- I -

Như mọi lần, tác giả trân trọng nhắc lại là mặc dầu dựa vào thực tế địa lý và lịch sử và nhân vật mà cuốn truyện MÈO XIÊM CỌP THÁI chứa đựng chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, và do đó mọi sự gần gặn hoặc trùng hợp, nếu có, với sự việc xảy ra ngoài đời chỉ là ngẫu nhiên, ngoài ý muốn và trách nhiệm của người viết.

NGƯỜI THỨ TÁM.

 

 

 

Đó là buổi sáng thứ sáu.

Và là thứ sáu 13.

Đối với người thường thì thứ sáu 13 là ngày xấu nhất trong tháng, ngày mà vận rủi và tai họa dễ  xảy ra nhiều nhất. Và đối với phạm nhân lãnh án tử hình, thứ sáu 13 là ngày lên máy chém, kê đầu trên thớt bên thùng mạt cưa, chờ con dao hình tam giác phập xuống, hoặc đút cổ vào thòng lọng, hoặc ngồi lên ghế sắt đợi luồng điện ba ngàn vôn đốt cháy da thịt, hoặc ngửi hơi ngạt xi a nuya trong phòng kín bọc thép, hoặc ra bãi trống, dựa lưng vào tường, tay bị trói vào cọc, mắt bịt kín bằng vải đen, trước tiểu đội hành quyết quỳ sẵn trên cỏ ướt sửa soạn nhả đạn …

Tử tội đang chờ thần Chết buổi sáng thứ sáu 13 ấy trong nhà giam chật hẹp, bẩn thỉu, tối tăm là Văn Bình, đại tá Tống Văn Bình, tức điệp viên xuất quỷ nhập thần Z.28 của sở Mật vụ Việt Nam.

Văn Bình ngồi bó gối trên nền xi măng sù sì, ngước mắt nhìn những tia sáng sữa loãng đầu tiên của rạng đông xuyên qua 6 chấn song sắt vào phòng. Dưới ánh bình minh lờ mờ, Văn Bình nhận thấy ra vẻ mặt mất thần của các bạn đồng tù.

Họ gồm 5 người. Cộng với chàng là 6. Hôm nay là ngày thứ sáu trong tuần. Chàng bị bắn đúng 6 giờ tối. Quả con số 6 báo hiệu những chuyện ghê sợ…

Như thường lệ, Văn Bình vẫn giữ bình tĩnh. Linh hồn và thể xác dày dạn phong sương của chàng điệp viên hào hoa đã quá quen thuộc với những đe dọa rồn rập của Tử Thần. Bên cạnh chàng, 5 tử tội Mã lai đang lâm râm cầu kinh. Họ biết lát nữa bị dẫn ra pháp trường. Cũng như chàng, họ bị quân đội Nam dương bắt về tội do thám. Thật ra, họ vô tội. Họ vắn số chẳng qua bị mắc kẹt trong cuộc tranh chấp đất đai kịch liệt giữa Nam dương và Mã lai. Nếu đáng tội và là tội chết thì chỉ có Văn Bình. Chỉ có Văn Bình là đáng bị trói vào cọc. Vì chỉ có Văn Bình mới là nhân viên gián điệp chính cống.

Phiên tòa được nhóm dưới ngọn hải đăng hoang phế, lẻ loi, trên đảo Datoek, một trong hàng trăm hòn đảo bồng bềnh trên biển Nam hải thuộc quyền kiểm soát của cộng hòa Nam dương. Chánh thẩm là một đại úy, mặt lầm lì như tảng đá tên là Sulim.

Sulim chỉ huy đồn binh trên đảo Datoek, gần Sarawak, khu vực tranh chấp dữ dội giữa Nam dương và Mã lai Á. Là quân nhân chuyên nghiệp triệt để tôn trọng lệnh trên, Sulim cho rằng người Mã lai không có lý do để tới đảo Datoek, trừ phi với mục đích  do thám.

Một cơn bão biển kinh hoàng làm con tàu nhỏ của Văn Bình dạt vào bờ. Chàng dẫn 5 thủy thủ lên núi tìm kiếm lương thực và tiếp cứu thì bị bắt. Đại úy Sulim cầm đầu cuộc đuổi bắt. Sulim lại cầm đầu cuộc thẩm vấn. Và cũng chính Sulim điều khiển phiên tòa đặc biệt. Cho nên, trước khi ra vành móng ngựa, Văn Bình đã biết bị án tử hình.

Buổi xử diễn ra chớp nhoáng và cẩu thả. Sulim yêu cầu 5 thủy thủ Mã lai khai hết sự thật để được nhẹ tội. Họ đã khai hết nhưng viên đại úy chánh thẩm lại khăng khăng là họ ngoan cố. Đối với Văn Bình thì mọi việc còn giản dị hơn nữa. Họ không cần hỏi rõ tên chàng. Họ cũng không cần truy nguyên chàng là ai. Sulim chỉ hỏi một câu tiếng Anh ngắn ngủi :

-Anh lẻn lên đảo để do thám phải không?

Văn Bình lắc đầu ;

-Không.

Sulim đập bàn quát tháo :

-Anh nói láo.

Một phút sau, Sulim dịu xuống. Hắn nhìn qua một vòng các bị cáo, không quan tâm tới 5 thủy thủ đầm đìa nước mắt, rồi lạnh lùng tuyên án :

-Tội gián điệp. Tội tử hình.

Một thủy thủ uất ức thét lớn :

-Oan cho tôi lắm … Chúng tôi chỉ là công dân lương thiện. Allah sẽ trừng trị những kẻ gian dối.

Allah là đấng Tối cao của đạo Hồi. Nghe nhắc đến quyền uy thiêng liêng, đại úy Sulim trên bàn xử nhảy xuống đất, quên rằng mình là quan tòa, túm lấy viên thủy thủ Mã lai phạm thượng, xô ngã vào hàng ghế bị cáo, giọng giận dữ :

-A, mày dám rủa tòa án! Cảnh bị, lôi nó ra sân, đánh cho một  trận.

