Chương 1

Ngồi ngắm người yêu đang thả hồn theo điệu nhạc, Chương thấy tình yêu thương Quỳnh cứ cuồn cuộn dâng trào. Tất cả ở cô từ ánh mắt đến làn môi, từ mái tóc thơm hướng cho đến bờ ngực tròn mịn màng đã là một phần đời trong anh.

Hai người yêu nhau bắt đầu từ cái nhìn đầu tiên, nhưng Chương vẫn nghi ngờ tình yêu của Quỳnh đối với anh. Nhiệt tình, sôi nổi, tự nguyện hiến dâng, nhưng cô là một dấu hỏi quá lớn để Chương mày mò đau đầu tìm cách trả lời.

Quỳnh là ai?

– Chương!

Vòng tay Quỳnh ôm choàng qua cổ anh âu yếm.

– Gì đó em?

– Thời gian ở bên nhau sao trôi qua nhanh quá!

– Chỉ có một đêm ngắn ngủi trong cả một tháng dài, anh không muốn có sự ngăn cách này nữa, Quỳnh ơi. Em đâu biết một tháng anh sống với hai mươi chín đêm cô đơn, nhớ em da diết, thèm một vòng tay ấm nhưng nhìn quanh chỉ là bóng tối. Em sẽ đẩy anh vào sự nhớ nhung đến bao giờ đây?

– Bao giờ ư? Làm sao em biết ...

– Hãy nói cho anh hiểu điều gì ngăn cấm em? Nếu cha mẹ em khó khăn, anh sẽ đến quỳ lạy xin người cho chúng mình được kết hợp.

Đôi mắt Quỳnh sụp tối dù trong ánh sáng ngọn đèn mờ Chương vẫn nhận ra nét sầu u uẩn.

– Bao giờ ... em vẫn chưa biết đến bao giờ mình có thể tự quyết định lấy cuộc đời của mình nữa.

– Vậy thì mình chỉ đến với nhau như vầy hoài mà không có sự kết hợp hay sao? Anh cần có một mái ấm, một sự ân cần yêu thương.

– Anh Chương! Điều anh cần, em cũng khát khao vậy, nhưng em không thể nào biến nó trở thành hiện thực, vì ...

– Vì sao?

– Cuộc đời này luôn có sự bất công, và người nghèo khó phải gánh chịu.

– Anh biết em không nghèo khó thì phải gánh chịu điều gì?

– Nếu thương em, xin anh hãy giữ lấy lời hứa, đừng buộc em chuyện này chuyện nọ, và đừng tìm hiểu gia thế em, anh quên rồi sao? Thời gian gần gũi nhau ngắn lắm, sao anh không đem hết yêu thương cho nhau mà lo nghĩ gì đâu khác.

– Chuyện anh lo chung quy cũng vì chúng ta.

Quỳnh vít đầu Chương cúi xuống rồi hôn say đắm lên đôi môi nồng mùi thuốc lá, như bảo đừng nói gì, hãy nghe lời yêu thương đang dâng ngút ngàn, trên đôi cánh tay nồng ấm của cô.

“Em đến thăm anh đêm ba mươi.

Còn gì vui hơn bằng đêm ba mươi.

Anh nói với người phu quét đường.

Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.

Tay em lạnh cho tình mình ấm.

Môi em mềm cho giấc ngủ em ngoan.

Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?

Ngày tháng rồi cũng qua đi.

Người khuất xa.

Chỉ còn chút phong ba rồi cũng ra đi cùng mùa.

Giọt sầu rớt theo cuộc tình đau”.

Bài nhạc có điệu buồn đưa đôi tình nhân vào giấc ngủ, ái ân say nồng no giấc. Chương trôi vào bến mộng ...

Lần nào cũng vậy, khi Chương tỉnh giấc, Quỳnh đã ra đi.

Quỳnh sửa lại cổ áo chọ gió đêm không len vào. Mà đêm gì nữa khi trời đã rạng sáng. Cô tiếc nuối một đêm với người yêu, đam mê chất ngất nhưng cuối cùng giờ này một mình đi lang thang giữa cảnh trời đất chưa chịu trở mình thức dậy đón ngày mới.

