Đuổi bắt trên đồi cao

Trời mưa dầm gío rét

hai đứa níu kéo nhau

Té lăn cù tưởng chết

Tỉnh dậy dưới chân đồi

Ruộng ngô ai ngào ngạt

Chạy khắp ruộng tìm coi

Nào ngờ em trốn mất

Tháng Ba ngô kết trái

Một mình ta giận thay

Bắt đền ruộng ngô đấy

Bẻ về cho biết tay

ôm về em bó ngô

Hai đứa cười khúc khích

Đêm nay ta nhóm lửa

Nướng ngô vui bằng thích

Hạt ngô thơm mùi sữa

nở đều như răng em

Ta ghe môi cắn vỡ

Ăn mãi chưa đã thèm

Ngô chín vàng đêm đêm

Giục lòng ta cháy đo?

Gío mưa gieo ngoài thềm

Giật mình biết đâu đó

Lời muốn nói yêu em

Như than hồng trong miệng

Nhai dập nghìn hạt mềm

Vẫn cất không thành tiếng

Muốn nương nhờ vai em

Hai bàn tay bão dậy

Vật vã trăm nghìn phen

Vẫn dằn lòng mai vậy

Mai rồi mai lần lữa

Thoáng chốc mười mấy năm

Bao nhiêu mùa ngô vàng

Bấy nhiêu mùa nhung nhớ

Hôm nay qua đồi xưa

Trợt chân bàng hoàng mãi

ôi ngày thơ tình thơ

Mất về đâu tuổi dại

Tháng Ba ngô kết trái

Một mình ta buồn thay

Ruộng ngô vàng vẫn đấy

Nhưng bẻ về với ai

Về với ai giờ nữa

Một mình ta ngẩn ngơ

Nghe hạt ngô đầu mùa

Vỡ trong răng nức nơ?

Mùa ngô cũ - Trần Dạ Từ

" Tí Một ơi,

Mở đầu cho lá thư mà anh biết sẽ rất vụng về này là một bài thơ anh đã đọc say sưa lúc mới lên mười. Tâm sự của thi sĩ Trần Dạ Từ sao mà dễ thương như một truyện cổ tích, phải không em ?

Anh cũng có một truyện cổ tích muốn kể cho em nghe như thuở nào nhưng anh chưa biết bắt đầu từ đâu. Thôi thì hãy bắt đầu từ câu chuyện của hôm nay, em nhé.

Hôm nay, ngồi một mình bên bờ hồ vắng vẻ, anh bỗng thấy nhớ Tí Một đến cồn cào, đến như muốn tan loãng vào thinh không để được gần Tí Một hơn chút nữa.

Anh không có tài làm thơ văn nên đành mượn thơ Trần Dạ Từ để gởi đến Tí Một tâm trạng của anh. Như anh đã viết, anh đọc bài thơ này lâu lắm rồi nên không nhớ rõ ràng cách chiết đọan, nhưng anh tin rằng Tí Một vẫn có thể cảm được ý tưởng của tác giả, chừng ấy đã đủ, phải không Tí Một ?

Nếu như anh được một điều ước thì anh chỉ mong cầu điều duy nhất á được cùng Tí Một sống lại những ngày tháng xa xưa thuở ta còn chân ướt, chân ráo ở trại Bidong. Anh nói "chân ướt, chân ráo" không phải để ám chỉ sự ngơ ngác ở một khung trời xa lạ, mà là nghĩa đen thật sự, bởi hai đứa mình cứ rong ruổi hết suối rồi đến đèo, không ướt chân mới lạ. Lanh lẹ như Tí Một thì dễ gì ngơ ngác chứ hả ?

Ở Bidong không có ruộng ngô vàng để anh được làm người hùng bẻ ngô rồi đem nướng cho Tí Một ăn như ông thi sĩ đã làm cho người yêu ngày thơ của anh. Ví dù có ruộng ngô đi chăng nữa, anh cũng không dám bẻ cho Tí Một bởi Tí Một họ Ngô ! Anh chỉ sợ không khéo sẽ làm Tí Một tưởng anh chọc ghẹo rồi giận anh thì có người buồn hiu hắt đó.

Dạo ấy, Tí Một chỉ là một con nhỏ nhỏ xíu ốm nhách mà có oai ghê lắm. Chỉ cần Tí Một xụ mặt xuống là có gã khờ hoảng hồn làm đủ cách để được nhìn Tí Một nhoẻn miệng cười tươi.

