Một

hững đoạn viết về Sơ Joséphine - Mẹ Bề Trên

để riêng tặng vợ tôi,

và các em Nguyễn Ngọc Yến, Nguyễn Ngọc Minh.

D.A.

Một

Đau khổ cho một người đàn bà không có thời con gái. Hình như thi sĩ Xuân Diệu đã viết thế. Tôi chẳng biết trên đời này có bao nhiêu người đàn bà không có thời con gái. Nhưng tôi là người đàn bà đau khổ của thi sĩ Xuân Diệu.

Cha tôi mất năm tôi mười hai tuổi. Mẹ tôi tái giá chín tháng sau, bất cần những lời chê bai của họ hàng bên nội, bên ngoại. “Từ nay tới này mãn tang chồng, ai dám hứa nuôi hai đứa con tôi?” Mẹ tôi đã thách thức vậy. Và những người chê bai mẹ tôi nín thinh. Ai cũng có thể nói được chuyện tiết hạnh khả phong miễn là đừng bắt họ trả tiền câu chuyện lễ nghĩa của họ.

Chị em tôi có cha dượng. Mẹ tôi theo chồng mới đi gây một hạnh phúc thứ hai ở nơi khác thật xa nơi cha tôi đã chết. Chị em tôi phải chọn một con đường duy nhất. Sống với mẹ. Vì họ hàng bên nội có ai níu kéo chúng tôi đâu. Chúng tôi cùng mẹ, đành làm chuyến phiêu lưu tình cảm mới. Cha dượng tôi kém mẹ tôi tới gần mười tuổi. Ông yêu mẹ tôi kinh khủng. Tôi không hiểu mẹ tôi có cái gì quyến rũ mà lôi kéo nổi một thanh niên vào vòng tay mình? Mẹ tôi chinh phục ông ta hay ông ta chinh phục mẹ tôi. Đó là một câu hỏi, một niềm bí mật cho đến nay tôi chưa khám phá ra. Điều này tôi thấy không cần thiết. Điều cần thiết là sự hòa hợp của sự sống chung không hẹn hò, không ngờ mà có. Cha dượng tôi tỏ ra dễ tình, hào hiệp. Những đứa con của chồng cũ không làm ông chướng mắt. Ông thương yêu chúng tôi như ông thương yêu mẹ chúng tôi. Tôi tự nhủ rằng chúng tôi có phước lắm.

Ngày tháng trôi đi. Cuộc sống chúng tôi phẳng lặng. Tôi nhớ cha tôi song hình như cha tôi chết sớm quá, tình thương yêu cha tôi cho tôi chắc nhiều vô kể, hiềm một nỗi, khi cha tôi còn sống, tôi chưa biết mở cửa tim để tình thương con của cha tôi tràn vào đầy ắp. Niềm nhớ nhung thành thử, đã trở nên mơ hồ. Và ví thử, có cuộc vui kéo dài một đời người, niềm nhớ nhung dễ bị quên lãng. Nhưng chưa có cuộc vui kéo dài đời một người. Mà chỉ có những ngày tháng êm đềm.

Chị em tôi lớn dần. Không thắc mắc gì cả. Mẹ tôi khỏi mất công giải thích. Chị em tôi lo học hành. Tôi học trung học. Em Huy đang ngồi ở lớp nhất. Huy nhiều ưu tư hơn tôi. Nó có vẻ kỵ cha dượng của chúng tôi. Nó lầm lì, ít nói. Con trai mà. Tôi không để ý những cảnh âu yếm giữa mẹ tôi và cha dượng. Huy thì khó chịu ra mặt. Hễ thấy cha dượng vuốt tóc mẹ tôi hay buông những lời bỡn cợt vợ chồng, Huy thường cau mặt. Đôi mắt nó long lanh một cách đáng ngại. Nó vùi đầu học. Học đến phát ốm. Cha dượng tôi săn sóc nó thật chu đáo. Ông bắt nó đi chiếu phổi và tẩm bổ cho nó. Huy biết thân biết phận, nó chống đối cha dượng âm thầm. Ông hiểu nó chống đối, chỉ chép miệng “thằng nhỏ khó tính”. Đấy là câu nói thân mật của ông. Ít khi ông gọi chúng tôi bằng “thằng nhỏ, con nhỏ”. Ông dùng tên chị em tôi và xưng trống không. “Huy, lại bảo cái này”, “A, Châu nhớ chứ!” Ông mặc cảm “cha dượng ít tuổi”. Nghĩ tội nghiệp ông ta. Càng tội nghiệp hơn, khi chị em chúng tôi lớn mau như thổi. Chúng tôi giống hệt hai cây đu đủ sau nhà. Người ta nhìn chúng nó vào cuối mùa đông. Rồi quên bẵng đi... Tới giữa mùa hạ nếu nhìn lại người ta phải ngạc nhiên: “Sao chúng nó mau lớn thế”. Con gái dậy thì có nhiều biến chứng đáng ghét lắm. Thí dụ giọng nói của tôi vô duyên lạ lùng. Nó ồn ồn khàn khàn. Lại hay nói to nữa. Người ta nói vỡ tiếng. Tôi cũng không nhớ đêm nào của mùa Thu, khi trở dậy bỗng thấy đôi má mình phơn phớt hồng. “Trai trứng cá gái má hồng”. Tôi đã mười sáu tuổi rồi. Thân hình tôi đã nảy nở đến nỗi những chiếc áo đang mặc bung cả đường chỉ. Đôi môi tôi mọng ướt. Đôi mắt rộng ra, sâu thăm thẳm. Tóc tôi xanh mướt. Tôi cao vượt và bộ ngực no đầy.

