Chương I

Cho đến bây giờ tôi vẫn còn thật xa lạ, chưa quen lắm với hai tiếng sinh viên mà tôi đã được khoác vào từ mấy tháng trời nay. Đặt chân vào ngưỡng cửa Đại Học, tôi bỡ ngỡ, vụng về như một người khách từ phương xa lạc đến. Tôi không tìm được một nét quen thuộc nào - ngay cả những vị Giáo Sư - mặc dù tôi đã trải qua bảy năm dài đăng đẳng ở bậc Trung học. Thật ngỡ ngàng, ngỡ ngàng như tâm trạng của ‘‘chú bé Nguyên’’ thuở mới tập tễnh bước lên bậc Trung Học.

‘‘Tất cả rồi cũng sẽ quen đi’’. Tôi nghĩ như vậy. Nhưng dù sao ở những giây phút này nó vẫn mang một vẻ tươi vui, ngộ nghĩnh và quyến luyến vô cùng đối với tôi. Thế là vô tình tôi lại có một kỷ niệm nho nhỏ len nhẹ vào tâm tư.

Quả thật chưa bao giờ tôi nghĩ đến những diễn tiến tốt đẹp hiện tại. Nếu có, chỉ là ý nghĩ về những kỷ niệm xa vời. Một khúc phim dĩ vãng được quay lại và luôn luôn để lại trong tôi những tiếc thương nhen nhúm, những thoáng nhớ vu vơ.

Ngay cả những dự định về tương lai tôi cũng chưa hề nghĩ đến, chưa hề đặt thành vấn đề để mà suy tính, chọn lựa. Tôi đã chìm đắm trong nếp sống lè phè, chỉ biết thụ hưởng của đa số sinh viên. Thật vậy! Quan niệm này không hiểu từ đâu mà có? Và phát xuất tự bao giờ? Chỉ biết nó được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và đến lớp của tôi, không biết nó đã trải qua bao nhiêu đời. Tâm trạng chung của bọn tôi là như vậy. Dường như ai cũng quan niệm rằng ngần ấy đã quá đủ. Quá đủ để bon chen với đời. Quá đủ để sống giữa xã hội xa hoa phù phiếm, trọng bằng cấp hơn danh dự con người. Mảnh bằng Tú Tài 2!

Nỗi chán chường chợt đến với tôi. Tôi chẳng muốn đặt chân vào cổng trường một chút nào cả mặc dù môn học hôm nay là môn ‘‘Dân Luật’’ không đến nỗi khô khan. Tôi uể oải rời yên xe, thả bộ dọc theo con đường Duy Tân, hướng về Công Trường Chiến Sĩ.

Tôi cũng chẳng buồn để ý đến những cô nữ sinh viên tươi mát đứng dọc hai bên lề đường. Tôi chán tất cả. Ngay cả những điều mà tôi hằng mơ ước. Tôi có cảm tưởng hình như con đường đã được nối dài thêm ra với những bước chân nặng nề, rời rạc của tôi. Chồng cours ôm trên tay có vẻ thừa thãi quá. Thừa thãi như thế đứng của tôi giữa khuôn viên trường Luật.

Tôi dừng lại, thọc tay vào túi áo tìm gói thuốc, gài lên môi một điếu rồi châm lửa hút. Có phải tuổi trẻ của tôi đã tự hủy hoại qua những thú tiêu khiển này? Ngụm thuốc đầu tiên được đẩy sâu vào cuống họng, lan ra trong buồng phổi, tôi thấy nghèn nghẹn ở ngực và chu môi phà thật mạnh. Khói thuốc lãng đãng, mơ hồ rồi tan theo những cơn gió thoảng như tương lai tôi vừa vụt mất.

Lý tưởng!? Tại sao tôi lại không nghĩ đến lý tưởng? Có phải quan niệm đi tìm lý tưởng là đuổi bắt một việc mơ hồ khiến tôi không còn can đảm để mà nghĩ đến nó chăng? Tôi bật cười khan, nện mạnh gót giầy xuống mặt đường.