Bọn cảnh bị mặt mũi đen sì ùa tới, sửa soạn thi hành mệnh lệnh. Tên thủy thủ  co rúm người  trên đất, nước da xanh mét vì sợ hãi. Văn Bình  tiến lên một bước, dùng tiếng Anh nói với Sulim:

-Ông không có quyền xử tử chúng tôi mặc dầu chúng tôi vô tội. Vì hiện nay, ông có súng trong tay. Nhưng ông không có quyền va chạm danh dự của chúng tôi.

Đại úy Sulim cười gằn:

-Té ra anh muốn đóng vai trò hiệp sĩ...Trước anh, hàng chục người đã bị tôi tra tấn và giết bỏ cũng vì bướng bỉnh. Nếu anh  có tinh thần mã thượng thì hãy ra ngoài kia chịu đòn thay cho đồng chí của anh. Còn nếu anh tiếp tục hỗn xược, tôi sẽ ra lệnh hành quyết anh tức khắc.

Văn Bình cũng cười gằn theo:

-Tôi cũng là quân nhân như anh. Quân nhân ở khắp nơi đều có truyền thống thượng võ. Tôi biết là anh không dám hành quyết tôi tức khắc vì lẽ anh phải đợi sự đồng ý của Jakarta. Trước sau tôi cũng chết, nên tôi không còn sợ nữa. Tôi sẽ hạ thủ nhân viên của anh ngay tại đây nếu anh tiếp tục đối xử tàn nhẫn với bạn bè tôi.

Đại úy Sulim lặng người một giây:

-Nghĩa là anh đã thú nhận làm công tác gián điệp?

Văn Bình ưỡn ngực:

-Phải, tôi là gián điệp.

Nhờ sự can thiệp liều mạng của Văn Bình, viên thủy thủ Mã lai thoát khỏi trận đòn thừa sống thiếu chết. Nhưng nhóm tử tù lại bị Sulim báo thù bằng cách nhốt trong xà lim bê tông nhỏ bé, chỉ đủ giam một, hai phạm nhân. Về ăn thiếu thốn đã đành, cả đến nước uống cũng bị hạn chế. Mỗi ngày, tử tù chỉ được ăn một vắt cơm đầy trấu và sạn, chiêu với ngụm nước hôi tanh nồng nặc. Đêm trước, đại úy Sulim vào nhà  giam, mang theo cái gáo dừa đựng đầy cà phê và gói thuốc lá. Hắn vỗ vai Văn Bình giọng đắc thắng :

-Báo tin cho các anh biết, đúng 6 giờ sáng mai, các anh sẽ bị hành quyết.

Nhóm tử tù ngồi yên, không van xin cũng không phản đối. Họ dư biết van xin hay phản đối đều vô ích. Họ chết là vì Allah nhận thấy họ không cần sống trên dương thế này  nữa. Họ tiếp nhận cái chết trong tinh thần nhẫn nhục ngoan đạo.

Họ thức trắng đêm để cầu nguyện.

Văn Bình cũng thức trắng đêm. Song không phải để cầu nguyện mặc dầu chàng tin tưởng sắt đá vào sự hiện hữu của Thượng đế. Chàng thức trắng đêm vì những chuyện vừa qua luôn luôn ám ảnh tâm trí, không cho phép chàng chợp mắt.

Chung quy cũng do bệnh si tình mà ra. Đi tới đâu, chàng đều đèo bòng tới đó, và trong chuyến lênh đênh trên biển Nam hải này, chàng đã tạt qua thủ đô Phi luật tân để thăm Rôsita và mới nàng xuống miền nam săn cá dưới nước (1).

   

Ông Hoàng cho chàng nghỉ xả hơi một tuần nên chàng dan díu với Rôsita cũng là chuyện thông thường, không đáng trách. Nếu có, thì chỉ trách chàng si tình quá độ, si tình đến nỗi không muốn rời nàng nữa. Có lẽ vì Rôsita đẹp hơn xưa rất nhiều. Hồi hai người gặp nhau tại Manila, Rôsita đã nổi tiếng đẹp, sắc đẹp kỳ lạ làm thế giới sang trọng ăn chơi cũng như xã hội điệp báo Phi ngửa nghiêng. Sau này lấy chồng, nàng còn đẹp gấp hai, gấp ba hồi xuân nữ. Chồng nàng là triệu phú, chủ nhân một công ty hàng không phản lực, một công ty sản xuất nước ngọt, một công ty chế tạo đồ hộp, và một công ty nông lâm nghiệp …

Nhà triệu phú góa vợ bị đảo điên vì sóng mắt siêu phàm của mỹ nhân trong một dạ tiệc từ thiện. Đêm ấy, Rôsita là nhân vật được chú ý tới nhất, vì nàng nhận lời hôn mạnh thường quân nào trả giá cao nhất để mua cái cúp bằng vàng, lấy tiền cấp dưỡng cho một trung tâm nuôi trẻ mồ côi.

Cái cúp bằng vàng chỉ đáng 50 pêsô, nhưng vì có nụ hôn của Rôsita nên cuộc đấu giá kéo dài từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng còn dai dẳng. Từ đầu chí cuối, nhà triệu phú làm thinh, không nhìn lên sân khấu, cũng như không tham dự cuộc ganh đua tài chính mà chỉ chúi mũi vào đĩa cánh gà chiên bơ và chai sâm banh thượng hạng.

Kém 5 phút đầy 2 giờ sáng, giá chiếc cúp đã lên tới một chục ngàn pêsô (2).

 

 

Trong cuộc chỉ còn lại hai tay đua giàu sụ. Đối phương vừa trả 10.000 thì người thứ nhì đứng dậy nói lớn :

-20.000 pêsô.

Nghĩa là hơn kém hai triệu đồng Việt Nam. Trong suốt bốn giờ đồng hồ đấu giá, giới mạnh thường quân chỉ nâng giá từ 500 đến 1.000 là tối đa, và đây là lần đầu tới 10.000 pêsô.

Thái độ bốc đồng này làm cử tọa nghẹt thở. Với giá 20.000, phần thắng chắc chắn lọt vào tay một chủ nhân ông đồn điền cà phê. Theo thủ tục, nhân viên phụ trách đấu giá long trọng nhắc  lại ba lần giá tiền 20.000 pêsô.

