- 1 -

ải đang ngồi ngắm con lợn đất. Con lợn béo lắm cơ. Vì bụng nó chứa đầy tiền mừng tuổi. Hào giấy và hào bạc làm đặc ruột con lợn. Đến nỗi, Hải nhấc nó lên lắc, không còn nghe tiếng sủng soảng. Hải sắp giết con lợn. Con dao díp đã thủ sẵn trong túi, cậu bé chỉ cần khoét rộng cái lỗ dài trên lưng con lợn là dốc hết tiền ra. Nhưng cậu bé bỗng thương con lợn quá, không nỡ cầm dao “chọc tiết” lợn. Và cậu bé đặt con lợn trước mắt, ngồi ngắm nghía. Một lúc lâu, Hà sang tìm Hải. Con bé khoe ầm ĩ:

- Chợ huyện đông ghê, Hải ạ!

Hải cười:

- Tớ đi từ sáng sớm.

Hà nhăn mặt, trách móc:

- Đấy, lại tớ nữa. Mồng một Tết Hải hứa không xưng tớ và gọi Hà bằng đằng ấy, giờ Hải lại tớ..

Hải đưa tay kéo con lợn đất gần mình:

- Quên, quên, tớ quên...

Hà phụng phịu:

- Tớ, tớ luôn miệng. Hải hay quên quá.

Hải đánh trống lảng:

- Chợ huyện bán nhiều tượng đẹp lắm. Có cả long đình. Tớ...

Hà lắc đầu:

- Đi về đây, chả thèm chơi với Hải đâu.

Hải trườn người, chộp lấy gót chân Hà:

- Gượm đã, Hải sẽ không quên nữa.

Hà chỉ ngón tay vào mặt Hải:

- Nhớ nhé!

Hải liếm mép:

- Nhớ mà.

Rồi nó kể:

- Hải chạy ra chợ, thấy ông bán tượng Hải về định giết lợn lấy tiền mua tượng với lại long đình. Hải sẽ xây cái đình. Hà thích chơi đình không?

Hà hỏi:

- Chơi đình vui bằng “thả đỉa ba ba” hay “chi chi chành chành” không?

Hải đáp:

- Vui hơn. Có rước và lễ.

Hà hớn hở:

- Thế thì Hà thích. Hải giết lợn nhanh lên!

Hải nâng niu con lợn. Cậu bé bần thần. Nó tiêng tiếc làm sao ấy. Hải ngước nhìn Hà:

- Giá hôm nay còn Tết, Hà nhỉ?

- Tết có ba ngày, ít quá.

- Ừ, Hải ước gì hôm nay còn là mùng một.

- Để Hải mặc áo quần đẹp à?

- Không.

- Thế để làm gì?

- Để... để được mừng tưổi thêm. Hải không muốn giết lợn.

Hà tròn xoe mắt:

- Hải sợ phải tội à?

Hải gật đầu bừa:

- Ừ.

Hà phá ra cười:

- Con giai mà nhát như thỏ. Em Hà nó đập lợn vỡ tan tành.

Hải thấy nóng ran ở tai. Chẳng lẽ nó thua thằng lõi Hưng, em trai của con bé Hà? Hải đứng dậy, khuỳnh tay:

- Tớ thừa sức đá phốc con lợn.

Hà quay mặt đi:

- Thế mà bảo nhớ.

Hải vân vê mép áo:

- Ừ nhỉ, lại quên.

Hà ngúng nguẩy:

- Hải quên mãi. Thôi, Hà nhất định chả thèm chơi với Hải đâu.

Và con bé chạy vụt ra cổng. Hải ngẩn ngơ trông theo. Nó không biết phải nói thế nào để Hà hết giận. Nhưng Hà đã dừng chân, ngoái cổ ngó Hải. Con bé bắt tội nghiệp thằng bé. Nó cúi gầm mặt, lững thững trở vào chỗ Hải đang đứng thẫn thờ:

- Hải đừng xưng tớ với Hà nữa nhé?

Như một chậu hoa cúc phơi giữa sân nắng được rưới nhẹ nước lên, khuôn mặt Hải tươi tỉnh. Nó gật đầu lia lịa:

- Ừ.

- Nhớ nhé!

- Hải thề làm tin!

- Thề đi!

- Thề thế nào?

Hà suy nghĩ giây lát, rồi mỉm cười:

- Thôi, đừng thề. Nhỡ Hải thề độc, Hải lại quên thì chết.

Con bé khích bạn:

- Hải đã đập con lợn chưa?

Hải mím môi:

- Sợ gì.

Nó giơ con lợn đất lên cao. Bỗng Hải chùn tay. Nó nhìn con lợn một cách trìu mến:

- Đập vỡ lợn, lấy lợn đâu mà làm thịt cúng đình.

Hà chẳng hiểu chơi đình ra sao cũng ngây người ra:

- Ờ nhỉ.

- Mình khoét to cái lưng lợn, móc tiền mua tượng long đình, bánh trái. Còn con lợn mình sẽ làm thịt cúng đình. Hà chịu không?

- Chịu.