Học để làm gì? Thật khó mà tìm thấy trong bọn tôi một số người học vì lý tưởng! Sinh viên! Đó chẳng qua chỉ là một cái vỏ để chúng tôi che đậy sự ích kỷ, hủy hoại của mình. Tôi đã tự kiểm thảo? Vâng. Và tôi đã thấy những lỗi lầm không thể tha thứ được của tuổi trẻ chúng tôi. Bậc đàn anh của chúng tôi chỉ nghĩ đến những cuộc cách mạng tư tưởng đám đàn em. Vì thế mà chúng tôi sa lầy. Vì thế mà chúng tôi buông thả, vứt bỏ cả tương lai để thụ hưởng và phá phách. Tôi vẫn nghĩ, hành động hung hăng của chúng tôi là một hành động phá khách chứ không vì một lý tưởng cao đẹp nào cả? Có phải vì thế mà tôi cô đơn, thừa thãi trong khuôn viên trường Luật này?

Tôi băng qua đường, bước lên thềm cổng trường, tiến đến chiếc ghế đá còn trống. Chồng cours nằm hờ hững trên mặt ghế biểu lộ nỗi chán  chường hiện hữu trong tôi. Tôi búng đi mẫu thuốc còn sót lại không một chút hối tiếc như chính tôi đã vứt đi tuổi xanh ngà ngọc.

Những tia nắng ấm đầu tiên của một ngày mùa đông vừa hiện diện Tôi nghịch ngợm dịch người sang một bên, hong mình trong sợi nắng vàng mong manh tìm hơi ấm. Một cảm giác khoan khoái len nhẹ vào hồn. Tôi hướmg tầm mắt về nhà thờ Đức Bà, thật gần nhưng cũng thật xa, tương lai tôi đó. Phải trở lại từ khởi điểm. Tôi thầm nghĩ như vậy, Và không bi thảm hóa cuộc đời để một chút hy vọng còn nhen nhúm trong tôi có dịp bừng cháy. Tôi cười. Nụ cuời méo xệch.

Một bàn tay đập mạnh trên vai tôi, tôi giật mình ngoảnh lại:

- A! Dương! Tao tưởng hôm nay mày nghỉ?

- Ừ nghỉ! Nhưng vẫn đến trường.

- Thói quen?

- Hẳn vậy!

-  Thấy thằng Dũng, thằng Bằng đâu không?

- Không! Nhưng thế nào tụi nó cũng mò ra đây. Tao có cảm tưởng hình như chúng mình đi chơi chứ không phải đi học.

- Tao cũng nghĩ vậy!

Dương dựng xe, ngồi xuống cạnh tôi:

- Thế mà lúc trước mình cứ tưởng khung cảnh Đại Học đẹp và xôm trò lắm. Có đặt chân vào rồi mới biết! Mình lầm!

- Tao nghĩ không phải mình lầm. Chẳng qua tại mình không đủ nghị lực để chống trả với căn bệnh di truyền hiểm nghèo ấy.

- Bệnh di truyền?

- Ừ!

- Có lẽ vậy?

- Hẳn là như vậy rồi chứ còn có lẽ gì nữa!

- Mày tìm được chỗ dạy chưa?

- Chưa! Chỗ nào cũng chê. Họ đòi phải có chứng chỉ MPC.

- MPC thì hơn gì mình?

- Ấy thế mà nó vẫn hơn.

- Đời!

- Ừ đời!

Cả hai cùng yên lặng. Không hiểu Dương nghĩ gì. Riêng tôi, tôi đang bận tâm không ít về công việc xin kèm tại tư gia mà tôi đã tìm long tóc gáy từ hơn tháng trời nay mà vẫn chưa nơi nào mượn. Phải gọi là mượn vì chúng tôi là những kẻ được mọi người bỏ tiền ra mướn. Có tiền là nhất! Tiền làm đảo lộn giai cấp trong xã hội phức tạp này.

