho chàng tuột dù một cách lạnh lùng trái với hình ảnh "thục nữ vu qui" do nàng tạo ra trong lá thư vĩnh biệt.

Sau bữa ăn trưa nuốt vội, Hùng xin phép bố mẹ, ra phố. Bố Hùng nhìn theo, chép miệng :

- Biết bao giờ vết thương lòng của nó mới hàn gắn được ?!

Vết thương lòng ấy rỉ máu, xót sa, loét rộng theo mỗi bước chân của Hùng đi sâu vào vòm trời kỷ niệm. Chàng thả bộ trên hè, rảo bước qua đường, lom khom leo giốc, rón rén xuống các bậc đá, như người mộng du lang thang trên khắp nẻo đường phố tỉnh cao nguyên quá quen thuộc này. Thị giác của chàng thu nhỏ lại, nhường chỗ cho những cánh hoa ký ức nở đầy hình ảnh, kể lại một mối tình bốc lửạ.. Thỉnh thoảng, Hùng không ngăn được cảm xúc, mấp máy miệng nói lên thành tiếng, một mình, chân vẫn bước khi nhanh khi chậm, hai tay trong túi quần,... Đâu đây, mấy khúc phim tình cảm riêng tư thoát ra khỏi ký ức, bay trong ánh sáng đục màu sương Đà Lạt,...

...

Đá rêu mòn nhẵn ghế Ninh Kiều,.

Em dẫn anh về đếm tiếng yêu,.

Cùng nhau ấp ủ mùi hương tóc,.

Nhuộm đỏ môi hôn dưới nắng thiêu,...

Hùng gặp Trúc-Đào vào ngày khai trường niên khoá 1967-1968. Nàng xuất thân giáo sư đệ nhất cấp ban Toán Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ. Nhan sắc của Trúc-Đào rất mặn mà với mái tóc đen nhánh chấm ngang lưng, cặp mắt to nhiều lòng đen dưới đôi lông mày dài thanh thanh đậm nét, chiếc mũi cong có hai cánh khá nở nang trên hai lỗ mũi có nhiều đường gẫy, và cặp môi dầy mọng bôi son đỏ đậm. Thân hình nàng là cả bài thơ con gái chanh cốm :

cặp nhũ hoa sừng trâu như muốn đẩy tung làn vải áo dài trắng in hoa nổi cũng màu trắng bó sát cái bụng thon và bờ lưng ong mềm mại. Đàng trước, vải áo mềm phủ chiếc bụng lép nổi hình tam giác theo từng bước chân, phất phới ôm cặp đùi chắc nịch của nữ vũ công Tây ban nha, lấp ló đôi bắp chân thuôn thuôn kín kín hở hở trong lớp quần satin đen. Đàng sau, tà áo dài uốn éo nảy nhẹ trên cặp mông cong cong khiêu khích của gái tây phương. Mỗi bước chân đi của Trúc-Đào trên đôi giày da cao gót quai đỏ đẩy hai bờ mông khêu gợi đong đưa đều đều theo điệu vũ rumba ngắn gọn, thỉnh thoảng hất nhẹ gấu áo dài tung lên theo gió.

Trên con đường từ trường về nhà trọ, Hùng theo sau cách Trúc-Đào chừng mười thước. Chàng mải mê ngắm thân hình tuyệt mĩ cùng dáng đi lẳng lơ một cách thơ ngây của nữ đồng nghiệp.

Đến đầu phố dẫn tới nhà trọ của Hùng, Trúc-Đào rẽ trái vào phố giữa. Hùng theo bén gót, thấy Trúc-Đào đi vào nhà bà giám thị nhà trường tên là Ba. Trước khi biến hẳn vào trong khung cửa mờ tối, cô giáo trẻ đẹp quay lại, ban cho Hùng nụ cười đỏ tươi trắng bóng kèm theo cái nhìn tiết ra ánh đen nồng cháy.

Sáng hôm sau có buổi họp giáo sư lúc chín giờ. Đúng tám giờ ba mươi Hùng đến trước cửa nhà trọ của bà giám thị Ba. Trúc-Đào từ trong nhà bước ra, vẫn trình diễn đầy đủ nhan sắc, điệu đi, ánh nhìn, nụ cười hôm trước. Thêm vào đó, nàng cho đời được nghe tiếng oanh vàng bạo dạn cố hữu của gái miền nam vớI câu hỏi gửi thẳng cho Hùng :

- Anh kiếm ai ?

Hùng bàng hoàng, nhưng trấn tĩnh được ngay, cất tiếng của một ca sĩ đương thời nào đó :

- Chị Trúc-Đào muốn tôi kiếm ai cũng được.

Cả hai cùng cười giòn giã. Họ đi song song trên hè phố, tự nhiên như trên màn ảnh. Trúc-Đào vui vẻ nghiêng đầu, nói khẽ bên tai Hùng :

- Thôi. Anh Hùng khỏi cần kiếm ai nữa.

Hùng sung sướng, biết rằng Trúc-Đào đã để ý đến chàng từ hôm trước, khi ông hiệu trưởng Bình giới thiệu các giáo sư mới cũ tại phòng giáo sư. Từ hôm đó, các con đường đất, cây cối, bờ ruộng, vỉa hè phố, bờ sông, đều đẹp hẳn lên, vui khác thường, và thân mật vô vàn, vì in dấu chân, hình ảnh, mầu sắc, âm thanh của cặp trai tài gái sắc. Dân chúng như đồng loã với họ qua ánh nhìn, nụ cười, mỗi khi gặp cậu trai bắc cặp cô gái nam khả ái kia. Trên balcon nhà trọ trong đêm tối, trong lối nhỏ giữa hai hàng rào cây rậm rạp của khu cư xá công chức tỉnh Cao Lãnh giữa buổi trưa vắng vẻ, rồi ngoài bến Ninh Kiều trong bóng chiều Tây Đô, trên chiếc ghế gỗ dài sau trường Phan Thanh Giản, dưới hàng cây me kín đáo cạnh trường Đoàn Thị Điểm vào những ngày nghỉ. Đâu đâu cũng in dấu tình yêu bỏng cháy giữa thiếu nữ mới vào tuổi người lớn, và thanh niên vừa thoát khỏi cơn khủng hoảng của một mất mát tình cảm hãy còn vương mùi vị đắng cay. Cuộc tình kéo dài hai mùa thi có nắng Hè chứng kiến.