“Con lớn rồi phải coi chừng”. Mẹ tôi dặn tôi thế. Coi chừng cái gì thì mẹ tôi không nói. Sự nảy nở làm tôi khó chịu. Nhất là những ngày cuối tháng. Tôi hiểu thêm đàn bà, con gái có một cái tội. Phải chăng Thượng đế trừng phạt đàn bà, con gái bằng cái tội ghê gớm, nhơ nhớp này vì đại diện của đàn bà là bà E-Và đã xui ông A-Đam ăn quả cấm ở vườn địa đàng? Tội xui dục đàn ông làm bậy đã bị trừng phạt thỏa đáng. Những ngày cuối tháng đúng là những ngày chịu tội của đàn bà, con gái. Mọi việc rồi quen đi hết. Chẳng lưu ý tới thì chẳng có gì quan hệ. Giai đoạn chuyển tiếp từ đứa trẻ thành đứa con gái sớm chấm dứt. Giọng nói của tôi tự nhiên trong trẻo lạ lùng. Nước da tôi thắm đậm. Không còn thiếu một sự thay đổi như trên thân thể tôi. Sự thay đổi làm tôi bận rộn. Tôi phải lo chăm chút mái tóc, làn môi. Bọn học trò con trai nhìn tôi như nhìn một sự lạ. Họ trầm trồ, nhỏ to. Khiến tôi nóng bừng lòng dạ nao nao. Tôi mất công ngắm mình trong gương để nhận rằng mình đã lớn, đã đẹp. Bây giờ ở tâm hồn bỗng có một khoảng trống rỗng. Tôi không còn nhớ cha tôi nữa mà nhớ một cái gì rất xa xôi rất gần gũi. Tôi thiếu một cái gì rất mong manh, rất huyền ảo. Buổi sáng thức giấc nghe tiếng chim hót, nhớ vu vơ. Buổi trưa nằm ngủ giật mình mở mắt, nhớ vu vơ. Buổi tối đắp chăn lên ngực, cô đơn biết mấy, nhớ vu vơ. Nhớ hình ảnh mà mình chưa một lần nhìn thấy.

Dạo này, cha dượng tôi gọi tôi bằng “cô” và xưng “tôi”. Ông không còn tự nhiên trong những câu chuyện thân mật nữa. Thỉnh thoảng ông nhìn trộm tôi. Nếu tôi bắt gặp, ông vờ vĩnh đủ cách để cho tôi hiểu rằng ông nhìn tôi vô tình. Thằng Huy bén nhạy về việc này lắm. Nó bảo tôi “chị phải coi chừng”. Giống hệt mẹ tôi, nó không nói rõ tôi phải coi chừng cái gì. Huy đã đổ trung học. Nó học nhảy. Đáng lẽ học dưới tôi hai lớp, nó lại ngồi cùng lớp tôi. Hai chị em cùng học lớp đệ nhị. Tới tuổi này, trí nhớ của tôi sa sút. Tôi cố thức khuya để học mà học không nhập tâm. Mắt tôi nhìn sách mà linh hồn tôi thoát khỏi cửa sổ, đi chơi miền nhiều hoa bướm. Tuổi dậy thì, ôi cái tuổi dễ ghét lạ. Cái tuổi nó bắt người ta tưởng tượng nhiều chuyện trên trời, cái tuổi hay nghĩ bậy bạ và muốn biết những chuyện của đàn bà. Cố xua đuổi những ý nghĩ nhảm nhí thì nó cố bám ở đầu óc mình. Huy miệt mài học. Nó mắng tôi “Chị định sống đời đời với cha dượng trẻ tuổi tài hoa của chúng ta à?” Huy đã làm tôi xấu hổ. Nó cho tôi coi cuốn sổ nhỏ ghi từng đồng bạc từ ngày mẹ tôi tái giá. “Em sẽ trả món nợ này”. Tôi chớp mắt. Nhưng vẫn không sao học nổi. “Đổ tú tài, em sẽ đi lính tàu bay. Cuộc đời em, em lo liệu được. Còn đời chị, chị lo liệu dần đi. Em sẽ giúp chị. Chị cứ mãi mơ mộng”. Tôi hơi hối hận, tự hứa sẽ trở về dần dần nếp sống học trò những ngày chưa dậy thì. Rồi tôi cũng bớt mơ mộng, bớt thương nhớ vu vơ, cắm cúi vào đèn sách. Cuối năm đó, Huy đậu tú tài. Tôi rớt. Tôi biết vì sao tôi rớt nên chỉ buồn in ít thôi. Mùa hè, tôi đi học thêm Anh văn ở một tư thục chuyên dạy Anh văn. Tôi quen một cô gái nhảy. Các cô tâm sự với tôi rằng các cô đi học Anh ngữ để cho... hợp thời trang.

