- 1 -

Lời dịch giả: "Thất Bộ Thi" phản ánh chính trị, tranh quyền đoạt vị trong triều đại phong kiến đến nổi anh em phải trở mặt, cốt nhục tương tàn chỉ vì "quyền lực và địa vị." Không những điều này xảy ra trong các triều đại phong kiến, mà ta còn thấy xảy ra đâu đây trong bất cứ gia đình, hay xã hội nào. Sự tranh giành tài sản của ông cha, dù không đủ để sống suốt kiếp nhưng cũng đủ làm anh em bất hoà, chém giết lẫn nhau, và đây cũng là một điều bất hạnh trong gia đình. Đôi khi tôi tự nghĩ có lẽ đây là bản tính của con người: ích kỉ, ganh tị, sân si dục vọng.... Mà khi bản tính hạ ngã này không kiềm chế được thì đạo đức, và lương tâm con người cũng sẽ hoán đi. Tựa bài thơ mang nhiều tính lịch sử giai thoại, còn nội dung mang nhiều tính giáo dục, và đạo đức con người.

*****

七步詩 - 曹植

“原版”

煮豆持作羹,

漉豉以爲汁。

萁在釜下燃,

豆在釜中泣。

本是同根生,

相煎何太急?

七步詩 - 曹植

“幼兒版”

煮豆燃豆萁,

豆在釜中泣;

本是同根生,

相煎何太急!

“Thất Bộ Thi” gồm hai bản, “nguyên bản” và “ấu nhi bản.” Nguyên bản hay bản gốc là do Tào Thực. Ấu nhi bản là do một tác giả khác, không rõ nguồn, nhưng tựa đề và nội dung giống nhau. Có người cho là La Quán Trung trong khi viết truyện “Tam Quốc Diễn Nghĩa” đã sửa đổi bài này. Ấu nhi bản có phần ngắn hơn, lời văn cận đại, đơn giản, dễ nhớ, thích hợp cho các thiếu nhi, và trong tầng lớp thứ dân. Bởi lẽ đó, “ấu nhi bản” được làm thành nhạc phổ, được phổ biến trong các lớp học trẻ, và được quảng bá sâu rộng trong quần chúng. Bản “ấu nhi” do đó được nhiều người biết hơn so với “nguyên bản.”

Dịch: (theo nguyên bản)

Chử đậu trì tác canh,

Lộc chi dĩ vi chấp.

Kỳ tại phủ hạ nhiên,

Đậu tại phủ trung khấp.

Bản thị đồng căn sinh,

Tương tiễn hà thái cấp?

Tạm dịch: (theo nguyên bản)

Nấu đậu để làm canh,

Gạn vỏ còn lại nước.

Cành đậu dưới lò đun,

Đậu trong lò thúc thít.

Cùng là một gốc sinh,

Đốt chi sao lại gấp?

Bản dịch: Trương Văn Tú

Triển Khai: (theo nguyên bản)

Canh kia từ đậu mà sinh,

Lọc cho ra vỏ để làm nước canh.

Đậu cành nhúm dưới nồi canh,

Đậu trong nồi khóc, kêu cành đừng đun.

Vốn là một gốc, một nguồn,

Lửa chi cho gấp, để canh sụt sùi.

Bản dịch: Trương Văn Tú

A. Tóm Lược Tiểu Sử Tác Giả - Tào Thực

Tào Thực (192-232) tự Tử Kiến, còn được gọi là Trần Tư Vương, người nước Ngụy, thời Tam Quốc (nay thuộc thị xã Hảo Châu, tỉnh An Huy) là con thứ ba của Tào Tháo. Tào Tháo gồm có 4 người con với Võ Tuyên Biện thị chánh thiếp (1), Tào Phi, Tào Chương, Tào Thực và Tào Hùng.

