Dễ chừng năm nay lão cũng đã trên bảy mươi rồi. Như vậy là lão đã sống rất thọ. Cái ngưỡng cửa "thất thập cổ lai hy" lão đã vượt quạ Cuộc đời dài như vậy kể cũng không đến nổi uổng !

Người ta kể lại rằng, tự cái thời xa lắc xa lơ, khi ngôi trường mới thành lập, lúc ấy lão còn nhỏ, lão đã có mặt ở đây rồi. Đáng lẽ chỗ đứng của lão là ở ngoài bờ biển kia, chứ không phải ở trong sân ngôi trường này. Bởi dòng họ của lão sinh ra là để thi gan cùng bão cát, để hát cùng với sóng bản trường ca bất tuyệt với thời gian. Nhưng người ta đã đem lão vào ngôi trường này, một mình. Ắt hẳn thời mới lớn, thời thanh niên, lão buồn lắm, bởi lão bị tách ra khỏi gia đình, anh em, họ hàng. Nhưng dù gì đi nữa lão cũng phải cố gắng sống với đời. Độc nhất vô nhị, không ruột rà với ai ở đây, thôi thì lão làm bạn với bác me, bác xà cừ lúc nào cũng điềm đạm, kiệm lời và ngay cả các cô phượng đỏm dáng, cho khuây khỏa tâm hồn. Dường như ngày nào lão cũng hát. Có khi lão hát thì thầm. Có khi lão hát lao xao, rì rào nghe thật du dương. Lũ học trò đùa nghịch trong sân giữa giờ ra chơi ít có đứa nào để ý nghe lão hát. Có lẽ chúng chẳng bao giờ cần tiếng hát của lão, bởi những trận đá cầu vội vàng, những câu chuyện trao đổi bạn bè cần thiết hơn đối với chúng. Chỉ có tôi, một cô bé rụt rè, nhút nhát, có tâm hồn yêu văn chương, hay suy nghĩ vẩn vơ là thường để ý đến lão. Năm mới vào học lớp mười của trường, có nhiều buổi trưa tôi đi sớm, nhiều buổi chiều tôi nán lại về trễ là để nghe lão hát. Không phải lời của gió mà là lời của lão. Dường như trĩu nặng trong tâm hồn lão là nỗi nhớ bờ cát, nhớ biển, nhớ bà con họ hàng, nên tiếng hát của lão nghe thật buồn. Hẳn cuộc đời lão mang nhiều tâm sự của kẻ lạc lõng, bơ vợ Đã có lúc tôi sờ vào tấm da sần sùi của lão mà thương cho lão. Không có những trận bão cát quất rát buốt vào thân mình lão, nhưng tấm da của lão đã nhăn nheo quá thể rồi. Đôi chỗ trên thân mình lão bị khoét lõm vào thành những cái hốc sâu hoắm, lá khô và bụi báo đầy. Ngước mắt lên nhìn lão, tôi như nghe được tiếng nói của lão nhỏ nhẹ, thì thầm rót vào tai tôi : "Biết làm sao được khi tuổi càng ngày càng cao, sức khỏe càng ngày càng yếu. Không ai có thể níu được thời gian dừng lại để mình trẻ mãi không già !".

Năm nay tôi lên lớp mười một. Thế là hơn một năm rưỡi rồi, ngày nào tôi cũng gặp lão. Những buổi chào cờ, trong khi hơn một nghìn học sinh ngồi yên lặng nghe thầy hiệu trưởng dặn dò bao chuyên thì lũ chim sẻ lại đùa nghịch hót ríu ran trên đầu, trên cổ lão. Ôi lão thật là dễ chịu ! Gió nhè nhẹ thổi qua, lão lại cất tiếng hát thì thầm. Vẫn chỉ là giọng hát xô lô muôn thưở, chứ chẳng thể nào được hát bè. Khi thầy hiệu trưởng nhắc về chuyện hạnh kiểm, chuyện nội qui học sinh thì tôi thấy mái đầu xanh của lão như hất hất về hướng bác xà cừ đang đứng án ngữ sát bên cổng trường như một vị tướng hết sức uy nghi, mặc dù cái lưng của bác đang mỉm cười một cách độ lượng về cái chuyện bác xà cừ lưng còng lại cõng trên lưng cái bảng nội qui học sinh to tướng. Lũ học sinh trường phổ thông trung học Nguyễn Thái Học ở thành phố này không ai mà không biết việc đó. Kể ra bác xà cừ khỏe thật. Tuy vất vả là thế nhưng trông bác lúc nào cũng thật phương phi xanh tốt. Bác chỉ có cái tội là hằng năm cứ vào mùa xuân bác lại đẻ ra lũ con nhiều vô số kể tròn trùng trục như quả bóng tê-níc có cái chân dài mà lũ con trai thường vịn cành hái gõ vào đầu bạn như kiểu gõ mõ tụng kinh, khiến khổ chủ bị hành hạ đau điếng vô cùng, có khi còn bị u đầu u trán nữa !

