gửi Dr Panza

Bệnh viện dã chiến của cơ quan Y sĩ không biên giới (Médecins Sans Frontières) tại trại tị nạn Sikiew, Thái Lan là một dãy nhà lợp tôn, chia làm bốn phòng. Một dành cho bệnh nhân nằm, có vài chiếc giường sắt cũ và một cái bàn gỗ để dụng cụ y khoa. Một phòng khám bệnh. Một phòng dành cho y sĩ thiện nguyện. Phía ngoài là một hành lang hẹp dành riêng cho bệnh nhân ngồi chờ khám bệnh.

Y sĩ thiện nguyện trong trại có ba người, mang ba quốc tịch khác nhau. Một ông bác sĩ người Nhật, một cô bác sĩ trẻ người Miến Điện hình như vừa mới ra trường, chuyên về khoa sản, và một ông bác sĩ trưởng, Doctor Panza, người Pháp gốc ý. Tất cả đều theo Cơ đốc giáo. Họ săn sóc bệnh nhân tận tụy, tuy trong trại thiếu thốn mọi thứ, nhất là vào thời gian sau này, khi có chủ trương đóng cửa các trại tị nạn.

Phía sau bệnh viện còn một phòng dành riêng cho sản phụ.

Bên phải bệnh viện là nhà tù. Bên trái là ngôi thánh đường. Phía trên đồi là văn phòng MOI, tên gọi tắt của bộ nội vụ Thái Lan phụ trách an ninh ở trại.

Viên trưởng MOI giữ an ninh trại là một người Thái đã từng tham chiến ở Việt Nam, đã từng sống ở Đà Nẵng 5 năm, rất sành sõi tiếng Việt. Cao Ủy mướn anh ta giữ an ninh trong trại. Hung dữ, tàn ác, dâm dục, và rất khôn ngoan, thâm hiểm khi sử dụng một số đàn em, cũng người Việt tị nạn, để cai trị đa số còn lại. Chính vì vậy mà có người cho rằng, anh ta ít ra còn hiền, không tàn nhẫn như đám lâu la đệ tử.

Khẩu phần cho mỗi người gồm 2 ký rưỡi gạo, một khúc củi, 2 con cá nhỏ, 1 miếng thịt heo, một lát thì đúng hơn vì nó mỏng như tờ giấy, và một ít rau đã bị hư thối, tất cả những thứ này là để ăn trong một tuần, nhưng ít khi đồng bào nhận đủ, gạo thì may ra còn được 2 ký, còn những thứ khác thì khi có khi không. Bọn tay sai của Thái đã ăn chận ngay từ trong kho, họ cũng là người Việt tỵ nạn, nhưng sẵn sàng làm chó săn cho bọn Thái để có thêm một lon gạo, một con cá, họ sẵn sàng chà đạp những người cùng cảnh ngộ để được thêm một chút thịt bạt nhạt hay một miếng rau thừa...

Qua thư từ, tin tức trao đổi giữa những người tị nạn với thân nhân, hoặc bà con ở bên ngoài, hoặc ở những trại tị nạn khác, Sikiew nổi tiếng là khủng khiếp, vì đây là một Trại Cấm, không ai được vượt hàng rào ra bên ngoài. Trong trại có đủ các thành phần tị nạn, từ giới quân cán chính của Việt Nam Cộng Hòa, giới bộ đội Miền bắc, giới Cán bộ CS, cho đến giới lao động nghèo khổ... Họ được Cao uỷ tỵ nạn xếp thành 4 loại. Loại 1 đang chờ kết quả thanh lọc, loại 2 đang chờ tái thanh lọc, loại 3 đã rớt thanh lọc hai lần đang chờ hồi hương và loại 4 đã đang ký hồi hương vì không chịu nổi cực khổ, và cũng tự biết chắc rằng không thể qua nổi màn thanh lọc mà tỹ lệ chỉ có 1 phần trăm.

Ba hôm rồi trại không có nước. Nắng như đổ lửa, nắng như trút hết cơn giận dữ nóng bỏng xuống những mái tôn thấp lè tè, mà sức chứa hơn 100 người, già cả lớn bé vì thế sau bửa ăn trưa là họ túa hết ra ngòai, giành nhau từng bóng mát, hằng chục chiếc võng, ghế bố, và những manh chiếu xuất hiện la liệt dưới những tàng cây, họ giành nhau từng tí bóng râm. Nhiều người đi đi lại lại, nhiều người khác ngủ gà ngủ gật. Phía xa trước cổng chùa, pho tượng Địa tạng Vương Bồ tát cởi Kỳ lân tay cầm thiền trượng, sừng sững trong cái nóng hầm hập của khung cảnh ngột ngạt làm người ta liên tưởng đến địa ngục.

