TỰA

Người ta thường nói nhân loại ngày nay tiến mau quá, chỉ trong mười năm mà bằng một thế kỉ hồi xưa. về phương diện kỹ thuật, vật chất thì lời đó đúng, nhưng về phương diện tinh thần, cảm xúc, suy tư, tập tục thì chưa chắc.

Tôi xin lấy thí dụ vấn đề nam nữ bình quyền. Từ khi nữ sĩ Pháp Maria Deraismes sáng lập tờ Le Droit des Femmes (Nữ quyền - năm 1867) tới nay đã trên một thế kỉ mà ngay ở Pháp vẫn còn những người như Simone de Beauvoir trong cuốn Le deuxième sexe (Giống thứ nhì), hoặc như Françoise Parturier, trong cuốn Lettre ouverte aux hommes (Thư ngỏ gởi phái nam) thỉnh thoảng phải lên tiếng nhắc nhở rằng vấn đề đó chưa giải quyết xong, phái nữ mới chỉ được bình đẳng với phái nam trên phương diện pháp luật, chứ sự thực, trong xã hội, vẫn còn bị thiệt thòi nhiều thứ, vẫn còn bị coi là “giống thứ nhì”, thua kém “giống thứ nhất”.

Nguyên nhân có nhiều, trong lời giới thiệu này, chúng tôi không thể xét hết được, chỉ xin đưa ra nguyên nhân chính: thay đổi luật pháp là chuyện dễ, chi cần một nét bút; mà thay đổi lòng con người, tinh thần con người, tập tục trong xã hội, nhất là thay đổi cả một nền văn minh đã có từ mấy nghìn năm thì phải vài thế kỉ. Tôi nghĩ rằng phải qua thế kỉ XXI, khi mà đại đa số phụ nữ chứng tỏ bằng hành động, một cách khiêm tốn, nhã nhặn - chứ không huênh hoang, hằn học rằng họ cũng thông minh, tài giỏi trong mọi hoạt động như đàn ông, nhất là đừng nghĩ rằng hễ là đàn bà có những cặp giò khêu gợi, những môi son đỏ choét, những móng tay móng chân vấy máu... thì lúc đó họ mới thực sự bình đẳng với đàn ông, và xã hội loài người mới bước qua một giai đoạn mới: giai đoạn không còn sự phản công, cách biệt giữa nam nữ: nam lo việc xã hội, nữ lo việc tề gia nữa, mà nam và nữ sẽ cùng nhau chia xẻ mọi việc trong gia đình và xã hội, tùy theo khả năng của từng người.

Chúng tôi không xét xã hội lúc đó có tốt đẹp hơn xã hội của ông cha chúng ta không, vì cái gì cũng có bề mặt và bề trái, mà dòng lịch sử luôn luôn chảy xuôi, có cố lội ngược dòng thì cũng chỉ được một khúc rồi cũng bị cuốn theo mất.

Ở nước ta, do nạn chiến tranh trong mấy chục năm nay, bây giờ thêm nạn kinh tế, nên các vấn đề xã hội, đặc hiệt là vấn đề phụ nữ, bị lu mờ đi cả, tạm gác lại một bên. Chẳng hạn sự mãi dâm vừa là cái ung nhọt của xã hội, vừa là cái tủi nhục của phụ nữ, mà cũng chỉ có vài bài báo, vài cuộcbdiễn thuyết phản kháng qua loa rồi thì thôi, chưa  có cách nào giải quyết được. Làm sao giải quyết được khi còn trên nửa triệu quân đội “đồng minh ” ở trong nước?

Ngay như giới nữ sĩ, giới phụ nữ tiến bộ nhất, cũng cơ hồ không muốn gánh nhiệm vụ của họ nữa; đôi khi ta cũng thấy họ mô tả trong tiểu thuyết thân phận của những kẻ xấu số nhất trong phái họ, nhưng đọc xong ta có cảm tưởng rằng họ không có ý thức xây dựng, tranh đấu mà chỉ nhằm mục đích chìu theo thị hiếu độc giả. Còn trong thơ thì tôi mới đọc xong một tập phê hình thơ hiện đại, thấy phụ nữ xuất hiện rất nhiều, nhưng chỉ xuất hiện trong cái điệu “anh anh em em ”.

Nhưng tôi tin chắc rằng khi hòa hình trở lại, vấn đề phụ nữ sẽ được nêu lên và ít nhất là ở thành thị, họ sẽ đòi được cái thân phận như thân phận phụ nữ phương Tây. Ngay bây giờ dãy, chúng tôi đã được nghe một bà bạn thuộc vào cái lớp cũ, trách chúng tôi rằng:

 “Các ông viết sách hình như chỉ để cho bọn đàn ông các ông đọc, quên hẳn bọn đàn bà chúng tôi đi. Viết về vấn đề giữ gìn sức khỏe mà có ông tuyệt nhiên không nhắc tới vệ sinh của phụ nữ, lạ chưa! Còn ông nữa, ông viết được tiểu sử mấy chục danh nhân rồi? Năm hay sáu chục? Và có bao nhiêu danh nhân ở trong nữ giới? Marie Curie, Helen Kel-ler, Florence Nightingale, G.Sand, bà La Fayette, rồi ai nữa? Các ông chỉ đề cao các ông thôi”.

