Phần Thứ Nhất - CHINH TÂM 1 - 5

Chiếc taxi ngừng chậm chậm, Cầu Lệ nhìn kỹ, thấy sau một hàng rào thấp, hai bụi bông giấy mà cành lá che bóng mát cho trước nhà, mấy chậu kiểng xơ xác, có hai căn phố dính liền nhau, đúng như bạn mình đã tả. Nàng bước vào. Chung quanh một cái bàn vuông thấp, bốn người mặc sơ mi, quần tây, đi giày, đang nghe một người, gương mặt tuy không đến đổi già, song tóc đã bạc phếu, vóc mập kéo, mặc đồ bà ba, mang dép cao su. Thấy nàng, ông này chào, rồi hỏi:  

- Cô đến để trị bịnh lỗ mũi, phải chăng?

Nàng đáp:  

- Thưa không phải. Xin bác nói dứt câu chuyện với quý vị này. Để cháu bước ra ngoài mà chờ. Chừng nào xong, cháu sẽ vào, mà xin nói chuyện với bác.

Nàng dợm bước ra, thì bốn người khách cùng đứng dậy. Người lớn tuổi hết nói:

- Chúng tôi đã xong rồi. Vậy cô khỏi cần bước ra ngoài.  

Chủ bắt tay khách đưa ra cửa nói thêm:  

- Sáng thứ bảy, tám giờ sáng, ông Hayashi cứ đến. Nhưng anh nên nói trước với ông rằng vấn đề Việt Nam là một bàn cờ thế giới rất khó. Suốt mấy năm nay, những bộ óc lỗi lạc nhất của Mỹ, của Nga, của Anh, của Pháp, của Tàu, của Nhựt, của Việt, lẫn cả những máy tính điện tử tối tân, đã mệt nhọc mà lo trị vấn đề này. Mà tìm chưa ra phép phá bàn cờ thế. Vậy chớ nên có ảo vọng, mà nhớ chỉ một bài phỏng vấn, lại có thể làm cho công chúng Nhựt thấy rõ biện pháp nào có thể giải quyết vấn đề Việt Nam cho ổn thỏa.

Cầu-Lệ được mời ngồi đối diện với chủ, nàng vào đề:  

- Cháu xin tự giới thiệu. Cháu là Đặng-Võ-Cầu-Lệ, con của giáo sư Đặng-văn-Hanh, nay đã qua đời, em gái của Đặng-Võ-Cầu-Minh, lúc trước là học trò của bác. Cháu ở bên Đức vừa về tới, có lãnh của kỹ sư Trần-Văn-Vị, một bức thơ tay, gởi cho bác...  

Nói đến đây, nàng mở bóp, lấy một bức thư giao cho Hồ, chờ Hồ đọc xong, rồi tiếp:

- Cháu là người dịch bài "PHỤC HƯNG MỚI" đăng trong HÒA ĐỒNG ra tiếng Đức. Các anh cho quay ronéo và gởi bài ấy cho các tạp chí, các nhóm văn hóa lớn của quê hương của Goethe. Nhờ đó mà đài phát thanh Hambourg có mời chúng cháu trình diễn một buổi văn nghệ Việt. Nhơn đó, cháu lại làm quen với Ulrich, giám đốc văn chương của đài này. Ông Ulrich nói có quen với bác. Ông cũng qua đây, cùng đi một chuyến tàu bay với cháu, và nhờ cháu xin bác hẹn cho một lần gặp gỡ.

- Tôi gặp ông Ulrich năm 1953. Nay đã mười hai năm, thì tôi lấy làm hân hoan mà tiếp rước ông nơi quê nhà. Năm ấy, ông Ulrich đãi tôi rất trọng hậu. Tôi thẹn vì nhà tôi quá đơn sơ mà không dám mời ông đến. Vả lại, ở đây, khách đến thình lình, làm rộn cuộc nói chuyện. Nếu có thể, cô hãy chờ tôi thay đồ, tôi sẽ cùng đi với cô, mà gặp ông. Tôi không nói được tiếng Đức, phải nhờ cô làm thông ngôn. Như vậy, có làm phiền cô nhiều không?

- Chẳng có phiền chút nào cả. Trái lại cháu lấy làm có thú vị. Cháu đi du học mười một năm nay, học một cái nghề chưa đem lại cho cháu, một đồng xu nào, chưa đem lại cho dân tộc một góp phần quan trọng nào. Nghề thông dịch. Ngoài tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Tàu, và tiếng Anh, mà cháu đã nói được trước khi xuất ngoại, cháu đã học thêm được tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Y Pha Nho, sau khi học ba năm ở trường thông ngôn ở Genève. Hiện nay, cháu mới khởi sử học tiếng Nga. Nếu bác có cần thông ngôn trong các thứ tiếng mà cháu nói được, cháu sẵn lòng giúp bác.

Hồ thay đồ trong mấy phút. Cả hai thoát ra đi. Trên taxi câu chuyện được gầy lại. Cầu-Lệ nói:  

- Cháu thích văn chương, mê đọc những tác phẩm hay, ngay trong ngôn ngữ của tác giả. Vì vậy mà cháu chịu khó học nhiều danh ngữ. Tiến tới là làm thông ngôn cho một chánh trị gia lỗi của nước mình. Thủ bực trung, là phiên dịch những tác phẩm hay của mình ra các thứ tiếng mà cháu biết. Thối lại, đọc các văn hào trong ngôn ngữ của họ...

- Không có ai có quyền hỏi tuổi thiệt của một người đàn bà... Nhưng ở đây, tôi xin phá giới, mà hỏi tuổi thiệt của cô, để đem một ý nghĩ mà bàn góp cho cô.  

- Cháu sinh năm 1936; theo tuổi ta, năm nay cháu đếm đúng ba mươi tuổi. Và chưa có tiểu gia đình.  

- Tam thập nhi lập. Tuổi của Thích Ca ngồi dưới gốc bồ đề mà đắc đạo. Tuổi của Jésus, khi mới bắt đầu thuyết đạo. Tuổi của Marx, khi thảo tuyên ngôn của đảng Cộng sản. Và có lẽ, tuổi của Trưng Trắc, khi "phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân", mà viết những trang sử oai hùng cho nước Việt... Tôi thành thật mà tiếc rằng, khi lập chí, cô chỉ muốn leo đến cái nấc thang làm thông ngôn cho một chánh trị gia lỗi lạc. Nếu cô cho phép, tôi sẽ nối thêm nấc nữa và đốt lửa thiêng trong lòng có, để cô rán hết sức, đem hết tài, dùng hết đức mà leo lên. Leo được nấc nào hay nấc ấy.