Đến trước căn nhà trọ, Quỳnh gõ cửa:

– Hân ơi!

Có giọng ngái ngủ nói vọng ra:

– Vào đi, tao không khóa cửa.

Đẩy cửa, Quỳnh bước vào nhà, căn phòng tối đen.

– Trời ạ! Sao không có đèn ngủ?

– Mày tưởng xài điện giá ngoài rẻ lắm chắc.

– Ngoài trong gì tối quá, ai ngủ được.

– Tao ngủ chứ mày có ngủ đâu.

– Hừ!

Quỳnh khẽ khàng đến ngồi xuống giường:

– Cho tao nằm ké một chút.

– Cha! Đêm nay chắc thức trắng, tâm sự hả.

– Vô duyên!

– Tao mà có duyên thì lạ đó.

Nằm xuống cạnh bạn, Hân la lên:

– Ôi! Người này toàn mùi thuồc lá.

– Xạo quá trời! Chà, cô đơn lâu ngày cho nên trí tưởng tượng mày khá phong phú!

– Nè! Kể tao nghe câu chuyện tình hấp dẫn đi.

– Có gì để nghe.

– Lời ca thán nhớ mong, và yêu nhau như thế nào cho bõ sự cô đơn chờ.

– Lảng hết biết luôn.

Hân nhe răng cười:

– Ai lảng hơn ai, mới tờ mờ sáng đến quậy không chọ người ta ngù còn mắng mỏ gì nữa hả.

– Thôi, ca cẩm hoài, cho ta chợp mắt một chút.

Tôn trọng bạn, Hân không nói gì nữa, cô đang suy nghĩ đến mối tình “sét đánh” của Quỳnh. Chưa biết Chương, nhưng Hân vẫn có cảm tình qua lời kể của bạn. Một chàng trai phong nhã sống độc thân trong căn nhà nhỏ, với chức vụ Trưởng phòng kế hoạch xây dựng,đã yêu say đắm một cô gái đến từ đâu?

Tiếng thở đều của Quỳnh cho Hân biết cô đã ngủ say. Quỳnh không có nét đẹp mặn mà, vẻ dễ thương khó tìm ấy đã ẩn nơi cô. Được tạo hóa cất công tạo nên cánh mũi thanh, đôi mắt nhỏ như chim phụng, cái miệng xinh hơi hô một chút, chỉ có vậy nhưng đủ làm lao đao một gã si tình.

Cuối thu rồi, cho lá vàng rơi tan tác, Hân lắng nghe mùa giãy chết để nhớ một cuộc tình đẹp đã tan vỡ.

Trời sáng dần.

– Quỳnh ơi, dậy đi!

Đang ngon giấc bị đánh thức, Quỳnh mở mắt ngơ ngác nhìn chung quanh.

– Tỉnh mộng đi! Đây là nhà của tao chứ không phải tổ ấm đâu.

– Tao ngủ ngon quá! Đi tìm gì ăn nghe Hân.

– Mới sáng sớm, nuốt sao vô.

– Nhưng bao tử tao cồn cào quá.

– Ăn đỡ mì gói không, tao có?

– Vậy cũng tốt!

– Yêu cho lắm vào rồi than đói.

– Sao cứ lên án tao hoài vậy.

– Vì tao biết mày đang sa chân vào “vũng lầy”, không khéo lún luôn khỏi ngoi đầu dậy.

– Vũng lầy? Mày nghĩ vậy hả Hân?

– Mày không nhận ra điều ấy hay sao mà hỏi?

Quỳnh lắc đầu:

– Tao không nhận ra được gì cả ngoài trái tim đang hừng hực lửa yêu đương.

– Yêu gì mà yêu? Nhìn lại thân phận mình đi rồi hãy nói yêu với đương. Tao không đồng tình chút nào.

Quỳnh thở hắt ra:

– Cuộc sống con người có được bao nhiêu ngày tháng đâu, cũng cần những ý thích và suy nghĩ riêng của mình chứ. Tại sao tao cứ phải sống cho cuộc đời của người khác, nhất nhất tuân thủ mọi mặt.

