Chương 1

ịnh mệnh đã an bài” Năm tiếng này bỗng trở thành danh ngôn kể từ ngày ông Tí con bị vợ chê, bỏ ông ta, đi tìm một chân trời hạnh phúc khác. Ông Tí con buồn lắm. Thay vì uống rượu hay hút thuốc phiện quên nỗi sầu mất vợ, ông ta lại làm cái công việc cao quý là ăn cơm tháng ở mục rao vặt của nhật báo Sáng. Ông Tí con ca bài con cá, hy vọng vợ ông mủi lòng trở về cùng ông vầy duyên như xưa. Nhưng ông Tí con thất vọng y hệt nỗi thất vọng của những anh nhà báo ngây thơ, bị quái vồ xế, đăng báo kêu gọi lòng nghĩa hiệp của quái xế. Cái thời buổi phân hóa cực độ hôm nay, vợ bỏ đi kể như Kinh Kha xách kiếm sang đất Tần, kể như Honda bị thổi. Ở nơi nào đó, đọc những áng văn tìm vợ của chồng, phu nhân Tí con, chắc chắn, sẽ mỉm cười, dấn bước, khẽ hát “Ra đi không về, âm vang lời thề...” Ông Tí con nạo bím chi địa cho báo Sóng, bồi thêm vài quả rao vặt nữa. Ông đổi chiến thuật, hạ giọng “Định mệnh đã an bài” và khuyên vợ ông về bán nhà. Tôi chẳng hiểu phu nhân Tí con có ham tiền bán nhà, quay gót phiêu du để rơi vào ổ phục kích của ông Tí con không. Vì, sau một tháng đăng báo tìm vợ, vợ đã không về, ông Tí con còn bị nghi là... gián điệp đánh mật mã! Và ông bỏ cuộc. Khiến mỗi ngày tôi mất một nụ cười.

Bạn tôi, ông Hoàng Hải Thủy, lấy làm chiêm ngưỡng cái tinh thần tìm vợ của ông Tí con lắm. Nàng Alice của ông Hoàng Hải Thủy, có dạo, giận ông ta, bỏ nhà về ở với “Măng”. Ông Thủy đi tìm vợ. Vợ ông lánh mặt. Và ông Thủy tưởng Alice của ông... hạc nội mây ngàn! Ông bèn anh dũng tự nhận mình là Tí con, đăng báo tìm Alice rối rít. Ông viết “Tạp ghi” trên báo Tiền Tuyến, chớp danh ngôn Tí con “Định mệnh đã an bài” mà dùng lia lịa. Trong các tác phẩm, dịch phẩm, phóng tác phẩm của ông sau này, ông ta cũng phang danh ngôn “Định mệnh đã an bài”. James Bond, gián điệp... hiệu 007, từng chép miệng “Định mệnh đã an bài” những lúc sa cơ thất thế. Tưởng trên cõi đời này, người cảm ông Tí con nhất, chính là ông Hoàng Hải Thủy vậy.

Tôi vốn quý mến những người đàn ông thương yêu vợ con. Tôi chơi thân với ông Hoàng Hải Thủy từ ngày ông ta bảo tìm vợ. Những năm tiền cách mạng tháng mười một nghe tên Hoàng Hải Thủy là tôi phát sợ. Tôi ngỡ rằng một người viết bạo, viết bựa như Hoàng Hải Thủy hẳn phải lả người điếm đàng, coi chuyện vợ con không hơn khói thuốc lá. Cái thuở vàng son của Hoàng Hải Thủy, cái thuở ông ta ngồi nhà vừa tán vợ vừa viết bài để người nhà báo Ngôn Luận đến gõ cửa thì phát cho một mẩu giấy, hẹn “lát tới lấy tiếp”, hoặc “xốt tê” tiểu thuyết lu bù mà không anh chủ báo nào dám dọa “cúp”, tôi vẫn còn là thứ vô danh tiểu tốt.

Tôi thèm viết văn, viết báo song không mấy hài lòng cái khuynh hướng hậu Vũ Trọng Phụng của Hoàng Hải Thủy. Tôi nhớ bài báo đầu tiên của tôi đăng trên bán tuần báo Chiến Đấu do Tam Lang làm chủ bút, tôi đã luộc kỹ cái nhan đề phóng sự “Yêu nhau bằng mồm” của Hoàng Hải Thủy. Giời ơi, định mệnh nào đã dẫn tôi vào con đường viết sống sượng, nham nhở bẩn hơn cả Hoàng Hải Thủy. Tôi chắc, nhiều người đã ngộ nhận tôi như tôi ngộ nhận Hoàng Hải Thủy. Câu “Văn là người” của Buffon không thể đúng, ít ra, trong trường hợp Vũ Trọng Phụng, Hoàng Hải Thủy và tôi.