Trong đám bốn thằng chúng tôi. Bằng là đứa may mắn nhất đã tìm được việc dạy dỗ con nít. Tuy vậy hắn cũng chưa hài lòng và thường than vãn với chúng tôi rằng ‘‘Dạy bực mình bỏ xừ! Học trò hỗn không thể tưởng. Chúng ỷ cha mẹ chúng có tiền mướn mình, chúng coi mình chẳng có gờ ram nào cả. Đã vậy, lương như lương thí! Mà nào có yên đâu. Mắng mỏ hoặc đập chúng một cái là mất chỗ ngay. Có lẽ tao chỉ dạy được một tháng là cùng. Kiếm chỗ khác xem sao.’’

Đó là kinh nghiệm của một thằng đi trước nói lại cho chúng tôi nghe. Nhiều lúc, tôi muốn bỏ ngay ý định đi dạy, kiếm thêm chút tiền để tiêu xài. Nhưng nghĩ lại, dù sao mình cũng đã lớn, chẳng nhẽ việc lớn nhỏ gì cũng ngửa tay xin bố mẹ hết sao. Giá gia đình tôi khá giả thì chẳng còn gì đáng để tôi bận tâm, chỉ việc ăn rồi học. Nhất nhất chuyện gì cũng có gia đình lo. Con nhà giàu sướng như thế đó, Bất giác tôi buông tiếng thở dài.

Tôi nhìn Dương hỏi:

- Còn mày! Công việc ngã ngũ gì chưa?

Dương chán nãn lắc đầu:

Cũng thế! Bực nhất là buổi chiều hôm qua. Tao tìm đến địa chỉ căn nhà đường Trần nhật Duật, họ tiếp mình như tiếp một kẻ đi xin tiền. Bất mãn. Tao cóc cần. Tao bảo tao học Khoa học, có MPC nhưng không muốn dạy, hỏi chơi thôi.

- Phản ứng của họ?

- Cánh cửa đóng thật mạnh. Chấn động như tiếng phản lực cơ vượt bức tường âm thanh.

Tôi nhìn hắn, cả hai cùng bật cười. Bi thảm thật! Mảnh bằng!? Chứng chỉ!? Nghe thì oai lắm. Nhưng người đời đã đánh giá nó rẻ mạt. Tôi bật cười khan khi nghĩ tới hàng chữ ‘‘cử nhân năm thứ nhất’’ được đánh máy cẩn thận trong tấm thẻ sinh viên. Thuở còn ngồi ở Võ Trường Toản, nhìn những anh sinh viên sao mà chúng tôi thèm thuồng thế. Tôi nghĩ, phải khó nhọc lắm mới khoác được chiếc áo sinh viên vì thế thật hãnh diện. Nhất là đối với các cô. Ôm cái ‘‘mác’’ sinh viên Luật đi tán gái thì kết quả có thể bảo đảm đến 90% thành công. Thật là buồn cười.

Dương phá tan bầu không khí yên lặng:

- Mới năm đầu mà tao đã có cảm tưởng khó mà vớ được chứng chỉ một.

Tôi gật đầu đồng ý. Dương tiếp:

- Cái điệu này rồi cũng nửa thầy nửa thợ.

Tôi thêm:

- Ông chẳng ra ông! Thằng chẳng ra thằng!

- Tao chẳng hiểu mình đang làm cái trò trống gì? Hồi còn ở Trung Học thì lo trau dồi bài vở để giựt được cái bằng với người ta. Bây giờ toại nguyện, lên được Đại Học rồi, đôi khi tao nghĩ không phải mình đi học và tao cũng chẳng quan tâm gì lắm với ba cái chứng chỉ. Thật lạ!

- Chẳng có gì lạ cả nếu có một cuộc cách mạng toàn diện sinh hoạt sinh viên.

- Biết đến bao giờ !?

-  Thế mới bảo mình đang lâm vào con đường tự hủy diệt.

- Có bao giờ mày nghĩ đến tương lai chưa?

- Chưa!

- Lạ nhỉ! Trăm thằng như một.

- Mình học để làm gì?

- Chẳng hiểu! Mà mình có học đâu?

- Tao vừa nghĩ ra một lối giải quyết!