ông Panza, y sĩ trưởng của bệnh viện, giờ này theo thường lệ thì đã rời trại về thành phố nghỉ ngơi, để sáng hôm sau trở lại làm việc, nhưng hôm nay người ta thấy ông vẫn còn ở văn phòng, đi đi lại lại có vẽ bồn chồn, thỉnh thoảng lại ra đứng ngoài hành lang, gỡ cặp kính cận xuống lau, dáng điệu như che giấu một tâm trạng bối rối, hay đang suy nghĩ điều gì quan trọng. Ông nheo mắt nhìn ra ngòai kia, nắng vẫn vô tình đổ lửa xuống những con người bất hạnh đang khao khát từng giọt nước, từng nhóm trẽ đủ cỡ tuổi đứng tụm năm tụm ba ở những gốc cây chung quanh bệnh viện, đứa nào cũng cầm trong tay một cái chai, một cái bình nhựa, mắt lấm lét nhìn về phía bọn " MOI VN" đang đứng trên văn phòng. Nạn dịch tả đang hoành hành trong trại, gia đình nào cũng có người bệnh, có người bị nặng, chưa kịp chở đi bệnh viện đã chết. Ông Panza là người đau khổ nhất. Là y sĩ nhưng ông cũng đồng thời là Mục sư, đã phát nguyện trước Thiên Chúa là khi nào trên thế gian này không còn người đau khổ thì ông mới nghĩ đến hạnh phúc cá nhân của mình.

Từ lúc rời khỏi trường tới nay đã gần 20 năm, ông đã dâng hiến hết cái tuổi trẻ của mình cho những việc làm từ thiện, bất cứ nơi nào trên trái đất này cần đến ông là ông có mặt. Phải chăng đức hạnh đó chỉ có những vị Thánh mới có thể có được, như Ngài Địa tạng vương Bồ tát đã phán" Khi nào dưới địa ngục không còn ngạ quỹ thì ta mới lên cõi niết bàn".

Trong văn phòng an ninh, tên ác quỷ người Thái đội lốt người vẫn ngồi chễm chệ, vắt chân chữ ngũ, tay cầm cây côn chạm hình con rồng nổi vung qua vung lại, chung quanh là những tên chó săn, sẵn sàng vâng vâng dạ dạ một điều "anh hai" hai điều cũng" anh hai". Tiếng nước dội ào ào từ phòng tắm của bọn chúng chẵng khác nào như những tiếng thét xé lòng ông, trong khi dân tỵ nạn trong trại không có một giọt nước uống, phải uống cả nước rong nước rêu đục ngầu mà xe chỡ nước vét từ những hồ nước ao tù ở phía ngoài trại. Ông đau khổ nhìn giòng nước cuồn cuộn chảy từ trên xuống đường mương, ông có cảm giác rờn rợn như nước có màu đỏ, màu của máu, ông lắc đầu , gở kính xuống lau và nhìn kỹ lại giòng nước đục ngầu đang chảy ào ào từ trên xuống, ông chạy vào phòng, ôm ngực quì xuống gục đầu lên cây thánh giá, để mặc cho những giọt nước mắt đang lặng lẽ rơi trên má.

Sau khi tự pha cho mình một ly cà phê tan ngay, ông trấn tĩnh và quyết định, ông nói với người y tá Việt Nam làm việc thiện nguyện ở trại, anh này thông thường giờ này cũng đã rời bệnh viện, nhưng hôm nay thấy ông Bác sĩ trưởng chưa về nên anh cũng nấn ná ở lại xem ông có việc gì cần đến không, anh độc thân nên cũng không bận bịu gì. "Hãy gọi những đứa trẻ ngoài kia vào từ từ từng đứa một cho chúng nó nước uống". Từ sau cửa sổ nhìn ra ông mỉm cười sung sướng khi nhìn những đứa trẻ gầy còm vì thiếu ăn khúm na khúm núm giấu chai nước nhỏ bé vào trong bụng, mắt trước mắt sau, len lén chạy về lều.

