Đã tự nhủ trong lòng. Hôm nay phải tập trung tư tưởng để làm một mẻ bánh mì baguette cho thật ngon để thết đãi quan khách của hãng ra thăm giàn khoan, như người đầu bếp căn dặn. Thế mà, Vịnh đã quên, không cho muối vào bột. Bánh mì không nêm muối, giống như ăn bánh bèo mà không có nước mắm vậy. Ăn vào, giống như ăn một tờ giấy trắng, chẳng có hương vị gì. Làm bánh mì baguette cần rất nhiều thời gian để ủ bột, nên Vịnh không thể làm lại mẻ khác. Thôi đành lờ đi như không có chuyện gì xảy ra. Cầu mong cho quan khách dễ tính, đừng có than phiền, kẻo lại bị khiển trách, có khi mất việc.

Ngày mai là mùng một Tết. Đêm nay là đêm Giao Thừa rồi, hỏi làm sao Vịnh có thể an tâm làm việc, trong khi Bích Phương, vợ của chàng, và Mỵ Nương, con gái cưng của chàng, đang mong mỏi, nhớ nhung chàng ở một chân trời xa lắc.

Vịnh vượt thoát sang Mỹ một mình, do một sự tình cờ: Nhờ việc chàng đã liều mạng bước đại lên ghe, khi đưa tiễn một người bạn vượt biên. Bởi vậy, chàng đã không kịp từ giã vợ con. Điều này làm chàng ân hận mãi, và cũng vì lý do đó, vợ chàng nghi ngờ chàng khôn nguôi. Cho đến nay, mặc dù đã sáu năm trôi qua, tốn biết bao nhiêu lời giải thích, nàng vẫn còn nghi ngờ lòng chung thuỷ của chàng qua những bức thư đầy nước mắt. Không nghi ngờ làm sao được, khi Vịnh có tật hay khen các cô gái khác trước mặt vợ mình. Thực ra, chàng chỉ có ý làm như thế để trêu vợ thôi, nhưng Bích Phương thì lại nghĩ khác, vì nàng thường ví chồng như một con dê đực được thả về rừng.

Vịnh đến Mỹ năm 1981. Về thành phố Corpus Christy thuộc tiểu bang Texas nhằm lúc kinh tế Mỹ xuống dốc, nên rất khó kiếm việc làm. Chàng phải đi theo giúp việc trên một tầu đánh tôm. Rong ruổi trên Vịnh Mễ Tây Cơ có khi hàng tháng không vào tới đất liền. Điều kiện làm việc trên tầu rất cực khổ. Đêm làm, ngày ngủ, kèm theo sóng gió bão bùng. Dù còn trai trẻ ở tuổi ba mươi, Vịnh cũng chịu không thấu. Sau vài chuyến ra khơi. " Chí tuy còn mong tiến bước, nhưng sức không kham nổi đoạn đường ". Chàng đã bỏ việc, để xin làm phụ bếp trên một giàn khoan dầu, mà chàng vẫn còn làm cho đến nay.

Làm việc trên các giàn khoan dầu, dọc theo vịnh Mễ Tây Cơ, người ta thường quen miệng gọi là" làm offshore ". Điều kiện làm việc ở đây hơi khác thường, so với các công việc khác trên đất liền: Vì đi lại khó khăn,( phải mất từ hai đến bốn tiếng đồng hồ tàu thủy để ra tới nơi làm việc) nên nhân viên phải ăn, ở luôn trên các phòng ốc được xây dựng trên giàn khoan. Nhân viên offshore phải làm việc liên tục hai tuần ở ngoài khơi, rồi được đưa về đất liền nghỉ ngơi một tuần lễ, trước khi bắt đầu hai tuần kế tiếp. Mỗi ngày được trả lương cho mười hai giờ làm việc, dù rằng, chỉ phải làm việc khoảng tám tiếng. Công việc này thích hợp với những người sống độc thân. Bao gồm những kẻ bỏ vợ, hoặc bị vợ bỏ hay những kẻ lâm vào tình trạng độc thân bất đắc dĩ như trường hợp của Vịnh. Dĩ nhiên, cũng có những người đang ở trong tình trạng " không độc thân "xin vào làm. Nhưng thường, thì họ làm không bền, chỉ vài tháng là thấy biến mất. Hoặc có kẻ nào đó, thấy làm được lâu lâu một chút, hỏi ra, thì chàng mới bị vợ bỏ mất rồi... Biết đi đâu bây chừ, thôi thì đành chọn nơi này làm quê hương.

