Chương 1

Vừa ra khỏi xa lộ 66, Kenneth tăng tốc độ rẽ vào xa lộ 29 đi về hướng Nam của tiểu bang Virginia. Vỗ tay trên cần lái của chiếc xe van, Kenny nói lớn như trút đi cái bực tức dồn nén trong khoảng đường kẹt xe ban nãy:

- Sperryville, here we come!

- Hy vọng chúng ta đến đó trước khi trời mưa. Hôm qua tin khí tượng tiên đoán trời sẽ mưa lớn.

Anh ngồi dán mặt vào khung cửa kính, mải mê nhìn những đám rừng thưa chạy dọc xa lộ. Qua Washington, D.C. đã ba hôm để đi họp chuyên khoa, từ hôm thứ tư, anh vẫn chưa quen với giờ giấc miền Đông. Hồi sáng anh đã thức giấc theo giờ California. Giờ nầy chỉ độ 9 giờ sáng Cali là cùng. Anh quay lại nhìn Nicole:

- Tôi cũng mong như thế. Tôi không muốn ngày thứ bảy tiêu tán.

- Dầu sao thì thứ hai các anh mới bắt đầu lớp học mà. Chúng ta còn trọn ngày chủ nhật nữa.

Nicole ngồi cùng băng ghế với anh, rất gần. Anh có thể ngửi được mùi phấn thơm tỏa ra từ người cô, át cả mùi nệm của chiếc xe mới. Người đàn bà có làn da thật trắng, mịn lắm. Với mái tóc thẳng đen mượt, ôm ngang cái cổ cao, làn da ấy càng thêm trắng nõn.

- Anh có biết khoảng rừng ngoài kia ngày xưa là những nông trại không?

- Không. Tại sao lại có chuyện ngược đời như thế?

- Tất cả đều đã chết trong thời kỳ nội chiến.

Kenneth trả lời thay cho Nicolẹ Trong khuôn khổ nhỏ hẹp của kiếng chiếu hậu, anh chỉ nhìn thấy được hoặc cặp kiếng mát, hay hàm râu quai nón che lấp cả miệng của hắn . Còn sau màu nâu đậm của kiếng, và hàm râu rậm ấy, hắn đang nhìn thấy, suy nghĩ những gì, anh không rõ. Anh quay nhìn rừng cây đang chạy thụt lùi. Không biết khi nào trời sẽ mưa, nhưng lúc nầy ánh nắng gắt giữa trưa vẫn không đủ xuyên thấu những bóng râm, với những con lạch cạn nước thay nhau mất hút vào bên trong.

- Trận đánh Gettysburg đẫm máu xảy ra gần đây thôi. Anh có thể tưởng tượng người ta đánh xáp lá cà, giết nhau bằng dao găm, những mũi giáo ngâm phân người và động vật hay không?

Nicole góp chuyện. Cô khoanh tay trước ngực. Đôi vú tròn dường như được nâng cao hơn bởi vòng tay, căng cứng dưới làn áo thun mỏng, cổ áo cắt rộng để lộ một phần ngực, bên ngoài, khoát thêm một chiếc áo sơ mi bằng vải xanh nhạt, không cài nút, vạt áo bỏ ra ngoài quần. Nhìn Nicole co rút cổ, lắc đầu, ghê sợ, anh cũng lạ tại sao người đàn bà nầy có thể là một bác sĩ giải phẫu được. Cô vẫn bảo, mổ một người bệnh đã ngủ như mổ một xác chết, không có gì đáng sợ. Năm y khoa một, Nicole và anh ở cùng nhóm thực tập giờ cơ thể học. Lần đầu tiên thấy cái xác chết của một người đàn bà Mỹ đen nặng khoảng 300 pounds được trục lên từ cái hòm kẽm ngâm formalin, cô đã thốt lên: "Oh my God", và xỉu ngaỵ Nếu anh không kịp thời ôm lấy, thì cô đã ngã bịch xuống sàn. Có lẽ anh đã quen mùi nước hoa của Nicole từ dạo đó, vì nó giúp anh quên đi cái mùi nước formalin ngâm xác, quyện thành cái mùi bất tử mà tụi anh đã gọi đùa là Chanel Eau de Cadavèrẹ Riết rồi cũng quen, cuối tuần, nửa khuya, dù có lệnh cấm, bọn anh vẫn đem cà phê, bánh mì sandwich vào phòng thực tập, vừa ăn, vừa ôn bài, vừa vọc xác chết. Có thằng còn vác cả cánh tay hay cái đầu đem về cất tủ lạnh để... học dần. Không có mùi bất hủ ấy, đời sinh viên y khoa như thiếu một cái gì.