Tào Thực trí tuệ thông minh, “hạ bút thành chương” “xuất khẩu thành thi” là một thiên tài vào triều Ngụy. Vào lúc 10 tuổi đã thông thạo “Kinh Thi Luận Ngữ”, và thuộc lòng hơn 100 ngàn từ phú. Con trưởng Tào Tháo, là Tào Phi cũng là một thiên tài của làng văn học Trung Quốc. Tào Phi là người mở đầu sự phê bình luận văn học, như trong cuốn “Điển Luận – Luân Văn”, mở đầu kỷ nguyên nền bình phẩm văn học Trung Quốc. Cho đến ngày nay trong làng văn học Trung Quốc vẫn tôn danh Tào Tháo, Tào Phi, và Tào Thực là “Tam Tào”.

Sự thông minh quán chúng, lại văn võ song toàn của Tào Thực được lòng sủng ái của cha. Với bản chất đa nghi, tài nghệ của Tào Thực cũng đã đôi lần làm Tào Tháo nghi ngờ rằng thơ văn của Thực có lẽ là nhờ người viết hộ. Tài năng của Tào Thực trong cuộc tranh tài “Đăng Đài Vi Phú” do Tào Tháo tổ chức với bài “Đăng Đài Phú” đã làm giải tỏa sự nghi ngờ của cha. Lúc ấy Tào Thực được 19 tuổi.

Tào Tháo đã nhiều lần có ý phế trưởng lập thứ làm Thế Tử (tức Tào Thực) mặc dầu có sự can gián của quần thần. Theo như thời kỳ phong kiến sự “phế trưởng lập thứ” là điều tối kị trong triều đình, hay ở trong gia đình. Bởi lẽ, điều nầy rất dễ dàng gây sự biến loạn, và bè phái trong triều chính, và dễ dàng đưa đến nội biến trong một nước. Sự sủng ái của Tào Tháo đối với con thứ tạo nên tị hiềm của huynh trưởng Tào Phi. Và chính điều này làm cuộc đời của Tào Thực sau này “biến phúc thành họa.” Cái “phúc” là sự thương yêu của cha. Cái “họa” là ganh tị của trưởng huynh. Cuộc đời gian truân, khốn khổ Tào Thực bắt đầu sau khi Tào Phi đăng cơ nắm quyền lực.

Tuy rằng Tào Thực khí khái và trí tuệ lúc nào cũng hơn trưởng huynh nhưng sự sủng ái, và kỳ vọng của Tháo cũng dần phai nhạt bởi sự phóng túng, hoang đàng, lại vi phạm nhiều điều cấm kị và lỗi lầm trong quân kỷ cũng như luật pháp, chẳng hạn như say rượu trong lúc xuất quân, cởi ngựa vào thành cấm,…. Tào Tháo tuy rằng tính hay đa nghi, nhưng rất sáng suốt trong việc xử lý quần thần, nghiêm túc trong việc giáo huấn con cái, công tư rõ rệt, thưởng phạt phân minh, và đặt nặng người kế vị ông trong việc thống nhứt lãnh thổ sau này. Tào Tháo cũng có lần phê bình các con ông như sau:

Tào Phi tính người “đôn hậu, cung cẩn”. Tào Chương thì “hữu dũng, vô mưu”. Tào Thực thì “rượu chè, phóng đãng”. Tào Hùng thì “đa bịnh, mạng lại khó toàn”. Cuối cùng trưởng huynh Tào Phi nhiếp chánh sau khi Tào Tháo qua đời bởi căn bịnh đau não.

Tào Thực mất vào lúc 41 tuổi vì bịnh trầm uất và để lại hơn 80 thi ca, thi phú hoàn chỉnh. Sự cống hiến nhiều nhứt có thể kể là thơ “ngũ ngôn”. Thơ Tào Thực đầy tính diễm lệ, tình tứ mở đầu kỷ nguyên lối thơ diễm lệ, tạo ảnh hưởng lớn trong nền văn học Lục triều (2) sau này. Bài “Mỹ Nhân Thi” là một thí dụ điển hình.

