Chương 1

THÚY VÀ SƠN DỌN VỀ CÁI XÓM LAO ĐỘNG này đã được hai tuần rồi. Lúc đầu người ta không biết đó là chị em mà tưởng họ là một cặp vợ chồng trẻ, vì Thúy đang có thai chừng năm tháng và Sơn tuy nét mặt còn non nhưng cao lớn. Dần dần người ta mới biết Sơn là em trai của Thúy. Lúc ấy người ta mới thắc mắc: Chồng Thúy ở đâu?

Thúy nói chồng Thúy đã đền nợ nước. Ở cái thời buổi loạn lý kéo dài cả trên một phần tư thế kỷ này, hàng vạn phụ nữ lâm vào cảnh goá bụa như Thúy. Nên khi nghe Thúy nói như vậy, không còn ai nghi ngờ gì nữa hết. Người ta thường lui tới giúp đỡ Thúy. Và khi thấy Thúy lãnh may quần áo thì người ta đem hàng vải đến để Thúy may kiếm tiền.

Sơn học lớp đệ nhị nhưng chỉ học một buổi, còn một buổi đi bán báo. Với nghề bán báo ấy, nếu Sơn có được một chiếc xe đạp, chớ đừng nói là xe gắn máy, thì Sơn cũng kiếm được khá tiền để phụ giúp chị.

Thúy khuyên Sơn đừng đi bán báo vì năm ấy là năm thi tú tài phần nhất. Sơn phải đậu nếu muốn tiếp tục học chớ không thì phải trình diện nhập ngũ, nhưng Sơn nói phải làm kiếm tiền giúp chị vì chị còn phải tốn kém nhiều cho việc sinh đẻ.

Mỗi khi nghe em nói vậy, Thúy chỉ biết thở dài. Nhiều người bàn nhau Thúy và Sơn chắc xuất thân trong một gia đình khá giả, vì cả hai mặt mày đẹp đẽ, sáng sủa, Sơn lại có vẻ thông minh nữa.

Có người hỏi Thúy:

- Trước kia cô ở đâu?

Thúy nói:

- Cháu quê ở Cần Thơ.

- Thảo nào cô đẹp mà cậu Sơn cũng mặt mày sáng sủa. Người ta bảo con gái Cần Thơ đẹp lắm phải không?

Thúy cười:

- Cũng tuỳ. Nơi nào lại không có người đẹp, thưa dì.

Một người khác nói với Thúy:

- Nhìn tướng cô, tôi biết cô không phải là người cực. Chắc cô gặp gia biến...

- Bác đoán phải. Gia đình cháu đang vui vẻ, cha mẹ vợ chồng sum họp thì một quả đại bác rơi trúng làm nhà sụp đổ, cha cháu bỏ mình, mẹ cháu bị thương. Cháu và em cháu phải đưa mẹ lên Sài Gòn chữa trị nhưng rồi mẹ cháu cũng không sống được. Cháu phải bỏ học để đi làm thư ký nuôi em cháu học hành. Rồi cháu có chồng, chồng cháu là người tốt, hứa giúp em cháu học đến nơi đến chốn, thì chàng lại bỏ mình vì nước...

- Sao cô gặp lắm chuyện đau khổ như vậy! Thật là tội nghiệp. Nhưng cô đừng buồn. Tôi thấy tướng cô, tôi đoán biết cô không còn cực khổ lâu nữa. Rồi đây cô sẽ sung sướng.

- Cảm ơn bác chúc lành cho cháu. Chớ sự thật cháu lo lắm bác ạ. Hai chị em đùm bọc nương tựa nhau để sống, may ra còn đủ. Chớ có con rồi thì tiền đâu mà mua sữa cho con, tiền đâu sanh đẻ...

- Trời sanh voi sanh cỏ, hơi đâu cô lo. Lại nữa. cô hãy yên lòng. Cô bác láng giềng ở đây không bỏ cô đâu. Mình nghèo với nhau, chớ còn những người giàu có, mỗi người một biệt thự riêng biệt, hay sống trong những cư xá sang trọng, họ đâu hiểu thế nào là thiếu thốn, họ có thương xót ai thì cũng chỉ là thương xót bằng miệng. Hôm nào cô bận may vá, không đi chợ được thì cô cứ gửi tiền tôi mua thức ăn cho. Hay cô cần việc gì thì cứ qua gọi chúng tôi, dù là nửa đêm gà gáy... Hạng người bình dân chúng tôi ăn nói thì thô tục nhưng thành thật, chớ không giả dối. Biết đoàn kết, chớ không phải như hạng người tri thức chỉ đoàn kết ngoài miệng thôi.

Và họ đã giúp đỡ Thúy và Sơn thật sự. Nhà nào cũng lấy báo của Sơn, nhà nào cần may vá gì cũng đem đến cho Thúy, vì vậy Thúy cũng thấy được an ủi phần nào.

Nhưng thật ra không ai hiểu lai lịch của Thúy cả và cũng không biết nàng là ai.

Đêm đêm khi mọi người đã an giấc thì trong ngôi nhà nhỏ hẹp của Thúy, ánh đèn còn lọt qua khe vách ván và tiếng học bài hay tiếng máy may vẫn còn vang ra bên ngoài. Bác Năm tài xế taxi về khuya thấy thế, lên tiếng hỏi:

- Cô Thúy giờ này còn thức may sao? Còn cậu Sơn học gì mà học dữ vậy? Khuya rồi, nên đi nghỉ để ngày mai có sức tiếp tục làm nữa.

Lúc ấy Sơn mở cửa, bước ra hỏi thăm bác Năm:

- Hôm nay bá chạy xe khá không bác?

- Cũng đỡ cháu à.

Gia đình bác Năm gồm hai vợ chồng bác và ba người con đã lớn. Hai trai đi lính và cô con gái út đi học đánh máy. Cô này tên Tuyết, tỏ ra có cảm tình với Sơn nhưng Sơn không dám để ý đến Tuyết vì cảnh nghèo nàn đau khổ của mình.

Có lần Tuyết hỏi Sơn khi Sơn đưa báo cho Tuyết:

- Anh Sơn, có phải năm nay anh thi tú tài không? Vậy mà anh đi bán báo thì lấy thì giờ đâu mà học?

Sơn bẽn lẽn, ú ớ:

- Thức đêm học vậy.

Tuyết thở dài:

- Phải chi tôi làm thế được cho anh.

Sơn vội vã bỏ vào nhà không dám nhìn Tuyết.

Bác Năm gái thường qua nhà Thúy ngồi xem Thúy may đồ. Bác hỏi thăm hết chuyện này đến chuyện khác.