Ông Hoàng Hải Thủy đã giải nghệ viết phóng sự nham nhở. Tôi cũng vậy. Hiện thời, chúng tôi sống hèn mọn như những con dế. Tôi nghĩ rằng những kẻ mang tiếng viết loạn nhất là những kẻ có cuộc sống thuần lương nhất, yêu thương vợ con, bạn bè nhất, chung thủy nhất và... ngây thơ nhất. Như Lê Xuyên, Hoàng Hải Thủy, Hoàng Anh Tuấn. Trừ những anh theo đuôi họ hòng nổi tiếng như họ. Ông Hoàng Hải Thủy ông ấy mê danh ngôn của ông Tí con. Tôi chợt thấy tôi cũng vừa mê câu “Định mệnh đã an bài”. Nhưng định mệnh đã an bài đời tôi thật huy hoàng. Là tôi được lấy một người tôi yêu làm vợ. Chuyện tình của tôi y hệt chuyện tình trong tiểu thuyết của ông Thanh Thủy, một nhà văn miền Nam mà hồi còn ở Bắc, tôi đã say mê đọc ông.

Nàng mang tên loài hoa của học trò, hoa Phượng, con gái ông điền chủ tỉnh Cần Thơ. Thuở đó, tôi đang ba đào. Từ Ban Mê Thuột, tôi mò về Sàigòn vì tự bỏ cuộc lập chiến khu chống một lúc cả Hồ Chí Minh, Ngô Đình Diệm, Bảo Đại lẫn tư bản Mỹ! Eo ơi, cứ nghĩ đến mấy đàn anh Duy Dân thời nuôi mộng làm... Tổng trưởng của tôi là tôi phát sốt rét. Tôi về Sàigòn sống với thằng bạn nhà binh thuê căn nhà lá tại Lăng Cha Cả. Có lần nó đi hành quân cả tháng. Tôi bèn đói quá. Sự đói của tôi vĩ đại gấp ngàn lần sự đói của nhân vật Sinh trong “Gió đầu mùa” của Thạch Lam. Anh chàng Sinh đói mà nằm trên gác trọ ngửi mùi xào nấu còn biết thèm. Chứ, tôi đói, chỉ thấy các thớ thịt tê buốt. Vì đói kỹ. Đói những ba ngày rưỡi. Hồi phong trào tuyệt thực nổi dậy ầm ầm, rất tiếc đã chẳng ai thuê chuyên viên nhịn đói Nguyễn văn Lương. Tôi đã từng cuốc bộ từ Lăng Cha Cả xuống Hòa Hưng ăn cơm xã hội năm đồng. Ngày hai buổi cứu nguy bao tử là hết thì giờ. Nỗi yhê thảm của tháng ngày quả mướp gói gọn vào pha đói Chúa chê, Phật giận sau đây:

Ba ngày rưỡi đói, chịu hết tôi mới lên cái xe đạp “đờ mi cuốc” chỉ có “phanh” bánh trước của bạn tôi, đi kiếm cơm. Cái xe nó chế nhạo tôi tới mức tối đa. Hễ tôi thắng mạnh, y rằng nó xoay ngang. Tôi đạp một vòng Saigon. Vòng xe vô định. Khát và đói quá, tôi xà vào nhà thờ Tin Lành đường Trần Hưng Đạo. Vị mục sư cao cả đang giải thích đường đi của chúa Kitô cho các bà, các cô xóm lao động. Vị này phát cho tôi một xấp giấy vẽ hình Chúa và các giáo điều. Mặt tôi hao lên rồi. Và cứ tưởng Chúa sắp phát chẩn. Khi các bà, các cô rút lui vị mục sư mới hỏi tôi:

- Thầy thích tôi kể chuyện Tin Lành hả? A, tôi kể đây...

Tôi ngượng ngập nó i:

- Thưa mục sư con thất nghiệp, ba hôm rày con nhịn đói.

Vị mục sự cao cả giơ tay:

- Không sao, thầy sẽ có bánh ăn, sẽ có việc làm, miễn là thầy tin nơi Chúa.

Tôi nuốt nước bọt:

- Dạ, con đang tin Chúa.

Vị mục sư cười rất bác ái:

- Tốt, tốt. Thầy đã đọc những lời của Chúa in trên giấy này chưa?

Tôi chớp mắt:

- Dạ chưa. Con sẽ đọc thuộc lòng. Bây giờ con đang đói, mục sư cho con quét nhà thờ tạm ít ngày.