Cho đến một hôm, đầu mùa Hè 1969, khi gặp nhau tại bến Ninh Kiều, Cần Thơ, tự nhiên như lần đầu nói chuyện với nhau, Trúc-Đào ngậm ngùi bảo Hùng, hai giọt lệ kim cương long lanh trong khoé mắt đen thăm thẳm :

- Trúc-Đào phải xa anh từ bữa nay !

Hùng gặp lại ngay được cái bàng hoàng thuả nào, khi bị bồ cho tuột dù. Không phải qua lời thư nhạt nhẽo, mà với âm thanh hình ảnh sống động xảy ra trước mặt. Chàng không nói được, chỉ biết nhìn Trúc-Đào bằng ánh mắt đỏ ngầu chứa đầy nghi vấn. Trúc-Đào quay đầu, lắc mạnh cho mái tóc mây loà xoà ôm trọn cặp vai tròn như muốn tặng cho chàng một nét khêu gợi cuối cùng.

Mắt nhìn ra xa, nàng đọc tiếp bản án :

- Anh biết không. Khi còn học tại đại học Cần Thơ, Trúc-Đào đã thầm yêu một ông thày. Đổi trường, học ngành giáo sư đệ nhất cấp, Trúc-Đào không gặp thày ấy nữa. Sau mấy năm vắng mặt, bữa nọ, Trúc-Đào tình cờ gặp lại thày khi đi qua mặt một căn nhà giữa tỉnh Cần Thơ. Thày đứng ngoài vườn, trong bộ áo bà ba giản dị, mà sao Trúc-Đào thấy thương quá !

Hùng nổi giận :

- Thôi ! Cô im đi.

Nói đoạn, Hùng quay ngoắt, đi nhanh về phiá đầu phố, gọi chiếc xe lôi, ra bến xe đò Cần Thơ ...

... ... ...

Tôi được nguồn thơ đã đổi vần,.

Yêu đương mở, đóng chẳng phân vân,.

Tại em cũng chỉ là con gái,.

Là quỉ, là tiên giáng cõi trần,...

Ra đến bến xe đò Cần Thơ, Hùng sực nhớ rằng chàng phải có mặt tại Trung Tâm Hội Đồng Thi Tú Tài toàn phần trong trường Phan Thanh Giản sáng hôm sau. Hùng thả bộ trở về trường thi, lên lầu một, nơi có lớp học rộng lớn tổ chức thành phòng ngủ lớn cho các nam giám thị kỳ thi Tú Tài sắp tới. Chàng uể oải tới ngồi xuống chiếc giường sắt có mắc sẵn mùng, bên cái tủ nhỏ đựng xắc hành lý của chàng.

Làm công tác giám thị phòng thi một cách máy móc, Hùng gần như người mất hồn. Cũng may là chàng không bị sai sót nào trong công việc tỉ mỉ này. Buổi họp cuối cùng của Hội Đồng Thi được tổ chức trước khi các giám thị tiếp tục đi tới các trung tâm chấm thi. Nam nữ giám thị gồm các giáo sư đệ nhất và đệ nhị cấp nhận giấy tờ để sau muà thi mang về nhiệm sở cho ban kế toán làm hồ sơ xin phụ cấp gác thi và chấm thi. Họ có thời gian ngắn ngủi trao đổi với bạn bè đồng nghiệp mới cũng như cũ. Hùng hơi trở lại bình thường một chút. Chàng ngồi uống nước gần một nhóm nữ giáo sư đang ríu rít chuyện trò. Một câu nói vui tươi hiền hậu đượm âm thanh nũng nịu yêu kiều, lôi cuốn chú ý của Hùng :

- Thủy-Tiên phải về Đà Lạt ngay. Có ai đi Sài Gòn, cho Thủy-Tiên nhờ một tí nào ?

Không ai trả lời. Các bạn gái của Thủy-Tiên cười khúc khích. Một người nói :

- Lời chào bán hàng của mày ế rồi !

Giọng nói của nữ giáo sư mang tên Thủy-Tiên càng thêm nũng nịu yêu kiều hơn :

- Đừng trêu chọc ! Tao khóc cho mà xem ! Có việc cần mới lên tiếng nhờ chứ. Có aị..

Thủy-Tiên ngừng hỏi. Từ phía bàn gần đó có một bàn tay giơ lên trong nhóm nam giáo sư.

Thủy-Tiên mừng rỡ, đứng dậy, tiến về chỗ người đã đáp lời kêu gọi của nàng. Đó là Hùng. Chàng mỉm cười nhẹ, thấy một thiếu nữ tầm thước, mặc áo dài xanh thêu hoa trắng trông phảng phất dáng một nữ sinh. Tóc nàng cắt ngắn, uốn cao. Đôi mắt đen láy thông minh. Chiếc mũi xinh xinh trên cặp môi kẻ son nhẹ mầu san hô với cánh môi trên hơi cong lên trông rất đáng yêu. Làn da trắng mịn bao phủ khuôn mặt trái soan có chiếc cằm rất tài tử với phần giữa hơi lúm xuống. Hùng chưa kịp ngắm nốt thân hình thon thả với làn ngực nhô lên mang nét trinh trắng, Thủy-Tiên đã đứng sát bàn, tay cầm một bao thư khá dày dán kín, miệng chúm chím làm duyên và ánh mắt nồng nàn cầu khẩn, làm tâm hồn khô héo của người con trai mới mất người yêu như được truyền nhựa sống.