- Cô sắm cái máy may này từ hồi nào?

- Dạ từ khi cháu làm thư ký. Ban ngày cháu làm ở hãng, ban đêm cháu may thêm. Lúc ấy Sơn chỉ có việc lo học, không đi bán báo.

- Cô học may từ bao giờ?

- Từ khi còn đi học chữ.

- Cô học đến đâu?

- Dạ đến lớp đệ nhị thì cha cháu mất...

- Gia đình bên chồng không còn ai cả sao?

- Dạ không có ai cả...

Đôi khi Tuyết cũng qua ngồi chơi để nghe mẹ chuyện trò với Thúy. Thúy nói:

- Cô Tuyết trông hiền lành, ngoan ngoãn quá.

Bác Năm gái nói:

- Coi vậy chứ nó cứng đầu lắm, hễ muốn cái gì thì phải biết! Nó học đến lớp đệ tam thì không chịu học nữa, đòi đi học sinh ngữ và học đánh máy để đi làm. Nó bảo đi làm Sở Mỹ nhiều tiền, có thể giúp đỡ gia đình. Nó thấy cha nó già mà vất vả nó không muốn.

Thúy thở dài:

- Đi làm sở Mỹ nhiều tiền thật, nhưng cũng có nhiều sự phiền phức, gặp nhiều cạm bẫy.

Bác Năm tán thành ý kiến của Thúy:

- Tôi phản đối chuyện đi làm sở Mỹ, nhưng nhà tôi nói con nhà tử tế, giàu có, họ cũng đi làm sở Mỹ thì sao. Thời buổi này mà quân tử Tàu thì có nước chết đói. Lại nữa, theo nhà tôi thì hư hay nên còn tại mình, không phải ai đi làm sở Mỹ đều lấy Mỹ. Thế các cô nữ sinh viên, các cô ấy có đi làm sở Mỹ đâu mà thỉnh thoảng cũng có một vài cô lấy chồng Mỹ thì sao?

Thúy cũng vâng dạ lấy lệ rồi hỏi:

- Năm nay cô Tuyết bao nhiêu tuổi rồi bác?

- Mười bảy tuổi. Nó định sang năm đúng mười tám tuổi thì đi làm. Nó có việc làm thì tôi cũng đỡ.

Bác Năm gái nói xong thở dài:

- Con gái thì nhờ cậy bao lăm ngày. Đi làm vài năm là có chồng. Rồi chồng nó nhờ chớ có ai nhờ đâu... Cô thấy nó thế nào, có dễ nhìn không? Mười bảy tuổi mà chưa biết chưng diện gì cả.

- Cô Tuyết vừa đẹp, vừa có duyên, giống bác lắm.

Bác Năm gái ra vẻ vừa ý:

- Nhiều người cũng nói vậy.

Thúy thân nhất với gia đình bác Năm và với ai Thúy cũng vui vẻ, lễ phép, nhưng khi một mình một bóng thì Thúy thường thở vắn than dài và nghĩ vơ vẩn, có khi khóc âm thầm. Trong căn nhà nhỏ và chật hẹp ấy, người ngoài mới bước vào thấy ngay bức chân dung bà Phán Sửu, mẹ của Thúy và Sơn, để trên cái bàn thờ giữa nhà. Gần cửa vào là cái máy may, nơi Thúy thường ngồi may. Bàn học của Sơn ở góc trái gần cái đi-văng nhỏ, nơi nghỉ ngơi của Sơn. Thúy ở phòng trong, vừa dùng làm phòng ngủ cho Thúy, vừa làm chỗ nấu bếp. Trên một sợi dây kẽm giăng sát vào tấm ván, Thúy treo những xấp hàng vải mà người ta đặt may quần áo.

Cứ đến mười giờ tối là Sơn về nhà, hai chị em xúm lại tính lại tính tiền bán báo. Hôm nào bán chạy thì Sơn vui vẻ:

- Phải bỏ vào cái ống thêm một tờ năm chục nữa!

Có khi Sơn còn đem bánh hay trái cây về cho chị:

- Chị dùng thêm để lấy sức... Chị thức khuya may chắc mệt lắm. Bao giờ thì chị sinh hả chị Thúy?

- Còn bốn năm tháng gì lận.

- Phải chi còn mẹ thì mẹ sẽ lo cho chị... Em là con trai...

Thúy cảm động:

- Thì mình nhờ bác Năm gái, chớ biết sao?

- Nhưng có mẹ vẫn hơn.

Thúy ứa nước mắt và nghĩ:

- Nếu mẹ ta còn sống thì ta làm gì lâm phải cảnh này. Thật là đau khổ.

Thấy chị buồn, Sơn vội vàng nói sang chuyện khác:

- Chị đã may sắm gì cho cháu bé chưa? Em van vái sao chị sanh con trai... Em thích có một cháu trai lắm. Còn chị?

- Chị chắc sanh một lần này là thôi, vì vậy chị cũng muốn có một đứa con trai, mặc dù chuyện thai nghén này là chuyện bất đắc dĩ, giọt máu này là của kẻ đã gây đau khổ cho đời chị...

- Chị không nên nghĩ vậy. Hãy gạt bỏ tất cả chuyện bực mình, chỉ nên nghĩ nó là con của chị, từ làn da, sớ thịt, cho đến sợi tóc, cái móng tay cũng là của chị. Chị tạo hình hài đứa bé, nó lớn lên nhờ máu huyết của chị... Chị đừng thèm nghĩ gì nữa cả.

- Chị cũng nghĩ như em. Chị sẽ yêu thương nó, nuôi dạy nó... Và chắc chị không dám nghĩ đến tương lai.

- Chúng ta đang ở hiện tại, làm sao dám nói đến chuyện tương lai... Chị có quyền yêu thương và xây dựng lại khi nào chị gặp được người tử tế, biết kính mến chị.

- Cuộc đời của chị như thế này, ai kính mến chị được chứ? Chị sẽ sống để nuôi con và sống với em. Khi nào em lấy vợ, có con, chị nuôi con cho các em.

Sơn cảm động:

- Lúc nào chị cũng nghĩ cho em.

Tuy có thai đã năm tháng, nhưng Thúy còn gọn gàng lắm, Thúy làm việc suốt ngày và không bao giờ đi đâu cả.

Một hôm vừa đi học về, Sơn vui vẻ khoe mình đứng thứ ba trong lớp sáu chục học sinh. Thúy mừng rỡ:

- Nếu em đừng đi bán báo, chắc em đứng nhất!

- Nhờ đi bán báo nên em mới học được.

- Em nói gì lạ vậy? Chị không hiểu.

