Chiều muộn. Cuối tháng 10. Trời se se. Mưa bụi lây phây.

Một chiếc Toyota trắng muốt lướt êm trên mặt đường, chậm dần rồi đỗ lại trước nhà nổi Hồ Tây.

Một người đàn ông chừng năm mươi tuổi mặc comple màu ghi sáng, cà vạt đen bước xuống, nhanh nhẹn mở cửa xe. Một cô gái ăn mặc giản dị với những màu tối sẫm nhưng trông cô vẫn không già hơn tuổi hai mươi. Nhìn cô không ai có thể nói là mốt thời trang và mỹ phẩm đang khuynh đàn bà. Lại thấy cô không đẹp nhưng ưa nhìn. Và đã nhìn rồi phải nhìn lần nữa. Nhìn mãi, ở cô biểu hiện sự chừng mực và tự tin. Đôi guốc gỗ cô mang không làm người ta khó chịu dù rằng bây giờ những cô gái sang trọng không còn đi guốc gỗ. Nó gõ lanh canh, côm cốp trên sàn ván. Cha con? Chú cháu hay bồ bịch? Người giữ xe chọn cách xưng hô thích hợp rồi cúi mình.

- Xin mời anh chị nhận phiếu gửi xe ạ.

Người phục vụ nhà hàng mặc lễ phục trắng cổ thắt nơ đen sang trọng đón khách với nụ cười và cánh tay dang rộng. Khuôn mặt cô gái đầy hưng phấn. Cô khịt mũi hít thở không khí mát lạnh đẫm hương buổi chiều. Mắt cô chăm chú nhìn ngắm từ chỗ này sang chỗ khác. Bèo dạt, mây trôi và làn nước xám buổi chiều dập dềnh tiếng nhạc.

- Dạ thưa, xin anh chị chọn chỗ ngồi ở bàn này ạ?- Người phục vụ khúm núm cúi đầu.

- Bàn sát hồ - Cô gái nhí nhảnh đi nhanh đến chiếc bàn cuối cùng nhô ra hồ. Khuôn mặt tươi rói khi cô nhìn thấy chiếc thuyền rồng rập rờn ở phía xa.

- Nếu em muốn anh sẽ bảo họ xếp chỗ trên thuyền. Chúng mình sẽ vừa ăn, vừa đi vòng quanh hồ- Người đàn ông nói và giơ tay giữ những món tóc xoăn mới nhuộm đen nhức và đang bay rối lên.

- Thôi để khi khác. Hôm nay ta ngồi đây là tốt lắm rồi, anh ạ - Cô gái đáp.

- Em thấy không. Chưa bao giờ người ta sống sung sướng như bây giờ, nếu có tiền. Có tiền là có tất cả. Khách hàng là thượng đế - Người đàn ông nói.

- Ta là vua. Ta là nô lệ. Ta là sâu bọ. Ta là thần - Cô gái lẩm bẩm.

Người phục vụ bê tới những hộp cô-ca và đĩa khăn mặt trắng nõn hấp nóng bốc hơi nghi ngút. Hai người ngồi vào bàn. Đối diện nhau. Người đàn ông không rời khuôn mặt cô gái. Còn cô gái chỉ nhìn đồng hồ.

Cô không để ý đến bát xúp lươn nóng bỏng đã được bưng tới.

- Kìa, em ăn đi cho nóng! Người đàn ông đặt thìa vào tay người yêu - Nếu em muốn anh sẽ đặt tiệc cưới ở đây. Còn anh và em sẽ xuất phát bằng thuyền rồng.

- Thế thì còn gì bằng! - Cô gái vỗ tay.

- Em chọn món ăn tiếp đi! - Người đàn ông đưa tờ thực đơn cho cô gái.

- Gì cũng được. Tùy anh - Cô gái đáp. Chưa bao giờ cô lại thấy có món ăn ngon và mềm dịu như thế này. Tưởng những bữa ăn chiều nay chỉ cần một bát xúp nhỏ thơm và nóng ngọt ngào đến tận đáy lòng. Nhưng với người đàn ông ly rượu và bát xúp chỉ mới là khai vị. Những đĩa thức ăn liên tiếp được bưng đến nghi ngút thơm. Chim quay. Gà hấp nấm. Mực sào giòn, tôm, ếch.