- Dạ, thưa anh. Thủy-Tiên nhờ anh chuyển lá thư quan trọng này cho một ngườI quen ở Sài Gòn.

Địa chỉ ghi trên mặt thư. Có được không ạ ?

Không trả lời câu hỏi, Hùng nói nhỏ :

- Chị cũng ở trên Đà Lạt à ?

- Vâng ạ. Còn anh ?

- Gia đình tôi ở trên đó.

- Anh bằng lòng chuyển thư này hộ tôi nhé.

Hùng gật đầu, tay cầm lấy lá thư to và hơi nặng, mắt ngước nhìn Thủy-Tiên. Khi nàng nhìn trả lại bằng ánh mắt vô tội, chàng cúi xuống đọc tên và địa chỉ người nhận ở mặt trước, rồi tên và địa chỉ người gửi ở mặt sau. Chàng lại ngước lên, mỉm cười :

- Hy vọng sẽ gặp lại chị ở Đà Lạt, sau kỳ thi này.

Thủy-Tiên nhẹ nhàng gật đầu, rồi quay về bàn với các bạn. Mấy nữ giáo sư từ nãy cùng im lặng theo dõi hai người lúc bấy giờ mới nhìn nhau, nhướng cặp lông mày một cách đầy ý nghĩa.

Thủy-Tiên chẩu đôi môi đỏ :

- Sao ?

Những chuỗi cười vui tươi vang lên như đồng lõa với niềm vui mới của Hùng,...

Thủy-Tiên về với gia đình tại vùng cao nguyên Đà Lạt, hưởng nốt những ngày Hè tươi mát yên tĩnh, tránh xa bụi đỏ, nắng vàng cùng náo nhiệt của miền Nam. Nàng gặp lại các bạn gái chơi từ thuở bé. Hà là một bạn cố tri của Thủy-Tiên. Trong lúc hàn huyên, Hà chợt hỏi :

- Lá thư tao nhờ mày chuyển đến bà cô tao ở Sài Gòn, mày đã chuyển chưa ? Trong bao thư có vài thứ quan trọng mà tao không muốn gửi qua đường Bưu điện.

Thủy-Tiên vui vẻ đáp :

- Tao nhờ một đồng nghiệp chuyển giùm.

- Sao thế ?

- Tao xin nghỉ chấm thi, lấy cớ bị mệt và có giấy bác sĩ cho. Sài Gòn nóng nực ồn ào quá ! Mày đừng lo, anh giáo sư đồng nghiệp của tao hào hoa, cẩn thận lắm. Hôm kia, tao nhận được thư của anh ấy từ Sài Gòn gửi lên thăm và báo tin đã làm xong "nhiệm vụ".

- Quen lâu chưa ?

- Mới quen trong Hội Đồng Thi Phan Thanh Giản thôi.

- Ông ấy tên gì ?

- Lý quốc Hùng,...

Hà giật mình, mở to hai mắt, rồi phát nhẹ vào vai bạn :

- Lý quốc Hùng, giáo sư Việt văn Trung học Kiến Phong phải không ?

Thủy-Tiên cũng giật mình, mở to đôi mắt nhung, phát nhẹ vào vai bạn :

- Trong thư hỏi thăm, anh ấy cũng tự giới thiệu như thế. Có gì quan trọng không mà mày làm tao hết hồn ?

Hà thở phù theo kiểu tây phương, lắc đầu, nhìn bạn bằng đôi mắt hơi nghiêm :

- Anh ấy là bồ cũ của tao. Đẹp trai, ăn nói duyên dáng bay bướm lắm,...

Thủy-Tiên ngắt lờI bạn :

- Thế sao mày lại cho anh ấy tuột dù ?

Hà nghiêm trang :

- Anh ấy có người bạn trai tên là Giao. Anh ấy quí bạn hơn bồ, lại hay nghe lời anh bạn đó. Tao chịu đựng khá lâu, cuối cùng phải "Adieu". Mày coi chừng đó.

Thủy-Tiên cười hồn nhiên :

- Có gì đâu mà coi chừng. Lòng tao như tờ giấy trắng. Đừng lo.

... Tâm hồn trinh trắng ấy dần dần bị tơ vương ám ảnh như một định mệnh. Hùng theo sát Thủy-Tiên như bóng ma ám ảnh người trần. Cần Thơ, Sài Gòn, Đà Lạt. Những con đường rợp bóng cây thơ mộng. Những quán nước rạp ciné phố phường lộng lẫy. Những buổi chiều hây nắng trên ghế đá bến Ninh Kiều,... Tất cả dần dần ghi ngày càng đậm đà hình ảnh âm thanh hương vị của cặp trai gái Quốc Hùng và Thủy-Tiên. Tất cả những viên gạch diễm tình đó như chồng chất ngày càng bề bộn trước cửa nhà trọ của Thủy-Tiên tại nhiệm sở Cần Thơ. Rồi một ngày định mệnh, trước áp lực của những đợt tấn công tình cảm tung ra bởI chàng trai đa tình, cánh cửa bảo vệ trinh nữ bật mở lần thứ nhất. Hùng được Thủy-Tiên mời lên căn phòng trọ xinh xắn, ngát thơm hương trinh. Tuy nhiên, kháng cự cuối cùng của người con gái chưa biết yêu đã được nền giáo dục kỹ lưỡng của gia đình trợ giúp hữu hiệu. Tấn công điêu luyện của người con trai dầy dạn trong kinh nghiệm đau khổ của tình yêu đã bị chặn lại trước ánh nhìn vô tội, giọng nói đoan trang, tiếng cười ngây thơ của cô gái Việt con nhà giòng dõi trâm anh. Căn phòng vắng nhờ vậy chỉ chứng kiến mối giao tình thanh khiết mà thôi. Cho đến một buổi sáng Chủ Nhật của vùng Tây Đô thiếu nắng.