Thơ của ông cũng được phân làm hai giai đoạn rõ rệt như cuộc đời của ông. Giai đoạn đầu, được sự sủng ái của cha, cùng cha ra sa trường chinh chiến. Thơ phản ảnh cuộc sống sung túc an dật, kiến công lập nghiệp, thỏa chí tang bồng của một thời trai tráng. Bài “Bạch Mã Thiên” là một thí dụ trong thời gian nầy.

白馬篇

...

...

父母且不顧。

何言子與妻。

名编壮士籍。

不得中顧私。

捐軀赴國難。

视死忽如歸。

Tạm dịch:

…..

Phụ mẫu thả bất cố.

Hà ngôn tử dữ thê.

Danh thiên tráng sĩ tịch.

Bất đắc trung cố tư.

Quyên khu phó quốc nạn.

Thị tử hốt như qui.

Triển khai:

….

Phụ mẫu không nghĩ đến

Nói gì đến tử thê!

Tráng sĩ mang danh đề

Bất đắc nghĩ chuyện tư

Quyên thân phò quốc nạn

Xem chết như trở về

Bản dịch: Trương Văn Tú

Bài thơ trên diễn tả sự nhiệt tình báo quốc, thỏa chí tang bồng hồ thỉ, đặt “trung” làm đầu; “hiếu, nghĩa” thứ chi. Xem chết tựa như lông hồng. Chí nam nhi đặt “quân, thân”, và công danh làm trọng, tất cả còn lại đều là thứ. Như Nguyễn Công Trứ trong bài “Phận Sự Làm Trai”:

“….

….

Có trung hiếu nên đứng trong trời đất,

Không công danh thà nát với cỏ cây.

….

….”

Giai đoạn sau của cuộc đời, thơ phản ảnh sự bất mãn, chí hướng không toại bởi sự chèn ép của cha con Tào Phi mặc dù Thực vẫn muốn đem tài mình và hoài bảo để cống hiến cho Ngụy nhưng không được như ý. Bài thơ “Thất Ai Thi” (Bảy Nổi Buồn Than) diễn tả nổi lòng của Tào Thực qua cung cách ẩn dụ của “tiện thiếp và lang quân”, hay “vợ chồng” nhưng thật sự là giữa “quân và thần”.

七哀詩

…..

…..

愿為西南風,

長逝入君懷。

君懷良不開,

贱妾當何依?

Dịch:

…..

…..

Nguyện vi Tây Nam phong, (3)

Trường chiết nhập quân hoài.

Quân hoài lương bất khai,

Tiện thiếp đang hà y?

Tạm dịch:

…..

…..

Nguyện thành gió Tây Nam,

Mãi mãi trong lòng chàng.

Lòng chàng không mở rộng,

Thân thiếp gửi nơi nao?

Bản dịch: Trương Văn Tú

Tương tự những bài thơ khác như “Mỹ Nhân Thi”, “Dã Điền Hoàng Tước Hành”, … đều diễn tả sự thất chí và hoài bảo và thất sủng trong triều đình.

Cũng nên nói thêm, trong thời kỳ phong kiến, sự chỉ trích, chê bai nhà vua là tối kị, có thể đưa đến tội chém đầu vì tội khi quân, hay phản loạn. Vì vậy văn chương, hay thi phú thường mang nhiều ngụ ý hơn là trực diện, mượn vật nầy hay người nọ để mà gửi thác tâm tư để tránh họa sát thân.

B. Thất Bộ Thi - Bối Cảnh & Giảng Dịch:

“Thất Bộ Thi” là một bài thơ thuộc thể ngũ ngôn. Bài thơ đơn giản dễ hiểu, từ ngữ chất phác mộc mạc, lại mang nhiều ý nghĩ cho đời sống thường nhật. Nội dung bài thơ cho thấy sự tranh chấp quyền lực trong anh em, đưa đến sự cốt nhục tương tàn.