– Tại sao ư? Mày vẫn chưa có câu trả lời dù cuộc sống đó kéo dài đã mấy năm rồi. Không bằng lòng hiện tại hay mày đang oán gia đình?

Bỗng Quỳnh khoát tay:

– Nước sôi rồi, pha mì cho tao đi, đừng nói chuyện không vui nữa.

Ăn xong, Hân hỏi:

– Về chưa, hay muốn đi uống cà phê với tao?

Quỳnh lắc đầu:

– Tao cần ghé về nhà một chút. Lần sau nhạ Hân!

– Tao được hẹn mấy cái lần sau rồi?

Quỳnh cười khoe hàm răng trắng đều:

– Tao cũng đâu muốn, nhưng thời gian có hạn, cho nên ...

– Riết rồi đến khổ vì mày luôn. Không biết đến khi nào, tao không phải để cửa chờ mày mỗi tháng nữa đây.

– Sẽ được đền bù xứng đáng mà.

– Bù đâu không thấy, mất mì gói dài dài thôi.

Quỳnh cười sặc sụa khi đang húp nước.

– Làm ơn mà kể công hoài, coi chừng thành oán đó.

Quỳnh không vội về nhà ngay, cô thả bộ chậm rãi, rồi quẹo ra hướng biển.

Mấy tháng qua chưa về ngắm sóng biển thân thương, hình như chỉ riêng Quỳnh là thấy được cái đẹp của mây và sóng nước.

Một thời thơ ấu qua đi, cô ngồi nhớ lại sự việc:

Nằm trên thảm cỏ còn hơi sương, Quỳnh ngước mắt nhìn ánh bình minh đang rực rỡ loang dần. Tiếng chim hót ríu rít gọi bạn để cùng ngắm khung cảnh tuyệt vời. Làn gió sớm khẽ lay động rặng cây rì rào đánh thức bạn bè chung quanh.

Khu vườn của gia đình cô có diện tích không lớn lắm, được trồng toàn là xoài và nhãn. Mỗi mùa thu hoạch cũng khá cho nên cuộc sống đạm bạc vẫn trôi theo ngày tháng.

Lát sau, Quỳnh trồi dậy tìm ra hướng biển. Ngọn sóng rập rờn ùa vào bờ, nắng bắt đầu vuốt ve làn da trắng hồng. Quỳnh cất tiếng hát, hòa mình vào thiên nhiên chân đạp lên lớp cát ướt mịn màng.

Quỳnh cất tiếng hát nhận ra trong cô có mạch rễ yêu thương bám sâu vài tận cùng ngõ ngách tâm hồn. Tiếng hát vang xa giữa bầu trời sớm mai không nhạc đệm nhưng nghe rất du dương.

"Em hai mươi thắp lên niềm hy vọng.

Cuộc đời tươi mắt sang nỗi chờ mong.

Sóng xa bờ khát khao tình biển rộng.

Bước chân chim háo hức tuổi vào đời”.

Vừa sải bước xuống dòng nước mát, không riêng gì đàn cá nhỏ đang mắc cạn các khe đá, còn có mấy chú bướm đang lượn lờ cũng phải ngẩn ngơ khi nhìn thân hình đã phát triển toàn diện của mình.

Bơi lội thỏa thích.

Thật lâu, khi Quỳnh ngoi đầu lên khỏi mặt nước, nắng đã đượm lên bãi cát dài, vuốt mắt nhìn khu vườn ẩn trên sườn đồi. Trong thế giới của cô không vương bóng giận hờn, thù hận, chỉ cô một ước mơ duy nhất sống tự do theo ý là được ca hát. Quỳnh không mơ làm ca sĩ, nhưng trong cô dường như có dòng máu âm nhạc, hát ca luôn miệng đơi khi bị quở mắng nhưng Quỳnh chỉ cười để ôm ấp niềm ước mơ:

Chậm lãi bước vào bờ, đôi chân dài đạp lên mặt các viên đá cuội nơi đặt đôi dép quai dọc. Nước từ tóc bết lại từng lọn chảy ròng ròng xuống vai.

Đã đến lúc phải về rồi!