Khi người phục vụ đem ra món ăn hai người thích nhất là ốc nhồi hấp thì thằng bé xuất hiện.

Nó chui từ trong bóng tối của sàn gỗ bơi ra và ngước nhìn lên khoang sàn.

Nó nhìn thấy người đàn ông nâng con ốc trên đĩa đặt vào bát cô gái:

- Em ăn đi cho nóng. Món này ở ta thường thôi, nhưng ở nước ngoài quý lắm. Cả chục đô một con mà vẫn khó tìm.

Cô gái nâng chiếc lá gừng đặt xuống đĩa, ném chiếc vỏ ốc sang bên cạnh. Đúng lúc ấy cô nhìn thấy chú bé. Cô kêu �ối� và đánh rơi con ốc xuống bàn.

- Em sao thế? - Người đàn ông lo lắng - Hay là em ăn món thỏ la-gu này vậy.

Cô gái chỉ tay xuống hồ. Thằng bé đang nhoai người nhặt chiếc vỏ hộp mà ai đó bàn bên cạnh vừa ném xuống. Khuôn mặt nó chìm trong làn nước tối và miếng xốp trắng dập dềnh. Cái phao của nó.

- Ôi, tưởng gì! Bọn lưu manh giả danh nghèo khổ! - Người đàn ông trề môi.

- Cô ơi, cháu xin cô một chiếc vỏ hộp! - Tiếng nói cất lên từ mặt nước xanh rêu rợn sóng đang tím dần.

Cô gái vội vàng cầm chiếc vỏ hộp bia ném xuống nước.

- Sao em làm vậy? Chúng nó sẽ lợi dụng lòng tốt của em mà thêm hư hỏng. Nhà hàng không bằng lòng đâu - Người đàn ông nói và giơ tay gạt đám vỏ hộp vào phía trong. Thằng bé vẫn nhấp nhô chờ đợi trên mặt nước. Vầng trán cao ướt đẫm. Người nó ẩn hiện dưới nước. Nó chừng 14-15 tuổi, lớn hơn hoặc nhỏ hơn một chút.

Cô gái nhìn quanh. Cô muốn ném một cái gì đó xuống chỗ thằng bé. Thức ăn đầy trên các đĩa. Hoa quả và bánh ngọt. Thuốc lá. Đôi mắt cau cau của người đàn ông làm cô ngại. Cô giấu vẻ khó chịu trong khói thuốc um tùm tự mình châm đốt hết điếu này đến điếu khác. Ông ta nhá quả ớt ngọt và nhìn người yêu với vẻ tò mò. Cô ta ngồi đó, gần gũi mà bỗng nhiên như xa lắc. Hai vai lắc lư, bàn chân đung đưa và vô tình cô đá vào đám vỏ họp ông giấu dưới gầm bàn. Rồi cô cúi xuống, nhặt chúng lia nhanh qua chấn song. Người đàn ông ngửa mặt phun khói lên trời mặt nhìn đi chỗ khác, khuôn mặt không chút biểu lộ. Một nồi thập cẩm nghi ngút làm duyên cho bàn tiệc đã nguội lạnh.

- Kìa em, ăn đi chứ, em thích món lẩu lắm cơ mà - Người đàn ông đặt vào tay cô gái cái thìa có miếng bóng chín mềm và mấy con tôm nõn. Hai người sì sụp ăn. Nhưng ông hiểu niềm hào hứng với bữa ăn không còn nữa.

- Em ăn ngon không? - Ông hỏi và âu yếm xúc miếng nấm tươi để vào miệng cô gái.

- Em chẳng thấy ngon lành gì khi trong chúng ta ăn ngon lại có những đứa trẻ ngâm mình dưới nước lạnh chờ xin từng vỏ hộp. Bán được chục chiếc chắc chưa mua được bát phở. Trời lạnh thế này nó sẽ ốm mất thôi.