-Kính thưa quý vị, ông chủ đồ điền cà phê đã trả 20.000. Tôi xin nhắc lại lần thứ ba và là lần cuối cùng, nếu không có vị nào trả thêm thì …

Nhà triệu phú góa vợ bất thần cắt lời :

-Thong thả… Bây giờ tôi xin tham dự.

Quan khách trong buổi dạ tiệc trọng thể kinh ngạc đến toát bồ hôi lạnh. Thì ra nhà triệu phú chờ đến màn chót mới tung đòn phép. Mọi người ngưng thở, quay về cái bàn tròn kê gần ban nhạc. Giả vờ nghễnh ngãng, nhà triệu phú gần ngũ tuần, thân hình sung sức, hỏi lại :

-Giá cuối cùng là bao nhiêu ?

-Thưa, 20.000 pêsô.

-Thế à, tôi không ngờ …

Người trả 20.000 pêsô nhìn nhà triệu phú bằng cặp mắt tóe lửa thách thức :

-Ông không ngờ chiếc cúp vàng này được mua tới 20.000 pêsô phải không? Ông quên rằng đây là một vinh dự. Một vinh dự vô giá.

Nhà triệu phú cười nhạt :

-Vâng, vì đây là một vinh dự vô giá nên tôi sửng sốt. Sửng sốt và phẫn nộ.

-Phẫn nộ vì tôi trả giá quá cao ?

-Không, ông lầm rồi. Tôi phẫn nộ vì ông trả giá quá ít, không xứng đáng với vật bán đấu giá.

Không khí trong phòng căng thẳng tột độ. Cuộc bán đấu giá trở thành cuộc đấu pêsô giữa hai ông giàu sụ si tình.

-Vậy ông trả thêm đi, tôi xin hầu tiếp.

-Xin ông tha lỗi. Sợ chạm tự ái của ông nên tôi không dám trả thêm. Đề nghị ông tự ý tăng vài ba giá nữa.

-Hừ, ông thủ đoạn. Bán đấu giá từ thiện không phải như mua hàng ngoài thương trường. Tôi trả thêm để ông bỏ rơi tôi ấy à !

-Ông  sợ thì tôi  không dám ép. Ông trả 20.000 pêsô phải không?

-Phải. Ông đã hỏi một lần rồi. Xin ông nhớ kỹ : 20.000 không phải 2.000 pêsô.

-Vậy tôi cứ đinh ninh là 200.000.

-200.000 pêsô, trời ơi ! Ông đã bắt đầu điên.

-Không, tôi vẫn tỉnh. Có lẽ còn tỉnh hơn ông nữa. Ông không theo kịp đâu, ông nên  nhường vinh dự ấy cho tôi.

-Ông trả bao nhiêu ?

-Gấp 10 số tiền ông vừa trả.

-Nghĩa là 100.000 pêsô.

-Không, 200.000. Ông đầu hàng chưa ?

Một tiếng ối vẳng lên, rồi phịch một khối thịt lăn chiêng xuống đất, cốc chén vỡ loảng xoảng. Ông chủ đồn điền cà phê bị bất tỉnh trước sự tấn công tài chánh của nhà triệu phú mạnh thường quân.

Rôsita thân hành ôm hôn và trao cúp cho nhà triệu phú đổi lấy tấm ngân phiếu 200.000 pêsô. Nàng nhận lời ăn tối trên du thuyền của nhà triệu phú. Và một tháng sau, nàng nhận luôn lời làm vợ.

Việc nàng lấy chồng sẽ chìm vào quên lãng nếu nàng không gửi khẩn điện cho Văn Bình. Nội dung nồng cháy như sau :

« Anh Văn Bình yêu dấu,

« Một nhà triệu phú Phi 48 tuổi, góa vợ, muốn kết hôn với em. Y tặng em 4 triệu pêsô làm của hồi môn, chưa kể nữ trang. Xin anh cho em biết ý kiến ngay. Em chờ anh đã lâu. Em sẵn sàng chờ thêm nữa. Nếu anh muốn, em sẽ chờ anh suốt đời. Hôn anh triệu lần.

“Rôsita của anh.”

 

Phúc điện từ Sàigòn được chuyển tới tay Rôsita  trong vòng 12 giờ đồng hồ:

“Kính gởi cô Rôsita,

“Trân trọng báo cô biết là Văn Bình đã có con trai đầu lòng đặt tên là Văn Hoàng. Và người đàn bà bằng xương bằng thịt đã sinh ra Văn Hoàng là tôi, Quỳnh Loan.

“Tôi thành thật yêu cầu cô buông tha Văn Bình cho mẹ con tôi được nhờ. Chúc cô bước lên xe hoa với 4 triệu pêsô. Và xin trả triệu triệu cái hôn lại cho cô vì thưa cô, cô là người láo khoét. Tính trung bình cô hôn mỗi phút được một cái (người đàn bà hôn thật tình phải mất từ 3 đến 10 phút ) thì hôn cả ngày cả đêm 24 tiếng mới được 39.400 cái. Muốn hôn đủ triệu triệu cái như cô hứa thì mất khoảng 10 triệu ngày. Cuộc đời 100 năm, chỉ có 36.000 ngày, cô nhớ chưa?

Mẹ của Văn Hoàng.

Quỳnh Loan.”

 

Chán nản, Rôsita về nhà chồng. Nửa năm sau, nhân một chuyến đi Hoa lục về, và nhân một lời ghen tuông của Quỳnh Loan, Văn Bình mới phăng ra tự sự. Nguyên Hương đã mượn tay Quỳnh Loan để chơi chàng một vố để đời. Chàng ngậm thinh, không dám hó hé, song mặt khác đã nhờ bạn bên Phi luật tân tìm kiếm. Chàng viết thư cho Rôsita, hỏi thăm sức khỏe. Nàng trả lời đúng 24 trang giấy, chữ chi chít, và ướt nhèm nước mắt.

