Chương 1

“Khi tôi chết hãy mang tôi ra biển... ”

Hồ Minh Ngọc

Đêm trăng tròn trên đảo. Trăng mười sáu vừa ló dạng lên đỉnh núi. Trăng đứng giữa trời, tròn vạnh nhưng không tỏa rạng. Chỉ một ánh trăng duy nhất chiếu thẳng xuống mặt biển nghiêng nghiêng, nhạt nhòa thành những đường vàng nhạt, tan loãng trên sóng. Trăng vẫn tròn, trong sáng, và tươi trẻ như mọi khi nhưng núi và đảo thì đã tiêu điều, tiều tụy, già cỗi như cái bóng đổ, đùn đùn, gấp khúc nhăn nhăn trên sóng. Đám rừng cây từ trên đỉnh núi kéo dài qua bên mạn Đông Đảo người ta đã đốn trụi trong suốt mười mấy năm quạ Đám cây non lớn không kịp thay thế lũ cây già đã ngã quỵ. Khu trại phía Nam Đảo người ta phóng hỏa đốt bỏ hôm tuần rồi. Ngọn lửa thiêu rụi toàn khu trại bằng mái lá dừa, không đầy nửa buổi. Tối đến mưa phùn đổ xuống trên đống tro tàn, than và lọ nghe. nhuộm đen bãi biển, sền sệt, nhão nhẹt. Và, suốt tuần qua, mỗi đêm, ánh trăng trải ánh sáng vàng vọt trên đống tro tàn cũ, tạo ra cái vẻ hoang vu, ma quái. Người ta vẫn giữ cái giếng ở Nam Đảo, chưa lấp lại, vì cái giếng ở Trung Đảo quá đông người. Những sinh hoạt quanh miệng giếng Nam Đảo tối nay vẫn xảy ra bình thường như mọi đêm. Các cô gái đợi đêm xuống mới kéo nhau ra giếng để tắm giặt, vì ban ngày cái giếng ấy là của cánh đàn ông. Bọn họ kháo với nhau rằng cái giếng ấy có mạ

Buổi tiệc tàn. Trong cái dĩa sành, lơ thơ vài con tôm khô nằm mắc cạn chen lẫn với vài miếng ớt hiểm cùng vài mẩu chanh vắt. Ngoài kia sóng biển vẫn ì ầm, thủy triều rướn mình lên bãi cát sau mỗi đợt sóng, lấp lánh dưới ánh trăng tròn treo chênh chếch bên kia đỉnh ngọn núi Aur sừng sững. So với ánh đèn mờ mờ của thành phố Mersing cuối chân trời và ngọn đèn dầu heo hắt giữa bàn tiệc, ánh trăng kia có lẽ là nguồn sáng mạnh nhất, trải ánh sáng mập mờ trên những mái lá của khu trại Q, Nam Đảo. Phúc vươn vai, xoay người khỏi ghế, rồi quăng mình xuống bãi cát. Hơi rượu có lẽ đã thấm vào từng thớ thịt cuồn cuộn, vạm vỡ của người thanh niên chài lưới. Tay xoa xoa cái bụng phẳng lì như tấm phản, Phúc nhìn lên trời sao, rống cổ: " Con ở miền Nam ra thăm lăng .. ."

- Nghe mày hát mà tao mắc...

Quang lên tiếng phê bình. Phúc không phiền lòng vì Quang chê mình hát ẹ, có vẻ hãnh diện là đằng khác, bâng quơ chửi thề một câu cho xong chuyện:

- Mắc... thì cứ đi... thăm, tao hát thì kệ tao..

Xa xa về phía Trung Đảo, chơ vơ trên sóng biển dăm ba căn nhà hư ảo ma quái rải rác trong bóng tối ngai ngái, bóng soi vào vách núi chập chờn với ánh đèn néon lúc tắt, lúc mở như gần đứt hơi. Quang chưa kịp trả đũa, dì Trang đã lên tiếng can:

- Đừng có cãi nữa. Tối ngày cứ hết cãi tới đánh lộn. Chán quá!

- Dì Trang...

- Bữa nay là tiệc tiễn đưa Thịnh đi Mỹ. Ngày mai Thịnh đi rồi. Không thấy Miên nó sắp khóc kia kìa.

Im lặng. Một cơn gió mạnh. Ngọn đèn dầu tắt phụp. Cái tim vải cháy xém, chết đuối trong đáy chai xá xị ngập dầu xà lách. Những chai xá xị, hoặc chai bia được bọn tôi dùng dây cước cưa làm đôi, mài lên cát cho nhẵn, đáy chai dùng làm ly uống nước, hay đựng dầu nấu ăn làm đèn để đốt. Bóng tối chìm xuống thêm một chút quanh cái bàn tiệc đóng bằng gỗ đẽo ra từ những thân cây dừa non. Khum bàn tay che gió, tôi mồi thuốc, khó khăn lắm mới mồi được điếu thuốc. Qua ánh lửa xập xòe, tôi không rõ Miên có khóc hay không. Em ngồi đầu bàn bên kia, đối diện, mặt quay ra ngoài phía đất liền, thỉnh thoảng đưa tay vén những sợi tóc mai lòa xòa trên má.