Và ở Bidong cũng không có cảnh hai đứa nhóc chơi trò đuổi bắt nhau, bởi lúc ấy anh đã lớn hơn Tí Một lắm rồi.

Nhưng ở Bidong có những điều mà anh chẳng thể tìm lại được ở đâu, với ai. Đó là những ngày tháng anh dẫn Tí Một đi câu cá, dạy cho Tí Một bơi cho giỏi và những lúc anh đóng vai ông thầy nghiêm khắc, bắt Tí Một làm toán và trả bài tiếng Anh . ..

Tí Một ơi,

Đã gần hai mươi năm qua rồi mà kỷ niệm ấy cứ lẩn quẩn trong anh. Anh đã quá vụng về, quá yếu đuối để có thể từ bỏ vai trò ngưới anh tinh thần mà tiến đến một vị trí đặc biệt hơn trong Tí Một. Để rồi bây giờ anh phải ngồi lặng lẽ nhìn mặt nước trong xanh như mắt Tí Một để hồi tưởng về dĩ vãng. Anh không thể làm gì khác hơn ngoài việc dọn đến xứ Vạn Hồ này, để mỗi cuối tuần được xách cần câu ra bờ hồ gần nhà và tưởng như Tí Một còn ở đâu đây cùng anh câu cá.

Đây là lá thư đầu tiên anh gởi cho Tí Một sau nhiều năm xa cách. Anh biết đã muộn lắm rồi nhưng anh không muốn đến lúc chết đi mà tâm sự vẫn trùng trùng.

Bây giờ Tí Một đang là một phụ nữ xinh xắn, nhưng hãy cho phép anh được gọi Tí Một như ngày nào, bởi cho dù trái đất có quay bao nhiêu vòng, Tí Một vẫn luôn là Tí Một trong anh.

Trường An "

Thủy đọc lại lá thư lần nữa như không thể tin được những gì mình đã đọc. Lá thư của người anh "người dưng khác ho" đã thất lạc bao năm sao mà quá tha thiết, quá chân tình. Anh không hề vụng về chút nào bởi anh đã làm kỷ niệm xưa sống lại trong Thủy xôn xao. ..

Anh đố Tí Một tại sao ba má kêu nhỏ là Tí Một ?

Tại còn Tí Hai với Tí Ba nữa !

Sai bét. Tại Tí Một nhỏ xíu và ốm nhách như con số một.

Con nhỏ ngẩn người ra nhìn An một cách nghi ngờ. Đến khi thấy An cười khì khì con nhỏ mới biết là mình vừa bị chọc quệ Con nhỏ thấy tức An lắm, muốn bỏ chạy về trại một mình nhưng thấy hơi sợ nên ráng ngồi lại bờ suối và quay mặt đi hướng khác.

Thấy con nhỏ không tía lia hỏi này hỏi nọ, An biết con nhỏ lại hờn nữa rồi. An biết con nhỏ dễ hờn dễ giận lắm, nhưng sao An vẫn không dằn lòng được bởi An rất thích nhìn khuôn mặt phụng phịu của con nhỏ mỗi khi giận dỗi.

An biết con nhỏ đang quay lưng lại mình nên lén rút dây câu lên và móc vào đó con cá đã câu được. Đợi một chút, An giả vờ la lên :

Tí Một, Tí Một, có con cá cắn câu rồi nè. Tí Một có muốn kéo con cá lên hông ?

Con nhỏ hơi giật mình, quay lại nhìn An, rồi cặp mắt sáng lên, gật đầu lia lịa, dấu hiệu con nhỏ đã chịu "hue" với An. An chuyển cần câu qua tay Tí Một rồi thích thú nhìn cảnh con nhỏ háo hức kéo con cá lên từ từ. Tội nghiệp con cá bị mắc lưỡi câu đến hai lần chỉ vì có một cô bé đang hờn !

Nhưng mưu kế của An vẫn không qua được cặp mắt to quá cỡ của con nhỏ. Khi con nhỏ bỏ con cá vừa kéo lên vào giỏ thì nó phát giác ngay :

Sao hồi nãy có ba con mà bây giờ cũng là ba con vậy anh An ?

An cười méo mó,

Chắc có một con nhảy khỏi giỏ mà mình không hay.