Chàng đinh ninh là nàng an hưởng hạnh phúc trên đống pêsô chất cao thành núi của chồng. Nhưng khi đọc xong lá thư của nàng, chàng bàng hoàng giây lâu. Đại để Rôsita nói là nàng vẫn yêu chàng bằng mối tình vô vọng, và trước khi nhận lời làm vợ nhà triệu phú nàng đã tâm sự là trót yêu chàng thắm thiết, đến chết cũng không quên. Nhà triệu phú im lặng một lát rồi nói:

-Nếu em yêu người khác thì anh sẽ dành em lại bằng được, hoặc bằng tiền bạc, bằng võ lực, bằng tình cảm... Nhưng người ấy lại là đại tá Văn Bình nên anh chịu thua. Anh không ghen đâu. Dầu sao, anh cũng gần 50, tình yêu của kẻ ngũ tuần khác hẳn tình yêu bồng bột của thanh niên 20, 30. Anh chỉ mong em đừng có hành động nào quá đáng...

-Thế nào là hoạt động quá đáng?

-Là yêu đương công khai khiến mọi người biết anh là người chồng bị vợ cắm sừng. Anh không ngăn cấm em gặp Văn Bình, nhưng khi ấy em nên báo anh biết để anh xuất ngoại hoặc em lấy du thuyền rong chơi một vài tuần lễ trên biển Nam hải. Nói thật là hơn, em không giấu nổi anh đâu vì anh có dưới quyền hàng chục nhà trinh thám tư có thể theo dõi em và bạn bè em từng giây, từng phút kín đáo...

-Em cảm thấy tàn nhẫn quá!

-Không đâu. Nhờ em nói thật, anh sẽ biết rõ em còn yêu Văn Bình đến mực độ nào để anh liệu lý chiều chuộng em, chinh phục em.

Thái độ mã thượng của người chồng triệu phú làm Rôsita kính phục. Nàng đinh ninh quên được Văn Bình để hưởng hạnh phúc bên cạnh người chồng ngũ tuần khôn ngoan và lịch sự. Song nàng chỉ quên một thời gian ngắn rồi nhớ lại da diết hơn bao giờ hết.

Văn Bình qua Phi luật tân. Hai người đáp máy bay xuống miền nam dự một cuộc thi săn cá dưới biển. Sau một tuần gần gụi thần tiên, chàng phải từ biệt Rôsita lên đường công tác. Theo lệnh, chàng phải dùng đường biển, tiến sâu về phía tây nam.

Lẽ ra, chàng phải giữ kín. Không hiểu sao chàng lại tỉ tê cho Rôsita biết. Và nàng nằng nặc đòi đi theo. Nàng đánh điện về Manila xin phép chồng. Nhà triệu phú đã đi Nam Mỹ từ nhiều ngày trước. Rôsita lấy du thuyền của gia đình, đổi tên, sơn lại để tiếp tục trên biển cả cuộc lãng du trăng mật với điệp viên Z.28.

Thủy thủ đoàn gồm toàn người Mã lai, thân tín của nàng, và quen từng tấc đất trên biển Nam hải. Du thuyền Thiên Thần ra khơi được một ngày, một đêm thì gặp bão. Đó là một trận bão lớn làm hàng trăm thuyền bè bị đắm. Du thuyền Thiên Thần nương theo miền duyên hải Sarawak, với hy vọng cập bến gần nhất để sửa chữa những hư hại, và tiếp tế nước ngọt, lương thực. Cơn bão dữ dằn đã phá vỡ phòng kho, cuốn hơn một tấn đồ hộp xuống biển.

Tàu đến gần Brunei, thủ đô Sarawak, thì trời quang mây tạnh trở lại. Văn Bình bèn ra lệnh cho thủy thủ xả hết tốc lực phóng ra khơi. Nhưng thần giông tố đã cố tình đánh lừa chàng. Một trận bão thứ hai xảy ra, hung hãn hơn trận bão thứ nhất nhiều lần. Và du thuyền Thiên Thần bị dạt vào hải đảo tiền đồn Datoek để bị bắt và lên án tử hình.

Khi ấy mới 3 giờ chiều. Sau nhiều ngày lênh đênh, Văn Bình mừng rú khi thấy giải đất xanh rì trước mặt. Rừng dừa cao vút đeo trái xum xuê làm chàng quên bẵng cơn khát dày vò. Chàng yêu cầu thuyền trưởng lái thẳng vào bờ thì hắn gạt đi:

-Theo chỗ tôi biết, đây vẫn nằm trong phần đất Nam dương. Anh em thủy thủ là người Mã lai, tôi sợ gặp chuyện không hay... Người Nam dương đa nghi và hiếu sát, thấy người Mã lai nào bén mảng tới đất họ, họ đều cho là gián điệp, và đem ra hành hình.

Văn Bình tỏ vẻ lo lắng:

-Vậy chúng ta phải làm sao đây? Trên tàu, có hai người bị thương nặng, bắt buộc phải ghé đất liền để điều trị. Thức ăn, nước uống đã hết nhẵn. Thêm vào đó là sức khỏe của... bà chủ.

Thuyền trưởng -một người Phi gốc Mã lai trạc 45, nét mặt gân guốc, sáng sủa và quả cảm- suy nghĩ một phút rồi thở dài:

-Nếu tôi tính đúng thì hòn đảo trước mặt là Datoek do quân đội Nam dương trấn đóng. Chúng ta đi lùi thì sẽ về Sarawak thuộc Mã lai, nhưng ác hại là động cơ đã hỏng, du thuyền không thể  chạy ngược chiều gió và chiều nước. Chạy thẳng về phía tây thì Mã lai còn xa lắc xa lơ. Natoena là đảo gần nhất thuộc Mã lai lại còn quá xa đối với chúng ta. Nhưng nếu ghé bờ tôi lại sợ...

-Bị quân đội Nam dương bắt?

-Vâng. Họ đã bắt nhiều người Mã lai chài lưới trong những trường hợp bão biển tương tự.

-Chúng ta sẽ khai cho họ biết đây là du thuyền bị lạc vì bão. Và tôi tin là họ thông cảm.

-Thưa ông, tôi không tin. Tôi có lý do để không tin như ông vì một người em họ của tôi bị bắt và trốn thoát cách đây ba tháng kể lại là đại úy Sulim cai quản đảo Datoek này mắc bệnh đa nghi tối đa và giết người như ngóe.

-Lạ thật, họ muốn bắt ai, giết ai cũng được ư? Còn pháp luật Nam dương? Còn công pháp quốc tế?

