Chương 1

Tôi gặp lão lần đầu trong quán thịt chó của bà Tư béo, nơi tôi đến bỏ rượu gạo hàng chiều sau giờ đi làm. Lão xuất hiện với bộ dạng một người lỡ đường, tay bị, tay mũ cối, gương mặt rỗ hoa lấm tấm bụi đường và mồ hôi. Tưởng lão là người ăn xin, bà Tư đuổi như đuổi tà:

- Đi ra! Để người ta bán, đừng có hãm tài.

- Thưa bà, tôi không xin. Tôi tận Hà Bắc vào đây tìm người quen. Bà cho tôi hỏi... bà có biết người này.

Lão chìa ra mảnh giấy bọc ép nylon như thẻ căn cước, ghi dòng chữ: Hai Xuân, người Bắc Ninh, có chồng tên Tuất. Sau 1975 có người gặp sinh sống ở Đà Nẵng.

- Mơ hồ thế có trời biết! Không đường, không số nhà... Già rồi lẩm cẩm. Con cháu sáng suốt không sai đi tìm. Thôi đi chỗ khác. Đây cũng là dân ngụ cư thôi! Không biết!

Bà chủ quay ngoắt, dềnh ngang bộ mông núng nính đi vào bếp. Lão lẩm bẩm:

- Cả tuần nay... hỏi ai cũng trả lời chừng đó!

Thương hại lão, tôi gợi chuyện:

- Thế bà Xuân người như thế nào?

- Cô ấy người dong dỏng. Trắng tươi. Hát haỵ Xinh đẹp.

Bàn thịt chó bên cạnh lập tức nhao lên:

- Ồ ! Cháu lão hả? Bao nhiêu tuổi? Để tụi này tìm giúp coi có “xơ múi” chi không?

- Cô ấy thua tui một tuổi?

Cái quán ven đường bỗng òa vỡ tiếng cười. Tiếng đập bàn, la ó, huýt gió, hô hố... náo loạn.

- Thế thì "cố" chứ "cô" gì! Làm tụi này tưởng bở bố ạ! Cỡ ấy ra nghĩa địa tìm dễ hơn.

- Mà cố Xuân là gì của lão? - Gã để râu xồm xoàm vừa nhai vừa hỏi.

- Xưa cô ấy là bạn hát quan họ của tôi.

- Lão vượt đường dài ở tuổi này để tìm một bạn hát xưa già khú đế à?

- Vâng.

- Trời ơi... là trời... Ở mô rớt xuống ông ngố đa tình như ri hở trời! - Gã giọng Huế cùng bàn cúi gập người rên giữa một tràng cười. Còn lão điềm tĩnh, kiên định hỏi tiếp:

- Mua bản đồ thành phố ở đâu mấy chú?

- Thôi lão ơi, có khát tợp ít ngụm rồi mua vé về nhà nằm nghỉ. Kiếp sau yêu cho dài ngày rộng tháng.

Rồi để thưởng câu nói mà gã tự cho là ý vị ấy, gã để râu ngửa mặt lên trời, ném điệu nghệ một miếng dồi chó vào miệng, nhai nghiến ngấu, tợp một ngụm rượu, khà một tiếng khoái trá.

- Ngoài tôi, chỉ có món xào và rựa mận là để bát đĩa. Còn các món khác đựng trong lá tất... Ăn bốc mới đúng điệu. - Đột ngột lão góp ý.

- Coi bộ cũng là dân nghiện mộc tồn.

- Phải thật thoải mái, không cần giữ ý tứ. Bữa ăn phải đượm mùi hoang sơ của những người lục lâm tứ chiếng.

- Mở đầu được đấy ! Mần ly rượu nói tiếp đi!

Câu chuyện xoay quanh chó: cách chọn chó, nấu chó, ăn chó... Lão sành đến nỗi những cái mặt đỏ gay, những cái miệng bóng nhẫy đều quay về phía lão hóng chuyện. Cái mông núng nính của bà Tư cũng yên vị trên chiếc ghế dựa hồi nào. Bà chủ đang há hốc miệng nghe lão bày cách chế biến từ bảy món cầy cơ bản thành mười món hoặc hơn nữa. Lạ là lão sành món “hương nhục” đến thế lại từ chối động đũa vào đĩa chó. bà Tư đích thân bưng đến đặt trước mặt lão để mong thụ giáo. Lão giải thích hễ lão cầm đũa là phải ăn no mới thôi. Cái thứ này hễ ăn là say, ăn mãi... ăn thì phải đúng điệu với bạn tri ân để say còn khóc cười cho hả...

- Khách của tui đủ giới, ở khắp thành phố này - bà chủ lên tiếng - Dò tìm một cố Xuân nói giọng Bắc, vấn khăn, cao dong dỏng, biết hát quan họ không phải là khó. Tui sẽ nhờ anh em... sẽ để lão ăn thịt chó thỏa thuê không lấy tiền... với điều kiện lão giúp tôi tiếp khí sắc cho quán. Dãy này bốn quán... phải có ngón nghề đặc biệt mới kéo khách về mình...