Phóng nhanh như chân sáo, cô đã thấy rõ ngôi nhà mái đỏ có từ bao đời nay của cha ông để lại. Quỳnh thuộc từng ngõ ngách, khoảng cách các cây trong vườn bao nhiêu bước chân.

– Quỳnh! Quỳnh ơi!

Giọng bà Linh vang vọng khắp nơi vì cứ tưởng con gái ở trong vườn.

Quỳnh mỉm cười chạy nhanh hơn:

– Thưa mẹ ....

Bà Linh đứng trước cửa bặm môi vẻ tức giận khi thấy con gái:

– Nhìn xem, bộ quần áo quá mỏng, chẳng che đậy được gì cả, định phô bày cho ai xem đây?

Quỳnh chống chế:

– Có ai đâu mẹ.

– Từ biển về nhà, không lẽ chẳng có một ai. Đi thay quần áo nhanh lên, nhà ta đang có khách, ông ấy đi dạo loanh quanh trong vườn đó. Chuẩn bị phụ mẹ dọn cơm đãi khách.

– Dạ.

Quỳnh chạy bọc ra sau nhà vào phòng tắm còn lẩm bẩm hát.

Tiếng bà Linh vọng vào:

– Lại còn nghêu ngao.

– Dạ, xong rồi.

Quỳnh soi một nửa phần thân thể trong gương, đường nét phô bày như thần vệ nữ. Cô đã trưởng thành rồi sao?

Bỗng có tiếng của ông Bảo:

– Con Mai, con Quỳnh đâu cả rồi?

– Con Quỳnh còn dầm mình trong phòng tắm kìa. Chuyện như lửa đốt ngang mày, con cái thì nhởn nhơ.

Quỳnh dỏng tai lắng nghe:

– Bà đã nói cho con nó biết chưa?

– Tôi không đám mở miệng.

– Không biết, nó sẽ bàng hoàng. Tôi không còn cách nào nữa nên chỉ còn nhờ con cái gỡ rối thôi.

Quỳnh nghe tiếng thở dài sườn sượt của cha. Có điều gì làm người khó xử đến vậy? Gỡ rối? Mà đứa nào trong hai đứa gỡ rối cho cha đây?

Phụ mẹ bày chén bát ra bàn, cô không dằn lòng nên hỏi:

– Mẹ ơi! Khách nào vậy mẹ?

– Lát nữa các con sẽ biết. Vào phòng bảo chị Mai nhanh lên đi, ăn mặc cho đẹp vào.

– Dạ.

Mai đã sửa soạn xong, còn điệu đàng ngắm mình trong gương.

– Chị đã xong chưa?

– Rồi!

Quỳnh nhìn chị ngưỡng mộ. Hai chị em có nhiều điểm giống nhau, nhưng Mai đẹp mặn mà hơn. Quỳnh không đẹp như chị, nhưng có nét dễ thương, dễ thu phục người đối diện.

– Chị có biết khách nào đến chơi mà xem ra ba mẹ rất quan tâm?

– Không nghe mẹ nói gì cả. Chắc là người quen cũ đến chơi bất ngờ, mà em có gặp chưa?

– Cũng như chị, em không biết gì cả.

– Mà cần biết làm gì chứ. Chị em mình ra chào khách rồi biến nhanh đi.

Nghĩ vậy nên Quỳnh vô tư mặc bộ quần áo lửng đơn sơ trong nhà.

Khá lâu, Quỳnh mới nghe mẹ gọi:

– Mai, Quỳnh ơi ...

– Dạ.

Ở phòng khách, người đàn ông trạc tuổi ba, đeo chiếc kính đen vẻ sang trọng – Chào anh đi con!

Cả hai lí nhí, ông Bảo nói:

– Cùng ngồi xuống đi hai đứa!

Mai khép nép, còn Quỳnh vô tư, cô không nghĩ cuộc gặp gỡ này đang xoay chuyển một số phận, một mảnh đất ông cha không bị mất đi.

Khi dọn cơm mời khách, Mai bị ở lại, còn Quỳnh sung sướng linh đi ngay.