Sau khi Tào Tháo mất, con trưởng Tào Phi, tự Tử Hằng, chính thức kế vị, xưng là Ngụy Văn Đế. Sự nghi kị, tị hiềm của ông chẳng riêng gì với Tào Thực, mà cùng các em khác như, Tào Chương, và Tào Hùng. Tất cả đều được phong hầu nhưng lần lượt bị đưa đi những miền hoang dã và phải chịu sự giám sát của triều đình. Không được lai vãng tới thành Lạc Dương khi chưa được lịnh. Vây cánh của Tào Trực cũng dần dà bị tiêu diệt. Rõ ràng đây chẳng qua là một án tù lỏng không hơn không kém đối với Tào Trực.

Có một lần, Ngụy Văn Đế Tào Phi viện cớ Tào Thực trễ nải trong việc ma chay của phụ hoàng nên gửi đặc sứ tìm Tào Thực vấn tội. Vào lúc Tào Thực đang rượu chè hưng phấn, Thực nổi giận cho người đánh sứ thần, rồi đuổi về. Hành động này biểu lộ sự ngạo mạn và khinh miệt đối với một tân vương và cũng là dịp cho Tào Phi gán cho Thực tội khi quân, ra lệnh chém đầu.

Mẹ Tào Phi nghe được vội mời Tào Phi vào cung để xin mạng cho con. Lời mẹ khó cãi. Trong lúc Tào Phi phân vân không biết xử lí em mình thế nào cho thỏa đáng, và làm sao nhổ bỏ cái gai trước mắt thì Đại tư đồ (4) Hoa Hâm (華歆)bày mưu. Mưu rằng nghe thiên hạ đồn Tào Thực văn hoa lỗi lạc, có thể xuất khẩu thành chương. Nếu điều này không thật thì đây là một sự lừa dối đối với phụ vương và hoàng huynh. Tội khi quân lại mang thêm một lần nữa thì e rằng có mười cái mạng vẫn không giữ được.

Tào Phi đắc ý khen hay, bèn cho người giữ ngục mang Thực ra và ra đề thơ cho Thực. Rằng chúng ta là huynh đệ, thì cứ làm thơ về “huynh đệ” tuy nhiên trong thơ không được mang một chữ gì về “huynh đệ” “anh em cốt nhục”, thơ phải đúng vần đúng luật và thời gian chỉ được giới hạn trong vòng bảy bước đi. Bài thơ trứ danh này từ đó được người đời gọi là “Thất Bộ Thi”.

Tên bài thơ chỉ phản ánh một tình huống lịch sử còn nội dung thì mang một hình ảnh tranh quyền đoạt vị đến nổi dẫn đến cốt nhục tương tàn, “nồi da xáo thịt.” Sau có người lại cho tên bài thơ là “Cứu Mạng Thi” vì bài thơ nầy đã cứu mạng của Tào Thực.

Chỉ trong vòng bảy bước Tào Thực hoàn tất bài thơ hoàn hảo. Tội cho Tào Thực miệng thì cứ ngâm, mà nước mắt cứ chảy đầm đìa. Cứ mỗi lời ngâm đều mang đầy khóc hận, kêu gọi tình thâm, quả làm rung động lòng người. Tào Thực đúng là một thiên tài văn học có một không hai, “tài cao bát đấu” (5) trong thiên hạ.

Hai câu đầu của bài thơ dẫn ý về nồi canh. Mà nước canh nầy từ nước đậu mà ra.

煮豆持作羹,

漉豉以爲汁。

Dịch:

Chử đậu trì tác canh,

Lộc chi dĩ vi chấp.

Triển khai:

Canh kia từ đậu mà sinh,

Lọc cho ra vỏ để làm nước canh.

Bản dịch: Trương Văn Tú

Tác giả đem nồi canh để làm đề tài, và diễn tả qúa trình nấu nồi canh đậu. Trước phải nấu đậu rồi gạn vỏ đậu ra để chỉ còn nước đậu. Quá trình nấu đậu giống như cách làm sữa đậu nành ngày nay.

