Lời cám ơn của tác giả

Xin trân trọng cám ơn nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã góp ý, giúp tôi tự tin gửi bản thảo cho Nhà xuất bản cũng như viết lời giới thiệu.

Xin chân thành cám ơn nhà báo Dương Thành Truyền, biên tập viên Lê Hoàng Anh (Nhà xuất bản Trẻ) đã cùng làm cho tác phẩm này chỉn chu hơn.

Xin cám ơn các bạn văn, bạn đời... đã động viên, thôi thúc tôi sáng tác.

Và sau cùng, xin vô cùng tri ân bạn đọc - người đã bỏ tiền mua và dành thời giờ đọc tác phẩm này.

 

Thay lời giới thiệu

Đọc Lê văn Nghĩa, nhớ Sài Gòn

Nguyễn Nhật Ánh

1. Đọc truyện này của Lê văn Nghĩa, có cảm giác đọc tác phẩm của một nhà phong tục học.

Những sinh hoạt, nghề nghiệp, lời ăn tiếng nói của một vùng đất, một thời đại hiện lên sinh động như trong một cuốn phim tư liệu. Đọc truyện thiếu nhi của Lê văn Nghĩa mà có cảm giác như đọc sách biên khảo của Sơn Nam hay Vương Hồng Sển.

Với tôi, đó là một bất ngờ lớn. Nhưng đến khi coi lại cái tên truyện Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy thì tôi không thấy bất ngờ nữa. Ờ, tên truyện gì mà dài loằng ngoằng, cũng chẳng giống nhan đề một cuốn truyện thiếu nhi. Nó giống tên một thiên tùy bút, ký sự hay khảo cứu hơn. Ắt hẳn đó là sự cố ý của tác giả.

2. Sau cảm giác bất ngờ, là cảm giác thú vị.

Năm 1966, lúc tụi con nít như thằng Minh, thằng Ti, thằng Chim chạy nhảy lơn tơn trong truyện, tôi đang học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ) ở một thị trấn nhỏ miền Trung, tức là tôi lớn hơn các nhân vật con nít của Lê văn Nghĩa một tuổi và học hơn tụi nó một lớp. Tuy không sống ở Sài Gòn, nhưng do siêng đọc các báo thiếu nhi xuất bản ở Sài Gòn như Tuổi Hoa, Thiếu Nhi, Thằng Bờm... chuyển ra miền Trung hằng tuần theo xe đò, tôi vẫn biết các trò chơi của con nít Sài Gòn mà Lê văn Nghĩa mô tả trong truyện nên khi lần theo từng trang sách Chú chiếu bóng..., tôi bắt gặp mình sung sướng như gặp lại đám bạn nhỏ thời nào.

Bảy năm sau, khi tôi vào Sài Gòn thi đại học, xe chiếu bóng thùng như chiếc xe cà tàng của chú Hai Ngon vẫn còn lác đác trước các cổng trường tiểu học. Và những ngôn ngữ đường phố như “quỷ kiến sầu”, “tổ sư bồ đề”, “bành ki nái”, “mút chỉ cà tha”, “hầm-bà-lằng-xán-cấu”... vẫn còn thông dụng trong các cuộc tán gẫu hằng ngày.

Bây giờ, bắt gặp ngôn ngữ đối thoại đó trong truyện, tôi không khỏi mơ màng nhớ lại một thời thơ dại, thời mà chính tôi cũng ăn nói “hầm-bà-lằng-xán-cấu” không thua gì tụi thằng Ti.

3. Điều thứ hai khiến tôi thú vị với câu chuyện của Lê văn Nghĩa là những điều anh viết rất gần gũi với tôi. Bối cảnh trong câu chuyện của anh xảy ra ở quận 6 - là nơi tôi có bốn năm gắn bó. Tôi làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiếu nhi quận 6 hai năm. Hai năm tiếp theo tôi chuyển sang dạy học ở trường Bình Tây là ngôi trường các nhân vật trẻ con của anh đang theo học (năm 1966 còn là trường tiểu học) - ngôi trường mà con Hồng, người kể lại câu chuyện này, ngồi mài đũng quần suốt năm năm ở đó. Rồi trường Phú Định ở phường 13 bây giờ...

Tôi đã bao nhiêu lần đi ngang Á Đông tửu lầu (chưa vô lần nào vì thời đó còn nghèo), ngày ngày đạp xe qua cầu Palikao hay cầu Bình Tiên để đi làm hoặc đi dạy. Những con đường thân quen Phạm văn Chí, Lê Quang Liêm, Ngô Nhân Tịnh, Phạm Phú Thứ... tôi đọc truyện Lê văn Nghĩa tới đâu những ngả phố góc đường đó hiện ra mồn một trong tâm trí tôi tới đó.

