Chương 1

Hình như không phải là cảm giác của những ngày xưa cũ, dù rằng đó cũng là phiên chợ tàn vào ngày ba mươi Tết. Cũng vẫn còn những đống rác rưởi chưa dọn sạch, chồng chất những bông hoa giập nát cánh, màu sắc trộn lẫn nhau, không phải như một bức tranh sặc sỡ muôn màu mà là những tàn phai héo úa, những xót xa thương cảm. Những cánh hoa, trước đây vài giờ, người ta còn nâng niu lựa chọn, người ta còn muốn ngửi lấy hương thơm của nó. Bây giờ, mọi người đều tránh xa để khỏi phải lợm giọng vì mùi hư thối xông lên từ những nhát chổi của người phu quét dọn. Ai cũng cố nhón gót, sợ quần áo vấy bẩn, vướng rách bởi những cánh hoa tàn, cành gãy phế thải.

Ngoài cái cảm giác buồn buồn của những năm trước đây mỗi khi đi xem chợ hoa tàn đêm trước Tết, năm nay Nguyệt cảm thấy mình có thêm một sự trống vắng lạ thường trong lòng. Bởi vì không như những năm còn ở quê nhà, sự háo hức đón Tết luôn kèm theo những lo toan, tính toán về tiền bạc này nọ. Năm nay thì không vậy. Nàng trở về quê, trước thăm nhà và sau, chỉ để tìm lại cảm giác cũ. Tất cả đã khác đi nhiều. Những toan tính, những chuẩn bị đã có người nhà. Nàng mang tâm trạng của một người khách ngay trong ngôi nhà cũ của mình. Thực sự ai cũng muốn nàng thong dong, hưởng một cái Tết thoải mái, không phải lo điều gì. Nàng trở thành người ngoại cuộc trong sự chào đón dành cho một người trong lớp áo Việt kiều. Trong giờ phút hiện tại trên đường phố gần như vắng lặng này , chỉ còn lác đác một vài bộ hành vội vã cho kịp về với gia đình. Năm ba công nhân sở vệ sinh đang hối hả làm việc cho kịp sớm về nhà. Bên kia đường, một vài em bé quần áo không lành lặn, cố nhặt thu những thứ còn khả dĩ dùng được, nơi hông chợ. Vì muốn tìm lại những dư âm ngày cũ, lúc ở nhà, Nguyệt quan sát xem có những món gì còn thiếu sót để xin được đi chợ, nhân dịp nhìn lại một lần cảnh đêm chợ tết cuối. Dù biết trước đó là chợ tàn, sẽ không còn gì. Như thế càng haỵ Nàng cảm thấy mình được tự do hơn khi bước vào khuôn chợ vắng vẻ, không tiếng chào mời náo nhiệt, không sợ đụng người này, chạm kẻ khác... Giờ phút cuối của một năm này, trong ngôi chợ quen thuộc mà trước đây mỗi ngày Nguyệt đều phải hiện diện vì sinh kế, không khí uể oải lạnh lùng đến lạ. Ngay cả những bạn hàng dọn dẹp muộn, họ cũng không níu kéo, chào mời nàng để may ra bán thêm được món gì chăng. Suốt năm dài đầy bận rộn, đây là lúc họ cảm thấy sắp rảnh tay, dù rằng có thể trong năm, họ gặp những thua lỗ. Bây giờ không phải là giờ phút tính toán chuyện làm ăn thêm nữa. Sắp đến khoảnh khắc thiêng liêng, giờ phút quây quần với gia đình dành riêng cho đời sống của mình.

Những mùa xuân lúc còn ở quê nhà trước đây, vào những phiên chợ tết, Nguyệt thường cùng gia đình đi xem chợ hoa bày bán trên đường Nguyễn Huệ, trung tâm thành phố Sài Gòn. Như một thói quen, dù rằng đã được nhìn ngắm hàng hàng lớp lớp hoa muôn hồng, ngàn tía, Nguyệt cũng không bao giờ bỏ sót một phiên chợ chiều, chạng vạng tối nào của ngày ba mươi Tết. Không gian có vẻ cô động lại, và thời gian lúc ấy như nuối tiếc một cái gì sắp sửa khép lại, qua đi lâu dài.

Đang cố tránh một ụ rác lớn nằm chắn ngang vĩa hè, bỗng cảm thấy có gì níu chân, Nguyệt nhìn xuống. Thì ra là một cành mai quẹt vướng vào ống quần, nàng cúi xuống đưa tay gơ ờnó ra. Cành mai nhỏ xíu, nhiều chi bị gãy, chỉ có khoảng mười mấy nụ mới nhú. Có lẽ vì thế mà cành mai này mới còn lại nơi đây. Chắc do bán không được nên người bán dựng lại bên tường rồi quên, hay cũng không muốn mang nó về. Còn người qua đường, không nhìn thấy, hoặc vả có thấy nhưng vì nụ hoa còn bé quá, biết chắc không thể nào nở kịp được trong mấy ngày Tết nên không ai muốn nhặt về vì cho rằng nó sẽ không mang lại vui tươi, may mắn gì hết . Nguyệt định vứt vào đống rác nhưng ngần ngừ, nghĩ lại nó sẽ cùng chung số phận với những cành hoa không may khác, nên lại thôi. Định dựng lại chỗ cũ, nhưng không hiểu sao, dường như những nụ hoa bé nhỏ kia đang nhìn nàng van cầu; những nụ hoa mũm mĩm dễ thương với màu xanh non nớt nhu mì. Thế là, tiện tay nàng cầm luôn, mang về.

Quả thực, vừa nhìn thấy cành mai trên tay Nguyệt, Khánh, đứa em họ, con trai út của cậu mợ nàng, đã vội kêu lên:

- Bộ chị bị người ta biết là Việt kiều nên gạt, bán cành mai đó hả?

Còn mợ thì rối rít:

-Sao con mua chi cành mai như vậy! Nó không nở kịp ngày mai đâu. ít ra cũng cả tuần nữa.

Nguyệt chỉ biết cười trừ:

-Con đâu có mua, chỉ nhặt thôi. Nghĩ nó cũng là "may" nên con mang về.

-Ừ, mà nụ hoa còn nhỏ quá, không thể đem chưng trên nhà được. Nó không nở là điềm xui đấy. Nhất là nếu bị rụng hết thì lại càng xấu hơn.

Nguyệt đang phân vân không biết tính sao, đứa em đã đề nghị :

-à, em với chị trồng cành mai này đi. Em thấy ở nhà bạn em có trồng mai.

Chẳng đợi Nguyệt ừ hử, đứa em mang cành mai đi ra phía sân sau nhà. Sau đó, mặc mọi người lo dọn dẹp, sửa soạn cho giờ đón giao thừa lúc nửa đêm, Nguyệt và đứa em lui cui lo trồng cành mai. Cả hai Đào lấy một chút đất đắp vào phiá dưới cành mai, và không biết moi từ đâu, Khánh lấy được một miếng phân đậu bỏ thêm vào. Xong, cả hai chị em lục lạo tìm miếng vải mỏng quấn quanh gốc cành mai, chỗ cạp đất và phân. Họ đem cành mai đặt nơi khoảng đất nhỏ, nơi có những bụi bông trang cung cấp bông cho những ngày cúng Phật, những cụm hoa mười giờ đang say giấc ban đêm và những cây móng tay đang nở hoa đỏ chói như muốn chườn tới bắt tay làm quen với người bạn mới. Cả hai chị em Nguyệt đứng lặng nhìn công trình vừa hoàn tất trong mấy giây, mãn nguyện, lòng tự hỏi không biết nó sẽ ra sao...