Hùng ngồi trước cái bàn nhỏ đối diện vớI Thủy-Tiên. Chàng ngửa hai bàn tay lên mặt bàn, nhìn nàng, tha thiết nói :

- Thủy-Tiên ơi ! Nếu em bằng lòng cho anh suốt đời được tôn thờ em là người yêu muôn thuở, người vợ đời đời, thì em hãy đặt hai bàn tay em vào lòng bàn tay anh đi.

Như bị thôi miên, Thủy-Tiên từ từ nhấc hai bàn tay đang ấp trong cặp đùi ấm áp, nhẹ nhàng để gọn gàng vào lòng bàn tay rộng rãi nóng bỏng của Hùng. Hai giọt lệ ngà dâng lên trong đôi khoé mắt nhung vừa cảm động vừa nuối tiếc cho làn hương trinh mong manh quí giá đã bị bóc ra khỏi tâm hồn người con gái, lần đầu bị tình yêu khuất phục làm xụp đổ chiến lũy giáo dục gia đình !

Tình yêu tháo cũi xổ lồng với cử chỉ đầu dựa đầu, má kề má, tay nắm tay, rồi thân thể áp chặt vào nhau không muốn rời. May sao, các cử chỉ luyến ái đưa cảm giác trinh nữ lên cao không đạt tới tột đỉnh khoái cảm được. Đó là cái may mắn cuối cùng của Thủy-Tiên. Nàng kiên quyết yêu cầu người yêu hãy dành nụ hôn đầu tiên cho đêm Tân Hôn. Hùng đành nghe theo, trong lòng quặn vài chói buốt khi hình ảnh Hà và Trúc-Đào thoáng qua, phũ phàng rứt đi từng mảnh linh hồn chàng, mỗi khi linh hồn ấy không được thoả mãn trong tình yêu. Cảm tưởng đó xảy ra với Hùng kể từ khi chàng bị thất tình lần sau cùng với Trúc-Đào.

Em như một đoá thủy tiên sầu,.

Chuốc về rồi bị bỏ quên mau,.

Bơ vơ trong góc vườn khô đất,.

Lặng lẽ theo năm tháng đổi mầu !

Rồi đêm Tân Hôn đến, cũng lại như một định mệnh, với Thủy-Tiên và Quốc Hùng. Sau bữa tiệc cưới linh đình giữa hai họ và thân hữu, chú rể đưa cô dâu trên chiếc xe hơi dăng hoa lộng lẫy về ngôi nhà của đại gia đình họ Lý gồm bố mẹ và một số anh chị em của Hùng còn độc thân hoặc đã có gia đình nhưng chưa đi ở riêng. Cô dâu chú rể chiếm một căn phòng khá rộng, trần thiết thật đẹp mắt tiện nghi, ở trên tầng hai. Trong căn phòng cửa đóng chặt, Thủy-Tiên và Hùng ngồi trên bờ giường nệm trắng tinh, nhìn nhau say đắm. Hai má cô dâu đỏ hồng vì còn e thẹn. Mặt chú rể đỏ ké vì men rượu. Hùng nở nụ cười chiến thắng với hai hàm răng trắng phau, cất giọng mạnh dạn :

- Em nợ anh nhiều lắm đấy nhé ! Đêm nay, hai ta hãy yêu nhau hết mình, bù lại những ngày tháng dài dằng dặc đè nén khát khao để tuân theo lễ giáo.

Thủy-Tiên càng e thẹn hơn, nhìn chồng không nói. Hùng phải bắt đầu mọi thứ, biến đổi cô gái trinh học giỏi mà thiếu kinh nghiệm thành người đàn bà chập chững những bước đầu tiên về nhà chồng. Đêm động phòng trôi qua, Thủy-Tiên tỉnh dậy lúc sáng sớm, nằm bên chồng, suy nghĩ :

- Mình đã trao trọn trinh tiết cho Hùng về thể xác, mà sao tâm hồn không thấy gì thay đổi cả ?

Mình vẫn yêu Hùng như hằng yêu. Lấy chồng là như thế này ư ?

Thủy-Tiên lặng lẽ để Hùng nằm ngủ, nhẹ nhàng rời giường, vào phòng tắm trong bộ y phục nguyên thủy. Nàng tắm gội kỹ càng hơn thường lệ, lau khô người, khoác áo tắm, trở vào phòng ngủ. Dưới ánh rạng đông của một ngày, Hùng đang ngồi chống tay xuống giường, nhìn những vết máu vương trên nệm trắng. Thấy vợ, chàng cười sung sướng, giơ hai tay về phiá vợ. Thủy Tiên lại gần, ngồi xuống giường cho chồng ôm lấy nàng, miệng nàng thủ thỉ :

- Mình được gần nhau trọn vẹn trong tuần trăng mật, phải không anh yêu ?

Hùng ôm chặt vợ hơn, nói như hứa hẹn :

- Chứ còn gì nữa, người vợ, người yêu của anh !

Lời hứa rơi vào hư không với sự xuất hiện của Giao, bạn trai cố tri của Hùng. Giao từ đâu gõ cửa, vào chào bố mẹ Hùng, bước lên cầu thang đến gõ cửa phòng Hùng như thường lệ, mặc dù anh đã có mặt trong đám cưới của bạn tối hôm trước. Giao kéo Hùng ra khỏi nhà, để Thủy-Tiên một mình trong phòng vắng. Nàng chờ một lúc lâu, bèn xuống nhà, chào bố mẹ chồng, rồi xuống bếp dùng bữa quà sáng đơn sơ với một cốc nước cam vắt sẵn để trong tủ lạnh. Đó là chỉ dẫn chớp nhoáng của Hùng trước khi theo bạn ra ngoài. Bữa cơm trưa rụt rè ăn chung với gia đình nhà chồng. Bữa cơm tối hoang mang, vì vắng mặt Hùng. Ban đêm trằn trọc một mình với biết bao thắc mắc. Nhưng nàng vẫn hy vọng với tất cả sự hiền thục của cô gái đã được dạy dỗ chu đáo trước khi về nhà chồng.