- Đâu có gì mà không hiểu. Nếu em không bán báo thì lúc nào đầu óc em cũng lo nghĩ về chuyện túng thiếu, học sao được. Đằng này khi bán xong báo với số tiền đã kiếm được, em không lo gì nữa cả. Em có tiền mua cho chị một khúc bánh mì thịt, vài trái cam hay bỏ vào cái ống vài chục để cho chị có tiền sinh đẻ là em yên lòng, em học bài mau thuộc, làm toán đúng đáp số, hay viết luận thật hay...

Thúy cầm tay em:

- Tội nghiệp em quá! Khi mẹ còn sống mẹ nói em có đôi bàn tay đẹp lắm, chắc em sẽ làm bác sĩ...

Sơn cười:

- Có đôi bàn tay đẹp thì làm hoạ sĩ chớ, sao lại làm bác sĩ?

- Em thích làm hoạ sĩ sao?

- Không, em thích làm kỹ sư.

- Chị cũng thích em làm nghề ấy. Nước chúng ta đang trên đà phát triển, cần thật nhiều kỹ sư để kiến thiết quốc gia, mở mang kỹ nghệ, khuếch trương kinh tế. Em đi bán báo mà vẫn học giỏi thì chị cũng đỡ ân hận.

- Không việc gì chị phải ân hận cả. Chị nên làm việc vừa phải thôi, phải dưỡng sức chị ạ. Em thấy chị hơi gầy và xanh đó, chị có cần đi bác sĩ khám thai không?

- Không có gì trục trặc thì thôi. Người nào có thai mà chả xanh xao. Em không thấy chị Ba bán cháo lòng ấy sao? Chị còn gấy ốm và xanh xao hơn nhiều...

- Chị Ba khác, chị khác, chị không thể so sánh với chị Ba bán cháo lòng được. Người ta quen cực khổ, chớ còn chị? Và dù sao chị ấy cũng có chồng con để lo cho. Chị em mình thì tứ cố vô thân.

- Được như vầy đã quý lắm rồi...

- Mình mang ơn chị Ngọc cũng nhiều phải không chị? Không biết dạo này chị Ngọc sống ra sao, có hạnh phúc không?

Nghe em nhắc đến Ngọc, Thúy thở dài:

- Cũng tại chị mà chị Ngọc nghỉ làm và đi lấy chồng, một người chồng mà chị ấy không yêu. Chị Ngọc thật là người tốt. Hôm nào rảnh, em đến thăm chị Ngọc giùm chị. Chị không muốn đi đâu hết và cũng không muốn gặp người quen...

Thúy nói đến đây bỗng nhớ lại cái lúc làm thư ký cho bà Trang. Lúc ấy đồng lương của Thúy chỉ có năm nghìn nhưng Thúy không thấy thiếu thốn nhờ Thúy không biết chưng diện. Sơn học lớp nhỏ, ít tốn kém sách vở. Rồi bà Trang sang cửa tiệm cho bà Nga để theo chồng đi ngoại quốc làm ăn. Bà Nga trả cho Thúy thêm hai nghìn, nhưng làm với bà Nga, Thúy không thích vì bà này khó tánh, bóc lột nhân công, rình mò nhân viên khiến Thúy lấy làm khó chịu.

Vì vậy làm với bà Nga hai tháng, Thúy xin thôi việc và nhờ quen với Ngọc, cháu của bà bạn của mẹ Thúy, Ngọc đã giới thiệu cho Thúy tới làm với ông Châm, giám đốc hãng xuất nhập cảng Minh Quang. Ngọc không biết gì nhiều về ông Châm vì Ngọc cũng mới đến đây làm được năm tháng, Ngọc chỉ biết hãng Minh Quang trả rất khá, lươn của Ngọc tới mười hai nghìn. Nếu Thúy vào thế chỗ của Loan vừa đi lấy chồng thì lương của Thúy cũng lên đến mười nghìn.

Khi Ngọc đưa Thúy vào giới thiệu với ông Châm thì ông này chấp thuận cho Thúy vào làm việc ngay với số lương mười nghìn. Ông Châm nói:

- Tôi đang cần một nữ thư ký biết đánh máy, nếu cô thạo thì tháng sau sẽ làm thư ký cho tôi và tôi thêm lương cho cô.

Ngọc nói với Thúy:

- Theo tôi thấy thì ông này có vẻ hảo ngọt, nhưng không sao, tội lỗi phải do hai người gây ra, một mình ông ta muốn cũng không được. Cái đẹp đôi khi có lợi nhưng cũng có hại, miễn mình biết giữ mình là được, Thúy nghĩ có phải không?

- Chị nghĩ rất đúng. Cứ làm ở đây vài tháng xem sao. Nếu không làm được chắc tôi ở nhà làm nghề thợ may, chớ không tìm việc nữa. Lãnh đồ rồi ngồi nhà may, có lẽ được yên thân hơn.

Thúy vào làm được mấy hôm thì ông Châm gọi Thúy vào phòng giấy, hỏi Thúy về gia cảnh, Thúy cứ sự thật tỏ bày mình không còn cha mẹ, dưới quê an ninh kém nên lên Sài Gòn đi làm để nuôi đứa em trai đi học.

Ông Châm nghe vậy liền nói:

- Vậy thì cô đáng khen và đáng thương lắm. Tại sao cô không làm được với bà Ngà?

- Bà Nga dùng người lại không tin người. Lúc nào bà cũng sợ tôi ngồi không, không làm hết bổn phận hay là ăn cắp, ăn gian... Vì vậy tôi xin nghỉ.

Ông Châm khen:

- Cô xin thôi là phải. Đã dùng người thì không nên như vậy. Mình đã dùng người nào thì phải tin người ấy, có vậy người ta mới hết lòng với mình. À, năm nay cô bao nhiêu tuổi vậy cô Thúy?

- Dạ, cháu hai mươi mốt tuổi.

- Với tuổi này và nhan sắc của cô, có lẽ cô phải được sung sướng. Vậy mà cô phải vất vả, tôi không khỏi ái ngại cho cô. Thôi cô ráng ở đây làm việc, tôi sẽ tìm cách giúp đỡ cô.

Thúy cảm ơn rồi toan đi ra thì ông Châm lại hỏi:

- Cô có cần mượn trước tiền không?

Thúy quay lại nói:

- Dạ không. Xin cảm ơn ông.

Thúy đi rồi ông Châm ngồi cắn bút nhìn theo, ông nghĩ:

- Cô này đẹp thật!

Rồi ông đứng dậy đi ra ngoài, đến chỗ bàn giấy của Thúy ngắm Thúy ngồi làm việc một lúc lâu, xong đi lên đi xuống dãy bàn nhân viên, mới chịu trở vào văn phòng. Ngọc nói lớn:

- Ông này hôm nay làm gì vậy kìa?