Trên cây, mấy qua xoài chín như mời gọi. Quỳnh leo lên ngồi vắt vẻo trên cây. Ăn xong cô ngân nga:

“Năm em mười tám tuổi.

Anh về thăm một lần.

Nhìn nhau mà không nói.

E ấp nụ tầm xuân.

Anh muốn làm cơn gió.

Vờn trên má ai hồng.

Lời tình sao không ngỏ?

Để trời nhuốm lập nông.

Anh muốn làm mây trắng.

Khi em ở bên đồi.

Nghêu ngao ca trong nắng.

Kể chuyện tình xa xôi.

Anh muốn la, nốt nhạc.

Trầm bổng ca khúc hồng.

Dư dương chim ngơ ngác.

Bướm vàng lượn long nhong.

Anh chỉ mong làm gió.

Và chỉ mơ làm mây.

Nghe lời tình em hát.

Ngắm tóc huyền tung bay”.

Quỳnh ngừng hát khi nghe gọi:

– Quỳnh à, xuống đây!

Mai vừa gọi vừa vẫy tay.

Quỳnh nhảy xuống đến trước mặt chị:

– Khách về rồi hả chị?

– Chưa!

– Vậy kêu em làm chi?

– Ba mẹ cho gọi em.

Quỳnh tròn mắt:

– Gì nữa đây.

– Vào đi, kẻo ba nổi giận đó.

Quỳnh lo lắng bước vào phòng khách. Ông ta vẫn chưa gỡ mắt kính xuống, làm cô nghĩ chắc “độc nhãn” rồi nên ngại.

Ông Bảo không màng nhìn cô:

– Cậu nói đứa này ư?

Quỳnh thấy cái đầu ông ta gật nhanh.

– Vâng! Tôi chọn cô gái này.

Bàng hoàng nhưng cô không dám mở miệng hỏi.

– Ngồi đi Quỳnh!

Cô khép nép ngồi cạnh mẹ, lòng cứ thắt thỏm lo âu. Chuyện gì với ông ta có liền quan đến cô? Loanh quanh mãi câu chuyện cây trái, cuối cùng ông ta kết thúc bằng cách đứng lên.

– Thế nhé ông Bảo! Đầu tháng này tối sẽ đến ... Còn ngày mai, ông cứ làm thủ tục như đã bàn.

Tiễn khách xong, Quỳnh và Mai hỏi ngay:

– Ông ta là ai vậy mẹ?

Bà Linh chưa biết nói gì thì ông Bảo đã hỏi Quỳnh:

– Con rất yêu khu vườn này phải không Quỳnh?

– Dạ.

– Nếu mất đi, con đành lòng không?

Quynh hốt hoảng:

– Không, con không đành lòng. Mảnh đất này như máu trong tim con vậy.

Ông nhìn con đau đớn:

– Muốn giữ nó, con phải hy sinh khá nhiều đấy. Con cố dám đánh đổi tuổi xuân để còn lại mánh đất này không?

Mai cũng e ngại nhìn em gái. Lẽ ra người đó là cô, may thay ông ta lại chọn Quỳnh. Mai đã có người yêu nhưng chưa dám tỏ bày cho cha mẹ biết.

Ông Bảo hỏi nữa khi thấy Quỳnh cứ im lặng.

– Sao hả Quỳnh?

Cô vẫn cúi đầu. Ông tiếp:

– Hãy giúp ba giữ lại mảnh đất này đi con.

Làm sao đây? Lòng trinh vẫn như tờ giấy trắng chưa vương sầu, phải hy sinh thôi Quỳnh ơi?

Mai nói:

– Ông ta bằng tuổi của ba, còn Quỳnh trẻ quá ... sẽ khập khiễng trong cuộc sống đó ba.

Ông Bảo thở dài:

– Ba biết ... nhưng tiền ông ta có vạn năng, đầy phép mầu biến hóa sông thành đất liền đó con.

Thấy Quỳnh vẫn mãi chưa lên tiếng, bà Linh giục:

– Sao không trả lời cho ba đi con.

Quỳnh bận nhớ lời dặn dò của nội khi ông sắp từ giã cõi đời:

“Con phải nhớ, đầy là mảnh đất có công sức của ông khai khẩn chăm sóc thời ông cố, cho nên con phải giữ gìn, không vì mê danh lợi nơi phồn hoa đô hội mà bỏ đi”.