- Hay để Thịnh đàn cho Miên hát đi. Dì Trang đề nghị.

- Phải đó. -Phúc và Quang nhao nhao.

- Thôi dì Trang à. Miên quay lại chống chế.

Tôi ngồi im lặng. Im lặng nhất trong bữa tiệc đêm naỵ Tiệc tiễn đưa tôi. Ngày mai tôi đi Mỹ rồi. Vui lên chứ. Sao lại buồn nhỉ. Tám tháng trên đảo tưởng như dài lắm, bây giờ đã là quá khứ. Tương lai hứa hẹn đang chờ tôi bên kia bờ đại dương. Tôi phải vui lên chứ. Sao lại buồn nhỉ?

- Để tao vào lấy cái đàn.

Phúc đứng dậy, phủi cát. Không ai trả lời, nhìn theo bước chân của Phúc lảo đảo, bóng khuất dần sau tàn lá dừa che kín lối vào trại. Khi Phúc mang đàn trở ra, Quang đón lấy, dạo nhạc, những ngón tay dài thoăn thoắt trên cần đàn. Một lát sau, Miên nhè nhẹ cất tiếng hát theo:

- " Đêm qua chưa, mà trời sao vội sáng

Một đàn chim cánh nhỏ chở mùa sang...

Mộng về một đêm xuân sang, em thì thầm ngày đó yêu... "

Tiếng hát của Miên dứt ngang, tắt tịt, xuống nhịp bằng tiếng "phập" của con dao găm phóng xuống giữa bàn tiệc. Lưỡi dao cắm ngập vào khoảng gỗ mềm. Miên kinh ngạc nhìn cán dao run run, cái bóng nghiêng nghiêng của lưỡi dao chập chờn kéo dài thành một vệt chạy xéo ra tận góc bàn. Bất thần từ góc bàn ấy, một cái bóng đen khác to sầm, rung chuyển dội trả lại, nuốt chửng lấy cả hình lẫn bóng của lưỡi dao mỏng đang run rẩy khiếp sợ. Đó là một người đàn ông trung niên khá lực lưỡng đang đứng sau Quang tự lúc nào. Khuôn mặt nhỏ, cằm lẻm, quai hàm run lên bần bật. Đôi mắt hắn trợn ngược, trắng bảnh nổi bật trên da mặt đỏ bầm dưới ánh trăng. Tôi liên tưởng đến một người mắt kinh phong, một người điên, hay một con chó dại đang gầm gừ nhìn mình từ đầu đến chân. Bất động. Yên lặng đến ngột ngạt. Tôi có thể nghe rất rõ tiếng gió thổi ù ù qua mang tai. Người mới đến nhảy phóc lên bàn, giằng mạnh lưỡi dao khỏi mặt bàn. Đó là một con dao săn, làm bằng thép đen, hình dáng như một loại đoản đao thu nhỏ. Một bên dao có răng cưa, bên kia lưỡi dao mài bóng loáng, mũi dao nhọn hoắt. Có lẽ đã được mua lậu của tụi lính Mã đem qua từ Mersing. Chúng tôi như những pho tượng hóa đá ngồi quanh bàn tiệc, nhìn tên phù thủy lắc lư, múa máy dưới bóng trăng với con dao lấp loáng trong taỵ Hắn ta sẽ cắt tiết ai trong chúng tôi? Tôi. Hắn tiến về phía tôi. Mùi thép lạnh của mũi dao nhọn dí vào cổ. Mẩu thuốc lá gần tàn lụi vì thiếu hơi, rời khỏi miệng. Gió thổi bạt, tàn lửa bay chập chờn như con đom đóm kiệt sức, tan biến vào bóng tối.

Mũi dao ấn mạnh hơn tí nữa. Con dao nhọn lắm. Cái nhọn cứa sâu vào da cổ, nẩy mầm thành trăm ngàn mũi nhọn khác lan tỏa ra khắp người, nhột nhạt dưới cái áo sơ mi của Liên Hiệp Quốc viện trợ. Một sự nóng bức ngột ngạt làm tôi khó thở. Cổ tôi cứng đờ.

Thời gian và không gian giờ đây lắng đọng lại và hội tụ vào một điểm, bất động.

Tôi đếm khẽ trong đầu... một... hai... Thời gian nặng nề. Một giây là trăm năm.