Hùng, một nam nhân viên, cười:

- Thì có hôm nổi hứng, ông ấy đi xem xét bọn mình làm việc không được sao cô?

Trong hãng Minh Quang có tất cả năm người giúp việc. Ngoài Ngọ và Thúy là hai cô thư ký đánh máy ra, còn Hùng, một nhân viên lãnh phần đi nhận hàng hoặc gởi hàng, với hai nam nhân viên già, ông Tập quản lý và ông Sinh người đi thâu tiền.

Hùng còn trẻ, vui tín mà ông Tập thường cắp đôi cho Ngọc. Nhưng Hùng nói:

- Đừng nói đùa, tôi đã có vợ và hai con rồi.

Nghe Hùng nói vậy không ai tin cả, lại nữa Ngọc không thích Hùng vì chàng keo kiệt và ăn mặc lôi thôi lắm. Ngọc nghĩ:

- Có lẽ Hùng đã có gia đình nên mới không dám ăn xài chưng diện.

Hôm ấy ông Tập vốn là người ít nói, vậy mà thấy ông Châm đi lên đi xuống thỉnh thoảng liếc Thúy, ông liền nói:

- Tôi làm ở đây năm sáu năm gì rồi, từ khi ông Châm còn nghèo. Tôi hiểu rõ con người ông ta. Người nào đẹp đến đây xin việc dễ lắm, nhưng làm lâu lại không thể được.

Ngọc hỏi:

- Tại sao vậy?

Ông Tập nói:

- Chuyện ấy khó nói lắm. Cô nào đi làm nhiều chỗ rồi, tất phải hiểu.

Ngọc đưa mắt nhìn Thúy, Thúy cũng nhìn lại Ngọc với đôi mắt buồn lo.

Mọi người lại im lặng làm việc, ai lo phần nấy. Trưa hôm ấy khi ra về, đi bên Thúy, Ngọc nói:

- Ông Châm coi bộ thích chị lắm, như vậy cũng là chuyện rầy rà. Nhưng mình cứ giả vờ như không biết, làm được đến đâu hay đến đó.

- Tôi cũng nghĩ như chị. Không biết gia đình ông Châm như thế nào.

Theo lời ông Tập thì ông Châm có vợ và ba con, tất cả đều là con gái. Ông ấy muốn cưới vợ bé để có con trai nhưng bà Châm ghen lắm, ông không dám cưới. Vì vậy gia đình ông không được hạnh phúc.

Thúy hỏi:

- Có phải chị làm ở đây được năm tháng rồi không?

- Năm tháng, mấy ngày rồi...

- Chị thấy ông Châm đứng đắn không?

- Tôi không thấy ông ta có cử chỉ gì sỗ sàng cả, nhưng lúc nãy ông ta có vẻ làm sao ấy. Hay là tại Thúy đẹp? À, khi ông ta gọi Thúy vào văn phòng, ông ta nói gì với Thúy mà lâu vậy?

- Ông ta hỏi tôi về chuyện gia đình, trước đây tôi đã giúp việc với ai, chỉ thế thôi. Còn việc nữa ông hỏi tôi có cần tiền thì ông cho mượn trước, tôi trả lời không cần tiền.

- Ông ta có cái lối hỏi như vậy!

Vì mãi nghĩ đến những chuyện đã qua, nét mặt Thúy trông thật buồn thảm, Sơn thấy vậy liền hỏi:

- Nhắc đến chị Ngọc, chị lại nghĩ vẩn vơ rồi. Đừng thèm nghĩ đến chuyện cũ, chị ạ. Chị buồn thì em làm sao học được!

- Thôi chị không nghĩ nữa... Em hãy đi học bài và làm bài đi. Chị lấy áo ra may... Người ta hối may gấp hai cái áo dài...

Nhưng Thúy làm sao quên được chuyện ngang trái đã gây cho Thúy cảnh bụng mang dạ chửa ngày nay. Thúy lại nghĩ vẩn vơ và nước mắt chảy dài. Thúy phải quay mặt đi nơi khác vì sợ Sơn nhìn thấy...

Làm được hai tuần thì một hôm bà Châm đến hãng, tay ôm một bó hoa. Theo lời Ngọc thì thỉnh thoảng bà sai người tài xế đem hoa vào cắm ở chiếc lọ trong phòng ông Châm, ít khi bà đến hãng lắm. Vậy mà lần này bà đến. Lúc đầu cả Ngọc và Thúy đều không biết bà là vợ của ông Châm, cứ tưởng bà là một khách hàng có việc tiếp xúc với hãng. Nhưng khi thấy bà ngang nhiên đi thẳng vào phòng ông Châm mà không bị người gác cửa ngăn cản hay các nhân viên khác gọi lại thì Thúy liền nghĩ:

- Chắc bà này là vợ của ông giám đốc.

Bà cũng ngang nhiên mở cửa phòng của ông Châm mà không cần gõ cửa. Lúc ấy Ngọc nói:

- Hôm nay mình mới được hân hạnh biết bà vợ ông giám đốc. Thì ra bà ấy quá xấu! Đã xấu mà không có con trai, thế là bà mang phải hai cái tội.

- Bà vừa đi ngang là mùi nước hoa ngào ngạt. Ăn mặc thật sang trọng.

Ngọc cười:

- Ăn mặc kiểu ấy là nhà quê chớ sang trọng gì? Của đi đàng của, người đi đàng người! Nếu chiếc áo gấm màu vàng anh kia để chị mặc thì đẹp biết mấy!

- Tôi van chị đừng nói vậy.

Bà Châm ở trong phòng ông Châm một lúc rồi cả hai cùng đi ra. Khi đi ngang qua dãy bàn nhân viên, bà ngừng lại chào ông Tập, ông Sinh rồi lên tiếng hỏi:

- Nghe nói hãng mình mới nhận cô thư ký mới phải không anh? Cô ấy đâu rồi?

Thúy vẫn ngồi yên làm việc, không ngẩng đầu lên. Thúy đã hiểu vì lẽ gì hôm nay bà Châm đến đây.

Ông Châm nói:

- Việc này anh đã nói với em rồi. Bà Khanh xin nghỉ, hãng cần người, cô Ngọc giới thiệu cô Thúy, cô này đã giúp việc cho nhiều hãng nên thạo việc lắm.

Bà Châm chỉ về phía Thúy:

- Có phải cô kia không?

- Đúng rồi!

Thế là bà Châm đi ngay lại chỗ Thúy:

- Cô Thúy, cô đến đây làm việc được bao lâu rồi?

