Chương 1

- Các ông có bằng Thành Chung mà đi làm nghề này, thật đáng tiếc. Như chúng tôi không thể xoay nghề gì khác được, phải chịu vậy đã đành...

Thúy nói câu ấy thong thả, hơi nhỏ, ông cúi mặt xuống bàn, hai mắt đăm đăm nhìn chén nước chè liên tâm gần cạn, khiến Thọ ngồi trước mặt ông, nghe chuyện ông, hiểu thấu rằng lời ông nói là lời chân thành của kẻ đã trải nhiều nỗi chua chát trong nghề mình làm.

Thọ mới ở trường Nam Sư phạm ra, được bổ giáo học hạng tám dạy lớp nhất trường con giai tỉnh Vĩnh Yên. Thọ vào làng "Gõ đầu trẻ" vừa đúng một tuần lễ. Hôm nay chủ nhật, chàng đến chơi nhà ông giáo Thúy, dạy lớp năm.

Đáp lại lời nói của Thúy, Thọ chỉ mỉm cười, vì chàng cũng chẳng biết nói sao. Ra đời không phải như lúc còn ngồi ở ghế nhà trường. Những câu bàn suông đều vô ích. Duy sự từng trải mới đáng kể. Thúy đã dạy học ngoài mười hai năm, chắc đã nghe thấy nhiềụ Biết đâu lời Thúy không căn cứ ở những sự tai đã nghe, mắt đã thấy.

Thực ra, Thọ cũng hơi thấy chán nản. Hôm mới đến Vĩnh Yên, đi thăm các bạn, chàng đã nghe ông giáo Lại, dạy lớp tư, nói với chàng một câu đồng nghĩa với câu của Thúy nói bây giờ. Cũng như Thúy, Lại đã dạy học hơn mười hai năm, tất đã từng trảị Mà câu của Lại cũng chưa phải là câu thứ nhất đã làm cho Thọ phải nghĩ rằng nghề dạy học vị tất đã đem lại cho chàng những thứ chàng thường ước mong trong khi chàng còn đi học. Sự liên tưởng nhắc chàng nhớ tới buổi đến thăm thầy giáo cũ ở phố Hàng Cót, Hà Nội.

Dạo ấy, Thọ còn đang học ở năm thứ ba trường Sư phạm. Một buổi sáng chủ nhật, Thọ đi chơi phố, tình cờ gặp thầy giáo cũ dạy mình ở lớp nhất trường tỉnh Bắc Ninh. Thọ vào nhà thầy giáo chơi. Sau mấy câu hỏi thăm về sự học của Thọ, thầy giáo Thọ nói:

- Nghề này buồn lắm! Tôi đã trải nhiều tôi biết. Không phải tôi nói thế để làm cho người đang tập nghề phải nản chí đâu; nhưng sự thực là thế.

Nhưng lúc ấy, Thọ cũng không cần biết lời nói của thầy có đúng hay không. Chàng đang ham học, muốn biết. Lòng ham muốn ấy đã giúp chàng thắng nổi mọi sự khó khăn.

Ngày nay Thọ đã qua cái thời kỳ tập nghề, đã bắt tay vào việc, lại nghe hai người bạn quen nghề nói đến những sự chán nản, tài nào chàng không nhớ đến lời thầy giáo cũ. Có lẽ chàng đã chọn lầm nghề chăng? Lời nói của ba người hẳn là lời nói không xa sự thực. Nhưng mỗi người có một ý muốn riêng. Biết đâu nghề dạy học đối với ba người ấy không phải là nghề bất đắc dĩ. Còn gì khó chịu bằng phải ép mình làm một việc mà mình không thích! Còn Thọ, chàng vốn ưa nghề chàng đã chọn; biết đâu nghề ấy lại không thể làm cho chàng được vui lòng. Với ý nghĩ ấy, Thọ lại thấy sự chán nản thoảng qua.

Thấy Thọ ngồi im, ngẫm nghĩ, Thúy nói tiếp:

- Nghề mình thật là năm cha ba mẹ. Nào ông chánh đốc, ông chánh thanh tra, nào ông thanh tra, ông Kiểm học. Nếu ở nhà quê lại thêm ông giáo, ông huấn. Mỗi người mỗi ý, mình phải chiều cho đủ. Công việc làm vất vả, mà nào quan trên có thương, dân sự có trọng, học trò có mến. Nói về lương, thì lên được một trật, thật là khó nhọc.

Thọ bật cười:

- Nếu ông nghĩ như thế thì chán là phảị Nhưng tôi tưởng: nếu mình làm hết bổn phận, dẫu đối với ai, mình cũng không ngạị Trông thấy học trò tấn tới chăm chỉ là mình mừng. Còn sự ăn lên, mỗi lần phỏng là bao! Mong làm gì?

Thúy nhìn Thọ thong thả nói:

- ấy! Lúc mới ra làm, tôi cũng nghĩ như ông bây giờ đấy!