Bà con ở tỉnh xa, ai ưa âm nhạc nên về Hà Nội mà nghe tiếng hồ của một người xẩm mù.

Người ấy, về chiều tối ta dễ gặp hơn. Vì lúc này cơm nước xong, người ta - "người ta" đây tức là những anh xe, chị sen, bác thợ may, thợ giặt - mới có thì giờ "ngậm chiếc tăm" mà thưởng mấy câu xẩm.

Ta cứ đứng hơi xa xa mà nghe - nếu chỗ ấy là một phố ít tiếng động càng hay - Tiếng hồ của người xẩm nổi lên sầu thảm và mơ hồ như lạc từ nơi âm xứ lại.

Tôi đã nhiều lần phải bàng hoàng khi anh ta dứt tiếng hồ. Rồi bằng một giọng khàn khàn xa xôi, anh ta "đưa" lên mấy câu vọng cổ. Ta phải nhận lúc ấy anh ta không phải là người xẩm nữa mà là một mảng linh hồn vơ vất đau khổ lạc loài vào đám người vô lý.

Các bạn nên nhận điều này: lắm anh xẩm khác, khi ca thì chỉ biết gân cổ lên mà gào để gọi những người ở đằng xa lại. Và với vẻ mặt bình yên, hắn chỉ luôn luôn "nghe" ở chiếc chậu sắt đựng tiền thưởng.

Đằng này không, người xẩm kéo hồ này lúc nào và nơi nào, anh ta cũng chỉ thủ thỉ quyến rũ người ta bằng tiếng hồ yếu đuối mơ hồ và một giọng ca khàn khàn xa xôi, như tiếng vang thoát tận đáy lòng. Lúc hát và lúc kéo hồ, hình như anh không nghĩ đến ai. Biết chắc điều này, là một hôm chính mắt tôi thấy anh ta ứa nước mắt khóc, sau khi anh ngừng bặt tiếng ca run run như tiếng nức nở ở cổ họng. Anh thầm lặng lấy chiếc khăn đỏ vắt vai lên đưa ngang mắt.

"Anh này chắc lại có tâm sự phi thường gì đây". Tôi nghĩ thầm thế. Mà điều đó có thể tin được lắm. Người ta có thể tin được rằng: ở mỗi nghệ sĩ có chân tài đều có một lịch sử không thường.

Cách đây không bao lâu, tôi chẳng đã giới thiệu với bà con, người thổi sáo bán lạc rang là gì? Có ai ngờ người đi bán lạc ấy lại là một vị tài hoa lãng mạn tên là Đông Địch Vị. Và Đông Địch Vị lại là cả một thiên diễm tình đã "sống" nên ghi chép trong cuốn lịch sử của các nghệ sĩ tài hoa.

Mà biết đâu ở giữa Hà Nội này không có Schubert? Nghĩ thế, tôi bắt đầu để ý đến người xẩm mù này.

Đã nhiều lần tôi khéo léo gợi chuyện người xẩm, nhưng không lần nào anh ta chịu nói tâm sự của anh cho tôi nghe.

Với nụ cười heo héo, với nét mặt lạnh lùng vô sắc, anh chỉ vờ ngẩn ngơ đáp tôi:

- Không, tôi có sao đâu!

"Tôi có sao đâu", câu nói của một kẻ mang một tâm sự đau đớn nó nhiều ý nghĩa biết ngần nào. Tôi có sao đâu! ồ, tôi có sao đâu! Anh ta đã dối mọi người. Nhưng anh có được cái sung sướng là tự dối được anh không?

May thay cái khoảng đời đau xót và bí mật ấy, tôi không được nghe anh kể lại nhưng có người cho tôi biết anh là người ở bến Vị Hoàng.

Bến Vị Hoàng! Cái tên bến đã làm tôi sực nhớ đến người bạn tôi ở nơi ấy, người mà đã kể cho tôi nghe chuyện tâm tình của nhà nghệ sĩ tài hoa của bến Vị Hoàng là Đông Địch Vị.

Nên một buổi sáng tôi đã về thăm bạn. Lúc ngồi chuyện, tôi hỏi:

- Ở bến Vị Hoàng này trước hình như có người kéo hồ hay lắm?

Bạn liền gật đầu:

- Phải đó, ờ bây giờ anh hỏi tôi mới nhớ... có bác Pháo... Bác Pháo, ừ hồ Pháo thì hay tuyệt còn gì. Nhưng ai nói anh biết?

Tôi kể chuyện người xẩm mù. Bạn liền ngạc nhiên:

- Thế à?

Rồi bạn nghiêm trang và gật gù:

- ấy như thế lại còn hơn... Thà để cho bọn người tuy không biết gì mà còn sống lại hơn là kéo cho người chết nghe...

Lần này đến lượt tôi ngạc nhiên:

- Ô hay, anh nói gì?