Thúy lễ phép đứng dậy chào bà Châm:

- Dạ, được hai tuần rồi.

Bà Châm nhìn Thúy thấy thuỳ mị, đoan trang lại cũng khá đẹp thì không dám nói gì vô lễ, bà ừ một tiếng rồi bỏ ra về. Ông Châm đưa bà ra tận xe, hai người nói chuyện với nhau rất lâu. Lúc quay vào, ông đi một mạch vào văn phòng, mặt lộ vẻ tức bực thấy rõ.

Ông Tập nói lớn:

- Cô Thúy không bị xài xể như cô Hoa ngày trước là may mắn lắm đó.

Ông Sinh nói:

- Bởi vì cô Thúy đàng hoàng lại không chưng diện, còn cô Hoa hồi đó thì bận đầm, lại son phấn loè loẹt.

Ông Tập thở dài:

- Nghĩ cũng tội nghiệp cô Hoa, trời sinh cô ấy đẹp, vậy mà bà Châm lại xem như kẻ thù... Cô mới làm có một tháng là phải tự động xin nghỉ vì bị bà Châm đến đây xài xể ba bốn lần.

Thúy đâm ra lo:

- Với cái đà này chắc tôi không thể làm ở đây lâu...

Ngọc nói:

- Bà ấy không nói động đến Thúy là bà ấy bằng lòng rồi, còn gì nữa... Thúy đừng lo.

Thúy làm ở hãng Minh Quang được hai tháng thì một hôm ông Châm gọi Thúy vào văn phòng:

- Tôi thấy cô làm việc siêng năng cẩn thận, tôi muốn cất nhắc cô lên làm thư ký riêng cho tôi nhưng bà vợ của tôi không bằng lòng, định đưa cậu em họ vào đây làm công việc đó...

- Và ông giám đốc cho tôi nghỉ?

- Không hẳn vậy. Cô chỉ là thư ký thường. Trong hai người thư ký phải cho nghỉ bớt một, có lẽ phải để cô Ngọc nghỉ...

Thúy cau mày chưa kịp nói gì thì ông Châm nói tiếp:

- Tôi khổ lắm cô Thúy ạ. Gặp phải một bà vợ ghen tuông, tôi không thiết sống nữa. Bà ấy quê mùa, không có học, vậy mà lên đây làm ra vẻ sang trọng, tôi hổ thẹn quá... Cô có thương hại cho cảnh của tôi không cô Thúy?

- Thưa ông giám đốc, nếu bà ở nhà có tánh ghen tuông như vậy thì xin ông cho tôi nghỉ. Người đáng phải ra khỏi hãng này là tôi, không phải chị Ngọc. Ông không nên cho chị ấy nghỉ, chị ấy còn một bà mẹ già yếu.

- Còn cô... Cô còn một người em trai phải nuôi ăn học.

- Em tôi có thể đi làm thêm để đi học...

Thúy nói xong, thương cảm ứa nước mắt khi nghĩ đến cảnh thiếu hụt. Ông Châm nói:

- Thôi để tôi tính lại... Cô cứ yên lòng...

Trở về chỗ cũ, Thúy thở dài kể cho Ngọc nghe.

Ngọc hỏi:

- Ngoài ra ông Châm không chọc ghẹo gì Thúy chớ?

- Không. Ông ấy chỉ than phiền là ông ấy khổ lắm.

Rồi ngày hôm sau, khi Thúy đem giấy tờ vào cho ông Châm ký thì ông nói với Thúy:

- Cô thật đoan trang thuỳ mị, tôi quý cô lắm. Nếu cô chịu điều kiện này thì cuộc đời của cô sẽ không bao giờ sợ thiếu thốn nữa.

- Điều kiện gì thưa ông?

- Tôi không có con trai. Vợ tôi chỉ sinh được ba đứa con gái. Tôi muốn có một đứa con trai, vợ tôi hết sinh đẻ rồi.

Thúy nghe vậy hết hồn:

- Cuối tháng này, tôi xin ông cho tôi nghỉ.

- Rồi cô làm sao sống?

- Tôi đi làm chỗ khác.

- Hay để tôi giúp cô.

- Cảm ơn ông, tôi không dám nhận.

- Đâu có sao. Cô không hiểu tôi có nhiều cảm tình với cô sao?

- Dạ xin ông đừng nói vậy.

- Tôi thấy cô có tướng ích phu vượng tử, nghĩa là làm nên chồng, nên con. Nếu tôi chưa có gia đình thì tôi sẽ xin cưới cô. Thật là rủi cho tôi quá. Nhưng nếu cô cho phép thì tôi cũng có thể thu xếp.

- Xin ông đừng nói nữa, cuối tháng này, ông cho tôi nghỉ.

- Cô làm cao quá. Cô không sợ tôi giận à? Cô khinh tôi đến vậy à?

- Tôi đâu dám vô lễ... Nhưng ông nên hiểu cảnh của ông thì hơn. Bà nhà ghen tuông như vậy, ông để ý đến ai chỉ gây khổ cho người ấy.

- Nhưng tôi hứa với cô tôi sẽ bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho cô. Khi tôi muốn một chuyện gì thì có trời mới ngăn cấm tôi được.

- Trời không ngăn cấm ông được, chỉ có bà mới ngăn cấm ông được mà thôi. Tôi xin ông đừng nói đến chuyện này nữa, vậy mà ông vẫn làm phiền tôi, tôi sẽ thưa với bà để xin nghỉ việc.

Ông Châm nghe Thúy nói vậy, giận lắm:

- Thì tôi cho cô nghỉ. Nhưng trước khi nghỉ, cô phải đi dự cái tiệc chúng tôi đã gia đình Minh Quang.

- Gia đình Minh Quang? Tôi không hiểu.

- Đãi nhân viên trong sở này trước khi tôi đi ngoại quốc.

Thúy không muốn dự cái tiệc ấy vì vậy khi Ngọc hỏi, Thúy nói:

- Chắc Thúy không đến dự. Thúy xin nghỉ rồi.

- Nếu Thúy xin nghỉ thì lại cần phải đi dự.

- Không biết có bà Châm đi không?

- Chắc phải có.

Thúy đinh ninh có bà Châm đi dự vì vậy Thúy mới hẹn đến rủ Ngọc cùng đi dự tiệc ông Châm đãi tại một tửu lầu trong Chợ Lớn mà Thúy thì không thuộc một đường nào trong ấy. Nhưng khi Ngọc và Thúy đến nơi chỉ thấy có một mình ông Châm ra đón. Không thấy bà Châm đâu cả mà ông Sinh, ông Tập và Hùng cũng không có mặt. Ông Châm làm ra vẻ sốt ruột:

- Hay mấy người kia không biết tôi đãi ở đây? Mọi năm tôi đãi ở tửu lầu ở Sài Gòn, năm nay tôi thay đổi chương trình.