- Làm sao?

- Mình cứ học. Đừng để ý đến vấn đề gì cả như vậv có lẽ học được.

- Đã dọn đường chưa?

- Rồi, cứ thế mà tiếp tục cho đến ngày thành ‘‘thầy cãi’’! Ý nguyện của bọn mình ngày xưa, mày không nhớ sao?

-  Nhớ chứ! Nhưng tao không tin tưởng và lối giải quyết của tao lại khác.

- Thế nào?

- Đi lính.

Tôi ngạc nhiên:

-  Mày đã chọn?

- Gần như vậy.

Đi lính!? Quả thật chưa bao giờ tôi nghĩ đến giải pháp này. Vấn đề động viên đối với chúng tôi không quan trọng bởi vì chúng tôi dư điều kiện để tiếp tục lè phè và thụ hưởng. Nếu có, chỉ là một sự tình nguyện dấn thân nhập cuộc. Binh nghiệp không phải là con đường của chúng tôi đi. Nếu chọn làm lý tưởng thì tôi đã chấp nhận nó trong mùa hè vừa rồi. Câu nói của Dương phát ra thật đúng lúc để tôi lấy đó làm đề tài suy gẫm!

Tôi đã từng được nghe nói nhiều về nếp sống nhà binh. Trong đầu óc tôi lúc nào cũng hiện lên hình ảnh của một cuộc sống đầy khổ cực và cam go. Tôi cảm phục những người đã và đang khoác chiếc áo Kaki trên người. Hình như trong ánh mắt họ lúc nào cũng phát ra những tia nhìn đầy tin tưởng vào tương lai, sẵn sàng khắc phục tất cả mọi khó khăn. Có lần tôi được nghe ông anh tôi kể lại nếp sống tại đơn vị. Thành thật mà nói, câu chuyện đã hấp dẫn tôi vô cùng. Chỉ được nghe thôi mà tôi cũng đã muốn chính thức tham dự vào cuộc sống hào hùng đó. Không hiểu động lực nào đã thúc đẩy anh tôi chọn nó làm lý tưởng cho đời mình. Tôi chỉ biết mang máng từ thuở bé anh tôi đã thích nghiệp võ và quả thật anh ấy rất oai trong bộ lễ phục sinh viên Sĩ Quan Đà Lạt. Mỗi Iần anh ấy về phép là một lần ý nghĩ lên đường nhập cuộc sống dậy trong tôi mãnh liệt.

Phải chăng tôi đã lầm khi chọn Luật Khoa làm con đường lý tưởng của mình? Có lẽ vậy! Bởi vì hồi đó trong tôi không có một chút đắn đo, suy nghĩ về việc nên theo khoa nào. Và khoa nào mới hợp với khả năng, con người của mình. Việc chọn Luật khoa gần như là một phong trào đã lôi cuốn chúng tôi qua những lời rỉ tai nào lè phè, tài tử v.v... Có nghĩa là chúng tôi chấp nhận nếp sống lè phè của sinh viên Luật, chấp nhận sự sa lầy của tuổi trẻ.

Một chút hối hận chợt dâng lên trong tôi. Bây giờ có muốn quay trở lại cũng đã quá muộn. Dù sao chúng tôi cũng đã theo được một niên học và cũng chẳng còn bao lâu nữa chúng tôi thi.

Sinh hoạt của những ngày cuối năm thật ồn ào. Nhìn nét mặt hân hoan của mọi người tôi thấy vui lây và muốn hòa mình trong không khí vui tươi bình lặng đó. Mấy hôm nay trường cũng đang tổ chức những buổi văn nghệ liên hoan. Tôi không chính thức tham dự vào ban nào của nhà trường nên tôi thật bình thản, không mấy quan tâm đến sự ồn ào của nó.

Tôi nói với Dương:

- Gần hè rồi mày nhỉ.

Dương nhìn tôi trả lời:

- Ừ! Mày định làm gì không?

- Làm gì là làm gì?

- Tổ chức họp mặt bạn bè hằng năm ấy.