Hy vọng đó khô héo dần như bông hoa thiếu nước. Hùng vắng nhà luôn ba bốn ngày. Khi trở về, chàng không nửa lời giải thích với cả gia đình lẫn người vợ mới cưới. BởI vì chàng đã được Giao "giải thích" nhiều lần :

- Bạn là thủ túc. Vợ là y phục. Thiếu chân tay, cậu không tung hoành được. Thiếu quần áo, cậu có thể mượn hoặc mua cái khác. Nghe rõ chưa ?

Thủy-Tiên đi từ ngạc nhiên sang thất vọng, từ thất vọng sang giận hờn. Vốn là nhà mô phạm luôn luôn được biết bao thanh niên thiếu nữ ngồi ngước mắt nhìn lên, kính cẩn nghe giáo sư giảng bài, Thủy-Tiên lặng lẽ thu xếp đồ dùng vào chiếc valise nhỏ. Chờ đến hết nghỉ phép, nàng lễ phép từ giã gia đình nhà chồng, trở về nhiệm sở Cần Thơ, tiếp tục dạy học, và không đệ đơn xin thuyên chuyển lên Đà Lạt như đã dự định với Hùng trước đây. Cuối tuần, nàng không trở về Đà Lạt như đã hẹn với Hùng. Trong khi ấy, Hùng cũng trở về Cao Lãnh dạy học, đồng thời xin thuyên chuyển gấp về Đà Lạt vì lý do gia đình. Cuối tuần, chàng đi xe đò về nhà bố mẹ. Không thấy Thủy-Tiên, lúc đầu Hùng tỏ vẻ không cần. Suốt mấy ngày nghỉ, chàng đi chơi với Giao một cách vui vẻ. Tình trạng này kéo dài cả tháng.

Trong khi ấy, Thủy-Tiên ở Cần Thơ gặp tai nạn. Chuyện xảy ra thật nhanh và bất ngờ. Đầu tháng sau ngày cưới, nàng bị tắt kinh. Bác sĩ sản khoa cho biết nàng có thai. Rồi một hôm đang đi ngang qua con lộ, nàng bị một xe xích-lô đụng ngã xuống đường. Tối hôm đó, nàng bị ra huyết.

Mang khẩn cấp vào bệnh viện, người ta cho biết nàng bị xảy thai. Nàng phải nằm bệnh viện một tuần lễ. Trong khi ấy, Hùng được đổi lên Đà Lạt. Chàng bắt đầu sốt ruột về sự vắng mặt của Thủy- Tiên. Kể từ ngày Thủy-Tiên giận dỗi bỏ xuống Cần Thơ, không chịu trở về gặp chồng mỗi cuối tuần, hai người chỉ thỉnh thoảng gửi cho nhau lá thư ngắn trong viết vắn tắt những điều cần thiết.

Cuối cùng, Hùng quyết định xin nghỉ dạy vài ngày, xuống Cần Thơ tìm gặp vợ tại phòng trọ cũ nơi hai người hẹn nhau trong thời gian mới quen nhau. Lúc bấy giờ Hùng mới biết Thủy-Tiên xảy thai và nàng đã không xin thuyên chuyển lên Đà Lạt như dự định. Khi gặp nhau, mặc cho Hùng năn nỉ hết lời, Thủy-Tiên chỉ nhắc đi nhắc lại một câu :

- Nếu anh muốn em xin thuyên chuyển gấp lên Đà Lạt, anh phải hứa với em là bớt giao du với người bạn trai vô lương tâm, chuyên môn xui anh bỏ thí vợ, rong chơi với họ tối ngày.

Giọng nói của nàng vẫn yêu kiều diễm lệ, nhưng mất hẳn âm hưởng nũng nịu thuở ban đầu.

Nàng vẫn nhìn chồng bằng cặp mắt đen láy, mà tiếc thay, cặp mắt đó không còn tiết ánh nồng nàn cầu khẩn nữa !

Cuối cùng, Hùng long trọng hứa :

- Anh sẽ để em lên trên tất cả các bạn bè của anh.

Em biết rằng anh bị yếu lòng, Như chuyện Thạch Sanh với Lý Thông, Thương con, em cố quên lầm lỗi Cố sống cho qua kiếp vợ chồng !

Việt Nam Cộng Hoà mất vào tay cộng sản. Hùng và Thủy-Tiên chung số phận với dân miền Nam sống nheo nhóc cho đến năm 1978. Trong thời gian đó, Thủy-Tiên cực khổ về vật chất, nhưng tinh thần được yên lành. Nàng có bầu, sinh ra một đứa con trai. Giao biến mất khỏi Đà Lạt.

Một hôm, đi dạy học về, Thủy-Tiên thấy Giao đang ngồi chuyện trò vớI Hùng. Nàng chưa kịp phản ứng, Hùng đã đứng lên, kéo tay vợ, nói nhỏ vào tai nàng :

- Anh Giao tìm được đường chạy tầu. Anh ấy đến rủ mình đi chung. Tuần tới, mình thu xếp quần áo tiền bạc, xin giấy phép phường khóm vào Sài Gòn thăm họ hàng, rồi lén đi xuống Hà Tiên. Anh Giao sẽ chờ mình ở đó.

Thủy-Tiên và Giao lạnh lùng nhìn nhau. Nàng khẽ nói :

- Tiền bạc đâu ra mà đi, hở anh ?

Hùng nói nhỏ :

- Bố mẹ anh còn dấu cất vàng để sau này chia cho các con. Anh sẽ năn nỉ hai cụ đưa ngay cho mình phần của anh.