Cầu-Lệ không vội đáp. Nàng nhìn vào xa xăm, như cố tình tìm một hình bóng. Rồi nàng tự nói nho nhỏ, nhưng cũng đủ lọt vào tai Hồ:  

- Đốt lửa thiêng trong lòng tôi... Từ mấy năm nay chị Tuyết-Lệ đã khơi ngọn lửa thiêng trong lòng tôi. Nhưng từ khi chị thành tiên, chẳng uống thuốc trường sinh, mà đã hóa ra trường sinh trong lòng một số người gái Việt, thì trong lòng tôi, ngọn đèn thiêng trong lòng tôi chẳng được ai chế thêm dầu. Lửa thiêng hết dầu, leo lét, rồi tàn. Từ ấy, tôi sống trong dò dẫm, trong cô đơn. Từ mười mấy năm nay lưu đày nơi quê người, đem linh hồn tôi mà lưu đày trong văn chương phù phiếm cố gắng bám vào ảo mộng để sống trong một thế giới phũ phàng...

Xe taxi, bị đèn đỏ phựt chận lại. Dừng một chập, sau khi đèn xanh sáng lên, xe quẹo sang tay trái. Cầu-Lệ trở về sự thật, hỏi:  

- Sở đắc của bác, tại sao bác không tự khai thác lấy, lại cho không cho cháu, mà bác chưa từng biết lần nào, lại chưa thốt lời gì để bác thấu rõ can tràng? Thú thật với bác, khi vừa mới nghe đặt vấn đề, cháu thoáng trong ý thấy cháu phảng phất có cái gì giống như bác sĩ Faust của văn hào Goethe, suốt đời khổ hạnh, bỗng nghe tiếng quyến rũ của hạnh phúc... Cháu sẵn sàng như bác sĩ Faust, chuộc lại lửa thiêng, bất cứ với giá nào. Bởi vì, đối với cháu, hạnh phúc ấy là lửa thiêng nung nấu cháu trong đường hành động. Đã tự nhận là tín đồ của chị Tuyết Lê, cháu đã thề với chị hiến thân cháu làm giải thưởng, treo lên để thưởng ai mở toang được cái cửa đương khóa chặt, chẳng cho loài người bước sang đuợc ngươn thanh bình. Cháu năm nay ba mươi tuổi, đã làm gái già. Giá trị của người con gái càng ngày càng tan, như giá trị của bạc giấy trong thời lạm phát nầy, như cục nước đá phơi dưới ấm áp của những tia nóng của mặt trời. Nếu bác đốt cháy phừng lửa thiêng trong lòng cháu được, bác muốn cháu trả lại cho bác giá nào?

- Chẳng có giá nào cả. Nói cho đúng, tôi đòi trả giá bằng sự cố gắng thường xuyên, ngày nay cố gắng hơn ngày hôm qua; ngày mai cố gắng hơn ngày nay, để leo lên, leo hoài, leo mãi, cho trải qua hết tất cả nấc thang của giá trị mà đạt đến tuyệt đỉnh. Còn cô hỏi tại sao tôi không giữ sở đắc để tự khai thác, thì tôi xin đáp lại cho cô bằng một câu chuyện huyền thoại. Ngày xửa, ngày xưa, nơi một tiểu quốc nọ, người ta sống trong nề nếp, trong ràng buộc, trong không khoan dung. Có một nàng kia, vì quyến rũ của phồn hoa, mà lao mình trong đời mưa gió. Sau mười năm hưởng những vinh nhục của phong trần, nhục nhiều, vinh ít, nàng hồi tỉnh lại. Dứt bỏ xa hoa, mà trở về làng mạc quê mùa của mình. Ở làng, nàng bị nề nếp, bị ràng buộc, bị không khoan dung, chỉ trích, chê dè, ruồng bỏ, tẩy chay. Họ cho rằng đã trót ả giang hồ, thì ngựa quen đường cũ, có đuổi cái nết đi phía cửa cái, thì nó vô cửa sổ mà nhảy a vào. Nàng mới cất một cái am vắng vẻ, để ngâm câu "chày kình dóng tỉnh giấc vu san". Nơi am này, nàng gặp một dị nhơn điểm đạo cho nàng; và để cúng dường, nàng hiến cho dị nhơn cái gì cao quí nhất của nàng: một đêm ân ái. Cô chớ vội chê dị nhơn là người đắc đạo, sao lại nhè đệ tử của mình mà giở cuộc ái ân. Nền tảng của tất cả tôn giáo là sự khổ hạnh của tín đồ. Cử chỉ của dị nhơn là gieo mầm khổ hạnh cho nàng mà thôi...

Trước một biệt thự to rộng cất trong một vườn mát mẻ, có những góc ỷ lan, gốc sứ to mà hoa tỏa mùi thơm phức, xe dừng lại. Cầu-Lệ mở cổng nhường đường... Phòng tiếp tân rộng, mà trang trí đơn sơ, thanh nhã. Một cái ca-na-bê và bốn cái ghế bành bọc da cọp, đối diện với một dương cầm to. Trên tường, ngay chỗ dương cầm, một cây đờn tranh cẩn, một cây đờn kìm, một cây đờn cò, một đờn gáo, ống sáo, ống tiêu, treo lủng lẳng... Phía trong một bàn ăn và sáu ghế ngồi bằng trắc, chạm trổ theo xưa. Còn trên vách, có treo một bức sơn mài to tướng, vẽ một cô gái đẹp như tiên, cỡi một con cọp mun, mà thổi ống tiêu, Cầu-Lệ nói:

- Nhà nầy của cha mẹ nuôi của cháu, là ông bà bác sĩ Bái. Cô gái thổi tiêu trong bức sơn mài là chị Tuyết-Lê của cháu. Y như hệt, bác xem chị có đẹp không? Từ khi chị thành tiên, cháu được làm con nuôi trong gia đình nầy. Bởi không còn con cháu để thừa hưởng gia tài, nên ông bà dùng hết của cải mà nuôi cháu xuất ngoại du học. Lòng mong mỏi cháu là nối chí chị Tuyết-Lê, nhưng cháu bất tài, chỉ có học, chớ chưa lập nên sự nghiệp gì cả. May mà bác mở lối cho cháu lập chút sự nghiệp, ấy là bác giúp cho cháu đền đáp lòng hoài vọng của cha mẹ nuôi. Ba cháu, tuy già, nhưng vẫn cố gắng đeo đuổi sứ mạng cứu thế của một y sĩ. Giờ nầy, ông còn cặm cụi làm việc ở phòng xem mạch. Đến sáu giờ rưỡi, ông mới về đến. Má cháu đi chợ. Ông Ulrich bận lo điều chỉnh giấy tờ nơi bộ ngoại giao, có lẽ về không bao lâu. Vậy bác tiếp tục kể cho nghe câu chuyện huyền thoại lúc nảy.