- Chưa biết !

Bổng có tiếng Dũng gọi tôi:

- Ê, Nguyên!

Tôi ngoảnh lại, nhìn sang bên kia đường, Dũng và Bằng đã đứng đó tự bao giờ. Bằng đưa tay vẫy, tôi nói với Dương:

- Qua với tụi nó mày.

Dương uể oải đứng dậy, tôi ngồi lên xe hắn, phóng qua dường. Xe vừa ngừng, Bằng cất tiếng hỏi:

- Về Trưng Vương không?

Tôi im lặng, Dương nói:

- Về thì về. Đón tụi con Diễm hả?

Dũng cười:

- Thằng thông minh thật.

Dương tiếp:

- Có chuyện gì không?

Dũng đùa:

- Bây giờ lại ngu, đến xem tụi nó có tổ chức văn nghệ văn gừng gì không để tụi mình vui ké với chứ.

Tôi hỏi lại câu hỏi của Dương ban nãy:

- Mày có định tổ chức gì không?

Dũng dáp:

- Để xem!... Thôi lên đường. Chín giờ hai mươi rồi.

Tôi quay trở lại trường lấy xe rồi cả bốn cùng nhắm hướng Trưng Vương trực chỉ. Khoảng năm phút sau, chúng tôi đến ‘‘khung trời dấu ái’’. Chúng tôi vẫn thường gọi ngôi trường Võ trường Toản thân yêu và con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm là khung trời dấu ái. Dù sao chúng tôi cũng đã sống ở đây ròng rã suốt bảy năm trời. Bảy năm trời, một khoảng thời gian dài thườn thượt để lại trong tôi nhiều kỷ niệm mà có lẽ suốt đời tôi cũng không bao giờ quên. Tôi vẫn nhớ dáng dấp hiền hòa của ngôi trường mặc dù tôi đã đặt chân vào khung trời khác. Tôi thật sự thấm thía nỗi buồn khi tôi rời bỏ tất cả những gì quen thuộc nơi đây. Kỷ niệm thật đẹp dẫu cho nó là một kỷ niệm buồn.

Bởi một chút mơ mộng tôi bảo Dương cứ việc đi và tôi dừng lại ngang cửa trường. Tất cả vẫn thế, không có gì thay đổi, ngay cả tấm bảng hiệu ‘‘Trường Trung Học Võ trường Toản’’ đã phai màu. Tôi nhìn thật sâu vào trong đó và tôi thấy hình bóng mình đang nhảy múa rộn ràng. Ôi! Đẹp vô vàn! Không còn ngôn ngữ nào để diễn tả tâm trạng tôi lúc này. Tôi muốn ngũ vùi trong không khí bình lặng thân yêu đó. Một ước mơ thật tầm thường.

Tiếng còi xe inh ỏi và liên tục ở cuối đường khiến tôi giật mình trở về với hiện tại. Đó là hiệu lệnh của bọn Dương gọi tôi. Tôi phóng xe thật nhanh về cuối đường như một kẻ điên cuồng. Tiếng bánh xe rít đều trên mặt đường như nỗi hằn học phi lý của tôi vừa được trút bỏ. Diễm xinh hơn năm ngoái – ( Tôi nghĩ vậy) Vy, Hồng, Ngọc đứng trên lề giương mắt nhìn tôi. Tôi mỉm cười:

- Chào quí vị

Diễm hỏi :

- Anh còn luyến tiếc lắm sao?

Tôi đáp:

- Ừ! Kỷ niệm mà.

Dũng vỗ vai tôi:

- Năm nay các cô không tổ chức gì cả. Ngọc nói chờ tụi mình.

Tôi nhìn Dũng:

- Tùy mày.

Dũng yên lặng. Diễm đến gần bên tôi:

- Anh cho Diễm mượn quyển này.

Tôi giữ tay Diễm:

- Có gì đâu mà xem?

Diệm đanh đá:

- ‘‘Kiểm soát’’ không được hả? Diễm để ý thấy từ ngày anh chuyển sang ‘‘con đường Duy Tân’’ anh thay đổi nhiều đó nghe.