Thúy hỏi:

- Thế còn bà giám đốc?

Ông Châm nhìn Thúy và hỏi:

- Bà vợ tôi ấy à? Bà ấy không đến đâu. Thôi, chúng ta vào tiệc.

Ngọc kêu lên:

- Tiệc gì mà chỉ có ba người thế này? Phải đợi ba người kia đến đã.

Lúc ấy Thúy toan đòi về thì ông Châm nói:

- Thì vào đây đợi ba người kia. Hay để tôi gọi điện thoại cho ông Tập.

Để Ngọc và Thúy ngồi đó, ông Châm đi ra ngoài. Ngọc nói với Thúy:

- Mình bỏ về thì vô lễ... Nhưng ngồi đây tôi thấy không yên tâm chút nào.

- Tôi muốn bỏ về quá.

- Như vậy có vô lễ không? Thì mình cứ đợi nửa giờ nữa.

Khi ông Châm trở lại, mặt mày vui vẻ:

- Người nhà ông Tập cho hay ông ấy và ông Sinh, cậu Hùng vừa ra khỏi nhà, chắc họ cũng sắp đến rồi.

Ông Châm gọi nước ngọt để mời Ngọc và Thúy. Đây là một khách sạn, tầng dưới bán thức ăn, ở một nơi vắng vẻ của Chợ Lớn. Chính Ngọc cũng ít khi nghe ai nói đến cái tửu lầu này.

Ngọc và Thúy uống nước ngọt nhưng chỉ vài phút sau cả Ngọc và Thúy đều nghe choáng váng mặt mày. Ông Châm bảo tài xế đưa Ngọc về nhà, còn Thúy thì ông Châm dẫn lên lầu. Cả hai như người máy ông bảo gì nghe theo, không còn đủ sáng suốt để phản đối và cũng không biết mình đang làm gì.

Ngọc vào nhà thấy mẹ cũng không nhận ra, cứ nói lải nhải:

- Thúy à, tại sao ông Tập chưa đến... Nước ngọt sao có cái mùi hăng hắc, khó chịu quá...

Bà Xuân, mẹ của Ngọc thấy Ngọc trở về mà lại do chiếc xe của ông giám đốc đưa về thì không khỏi lo ngại. Bà lấy nước chanh cho Ngọc uống, lấy nước nóng cho Ngọc rửa mặt. Bà vực Ngọc nằm lên giường, lấy khăn nóng đắp lên trán cho Ngọc, vì bà tưởng Ngọc bị phục rượu. Nét mặt của bà lúc ấy đau khổ, bà nghĩ đến một điều bất hạnh có thể xảy đến cho Ngọc chỉ tại bà đau yếu, Ngọc cần tiền để lo thuốc thang cho bà nên phải gặp cảnh này...

Nhưng độ hai giờ sau, Ngọc tỉnh hẳn. Ngọc ngồi ngay dậy, hai mắt ngơ ngác nhìn mẹ:

- Con về đây hồi nào? Kìa, sao mẹ lại có vẻ lo lắng cho con như vậy?

Bà Xuân nói:

- Xe của ông giám đốc đưa con về đây. Tài xế bảo con đang dự tiệc thì trúng gió.

Ngọc như nhớ ra tất cả:

- Con về đây lúc mấy giờ?

- Tám giờ.

Ngọc kêu lên:

- Vậy thì chết chị Thúy rồi!

Và Ngọc đứng lên như để đi cứu bạn:

- Không thể được!

Nhưng Ngọc nghe nhức đầu và người mệt mỏi. Ngọc nói:

- Cái lão Châm hại chị Thúy mất. Con phải đến nhà chị Thúy... Trễ rồi, mười giờ hơn phải không mẹ? Mọi việc đã xong cả rồi còn gì nữa.

Và Ngọc ứu nước mắt thương cho Thúy. Bà Xuân hỏi:

- Chuyện vì vậy con? Con có thể nói cho mẹ hiểu không?

- Chị Thúy bị lường gạt rồi! Lão Châm mê chị Thúy lắm. Lão muốn chị Thúy làm bé lão vì lão muốn có con trai, nhưng chị Thúy không chịu, lão bày mưu lập kế và chị ấy vào tròng rồi.

Bà Xuân thở dài:

- Không đẹp như con cũng có lợi, nếu không thì cũng rồi đời con gái chớ đâu đến ngày nay.

Ngọc lấy dầu xoa trán, và khi thấy đã khoẻ đỡ chóng mặt liền nói với mẹ:

- Con phải đến nhà chị Thúy.

Bà Xuân toan cản nhưng Ngọc nhất định phải đi vì vậy bà phải gọi một chiếc xích lô quen để đưa Ngọc đi.

Ngọc đến nhà Thúy thì thấy Sơn đang ngồi bên chị nước mắt chảy dài. Thúy mặt mày bơ phờ, đôi mắt ráo hoảnh, nhưng khu vừa thấy Ngọc thì oà lên khóc:

- Chị Ngọc ơi! Em khổ quá! Tại sao chị lại về, bỏ em ở lại một mình?

- Chị em mình mắc mưu lão Châm ấy rồi!

- Chị cũng mắc mưu lão ấy à?

Ngọc lắc đầu nói:

- Lão ta cho chị em mình uống một thứ rượu ngọt gì mà sau đó chị không còn biết gì nữa cả. Rồi lão sai tài xế đưa chị về nhà, nói với mẹ chị là chị đang ăn tiệc bỗng trúng gió. Khi chị tỉnh dậy, lúc ấy gần mười giờ chị hốt hoảng, nghĩ đến em, định chạy đi tìm nhưng đứng lên chị lại lảo đảo, chị đợi đến giờ này mới dám đi.

Thúy thở dài:

- Em cám ơn chị đã lo cho em, nhưng trễ rồi, chị ạ. Lão Châm đã lợi dụng lúc em mê man để làm hại cuộc đời em. Khi tỉnh lại, em cấu xé, nguyền rủa lão thì lão van xin em hãy yêu lão, lão sẽ thuê nhà cho em ở và không bao giờ để em thiệt thòi thua lỗ.

- Rồi em trả lời thế nào?