Vịnh dọn dẹp xong chỗ làm thì trời cũng gần tối. Theo thói quen, mỗi khi nhìn thấy trời im gió, là Vịnh vác cần câu ra một chỗ khuất để câu cá. Chàng chọn môn thể thao nhẹ nhàng này vừa để giết thì giờ, vừa có quà ( Cá ) mang về biếu người bạn, mà chàng thường ở trọ mỗi khi trở về đất liền nghỉ ngơi.

Hôm nay, Vịnh cũng thả câu, nhưng mắt chàng không nhìn theo mồi, mà lại nhìn xa xăm vào chân trời xanh thẳm. Nơi đó, có vợ chàng, có con chàng, có ba mẹ, anh em và bạn bè của chàng. Chàng tự nghĩ, không biết bây giờ họ đang làm gì... Có còn nhớ đến chàng không...

Đang lơ mơ như thế. Bỗng có ai đập nhẹ vào vai. Chàng giật mình quay lại. Trước mặt chàng là một gã đàn ông tuổi trung niên, mặc bộ đồ kaki, tóc đen, đầu hơi hói, tay đang cầm sợi dây, treo tòong teng một cái bánh chưng lớn. Thấy chàng quay lại, ông ta nhếch mép cười, lên tiếng:

- Xin lỗi đã làm anh giật mình. Tôi là Nghi, tôi mới đến đây sáng naỵ Nhìn thấy tên của anh trên bảng danh sách nhân viên, biết có anh là người Việt duy nhất làm ở đây, tôi mừng lắm. Rất hân hạnh được làm quen với anh.

Vịnh bắt tay ông ta và mời ông ngồi xuống cái thùng gỗ kế bên. Nhìn rõ mặt ông Nghi, thấy ông cũng không già lắm, chắc khoảng độ bốn mươi hay ít hơn, nên Vịnh xưng tôi và gọi ông bằng anh cho thân mật:

- Sáng nay, tôi có nhìn thấy anh trong đám nhân viên mới đến, nhưng cứ ngỡ anh là người Tầu, nên tôi không để ý lắm. Nay biết anh là người Việt, tôi rất mừng. Tôi là Vịnh, rất hân hạnh được gặp anh.

ông Nghi đặt cái bánh chưng lên một cái thùng gỗ khác ở trước mặt hai người và nói:

- Hôm qua, tôi có ghé thăm một người bạn, họ biếu tôi chiếc bánh chưng này, gọi là làm quà tiễn chân. Họ nói tôi đem theo chiếc bánh này để ăn Tết cho khỏi nhớ nhà. Nhưng tôi lại cảm thấy ngược lại... Vì cái bánh chưng này, mà tôi thấy nhớ nhà hơn... Tôi định sẽ không đụng đến nó, nhưng may mắn được gặp anh ở đây, tôi mang ra để cùng ăn Tết với anh cho vui.

Vịnh nhổm người, đứng lên và nói :

- Anh ngồi đây chờ tôi một lát, tôi về cất cần câu và lấy ra một bình trà để anh em mình đón Giao thừa.

Vịnh trở ra, mang theo một bình trà nóng, hai cái tách, một hộp bánh biscuit và dao, muỗng, nĩa để dùng ăn bánh chưng. Vịnh vừa dọn các thứ lên chiếc thùng gỗ, thay làm bàn, vừa nói:

- Có lẽ đây là lần đầu tiên tôi được ăn Tết có bánh chưng trên đất Hoa Kỳ... Năm cái Tết trên đất Mỹ, tôi đều có mặt trên giàn khoan này. Ăn Tết một mình, hay là chẳng ăn gì cả.