- Anh thay đổi gì?

- Tự hỏi anh á!

- Ừ, mà có lẽ anh thay đổi thật.

Diễm phụng phịu:

- Thấy chưa!

Tôi nhìn xa vời:

- Một thay đổi quan trọng!... Có lẽ tụi anh bỏ cuộc, chấp nhận đời ‘‘nhà binh’’.

Diễm ngạc nhiên đến độ hoảng hốt:

- Anh nói đùa hay nói thật?

- Thật.

- Cả bốn anh?

- Có lẽ!

- Uổng quá! Sao anh không cố gắng học tiếp?

- Chán quá rồi Diễm ạ.

- Chán mà anh lại chọn?

- Lỡ rồi.

- Anh khó hiểu quá!

Con người tôi khó hiểu? Có lẽ vậy! Bởi vì chính tôi còn chưa hiểu được tôi nữa là. Đôi lúc tôi có cảm tưởng hình như mình đang bị vây hãm trong một căn phòng âm u, ẩm mốc. Thân xác tôi sẽ mục rã trong môi trường đó. Tôi không còn một chút sinh lực đả phá hoặc làm bất cứ một cái gì khả dĩ có thể lay chuyển được con người tôi. Căn phòng không có ánh sáng, tối mò như tương lai bi thảm của tôi. Biết thế nhưng tôi vẫn bất lực nhìn lý tưởng đời mình đang xa dần tầm tay với.

Tại sao tôi lại nói với Diễm rằng ‘‘tôi sẽ bỏ cuộc chấp nhận đời nhà binh”, trong khi tôi chưa hề nghĩ đến nó bao giờ!? Ngay cả lúc này, khoảng thời gian ngắn ngủi tôi nghĩ về hình ảnh của một người lính. Lạ thật! Con người tôi phức tạp và khó hiểu thật. Có phải đó là triệu chứng của những đổi thay dồn dập sắp đến trong tôi !?

Tiếng cười đùa hồn nhiên của các cô khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh xa xưa, ngày mà tôi còn run sợ mỗi khi đặt chân đến khu vực này. Tôi nhìn Diễm:

- Sao lại buồn!?

Vẫn cái nhìn sâu hun hút, Diễm đáp:

- Tại anh!

Dũng tình cờ nghe lóm được, xen vào:

- Bắt đền nó đi.

Vy phụ họa:

- Bữa nay anh Nguyên cả gan thật. Dám chọc giận người ta hả?

Bằng tiếp:

- Thế thì phải phạt nặng nề mới được.

Tôi đánh trống lảng, nói lớn cho cả đám nghe:

- Vụ tổ chức tiệc tùng tính sao? Dứt khoát đi chứ.

Dũng:

- Xong rồi! Bây giờ nhất định như thế này. Chiều hai mươi tám, nhà tao.

Vy, Hồng, Ngọc vỗ tay hoan nghênh. Diễm vẫn buồn. Tôi phải nói vuốt:

- Anh mới định như vậy thôi mà. Đã thực hành đâu? Vả lại cả bọn có đồng ý thì mới đi chứ đâu phải mình anh?

Diễm quay sang nói với Dũng:

- Đừng đi nghe anh Dũng.

Dũng ngạc nhiên:

- Đi đâu?

- Đi lính đó!

- Ai bảo thế?

- Anh Nguyên!

- Tầm bậy! Nó bảo bao giờ?

- Vừa lúc nãy.

Dũng phá lên cười:

- Nó dọa cô đấy! Làm gì có chuyện đi lính? (Quay sang tôi) Mày định nhát người ta đó hả? Bản mặt mày mà lính với tráng cái gì!

Tôi cười, im lặng. Nét mặt Diễm tươi lên thấy rõ. Tự dưng tôi thấy thương hại Diễm mà không hiểu thương hại vì lý do gì.

Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt Diễm, đôi mắt tròn đen láy, những cái chớp mắt nhẹ nhàng, mộng mơ khiến tôi bồi hồi và có một cái gì êm ái lắm vừa len nhẹ vào hồn, chuyển động theo từng thớ thịt, thần kinh. Tôi muốn ôm Diễm thật gọn trong vòng tay để tôi khỏi mất Diễm như chính tôi đã đánh lạc tương lai đời mình. Diễm sẽ nghĩ gì qua tia nhìn đầm ấm, thiết tha vừa rồi của tôi!? Tôi yêu Diễm? Có lẽ vậy! Và hình như Diễm đã yêu tôi thật nhiều qua những cử chỉ, lời nói thật chân thành, dễ thương của một cô bé mười bảy tuổi.

Tôi hoàn toàn mù tịt không hiểu Diễm đã yêu tôi từ bao giờ ! Và tôi, tôi có yêu Diễm không ? Tôi và Diễm quen biết nhau từ hơn ba năm trời nay, cái thuở tôi còn là một thằng con trai mới lớn, một học sinh lớp đệ Tam. Tình bạn, tôi nghĩ thế, đã được dưỡng nuôi từ đó cho đến bây giờ.

Kiểm điểm lại tôi thấy trong suốt thời gian qua tôi chưa hề buột miệng nói yêu Diễm. Phải công nhận rằng hình ảnh của Diễm luôn quấn quít bên tôi. Đó có phải một dữ kiện để tôi đoán chắc rằng tôi yêu Diễm!? Dù muốn dù không đối với mọi người, trước mắt bạn bè, tôi và Diễm đã được công nhận là đang chìm đắm trong bể tình yêu. Tôi mỉm cười, nụ cười chứa đựng nguồn hạnh phúc đã đến với tôi tự lúc nào tôi cũng chẳng hay.

Diễm hỏi:

- Anh nhìn gì Diễm?

Tôi dáp:

- Anh tìm hình bóng mình trong đôi mắt Diễm

Diễm cười thật xinh:

- Anh thấy không?

Tôi gật đầu:

- Thấy! Anh thấy anh trong cửa sổ linh hồn Diễm, đừng khép kín để anh còn hoan hỉ trao Diễm ngọn gió tình yêu.

Diễm sung sướng :

- Anh nói thật!?

Tôi trả lời Diễm bằng cái nắm tay xiết mạnh, cái nắm tay của lịch sử tình yêu. Diễm chớp mắt liên hồi. Có lẽ Diễm đang đón nhận những xúc cảm ngào ngạt dâng lên, vũ bão như cơn lốc trở mình cho một ngày thay đổi.

Tiếng chuông reo. Mười lăm phút ra chơi thật ngắn ngủi. Tiếng chuông đập vào thính giác tôi, gợi lại trong tôi nỗi xót xa, nuối tiếc… Tôi muốn được cái hân hạnh trở lại tháng ngày thần tiên vừa qua khỏi. Đàn ‘‘thỏ bạch’’, biệt hiệu chúng tôi dùng để gọi các cô nữ sinh áo trắng, lần lượt nối đuôi nhau mất hút sau cổng trường. Diễm gỡ tay ra, nói với tôi:

- Thôi Diễm vào.

Tôi gật đầu.

- Chiều anh đến Diễm nghe!... Diễm... yêu anh.

Vừa dứt câu, Diễm vụt chạy. Có lẽ cô nàng xấu hổ. Tôi lại gật đầu và không hiểu sao Diễm nói gì tôi cũng gật đầu như tuân theo một mệnh lệnh. Đó có phải là những cử chỉ ngoan ngoãn thường có ở những kẻ yêu nhau? Tôi mỉm cười, không phải nụ cười méo xệch ban sáng mà là một nụ cười thật tươi, thật hạnh phúc.

Cánh cửa sắt nặng nề khép lại. Diễm của tôi đã bị nhốt kín trong đó, thế giới hồn nhiên và mộng mơ của những tâm hồn mới lớn. Tôi quay nhìn Dương, Dũng, Bằng... Chúng cũng như tôi đôi mắt ngừng thật lâu ở cánh cửa và trên môi chưa tắt nụ cười.