Mai gọi:

– Quỳnh!

Cô sực tỉnh như vừa từ quá khứ xa xôi trở về:

– Vâng! Con bằng lòng.

Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Quỳnh bơ phờ đi ra vườn lắng nghe lời của đất, tìm tiếng sóng vỗ:

Tất cả sao thân thương quá! Nghĩ đến một ngày không xa cô phải đi lấy chồng, đám cưới không rình rang mà chỉ làm lễ gia tiên giới hạn trong gia đình.

Quỳnh không ngờ đời con gái của mình gặp vận rủi, chưa đặt ai vào tim đã được kết đôi với một người đáng tuổi cha.

Buồn quá không biết than thở cùng ai, tương lai rồi sẽ ra sao? Con đường sắp tới sẽ là đại lộ thênh thang hay đi vào Hẻm tối chập chùng sỏi đá?

Đi lang thang trên bãi cát vàng trời xanh ngắt, mấy mảng mây trắng phủ mát rặng cây xanh rợp mát. Rồi đây biển sẽ vắng bóng Quỳnh, còn ai dám vùng vẫy dưới lòng nước ở quãng biển vắng. Chỉ có Quỳnh, cô yêu biển thật sâu đậm.

Tất cả vui buồn, ta nhờ con sóng đưa đi ra khơi, hãy chở nỗi buồn đó dìm sâu xuống lòng đại dương nghe biển xanh ơi ...

Lần đầu tiền sau khi nội mất, cô đã khóc, giọt nước mắt ẩn uất nỗi sầu.

– Em vẫn còn ngồi đây sao Quỳnh?

Mai nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh em gái muốn nói lời an ủi.

– Em khóc hả Quỳnh?

– Lẽ ra chị sẽ là người phải cứu lấy mảnh vườn này, nhưng không ngờ ông ta đã chọn em.

Quỳnh ngẩng lên nhìn chị:

– Tại sao chọn em khi em còn quá nhỏ so với ông ta?

– Chuyện đó, ai mà biết được. Chắc tại em đáng yêu và xinh hơn chị. Có hận ba mẹ không Quỳnh?

Quỳnh lắc đầu:

– Buồn thôi chứ không hận. Dù sao hình hài và cuộc đời của em là do cha mẹ tạo nên mà.

– Chị cũng không biết phần an ủi và chia sẻ với em như thế nào cả, chỉ cầu mong sao em gặp một người tốt.

– Cám ơn chị!

– Em biết khách sáo từ bao giờ vậy? Chúng ta không phải chị em sao? Thấy ông ta chọn em, chị áy náy lắm.

– Chị! Mai này, mọi việc trong nhà, chị nhớ đỡ đần cho ba nha. Vào mùa thu hoạch, đừng để ba leo cây. Ba già rồi, sức khỏe không như ngày trước.

Mai đã khóc khi nghe lời dặn dò của Quỳnh. Sóng như giận dỗi đánh vào bờ ầm ầm. Ngồi một hồi lâu, Mai bảo:

– Về thôi Quỳnh, đến giờ cơm rồi.

Đi song đôi bên nhau, hai người không nói gì cả. Riêng Quỳnh, cô không còn buồn nữa khi tâm sự cùng biển, phải có định hướng rõ ràng khi đã chấp nhận hy sinh để giữ lấy mảnh đất ông cha.

Ông Hảo lái xe chầm chầm như sợ con đường ngắn đi. Trong đầu ông hiện ra bóng cô gái đang lướt nhanh trong bộ quần áo ướt nước, thâm hình lồ lộ phơi bày nhưng cô vô tư vì nghĩ không cô ai nhìn thấy.

Khi quyết định tìm đến ông Bảo là ông hiểu mình quá vội vàng, đánh đổi số tiền khá lớn để được cô vợ bằng tuổi con gái út, nhưng ông không làm sao quên đôi mắt ngây thơ khi e dè trước người lạ.

Quỳnh! Cái tên cũng đẹp như người. Tại sao tim ông run lên nhịp lạ lùng?

