TỰA của DỊCH GIẢ

Chúng tôi xin cám ơn tác giả, bà Laura Archera

Huxley và nhà xuất bản Roger Straus & Co., New

York đã vui lòng cho phép chúng tôi dịch cuốn này

Nhan đề cuốn này trong bản tiếng Anh là

YOU ARE NOT THE TARGET

LAURA ARCHERA HUXLEY

MỤC LỤC

o Tựa của dịch giả

o Ghi ân

o Tựa của Aldous Huxley

PHẦN THỨ NHẤT

 

1. Những điều kiện cần thiết cho một đời sống sung sướng 

2. Biến đổi năng lực

PHẦN THỨ NHÌ

o Những thuật để sống và để yêu

o Mấy lời mở đầu

1. Bạn đâu phải là cái đích mà người ta nhắm 

2. Nhảy vào địa vị người khác

3. Trái banh để đấm

4. Giết con ma (ở đây và ngay giờ)  

5. Làm cách nào để có thể dùng cái này được?  

6. Nhảy múa theo tiếng nhạc

7. Đặt những câu hỏi nào? Cách đặt?  

8. Nghệ thuật biển đổi năng lực

9. Yêu mình như thể yêu người

10. Theo dòng

11. Thận trọng làm cái quái gì?  

12. Bạn dự đám táng của bạn

13. Bạn dự một mình đám táng của bạn

14. Thổi bong bóng nước

15. Cho nhau một cái gì

16. Như thể lần đầu vậy

17. Không khí, nước, thức ăn

18. Bắt từ ngữ phải phục vụ ta

19. Nhưng phải thận trọng khi dùng từ ngữ

20. Bài ca không lời

21. NNL - NNL - NNL

22. Bạn nên làm một con vật

23. Những tảng băng trong dòng sông

24. Khẩn cấp

25. Hôm nay bạn có nuôi bệnh...  

26. Óc tưởng tượng của bạn thuộc về bạn

27. Giúp tôi với vì tôi đố kị ông ấy

28. Đêm êm đềm làm sao!  

29. Mở lòng ra để tiếp nhận niềm vui

30. Bát nhã ngay lúc này

31. Phát minh một thuật khác

PHỤ LỤC

Các thuật xếp theo sự giao thiệp với người khác

Mục lục

TỰA

của DỊCH GIẢ

Xét cho cùng thì loại sách mà người Pháp gọi là Culture humaine, ta gọi là sách Học làm người1 - thời nào cũng có vì thời nào con người cũng thấy cần phải tu thân và tập cách xử thế. Nhưng ở Âu, Mỹ, mãi tới cuối thế kỷ trước, ở nước ta mãi tới sau thế chiến vừa rồi nó mới phát triển. Có nhiều nguyên do: giáo dục được truyền bá rộng hơn, số người có kiến thức phổ thông tăng lên, nên loại sách đó cũng theo trình độ văn hóa mà phát triển cùng với các loại khác như tiểu thuyết, biên khảo...: nền giáo dục ở học đường chú trọng tới trí dục hơn là đức dục, nên mọi người thấy cần phải bổ khuyết nó và loại sách Học làm người nhằm mục đích thỏa mãn nhu cầu đó, thế kỷ chúng ta tùy còn nhiều điều bất công, nhưng so với những thế kỷ trước thì những người nghèo có nhiều cơ hội hơn để tiến lần lên những địa vị cao trong xã hội, miễn là có chút khả năng, lại chịu kiên nhẫn, và tất nhiên họ tìm đọc loại sách Học làm người để dự bị trên con đường tiến thủ.  

1 Danh từ này đó ông Phạm Văn Tươi tạo ra cách đây khoảng 15, 16 năm, nay đã thông dụng (1966).

Hiểu những nhu cầu đó rồi thì ta có thể đoán chắc rằng loại sách đó mỗi ngày mỗi phát triển thêm. Ở Âu Mỹ chẳng hạn, gần đây số người đọc tiểu thuyết giảm đi mà số người đọc các loại biên khảo và phổ thông thì tăng lên, mà nhiều cuốn viết về loại Học làm người như của Dale Carnegie, Bertrand Russell, Harold Shermann... đã được in mỗi lần hàng chục, hàng trăm ngàn bản trong tủ "sách bỏ túi", và bán chạy không kém các tiểu thuyết cổ điển. Còn ở nước ta thì trước thế chiến vừa rồi chỉ có vài cuốn của nhà Hàn Thuyên (có lẽ cũng nên kể thêm cuốn MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM của Hoàng Đạo - nhà xuất bản Tự Lực). Hiện nay mỗi năm xuất bản đều đều trên chục cuốn để giúp thanh niên tu thân và xử thế. Sự tấn bộ, ít nhất là về lượng, quá đã rõ ràng.