Nhưng bạn đã trả lời tôi bằng câu chuyện của nghệ sĩ Pháo.

Cách đây năm sáu năm và về trước nữa, làng Địch Vị trên bến Vị Hoàng đã có tiếng là một làng âm nhạc. Cái phong trào hòa nhạc ấy không biết nhóm khởi từ bao giờ. Người ta chỉ biết hồi ấy trong óc mỗi người làng Địch Vị đều có một tư tưởng ham mê về nhạc thuật. Cái tư tưởng ấy đã chôn sâu vào óc họ lắm lắm, như một thành kiến ngày xưa. Nên những người xa lạ đến làng ấy đều phải ngạc nhiên là lúc nào và chỗ nào cũng chỉ thấy người làng kháo chuyện âm nhạc. Chuyện âm nhạc là câu "chuyện làm quà", là câu "chuyện đầu ngõ" những buổi chiều trong hàng nước, là câu "chuyện đường trường" là câu "chuyện say" trong đám tiệc, là câu chuyện tất cả mọi lúc của người làng ấy.

Tuy vậy, những nhạc sĩ cũng chia ra từng nhóm, từng tốp, từng hội. Rồi hội này thi với hội khác. Họ bầy ra rất nhiều cuộc thi để khuyến khích nhân tài.

Trong số hội âm nhạc ấy, có một ban tài tử có tám người chơi đủ bộ bát âm, tự đặt tên là "Huyền linh hội", đều là những vị tài hoa đặc sắc cả.

Nhưng nổi nhất là cây sáo và cây hồ. Sáo là "Đông Địch Vị". Hồ là Pháo - Khi nói tên Pháo, người ta thường kêu "Pháo Vị Hoàng".

Đông và Pháo được dân làng thán phục lắm. Đến nỗi người ta thường nói:

"Nghe hồ thì tìm Pháo, nghe sáo thì tìm Đông".

Về sau câu này được truyền tụng ở miệng mọi người như một câu giai thoại.

Có người biết rõ về Pháo, thường thuật lại rằng: cũng vì một thiếu nữ xinh đẹp, mà Pháo trở nên một tài tử lành nghề:

Trước kia còn thích cây nguyệt Pháo được làm quen với một thiếu nữ: cô Thắm. Pháo yêu Thắm lắm. Nhưng chẳng hay Thắm lại đương mê một nhạc sĩ khác đương thích chơi cây hồ. Biết vậy, Pháo căm tức. Chàng liền bỏ cây nguyệt mà tập kéo hồ. Nên chẳng bao lâu tay hồ của chàng đã dẻo và nối tiếng. Song lúc này, Thắm đã lấy người kéo hồ trước kia rồi, Pháo đau đớn lắm, nhưng vẫn cố theo nghề hồ cho đến đích nghệ thuật. Cho đến một hôm Pháo tìm dịp hòa với người chồng Thắm. Khi thấy Thắm đã ngẩn ngơ vì tiếng hồ của mình, Pháo mới đứng dậy rũ áo cười khanh khách như người điên và ra về. Ra ngoài, chàng ngậm ngùi lau hai vành lệ.

Rồi từ đấy, chiều chiều, Pháo lại mang hồ ra bờ sông đưa lên mấy khúc huyền diệu. Đối diện chàng là nhà Thắm. Khi thấy Thắm ra ngấp nghé nhìn chàng bằng con mắt lưu luyến, chàng lại ngừng tay và cắp hồ ra về.

Và cuộc tình ái não nùng của chàng cứ kéo dài ra thế mãi, trong những chiều êm.

Nhưng một hôm Thắm bỗng bị bệnh chết.

Pháo giật mình và lặng người khi nghe tin ấy. Chàng đau đớn không chừng. Rồi đến hôm đưa ma Thắm, Pháo liền xin vào ban bát âm đi đưa đám Thắm. Khi ấy, thỉnh thoảng Pháo lại đưa lẻ một bài hồ riêng của chàng đặt ra mà mỗi chiều trước đã làm cho Thắm ngẩn ngơ bồi hồi: bài "Trường hận" mà bắt đầu chàng mượn điệu hai câu thơ của Bạch Cư Dị:

Thiên trường địa cửu hữu thời tận

Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ

*

Thế rồi từ đấy, lâm vào cảnh sa sút, Pháo phải đi theo phường bát âm trong những đám tang để lấy tiền sinh nhai. Về sau hình như không chịu được với sự mỉa mai chua xót ấy, Pháo bỏ làng đi đâu mất.

Tôi đem câu chuyện này nói với người xẩm kéo hồ trên kia. Nhưng hắn không chịu nhận hắn là Pháo. Song tôi vẫn nghi lắm. Tôi chỉ còn hy vọng bạn tôi lên Hà Nội chơi để nhận mặt hắn xem có phải là Pháo Vị Hoàng đấy không?

Tiểu thuyết thứ năm số 4 ngày 27-10-1938.

Hết