- Ở nước tôi ngày xưa, người ta cũng đã từng giết nhau như thế. Thời đại nào người ta cũng nghĩ ra cách để giết nhau cho hữu hiệu.

Anh nói thật. Thật mơ hồ về một ngày xa xưa nào đó. Tưởng là chuyện lịch sử nhưng vẫn sống mãi trong anh. Vậy mà lúc nào anh cũng nghĩ là xưa lắm. Lẩn quẩn. Anh đang nghĩ đến những Tết Mậu Thân với hầm chôn tập thể, những Cỗ thành Quảng Trị với Đại Lộ Kinh Hoàng, những An Lộc và Bình Long...

- Nhưng ở Việt Nam người ta chết cho một chính nghĩa.

Anh không cãi Nicole về chuyện ai có chính nghĩa trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Không muốn phiền lòng bạn.

- Nhưng Ken, nội chiến Mỹ xảy ra có phải vì bất đồng chính kiến về vấn đề nô lệ?

- Không đúng hẳn. Kẻ thắng trận bao giờ cũng đúng, cũng có chính nghĩa vì họ đã viết lại lịch sử. Người chiến bại bao giờ cũng là kẻ hèn kẻ xấu. Vấn đề nô lệ chỉ là cái vỏ bề ngoài. Hãy xem, các đấng cha đẻ của hiến pháp Mỹ, một mặt kêu gào sự bình đẳng nhân quyền, mặt khác vẫn nuôi nô lệ trong nhà và có con với nô lệ. Bình đẳng mà... Thực sự ra, miền Bắc không muốn miền Nam tách rời khỏi Hợp Chủng Quốc, vì miền Nam quá giàu. Thí dụ, trong thời nội chiến, như một sự cưỡng hiếp, người ta đã ngày đêm quay súng đại bác chĩa vào Maryland vì sợ tiểu bang nầy theo Conferderate của miền Nam thì chết toi Wahsington D.C. Ngày xưa, người ta, nhất là người miền Nam, vẫn coi Abe Lincoln là tên khát máu đã nướng cả trăm ngàn thanh niên hai miền Nam Bắc. Dù dưới danh nghĩa nào đi nữa đó là cuộc chiến huynh đệ tương tàn trong lịch sử Mỹ.

Kenneth thao thao bài giảng lịch sử Hoa Kỳ. Anh nghĩ đến mấy triệu sinh mạng người Việt Nam, ai là người chịu trách nhiệm? Nội chiến hay chiến tranh giải phóng dân tộc?

- Lịch sử thay đổi theo thời gian.

- Có lẽ. Nhưng phải cần một thời gian khá dài. Khi mà những người què cụt, mù lòa vì chiến tranh đã chết đi thì người ta mới tạm quên đi những đau xót của cuộc chiến để lại, và giai đoạn lịch sử ấy được thần thánh hóa trở thành một bản hùng ca chung cho dân tộc. Chỉ tiếc một điều, những điều tàn bạo của lịch sử vẫn cứ lập đi lập lại. Mày hãy xem người ta đang giết nhau ở Croatia và Bosnia...

- Tao nghĩ đó là bản chất của con người, vẫn thích đi lại những vết lăn tàn bạo của lịch sử. Có người đã nói một điều trớ trêu là văn minh loài người không thể tiến nếu không có chiến tranh. Thế giới không có chiến tranh là thế giới không có thực và sẽ không bao giờ tìm thấy được. Có đúng thế không?

- Kenny, Coi chừng exit 211 nhé.

Thấy không khí tranh luận có vẻ căng thẳng, một đề tài có lẽ cô không thích mấy, Nicole cắt ngang câu chuyện của hai người đàn ông. Anh ngồi co mình lại, im bặt. Kenneth bẻ gắt tay lái cố vào exit vế phía tay trái mà hắn đi hơi quá. Chiếc xe chao đi. Nicole chới với mất thăng bằng, đầu cô ngả vào lòng anh. Những cọng tóc lòa xòa quất vào mặt anh. Nicole chỏi đôi giầy cao ống cố gượng ngồi dậy.