Thế là hai vợ chồng rời Đà Lạt xuống Hà Tiên. Họ lên chiếc tầu đánh cá sau khi nộp vàng cho chủ tầu cũng ở trong số người đi trốn. Trên tầu chật ních người. Gia đình Thủy-Tiên ngồi một góc tầu tối tăm bẩn thỉu, cạnh cái bục gỗ rộng một thước, đài hai thước. Tối đầu tiên ngoài biển, gió lạnh, sóng dập dềnh, Thủy-Tiên cùng con trai leo lên bục gỗ nằm cho cao ráo. Hùng ngủ ngồi ngay cạnh bục. Đến đêm, Giao từ trên đi xuống, lại gần bục gỗ, nói trống không :

- Nằm sát vào trong cho ngả lưng chút đây ! Mỗi người quay đầu một phiá. Đến nước này, giữ ý tứ làm gì cho mệt !

Thế là Thủy-Tiên phải ôm con nằm bẹp vào thành tầu, mặt gần kề đôi bàn chân to xù xì như chân khỉ đột của Giao. Thỉnh thoảng gió đêm từ trên thổi lồng xuống, cho nàng ngửi mùi chân thum thủm quện vị tanh tanh của biển cả. Hùng không nói một lời. Ban ngày, cứ bữa ăn là Giao sà tới, ăn ké với gia đình Thủy-Tiên, lấy cớ đi vội không chuẩn bị lương thực. Bữa ăn chỉ có cơm nắm muối mè và nước lã. Qua ba ngày, tầu vẫn lênh đênh ngoài biển. Lương thực gần cạn. Cả tầu lao nhao, lo ngại. Thủy-Tiên và Hùng phải bớt phần ăn của họ, nhường cho con nhỏ. Giao vẫn đến đòi ăn, và ăn nhiều. May sao, đúng lúc cả tầu cạn lương thực và nước uống, họ được tầu ngoại quốc chạy qua tiếp tế, rồi kéo tầu vào bờ biển Nam Dương. Thủy-Tiên thoát cái nạn ban ngày ôm bụng đói, ban đêm nằm chung bục gỗ với bạn trai của chồng và ngửi mùi chân của hắn, với tất cả hận thù ghê tởm !

Được Mỹ bảo lãnh, cho ở vùng California, gia đình Thủy-Tiên không còn gặp Giao nữa vì hắn xin lên ở tiểu bang Oregon chỗ có nhiều họ hàng của hắn tị nạn. Ở đó, Giao lấy vợ người Việt.

Hắn và Hùng chỉ liên lạc vớI nhau bằng thư từ, điện thoại mà thôi. Vài năm sau, vợ chồng Giao từ Oregon xuống California chơi. Họ tới ăn ở tại nhà vợ chồng Hùng. Trước khi trở về Oregon, Thìn vợ của Giao lục hành lý lấy ra bộ dao kéo, bảo Thủy-Tiên :

- Tóc mình hơi dài. Chị cắt giùm mình một tí nhé.

Thủy-Tiên ngơ ngác :

- Tôi đâu biết cắt tóc.

- Dễ lắm. Tôi chỉ cho.

Giao đứng gần oang oang khuyến khích Thủy-Tiên. Hùng chỉ im lặng, hất cằm, ra dấu cho vợ hãy chiều ý Thìn. Sau nửa giờ hì hụi cắt tóc hầu vợ bạn của chồng, theo lời chỉ dẫn với giọng bà chủ, Thủy-Tiên ngừng tay, bảo Thìn :

- Xong rồi, chị.

Thìn cầm gương soi, kêu lên :

- Chị cắt dở quá ! Hai bên lệch, trên trán ngắn tếu à !

Thủy-Tiên bực mình, nói dỗi :

- Tôi đã bảo chị là tôi không biết cắt tóc mà !

Lúc đó Giao và Hùng đã ra ngoài. Hai người đàn bà gầm gừ nhau chán, mỗi người vào phòng riêng đóng cửa lại. Hôm sau, hai vợ chồng Giao về Oregon với thái độ giận dữ. Hùng biết chuyện, cũng bắt đầu bực mình. Thủy-Tiên tuy căm giận vô cùng, nhưng vì thương chồng nên không nhắc lại chuyện đó lần thứ nhì. Hơn nữa, nàng bận học cho xong khoá tu nghiệp cao cấp về ngành điện toán. Sau đó, nàng được một hãng lớn của Nhật cho làm chức vụ quan trọng. Năm sau, Thìn xuống California một mình, đến ở nhà họ hàng. Giao điện thoại báo cho Hùng biết. Nhưng Hùng đã hoàn toàn chán ghét cặp vợ chồng người bạn cố tri đó rồi, nên chàng không cùng vợ đến thăm Thìn. Ít lâu sau, Giao viết thư chửi vợ chồng Hùng thậm tệ. Hùng không trả lời. Tình bạn quái gở do đó chấm dứt sau bao năm liên hệ.

Mặc dù là người duy nhất mang vết thương lòng lê thê sâu đậm, Thủy-Tiên vẫn sống bên chồng với tình yêu trọn vẹn của vợ đối với chồng. Tuy nhiên, vì tự ái của một phụ nữ trí thức, nàng cương quyết không để tình nghiã phu phụ ấy chuyển sang lãnh vực đam mê từng đến với nàng thuở ban đầu. Như một nữ tu, Thủy-Tiên hết sức mộc mạc ngoài giờ làm việc. Trong khi các phụ nữ khác vui hưởng hạnh phúc làm vợ, làm phái đẹp, nàng chỉ mặc quần áo giản dị, không son phấn nước hoa, không làm tóc, móng chân móng tay. Thế-Hào và Giáng-Tiên, hai người con thân yêu của Thủy-Tiên, biết rõ chuyện giữa bố mẹ, luôn luôn âu yếm mẹ, nói lời hoà giải :

- Mẹ ơi ! Nhờ tình yêu tuyệt vời của bố, nên mẹ mới cho ra đời hai chúng con xinh đẹp giỏi giang như thế này, phải không Mẹ ?

Lời nói hoà giải này không bao giờ xảy ra với Hy và Hà cũng như với Giao và Thìn. Giữa những cặp vợ chồng loại này, tình yêu chân thật không hiện diện.

... ... ...

