Chương 1

Tặng Hoàng Huệ

Sinh mở mắt nhìn trân trân lên mái nhà, chàng vừa ra khỏi giấc ngủ nhọc mệt nặng nề, nó là một cơn tê độn hơn là một sự nghỉ ngơi. Đầu chàng nặng trĩu trên gối, óc đắm trong một trống rỗng tối đen. Chàng có cái ý tưởng kỳ dị rằng nếu gõ lên đó, sẽ bật ra những tiếng rền thảm thê như cõi chết.

Có tiếng chân người bước nhẹ. Sinh vẫn nằm yên trân trân nhìn bóng tối ẩn trong góc mái nhà. Một bóng người se sẽ xáp gần, rồi chàng cảm thấy trên cổ tay sự tiếp xúc dịu dàng và man mát của một bàn tay gầy. Đôi môi chàng mấp máy gọi: "Mẹ!".

Mẹ chàng cúi xuống, và tiếng "Con" đáp lại như vang âm tiếng gọi của chàng. Bà cụ hỏi, giọng ảo não:

- Con thấy đỡ không con? Con mệt mãi, mẹ lo buồn quá. Mẹ đem thuốc cho con uống nhé?

Mùi thuốc đắng phảng phất trở lại làm rợn khứu giác Sinh.

Chàng đáp:

- Không, mẹ ạ, con không uống thuốc nữa đâu.

- Không uống thuốc bao giờ cho khỏi! Con uống một thang nữa thôi, nhé?

Sinh khẽ lắc đầu, nói chậm rãi:

- Thuốc uống vào bụng có ích chi đâu... Con đau ở tim, ở hồn kia, mẹ ạ.

Bà cụ ngồi cầm tay con, không nói gì nữa. Sự lặng lẽ mà bóng mờ của căn phòng tăng niềm u uất đè lên hồn Sinh. Thỉnh thoảng bà cụ đưa vạt áo lên lau mắt, hình như bà khóc thầm, và Sinh thấy nao nao buồn vì đã làm phiền lòng mẹ. Chàng hỏi:

- Mẹ Ơi, con nghe ngoài kia hình như có tiếng xôn xao, phải không mẹ?

- Phải đó, con ạ. Hôm nay trời đã hửng nắng.

- Vậy à, mẹ?

Chàng ngoảnh nhìn ra phía cửa sổ, nhưng các cửa đều đóng kín, lại bị riềm dày che ngăn gió. Chợt chàng thấy một giọt nắng tròn trên góc chiếu, một giọt nắng vàng hoe hoẹ Chàng định hỏi: "Nắng còn dịu lắm, phải không?", nhưng để ý, chàng thấy giọt nắng sẫm dần, sẫm dần, cho đến khi ánh phản chiếu dọi sáng loa lóa một mảng tường. Chàng duỗi tay hứng nắng vào giữa lòng bàn taỵ Giọt nắng lúng liếng duỗi dài, co lại trên bàn tay mà chàng sẽ nghiêng bên này, bên nọ. Chàng nắm tay lại thì ánh vàng dâng tràn, chảy rời rợi trên ngón.

Trong lòng Sinh một niềm vui nhè nhẹ vừa lên, xôn xao theo tiếng đồng hồ vọng từ ngoài kia. Chàng ngồi nhỏm dậy. Mẹ chàng bảo:

- Con nằm xuống kẻo chóng mặt.

- Không mẹ ạ, con đã thấy bớt nhiều. Mẹ để con đi lại trong phòng, nằm lắm chỉ thêm mỏi mệt.

Cơn hoa mắt tan rồi, Sinh đứng dậy. Mẹ chàng nói:

- Mẹ đi nấu cháo con ăn nhé. Rồi chiều hẵng uống thuốc cũng được.

Sinh tới vén riềm mở tung cửa sổ. ánh sáng ùa tràn vào thành luồng lớn, khiến chàng ngợp trong sóng vàng chói lói.