- Trời ơi, em có trái tim đa cảm quá! - Ông vỗ lên vai cô gái rồi ghé sát mặt cô - Em phải hiểu chúng ta đang sống trong thời buổi kinh tế thị trường.

Sự phân hoá giàu nghèo ngày càng khốc liệt. Anh nghĩ rằng trước khi xót thương hãy hỏi xem vì sao bằng tuổi nó, giờ này sao nó không ngồi ở lớp học hay ở câu lạc bộ đọc sách, xem phim, hay ít nhất đi dạo với bạn bè, mà lại nhảy xuống hồ xin vỏ hộp? Theo anh, nó đáng trách hơn là đáng thương. Chưa kể là nó làm mất mỹ quan thành phố, khách nước ngoài sẽ nghĩ thế nào? Anh nói đúng không hả bé?

- Anh nói đúng, nhưng nó nghèo - Cô ấp úng tìm không ra lý để tranh luận.

Đây không phải lần thứ nhất cô chịu thua. Cô cúi xuống đĩa nộm nhai trệu trạo. Cô cảm thấy buồn nôn vì nhai phải củ hành sống. Cô nhổ đi rồi buông đũa.

- Sao, em thôi à? - Ông sửng sốt.

- Một củ hành sống - Cô đáp, mặt đỏ lên.

- Mọi khi em vẫn ăn được hành sống cơ mà?

- Vâng - Cô lí nhí đáp và bỗng hoảng hốt. Khuôn mặt đứa bé kề sát chấn song, chỉ cần cô giơ tay ra là chạm vào nó. Nó lặng ngắt nhìn cô bằng đôi mắt đăm đăm. Đôi mắt cô như chạm vào lửa. Người đàn ông vụt đứng lên.

- Anh đi đâu đấy? - Cô gái níu tay người yêu.

- Anh bảo nhà hàng lấy trái cây - Ông nói và đi nhanh đến chỗ người phục vụ. Hai người nói gì đó với nhau. Người đàn ông trở lại chỗ ngồi với nụ cười trên môi, mặc dù ông biết rằng trong lúc vắng mặt ông dù chỉ 5 phút cô gái đã kịp lia hết đống vỏ hộp xuống hồ.

Một chiếc xuồng máy lao vút trên mặt hồ, dựng nước thành những luồng sóng lớn. Chiếc xuồng chạy phía ngoài một lúc rồi bỗng quay ngoắt lại, lao thẳng vào sàn nổi. Một tiếng va mạnh, một tiếng kêu tối.

Cô gái bật đứng dậy. Thằng bé đã biến mất dưới sàn ván. Trên mặt nước cuồn cuộn bập bềnh miếng xốp trắng. Người lái xuồng máy cúi xuống vớt miếng xốp ném lên xuồng, chửi:

- Mẹ kiếp!

Anh ta nhổ nước bọt rồi tăng tốc. Chiếc xuồng phóng vút đi như tên bắn và biến mất phía bờ xa.

***

Phải mất khá nhiều thời gian cô gái mới tìm được tới đây. Xóm sau ga bụi than bám đầy trên các bức tường cũ. ánh sáng mờ đục của các ngọn đèn nhấp nhô trong các nhà làm con đường lồi lõm, vấp váp. Cô phải từng bước dò dẫm.

Cuối cùng, cô cũng tìm được đến nơi cô muốn đến.

Người đàn bà ra mở cửa cho cô không còn trẻ nhưng chưa già. Bà có đôi mắt đã nhìn một lần thì phải nhớ mãi: Đó là một đôi mắt đen và sâu. Màu da khô sạm nắng và những nếp nhăn làm nó trở nên khô khốc. Có lẽ không thể có người nào gầy hơn thế.

Nhưng đằng trong cái cơ thể gầy guộc ấy như đã chôn vùi cả một thời nhan sắc lộng lẫy, phi thường mà cô gái, bằng những cảm giác đồng giới nhận ngay ra điều đó. Và cô cũng nhận ngay ra ngôi nhà mà bà ta đang ở chỉ nên có ở bảo tàng - kỷ niệm của một thời nghèo khổ xa xưa. Tường đất, mái đắp đủ loại, giấy bia phên liếp, bao tải. Tưởng như chỉ cần giơ tay ấn mạnh một cái ngôi nhà sẽ sụp đổ. Vậy mà nó lại gợi lên sự ấm cúng đến lạ lùng khi cô gái lom khom cúi xuống để bước vào.