Này hoa này lá của tôi ơi !

Sao chẳng còn tô điểm cõi đời ?

Riêng tôi còm cõi lê chân bước.

Sáng chiều góp nhặt cánh tim rơi !

Một buổi tối đi làm về, trong bữa cơm buồn nản, Hùng chợt cất tiếng khô khan bảo Thủy- Tiên :

- Anh quên chưa kể cho em nghe. Cách đây vài tháng, trong giờ nghỉ trưa, anh ra trung tâm thành phố Los Angeles đi dạo, bắt gặp Thìn vợ của Giao cặp tay một tên Mỹ. Thấy anh, Thìn lờ đi. Anh vội dùng điện thoại cầm tay gọi cho Giao mặc dù lòng hãy còn giận nó. Nghe anh kể chuyện Thìn đi với bồ Mỹ, Giao thản nhiên nói :" Nó bỏ tao lâu rồi Còn tao hiện sống với vợ mới, kém tao hai mươi tuổi, lấy từ Việt Nam mang qua." Anh từ biệt nó, đóng máy lại.

.

Thủy-Tiên cũng bình thản kể :

- Ở Garden Grove, Hy chồng của Hà bồ cũ của anh tự nhiên thu xếp hành lý lên Fresno ở với mẹ già của anh ta, bỏ Hà một mình. Các con của họ đã lớn và lập gia đình ra ở riêng lâu rồi. Chuyện đó xảy ra cả năm nay. Thỉnh thoảng Hà có gọi điện thoại cho em để tâm sự.

Không nói ra, cả hai đều biết rằng dưới bầu trời Âu Mỹ văn minh tư bản tột đỉnh, có những linh hồn người vợ trở nên cằn cỗi, đang kéo lê cuộc sống vô vị, như những bông hoa thiếu nước nuôi dưỡng trở thành những đoá hoa khô. Mặc dù ngườI chồng lầm lỗi đã cố hết sức sống trọn vẹn với người vợ, nhưng vì nàng đã nhận quá nhiều dấu ấn mà không một thứ nước suối trần gian nào có thể gột rửa được, nên hai người sống với nhau như hai người máy được kỹ thuật điện tử thượng thặng xắp đặt cho sống cuộc đời vợ chồng hoàn hảo. Tuy nhiên, đàng sau cái hạnh phúc hoàn hảo đó là cả một vườn hoa tình cảm mất mùa, không có kỹ thuật nào cứu vãn được.

Tệ hơn nữa, tâm sự của Hà trao cho bạn gái Thủy-Tiên lại không thể hiện một vườn hoa mất mùa, vì giữa Hà và Hy chưa hề xây dựng một vườn hoa nào cả. Kể từ ngày cưới cho đến nay, hai vợ chồng trên giấy tờ chưa bao giờ chia sẻ với nhau vũ trụ tình cảm của họ. Hy lấy Hà vì nàng là con nhà nề nếp, học giỏi, xinh đẹp. Hà lấy Ngọc-Hy là theo ý của cha mẹ cũng như theo lựa chọn của lý trí, vì chàng có sự nghiệp vững chắc, gia tài đồ sộ, lại được vẻ bảnh trai trên trung bình của một thanh niên Việt Nam được du học lâu năm bên Âu Mỹ. Giờ đây, Hy về ở với mẹ già để trả hiếu cho mẹ, mà cũng để giữ lời hứa với Hà từ đầu là không để Hà phải " sống kiếp làm dâu". Giờ đây, chàng trở thành lão làm vườn, ngày đêm tưới bón một gốc hoa đào lâu năm, từng mùa quét hoa lá già rơi rụng, vô tình quét bóng thời gian qua ngưỡng cửa cuộc đờI, đi sâu vào lòng cát bụi,... Còn Hà, mỗi khi điện thoại cho bạn gái, nàng như ca một bài vọng cổ lâu đời :

- Buổi sáng, buổi tối, tao soi gương, thấy mình không già. Bao nhiêu nét đẹp kiêu sa thuở trước hãy còn in trong mặt gương. Tao nhắm mắt và thấy rõ tất cả thời thanh xuân với bao khát khao, hồn nhiên, ... Mỗi khi các con tao đến thăm, hoặc anh Hy ghé chơi, những khao khát và hồn nhiên ấy mờ đi. Tao thấy mình thật già nua, từ ý nghĩ đến lời nói. Sau cùng, tao khám phá ra một điều :

Giữa tuổi thanh xuân với tuổi già của tao là một khoảng trống vô vị, thiếu hẳn kỷ niệm phải có của một con người sống thật sự. Đời tao là cả một vườn hoa non tươi đã bị "đông lạnh", không sống mà cũng chẳng chết cho. Tao hằng tự hỏi :"Bao giờ mình mới được chết ?" Câu trả lời là :

"Ta đã chết từ lâu rồi !" Góc trời của Giao và Thìn mờ mịt hơn, cho đến khi Hùng bất ngờ nhận được một lá thư của người bạn tội lỗi đó. Dòng thư như lời xưng tội :

