Lời nói đầu

Nói đến truyện ngụ ngôn, người Pháp nhắc đến La Fontaine, về tiểu thuyết không thể không nói đến Balzac còn khi nói đến truyện ngắn thì phải nhắc đến Guy de Maupassant.

Guy de Maupassant sinh ra và lớn lên ở miền quê Normandie, ông là nhà văn vừa có óc phê phán sắc bén lại vừa có óc tưởng tượng vô cùng phong phú. Được hai người bạn từ thuở thiếu thời của mẹ ông, nhà văn Gustave và nhà thơ Louis Bouihet, dìu dắt trong sự nghiệp văn chương nên ông đã có thể trở thành một nhà thơ (ông sáng tác một vài bài thơ) hoặc một nhà soạn kịch (ông là tác giả một vài vở kịch nhỏ); và tất nhiên ông có khả năng thành danh nhờ viết tiểu thuyết vì các tiểu thuyết ông đã rất nổi tiếng ngay từ thời đó và đến nay chúng vẫn còn được nhắc đến như: “Một cuộc đời”, “Ông bạn đẹp” hay “Pierre và Jean”...

Nhưng chính ở thể loại truyện ngắn, tài năng của ông mới thật sự nở rộ. Có thể nói tài năng xuất sắc trong thể loại truyện ngắn đã làm lu mờ thành tựu của một tiểu thuyết gia. Trong tập truyện “Những truyện ngắn về một người đàn bà khờ khạo” và nhất là trong tập truyện “Một cuộc đời” hay “Trái đất” ông đã đạt được tới sự sâu sắc từ những chuyện tưởng như tầm phào vô nghĩa. Với tính giản dị, sự cô đọng, sức khái quát, những truyện nhỏ của Maupassant “chứa đựng những cốt tủy của những tập sách mà các tiểu thuyết gia khác phải viết thật dày” như Émile Zola đã nhận định.

Ngoài thể loại truyện ngắn hiện thực mang tính thời đại, ông còn sáng tác những truyện ngắn siêu thực, và có thể nói Maupassant là một nhà văn hiện thực nhất trong các nhà văn viết truyện hoang tưởng, ông cũng là một trong không nhiều nhà văn của thế kỷ trước thu hút được sự chú ý, sự tò mò của công chúng với thể loại truyện siêu thực.

Năm 1877, Maupassant mắc chứng bệnh tim và căn bệnh quái ác này đã khiến niềm vui sống trở thành một nỗi đau trong những ngày tháng cuối đời còn lại của ông. Ngay năm 1882, Maupassant đã có những ảo giác không phải là ảo giác dưới sự ảnh hưởng của cần sa nữa. Và kể từ năm 1887, trong ông đã xuất hiện hiện tượng tự kỷ ám thị: ông tin rằng ông nhìn thấy một ai đó đi lại trước mặt ông. Và trong suốt ba năm cuối đời ông đã không xuất bản thêm một tác phẩm nào. Tuy nhiên vào năm 1890, tức là khi Maupassant xuất bản tập truyện ngắn cuối cùng của mình, ông vẫn hoàn toàn minh mẫn. Ông không phải là một bệnh nhân tâm thần mà ông là một người bệnh đôi khi phải chịu đựng những rối loạn tinh thần. Những truyện ngắn siêu thực của ông không phải là tác phẩm của một kẻ điên, mà hiển nhiên là ông đã sử dụng những kinh nghiệm, những trải nghiệm của chính bản thân ông trong những cơn rối loạn tinh thần để viết lại những xúc cảm mà con người có thể cảm thấy.

Những truyện ngắn này không chỉ phản ánh thế giới nội tâm con người mà còn phản ánh cả cách suy nghĩ tư duy của con người thời đại đó, phản ánh cả hơi thở của thời đại đó.

Những truyện ngắn đề cập đến chứng bệnh điên của Maupassant không những không bị coi là tác phẩm của một người điên mà còn được đánh giá là những tác phẩm của một nhà văn hiện thực thiên tài, người đã rất thành công trong cách lột tả nội tâm con người.

Từ năm 1875 đến năm 1890, nghĩa là từ khi hai mươi lăm tuổi đến khi bốn mươi tuổi, Maupassant đã xuất bản hơn ba trăm truyện ngắn, chủ yếu in trong ba tờ: Gil Blá, Le Gaulois, Le Figaro, và một số tạp chí khác nữa. Những truyện ngắn này thường được tập hợp lại ngay khi tác giả còn sống thành những tập truyện ngắn được thu thập theo niên đại.

Xin trân trọng giới thiệu với độc giả 29 truyện ngắn siêu thực, kỳ lạ và hiện thực của Guy de Maupassant - một bậc thầy viết truyện ngắn của thế giới.

Người sưu tầm và dịch Vũ Yến Ly