Hồ ngồi dựa lưng vào da cọp của ghế bành, nhìn vào bức sơn mài, kể tiếp:  

- Sau đêm ân ái, nàng thọ thai. Cái thai càng lớn, càng làm tăng nỗi lo âu của nàng. Phải chăng rằng thai nầy là bằng chứng cụ thể cho dư luận của thế nhơn, rằng nàng còn cái nết "ngựa quen đường cũ"? Phân trần nó là kết quả của một sự cúng dường cho một đấng dị nhơn đã điểm đạo cho mình, thì có ai tin? Sanh đứa nhỏ ra, sẽ giao cho ai nuôi nấng đùm bọc, hầu dấu không cho nó biết mà mang mặc cảm là đứa con tập tàng? Ngày qua, thai lớn lên, đứa nhỏ trong bụng cựa quậy lung tung làm cho nàng khổ đau không xiết. Đã là chuyện huyền thoại, có dị nhơn điểm đạo, ắt có sự mầu nhiệm. Sự mầu nhiệm là cưu mang hơn hai mươi lăm năm, mang nặng, chịu đứa nhỏ chòi đạp đớn đau đủ điều, mà nàng không sanh đẻ. Dường như là kết quả của một thánh thai, đứa nhỏ chờ một nàng tiên đến, làm ổn bà rước nó ra chào đời, và nuôi nấng nó trong cái tin tưởng là con tiên. Sự mầu nhiệm thứ hai, là ngày kia, nàng tiên đến thực hiện cái đại mộng của thánh thai. Không nói, cô cũng hiểu sự vui mừng của nàng đã mang nặng trong hai mươi lăm năm, đã chịu đớn đau của cái thai càng ngày càng lớn và tung đạp để đòi ra chào đời...

Cầu-Lệ tập trung thần trí, để tìm hiểu ý nghĩa tượng trưng của câu huyền thoại. Thấy nàng chau mày để suy tư, Hồ nói tiếp:

- Làng quê mùa bị bó trong nề nếp, trong ràng buộc, trong không khoan dung, ấy là cái thế giới của ta đang sống. Nàng con gái đã mười năm lỡ lầm trong đời mưa gió, ấy là tôi. Vì những sôi động của máu nóng, của bản năng, tôi đã thất thân với những tay điếm của thời đại là chủ nghĩa Mác-Lê. Năm 1939, hồi tỉnh, tôi đoạn tuyệt với nếp sống của phong trần, thì làng nước quê mùa của tôi không cho tôi sống, đẩy tôi ra rìa của xã hội; tôi phải cất am ở ven rừng, mà sống đời cô đơn, để ngày ngày dùng "chày kình dóng tỉnh giấc vu sơn". Dị nhơn đã điểm đạo cho tôi, ấy là thời nguyên tử. Một đêm ân ái, do sự cúng dường của tôi, dị nhơn đã làm cho tôi thọ thai. Thai nầy, nếu sanh được ra, sẽ là cái ý thức hệ của thời nguyên tử. Khốn nỗi, tôi mà công khai sanh nó ra, thế giới biết là con tôi, thì nề nếp, ràng buộc, không khoan dung sẽ đặt tên cho nó là "sản phẩm của chủ nghĩa Mác-Lê, của Đệ Tứ Quốc Tế". Một thánh chiến sẽ tổ chức, thống nhất tất cả các cường quốc, các lực lượng, từ thực dân đến đế quốc, từ kẻ "xét lại", đến kẻ "chính thống", trong một hiệp nhứt chiến tuyến khổng lồ, không chỉ bủa từ Metternich tới Guizot, mà bao trùm cả hoàn vũ. Phỏng đời tôi trinh thuần, con tôi sanh ra đâu đến phải mắc vào lưới của hiệp nhứt chiến tuyến ấy, như mèo con sanh rơi nằm giữa đống tơ vò, mà nhứt cử nhứt động của mèo làm cho muôn sợi tơ siết chặt nó lại. Vì thế mà thai nghén mãi, tôi không dám sanh nó ra; rồi đau khổ trong hai mươi lăm năm, chờ nàng tiên đến làm ổn bà, rước nó ra chào đời và khai với thế nhân rằng đứa bé là của nàng tiên, chớ không phải là con của kẻ mang nghiệp dĩ của mười năm gió bụi.

Dừng lại để trấn tĩnh nỗi cảm động sục sôi trong lòng, Hồ thấy những nét vui tươi hiện lên trên mặt của Cầu-Lệ, nên nói tiếp:

- Sở đắc của tôi, vì tôi mắc kẹt trong nghiệp dĩ, nên tôi không làm sao khai thác được. Ai có đủ tài, đủ đức, đủ chí để khai thác thế cho tôi, kẻ ấy là nàng tiên đến làm ổn bà mà giải một cưu mang nặng trĩu trong hai mươi lăm năm, thêm nuôi nấng tác phẩm xây dựng bằng máu bằng thịt của tôi. Nàng tiên ấy là cứu tinh của tôi. Nàng tiên ấy có chịu ơn, tôi cứu gì đâu, mà băng khoăn lo trả? Cô liệu có đủ tài, đủ đức, đủ chí để làm nàng tiên ấy chăng?

Cầu-Lệ rời ghế bành, bước tới quì trước mặt Hồ, vịn gối Hồ, cúi đầu và nói:  

- Cha ruột là Đặng-Văn-Hanh có công sanh và nuôi tới mười bảy tuổi. Cha nuôi là Hồ-Biệt-Bái có công giúp tài, bồi đức trong mười hai năm. Nay mở đường, lập chí, bắt thêm nhiều nấc thang cho con leo lên, còn xin kính tôn lên làm người cha thứ ba và làm người thầy, tiếng thầy của ta vừa có nghĩa là cha, vừa có nghĩa thầy dạy. Vậy từ đây con xin gọi là thầy cho gọn.

2

 

Vài phút sau tiếng chuông reo, một nàng con gái, vóc mảnh mai, gương mặt thanh nhã, mắt lớn và tròn như mắt bồ câu, tóc thề buông xõa trên áo dài trắng, hiện nơi ngưỡng cửa. Cầu-Lệ bước lại đón mời vào ngồi. Nàng ngồi thẳng, không dựa lưng vào bành ghế, hai tay đặt lên hai gối và khỏi sự với giọng nặng của người Huế:

- Em là Nguyễn-Phước-Canh-Ngọ-Thu...  

Hồ đang ngồi lật tạp chí mà xem hình, nghe người con gái xưng tên rất lạ, ngước mắt nhìn. Cầu-Lệ muốn làm thỏa thích lòng hiếu kỳ của thầy, hỏi.

Cô gái Huế nở một nụ hàm tiếu, đáp:

- Đây là lần thứ mấy ngàn, mà em phải cắt nghĩa cái tên dài lê thê của em. Em vốn là giòng của nhà Nguyễn, nên có họ đôi, là họ Nguyễn-Phước. Đáng lẽ, em phải để là Công-Tôn nữ gì đó. Song ba em, thuộc về chi của Đông Cung Cảnh, thêm về tư tưởng thì theo Cường Để, nên có óc cách mạng, chỉ lấy họ đôi, là họ Nguyễn-Phước, mà khai sanh cho con bất cứ trai hay gái. Ba em, vào năm canh ngọ (1942), làm thủ lãnh cho Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội, cho Trung Kỳ, nên bị, vừa chính phủ thực dân, vừa triều đình đàn áp. Quân đội Nhật can thiệp, điều đình ráo riết lắm, ba em mới được đày lưu qua Tân-Gia-Ba, không biết chừng nào được về. Lúc ấy, em còn trong bụng mẹ. Ba em dặn khi sanh con ra bất cứ trai hay gái gì, cũng đặt tên là Canh-Ngọ-Thu, để kỷ niệm ngày ba em ra đi mà không hẹn được ngày về.