Vật cô nhìn thấy trước tiên là một lò than hồng. Mùi thuốc bắc. Bên cạnh cái siêu đất là hai củ khoai lang nướng vỏ đã bắt đầu cháy.

Trong bóng tối mờ của ngọn đèn dầu, cô nhìn thấy cánh màn trằm bằng đủ miếng vá. Cái bàn gỗ mộc, chiếc ghế cũ. Trên đó có mấy quyển vở, lọ mực.

- Cháu Bình đâu? - Cô hỏi và nhìn quanh.

- Cháu bị Ốm - Người đàn bà nói nhỏ - Cô là cô giáo cháu ạ.

- Không, tôi quen cháu. Cháu ốm thế nào?

Người mẹ thở dài:

- Số cháu gặp hạn. Chẳng biết va đập vào đâu, tối qua về đầu cháu vỡ một miếng. Tôi băng cho rồi. Da cháu cũng lành. Vậy mà đêm qua bị sốt?

- Nhiễm trùng rồi! - Cô gái kêu lên. Chị phải cho cháu uống kháng sinh.

- Đã uống rồi.

Cô vén cánh màn, giật mình, lùi lại. Một đôi mắt mở to trừng trừng nhìn cô. Ngạc nhiên hay căm thù? Tại sao vậy?

Cô thả màn ngồi xuống cái ghế nhỏ và thấp bên bếp lò. Cạnh cái túi đựng ống bơ và đống bao nilông, giấy bìa. Người đàn bà lấy que sắt cời than gắp củ khoai nướng để ra ngoài.

- Cháu nó chẳng chịu ăn gì, chỉ đòi ăn khoai nướng.

Người đàn bà tiếp tục cời than và đặt lên đó cái ấm nhỏ. Cô tiếc là mình đã không mua cái gì làm quà. Lại nghĩ rằng vẫn còn nhiều dịp.

- Chị buôn bán hay đi làm? - Cô hỏi và cảm thấy câu hỏi nhạt nhẽo. Người đàn bà hơi thu người lại.

- Có hồi đi làm, có hồi chạy chợ nhưng số tôi vất vả lắm. Chẳng cái gì ra cái gì cả. Có hồi tôi làm đường sắt. Phục vụ trên tàu. Tôi vẫn nhớ ngày thông tàu Bắc Nam, tôi đi chuyến tàu đầu tiên vào TP HCM. Nhiều đêm tôi thức suốt. Đêm trăng sáng, qua đèo Hải Vân sóng biển trắng xoá vỗ sát đường tàu.

Người đàn bà nói rồi thở dài, ngồi im như đá.

- Người ta có con nhỏ thì ở nhà, tôi vẫn theo tàu. Thằng bé này lớn lên trên các chuyến tàu. Con tày đã ru nó ngủ thay bàn tay đưa nôi?

- Chị làm em cũng mê các chuyến tàu của chị - Cô gái cười nho nhỏ - Chắc hồi đó chị hạnh phúc lắm.

- Hạnh phúc à? Đúng. Hồi đó tôi hạnh phúc lắm.

Ai mà chẳng có một thời hạnh phúc? Tôi đã chờ đợi gần mười năm chiến tranh. Rồi anh ấy trở về, ngày con ra đời. Một thằng con trai kháu khỉnh, tưởng như thế là đủ còn cần gì hơn nữa. Nhưng người ta ngày càng nhiều ham muốn, ngày càng phức tạp.

- Chị nói đúng. Nhưng chị nói ai kia?

- ấy là người ta?

- Còn chị?

- Còn tôi ư? Tôi ngày càng bần cùng. Những mong ngày càng thu hẹp lại. Sau vụ va quệt trên đường. Thế là tất cả tuột khỏi tay tôi - Đôi mắt người đàn bà thoáng long lanh. Ngôi nhà chìm vào im lặng.