Tôi đáp:

“Lời trách của bà rất đúng, nhưng lỗi là lỗi chung chứ không phải của riêng tôi. Mười năm nay tôi đã cố kiếm tiểu sử các nữ danh nhân, các vị đã hi sinh cho nhân loại, chứ không phải các bà hoàng bà chúa, mà chỉ kiếm được bốn năm vị đó thôi. Không phải vì lẽ bẩm sinh, tài đức của đàn bà kém đàn ông đâu. Nhưng cái văn minh nhân loại hiện nay là do đàn ông xây dựng cho nên mặc dầu đàn bà có công lao đóng góp ngang đàn ông mà cho tới bây giờ chỉ giữ một vai phụ, thiên tư không được phát triển tột bực, trừ một số rất hiếm, mà sự nghiệp phải thua đàn ông trong hầu hết các ngành hoạt động... Cũng còn do lẽ này nữa: lịch sử nhân loại hoàn toàn do đàn ông viết, và dĩ nhiên họ đề cao họ trước hết, như bà đã nói. Vậy lỗi là loi của nền văn minh chúng ta ”.

Hai tháng sau, tôi đã quên câu chuyện đó thì một hôm nhận được một cuốn sách dày, bìa cứng, bà bạn đó cho đem tới. Mới đọc nhan đề: Femmes d’hier et de demain, d’ici et d’ailleurs (1) và coi qua bảng Mục lục, tôi đã hiểu thâm ý của bà rồi và xin nhận nhiệm vụ chứ không dám từ chối.

Tác giả Marianne Monestier là một nữ sĩ kiêm ký giả có tác phẩm đầu tiên hồi mười tám tuổi (A premières vues, được giải thưởng của Hàn lâm viện Pháp), hợp tác với tờ Marie Claire và vài đài phát thanh, hiện nay đã cho ra được trên mười cuốn: tiểu thuyết, tiểu sử, khảo luận, phóng sự...

Trong cuốn "Femmes d’hier et de demain, d’ici et d’ailleurs’', bà muốn góp công vào bộ lịch sử của phụ nữ, sửa lại một nỗi bất công họ phải chịu: bà phỏng vấn, điều tra, gom góp tất cả các tài liệu về vài trăm phụ nữ hữu danh và vô danh có công ít nhiều với đồng bào, nhân loại, để chúng ta khỏi quên những vị đó.

Tác phẩm dày 380 trang, khổ trung bình, tài liệu dồi dào, nhưng thiếu tính cách nhất trí, bố cục không chặt chẽ. Phần thứ nhất, dày hơn cả - non 200 trang – mà đọc cũng vui hơn cả, gồm mười hai hài chép những hồi ký cùng các cuộc phỏng vấn một số phụ nữ danh tiếng; phần thứ nhì chỉ khoảng sáu chục trang mà ghi có cả trăm nhà, mỗi nhà được hai trang, có khi chỉ vài hàng, y như những bản khai lý lịch vậy; phần thứ ba chép đời và sự nghiệp của tất cả các phụ nữ được giải thưởng Nobel, từ trước đến nay về Hòa Bình, Văn chương và Khoa học (2); phần cuối, tạp nhạp nhất, khoảng năm chục trang, gồm ba đề tài: Phụ nữ và óc phát minh; Đàn ông phán đoán chúng ta (phụ nữ) ra sao; Phụ nữ và hoa.

Vì muốn giữ đúng chủ trương từ trước tới nay: Tiểu sử phải hấp dẫn, truyền cảm thì mới có tác động tới tâm hồn người đọc, nên chúng tôi chỉ lựa trong phần nhất và phần ba lấy mười lăm nhà để giới thiệu với độc giả, rồi xếp đặt lại thành ba mục: Bốn nhà hi sinh cho nhân loại; Năm nhà mạo hiểm; Sáu nữ sĩ.

Sau cùng chúng tôi phải xin lỗi Tác giả và Độc giả đã không dịch sát từng chữ mà phải châm chước, có khi lược bỏ vài câu, vài đoạn, cũng chỉ để cho bản này được dễ đọc. Nhưng tôi vẫn phải  theo lối hành văn của tác giả : đó là cái lụy của người dịch.

Tôi mong rằng độc giả đọc xong cuốn này, lòng tự tin của các bạn gái sẽ tăng lên, họ sẽ thấy nếu họ muốn thì cũng lập được những sự nghiệp lẫy lừng như đàn ông, mà nền văn minh tương lai sẽ không phải của riêng đàn ông xây dựng, vì họ không kém đàn ông về một phương diện nào hết.

Chú thích :

(1) “Phụ nữ hôm qua và ngày mai, ở đây và ở những nơi khác ”- nhà xuất bản Plon-Paris, 1967.

(2) Xem chú thích trang 9.

 (3) Tôi xin kể tên dưới đây những bà được giải thưởng Nobel không được lựa trong tập này vì tiếu sử quá vắn tắt, khô khan:

- Giải thưởng Hòa Bình: Bertha Kinsky (1905), Jane Adams (1931), Emily Greene Balch (1946).

- Giải thưởng Văn chương: Grazia Deledda (1945), còn năm nhà kia, đều dịch hết.

- Giải thưởng Khoa học: Gerty Gori về sinh lí học và y học (1947); Maria Goepper Mayer về vật lí học (1963), Dorothy Crowfoot Hodgin về hóa học (1964); Marie Curie (1903) và Irène Curie (1934) mà ai cũng nhớ tên và chúng tôi đã giới thiệu trong cuốn Gương Hi sinh kĩ hơn Marianne Monestier.