Hai câu tiếp:

萁在釜下燃,

豆在釜中泣.

Dịch:

….

Kỳ tại phủ hạ nhiên,

Đậu tại phủ trung khấp.

Triển khai:

….

Đậu cành nhúm dưới nồi canh,

Đậu trong nồi khóc, kêu cành đừng đun.

Bản dịch: Trương Văn Tú

Hai câu kế diễn tả quá trình trong lúc nấu đậu. “Kỳ tại phủ hạ nhiên”, “kỳ” có nghĩa là cành, hay nhánh đậu . “Khấp” có nghĩa là khóc thúc thít, không lớn; tiếng khóc mang nhiều oan ức.

Lửa thì được dùng cành, và nhánh đậu mà đun. Đậu thì ở trong nồi, nước thì sôi sùng sục. Tiếng nước sôi giống như tiếng kêu gào, than khóc của đậu. “Đậu” đây chỉ tác giả, còn “cành đậu” chỉ về hoàng huynh, Tào Phi. Tác giả nhân cách hóa hạt đậu, dùng tiếng “khóc thúc thít” thay vì dùng tiếng “nước sôi” trong lò, quả là một tuyệt kỷ, lại làm cho lòng người rung động. Lương tâm con người đang say ngủ ắt cũng phải bừng tỉnh bởi những lời kêu gọi thống thiết này.

Hai câu cuối của tác giả là một sự chọc thẳng vào lương tâm con người, là tiếng kêu gọi đạo đức con người, “nhân, nghĩa.”

本是同根生,

相煎何太急?

Dịch:

…..

…..

Bản thị đồng căn sinh,

Tương tiễn hà thái cấp?

Triển khai:

….

….

Vốn là một gốc, một nguồn,

Lửa chi cho gấp, để canh sụt sùi.

Bản dịch: Trương Văn Tú

Đã là anh em cùng cha cùng mẹ thì tại sao phải tương tàn. “Máu chảy ruột còn mềm” huống chi là cốt nhục tình thâm. “Tương tiễn hà thái cấp”, “tiễn” đây có nghĩa là “nấu” hay “nướng.” Trong tục ngữ Việt Nam chúng ta cũng có câu:

“Anh em như thể tay chân”

Hay ca dao:

“Khôn ngoan đá đáp người ngoài,

Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.”

Nhắc đến ngụ ngôn về “gà” thì tôi lại nhớ câu “gà ghét tiếng gáy” thì rõ là Tào Phi ghét tiếng gáy hay của Tào Thực.

Câu đánh thức nầy quả có hiệu nghiệm và đã làm cho Tào Phi hổ thẹn vì tấm lòng nhỏ nhen của mình. Tuy nhiên, sự đánh thức chỉ ở một khoảnh khắc để giữ được tính mạng của Tào Thực. Còn Tào Phi vẫn tiếp tục lo sợ, nghi kị, và đẩy người em nầy ra vùng hoang vu dưới sự giám sát của sứ thần. Cho đến con Tào Phi, Tào Duệ (Ngụy Minh Đế) sau lên làm vua cũng vậy. Đúng là vận kiếp của một kẻ tài hoa.

“Thất Bộ Thi” được ca ngợi các triều đại sau này. Và là một điều giáo huấn không thể thiếu sót trong gia đình. “Thất Bộ Thi” nay trở thành thành ngữ trong văn chương Trung Quốc, ý chỉ một người có tài về văn thơ. Cũng như chúng ta thường hay nói là “xuất khẩu thành thi” vậy.

Để kết luận, thiết nghĩ cũng nên đề cập đến bài “Phản Thất Bộ Thi” của Quách Mạt Nhược (6), vì bài thơ này là phản đề của “Thất Bộ Thi”. Ông Quách Mạt Nhược là một nhà văn hào, kịch gia, tư tưởng cận đại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa .

反七步詩 - 郭沫若

煮豆燃豆萁,

豆熟萁已灰。

熟者席上珍,

灰作田中肥。

不为同根生,

缘何甘自毁?

Dịch:

Chử đậu nhiên đậu ky,

Đậu thục ky dĩ khôi.

Thục giả tịch thượng trân,

Khôi tác điền trung phì.

Bất vi đồng căn sinh,

Duyên hà cam tự hủy.

Tạm dịch:

Nấu đậu dùng cành đậu,

Đậu chín cành ra tro.

Đậu chín trên bàn tiệc,

Tro ở ruộng làm phân.

Không cùng là một gốc,

Duyên chi phải tự hủy.

Bản dịch: Trương Văn Tú

Bài thơ nói đến sự hy sinh của cành đậu, để đậu được chín. Nay lại chễm chệ trên bàn tiệc, mọi người thưởng thức, trong khi cành nay hoá ra tro nay phải hẩm hiu ra ruộng làm phân bón. Ngụ ý sự cam lòng hy sinh của Tào Phi (cành đậu) để mong em (đậu trong nồi) sớm trưởng thành để trở thành người hữu dụng. Nhưng, theo tôi nghĩ thì bài thơ “Phản Thất Bộ Thi” chỉ mang tính ngụy biện hơn là tính lịch sử. Nó không phản ánh sự tranh giành quyền lực trong các triều đại phong kiến và không làm rung động lòng người.

C. Chú Thích

(1) Đúng ra Đinh thị là nguyên phối chánh thất phu nhân. Nhưng sau vì cái chết của Tào Ngang (曹昂), con Lưu thị . Đinh thị giận không trở về tuy rằng Tào Tháo có ý nhiều lần rước về nhưng không toại . Do đó Biện thị trở thành chánh thất sau này.

(2) Lục Triều: Ý chỉ các nước ở miền Nam Trung Quốc gồm có: Đông Ngô (229-280), Đông Tấn (317-420), và Nam Triều: Tống (420-479), Tề (479-502), Lương (502-557) và Trần (557-589). Giai đoạn Lục Triều nằm giữa đời nhà Hán và nhà Đường.

(3) Tây Nam phong: Gió nồm vào mùa hè

(4) Đại Tư đồ: Thừa Tướng hay Thượng Thư, đến đời nhà Hán đổi lại là Tư Đồ.

(5) Tài cao bát đấu: Thành ngữ. Ý chỉ một người tài hoa lỗi lạc. Lời từ một nhà “sơn thủy” thi gia Tạ Linh Vận, đời Nam triều Tống quốc, Tống Văn Đế (xem chú thích Lục Triều (2)). Ông nói: “Thiên hạ tài hoa chỉ có 1 đán (thạch) (1 đán = 10 đấu), Tào Tử Kiến một mình lấy hết “bát đấu”, một đấu là tôi, một đấu còn lại thì thiên hạ cùng chia nhau.” Hách thật!

Theo từ điển VN thì có chữ “thạch” chứ không có chữ “đán” như tôi dùng ở nơi đây, thí dụ: một thạch gạo. Nhưng theo tôi nghĩ đây có thể là sự sai lầm trong từ điển, vì chữ Hán 石 có hai âm, “thạch” và “đán”, như chữ Nguyên Đán. Chữ “thạch” có nghĩa là “đá” trong khi “đán” là đơn vị đo dung tích thời xưa.

(6) Quách Mạt Nhược (1892-1978): Người huyện Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên. Tên thật Khai Trinh, tự Đỉnh Đường, hiệu Thượng Võ, bút danh Mạt Nhược (từ hai dòng sông Mạt, và Nhược, nơi sinh trưởng.)

Thơ, và những lời dịch giảng thuộc quyền sở hữu của tác giả, ngoại trừ các nguồn dẫn chứng khác.

Trương Văn Tú

San Jose, CA

Oct 15th, 2009