Cầu-Lệ hỏi:

- Cô em đến đây có điều chi thố lộ cho tôi biết được chăng?

- Em có cái thơ của giáo sư Neumann giới thiệu cho Ulrich, để em xin làm thông dịch và hướng đạo.  

- Ông Ulrich chưa về. Ông có cho tôi biết về vấn đề nầy, và dặn tôi, trong khi chờ đợi, nên nghiên cứu và giải quyết ngay với cô em. Chẳng hay cô em học tiếng Đức đã bao lâu?

- Em học tiếng Đức từ năm 1946, lúc em chưa đầy bốn tuổi. Sau tháng ba năm ấy, một đội Lê Dương đỗ bộ ở Huế. Ông Neumann trước chiến tranh là một giáo sư triết học, sau khi Đức bại trận, vừa ê chề vì số phận của một nước bị chiếm đóng, vừa muốn sang Viễn Đông mà nghiên cứu triết học Đông Phương, nên tình nguyện vào đội Lê Dương, rồi được gởi sang Việt Nam. Lúc ấy, ba em, vì phạm cái tội "thân Nhật" nên bị Pháp bạc đãi, bị Việt Minh trù ẻo, sống cô đơn và nghèo túng với bầy con đông, thì sở cậy vào sự buôn tảo, bán tần của mẹ em. Ba em vốn là một danh nho ở thần kinh, nên được ông Neumann nghe tiếng, tìm đến mà cầu ba em dạy về Khổng, Lão, Phật. Ngôn ngữ bất đồng, tất nhiên phải nhờ thông ngôn. Ông Neumann nhờ học lực cao, giao thiệp rộng, nên có hy vọng vận động mãi ở Huế, để hoàn tất chương trình học hỏi của mình. Thấy gia cảnh của chúng tôi đáng thương, thấy em có khiếu học ngoại ngữ, ông nghĩ ra cách dạy em nói tiếng Đức, để ngày kia em thông ngôn được, thì số tiền ông trả cho người khác, ông sẽ trả cho em, gọi là giúp đỡ lẫn nhau. Ông khéo vận động, được luôn luôn ở Huế cho tới ngày sau đình chiến, quân đội viễn chinh Pháp rút về. Em học tiếng Đức chín năm với ông, vì làm thông ngôn cũng là một cách học. Khi ông về, ông có cho em mấy trăm quyển sách về văn chương, về triết học, viết bằng tiếng Đức. Trong mười năm nay, em đã đọc hết mớ sách ấy.  

- Con về phía Việt, sức học của cô em như thế nào?

- Sau khi đỗ tú tài, em đã học hai năm trường dược, hy vọng rằng về sau, có tiền nhiều, em sẽ xuất bản những tác phẩm do em viết ra. Vì em thấy rằng ở xứ lớn như Đức, trình độ độc giả cao, mà những tác phẩm về tư tưởng như của Schopenhauer, của Nietzche còn bán ế, thì ở xứ mình, nếu chẳng có tiền nhiều, em sẽ làm sao mà có tác phẩm hay ra đời được? Nhưng em vỡ mộng. Ba em nghèo quá, không sức nuôi em nổi trong mấy năm nữa. Nên em vào đây, thi vào trường sư phạm, mong nhờ học bổng mà học thêm một năm, rồi có sở làm ngay để nuôi cha già. Cái mộng viết tác phẩm tư tưởng cao và có tiền nhiều để in mà truyền bá, em đành chôn đi vậy. Nay, nếu nhờ ông Ulrich thâu nhận làm thông ngôn trong mấy tháng, em sẽ có số tiền to để xuất bản một bài thơ dài bằng văn xuôi của em...

- Ông Ulrich cần thêm một người lái xe, một người thơ ký biết tốc ký và đánh máy. Nếu cô em biết cả những nghề nầy, thì càng tiện cho ông. Ông sẽ trả lương gấp ba.  

- Ông Neumann đã cho em biết việc ấy. Em biết tốc ký và đánh máy. Còn lái xe, em đã ghi tên học, tập dượt khá thuần thục. Chỉ còn chờ thi lấy bằng cấp.

- Như vậy thì cô em có điều kiện tất yếu và sung mãn để được thu nhận. Còn lương bổng sẽ là bao nhiêu, ông Ulrich sẽ xem tài nghệ của cô em trong một vài hôm, rồi sẽ định.  

Ngọ Thu nãy giờ ngồi sổng lưng, bởi lo lắng không biết xin được sở làm chăng, nghe Cầu-Lệ tuyên bố như vậy, nàng như được cởi lòng, thần kinh hết căng thẳng, ngã lưng dựa vào bành ghế, hai tay gát lên cái vịn, thở tự nhiên, chớ không còn nén hơi như trước. Hồ nãy giờ lật hình xem, song lắng tai nghe kỹ câu chuyện, chốc chốc nhìn lên nàng để nhận xét sau cử chỉ của nàng, nàng dấu một tâm hồn nào. Bây giờ, đoán hiểu rằng vì gia cảnh mà chôn vùi tài hoa và đại mộng, sau hơn hai mươi năm sống trong cơ cực, nàng chỉ còn mối lo độc nhứt là đảm bảo bát cơm cho mình và cho cha già, nên Hồ thương hại, thêm muốn xây dựng một cán bộ cho dân tộc, Hồ cầm tờ tạp chí, đứng dậy bước lại ngồi trên ca-na-bê chỗ gần Ngọ-Thu. Và hỏi:

- Lúc nãy, cô nói cô có viết một bài thơ dài bằng văn xuôi. Chẳng hay bài thơ ấy tên gì, tứ của nó ra thế nào? Nếu cô có thể nói cho tôi biết, không biết chừng tôi nghĩ được cách giúp đỡ cho nó ra đời trong những điều kiện đẹp đẽ và ít hao tốn cho cô.

 Ngọ Thu giương cặp mắt bồ câu tròn xoe nhìn Hồ giây lâu, rồi lim dim đáp, dường như nhìn trong nội tâm mà đọc:  

- Cháu sở dĩ dùng hình thức thơ bằng văn xuôi, bởi vì cháu nhiểm cái văn chương trác luyện của Nietzche, nên học đòi trình bày tư tưởng của cháu theo cái thể của quyển Zarathoustra đã nói như thế. Tên tác phẩm của cháu là Thái Hòa Kinh. Tứ của nó là do câu chuyện ngắn "Chuyện con thằn lằn chọn nghiệp" đăng trong tuần báo Mới năm 1953, trong ấy tác giả đặt một bài toán về triết lý mà đến nay chưa có triết nhân nào giải đáp. Bằng bài thơ dài của cháu, cháu mạo muội đăng một lời giải đáp...