Tuy được độc giả nhận là có ích và hoan nghênh, loại sách đó từ trước tới nay chưa hề được các học giả và văn học giả lưu ý tới: người ta không cho nó thuộc về văn nghệ, cũng không thuộc về khoa học, mà chỉ có tính cách phổ thông. Nhận xét đó đúng, nhưng nếu ta chịu chú ý tới nó, phân tích nó, theo dõi sự phát triển của nó thì cũng tìm ra được nhiều điều thú vị.

Cứ xét chung thì mười cuốn chưa chắc đã được một cuốn viết có nghệ thuật, nhưng thỉnh thoảng ta vẫn gặp được ít cuốn mà tác giả là những văn hào như André Maurois (Un art de vivre), Arnold Bennett (How to live on 24 hours a day), Bertrand Russell (The conquest of happiness), Lâm Ngữ Đường (The importance of living)1 - ý tưởng đã sâu sắc, lời thì hoặc điêu luyện, hoặc tự nhiên, đôi khi dí dỏm, luôn luôn hấp dẫn, tóm lại là có giá trị chắc chắn, có thể so sánh với các cáo luận bất hủ của cố nhân như tập Essais của Montaigne, tập Réflexions của Vauvenargues. Vậy thì các trước tác về loại Học làm người cũng đáng gọi là văn nghệ chứ?  

1 Chúng tôi đã dịch cuốn của Bennett: Sống 24 giờ một ngày, và cuốn của Lâm: Sống Đẹp (NXB Văn Hoá, 1993).

Nó cũng có trường, có phái như các loại văn chương khác (tiểu thuyết, thơ...): ở Pháp, có phái của nhà Aubanel thiên về tôn giáo, về tâm linh: có phái của nhà Oliven thiên về khoa học, về thể chất. Nó lại có tính cách dân tộc nữa; dân tộc Pháp hấp thụ một nền giáo dục có tính cách bách khoa nên các sách Học làm người của họ thường có giọng nghiêm trang, trọng lý thuyết; dân tộc Anh, nhất là Mỹ, trái lại, hấp thụ một nền giáo dục có tính cách thực tế hơn, nên sách của họ viết vui hơn, dễ đọc hơn, hợp tâm lý số đông hơn và chú trọng đến sự thành công ở đời hơn.

Sau cùng, loại sách đó cũng như các loại khác, phản ảnh xã hội một cách khá trung thành, vì từ hình thức đến nội dung nó đều biến chuyển theo thời đại.

Tất nhiên, không ai lại sắp một tác giả X hay Y trong tủ sách của nhà Oliven, mà cũng không thể sắp ngay cả André Maurois, Bertrand Russell, Lâm Ngữ Đường... ngang hàng với Khổng Tử, Marc Aurèle, Epictète: nhưng đứng về phương diện triết học hay luân lý mà xét, thì bộ Luận Ngữ, tập Pensées de Marc Aurèle, tập Manuel d'Epictète cũng là những tác phẩm dạy ta cách tu thân và xử thế như sách của nhà Oliven. Mà về hình thức, văn trong những cuốn đó khác xa văn của chúng ta ngày nay. Từ cái thể châm ngôn, mỗi tư tưởng gói ghém trong vài hàng, có khi vài chữ, biến chuyển qua cái thể cáo luận của Montaigne, Fénelon, Vauvenargues... và ngày nay thì nhiều cuốn đã bớt phần thuyết giáo, bỏ giọng nghiêm trang mà dùng những chuyện thực kể lại bằng một giọng hóm hỉnh (như tác phẩm của Dale Carnegie), thành thử hấp dẫn không khác gì tiểu thuyết.

Về nội dung thì cho tới thế kỷ trước, hầu hết các tác giả đều khuyên chúng ta phải noi gương các vị thánh (các cụ tin rằng ai cũng có thể thành Nghiêu, Thuấn, hay thánh Paul, thánh Pierre...), sự tu thân rất mực nghiêm khắc, luôn luôn phải nghĩ tới nhân nghĩa, chứ không được nhắc tới lợi (hà tất việc lợi, diệc hữu nhân nghĩa nhi dĩ hĩ), ngày nay người ta khoan hòa hơn, cho phép chúng ta, khuyến khích chúng ta tha hồ nói tới lợi, tới tư lợi, miễn là đừng làm hại cho cái lợi của người khác, mà sự tu thân của chúng ta cũng dễ dàng hơn, chẳng phải tham thiền, nhập định gì cả, chỉ cần áp dụng vài luật về tâm lý hay sinh lý là được rồi.