Màu nắng vàng tươi, không nồng lắm và trong như lọc; da trời xanh lơ lơ, thứ màu xanh e lệ của một thời tiết muốn đẹp nhưng còn ngập ngừng. Những mái tranh, những khóm lá cho đến những nếp núi biếc lượn ngoài xa tít, đều hiện ra với những hình sắc rõ rệt. Những thanh âm rộn rã bay lên thinh không, tiếng người nói, tiếng trẻ con nô đùa đâu ở phía chùa làng, Sinh nghe lạ tai. Có tiếng động khô khan của thân cây nào nứt nở, không biết vì căng nhựa xuân hay vì phơi nắng mới. Thỉnh thoảng, tiếng guốc dập lộp cộp, giòn giã trong ngõ hẻm khô ráo hay tiếng răng cào lê trên sân thóc rào rạo.

Sinh hé miệng cười; chàng vừa nghe tiếng chim hót, một tiếng chim quen; cứ mỗi mùa xuân trước, lang thang dưới những lùm cây, chàng thường lắng nghe tiếng ca vui của giống chim gì, giọng trong và nhọn hoắt, điệu kỳ quặc: lúc đầu ba tiếng dài lơi nhịp, rồi bỗng tiếng hót đổ hồi. Chàng chưa bao giờ được thấy hình thể giống chim ấy; hình như chúng chỉ đỗ trên cành rất cao. Cả đến tên giống chim, những người mà chàng hỏi cũng không ai biết. Nhưng chàng yêu chúng lắm, bởi mỗi khi xuân về, chúng lại trở lại ca mừng, để hợp điệu với niềm rộn ràng vui sướng của lòng chàng.

Mẹ chàng bưng cháo vào, thấy cửa sổ mở thì ngạc nhiên quá sức. Bà định tới đóng cửa lại, nhưng Sinh bảo:

- Để mở thế cho con, mẹ ạ. Nắng xuân chữa những hồn buồn mầu nhiệm hơn phương thuốc nào hết.

Bà cụ không hiểu lời con nói; nhưng bà nhận thấy da mặt con có sắc hồng hào trong ánh sáng. Bà không đóng cửa nữa, ngồi lặng nhìn con.

Khác với mọi ngày, Sinh ăn hết bát cháo và ăn một hơi. Mẹ chàng hỏi, mắt long lanh vui sướng:

- Con ăn nữa nhé?

- Thế vừa rồi, thưa mẹ. Sớm mai con sẽ ăn nhiều hơn. Con thấy đã khỏe lắm rồi. Mẹ để con nằm nghỉ. Mẹ đừng đóng cửa nhé, để cho con nghe tiếng con chim đang hót ngoài kia, giọng sao mà dễ yêu lạ.

Bà cụ ra rồi, chàng kéo ghế gần cửa sổ, ngồi duỗi chân tay ra sưởi nắng. Nắng ấm đốt lâm châm trên da chàng. Chàng hốt nắng trong lòng bàn tay và tưởng thấy nắng chảy rời rợi thành dòng vàng xuống đất khi chàng xòe ngón.

Một con chiền chiện bay chéo qua cửa sổ như chiếc mũi tên màu vàng nhạt, hót lên mấy tiếng. Sinh giật mình, tim đập mạnh trong ngạc nhiên sung sướng, chàng ghé ra ngoài khung cửa, cố nhìn theo: con chim xòe cánh bay vụt lên trời, biến vào trong không khí. Mấy tiếng hót như lời kêu gọi khẩn thiết. Lòng Sinh rộn rã khát khao khoảng rộng, sau mấy tháng tù ngục trong buồng kín ủ bóng tối. Vội vàng, vội vàng, chàng vớ lấy mũ đội, mở cửa bước ra.