Hồ gật đầu nói:  

- Tôi hiểu rồi. Thứ văn chương tư tưởng của cô, trong thiên hạ, có dân tộc Đức là sính hơn hết. Tôi khuyên cô chịu khó dịch ra tiếng Đức, nhờ ông Ulrich, là một nhà văn lỗi lạc, gọt giũa cho ngân như tiếng của pha ly, rồi cô cho xuất bản trước ở Đức. Ăn khách ở đó, tác phẩm của cô sẽ dịch ra các thứ tiếng, có một tiếng vang quốc tế, sẽ được chuộng ở quê nhà. Bưởi Biên Hòa của ta, các con buôn khách trú dùng bút lông mà thảo vài nét hồng hồng lên, xuống lục tỉnh bảo rằng bưởi Tàu, thì bán được giá hơn. Tác phẩm của cô, được báo chí và đài phát thanh trong thế giới ca ngợi, thì các nhà xuất bản tranh nhau mà mua bản quyền. Tiền của cô, cô hãy để dành đó mà nuôi cha già.

Ngọ Thu cảm động, nói với giọng run run:

- Cám ơn bác. Cháu xin nghe lời bác. Nhưng làm sao nói cho ông Ulrich tốn công giúp đỡ cháu?

- Việc ấy để tôi lo.

3

 

Bác sĩ Bái, y theo lời vợ vừa dặn bằng điện thoại, sau khi rời khỏi phòng mạch, ghé rước Huệ Minh, vợ Hồ. Khi xe đỗ trước thềm, bà Bái ra đón chào tận cửa và nói:  

- Dì Tư nó tệ lắm! Có chồng ba mươi mấy năm nay, sanh cả chục mặt con, đã làm bà nội, bà ngoại, mà không chịu giới thiệu chồng cho bạn thân của mình. Tưởng ông hoàng tử đẹp ấy là ai, có dè đâu là bạn thân của nhà nầy, có khi đến ăn ngủ cả tháng. Đến nay, Cầu-Lệ bày tiệc làm lễ lạy cha nuôi, chị mới khám phá được cái bí mật. Thôi vô đây mà chịu phạt rượu.

Chủ khách vừa ngồi, thì Ulrich về tới. Sau những chào hỏi vồn vã, bác sĩ Bái và Cầu-Lệ bày ly, chai. Còn Ngọ Thu, lãnh vai thơ ký, ngồi ghi những điều mắt thấy tai nghe bằng tiếng Đức trên một bloc-notes to. Bác sĩ Bái rót rượu nói, nàng thông ngôn lại:

- Từ ngày thằng rể và đứa con gái chúng tôi nghiên cứu và thí nghiệm một cách bi đát về thuốc trường sanh, chưa có ai quả quyết rằng thuyết của chúng nó đúng cùng chăng? Còn riêng tôi, đọc những tài liệu của chúng nó đánh rơi lại, tôi thấy, và thí nghiệm suốt mười năm, rằng cao hổ cốt trị bịnh rhumatisme tài lắm. Cao hổ cốt phải dùng rượu để dẫn. Tôi dùng các thứ khai vị có tiếng bên Âu Châu mà chế cao hổ cốt. Ông Ulrich dùng thử. Nếu ngoài nghề văn, ông còn muốn kinh doanh, tôi bày cho ông cái kế là tung lên thị trường Âu Mỹ những hiệu rượu khai vị cao hổ cốt. Uống để trị bệnh rhumatisme. Ông sẽ làm tỉ phú. Xứ chúng tôi có nhiều cọp. Dân chúng sẽ săn cọp để lấy xương nấu hổ cốt mà cung cấp nguyên liệu cho ông. Dân Việt sẽ có thêm một kế sinh nhai...

Ulrich vừa nhâm nhi rượu Martini có ngâm cao hổ cốt, vừa nhìn chòng chọc Huệ Minh, làm cho nàng hơi sượng sùng, hàm tiếu hỏi:

- Tôi nay đã xế tuổi, còn cơ duyên nào mà phải nhìn chăm chỉ làm vậy?

- Xin lỗi bà, tôi có điều thắc mắc khiến ông phải nhìn bà để xét nét cho kỹ, trước khi hỏi bà. Tôi có gặp một người đàn bà Việt, tuy có trẻ hơn bà, song giống bà lắm. Một chín, một mười.

- Ông gặp người ấy ở đâu, và trong cơ hội nào?

- Hơn một năm trước đây, đài phát thanh ở Hambourg có mời một nhạc sĩ và một ca sĩ Việt Nam, nổi danh ở Âu Châu, đến trình diễn về âm nhạc Việt.  

Huệ Minh cười nói:  

- Việc ấy là dĩ nhiên. Nữ ca sĩ ấy là Mộng Trung, em gái của tôi. Tôi thứ tư, nó thứ sáu, hiện nay nó sống ở Paris bằng lối trình diễn âm nhạc Việt cùng với nhạc sĩ Trần-Văn-Khê. Một nghề sống tạm bợ để nuôi bảy đứa con ăn học.  

- Bà Mộng Trung ca hay lắm. Nghe giọng nói của bà, tôi nghĩ rằng bà cũng có thiên tư về ca.  

Bà bác sĩ Bái chen vô:

- Ông nghi trúng đó. Bà Hồ đây lúc còn con gái, đã làm cho gánh hát cải lương Đồng Nữ Ban. Dáng bộ không tự nhiên và uyển chuyển cho lắm, song nhờ có giọng thanh tao mà cũng được công chúng hoan nghinh.  

Ulrich nói:

- Tôi có ngờ đâu vợ của ông bạn tôi lại là một đào hát đã được công chúng hoan nghinh. Sau bữa tiệc, khi mà có chút êm lặng, tôi xin phép ông bà và chủ nhà cho tôi bày một cuộc phỏng vấn có ghi âm về ca nhạc Việt. Rất tiếc là vì vội vã, mà không mời được nhạc sĩ để đờn mà dẫn lời ca.  

Huệ Minh cười nói:

- Chị bác sĩ đã gài cho em vướng vào phiền lụy, khó chối từ đối với một ông bạn từ phương xa mà đến, thì xin phép cho em trả nủa bằng cách gài cả hai anh chị mắc vào chung một cái phiền lụy với em. Thưa ông Ulrich, bà bác sĩ đây là một nhạc sĩ trứ danh, hồi còn con gái, đã cùng tôi lăn lóc trong gánh Đồng Nữ Ban. Với cây đờn tranh, bà đã làm nổi bật giàn nhạc của gánh nầy. Khi có chồng chơi nhạc một mình buồn, bà đã dạy ông bác sĩ dùng đủ thứ nhạc khí. Ông sở trường đờn cò và ống tiêu. Vậy ông chớ lo thiếu âm nhạc.  