Vị mục sư nhún vai:

- Nhà thờ đã có ông bõ già quét dọn từ mấy chục năm rồi. À thầy về đọc rồi suy nghĩ đi. Cứ tin Chúa là có công ăn việc làm. Nhiều người cũng thất nghiệp, đến đây, mấy hôm sau, nhờ tin Chúa, đi mần sở ráo trọi.

Tôi chán chường nghĩ: đang đói tê thịt, tin thế quái nào nổi. Nhưng vẫn cầu xin lòng bác ái của con Chúa:

- Vậy mục sư cho vài chục ăn cơm.

Vị mục sư cao cả lắc đầu:

- Tôi không phải là mục sư! Tôi yêu Chúa, tới đây giảng đạo Tin Lành. Tôi nghèo quá, tiền đâu cho thầy.

Đúng lúc đó, còi mười hai giờ rú lên. Vị mục sự đuổi khéo:

- Thôi, thầy về tin tưởng Chúa đi, nhà thờ sắp đóng cửa. Mai mốt thầy trở lại nhé!

Vậy là nhà thờ Tin Lành đã chê tôi. Ôi, Chúa ở khắp nơi mà Chúa đã không ở nhà thờ Tin Lành! Khiến tôi chẳng được Ngài cứu khổ. Tôi xách xe xuống đường, đạp về mạn Vườn Chuối. Tôi dựa xe một bên đường, mon men sang cổng ngôi chùa nhỏ. Mấy vị thầy chùa đã dùng trai xong, đang đứng xỉa răng. Tôi lễ phép xin cơm nhà chùa ăn đỡ. Mấy vị con Phật thấy tôi ăn mặc tươm tất, tưởng tôi chế nhạo, bèn phú lỉnh. Tôi thất vọng Phật sau khi vừa thất vọng Chúa. Đành đạp xe về ngã ba ông Tạ. Theo con đường đất nhỏ, tôi lang thang vào ngôi nhà thờ lớn. Giáo đường im bóng. Tôi đâm ra sợ hãi, không dám xin cơm cố đạo. Ôi, Chúa Kitô, chắc Ngài chưa bị đói như con. Phải chi Ngài đã làm một sự “cốc” như con, con chắc, mỗi nhà thờ đã có một quán cơm phước thiện dành riêng cho dân lỡ độ đường. Hay tại cái đảng Duy Dân chủ trương “măng phú” Chúa, Phật, vì Chúa là dân Do Thái; Phật là dân Ấn Độ, không phải dân Việt Nam nên các ngài chê con vì con trót theo đám quốc gia cực đoan vừa gàn vừa dở ấy?

Tôi trở lại Lăng Cha Cà, nơi yên nghỉ của cụ cố đạo Tây Bá Đa Lộc, người đã có công đưa nước Viêt Nam bốn ngàn năm văn hiến vào con đường nô lệ, ngu dốt. Công đức của cụ cố đạo Bá Đa Lộc thật lớn. Nên sau này, cái dạo tôi lêu bêu ở đây, Lăng Cha Cả đã nổi tiếng là nơi nhiều hãng đượi bình dân nhất Sàigòn. Tôi nằm dài trên ghế bố nghe thạch sùng tặc lưỡi mà nhớ nhà, nhớ bố, nhớ mẹ, nhớ em. Một em giang hồ, bồ bịch của thằng bạn nhà binh của tôi, bỗng dưng tìm đến. Em kinh nghiệm cuộc đời quá rồi nên thoáng nhìn tôi là em biết tôi đói. Em hỏi thẳng vấn đề:

- Anh ăn gì không, em đi mua?

Tôi ngồi nhồm dậy, mắt sáng rực cơ hồ một con chiên nghèo hèn được quỳ gối chụp lấy tay Đức Tổng giám mục mà hôn nhẫn.

- Em mua cho anh đĩa cơm lớn và chai xá xị.

Vừa ăn tôi vừa kể cho em giang hồ nghe đoạn đường ăn mày của tôi hồi sáng. Em cảm động thật lực, nước mắt ứa ra. Em trách bạn tôi và tự trách mình đã không hay nông nỗi. Em mua tặng tôi gói Ruby Queen. Lúc em bỏ về, em không nói gì. Lát sau, tôi mới thấy năm tờ giấy một trăm sau lưng mình. Tự đó, tôi không tin Chúa, tin Phật, tin lãnh tụ. Mà chỉ tin vào người. Thượng Đế chết lâu rồi hay Thượng Đế còn sống, tôi cóc cần. Tôi không sống với Thượng Đế, tôi đang sống với con người. Xin cho tôi được sống mãi với con người đầy ấp Tình Thương trong trái tim.