Không những vậy, nội dung còn mở rộng ra, bao trùm cả mọi hoạt động: luyện kí tính, luyện lời, luyện văn, học cách nói chuyện trong điện thoại, cách nuôi con, cách ngắm hoa, nghe nhạc... thành thử phải áp dụng những phát minh của mọi môn học: Triết học, văn học, khoa học, xã hội học, nhất là tâm lý học. Ta có thể nói rằng môn tu thân, xử thế đã thành một khoa học, một nghệ thuật, nghệ thuật sống và không có cái gì liên quan tới đời sống con người mà không nằm trong phạm vi loại sách Học làm người.

Vậy trong khoảng nửa thế kỷ nay, loại sách đó đã biến chuyển rất mau, mỗi ngày một phong phú thêm lên. Tôi tuy không chuyên tâm theo dõi sự biến chuyển đó, nhưng luôn mười bảy, mười tám năm nay, hễ thấy cuốn nào nhan đề hay hay thì cũng tìm mua, trung bình mỗi năm cũng đọc được vài cuốn, và tôi chưa thấy cuốn nào nội dung mới mẻ, kỳ dị bằng cuốn YOU ARE NOT THE TARGET của Laura Archera Huxley mà dưới đây tôi xin giới thiệu với Độc giả.

Tác giả, góc Ý, là vợ văn hào Anh Aldous Huxley1, và tác phẩm trên là cuốn đầu tay của bà. Cứ theo lời GHI ƠN của bà thì bà đã dạy học và chữa bệnh thần kinh cho nhiều người, rồi gom góp kinh nghiệm để soạn cuốn này.  

1 Tiểu thuyết gia và nghị luận gia rất nổi danh, đã viết khoảng bốn chục tác phẩm, hầu hết đã được dịch ra tiếng Pháp, và những cuốn được nhiều người đọc nhất là Le meilleur des mondes (Brave New World), Contrepoint, Temps futurs..., giọng mỉa mai sâu sắc.

Bà hoàn toàn không theo gót các người trước, không lý luận dài dòng, mà chỉ gom góp những thuật để tu thân sửa tánh, rồi ghi lại cho chúng ta áp dụng. Đọc hết phần đầu (rất ngắn) ta nhận ngay ra rằng học thuyết của bà xây dựng trên một triết lý là yêu đời, và nhắm một mục đích là cải tạo bản thân để cải tạo xã hội. Rồi đọc tới phần nhì, ta sẽ thấy bà mươi mốt thuật bà vạch cho chúng ta, bề ngoài có vẻ rời rạc, không liên quan gì với nhau mà sự thực đều theo một số qui tắc minh bạch, xác đáng.

Qui tắc thứ nhất là tự tìm hiểu mình, vì muốn sửa mình thì phải nhận thấy những tật của mình đã. Qui tắc đó chẳng có gì là mới mẻ, hai ba ngàn năm trước, các triết gia đông, tây đều đã nêu ra rồi. Nhưng cổ nhân chỉ khuyên ta "Connais-toi toi-même" và "tự nhỉ dỉ hỉ", mà không trỏ cho ta cái cách tự hiểu mình ra sao, cách suy tư ra sao. Mà ai cũng biết rằng tự hiểu mình là một điều cực kỳ khó, vì chúng ta chủ quan, thứ nhất là vì phần tri thức của ta không thể rơi vào phần tiềm thức được, mà chính phần tiềm thức này chỉ huy một phần lớn động tác, thái độ, tính tình của ta. Bà Laura Archera Huxley đã khéo áp dụng những phát minh của khoa phân tâm học, tìm ra được nhiều thuật (chẳng hạn thuật Đặt những câu hỏi nào? Cách đặt ra sao?) để giúp ta dọ thám những chốn tối tăm nhất của tiềm thức, có vậy rồi ta mới có thể tự hiểu ta được.