Bác sĩ vui vẻ đáp:

- Dì tư xử như vậy ức cho vợ chồng tôi lắm. Luật của Talion dạy: Lấy mắt đổi mắt, lấy răng đổi răng. Nay bị móc một mắt, mà dì quyết móc cả đôi ngươi để trả nủa, thì đâu có công bình. Chẳng có công bình, ắt còn trả hận. Oan oan tương báo, biết chừng nào lấp hố oán thù? Ông Ulrich, chúng tôi bằng lòng dấn thân vào phiền lụy, mà đờn cho bà Hồ ca, song với điều kiện là phải có công bằng. Bạn tôi cũng phải góp phần vào, không ca được, không đờn được, thì ít nữa cũng bằng những lời, giới thiệu cho công chúng Đức hiểu tinh túy của ca nhạc Việt.

Hồ phản đối:  

-  Về ca nhạc, tôi dốt đặc cán mai, có hiểu tinh túy của ca nhạc Việt như thế nào, mà nói mấy lời giới thiệu nổi?

Bác sĩ Bái cười khoái trá. Cầu-Lệ can thiệp:

- Thầy con không nói được. Vậy con xin thay lời. Cả hai thảy đều là cha nuôi, con không binh cha nào, bỏ cha nào. Con chỉ ra sức mà đền ơn cho người thầy xây dựng tinh thần con. Chúng ta sẽ bàn riêng để tổ chức cuộc phóng sự có ghi âm. Bây giờ, chúng ta hãy đổi vấn đề, để giúp ông Ulrich khởi đầu thiên phóng sự của ông, mà nhan đề là: Tôi viếng đất mà Rồng sắp trổ hoa.  

Tất cả im lặng, Ngọ Thu chuẩn bị ghi lời trên giấy, chốc chốc, sau khi Ulrich dừng từng đoạn, nàng sẽ dịch lại thành tiếng Việt. Ulrich khởi sự:

4

 

Sau năm 1950 hay 1951 gì đó, những nhà khảo cổ Nhựt có khai quật gần Đông Kinh, bên Nhựt, tìm thấy một chiếc thuyền cổ chôn vùi dưới đất. Có lẽ chỗ ấy, hồi xưa, mực nước biển còn tràn đến, rồi thuyền đậu đó bị chìm, lâu ngày chầy tháng phù sa bồi lên mà chôn vùi thuyền dưới đất. Cũng có lẽ thuyền bị một cơn bão lớn, thủy triều ném lên bờ, rồi mắc kẹt lại và bị đất cát chôn vùi... Các nhà thông thái Nhựt, dùng phương pháp định tuổi của khoa học tối tân, đồng công nhận rằng thuyền nầy đã xưa hơn hai ngàn năm. Một giả thuyết được đa số công nhận, là thuyền nầy là một trong những con thuyền của Từ Phước, khi vị đạo sĩ nầy gạt Tần Thủ Hoàng mà tổ chức một cuộc di cư lánh nạn, nói dối với vị bạo chúa là đi tìm thuốc trường sanh để dâng cho bạo chúa dùng hầu sống mãi đến miên trường.

Trong những vật tìm được trong thuyền, người ta tìm được một lọ đậy rất kín, trong ấy có những hột khô teo từ hơn hai ngàn năm không biết là hột gì. Một nhà bác học nghi là hột sen mới dùng phương pháp tinh xảo hơn hết của thuật trồng sen mà ương. Mầu nhiệm thay, hột cũ hơn hai ngàn năm lại đâm manh nha được. Và quả là sen. Đến mùa, sen nầy lại trổ hoa. Ai cũng cho là việc kỳ quan. Tạp chí Life xuất bản bên Hoa Kỳ, có viết bài dài về sen lạ nầy. Hoa sen được chụp hình màu mà đăng kèm cùng với ảnh của nhà bác học đã ương được sen lạ.

Tôi lúc ấy ở Hambourg, đọc được tạp chí, nảy ra cái ý nghĩ rằng sen sống ở Nhựt được, thì có thể trồng ở Hambourg được. Âu là vận động xin một miếng củ mà gầy giống sen lạ, để trồng ở Hambourg cho công chúng đến xem một kỳ quan của khoa học. Chánh phủ Đức giao thiệp với chính phủ Nhựt để thực hiện chương trình do tôi đề nghị. Một củ sen được chiết và trồng nơi vườn Bách thảo Hambourg. Sen đâm ngó kết lá, và tháng tám năm 1953 lại trổ hoa. Các báo ở Âu Châu đều đăng cái tin lạ ấy.  

Ngay lúc đó, có một hội nghị quốc tế để vận động cho phòng trào Liên bang Thế giới họp ở Copenhague. Một số đại biểu Việt Nam đọc báo, hay tin, trên đường về, có ghé ở Hambourg mà xem sen lạ. Một ký giả của tờ báo lớn ở địa phương, là tờ Hamburger Tageblatt, một phóng viên nhiếp ảnh, và tôi thay mặt cho đài phát thanh, đón tiếp những người Việt nầy; chúng tôi tiếp đãi những vị nầy, trong đó có ông Hồ đây. Và ông Hồ có cho chúng tôi biết cái tin tưởng của một giáo phái lớn ở đây là đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Tin tưởng do người sáng đạo, là Phật Thầy Tây An đã gieo trong tiềm thức của dân gian, rằng Phật Maitreya sẽ giáng thế mà lập Hội Long Hoa, để mở một ngươn mới cho nhơn loại.

Ông Hồ có nêu ra một cái ý nghĩ, rằng có lẽ điềm sen lạ trổ hai lần, lần trước ở Đông Kinh, lần sau ở Hambourg ấy có lẽ là điềm Maitreya sắp xuống thế. Tôi có hỏi tại sao ông nghĩ như vậy? Thì ông đáp rằng Phật Thầy Tây An có tiên tri rằng trước khi có Hội Long Hoa, thì trong nước loạn ly lung tung rồi quân các nước kéo đến chiếm đóng.

Mười hai năm qua. Bỗng nhiên chiến cuộc Việt Nam đến chỗ nan giải, mà có thể biến thành chiến tranh thế giới. Có vài cường quốc đề nghị gởi quân quốc tế đến Việt Nam. Tôi sực nhớ lại những lời tiên tri đã nghe. Một tin tưởng huyền bí ám ảnh tôi. Người Đức chúng tôi rất sành khoa học, mà tâm hồn chúng tôi cũng dễ rung động về huyền bí. Biết đâu chừng Hội Long Hoa sắp mở ở đây. Tôi đề nghị với nhiều tờ báo lớn, với vài đài phát thanh, để tôi lãnh làm một thiên phóng sự đầy đủ với cái nhan đề đầy huyền bí là: Tôi viếng đất mà Rồng sắp trổ hoa.