-Pháp luật Nam dương cũng như pháp luật tại nhiều quốc gia trên thế giới chỉ là pháp luật của kẻ có súng, và là súng tốt. Còn công pháp quốc tế thì hầu như trên vùng biển cực nam này ít ai còn nhớ. Sulim được toàn quyền bắt người. Hắn chỉ cần điện về trung ương xin chỉ thị lấy lệ rồi tự do mang tù ra pháp trường.

-Nếu thế thì chúng ta cố ráng lên, Natoena.

-Khó lắm. Sở dĩ tôi nhắc đến Sulim là để thỉnh cầu ông thận trọng. Bắt buộc chúng ta phải ghé Datoek. Nhưng để phòng bị, chỉ một toán nhỏ lên bờ còn mọi người phải ở lại trên tàu, và tàu phải ở bên ngoài hải phận quốc tế kẻo bị Sulim nổi nóng bắn trọng pháo.

-Anh nói đúng. Bây giờ, anh chọn cho tôi 5 thủy thủ còn khỏe mạnh. À, nên chọn những người xung phong.

-Không được. Ông không quen phong thổ nên lên bộ bất tiện. Vả lại bà chủ lại mệt, ông nên ở lại... Tôi sinh sống trên biển Nam hải hơn 25 năm nay, am tường địa hình và thổ âm... Xin ông giao phó  việc này  cho tôi.

Văn Bình lắc đầu:

-Tôi không quen điều khiển tàu.

Thuyền trưởng cũng lắc đầu:

-Nhân viên của tôi sẽ giúp đỡ ông.

-Tôi là người ra lệnh, ông phải nghe tôi.

-Ông tha lỗi cho. Tôi rất kính mến ông, song tôi chỉ nhận lệnh của bà chủ. Bà chủ không muốn ông lên bộ sợ nguy hiểm đến tính mạng.

Thái độ của thuyền trưởng rất đáng khen. Vì trung thành với chủ, hắn đòi được nhận lãnh nguy hiểm. Song Văn Bình không thể nhường lại cho thuyền trưởng, nhất là sau khi tự ái bị va chạm. Chàng đành phải giải quyền bằng phương pháp mạnh.

Chàng bèn hỏi thuyền trưởng:

-Anh chơi dao giỏi nhất miền nam phải không?

Thuyền trưởng tái mặt:

-Thưa, tôi không dám đấu với ông.

-Nói ra thì anh bảo là khoe khoang, nhưng sự thật là anh chưa xứng đấu với tôi. Tài ba của anh chỉ chịu đựng nửa hiệp là mất khí giới. Vì vậy, tôi chấp anh ba thế. Anh đâm tôi ba nhát trước, rồi chúng ta sẽ giao đấu thật sự.

Thuyền trưởng từng được coi là vô địch đánh dao ở quần đảo Mindanao. Chính vì hâm mộ và tin cậy nghệ thuật đánh dao của hắn mà nhà triệu phú tung tiền ra mua chuộc, đưa về phục vụ dưới trướng. Trong đời vào sinh ra tử trên biển, hắn đã hợp tác với mọi phe, phe hải tặc ngang nhiên cướp tàu ngoài khơi, hoặc phe chính quyền, điềm chỉ cho lực lượng an ninh phục kích hải tặc, và hắn chưa hề bị ai khinh nhờn về kiếm thuật. Tuy nhiên, nhớ tới lời dặn của nhà triệu phú, hắn không dám hó hé.

Các thủy thủ nghe tiếng ồn lục tục vây quanh hai người. Thuyền trưởng đứng im, mặt đỏ gay.

Văn Bình ném hai con dao trên cái thùng gỗ, giọng ôn tồn:

-Anh đã sống trên mặt nước tất hiểu luật giang hồ. Kẻ giang hồ thà chết chứ không để bị người lạ khinh nhờn, nghĩa là anh phải giao đấu với tôi. Nhưng giao đấu xong, kẻ thua phải có tinh thần thượng võ, nghĩa là nếu anh thua tôi, anh phải ở lại.

Thuyền trưởng tủm tỉm cười:

-Ông đã dạy, tôi cũng xin vâng. Nhân tiện có anh em tụ họp đông đủ, tôi xin xác nhận là tự ông bắt tôi phải hỗn xược. Tôi sẽ cố gắng đâm trượt vào áo để lấy điểm thôi.

Rôsita đã có mặt trên boong không biết từ bao giờ. Những ngày bão biển khổ cực và thiếu thốn đã làm thân hình nàng tiều tụy. Nàng gày ốm trông thấy. Nhưng càng gày ốm nàng càng đẹp thêm. Sắc đẹp mảnh mai song rắn chắn của nàng như có phép tiên làm ánh hoàng hôn rực sáng, và tiếng động của đại dương ngưng bặt trong khoảnh khắc.

Nàng vội xen vào đám đông, ra lệnh cho thuyền trưởng:

-Không được. Yêu cầu anh trở vào cabin.

Nếu nàng chỉ nói vắn tắt có thế thì thuyền trưởng đã tuân theo răm rắp. Trên thực tế, nghe nàng nói hắn đã đặt con dao sáng loáng xuống, nhún vai như muốn phân bua rằng “bà chủ đã ra lệnh thì tôi xin cáo lui “. Nhưng nàng đã vô tình nói thêm:

-Anh nên thôi là hơn. Ông khách là tay kiếm thuật lừng lẫy, chắc chắn anh thua.

Sự chân thật của Rôsita đã đổ dầu vào ngọn lửa sắp tắt. Thuyền trưởng quay lại, xá Rôsita rồi nói:

-Thưa bà, lần đầu tiên tôi phải trái lệnh bà.

Hắn co chân nhảy lùi hai bộ, xuống tấn nghiêm trang, tay vòng lại cung kính chào  Văn Bình:

-Mời ông.

Văn Bình nhếch mép:

-Anh ra đòn trước.

-Tôi không dám.

