Chương 1

Ba tháng hè, khoảng thời gian mơ ước của bất cứ giáo viên nào vì sẽ được cuộc sống thảnh thơi. Không phải lo soạn giáo án. Không phải lo đi dạy đúng giờ giấc. Như một ngôi nhà từ lâu bị đóng kín vì chủ nhân bị đau ốm hay đi vắng, bây giờ những cánh cửa được mở tung đón chủ nhân trở về, đón ánh nắng ban mai rực rỡ, đón những ngọn gió đêm tươi mát thổi vào. Trong ba tháng hè, tâm hồn và hành vi của giáo viên cũng được mở tung sau chín tháng bị đóng cửa.

Tất cả những người bạn giáo viên của Kha đã được sống thảnh thơi trong mùa hè. Họ đã được trở về quê nhà hay đi đến một thành phố khác để nghỉ xả hơi, để được sống tự do không bị những đôi mắt dòm ngó, phê phán của học sinh và các phụ huynh. Tưởng tượng sống ở một nơi không bị những đôi mắt đó theo dõi, thật sung sướng biết bao.

Nhưng Kha đã không được sung sướng biết bao. Không được sống thảnh thơi như các bạn trong ba tháng hè tại thị trấn này.

Kha phải ở lại để dạy các lớp hè hai buổi sáng và dạy thêm lớp toán ban đêm. Chàng muốn dành dụm một số tiền để lo đám hỏi người yêu của chàng ở quê nhà vào dịp cuối năm naỵ Không có nàng chắc chàng đã theo thằng bạn dạy văn đi rong chơi. Dù cho bao tử có đói, chàng tin cũng sẽ được sống một thời gian thảnh thơi và thích thú. Nhưng vì nàng, vì những đòi hỏi của gia đình nàng. Kha đã phải tiếp tục đóng kín những cửa sổ tâm hồn trong ba tháng hè.

Những lớp toán ban đêm, Kha dạy ngay ở căn phòng trọ. Chàng đã phải khó nhọc giảng giải những bài toán cho học sinh hiểu. Không phải những bài toán đó quá khó hay học sinh chậm hiểu mà vì Kha biết chính chàng cũng không thích giải những bài toán đó một tí nào. Đấy không phải là thời gian để giải những bài toán hình học, đại số, hóa học. Đấy là thời gian phải được dành cho nàng. Cùng nàng đi dạo chơi dọc theo bờ sông Hương trong đêm hè nóng bức. Cùng nhau vào trong thành nội có những cây nhãn lá mướt xanh và hương hoa sen tỏa ra thơm ngát. Cùng nàng vào ngồi một quán nước có âm nhạc dịu dàng và ăn những ly chè hạt sen ngọt lịm...

Nhưng ở lại chốn này, Kha chỉ biết cùng học trò cặm cụi giải những bài toán khô khan, chán ngắt. Khi nghe những cậu học trò hỏi : "Ba tháng hè, thầy không về thăm nhà hả thầy? Dạy nhiều vậy thầy không sợ bể phổi sao thầy?" Kha đã phải bóp vụn cục phấn trong tay, để khỏi bạt tai chúng và môi chàng đã mím chặt để khỏi cau có. Chúng đâu có biết gì, chúng còn vô tự Chàng nghĩ vậy để xoa dịu cơn giận dữ.

Còn nàng có biết gì không ? Hay nàng cũng vô tư ? Thắc mắc này đã khiến Kha nổi điên đập vỡ mấy ly bia khi chàng ngồi uống một mình trong căn phòng trọ vắng lặng sau những buổi dạy đêm.

Thật ra Kha không sống cô độc khi phải ở lại đây ba tháng hè vì chàng đã có những người bạn chân tình ở địa phương này. Nhưng họ chẳng giúp được gì cho chàng. Những chai bia cũng chẳng giúp gì được cho chàng. Tất cả đều biết chuyện tình của chàng và nàng nhưng tất cả đều không hiểu tình yêu của chàng dành cho nàng.

Ngay cả thằng bạn dạy văn ở cùng phòng (nay đã đi xa) cũng không hiểu tình yêu đó. Hắn đâu đã yêu một cô gái nào bao giờ đâu mà hiểu chàng. Hắn chỉ yêu cây trúc đào sau vườn và say sưa nhìn ngắm những nụ hoa đỏ hồng lóng lánh sương đêm hé nở mỗi sáng như say sưa nhìn ngắm đôi môi người tình mỉm cười. Thấy dáng vẻ si mê điên khùng của hắn, đã có lần chàng nổi điên cầm dao định đốn cây trúc đào nếu hắn không đứng ôm chặt gốc cây che chở cho những nụ hoa.

Chàng không yêu đương lãng mạn lẩm cẩm như thằng bạn kỳ cục đó. Tuy sinh ra ở một thành phố thơ mộng nhưng Kha không yêu những đóa hoa vớ vẩn, chàng yêu một cô gái cùng quê hương và dự định phải kết hôn bằng được với nàng. "Tình chỉ đẹp khi còn dang dở". Cái "đẹp đó chàng xin dành cho thằng bạn dạy văn".

Gia đình nàng rất giàu, có gian hàng lớn buôn bán đủ thứ ở phố chính. Còn gia đinh chàng ở miền quê sống nhờ những vườn cau trổ trái bốn mùa. Đám hỏi và đám cưới của chàng khỏi phải lo vụ trầu cau vì đã có sẵn "cây nhà lá vườn" đủ biếu cho ngàn người. Chàng chỉ còn lo mấy thứ lỉnh kỉnh : rượu, trà, bánh su sê, vòng, nhẫn, áo cưới, xe hoa... Mấy thứ đó tuy lỉnh kỉnh nhưng cũng làm chàng điên cái đầu.

Cả hai gia đình đều sẵn sàng giúp đỡ chàng mấy thứ lỉnh kỉnh, sẵn sàng đùm bọc đời sống vợ chồng chàng, nhưng Kha từ chối sự giúp đỡ và đùm bọc đó. Bài học đầu tiên chàng học được ở Đại học Sư phạm không phải là phương pháp dạy dỗ học sinh mau hiểu mà là ý thức tự lập. Chàng muốn một gia đình do chính tay chàng tạo ra. Cưới nàng xong chàng sẽ thuê nhà cho hai người ở rồi dành dụm tiền mua nhà, rồi dành dụm tiền cho những đứa con, rồi dành dụm tiền cho đủ thứ. Nhưng trước tiên chàng phải dành dụm cho đám hỏi nàng vì vậy chàng đã ở lại thị trấn để dạy hè.