Vòm trời đã dâng cao, thinh không nhẹ nhõm, không còn sự đè ép của mây xám mùa đông nữa. Ra khỏi cổng, chàng rẽ về tay trái, tiến tới hướng mặt trời. Ngõ hẻm khô ráo rắn chắc dưới chân chàng. Nhưng hai lề chưa khô hẳn, còn lơ thơ những lá thối úa mà mưa gió mùa đông đã hái xuống lát dày các ngõ. Trên các bụi râm bụt và xương rồng vắt phơi những chiếc áo nâu, những manh chiếu cũ, những bao bì mòn xơ đã dùng làm chăn đắp. Các sân nhà lát từng vạt lá đa, bã mía, thứ củi đun của kẻ nghèo. Một vài bà mụ nhà quê ngồi dưới nắng gội đầu, mình trên chỉ mặc chiếc yếm nâu; nước bồ kết chảy roi rói xuống chậu, tiếng reo trong vui. Các phên cửa chống cao, mời ánh sáng tràn vào. Mùi nhàn nhạt ẩm mốc của nền đất bay phảng phất.

Nắng không nồng màu, nhưng oi ả như nắng hè. Sinh đã thấy da mặt ran rát. Cạnh giếng, vài đứa trẻ đứng tắm, tồng ngồng, và má những cô gánh nước đã đỏ hây lên.

Má những cô gánh nước đã đỏ hây lên, mắt thêm màu trong sáng; nhưng chàng bước đi, thái độ đăm chiêu. Chàng trai ấy vốn không phải vô tình, nhưng một cảnh tượng vừa khiến tim chàng thắt lại.

Chàng vừa đi qua cổng hậu dinh cơ của một ông Phủ hưu trí và đã đứng lại chút nhìn vào. Một người đàn ông mặc thứ áo xanh nửa dài nửa cộc của lính lệ, đương vắt phơi trên dây những mền bông áo kép. Cạnh đó một cô gái xở từng quần áo từ trong chiếc hòm lớn, những quần trắng, những áo màu. Nàng ướm một cái áo dài sọc hồng lên ngang vai và nói gì với người đầy tớ, hình như hỏi còn vừa hay không; anh đầy tớ quay nhìn, miệng đáp đầu gật. Nàng mặc chiếc áo vào mình, rồi ngắm nghía, đi đi lại lại môi dường chúm chím.

Rồi Sinh không thấy gì nữa. Hơi nóng đã bốc lên đầu choáng váng, mắt chàng hoa lên, và chàng bỏ đi. Chàng bước đi, dáng lừ khừ, chân thất thểu. Hồn chàng trở lại đen tối, vẩn đục trong sự sôi nổi của những tình cảm nặng nề, những kỷ niệm cay chuạ Chàng cắn khít hàm răng, tưởng chừng sợ lòng bi thống quá sẽ bất giác thốt tiếng rên rỉ. Chàng đi thất thểu, chàng đi lang thang như một gã hành khất.

Chợt Sinh giật mình. Ai vừa gọi "Nga ơi!" đâu đây, chàng tưởng nghe một lời khiêu khích. Nhưng không, đó chỉ là tiếng bà Phủ gọi con; cô gái đáp: "Dạ" với giọng kéo dài uốn éo kiểu cách của hạng người đài các. Giọng quen biết và thân yêu ấy dội trong Sinh, tim chàng run rẩy. Hai mẹ con nói gì với nhau, chàng không nghe rõ. Tự dưng hai người cười phá lên, tiếng cười giòn vang trong thinh không pha lệ Chàng tự bảo, tiếng rền của thâm tâm vị kỷ: "Cô ta vẫn vui, vẫn cười, hừ! Trong khi mình đã tan nát cả cõi lòng". Chàng bước nhanh hơn như để trốn chạy, và lẩm bẩm: "Yêu là cho, là mất, yêu là một sự dại khờ".

Lần đầu tiên chàng có giọng điệu như thế về tình ái.