Văn Bình bèn tiến lên, hươi dao vào mặt thuyền trưởng, nhưng nửa chừng lại thu về, để phóng đòn thứ hai. Chàng đánh nhanh đến nỗi khi thuyền trưởng sửa soạn tránh đỡ thì chàng đã hồi dao. Phút biểu diễn bay bướm đầu tiên này đã chứng tỏ với thuyền trưởng tài nghệ đấu dao thượng thặng của Văn Bình vì nếu chàng nặng đòn, hắn đã lãnh ba nhát dao vào hiểm huyệt và đã táng mạng ngay từ nhát thứ nhất.

Bị trêu  ngươi, thuyền trưởng gầm lên như cọp dữ rồi xấn tới, múa dao thành vòng tròn. Thế công của hắn khá bén nhọn, song thế thủ lại méo lệch, điều tối kỵ của giới kiếm thuật cao siêu. Muốn khuất phục hắn, chàng chỉ lừa hắn phóng đòn rồi nhằm kẽ hở mà tung dao sang đâm trọng thương. Nhưng Văn Bình lại giao đấu với tư cách bậc thầy truyền nghề lại cho môn đệ. Ba lần chàng chỉ đâm dứ rồi thu dao. Ba lần thuyền trưởng đâm chàng, cả 3 lần chàng không thèm đưa dao đỡ, mà chỉ đợi mũi dao gần bén da mới nghiêng người tránh.

Bọn thủy thủ đứng vây tròn đều ngây người như bị thôi miên. Riêng Rôsita chỉ mỉm miệng cười một mình. Nàng đã có nhiều dịp chứng kiến tài võ tuyệt luân của Văn Bình. Nàng yêu chàng phần nào cũng vì mến phục quyền pháp khác thường của chàng, luôn luôn nhẹ nhàng, ung dung, khoảng khoát, đánh nhau đến chết mà vẫn gây ra ấn tượng là cuộc đấu biểu diễn, đánh đỡ những miếng đòn nặng hàng trăm kí mà vẫn khiến người ngoài tưởng là nhẹ như lông hồng. Nghệ thuật của Văn Bình trội hơn nhiều võ sư quốc tế ở điểm hư hư  thật thật, cương nhu phối hợp thắm thiết như vợ chồng mới cưới quấn quít lấy nhau, lúc phóng đòn nhu thì ngỡ là cương, khi cương thì tưởng là nhu, biến hóa vô cùng tận... Tình yêu của chàng cũng biến hoá vô cùng tận như võ nghệ. Mỗi lúc chàng yêu một kiểu khác, trong tình trườngVăn Bình luôn luôn mới mẻ, có lẽ còn mới mẻ hơn cặp tân nhân trong đêm động phòng hoa chúc nữa.

Đã đến lúc Văn Bình xử dụng những thế dao tuyệt kỹ để bắt thuyền trưởng thần phục. Đối phương ập tới, Văn Bình hét lớn một tiếng, phi thân cao quá đầu người, rồi ném lưỡi dao qua lan can tàu xuống biển. Chân chàng chưa chấm nền tàu thì thuyền trưởng đã quét dao vào họng chàng. Lưỡi dao gần đến nơi mà Văn Bình còn đứng nguyên vị nên ai cũng đinh ninh chàng không kịp né. Một thủy thủ la lớn:

-Chết rồi!

Rôsita nhìn cuộc đấu không chớp mắt, vẻ mặt vẫn tươi tỉnh vì nàng biết trước Văn Bình sẽ trổ tài Ninjutsu. Thật vậy, lưỡi dao chặt ngang cổ Văn Bình nhanh  như dao máy nhưng không gây tiếng phập ngon lành khi xuyên qua da thịt và xương sụn mà lại kêu coong khô khan như thể chém lầm vào đá cứng. Thì ra Văn Bình đã vận chân khí lên cổ để chịu đựng lưỡi dao của thuyền trưởng. Khi ấy cổ chàng rắn ngang bê tông. Lưỡi dao chém mạnh vào bị dội ra, thuyền trưởng mất đà, loạng choạng suýt ngã. Tuy vậy hắn chưa chịu đầu hàng. Hắn lảo đảo đứng dậy, chém nhát kế tiếp vào hông trái chàng. Văn Bình phản ứng nhanh đến nỗi mọi người tưởng chàng có thuật tàng hình. Chàng đang ở trước mặt thuyền trưởng bỗng lọt ra sau lưng hắn, khiến hắn chém lộn vào khoảng không. Hắn chém thêm thì Văn Bình lại biến ra phía trước. Cứ như thế tấn tuồng mèo vờn chuột kéo dài trong mấy phút.

Văn Bình thét lên tiếng nữa, bước lên một bộ. Lưỡi dao vèo tới, chàng hất cánh tay ra kẹp vào nách. Cán dao và bàn tay thuyền trưởng bị bóp bẹp trong nách Văn Bình. Keng một tiếng, con dao rớt xuống nền tàu.

Tiếp đến tiếng kêu la của thuyền trưởng:

-Gẫy tay tôi mất, ông ơi!

Văn Bình cười:

-Bóp thêm nữa nhé?

Hắn giẩy nẫy:

-Xin ông buông tôi ra... Tôi  sợ tài ông rồi. Thú thật từ mấy chục năm nay, tôi chưa hề gặp ai đáng sợ như ông.

Văn Bình buông hắn ra. Sức mạnh thân thể chàng biến thành luồng gió xô thuyền trưởng ngã bắn vào lan can tàu. Hắn nằm mọp trên đống lưới cá bằng ni lông, một lát mới lồm cồm bò dậy. Văn Bình định bắt tay hắn song hắn đã quỳ mọp trước mặt chàng rồi vái một cách cung kính:

-Từ phút này, tôi xin tôn ông làm thầy. Ông dạy gì tôi cũng xin nghe.

Chàng đỡ hắn dậy:

-Ồ, trong đời giang hồ gặp kẻ sắc nước hơn mình là chuyện thường. Nếu có thời giờ, tôi sẽ bảo ban thêm cho anh. Anh là võ sĩ giỏi song chưa học cách giao đấu với những người am tường Ninjutsu, Thần ảo công và hư quyền …

Văn Bình thắng cuộc nên được lên bộ với 5 thủy thủ Mã lai. Mục đích của chàng là cố trèo lên đỉnh núi ven biển để đốt khói làm hiệu cấp cứu, hoặc nếu có hoàn cảnh thuận tiện, liên lạc với thổ dân. Sau khi tới bờ, việc đầu tiên của chàng là sai thủy thủ hái dừa uống cho đỡ khát.