- Mẹ Ơi! Mẹ nói làm gì? Ai thương mẹ!

Một tiếng nói cất lên sau cánh màn. Tiếng thằng bé. Rồi nó vùng dậy, chạy tới chỗ cô gái rít giọng:

- Bà đến đây làm gì? Bà làm tôi đau đớn như thế này không đủ à?

- Tôi làm gì? - Cô gái ú ớ - Tôi đã làm gì em?

- Bà còn chối à? Đồ độc ác!

- Em nhầm rồi! Tôi rất thương em và rất giận việc đó - Cô gái đứng vụt lên - Chính vì việc đó mà tôi đã không còn gặp ông ta nữa - Cô im bặt. Đứa bé đã chạy ra ngoài.

- Chuyện gì thế cô? Cô đã làm gì nó? - Người mẹ thảng thốt, ngơ ngác. Cô gái ngồi sụp xuống, hai tay ôm đầu.

Người đàn bà chạy tới chạy lui. Rõ ràng bà đang bối rối, đang không hiểu chuyện gì. Bà châm ba nén hương cắm lên bàn thờ. Bàn tay bà run rẩy, ba nén hương cháy không đều. Gió bật hồng đám than và mùi khoai khét lẹt.

�Mình đến đây làm gì? Để làm một việc thiện ư? Đâu có dễ khi cái ác đang còn đấy. Người ta mong muốn sự tốt đẹp, nhưng lại không tin rằng có nó vì cái ác luôn hiện hình�.

Người đàn bà vặn to ngọn đèn và vung chổi quét. Trong đêm tối, cô gái như nhìn thấy những tia lửa tung lên từ ngọn chổi. Cô nóng mặt. Bà ta đuổi mình đây. Tại sao không đứng lên và chỉ cần ba bước chân là ra đến đường. Là giải thoát tất cả. Tại sao mình không thể?

Cô gái tựa lưng vào tường đưa mắt nhìn quanh. Như cầu cứu. Mùi hương thơm nhẹ nhàng. Cô ngẩng đầu lên. Mắt cô chạm vào những chấm lửa chân hương. Mắt cô chạm vào bức ảnh treo trên bàn thờ nhỏ.

Dưới vành mũ tai bèo là một khuôn mặt hơi dài. Tóc dầy đen hơi xoăn. Nụ cười của đôi môi rộng ngạo nghễ. Đôi mắt màu thau. Cái nốt ruồi trên môi. �Nốt ruồi trên môi ăn trôi cửa nhà�. Cô đã từng nói thế về cái nốt ruồi trên môi người đàn ông - người yêu của cô. Bây giờ cô nhìn thấy nó ở trên ảnh.

Cô giật mình lùi lại mở to, nhìn.

- ảnh ai đây bà? - Cô hỏi và vịn tay vào tường. Cô cảm thấy chân cô như rời khỏi đất, đang bay lên.

- Cô hỏi làm gì? - Đôi mắt người đàn bà loé sáng.

- à, tôi thấy đây là một anh bộ đội giải phóng.

- Đúng, đây là ảnh chụp ngày trở về đoàn tụ với gia đình.

- Người trong ảnh là thế nào với chị?

- Ông ta là bố thằng con tôi.

- Ông ấy tên là gì? - Cô hỏi nhanh và cảm thấy sắp nghẹt thở.

- Khi lấy tôi tên là Sâm. Còn bây giờ ông ấy giàu có, ông ấy đổi tên gì tôi không biết.

- Như thế nghĩa là ông ta còn sống à?

- Tôi không biết. Nhưng đối với mẹ con tôi, ông ta đã chết.

- Vì sao người ta còn sống mà bà đã để ảnh lên bàn thờ?

- Vì con tôi thôi! Tôi muốn cho nó biết rằng nó đã từng có một người bố.

- Một người bố đã chết?

- Vâng, một người bố tốt đã chết còn hơn một người bố xấu mà đang sống - Người đàn bà nói nhanh, giọng ráo hoảnh và khô khốc.

Cô gái giơ tay ôm đầu, ngẩng lên nhìn bức ảnh một lần nữa rồi lao ra khỏi nhà.

Hết