Qui tắc thứ nhì là khi đã tìm hiểu được mình rồi, đã bắt được cái chân bản ngã của mình rồi - mà cái chân bản ngã đó chẳng bao giờ được hoàn toàn tốt đẹp, nhiều khi còn làm cho ta hổ thẹn nữa - thì đừng nhắm mắt lại để phủ nhận nó: cũng đừng chán nản, tự mạt sát mình: mà trái lại nên vui vẻ nhận chân nó, vui vẻ y như khi ta tìm thấy được những tật trong động cơ xe hơi hoặc trong bộ máy thâu thanh của ta vậy. Điểm đó cũng không có gì mới; ai cũng biết rằng không nhận chỗ sớ đoán của mình thì làm sao mà sửa nó được. Mới là ở chỗ tác giả chỉ cho ta thấy rõ rằng những tật của ta chỉ là do ta vụng dùng năng lực của ta; nếu khéo dùng thì tật xấu sẽ hóa thành đức tốt, ác sẽ biến ra thiện, họa sẽ chuyển thành phúc. Chẳng hạn bao nhiêu uất ức, giận hờn, nếu cứ chứa chất ở trong lòng thì ta sẽ đau khổ, có thể sinh ra đủ các chứng bệnh, có thể phát điên lên được, nhưng nếu cho nó phát ra hết đi, miễn là đừng có hại cho người khác thì tâm hồn, thể chất ta sẽ thảnh thơi, ta sẽ vui sống và yêu đời, yêu người hơn; không những vậy, trong khi cho nó phát ra, ta còn có thể lợi dụng nó để tập thể dục bồi bổ sức khỏe, cải thiện dung nhan nữa (coi thuật Trái bánh để đấm).

Vậy thì nghệ thuật sống là nghệ thuật biến đổi những năng lực tiêu cực thành những năng lực tích cực để chuyển hóa thành phúc. Để thực hiện cuộc biến đổi đó, ta phải dùng mọi phương tiện, mọi lúc rảnh và mọi vật sẵn có ở chung quanh ta: đây là qui tắc thứ ba mà cũng là một điểm mới mẻ trong phương pháp của tác giả. Hầu hết các sách từ trước đều chú trọng vào tinh thần, chẳng hạn khuyên ta tập trung tư tưởng rèn nghị lực... Đành rằng tinh thần quan trọng thật nhưng không thể tách nó rời khỏi thể chất được. Tinh thần và thể chất chỉ là một. Tác giả nhấn mạnh vào điểm đó và áp dụng triệt để chân lý đó, cho nên trong ba mươi mốt thuật bà chỉ cho ta, luôn luôn ta phải vận động bắp thịt này, bắp thịt khác, phải thêm hô hấp, có khi lợi dụng cả nước (nước nóng, nước lạnh), thức ăn và âm nhạc nữa.

Tư tưởng của bà đã mới mẻ như vậy, mà những thuật của bà mới thật là kỳ dị. Đọc những chương Trái bánh để đấm, Nhảy múa theo tiếng nhạc, Bạn nên làm một con vật, Bát nhã ngay lúc này... Độc giả sẽ thấy gần như là ảo ảnh thuật. Đọc lần đầu bạn mỉm cười, cho tác giả là lập dị, nhưng đọc lại lần nữa bạn sẽ phải nhận rằng những thuật đó chẳng những rất hợp với khoa tâm lý của phương Tây mà còn hợp với cả những triết lí thâm ảo nhất của phương Đông. Những thuật Giết con ma, Bạn dự đám táng của bạn, Bạn dự một mình đám táng của bạn lại còn quái đản hơn nữa, người thường chúng ta không làm sao tưởng tượng nổi. Tác giả phải có một bộ óc lạ lùng, phải mục kích biết bao nổi khổ ghê gớm của nhân loại, mới có thể nghĩ ra được những kỳ phương như vậy. Đọc những chương đó rồi, tôi mới thấy Dale Carnegie trong cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống chỉ trị những ưu tư thông thường của chúng ta, còn Laura Archera Huxley mới trị được những ẩn ức, u uất tới cái mức thác loạn của một số người xấu số trong xã hội ngày nay. Và như vậy hai cuốn bổ túc lẫn nhau, và tôi tin chắc rằng cuốn này sẽ giúp ích được cho độc giả như cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống.

Sau cùng tôi xin thưa thêm rằng cả về hình thức, tác phẩm của bà Laura Archera Huxley không giống những cuốn khác: giọng văn thì đột ngột, hình ảnh đôi khi rất lạ, cú pháp đôi khi phóng túng, chính Aldous Huxley cũng nhận như vậy, nên khi dịch, tôi đã phải châm chước ít nhiều: còn về cách trình bày thì sau nhiều chương, tác giả lại thêm một đoạn in một lối chữ riêng để nhắc nhỡ những ý chính cho ta: và cuối sách có thêm một bảng Phụ lục và một bảng Mục lục sắp các thuật theo nhu cầu của chúng ta, thành thử sách rất dễ tra cứu, có tính cách rất thực tế. Chỉ xét hai bảng đó cũng thấy sách tuy chỉ chứa ba mươi mốt thuật mà có thể áp dụng vào trên sáu chục trường hợp trong đời sống hằng ngày của mọi hàng người. Đúng là một "toàn thư" trong loại Học làm người như tác giả đã nói.  

Saigon, ngày 30-4-1966

NGUYỄN HIẾN LÊ