LỜI NÓI ĐẦU
huở mới cắp sách đến trường làng, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa khác, tôi từng say mê đọc đi đọc lại sách cổ học tinh hoa. Đúng là mỗi tuổi có một cách đọc và cách cảm nhận khác nhau. Hồi ấy, chúng tôi chuyền tay nhau xem đến nhàu nát cả sách, vậy mà thật là buồn cười, bởi chúng tôi chẳng hề để ý xem tác giả là ai, càng không sao nhớ nổi những mẩu chuyện hấp dẫn kia vốn có xuất xứ từ đâu, đến cả nhân vật và sự kiện, chúng tôi cũng lẫn từ chuyện này sang chuyện kia, nhầm từ thời này sang thời nọ. Hình như chúng tôi bị cuốn hút đến mê mẩn bởi một cái gì đó ở phía sau những trang sách chứ không phải là ở giữa những hàng chữ in để đọc. Sau vì tuổi trẻ hiếu sự, ưa bày trò đố nhau, tôi đọc kĩ lại cả bìa sách mới biết cổ học tinh hoa là của hai cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Tử An Trần Lê Nhân, còn những chuyện trong sách ấy đều có gốc tích từ thư tịch cổ của Trung Quốc. Hậu sinh vô tâm nhưng vẫn chan chứa lòng thành, xin hương hồn hai cụ vì thương mà rộng tình tha thứ. Hồi ấy có người bảo tôi rằng đó là sách dạy đạo lí cổ, sách dạy làm người. Ngày lại ngày, thầy giáo vẫn dạy chúng tôi rằng tiên học lễ, hậu học văn. Lễ nghĩa thầy dạy hồi ấy là những gì rất cụ thể, đại loại như cách mời chào, cách cư xử với người trên kẻ dưới sao cho phải phép...còn khái quát lại, hỏi đạo lí là gì thì chúng tôi đành chịu. Có người bảo đó là sách dạy triết lí cổ của Trung Hoa. Tuổi thơ cạn nghĩ, tôi không hình dung được, tại sao trên đời này lại có môn học chất chứa toàn những lí sự như vậy, cho nên, tôi cũng chẳng mấy để tâm đến điều này. Lại cũng có người nói đó là sách dạy sử, trích lục từ sử sách của Trung Quốc. Thực lòng, tôi chẳng hề nghĩ rằng sẽ có ngày làm nghề dạy sử và nghiên cứu lịch sử như hôm nay, nên hồi ấy, tôi không chút lưu tâm đến giá trị sử học của sách cổ học tinh hoa. Bước vào tuổi trung niên tôi mới vỡ lẽ là đọc cổ học tinh hoa mà không thấm thía ý nghĩa đạo lí, giá trị triết lí và lịch sử, thi cũng kể như chưa đọc vậy. Và thế là tôi đọc lại. Có những quyển sách hợp với mọi người và tồn tại mãi với mọi thời, cổ học tinh hoa có lẽ là sách thuộc loại ấy. Chúng ta có thể tìm thấy ở đấy nhiều điều bổ ích, không phải chỉ vỏn vẹn có ba lĩnh vực như tôi vừa nói trên. Thế rồi cách nay hơn hai mươi năm, nghĩa là ngót nửa thế kỉ sau khi Cổ học tinh hoa xuất hiện, Nhà xuất bản sống Mới cho ra mất bộ ôn cố tri tân của Mộng Bình Sơn. Hồi đó, tôi có may mắn được đọc ngay khi sách vừa phát hành, lòng những vì thích thú mà mong sẽ có lần được hội kiến Mộng Bình Sơn tiên sinh, nhưng mãi đến hôm nay, ước nguyện nhỏ ấy vẫn chưa đạt được. Hồi ấy, thị trường sách vở Sài Gòn ra sao, không nói, có lẽ chúng ta cũng hình dung được. Giữa lúc trăm sự đảo lộn, văn hóa xô bồ mà bỗng dưng có một Mộng Bình Sơn âm thầm theo bước các cụ ôn Như và Tử An, góp phần sửa đức thời loạn bằng cách giới thiệu những chuyện hay lấy từ Bắc sử, quả là đáng trân trọng lắm. Bởi lẽ ấy, sự đồng cảm sâu sắc mà tôi lặng lẽ dành riêng cho Mộng Bình Sơn tiên sinh, hơn hai chục năm rồi vẫn còn nguyên vẹn. Đọc sách mà chỉ cốt tìm cái