ông Nghi cười cười, tiếp lời:

- Tôi được may mắn hơn anh. Tôi sang đây năm bảy mươi lăm. Tôi đã lập gia đình ba năm sau đó, nên tôi được hưởng nhiều cái Tết rất đầm ấm, với đầy đủ các lệ bộ. "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ... ". Nhưng cho đến cái Tết năm ngoái thì mọi sự đã thay đổi.

Vịnh rót đầy hai ly trà, đồng thời tiện tay bóc cái bánh chưng ra. Vịnh quên đem theo cái đĩa để đựng bánh, nên đành dùng lá thay đĩa. Chàng không muốn trở vào để lấy đĩa, vì sợ làm ngắt quãng câu chuyện của ông Nghi, mà chàng cảm thấy sắp đến hồi gay cấn.

Vịnh cầm tách trà đưa cho ông Nghi, đồng thời lên tiếng hỏi dồn:

- Anh nói gì? Thay đổi? Thay đổi cái gì?

ông Nghi nhắp một chút trà, rồi đặt chiếc ly vào lòng bàn tay trái, như muốn sưởi cho ấm cho bàn taỵ Ông nhắm mắt lại một lúc, rồi mở mắt ra và nói:

- Khi người ta đang sống trong hạnh phúc, nhìn ra chung quanh, thấy cái gì cũng đẹp. Trời đất dù đang là mùa thu lạnh lẽo, hay đang là mùa đông giá buốt cũng không làm cho mình buồn. trái lại, càng làm tăng thêm hạnh phúc nữa là khác... Những thân nhân, bạn hữu xung quanh mình, xem ra, người nào cũng tốt, chẳng bao giờ ta nhìn thấy nét xấu của ho... Tôi đã có lúc được sống trong khung cảnh đó.

Vịnh tiếp lời, một cách thông cảm :

- Tôi rất mong được sống lại trong khung cảnh hạnh phúc đó. Tôi mất nó đã sáu năm rồi.

ông Nghi nhìn Vịnh chăm chú, rồi bằng một giọng chân thành, ông nói :

- Tôi không biết hoàn cảnh của anh bây giờ như thế nào, nhưng tôi rất mong anh có lại được cái hạnh phúc đó.

Vịnh bỗng đau nhói trong lòng. Chàng sực nhớ đến tin đồn là vợ chàng đã thay lòng, đổi dạ. Có người quen mới ở Việt Nam qua, nói bóng gió cho chàng biết: "Bích Phương không còn như trước nữa, nay nhờ tiền của anh gửi về, nàng đã biến thành... người khác". Vịnh không tin lắm, vì ăn ở với nhau khá lâu, chàng biết tính tình của vợ. Nàng chưa bao giờ dám nhắc tên một người đàn ông nào khác trước mặt mình, hơn nữa, lại đã có với nhau một đứa con. Thì còn có gì để có thể nghi ngờ lòng chung thủy của nàng được.

Lắc đầu mấy cái, như để xoá tan những áng mây đen trong đầu, Vịnh nói với ông Nghi :

- Hay là chúng ta ăn một ít bánh chưng đi rồi tiếp tục câu chuyện.

- Cậu cứ ăn đi, tôi không đói, tôi vừa mới ăn lúc nãy. (ông Nghi đổi cách xưng hô, và gọi Vịnh bằng cậu vì ông chợt thấy Vịnh trẻ hơn ông ta nhiều ).

- Tôi cũng vậy, bụng còn no lắm. Hay chúng ta cứ tiếp tục câu chuyện đi. Khi nào đói thì ăn.