Phóng sự về một huyền bí, tôi lại dùng phương pháp rất khách quan của khoa học. Một thơ ký viết tốc ký theo dõi tôi từng bước. Tôi thấy cái gì? Người ấy ghi đầy đủ. Tôi hỏi ai cái gì và được trả lời ra sao? Người ấy dùng tốc ký mà ghi thật trung thực. Tôi chỉ gọt giũa cho văn được sáng sủa và miêu tả rồi gửi về Đức mà công bố. Nếu không có duyên may rung ruổi, thì tôi phải sống nơi khách sạn ngày ngày nhìn những cái nhộn nhịp của bề ngoài của sự sống. Làm sao mà đi sâu vào xã hội Việt, tiếp cận với những ôm ấp thầm kín tận đáy lòng người Việt, để hiểu những mong chờ, của họ về Hội Long Hoa. Vậy, tôi xin khởi thiên phóng sự của tôi bằng lời cám ơn nồng nàn, cám ơn ông bạn Hồ đã làm duyên khởi cho thiên phóng sự, cám ơn ông bà bác sĩ Bái đã rước tôi về ở trong gia đình, cám ơn cô Cầu-Lệ đã dừng cuộc du học ở Âu Châu, về đây mà tích cực giúp tôi thực hiện nhiệm vụ.  

5

 

Sau mấy tiếng vỗ tay để đáp lễ Ulrich, cả thảy im lặng để nghe Hồ đáp lại. Hồ nói chậm rãi, dứt mỗi câu lại ngừng, để cho Ngọ Thu dịch lại tiếng Đức. Hồ nói:

- Maitreya, người Việt dịch là Di-Lặc, vốn có tên là A-Dật-Đa, vào thời Thích-Ca ruổi dung truyền đạo, chỉ đắc cái hạnh Bồ-Tát mà thôi. Người được bè bạn gán cho biệt hiệu là Cầu Danh. Kinh Saddharmapundarica, mà người Việt dịch là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh có ghi tiểu tiết ấy. Sao gọi là Cầu Danh? Bởi vì người cố gắng mãi mãi hơn nay cố gắng hơn ngày hôm qua, để mình càng cao quí, đẹp đẽ mãi, vươn tới, vươn tới mãi. Để đạt mục đích nầy, người luôn luôn "xét lại", cởi bỏ cái lôi thôi, để chọn cái mới, cho kịp sự tiến hóa. Những đạo hữu của người, tu dưỡng mà đạt được cái hạnh nào, thì huyền ngưng trong cái hạnh ấy. Họ không hiểu cái tinh thần cầu tiến thường xuyên của A-Dật-Da, rồi lầm tưởng động cơ thúc đẩy sự cầu tiến thường xuyên nầy chỉ là một sự cầu danh mà thôi, nền đặt cho người cái biệt hiệu đó. Tinh thần cầu tiến thường xuyên nầy, có người xứ tôi thông cảm được, dùng danh từ Văn hóa (hiểu theo nghĩa tầm nguyên), để mà gọi.

Lời giải thích theo lời biện chứng của Hồ làm cho Ulrich thông cảm và hiểu ngay được. Ulrich gật đầu tỏ vẻ công nhận. Hồ nói tiếp:  

- Vào lúc tuổi già, Thích Ca thị kiến, thấy hai ngàn năm trăm năm sau mình những tiến bộ vĩ đại trong mọi ngành đưa đến chỗ phải cởi bỏ tất cả ý thức hệ cũ xưa, mà làm một cuộc cách mạng văn hóa toàn diện. Tinh thần nào làm động cơ cho cuộc cách mạng văn hóa ấy nổi? Phải chăng là tinh thần huyền ngưng, tinh thần cầu an, tinh thần giữ cựu lệ để chối các phiên đảo? Không thế được. Chỉ có tinh thần cầu tiến thường xuyên, tinh thần văn hóa (theo nghĩa tầm nguyên của nó), mới có đủ khả năng mà làm động cơ cho cuộc cách mạng văn hóa vĩ đại nầy, mà Thích Ca bị trình độ trí thức của tín đồ mình ràng buộc, nên khó dùng ngôn ngữ của thế kỷ XX ta mà nói cho những người của năm trăm năm trước Jésus hiểu được. Thích Ca phải dùng sáo ngữ, thành kiến, ngôn ngữ của thời mình mà nói cho người thời mình hiểu. Nên, trong một buổi thuyết pháp dưới bóng cội cây Long Hoa, Thích Ca gọi A-Dật-Đa mà nói: "Hai ngàn năm trăm năm sau, ngươi sẽ là vị Phật lớn hơn tất cả các vị Phật mà thuyết pháp dưới cội Long Hoa". Đó là một câu bóng bẩy tượng trưng của người xưa. Vào thế kỷ ta, chúng ta nên hiểu đó là một cuộc cách mạng ý thức hệ vĩ đại, mà động cơ là tinh thần cải tiến thường xuyên, tượng trưng trung thực hơn hết là A-Dật-Đa, tức là Maitreya vậy.

Ulrich lấy ngón trỏ ngón giữa của bàn tay mặt mà nhịp nhẹ trên sóng bàn tay trái, tỏ ý hoan nghênh lời giải thích phù hợp với tinh thần khoa học Tây Phương của mình. Trên mặt Cầu-Lệ hiện rõ sự hân hoan, vì thấy tìm được lời diễn đạt những huyền bí ở phương Đông cho người phương Tây hiểu ngay được. Hồ tiếp:

- Maitreya sẽ "giáng sanh" bằng cách nào? Phải chăng là theo cách thức thông thường của tất cả, là do tinh trùng của một người cha kích thích một tiểu noản của một người mẹ, làm tiểu noản hóa ra bào thai, đúng kỳ sanh, đẻ ra một đứa trẻ, cái mà trong phạn ngữ, người ta gọi là Upadaka-avatara? Không phải vậy. Sự hiểu biết của loài người, đến thế kỷ XX nầy, đã trở nên to rộng vô cùng.Trí óc của một người, dầu người ấy là "thánh nhơn", không tài nào bao gồm tất cả để làm một tổng hợp, lựa là làm một cuộc cách mạng toàn diện. Maitreya có thể nào "giáng sanh" ngoài lối trên, theo lối mà phạn ngữ gọi là Anupadaka-avatara, nghĩa là chẳng do tinh trùng kích thích, lại do "huyền vi thánh thần" hóa làm "thánh thai" và đến khai hoa, một "thánh nhơn" sẽ ra đời? Dầu có một vị thánh nhơn như thế nầy, cũng không tài nào bao gồm tất cả sự hiểu biết mà làm cuộc cách mạng nổi. Do đó mà Maitreya, tượng trưng cho tinh thần cầu tiến thường xuyên, chỉ có thể giáng phàm bằng cách toulpa. Việc nhập xác bằng cách toulpa nầy, từ muôn thuở, loài người đã chứng kiến. Xác nào có thể được nhập vào? Ấy là những xác vốn có căn lành, nên nhạy cảm. Âu Châu gọi là médium, tức là trung gian giữa hồn thiêng và phàm nhơn. Như người ta tin rằng có một hồn thơ nhập xác vào những người nhạy cảm về thơ, biến những người nầy thành thi sĩ và ám ảnh, xúi giục họ làm những bài thơ hay. Cũng như có thể nói khoa học là một cái tinh thần, nhập xác vào những ai đã tập rèn suy tư khảo cứu và có khả năng phát minh, rồi biến họ ra thành những nhà bác học. Khi Maitreya giáng phàm cũng vậy. Người chọn những người có căn lành, nhạy cảm, giàu lòng từ bi, bác ái mà nhập xác bằng cách toulpa. Kẻ bị nhập xác sẽ bức rức, băn khoăn, ngồi đứng không yên, chẳng còn thú gì với khoái lạc, với hạnh phúc. Lòng bị nung nấu, phải rời bỏ tất cả để đi tìm... Tìm cái gì? Tìm phương dập tắt ngọn lửa đang đốt lòng mình, và chắc chắn là cũng đốt lòng chúng sanh như đốt mình vậy. Thích-Ca bỏ vợ đẹp con xinh, từ chối ngôi đông cung thái tử, rời tất cả phú quí, để lang thang tìm đạo, đó là hình ảnh tượng trưng sâu sắc hơn hết của số người bị tinh thần cầu tiến "nhập xác" bằng cách toulpa.  