Rồi sợ Tí Một sẽ hỏi thêm thì An sẽ "bể mánh" nên An đánh trống lảng,

Thôi Tí Một lại gần đây anh kể chuyện cho nghe.

Con nhỏ ngoan ngoản nhích lại gần bên An như mỗi khi được nghe An kể chuyện cổ tích.

An hắng giọng rồi bắt đầu đưa mình vào thế giới vô hệ lụy của tuổi thơ :

Ngày xưa, xưa lắm, lúc đó Tí Một chỉ là một cái trứng nhỏ xíu thôi,

chưa nở thành người, má Tí Một rất ước ao có một người con gái vì mấy anh của Tí Một phá quá làm má mệt lắm. Đêm nào má cũng nhìn lên bầu trời và khấn :"Lạy Trời Phật cho con sinh được một đứa con gái, chỉ cần một đứa thôi cũng được." Ngờ đâu lời cầu xin linh nghiệm quá, năm đó má đẻ ra một đứa bé gái thật dễ thương, cứ nhoẻn miệng cười hoài. Má nhớ tới lời cầu xin nên đặt cho con nhỏ tên Tí Một, nghĩa là chỉ có một mà thôi...

Con nhỏ nghe An nói mình là một đứa bé gái thật là dễ thương nên khoái chí cười tủm tỉm và hơi mắc cỡ nên thả chân xuống mặt nước đung đưa. Chơi với nước một lúc con nhỏ bất ngờ hỏi :

Nhưng sao còn có Tí Hai với Tí Ba?

Tại sợ Tí Một buồn nên Trời cho má đẻ thêm hai đứa con gái nữa.

Con nhỏ gật gù rồi lại hỏi tiếp :

Nhưng tại sao Tí Một còn có tên Thủy nữa?

An vốn đã chuẩn bị sẵn câu trả lời vì biết chắc con nhỏ sẽ hỏi như vậy, nhưng không trả lời vội, hỏi ngược lại con nhỏ :

Tí Một nhìn lên trời xem có thấy gì không ?

Con nhỏ ngước đôi mắt cũng trong xanh như bầu trời của mình hướng lên cao quan sát ra vẻ chăm chú lắm,

Có một đám mấy hình con ngựa đang chạy. ..

Anh không nói đám mây, Tí Một có thấy sau đám mây là cái gì không?

Anh An xạo kẹ Làm sao thấy được sau đám mây chứ ?

Thôi bây giờ để anh nói sau đám mây là cái gì nhạ à, Tí Một có biết mình sinh ngày nào không ?Dễ ẹt, ngày 24 tháng 10.

Ừ, đúng rồi. Mỗi một con người khi được sinh ra vào ngày giờ nào sẽ

có nhiều ngôi sao trên trời chiếu vào người đó. Tùy theo những ngôi sao này mà mạng số của con người khác nhau. Mạng số của Tí Một còn có tên gọi là Thiên Hà Thủy, có nghĩa là dòng sông trên trời. Ba má đặt cho Tí Một tên Thủy là vì vậy. Tí Một biết hông, Tí Một oai lắm đó, nếu không có dòng sông trên trời thì sẽ không có mưa, lúc đó mặt đất sẽ khô cằn và cây cối không sống nổi đó.

Con nhỏ tuy không hiểu rõ những gì An kể nhưng nghe nói mình "oai" thì con nhỏ thấy vui lắm, nhe miệng cười toe.

Thiệt hả ?

Ừ, thiệt đó. Mai mốt khi Tí Một lớn lên Tí Một sẽ biết anh không có xạo với Tí Một bao giờ.Vậy chứ ngôi sao của anh là gì vậy?

Mạng của anh là đất, bởi vậy...

Thấy An ngập ngừng rồi im luôn, con nhỏ quay nhìn An chờ đợi, An vẫn im lặng và rồi lảng qua chuyện khác :

Tí Một hỏi nhiều quá mấy con cá cũng sợ chạy mất tiêu. Nãy giờ anh không câu thêm được con nào nữa hết.Xí, tại anh An câu dở rồi đổ thừa cho Tí Một.

Con nhỏ tức mình lo cãi với An nên quên mất là mình đang chờ An nói tiếp về mạng số của An.

Và con nhỏ đã quên, quên cho đến gần hai mươi năm sau, khi nhận thư An con nhỏ mới biết tại sao lúc đó An ngập ngừng.

Hết