Vì trái dừa ngọt lật, Văn Bình bị bắt, trở tay không kịp. Chàng đang vắt vẻo trên thân dừa cao thì một loạt tiếng nổ vang lên. Đại úy Sulim từ sau núi hiện ra với toán cận vệ võ trang tận răng và hai xe díp trí súng trung liên.

Giá có súng trong tay Văn Bình cũng phải quy hàng, huống hồ chàng chỉ mang theo con dao để chặt … dừa.

Keng … keng … keng …

Đó là một buổi sáng thứ sáu.

Và là thứ sáu 13.

Gói thuốc lá của đại úy Sulim đã hết nhẵn từ lâu. Văn Bình đành loay hoay vấn thuốc rê với lá chuối non. Ngoài rừng dừa san sát, đảo Datoek còn có chuối, đủ loại chuối, mùi thơm sực nức, át cả mùi tanh của biển. Thuốc lá trồng trên đảo, được cắt thái vội vàng, không ủ đúng phương pháp, nên xông lên khét lẹt. Văn Bình cảm thấy cuống họng khô đắng song vẫn không rời được điếu thuốc méo mó và mỏng lét. Mùi thuốc -dầu là thuốc lá giả tạo - dường như phương thuốc kích thích chàng gia tăng trí tuệ và sức lực.

Chàng buột miệng:

-Thứ sáu 13... Ừ, mình chết quái thế nào được?

Cũng như tổng thống Mỹ Hoa thịnh đốn (3), Văn Bình chuyên gặp hên ngày thứ sáu trong tuần. Chàng oe oe chào đời tại Bắc Việt 6 giờ sáng ngày thứ sáu. Chàng xuất dương, dấn thân vào cuộc sống hồ hải khắp ngũ đại châu một ngày thứ sáu. Chàng gia nhập tổ chức điệp báo của ông Hoàng cũng trong ngày thứ sáu. Và cũng trong ngày thứ sáu, Văn Hoàng, con trai đầu lòng của chàng với Quỳn Loan, được sinh hạ...

Con số 13 đối với chàng không có gì là gở. Vả lại, quốc ấn của Hoa kỳ gồm toàn số 13 mà Hoa kỳ vẫn mỗi ngày một hùng mạnh (4).

Thứ sáu 13 là ngày thường được chọn để hành quyết tử tội, còn về phần Văn Bình thì đó lại là ngày diễm tuyệt vì chàng đã thật sự biết mùi đời một ngày thứ sáu. Hồi ấy, Văn Bình mới 18 tuổi. Tuy vậy chàng đã có bề cao và bề ngang đồ sộ, với đầy đủ ma lực quyến rũ phụ nữ. Chàng đang lang thang trên hè phố thì đụng nàng. Trông bề ngoài, đố ai dám bảo người đẹp đã có chồng, và lớn hơn cậu thanh niên khôi ngô kia một đống tuổi. Nếu mọi đàn bà đều lầm thì Văn Bình lầm cũng không phải điều lạ. Đang ưỡn ẹo, nàng đứng phắt lại ngắm chàng, còn say mê hơn đứa trẻ ngắm món quà thứ nhất trong đời mà cha mẹ vừa mua cho trong dịp lễ Giáng sinh. Rồi nàng vội vã rượt theo. Đến ngã ba, nàng bắt kịp và vượt qua, đon đả:

-Chào anh, anh đi đâu đấy? Lâu lắm em mới được gặp lại anh. Thế nào, anh ở đâu? Anh làm nghề gì?

Nàng tuôn ra một tá câu hỏi, Văn Bình nghe không kịp và dĩ nhiên là không cách nào trả lời kịp. Vì chàng há miệng toan nói thì nàng đã tấn công tới tấp:

-Anh về nhà em chơi đi?

Văn Bình không phải là phỗng đá hoặc thằng ngu nên giai nhân vừa buông lời mời là chàng nhận lời liền. Kết quả là chàng lưu lại đêm ấy với thần Vệ nữ. Nàng là hoa khôi tỉnh nhỏ được một trung tá mật thám Pháp khám phá ra, đưa qua kinh đô ánh sáng Ba lê biến chế lại khiến nàng trẻ hoài không già.

Ông chồng vắng nhà một thời gian dài nên Văn Bình tự do bù khú. Nhưng chỉ mấy ngày sau, nàng đâm chán. Nàng than thở:

-Em là người đàn bà lạ lắm. Không thích cái gì được quá một tuần. Đời anh còn dài, anh sẽ thu thập thêm nhiều kinh nghiệm. Em vốn có duyên với ngày thứ sáu 13 nên ngày thứ sáu 13 nào em cũng ngồi ở công viên từ chiều đến tối mịt đợi anh. Nếu còn yêu em, anh nhớ đến với em.

Chàng quay lại với giai nhân một thứ sáu 13 nữa, rồi vì công việc đòi hỏi chàng đi biệt. Và kỷ niệm đầu tiên xoắn sâu vào da thịt ấy còn mãi mãi trong trí nhớ. Vì vậy, trên đảo Datoek, gần tới giờ hành quyết, Văn Bình vẫn không lo sợ.

Chàng tin là vận hên sẽ cứu chàng sống.

Chợt có tiếng chân người rầm rập. Và tiếng khóa cửa rỏn rẻn. Binh sĩ của đại úy Sulim đã tới. Những tia sáng ban ngày bắt đầu tràn ngập xà lim. Văn Bình nhìn đảo qua 5 khuôn mặt hốc hác, tái mét.

Cửa mở.

Sulim đứng sừng sững trên ngưỡng cửa, vẻ mặt huênh hoang tự đắc. Bộ quân phục của hắn được ủi thẳng nếp hơn thường lệ. Bao da đeo súng cũng được đánh xi bóng loáng hơn thường lệ. Giọng nói của hắn cũng kêu sang sảng hơn thường lệ.

Hắn buông ra một câu cụt lủn:

-Giờ hành quyết đã tới.