ông Nghi trầm ngâm một lát, rồi với giọng trầm trầm, ông kể tiếp :

- Vào mùa đông năm ngoái, tôi có một người bạn tên là Tần. Anh ta về thành phố, nơi tôi đang sống để nhận một việc làm. Anh ta là bạn học của tôi trước kia, khi chúng tôi còn ở Việt Nam. Thấy tình cảnh của anh hơi chật vật, tôi đã mời anh ta về tạm trú tại nhà tôi, để chờ cho công việc ổn định, sẽ tìm nhà sau...

Khi mới đem người bạn về cho ở nhờ. Vợ tôi có vẻ không bằng lòng, nên tôi phải trấn an nàng: "Nhà mình có dư phòng, vả lại, anh ta chỉ ở nhờ độ vài tuần thôi, ổn định công việc, anh ta sẽ thuê nhà khác ngay". Vì nể tôi, vợ tôi đành phải nghe theo.

Lúc đó, tôi rất hăng hái làm việc. Vì thương vợ, thương con, khi nào tôi cũng làm hai job, cốt để có đủ tiền cho vợ con tiêu xài. Vợ Ở nhà chỉ có việc trông con và lo cơm nước cho chồng, không cần phải làm lụng gì cả. Tôi quan niệm một gia đình hạnh phúc phải như thế đó...

Bẵng đi một thời gian dài. Bạn tôi vẫn còn ở trọ nhà tôi như một lẽ đương nhiên. Tôi không thắc mắc, mà vợ tôi cũng không thấy than phiền điều gì. Còn tôi thì cứ túi bụi với công việc, mỗi ngày làm việc mười sáu tiếng đồng hồ. Một ngày dài của tôi chỉ có đi làm, ăn, rồi đi ngủ. ngoài ra tôi không để ý đến điều gì khác...

Cho đến khi người bạn của tôi xin ra ở riêng, thì cũng là lúc tôi nhận ra vợ tôi có mập hơn lúc trước, và bụng nàng cũng lớn ra trông thấy... Nàng đã có mang! Một tin sét đánh ngang tai. Tôi không tin ở mắt mình, tôi không tin ở tai mình, nhưng sự thực vẫn là sự thực.

Vịnh nóng nảy, ngắt ngang câu chuyện:

- Tôi hiểu anh muốn nói gì rồi. Nhưng làm sao anh có thể biết được đứa con đó thuộc về ai. Anh là chồng của bà ta kia mà?

ông Nghi nhắp một ngụm nước trà rồi nói :

- Cậu Vịnh à! Hay chúng ta ăn bánh chưng đi. Ăn xong rồi tôi sẽ cho cậu rõ, nhờ vào đâu, mà tôi biết đứa con đó không phải của tôi.

Vịnh nói, giọng sốt ruột:

- Anh cứ nói đi trong khi tôi cắt bánh.

Vịnh dùng dao cắt chiếc bánh chưng ra thành nhiều miếng nhỏ. Trong khi đó, với một giọng đều đều, ông Nghi nói :

- Có gì đâu mà khó đoán cậu. Tôi với nhà tôi, sau khi sanh đứa con đầu lòng. Tôi thì bận bịu làm hai job. Phần vì quá mệt mỏi, phần vì thương vợ, muốn kiêng một vài năm cho đứa nhỏ lớn lên một chút đặng vợ tôi nuôi con cho đỡ vất vả. Bởi thế chúng tôi đâu có gần nhau. Rồi thình lình thấy bà ấy mập ra. Cậu nghĩ...

Bánh chưng đã cắt xong. Vịnh nói như cái máy:

- Ăn bánh chưng đã, anh.

Miệng nói ăn nhưng tay chàng vẫn không buông nổi con dao cắt bánh. Những ngón tay không chỉ nắm mà là đang bấu chặt cán dao. Vịnh chợt thấy cánh chàng tê cứng. Chàng sực nhớ đến tấm ảnh của vợ, mà chàng vừa mới nhận được. Hình như nàng trông cũng có vẻ... mập ra.

Hết