Tuy thế chưa có một chuyện gì lạ xảy đến với chị em tôi. Huy nóng, “đốt giai đoạn”, nó tìm cách tăng tuổi lớn tự bao giờ. Tôi ngạc nhiên thấy nó đã có thẻ căn cước, dù Huy mới 16 tuổi. Nó mong sớm thoát ly đây. Huy to con, cao lớn nên không ai ngờ nó 18 tuổi. Bây giờ nó học đệ nhất. Còn tôi ngồi lại đệ nhị. Mùa hè qua mau, mùa thu tới. Và chẳng mấy đỗi, mùa thi cũng tới. Huy đậu tú tài hai. Tôi vẫn trượt. Kể từ mùa hè này là mùa thảm khốc trong đời tôi. Huy đăng lính Không quân. Trước khi xách cái túi hành lý nhỏ bước xuống cuộc đời, Huy trao cho cha dượng tôi cuốn sổ tay nó ghi các khoản tiền ông đã xuất ra nuôi nấng cho nó ăn học, nó bảo vài năm nữa nó sẽ về trang trải cả vốn lẫn lãi. Điều này khiến cha dượng tôi hơi buồn. Nhưng ông không hề nhắc nhở. Buổi chiều, Huy rũ tôi đi chơi. Tối nó vào trại nhập ngũ. Chị em tôi tâm sự rất nhiều. Tôi chỉ biết khóc. Huy đi, nhà trống trải vô cùng. Trống trải với riêng tôi. Nó là niềm thương mến còn nguyên vẹn. Mẹ tôi đã lấy chồng, đã có con riêng, với chồng mới, tất nhiên tình mẹ con chúng tôi không thắm thiết nữa. Tôi cảm thấy cô đơn lạc lõng.

Huy đi được năm tháng, tôi bắt đầu yêu một người. Người đó là giáo sư dạy tôi học Việt văn. Cũng vào dịp này, tình bạn của tôi và một cô vũ nữ trở nên thắm thiết. Chúng tôi cùng học Anh văn từ hơn một năm nay và không đứa nào bỏ một buổi học. Chuyện tình của tôi và giáo sư Việt văn nọ kín đáo. Tên anh là Dũng. Rất tình cờ một hôm trả bài luận văn, tôi đọc những giòng chữ “tán tỉnh” của Dũng viết trong khung dành riêng cho “lời phê của giáo sư”. Tôi đã choáng váng mặt mày. Tim tôi đập mạnh, tâm hồn xao xuyến lạ lùng. Trong đời nếu có phút giây nào rung động tuyệt độ, thì chính là phút giây cửa tim mình bị một người lạ mặt hé mở. Hãy tưởng tượng một đêm nằm ngủ trong căn nhà có ma, bất chợt nghe tiếng gió đẩy cửa làm cho tiếng bản lề kêu kèn kẹt. Mình sẽ hồi hộp nín thở, chờ đợi con ma nó hiện lên bóp cổ mình. Tôi đã đợi chờ Dũng bóp cổ tôi.

Một thi sĩ tôi đã quên mất tên đã viết bốn câu thơ tả cái sự bất chợt đến của tình yêu như sau: “Có một sớm con chim xanh tình ái. Vào hồn tôi trong giây phút đăm chiêu. Tôi cảm thấy hồn tôi đau tê tái, Vì từ nay tôi đã biết yêu”.

Tôi yêu Dũng. Chỉ hiểu vậy. Làm sao cắt nghĩa được câu hỏi tại sao yêu dễ dàng thế, tại sao tim mình mềm nhũn bởi những lời tán trên bài luận văn, tại sao những lời tán tỉnh đã không viết bằng giấy màu xanh như muôn ngàn lá thư tình trong cuộc đời này. Thi sĩ Xuân Diệu bảo “Yêu là chết trong lòng một ít”. Rồi lại bảo “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu. Có nghĩa gì đâu một buổi chiều. Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt. Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu....” Thi sĩ Hàn Mặc Tử bảo chỉ có Trời mới giải nghĩa được tình yêu “Ai bảo làm thinh chớ nói nhiều. Để nghe dưới nước đáy hồ reo. Để nghe tơ liễu run trong gió. Và để nghe Trời giải nghĩa yêu”.

Vậy thì hãy làm thinh giùm tôi, đừng hỏi tại sao tôi yêu Dũng.