Hai đứa bé ngồi xuống. Hai mái tóc sát nhau. Nắng mùa xuân huyện lỵ nhảy múa trên tóc chúng nó. Hải đã kéo lưõi dao díp. Nó khoen từng chút đất nung cho cái vệt thủng ở lưng con lợn rộng dần ra. Hải không sợ con lợn đất như Hà tưởng. Nó đã dám đấm chảy máu mũi con lão bếp Trá thì đâu thèm sợ con lợn đất. Hải thương con lợn đất đấy chứ. Hải thương thật mà. Thương từ trong năm cơ. Hải theo mẹ đi chợ huyện mua con lợn. Và Hải thương con lợn đất cơ hồ một người nhà quê thương con lợn giống. Mẹ Hải đã dặn “hễ con thương lợn, lợn của con sẽ đầy tiền mừng tuổi”. Con lợn của Hải đã no tiền mừng tuổi. Hải không nỡ đập tan nó.

- Xong chưa hở, Hải?

- Sắp xong.

- Nhanh lên kẻo ông bán tượng quẩy gánh về nhà.

Hải khoét vội vàng. Khi cái lỗ đã rộng, nó dốc ngược con lợn, thò hai ngón kẹp hào giấy lôi ra. Bạc hào theo nhau rơi ngổn ngang trên mặt đất. Hà lượm gom lại.

- Được bao nhiêu?

- Không biết.

- Hải không tính trước à?

- Không.

- Năm nay Hà được những tám đồng cơ.

- May ra Hải được năm đồng.

Hà thích chí, reo to:

- Hải thua Hà ba đồng.

Hải không cãi. Nó nhặt hết tiền bỏ vào túi rồi đứng dậy, năm tay Hà, lôi con bé chạy ra cổng.

- Đi chợ, hở?

Hà hớt hơ hớt hải hỏi. Hải nắm chặt tay Hà hơn và kéo con bé chạy trên con đường đá không tráng nhựa của phố huyện.

Tết không còn ở phố huyện nữa. Tết đã chạy vào chợ huyện, bu quanh những gánh bán tượng đất. Phố huyện chỉ còn xác pháo và một vài cây nêu lười biếng không muốn được hạ xuống. Những vết vôi bột rắc trước cửa mỗi nhà cũng đã bay đi hết. Thế là Tết đã giã từ phố huyện. Nhưng Tết chẳng muốn đi xa, Tết vẫn trú ngụ trong tâm hồn những đứa trẻ. Và những đứa trẻ đem Tết đến chợ.

- Hải mua hai cái long đình đi.

- Ừ.

- Ơ, cái thằng tượng kia đẹp quá.

- Suỵt, ông tượng của người ta đó.

- Hải mua hết tượng, Hải nhé!

- Ừ.

- “Thằng” ông tượng kia sao mặt đen hở, Hải?

- Ông hộ pháp đấy.

- Mua “thằng” ông hộ pháp nữa.

- Ừ, ừ, mua hết. Hà cứ giục nhắng lên, để tớ chọn chứ.

Hà mải ngắm tượng, quên bắt bẻ Hải. Giá con bé nhớ ra, chắc nó lại dọa Hải, bỏ về cho mà xem. Bọn trẻ bu quanh gánh hàng tượng. Đứa nào cũng muốn mua ngay. Cái mẹt tượng trên nắp sọt của ông hàng tượng vơi dần mà Hải chưa thèm mua ông tượng nào. Hà sốt ruột lắm. Con bé giục:

- Mua đi, Hải!

- Gượm đã.

- Chúng nó mua hết thì sao.

Hải ghé sát tai Hà:

- Dưới sọt còn nhiều lắm. Toàn tượng mới, chả bị sứt mẻ gì. Bán hết tượng trên mẹt, ông hàng sẽ lôi tượng dưới sọt lên, tha hồ chọn tượng mới.

Hà vỗ khẽ lưng Hải:

- Thật không?

Hải nheo mắt:

- Thật mà.

Một lúc sau, ông hàng tượng lấy tượng dưới sọt lên bán. Nhưng bọn trẻ con đổ xô tới mua đông hơn. Chúng nó chen nhau mua. Hải không thể đợi được. Thằng bé tranh chỗ, chọn mua một lô tượng. Nó mua cho Hà con gà có ống thổi như tiếng gà gáy thật. Hải phải kéo áo về phía trước đựng tượng và long đình. Hà đi sát bên Hải, ngậm ống tre nhỏ, thổi cho con gà gáy te te. Mùa xuân rộn rã ở lòng chúng nó. Đám trẻ con đi chợ mua tượng lũ lượt ra về.

Trẻ con phố huyện thích trò chơi làm đình lắm. Thằng Dực gọi Hải:

- Ê, Hải, tao với mày làm đình thi xem đứa nào làm đẹp.

Hải vênh vang:

- Sợ gì mày.

Dực thách:

- Phải có cúng tế và rước cơ.

Hải bĩu môi:

- Tao dạy mày làm đình mà mày đòi làm thi à?

Dực nói:

- Năm nay tao làm đình đẹp nhất huyện. Mày sẽ thua bét tĩ.

Hải chẳng thèm nói với Dực thêm câu nào. Nó khích khẽ Hà một cái:

- Hải sẽ làm đình đẹp hơn con nhà Dực.