Câu nói của đại úy Sulim như băng tuyết ào ào đổ xuống gian phòng chật hẹp, làm mạch máu tử tù đông cứng. Văn Bình nhìn những thủy thủ Mã lai co rúm người trong góc xà lim. Thật ra, nghe Sulim báo tin hành quyết, Văn Bình cũng hơi run run. Dầu sao chàng vẫn là con người với đầy đủ cảm xúc hỉ, nộ, ai, lạc. Chàng trội hơn đa số con người ở chỗ chế ngự được cảm xúc. Chàng run run trong vòng một vài giây đồng hồ rồi vẻ mặt trở lại phớt lạnh, và ngạo nghễ. Chàng cúi xuống tiếp tục quấn thuốc lá bằng lá chuối non. Đại úy Sulim cáu tiết, giật điếu thuốc nhão nhoẹt, vất ra cửa:

-Gần chết rồi, không được hút thuốc.

Văn Bình nhổ bãi nước bọt, giọng khinh bỉ:

-Các anh là người mọi rợ … Trên khắp thế giới, tử tội bao giờ cũng được trọng đãi trước giờ hành quyết.

Sulim đỏ mặt:

-Chúng tôi không thể trọng đãi bọn gián điệp ngoại quốc.

Rồi quát thuộc viên:

-Mang họ ra sân.

Một viên thiếu úy tiến đến:

-Thưa đại úy, theo thông lệ, tử tù lớn tuổi nhất bị hành quyết trước.

Hắn quay về phía các thủy thủ Mã lai, chọn người gày gò, lún phún râu bạc, dõng dạc nói:

-Đứng lên.

Tử tội tuân ra lệnh nhưng người máy. Sự sợ hãi quá độ đã làm thân xác hắn chai sạn. Hắn trở thành bình tĩnh tuyệt đối. Theo lệnh viên thiếu úy, hắn từ từ bước ra ngoài. Văn Bình đoán chắc hắn sẽ đứng lại một phút, giã từ bè bạn lần cuối. Song hắn đi thẳng, không ngoái cổ lại. Bất giác Văn Bình nhớ đến lời nói sau cùng của các liệt sĩ bị đoạn đầu ở Yên bái dưới thời Pháp thuộc. Cũng như của lãnh tụ Nguyễn thái Học trước khi rời nhà pha Hỏa lò:

-Chào các bạn, tôi đi trước đây.

Các liệt sĩ Yên bái không thành công, song đã “thành nhân”. Hôm nay, Văn Bình chẳng những không thành công, lại không thành nhân nữa. Chàng sẽ chết trong sự tăm tối vô danh. Không ai biết chàng chết. Đồng nghiệp ở Sở chờ lâu không thấy chàng trở về sẽ kết luận là chàng đã chết. Nhưng ông Hoàng, sở Mật vụ -và nhất là chính phủ - sẽ không nói nửa lời về hoạt động của chàng. Vì điệp viên Z.28, đại tá Văn Bình, chỉ là sản phẩm của tiểu thuyết, quân đội cũng như Nội các chính phủ không bao giờ và không thể nhìn nhận là sự thật... May ra vài ba chục năm sau, người ta mới nhắc đến tên chàng. Khi ấy, chàng đã tan ra thành bụi đất...

Không khí trong lành ban mai đột nhiên chuyển động mạnh mẽ. Đoàng... đoàng... một loạt súng nổ liên tiếp. rồi sau hết là một tiếng nổ đơn độc, rời rạc. Bốn phát súng trường và phát súng thi ân vào màng tang...

Từ lúc người thủy thủ Mã lai vô tội bị lôi ra khỏi xà lim đến khi phát súng thứ nhất nổ ròn, Văn Bình đếm đúng 5 phút. Nghĩa là Sulim phải mất khoảng nửa giờ để bắn 6 tử tội, trong số có Văn Bình. Nếu có phép lạ nào hiện ra để cứu chàng khỏi chết, phép lạ này phải tới đúng lúc, trong khoảng nửa giờ ấy... Bằng không, Văn Bình sẽ trở về với đất...

Các tử tội trong xà lim vẫn không nhốn nháo. Họ chỉ đua nhau cầu kinh to hơn.

Tiếng chân người lại rầm rập.

Tiếng khóa lại rỏn rẻn.

Căn cứ theo tuổi tác, Văn Bình là người kế tiếp. Người kế tiếp ra pháp trường. Kế tiếp xuống địa ngục.

Cửa mở.

Thần Chết gọi tên Văn Bình.

Chú thích:

(1) chuyện diễm tình giữa điệp viên Việt Nam Z.28 và nữ điệp viên Phi Rôsita đã được tường thuật trong Tử chiến Ngoài khơi ( 2 cuốn, trọn bộ ) do Tân Quang, 52 Lê văn Duyệt, Chợ Đủi, Sàigòn, tổng phát hành.

(2) đại để 1 đôla Mỹ tương đương với 2 pêsô Phi luật tân, khi bộ truyện này được khởi soạn. Hiện nay ( 10 – 1968 ), 1 đôla Mỹ ăn 4,07 pêsô trên thị trường chợ đen, và 3,90 pêsô theo hối suất chính thức.

(3) trong những ngày thứ sáu: tổng thống George Washington đã chào đời, được bổ nhiệm trung tá, tư lệnh quân đội Virginia, đắc cử Tổng tư lệnh, thiết lập lữ đoàn thủy quân lục chiến Mỹ, thắng trận Princeton, thắng trận Yorktown, đắc cử Chủ tịch Quốc hội Lập hiến, thành lập bộ Chiến tranh và bộ Quốc phòng, đặt thủ đô Liên bang, đặt viên đán đầu tiên xây Bạch cung, kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống cuối cùng, nhận nhiệm kỳ thứ hai là Tổng tư lệnh.

(4) trên đại quốc ấn Hoa kỳ, người ta thấy 13 ngôi sao, 13 đường sọc dọc, 13 mũi tên trong gót con ó, 13 đám mây, 13 chữ trong khẩu hiệu, 13 lá nguyệt quế (laurier), 13 cái lông ở cánh trái chim, 13 cái lông ở cánh phải, 13 cái lông ở đuôi, và 13 trái dâu trên cành...