Bởi chàng vốn đa tình. Tim chàng là một ngọn lá non, mà sự mơn trớn của tình cảm nhẹ nhàng nhất cũng làm cho run rẩy. Một hơi gió đầu mùa khiến chàng bâng khuâng, một tia nắng vàng gieo cho chàng niềm vui ấm áp; trước một hoàng hôn tím, chàng xao xuyến đến rưng rưng. Lời chim là tiếng hót của lòng chàng, mây hồng núi biếc và bể cả ngoài kia mà tiếng gọi rì rào mơ hồ ngân tới, là bạn thiết trong những giờ mơ mộng. Những cô gái tóc dài má thắm gặp lúc ban ngày thường trở lại vấn vương giấc mộng của chàng.

ôi! Những luồng mắt nhung huyền ảo dưới rèm mi cong, những nụ cười hồng chúm chím, những nét mày thanh, những làn tóc buông óng ả, có một sức huyền bí xao động cả lòng chàng! Trái tim trẻ đập trong lồng ngực dường như bao giờ cũng tràn ngập một nguồn yêu thương vừa rộng mở vừa kín đáo, chứa chan chan chứa mà lại tinh khiết e dè. Chàng mang nguyên vẹn trái tim trẻ và nguồn yêu thương tinh khiết ấy về đồng quê, chốn chàng lui về sau mấy năm học tập, chốn của những cô thôn nữ miền duyên hải đẹp một vẻ đẹp rám hồng bền đậm trong sự sống mãnh liệt của gió mặn và sóng lớn. Một buổi sáng đi lang thang trong các ngõ hẻm, Sinh gặp một cô em họ quẩy gánh hàng tạp hóa đi chợ bán. Chàng đứng ngây, quên cả đáp lời chào; má cô gái đượm một màu hồng man mác làm rời rợi cả tâm hồn chàng, do ánh giấy hồng điều phản chiếu lên da mịn. Cô em bây giờ đã lấy chồng, nhưng chàng vẫn quý báu giữ lấy cảm giác rời rợi của đôi má hồng man mác. Một lần ở tỉnh, chàng đi xem một ban kịch danh tiếng. Nhưng chàng không thấy gì trên sân khấu, tất cả chú ý đã bị chiếm giữ bởi mái tóc thề và nét cong thanh tao của đôi vai cô bé ngồi trước mặt chàng. Đôi vai thon thon, nét cong dịu dàng và nhỏ nhắn viền một dọc sáng mờ, mỗi khi cô cười thì có một rung động khẽ. Thỉnh thoảng cô quay đầu, trong một cử động nhẹn, để nói với bà mẹ ngồi cạnh những cảm tưởng của mình; làn tóc buông lơi hắt mạnh, rải lòa xòa trên vai, và Sinh thấy, in trên nền sáng của sân khấu, bóng mờ mặt cô bé nhìn ngang, mũi dọc dừa, cằm hơi nhọn, môi nùng nũng. Lúc trở về nghe bạn hỏi: "Thế nào, ý anh về vở kịch?" Chàng đáp: "Hay, vui lắm, nhiều đoạn buồn cười". Người bạn ngạc nhiên vì lời phê bình giản lược ấy, không biết rằng Sinh chỉ đã lặp lại những lời cô bé chắc hẳn tuổi chỉ mới mười bốn mười lăm nói với mẹ.

Chàng đâm yêu cô bé, tương tư phiền quấy lòng chàng ít lâu rồi phai lạt. Tình chàng vẫn thế, liên miên không dứt, nhưng kết bằng muôn tình nhỏ ngắn bâng quợ Lòng chàng là con bươm bướm, mỗi sáng chờn vờn một nhị hoa, nhưng không bám hút nhị nào. Chàng chưa hề biết những đam mê sôi nổi, chàng chỉ cảm thấy phớt qua lòng sự xao xuyến dịu dàng, niềm luyến nhớ bâng khuâng. Vả tính chàng bất chuyên nhất và trăng hoa lắm, dù có muốn cũng không yêu riêng được một người, trong khi bao người bao cảnh khác phô vẻ đẹp cùng quyến rũ như nhau trước con mắt chàng thiết tha và ham hố.