- Em chỉ còn biết khóc. Lão lạy lục em, lão thề thốt chung thuỷ với em. Nhưng lúc ấy em còn lòng dạ nào mà quyết định gì nữa. Em bảo lão đưa em về, em còn phải suy nghĩ. Chị biết không, lão dúi vào túi xách của em mấy xấp bạc, lão làm em như hạng gái bán dâm không bằng, em giận chửi lão thậm tệ. Em càng chửi lão càng năn nỉ, vì vậy em cũng không biết nói sao nữa.

Ngọc cầm lấy tay bạn:

- Việc đã lỡ rồi. Thúy đừng khóc nữa. Chúng ta nên sáng suốt nhận định mọi việc rồi dàn xếp thế nào để Thúy khỏi phải bị thiệt thòi nếu sự thật lão ta yêu Thúy và chịu đùm bọc Thúy.

Thúy khóc:

- Nhưng Thúy làm sao yêu được lão ta? Thúy hận chớ làm gì có chuyện yêu thương...

- Việc lỡ rồi... Mình cũng phải lấy một số tiền, mình phải làm tiền cái thằng cha này.

- Em không muốn như vậy.

Thúy nói xong ôm mặt khóc:

- Chị tưởng bà Châm để cho em yên sao? Em không đến sở nữa, chị lãnh giùm lương cho em, em viết giấy uỷ quyền cho chị.

Ngọc khuyên:

- Em không nên làm thế. Em phải vào sở lãnh tiền và xem lão Châm xử sự ra sao?

Nhưng Thúy viện cớ đau đầu không đi làm. Hôm ấy ông Châm mời Ngọc vào văn phòng và xin lỗi Ngọc:

- Cô Ngọc, cô có giận tôi không?

Ngọc hỏi:

- Giận về chuyện gì? Có phải về bữa tiệc ông lừa gạt chị em tôi phải không? Ông có biết ông làm như thế là độc ác lắm không?

- Cô Thúy giận tôi lắm à? Tại sao hôm nay cô ấy không đi làm?

Ngọc tức giận nói:

- Ông đem tôi ra để làm Thúy không nghi ngờ nhận lời đi dự tiệc... Thật là ông độc ác quá, ai lại tính chuyện thương yêu bằng cách cưỡng bách! Ít ra ông cũng phải tìm cách gây cảm tình với Thúy trước.

- Tôi cũng hiểu như vậy, nhưng việc cấp bách quá, vợ tôi một hai đòi cho Thúy nghỉ...

- Có thiếu gì cách. Việc gì ông phải làm vậy?

- Tôi van cô, cô giúp tôi làm sao chiếm được cảm tình với Thúy. Tôi ăn năn về chuyện tôi đã làm Thúy khổ. Nhưng tôi yêu Thúy quá.

- Ông sợ bà quá thì ai dám tin lời hứa của ông? Thúy không đến lãnh lương được, Thúy uỷ quyền cho tôi. Đây ông xem giấy uỷ quyền.

- Được rồi, tôi sẽ giúp Thúy năm chục ngàn, ngoài số tiền lương tháng này.

- Năm chục ngàn, ông tưởng số tiền ấy lớn lắm sao?

- Rồi đây tôi sẽ lo cho Thúy nếu Thúy chịu.

Ngọc và ông Châm nói chuyện đến đây thì bà Châm bước vào. Ba đi giày đế cao su nên không có tiếng động. Bà hỏi:

- Ông cho cô Thúy cái gì nếu cô ấy chịu?

Quay lại Ngọc, bà sừng sộ:

- Có phải cô làm mai mối không? Cô liệu hồn đấy, tôi mà điều tra ra việc này thì tôi cũng cho cô nghỉ luôn.

Ngọc hỏi:

- Tôi làm gì mà bà xài xể tôi như vậy? Thúy nhờ tôi đến đây xin nghỉ, đây tờ giấy Thúy uỷ quyền cho tôi lãnh lương. Ông giám đốc bảo tôi khuyên Thúy làm lại, ông sẽ lo cho Thúy khỏi bị bà đuổi.

Bà Châm nhún vai:

- Chỉ có thế thôi à? Cô làm như tôi dễ tin lắm vậy. Tôi biết tất cả rồi. Cô hãy theo tôi ra ngoài này tôi sẽ trả lương cho cô, cả cô Thúy nữa. Cho hai người cùng nghỉ!

Ngọc cãi: 

- Tôi không làm việc với bà. Và tôi cũng không có lỗi gì để bà phải đuổi tôi.

Bà Châm tức giận xấn lại toan đánh Ngọc thì Ngọc cũng không vừa, xô bà ra. Bà Châm suýt bị ngã, la lên:

- Ông để cho người giúp việc của ông đánh tôi phải không?

Ông Sinh và ông Tập vội vàng chạy vào can thiệp và kéo Ngọc ra ngoài. Bà Châm buộc ông Châm phải đuổi Ngọc và Thúy, ông Châm phải hứa sẽ cho họ nghỉ.

Thế là công việc ở hãng Minh Quang xáo trộn từ trên xuống dưới, Ngọc bị đuổi mà chỉ được một tháng lương còn Thúy thì không được gì ngoài tháng lương của nàng. Số tiền năm chục ngàn ông Châm hứa cho Thúy, Ngọc chưa kịp lấy đã bị bà Châm ngăn cản.

Ngày hôm sau, Ngọc đến lãnh tiền, không thấy ông Châm đâu cả, chỉ thấy bà Châm ngồi vào cái ghế giám đốc. Ông Sinh nói với Ngọc:

- Bà ấy không cho ông Châm đến đây nữa. Và nghe đâu ông Châm sắp đi ngoại quốc một thời gian hai, ba năm gì đó.

Ngọc hỏi đùa:

- Bị vợ đày à? Đi đâu mà hai, ba năm? Cái hãng này chắc cũng đến hồi suy sụp rồi!

- Suy sụp rồi chứ còn đến hồi gì nữa. Hiện ông Châm thiếu nợ cả chục triệu, bà Châm đóng kịch ghen tuông để khỏi bị chủ nợ làm khó dễ. Nhưng người ta vẫn kiện, rồi đây cái hãng này sẽ bị đem ra phát mãi cho xem.

Hai, ba lần Ngọc tính đến nhà ông Châm để lấy số tiền năm chục ngàn mà ông hứa cho Thúy vì Ngọc biết thế nào Thúy cũng phải cần đến số tiền ấy. Ngọc liên lạc điện thoại với ông Châm mãi mà không được. Thì ra bà Châm đã đề phòng trước, cắt luôn dây điện thoại ở nhà.

Khi Ngọc đem tiền lương đến cho Thúy và nói hết đầu đuôi cho Thúy nghe thì Thúy can bạn:

- Chị đừng vì em mà tìm gặp ông ấy. Năm chục ngàn đâu nghĩa lý gì với sự thiệt hại mà ông đã gây cho em. Em sẽ tìm việc khác.