Đã bao lâu rồi miệt mài trên thương trường, ông bỏ quên tuổi xuân cần chăn gối đôi lứa.

Về nhà, gương mặt ông lộ vẻ hân hoan khiến Hoàn ngạc nhiên hỏi:

– Vô mánh hay sao mà trông ba vui vậy?

– Có ra chứ không có vô.

– Vậy sao ba vui?

– Mai này, nhà ta sẽ có thêm người.

– Ba cưới vợ cho anh Hai hả ba.

– Không!

– Hổng lẽ ...

– Ba đơn độc cũng lâu rồi.

Hoàn bàng hoàng:

– Vậy ... Người đó ở đâu?

– Rồi con sẽ biết mà.

Hoàn bồn chồn, nỗi buồn hụt hẫng khi biết bị san sẻ tình cha:

– Có cần phải như thế không ba? Bao lâu nay ba vẫn sống một mình, có tiền, ba tha hồ chọn gái đẹp.

– Ba già rồi, cần sự ủi an sớm tối. Con đã khôn lớn, lẽ nào không hiểu câu:

''Không ai chăm ông bằng bà"?

Biết cha đã quyết định, Hoàn không vui nhưng không can ngăn nữa.

– Ba nói cho anh Hai và em Hà nghe chưa?

– Con là người đầu tiên ba nói.

– Ba đã quyết định như vậy rôi, tụi con phải nghe theo thôi. Nhưng con xin ba nên nhớ, còn có các con là núm ruột của mình.

Ông Hảo không ngờ chuyện ông tục huyền lần nữa không đơn giản chút nào.

– Sao con phải nhắc nhở ba điều đó? Từ ngày mẹ con mất đi, ba làm tròn trách nhiệm của một người cha. Nay, các con đã lớn có thể tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình, như chim đủ lông đủ cánh sẽ rời tổ ấm, chỉ còn lại ông già quạnh hiu với một cơ ngơi quá lớn.

Hoàn xúc động, anh đã không nghĩ xa hơn, nhưng người đàn bà ba đã chọn chắc là mê tiền chứ yêu thương gì một người đã qua tuổi lục tuần.

– Con xin lỗi đã không nghĩ đến điều này, mong rằng ba sẽ gặp được người hiền ngoan không vụ lợi, để chúng con an tâm rời xa tổ ấm.

– Cám ơn con đã hiểu.

– Ba cần gặp anh Hai và em Hà luôn để hai người không bàng hoàng như con.

Nhìn Hoàn với ánh mắt chan chứa niềm yêu thương, ông nói:

– Con là đứa con hiểu chuyện mà ba yêu quý nhất.

– Thôi, con đến công ty đây ba.

Ông Hảo tựa người vào ghế, niềm vui cứ nhân rộng thêm ra. Bao năm lao vào kinh doanh địa ốc, ông luôn gặp may, nên chẳng mấy chốc đã giàu có hơn các bạn.

Nghe lời nhắc nhở của Hoàn, ông tự nhủ người vợ kế này ngoài việc hưởng thụ sung sướng, cô sẽ không được gì cả. Phần chia tài sản ông đã lập di chúc từ lâu. Gá nghĩa tình non nghĩa cạn biết cô gái đó có thật lòng về chung sống, hay chỉ vì một sự trao đổi? Thì chắc gì đã hết lòng hết dạ cùng ông.

– Thưa ba!

– Ờ, sao hôm nay con dạy sớm vậy?

– Con có hẹn đi shop với các bạn.

Lớn lên thiếu tình thương của mẹ, nhưng Hà rất ngoan. Trong gia đình, chỉ có cô là gái nên mọi việc đều để tâm đến.

– Không đi chơi với con bác Tân sao?

– Ảnh bận việc lu bù, nên từ chối lời mời không hà.

– Biết lo làm ăn như vậy cũng tốt. Gặp được người chồng đó là con hạnh phúc ba đời.

– Kìa ba! Ảnh có để ý đến con đâu.

– Nhưng bác Tần đã chọn con rồi. Không sớm thì muộn, ba sẽ làm thông gia với bên ấy.