Đôi điều về tác giả, tác phẩm
Tiểu thuyết tâm lý xã hội của Lý Ngư
Tác giả: Lý Ngư (1611-1680)
Lý Ngư là một tác giả tiểu thuyết, kịch bản và một nhà văn hoá lớn của Trung Quốc, ông sinh vào năm Vạn Lịch thứ 38 Triều Minh (1610) và mất vào năm Khang Hy thứ 19 Triều Thanh (1680). Ông là con trai một chủ tiệm thuốc Bắc nổi tiếng ở Lan Khê, tỉnh Chiết Giang. Tên thật của ông là Tiên Lã, tên chữ Trích Phàm, hiệu Thiên Đồ. Khi nhỏ được gia đình cho ăn học và hướng theo nghề kinh doanh thuốc, nhưng ông cũng rất yêu nghề chài cá, thường bỏ nhà theo những người dân chài đi đánh cá nên được mọi người gọi là Lý Ngư (cá chép). Khi theo nghề viết văn ông cũng lấy bút danh Lý Ngư, tên chữ đổi là Lạp Hồng, hiệu Lạp Ông. Trong nhiều tác phẩm ông còn ký tên Hồ thượng Lạp Ông (Ông già Lạp trên hồ).
Lý Ngư là một nhà văn tiên phong có công mở đầu cho trào lưu tiểu thuyết bạch thoại của Trung Quốc. Những tác phẩm truyện dài và tuyện vừa tiêu biểu của ông như “Đệm thịt”, “Mẹ Nam Mạnh dạy Hợp Tam Thiên”, “Kịch câm”, “Lầu 12”, “Truyện Hợp Miên Hồi Văn”, “Liên Thành Bích”, “Liên Thành Bích ngoại biên”, “Nhàn tình ngẫu kỳ”… Lý Ngư cũng để lại cho kho tàng kịch bản Trung Quốc một danh sách kịch mục khá đồ sộ như “Tân Đình tiêu khách”, “Giác Thế bái quan”, “Giác đạo nhân”, “Tuỳ am chủ nhân”, “ Lạp Ông thập chủng khúc”… Ông không chỉ viết kịch mà còn tổ chức kịch đoàn để đi biểu diễn ở khắp nơi. Đánh giá về tác phẩm của ông, giáo sư Patric Hanan, Chủ nhiệm khoa Đông Phương, Trường Đại học Harvert Hoa Kỳ đã gọi ông là “William Shakespeare phương đông”.
Tiểu thuyết “Tỉnh ngộ” (Giác hậu thiền) của ông xuất hiện lần đầu tiên vào năm Khang Hy thứ 10 (1671) với cái tên “Đệm thịt” (Nhục bồ đoàn - Nhục là thịt; bồ đoàn là tấm đệm đan bằng cây bồ hương cho người ngồi cầu nguyện , sám hối). Những lần tái bản sau mới đổi tên là “Tỉnh ngộ”. Trong hơn 330 năm tồn tại, tác phẩm này cũng đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, phát hành trên khắp thế giới với nhiều tên gọi khác nhau như “chiếu cầu nguyện” (THE PRAYER MAT- nhà xuất bản University of Hawaii Press 1996) hoặc “Sắm hối từ xác thịt (Подстилка из плоти – Nhà xuất bản Mát-xcơ-va 1995)… Chúng tôi giới thiệu cùng bạn đọc Việt Nam tác phẩm này với tên gọi giống như tên sách được xuất bản gần đây ở Đức, Nhật, Sinh Ga Po, Hồng Kông, Đài Loan… là “Tỉnh ngộ”.
Thông qua câu chuyện ăn chơi phóng đãng, ham muốn thú vui xác thịt của chàng thư sinh đẹp trai, hào hoa, phong nhã Vị Ương để cuối cùng chuốc lấy tai hoạ tan cửa nát nhà. Khi tỉnh ngộ ra mới qui y cửa Phật, khổ hạnh tu luyện để làm lại cuộc đời. Tác giả cũng muốn thông qua câu chuyện về cuộc đời của chàng thư sinh này để khẳng định một triết lý ở đời là “Thiện giả thiện báo, ác giả ác báo, bất thị bất báo, thời khắc vị đáo” (Sống hiền lành, nhân từ sẽ gặp điều lành việc tốt, sống độc ác, bất nhân sẽ gặp điều rủi ro tàn khốc, chân lý ấy tất sẽ đến, chỉ sớm hay muộn mà thôi). Câu chuyện như một tác phẩm minh hoạ cho thuyết nhân quả của nhà Phật vậy. Cho nên tác phẩm này được coi như một tài liệu “gối đầu giường” của mọi người ở những nước thịnh hành đạo Phật như Ấn Độ, Miến Điện, Đài Loan… Vì cũng như lời tác giả đã nói ngay tại hồi đầu tiên của sách là “Nói chuyện dâm để chống bạo dâm, bàn tình tình dục nhằm ngừa dâm dục”, và “Ðó là cách người viết cuốn sách này, đã dùng lửa để dập lửa, lấy dâm dục phòng ngừa dâm đãng, lấy tính người để khuyên nhủ con người, để cho hương sen gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn vậy!”
Khi chuyển cuốn sách này sang tiếng Việt để giới thiệu cùng bạn đọc trong nước, chúng tôi cũng chỉ mong muốn được bạn đọc gạn đục khơi trong, đọc truyện ái tình để tránh những mối tình phóng đãng phi luân thường đạo lý như nhân vật chính Vị Ương sinh trong truyện, để xác định cho cuộc đời mình những tư tưởng đúng đắn, làm những việc trong sáng, cao đẹp, tránh được những hậu hoạ lẽ ra không đáng có trong đời.
Ngoài ra, chúng
tôi cũng hy vọng cuốn sách góp một phần nhỏ bé trong việc tuyên truyền giáo dục kiến thức giới tính cho các bạn mới bước vào cuộc sống hạnh phúc lứa đôi.
Hà Nội ngày 25 tháng 04 năm 2010
Người dịch
Đào Phong Lưu