Ulrich đưa ngón tay ra dấu muốn nói. Hồ bèn dừng, để cho nhà văn Đức tỏ ý:

- Năm 1953, khi Nhựt báo Hamburger Tageblatt đăng bài phỏng vấn ông, thì phần đông độc giả ở Đức, không hiểu Maitreya giáng sanh bằng cách nào, nên còn đặt một dấu hỏi của hoài nghi. Nay, ông bạn trình bày vấn đề theo nhãn quang ấy, tôi hiểu ngay rằng sau hơn tám mươi năm bị ách nô lệ, dân Việt đã chịu năm năm khổ hạnh chung của nhơn loại trong thời thế chiến thứ hai, dân Việt lại phải chiến đấu thêm không biết chừng nào mới dứt, mà chẳng thấy rõ tiền đồ ra sao nữa. Cảnh loạn ly ấy làm cho ai giàu lòng từ bi, bác ái, tâm hồn nhạy cảm, tất nhiên phải bị nhập xác, rồi bức rức, băn khoăn, ngồi đứng không yên, chẳng còn thú gì với khoái lạc, với hạnh phúc. Maitreya đã nhập vào họ.  

Hồ gật đầu, và với giọng cảm động, tiếp:

- Đúng vây. Tôi đã chứng kiến, nói cho thật đúng hơn, là tôi đã quen biết một số người, mà nghe kể lại, là đã bị Maitreya nhập xác, kẻ ít người nhiều. Trước khi sang Âu Châu, vào tháng ba 1953, tôi vốn có mặt tại Sài Gòn, ngụ trong gia đình của bạn tôi là bác sĩ Bái đây, lúc ấy chưa dọn về nhà nầy. Trong gia đình nầy, nhiều người đã bị Maitreya nhập xác. Lậm hơn hết là cô ái nữ Tuyết Lê, thổn thức, băn khoăn cho đến đỗi không còn thấy thú gì mà sống ở đô thành hoa lệ, rồi bỏ tất cả, lao mình vào rừng thiêng nước độc, để tìm thuốc trường sanh làm phương tiện để cứu đời. Cậu rể trong nhà là bác sĩ Tâm, cũng bị nhập xác. Cầu-Lệ đây, lúc ấy mới mười mấy tuổi, ngây thơ chưa hiểu đầy đủ, mà cũng không tránh được truyền nhiễm. Và kể ra, hiện diện tại đây, tôi không biết ông Ulrich và cô Ngọ Thu ra thế nào, còn lại năm người, là vợ chồng bác sĩ Bái, Cầu-Lệ và vợ chồng tôi, cả thảy năm người, thảy đều bị Maitreya nhập xác ít nhiều... Sang Hambourg, tôi dám nói rằng Maitreya đã giáng phàm, và sen lạ trổ hai lần là điềm của sự giáng phàm ấy, bởi vì, vài tháng trước, tôi đã nghe chuyện Tuyết Lê bị nhập xác. Tuyết Lê? Ông còn nhìn thấy nàng cởi cọp, thổi ống tiêu, trên bức sơn mài treo ở vách kia. Chuyện nàng bị nhập xác ra làm sao? Bộ tiểu thuyết "thuốc trường sanh" đã chép lại đầy đủ. Rất tiếc là ông không đọc được tiếng Việt để xem tiểu thuyết ấy. Thế giới ngày nay bi đát lắm. Cái bi đát nầy lại cô động, kẹo lại trên mảnh đất nhỏ của miền Nam. Kẻ nhạy cảm, thảy đều bị nhập xác ít nhiều. Lời tiên tri của Phật Thầy Tây An, cách đây không đầy một trăm hai mươi năm, rằng Maitreya sẽ xuất hiện lại miền Nam nước Việt nầy, lời tiên tri ấy, tôi chứng minh cho ông Ulrich nghe bằng những luận điệu đanh thép của khoa học Tây phương.

Trong khi Hồ buông lời chầm chậm, thì bà Bái, Huệ Minh, bác sĩ Bái không ngăn giot lệ từ từ lăn trên má. Còn Cầu-Lệ nghẹn ngào, thỉnh thoảng nức lên, vì dồn nén không cho khóc ra tiếng. Ngọ Thu tuy ngồi chép, cũng thỉnh thoảng đánh rơi một giọt nước mắt trên giấy trắng. Và khi nàng dịch lại cho Ulrich nghe, nàng phải dừng lại mấy lần, vì cảm động...

Bàn dọn xong. Bà Bái mời vào ngồi. Tuy thực đơn nghiên cứu rất kỹ và chọn những món ngon, song không ai thấy có thú vị. Hồ xin lỗi:

- Tôi nặng tội, vì đã trót làm cho bữa ăn nầy buồn tẻ và không ai ăn ngon được. Song tôi có những lý lẽ chủ quan khiến tôi chẳng đặng đừng. Một là phải trung thực với tinh thần Phật, mà Maitreya là vị Phật lớn hơn hết. Dân chúng tôi chịu ách nô lệ hơn tám mươi năm, chiến đấu đã hai mươi năm, mà viễn đồ bày trước mắt hoặc là mấy mươi năm nội chiến, hoặc là chiến tranh nguyên tử. Ấy là một cái khổ, diệu đế của Thích-Ca đã vạch. Ông Ulrich khởi chương đầu của thiên phóng sự của ông, muốn cho phóng sự nầy được trung thực về cái huyền thoại "Rồng sắp trổ hoa", ông phải nhấn mạnh về cái nguyên nhân nào mà "Rồng sắp trổ hoa". Lẽ thứ hai là Cầu-Lệ có dụng ý bày tiệc ra mắt thầy thì tôi thấy tôi có bổn phận "điểm đạo" cho nàng giác ngộ. Thế nhơn lầm tưởng là hễ "giác ngộ", thì được thơ thới trong lòng. Không đúng. Thích-Ca bởi giác ngộ diệu đế đầu, là cái khổ, mà đớn đau đến đổi rời bỏ tất cả để tìm đạo. Cầu-Lệ, nay bị điểm đạo, mà giác ngộ, ấy là bắt đầu từ hôm nay, con sẽ bị Maitreya nhập xác... và con sẽ biết khổ.