Một điểm đặc biệt nữa trong truyện Chú chiếu bóng... là sự xuất hiện các nhân vật người Hoa. Cho đến hôm nay, người Hoa vẫn sống đông nhất ở quận 5, quận 6. Tôi đi làm ở quận 6 và sống ở quận 5, trong một chung cư có 90% là người Hoa, hằng ngày đụng đầu với hàng xóm A Lìn, A Mãnh, A Phò vẫn toét miệng cười chào “Chủ xành” hoặc thăm hỏi “Xực phàn mì?”. Vì vậy mà đọc những câu như “lượng co phảnh mìn dách co bạc xỉu”, “hắc xịt xập hù” trong truyện Lê văn Nghĩa, tôi hiểu ngay, không cần... phiên dịch. Cảm giác thân thuộc đó thật lâng lâng khó tả!

4. Những nhân vật trong truyện Lê văn Nghĩa thuộc tầng lớp dân nghèo thành thị. Đó là đặc điểm của các quận ven Sài Gòn. Sau 1975, hoàn cảnh sinh sống của dân lao động những nơi này cũng không thay đổi nhiều so với dân cư thuộc các quận trung tâm. Một nhà văn cùng thế hệ với Lê văn Nghĩa là Võ Phi Hùng, xuất thân từ viện mồ côi, sinh sống ở quận 6, cũng có nhiều tác phẩm viết về trẻ em vỉa hè ở khu vực này nhưng khác với Võ Phi Hùng, ngoài việc khắc họa tính cách và số phận nhân vật, Lê văn Nghĩa còn có tham vọng phục dựng khí hậu thời cuộc như anh đã từng làm với tác phẩm Mùa hè năm Petrus mới đây. Thế mới xuất hiện trong truyện chàng Mùi trốn quân dịch, chuyện học trò bị “bắt” uống sữa mỗi buổi sáng ở các trường học, chuyện nhà ảo thuật Khổng Có dạy thằng Ti ngả mũ trước đám tang, chuyện chị Mari Phông-tên đi làm sở Mỹ và các nhân vật phì phèo thuốc lá nhãn hiệu Ruby, Salem, Melia...

5. Lê văn Nghĩa, phụ trách báo Tuổi Trẻ Cười, là nhà văn trào phúng đã trở thành thương hiệu với các nhân vật Đại Văn Mỗ, điệp viên Không Không Thấy. Đó có lẽ là lý do khi anh viết truyện cho trẻ em, tình huống và lời thoại của anh rất dí dỏm - nhiều chỗ khiến người đọc bật cười. Tính hài hước, theo tôi là một phẩm chất cần thiết nhưng vẫn còn thiếu vắng trong các tác phẩm viết cho trẻ em. Lê văn Nghĩa, với mặt mạnh của mình, đã khỏa lấp được thiếu sót đó trong tác phẩm mới nhất của anh.

Truyện Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy là một cuốn truyện hấp dẫn, không phải vì nó thuần túy đem lại tiếng cười. Cách yêu thương đùm bọc giữa bọn trẻ nghèo với nhau khiến người đọc rưng rưng cảm động. Cách chú Hai Ngon sử dụng khẩu ngữ bình dân “dẫu hèn cũng thể” thường trực trên đầu môi như một phương châm sống, cách ông thầy Khổng Có dạy thằng Ti những bài học làm người bằng lời của thánh hiền kiểu như “nhân bất học bất tri lý” nói lên cách ứng xử mộc mạc, hồn nhiên, đầy ắp tình người giữa những cảnh đời khốn khó. Những đạo lý giản dị nhưng sâu xa đó gợi nhớ đến những bài học khó quên trong sách Luân lý giáo khoa thư của Trần Trọng Kim, Đỗ Thận...

Viết tới đây, lật lật vài trang sách Chú chiếu bóng..., tự nhiên tôi bỗng nhớ Sài Gòn quá thể, dù tôi đang ngồi giữa Sài Gòn. Tôi bỗng muốn ra đường, ngồi trước chiếc xe có gắn tấm kiếng Hải Ký mì gia, kêu một tô “phảnh mìn”, uống một ly “bạc xỉu”, “dẫm xà” một chút rồi lát trưa kiếm ít tiền... rủ Lê văn Nghĩa đi “dẫm chẩu”. “Dẫu hèn cũng thể”!

Tân Bình, tháng 5/2014

Nguyễn Nhật Ánh

--

Thành kính dâng song thân - những người đã cho con tuổi thơ thật đẹp.

Riêng dành tặng những người thương yêu trong gia đình nhỏ của tôi - bến đỗ bình yên, tĩnh lặng của tâm hồn.