dở của sách là điều tối kị. Tôi không bao giờ nghĩ rằng cổ học tinh hoa và ôn cố tri tân là những bộ sách hoàn hảo, song, lòng kính trọng đối với người viết sách khiến tôi chú tâm tiếp nhận cái hay. vả chăng, Hán học tàn tạ đã từ lâu, nay nào có mấy ai đọc nổi cổ thư mà dám chê người cần mẫn đọc cổ thư để viết sách. Tuy nhiên, bởi là người giảng dạy sử học ở bậc đại học và cao học, tôi thường phải trả lời những câu hỏi rất khó của những người ngưỡng mộ truyền thống cha ông, từ nhiều nơi gởi về. Chính những câu hỏi đó khiến tôi nhận ra một điều rất đáng quan tâm, ấy là cổ học tinh hoa và Ôn cố tri tân (cùng một vài sách khác), tuy rất hay, hàm chứa nhiều giá trị rất độc đáo, nhưng tất cả những chuyện trong sách ấy, từ bối cảnh, sự kiện đến nhân vật, ...đều là của Trung Quốc. Có cái gì đó nửa gần nửa xa, thật khó nói. Không ít người của thế hệ sau, do chỉ có thể đọc được các bản in chữ quốc ngữ những sách nói trên, cho nên cứ đua nhau trích đi dẫn lại, vô tình cổ vũ cho sự sùng ngoại vốn dĩ đã từng phảng phất, lẩn quất đâu đây. Lẽ đâu, tổ tiên ta chỉ giỏi đánh giặc, còn tư tưởng, triết lí, đạo đức, ...tất cả chẳng cần bận tâm, bởi đã có khuôn mẫu của Trung Quốc rồi. Đọc kĩ sử cũ, tôi thấy chừng như không phải vậy. Để kiểm nghiệm xem suy nghĩ của mình đúng sai thế nào, suốt năm này tháng nọ, tôi vừa đọc vừa ghi, sau, giật mình đếm được ngót sáu trăm chuyện, mỗi chuyện có một sắc thái và ý nghĩa riêng. Làm sao tôi có thể vô lễ, tự ví mình với Ôn Như, Tử An và Mộng Bình Sơn, nhưng quả là những chuyện của cha ông ta xưa mà sử cũ ghi được, không thể nói là kém những chuyện xưa của Trung Quốc. Mỗi lần lên lớp hay có dịp thuyết trình đó đây, thỉnh thoảng tôi vẫn lấy những chuyện này ra kể. Gần đây, một số phương tiện thông tin đại chúng đã giúp tôi giới thiệu những bài viết nhỏ này. Nhân đây, tôi xin có lời chân thành cám ơn, đặc biệt là với cố nhà văn Huỳnh Bá Thành (Tổng biên tập báo Công An Thành phố Hồ Chí Minh), nữ nhà báo Thế Thanh (Tổng biên tập báo Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh) cùng các bạn Việt Bình, Ngọc Hiển và Phan Chi ở Câu lạc bộ Tuổi trẻ (đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh). Trước khi cầm bút viết bộ sách này, tôi tự đặt cho mình ba nguyên tắc. Một là phải ghi rõ xuất xứ của từng chuyện, thật gọn gàng nhưng cũng phải thật đầy đủ. Khi đọc, hiển nhiên là tôi phải ghi chép và đối chiếu nhiều thư tịch cổ khác nhau, nhưng khi ghi xuất xứ, tôi chỉ ghi thư tịch nào dễ tra cứu nhất mà thôi. Hai là, chuyện lấy từ sử cũ thì hãy để sử cũ trình bày là chính, tôi chỉ góp thêm lời bàn khi xét thấy cần thiết Thêm bớt văn bản hay bóp méo văn bản theo ý tưởng hiện đại là xuyên tạc cổ nhân, đạo lí không cho phép tôi làm như vậy. Ba là, để người đọc dễ nhớ, tôi cố gắng viết thật ngắn, quyết không viết chuyện nào dài tới một ngàn chữ. Cuối cùng, xin chân thành cám ơn Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã dành cho tôi sự ưu ái đặc biệt bằng cách cho in và phát hành rộng rãi bộ sách này. Tôi đã viết lời bàn về từng mẩu chuyện cụ thể, còn lời bàn về sách này, xin kính nhường bạn đọc gần xa.