" ...Thìn phản tao, cướp chồng người ta. Sau vài năm, anh chồng tên Georges trở về với vợ chính thức. Thìn cô đơn, năn nỉ tao cho t ở lại, nhưng quá trễ vì tao đã có vợ mới chính thức cưới sau khi chính thức ly dị với Thìn. Ít lâu sau, tao nghe tin Thìn sắp chết vì bệnh ung thư. Trước khi nó chết, tao có đến thăm vài lần. Nó gầy khẳng khiu, đầu không còn tóc, chẳng khác cành cây khô héo mất dần sinh lực. Riêng tao cũng chẳng khá hơn. Con vợ trẻ của tao và tao càng ngày càng không hiểu nhau. Chúng tao sống với nhau như hai cây kiểng để bên nhau, một già một trẻ, không bao giờ san sẻ được vẻ đẹp, sinh lực, đam mê thể xác cũng như tinh thần, của nhau. Thời gian của tò mò, háo thắng, ham muốn lúc đầu đã mất đi thật nhanh, và không bao giờ lập lại được. Lâu dần, hai chúng tao xa nhau cả tâm hồn lẫn thể xác. Những gần gũi sinh lý bất chợt càng ngày càng hiếm hoi. Tao biết rằng mình đã già nua và sẽ bị cô vợ trẻ của tao bỏ rơi trong quên lãng một ngày không xa,...Bạn cũ của mày. Giao" Dù tan tác hay còn chung một cành, những bông hoa khô héo trên đây tượng trưng cho một số không nhỏ linh hồn cằn cỗi vì sự cô đơn không cứu vãn được, hậu quả của những lầm lỗi trong tình yêu và tình bạn. Dù là định mệnh đưa đẩy, là bản chất con người gây nên, hay hoàn cảnh thời đại xui khiến, đó đều là những trường hợp Đau Khổ chiến thắng Hạnh Phúc. Đó là nguồn vô tận cho những dòng thơ đời này nối tiếp trang thơ đời trước và khêu gợi ý thơ đời sau, vần điệu những bài thơ đó mang vài thay đổi ...........

Hoa tim khô héo tả tơi,.

Tiếc tình hay xót thương đời dở dang ?

Mấy lần tâm chít khăn tang,.

Vì đâu mà thiếp với chàng xa nhau ?!

Sau lần du lịch bên Âu Châu trở về, Hùng và Thủy-Tiên đã khiến cho hai con của họ, Thế- Hào và Giáng-Tiên, hết sức ngạc nhiên, sung sướng. Mỗi khi đi làm về, Hùng quấn quít bên vợ như chú rể mới. Còn Thủy-Tiên cười nói nhiều hơn, dùng mỹ phẩm đều đều, thay đổi y phục mới hàng tháng. Sau một thời gian ở vớI bố mẹ để nhận xét chắc chắn sự thay đổi của hai người, Thế- Hào và Giáng-Tiên yên chí mua nhà ra ở riêng để được hưởng quyền lợi về thuế má của Hoa-Kỳ dành cho thanh niên thiếu nữ độc thân có công ăn việc làm tốt và biết đầu tư tiền bạc vào ngôi nhà của riêng họ.

Không bao giờ Thế-Hào và Giáng-Tiên biết rằng, trong mấy tuần lễ nghỉ Hè ở Âu Châu, Hùng và Thủy-Tiên đã ghé thăm nước Pháp, rồi một thôi thúc vô hình khiến hai người đi Métro tới nhà ga Montparnasse, thay vì nhà ga Lyon để xuống Nice. Ở đó, họ thấy một tủ gỗ có nhiều hộc đựng những tấm giấy ghi tên các tỉnh và giờ những chuyến xe lửa. Mắt họ chợt chú ý tới chữ LOURDES trên một tấm giấy. Vốn biết Lourdes là một thánh địa, họ lấy tấm giấy, mở ra xem, và thấy lộ trình Paris- Lourdes dẫn qua rất nhiều tỉnh nổi tiếng. Họ bèn tới quầy bán vé, xếp hàng, mua vé xe lửa tốc hành TGV đi Lourdes, một tỉnh hành hương quốc tế cạnh biên giới Pháp-Tây Ban Nha.

Sau khi thuê được phòng tại một khách sạn ngay cạnh nhà ga xe lửa, hai vợ chồng ra đường, theo chân các du khách hành hương đủ mọi quốc tịch tấp nập đi vào đại lộ Grotte của trung tâm tỉnh Lourdes. Đại lộ sầm uất đó dẫn thẳng tới cổng vào khu đền thờ rộng mênh mông dưới chân núi. Mặc dù không có Đạo, Hùng và Thủy-Tiên tự nhiên theo nhóm người hành hương uống nước trong mạch chảy ra từ ngọn núi xưa kia nữ thánh Bernadette đã được thấy Đức Bà Maria hiện xuống. Bước sang khu thắp nến, họ để tiền vào thùng, lấy hai cây nến trắng dài, châm lửa, cắm chung với các cây nến khác trên giàn giá nến bát ngát, lửa khói lung linh huyền bí. Đoạn, họ tới hang đá ngay bên cạnh, có tượng Đứa Mẹ trên cao. Họ xếp hàng để được tới gần bàn thờ, sờ tay vào thành núi đá nhẵn bóng. Cũng như mọi người, hai vợ chồng im lặng lần bước vòng trước mặt hang đá. Cả hai đều cảm thấy xúc động mãnh liệt. Tâm tư bề bộn buồn sầu chán nản hoà cùng uớc muốn của hai vợ chồng đã được kính cẩn dâng lên cùng với lời nguyện cầu thành khẩn phó thác mọi sự vui buồn vào trong tay Đức Mẹ Maria nhân từ.

Cửa hang Lộ- Đức trên cao.

Mẹ Từ Bi giữa ngàn sao sáng ngời.

Giơ tay cứu độ người đời :

Con dâng lên Mẹ muôn lời khổ đau.

Khi trở về nhà bên Hoa Kỳ, Hùng và Thủy-Tiên mang theo hai tâm hồn mới chứa đựng Tình Yêu bao la, trong đó có tình yêu vợ chồng thật khăng khít đầm ấm.

Bó hoa khô héo của tâm hồn Thủy-Tiên đã trở thành tươi tốt, toả ngát hương thơm trân quí, mang lại mùa Xuân trọn vẹn cho cuộc đời riêng tư của nàng, hoà nhịp cùng hoa lá cỏ cây huy hoàng lộng lẫy cùng vạn vật hân hoan tươi trẻ mà Thượng Đế đã ban cho Cõi Trần duy nhất của loài người.

Hồn ta gột rửa trắng phau,.

Cung đàn phu phụ trước sau nhịp nhàng,.

Đường tình trải rộng thênh thang,.

Sơn xanh quá khứ, thếp vàng tương lai,...

Bình Huyên (Paris)