Ngọc thương Thúy lắm:

- Được đồng nào hay đồng nấy. Tôi đã khổ vì nghèo nên tôi thấy giá trị của đồng tiền.

- Em chỉ ăn năn vì em mà chị mất chỗ làm. Rồi đây chị lấy tiền đâu để thuốc thang cho bác.

- Thì tôi đi lấy chồng!

Thúy ngơ ngác:

- Chị đi lấy chồng? Lấy chồng thì ai lo cho bác?

Ngọc cười một cách đau đớn:

- Nghĩa là tôi đi lấy chồng giàu, kiếm một số tiền. Mấy lúc nay có một người đàn ông goá có hai đứa con, cả hai đểu là trai, đứa lớn mười tuổi, đứa nhỏ sáu tuổi. Ông ta tên Mật gần bốn mươi tuổi, làm giám đốc một hãng buôn lớn. Ông Mật cứ theo năn nỉ tôi về làm vợ ông. Ông sẽ lo cho mẹ tôi. Về việc này mẹ tôi nói không có ý kiến gì hết. Mẹ tôi không tỏ ý kiến là không phản đối, có phải vậy không chị Thúy?

Đối với ông Mật, tôi cũng có cảm tình, nhưng tôi rất ngại hai đứa con riêng của ông. Từ khi vợ ôn chết đến nay đã ba, bốn năm gì đó, hai đứa bé ấy ở với ông bà ngoại được nuông chiều lắm. Vì vậy rồi đây nếu tôi về làm vợ ông Mật thì thay vì làm dâu cha mẹ ông Mật, tôi phải làm dâu với mẹ bà Mật, việc này càng khó khăn hơn là làm dâu cha mẹ chồng.

- Việc gì mà phải làm dâu?

- Ông Mật nói tôi phải ăn ở thế nào để ông bà ngoại của hai đứa trẻ không phiền trách. Trước đây nghe ông Mật nói thế tôi ghét lắm, nhưng bây giờ thì tôi chấp nhận tất cả. Tôi chỉ mong sao ông Mật để tôi được đem mẹ tôi về săn sóc, chăm nom là được. Còn vấn đề con riêng, tôi nghĩ nếu mình thật sự yêu thương chúng nó là được.

Nói đến đây Ngọc nhìn Thúy và tiếp:

- Lần này tôi nhận lời ông Mật một phần cũng vì Thúy đó. Tôi rất ái ngại cho Thúy. Rủi Thúy có thai thì ai lo cho Thúy? Tôi sẽ có đủ phương tiện giúp Thúy.

Thúy cầm tay Ngọc nước mắt giàn giụa:

- Có thể có thai được vì chuyện ấy sao chị Ngọc? Nếu vậy thì còn gì đời em?

Ngọc trấn an bạn:

- Thì tôi lo xa vậy mà. Tôi sẽ nhờ ông Mật kiếm cho Thúy một việc làm.

Ngọc thật là người bạn tốt. Nhưng sau khi nhận lời ông Mật rồi, vì bận rộn Ngọc đã để Thúy chờ đợi cả tháng. Trong thời gian này, vì buồn rầu, Thúy đã không thiết tìm việc làm khác, Thúy nghe trong người bần thần khó chịu, lãnh đồ may về cũng không muốn may, Thúy chỉ muốn chết. Nhưng khi nghĩ đến Sơn phải sống lẻ loi không người thân thích trên cõi đời này thì Thúy lại không đủ can đảm để chết.

Khi Ngọc thu xếp việc nhà yên xong đâu đó thì Thúy đã có triệu chứng có thai. Ngọc đến thăm Thúy và thấy bạn như vậy thì lắc đầu:

- Điều tôi nghĩ đã đúng. Cả tháng nay tôi bận việc gia đình, phải sửa sang lại nhà cửa, vì ông Mật không muốn cho mẹ tôi về ở gần, sợ cha mẹ vợ cũ của ông nặng nhẹ. Vì vậy tôi phải về quê đem một người cô họ lên ở với mẹ tôi. Yên xong đâu đó, thì tôi về với ông Mật. Đám cưới sơ sài vài chục người vừa bạn vừa họ hàng của ông Mật. Sau ngày cưới tôi đã đưa hai đứa bé về ở chung. Hai đứa ngỗ nghịch lắm, vì được ông bà ngoại nuông chiều. Nhưng không sao, bây giờ thì chúng đã quen với tôi, thích tôi. Và ông Mật quý và nể tôi lắm. Mấy lúc này chị làm gì? Có đủ sống không? Em Sơn vẫn đi học luôn chứ?

- Tôi không muốn ở đây nữa. Vì chung quanh đây ai cũng biết mẹ tôi, chị em tôi. Nay tôi có thai thì xấu hổ lắm, làm sao chịu được búa rìu dư luận. Họ đâu có hiểu cho mình.

- Chị muốn dọn đi nơi khác? Vậy thì sang căn phố này lại...

- Căn phố này là của một người bạn mẹ tôi. Từ ngày mẹ tôi chết, bà ấy thương tình để tôi ở, nhưng hai tuần nay thấy tôi không đi làm lại đau yếu, bà đòi dọn về ở chung, chỉ để cho chị em tôi ở phía sau.

Ngọc cúi đầu suy nghĩ thì Thúy nói tiếp:

- Sơn học một buổi, còn một buổi đi bán báo, tôi khuyên nó cũng không được. Nếu bây giờ tôi dọn đi thì bà bạn của mẹ tôi hứa cho vài chục ngàn để thuê nhà khác. Nhưng lúc này kiếm nhà khó lắm, vài chục ngàn có ăn thua gì...

- Lẽ dĩ nhiên là phải dọn đi rồi, không thể ở cái xóm quen thuộc này được nữa. Chị cần bao nhiêu tiền để tôi giúp chị, không sao đâu. Với tình trạng sức khoẻ của chị, chị không nên đi làm.

Thúy đã sống những phút đau đớn khi gặp lại Ngọc, khi nghĩ đến Ngọc. Vì chính Ngọc đã giúp Thúy tìm được căn phố chật hẹp, nhưng cũng tạm ở được vì có điện nước trong cái xóm lao động này, khi Thúy có thai được ba tháng.

Giờ đây ai cũng tin là Thúy góa chồng, chồng Thúy là một chiến sĩ đã đền nợ nước, chớ không phải cái thứ đàn ông sống phè phởn khi có người đem máu xương ra bảo vệ an ninh cho họ. Người ta thương hại Thúy cũng như thương hại những góa phụ khác bị chiến tranh cướp mất chồng mình, mất cha của mình.