Bằng khoản tiền của em gái giang hồ, tôi đã lê chân đi tìm việc. Nhưng vô ích. Cuối cùng, tôi lại dẫn xác đến một đàn anh cách mạng. Vị đàn anh này chi khoản tiền vé xe đò Sàigòn - Chợ Mới. Tôi xuống An Giang, “hình thức” là dạy học song “nội dụng” là để “nắm” lực lượng quân sự của Hòa Hảo bị ông Diệm đẩy ra biên giới Cao Miên. Đàn anh bảo, lực lượng này, mai mốt sẽ là đạo quân tiên phong của cách mạng. Tôi đã cười thầm. Vì tôi có khoái làm cách mạng nữa đâu. Tôi xuống An Giang với mục đích cao cả là... cứu nguy bao tử. Dạy học chừng ba tháng, tôi bị đàn anh mời nghỉ. Lý do: đá cầu, bơi lội, chèo ghe với học trò. Tôi bèn giã tử làng Mỹ Lương, nơi đã tạo ra một vĩ nhân được hàng triệu tín độ ngưỡng mộ là đức thầy Huỳnh Phú Sổ. Giã từ luôn cách mạng Duy Dân. Tôi qua Cần Thơ, xin dạy ở một trường trung học tư.

Ngồi trường này do ông bố vợ tôi sáng lập và làm hiệu trưởng. Bấy giờ trường đang thiếu một ông thầy quốc văn. Tôi nhào vô đúng lúc. Dạy thử vài lớp, học trò chịu tài đấu hót văn chương, ban giám đốc quyết định thu nhận tôi. Tôi “ngồi dạy” ở Cần Thơ đến hè, sắp cạn chữ nghĩa thì nhà tôi từ Sàigòn về quê nghỉ hè sau chín tháng dùi mài kinh sử để chờ khoa tú tài. Định mệnh an bài, kể tự đó. Tôi gặp mặt nhà tôi trong bữa tiệc còm tại nhà nàng. Tôi vồ lấy nàng, tán tỉnh dai hơn đỉa đói. Thoạt đầu, tôi nói phét rất hung hãn về tôi. Tôi vỗ ngực binh binh nhận mình là nhà nghệ sĩ phiêu bạt sông hồ, lấy trăng gió làm nhà, nước mây làm bạn, lắng tai nghe con giun con dế đùn những điệu ca sầu tủi để dệt những áng văn chương dâng hiến cuộc đời.

Nhà tôi, em Phương đẹp não nùng của tôi, lúc ấy, đã phì cười nghe tôi diễn tả văn chương cải lương. Nàng học Marie Curie, văn nghệ chỉ ghiền Sáng Tạo của ông Mai Thảo, khen truyện ngắn “Trang” của ông Nguyên Sa ầm ỹ. Lại quen biết ông Tô Thùy Yên. Nàng đem các nhà văn nghệ lớn ra kê tủ đứng vào miệng tôi. Tôi ngẩn tò te hàng mười lăm phút. Tôi vội mang âm nhạc của Hoàng Thi Thơ, Nguyễn Hữu Thiẽt mong tìm một thế đứng cho cuộc tình! Em Phượng cười rũ. Tôi đành tho. Ấy vậy mà em đã yêu tôi và trở thành... nhà tôi. Định mệnh an bài tài tình ghê. Tôi nói hơi nhiều về “thuở ban đầu” của cuộc tình của tôi là để tỏ lòng ca ngợi ông Tí con. Vâng, mọi chuyện xảy ra trên cõi đời đều có sự sắp xếp của định mệnh. Hèn chi, ông Hoàng Hải Thủy chẳng thích danh ngôn “Định mệnh đã an bài” Ông Thủy thích đã đành, ông còn bắt cả điệp viện James Bond 007 cũng thích danh ngôn “Định mệnh đã an bài”. Ôi, danh ngôn bất hủ của triết gia ái tình Tí con! Đó là tiếng thở dài tự an ủi mình hay là niềm kiêu hãnh lớn của loài người. Với tôi, Nguyễn văn Lương, tên viết báo quèn. “Định mệnh đã an bài” phải viết bằng chữ hoa. Vì định mệnh không ủng hộ tôi, sức mấy tôi “cua” được nhà tôi. Con gái một ông đại điền chủ miền Tây mà đi lấy một thằng thầy giáo không bằng cấp, không tương lai, tứ cố vô thân, từng có thành tích đói dài người như tôi là một sự hy sinh vĩ đại cho... ái tình vậy.

Định mệnh, tôi muốn gắn cho ông một anh dũng bội tinh với ngôi sao bạch kim.