Lũ con của lão Phi thì không cứng ngắc độc địa như lũ con của bác xà cừ. Chúng có thân hình nhỏ như đầu ngón tay cái, tuy sần sùi nhưng trông thật hiền. Những ngày mùa thu, mùa đông lão Phi thả những sợi tóc của lão xuống sân trường. Lũ con gái thường ngồi ở các hàng đầu trong các buổi chào cờ nhặt những sợi tóc chết ấy rứt ra từng đoạn rồi lại nối vào, trông thật thích. Có lần ở thư viện trường tôi đã tò mò lật quyển tự điển tra về lão, thấy ghi : "Phi lao : cây trồng khắp nơi lấy bóng mát và giữ cát ở bờ biển, thân to, gỗ rắn, vỏ có chất ta-nin dùng để nhuộm". Kể ra lão sinh ra thật có cho đời !

Nhưng đời lão, cũng như đời người, làm sao tránh được bốn chữ "sinh, lão, bệnh, tử" ! Mùa thu năm nay tóc lão vàng hoe và rụng thật nhiều. Đến đầu đông thì bao nhiêu tóc trên đầu lão đều lần lượt rụng sạch. Bác bảo vệ trường chiều nào cũng quét hằng thúng sợi tóc vàng của lão rụng xuống sân trường. Trước hiện tượng ấy, một buổi chiều, chỉ còn một mình tôi nán lại, thì bác bảo vệ vừa thong thả đưa chổi quét, vừa buồn buồn nói với tôi rằng : "Như vậy là lão Phi Lao chết thật rồi. Không phải sâu đục thân lão, mà do lão già quá, cằn cỗi quá, yếu đi rồi, nên lão không thể nào chịu đựng nổi cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông... ". Không biết sao tự dưng những giọt nước mắt của tôi ứa ra khi ngước nhìn tấm thân khẳng khiu, gầy gò, trơ những cánh tay xương của lão trong chiều. Gió vẫn vô tình thổi qua thân mình lão. Nhưng còn đâu những tiếng hát lao xao, rì rào, du dương buồn của lão nữa trên đời này !

Tôi xin bác bảo vệ một thúng tóc vàng cuối cùng của lão Phi để về làm kỷ niệm. Tôi ngâm sạch thúng tóc ấy nhiều lần trong nước trong, phơi thật khô, rồi bỏ vào bì gác lên giá sách phía trên cao. Một thời gian tôi quên bẵng đi mất.

Rồi mùa đông lạnh lẽo cũng qua đi. Tấm thân khẳng khiu trơ trụi của lão Phi vẫn đứng khô khốc ở một góc sân trường. Người ta hy vọng mùa xuân ấm áp lão Phi sẽ đâm chồi nảy lộc sống lại. Nhưng rồi ra Tết đi học lại, tôi thấy lão chẳng có chút biểu hiện gì của sự hồi sinh. Quả là lão đã chết thật rồi ! Và người ta đã đốn lão để làm củi. Một hôm đến trường, lần đầu tiên không nhìn thấy lão nữa tôi đã bất chợt rùng mình như thốt lên trong tâm tưởng buồn : "Lão Phi thôi đã thôi rồi, nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta !".

Tôi bỗng có sáng kiến lấy mớ tóc vàng khô của lão để làm một chiếc gối. Tôi may một tấm áo gối bằng lụa tơ tằm vàng óng để bọc ngoài. Và đêm ấy, sau khi học bài thật khuya, tôi ngả đầu lên chiếc gối êm êm thơm mùi lá ấy để ngủ. Trong mơ, tôi nghe lão Phi hát những bài hát thật hay về biển, về sóng và về bờ cát trắng. Tiếng hát của lão thật khẽ khàng, thật du dương, vừa gần gũi, vừa lan xa trong một buổi chiều xuân lộng đầy gió biển.

Hết