Tin bệnh viện cho nước uống lan nhanh, dân chúng lũ lượt kéo đến bệnh viện dù họ có dấu diếm cỡ nào cũng đâu làm sao qua mắt nổi bọn "MOI". Tên trưởng an ninh lồng lên như chó điên, hắn xách xe rượt đuổi mọi người, rồi lái vòng ra phía sau nhà thờ để tới bệnh viện. Hắn sai bọn đàn em rượt bắt mấy đứa nhỏ, một đứa bé chừng 8 tuổi, gầy như bộ xương, hai tay ôm chặt chai nước vào bụng, thấy xe của tên hung thần tới nó hoãng sợ phóng mình chạy, rồi vấp rễ cây ngã xuống, và chiếc xe tàn nhẫn hất tung nó lên, đần va vào gốc cây, chai nước bể tan, nước tràn ra hòa lẫn với giòng máu đỏ lòm của đứa trẻ thơ vô tội, đọng lại thành vũng, ghê rợn. Sau khi băng bó câp cứu cho đứa bé, Dr Panza kêu điện gọi xe cấp cứu của bệnh viện Tỉnh đến để đưa nó đi.

Trong khi đó tên hung đồ tức giận xông vào bệnh viện, la hét:

-Ai cho phép mày cho nước tụi nó?

Anh y tá run giọng:

Đạ, ông bác sĩ trưởng.

Sau cái hất hàm của hắn, bọn chó săn đàn em lôi tuột anh y tá ra khỏi bệnh viện. Những tiếng van xin hoà lẫn với tiếng đấm đá tàn nhẫn vang lên từ văn phòng MOI khiến ông Panza rùng mình, ông biết rằng tên khát máu kia không làm gì nổi ông nên đã trút đòn thù lên người cộng sự đáng thương kia. Không thể ngồi yên, ông chạy vội lên văn phòng MOI, xô cửa bước vào để thấy anh y tá đã ngất xỉu, mình mẩy đầy máu me mà tên côn đồ vẫn tiếp tục đấm đá. Ông hét lên:

-Stop it !

Hắn trừng mắt nhìn ông:

-Việc của tôi không liên can gì đến ông, nó vi phạm luật trại thì phải chịu kỹ luật.

Bác sĩ Panza vẫn từ tốn:

-Lỗi của tôi, chính tôi sai anh ta làm việc đó.

Tên trưởng an ninh ra lệnh cho bọn tay sai mời bác sĩ Panza ra ngoài, ông nhất định không đi và nài nỉ xin được săn sóc cho nhân viên của mình. Hai tên MOI Việt Nam nhào tới lôi ông đi, ông chống cự, liền bị ngay một cú đấm vào mặt, té nhủi xuống đất, cặp kính cận văng qua một bên. Đau lòng thay người vừa đánh ông lại là một người Việt tỵ nạn, đã từng được ông săn sóc an ủi và luôn dành cho những liều thuốc hiếm có được ông mang từ ngòai vào không có trong danh sách thuốc điều trị cho dân tỵ nạn vì hắn bị bệnh tiểu đường, trước ngày việt cộng chiếm miền Nam hắn ta là trung sĩ thông dịch viên cho Mỹ, đến trại tỵ nạn này đã 4 năm, đã rớt thanh lọc đợt 1, nghề nghiệp hiện tại của hắn là cận vệ cho trưởng an ninh trại, cộng thêm nghề tay trái là săn lùng gái đẹp cho chủ, sẵn sàng bán rẻ những người cùng chung số phận của mình để đổi lấy vinh vang huê hạ nhất thời trong cái trại tạm dung này.

Nghe tin bác sĩ Panza bị MOI đánh vì đã cho nước đồng bào, đồng bào trong trại ùn ùn kéo lên văn phòng để coi, sợ có lộn xộn, tên trưởng an ninh Thái ra lệnh giới nghiêm, cấm mọi người ra khỏi khu vực mình ở cho đến khi có lệnh mới, hắn cũng ngừng tay không đánh đập anh y tá nữa mà ra lệnh nhốt anh vô xà lim.

Hôm sau Bác sĩ Panza về Bangkok thật sớm, ông đến gặp Cao Ủy tỵ nạn, xin can thiệp cho anh y tá được tự do và cũng để trả lại thẻ thiện nguyện, ông bảo ông khó lòng mà ở lại để chứng kiến những thảm cảnh của đồng bào mà ông bất lực không giúp đở gì cho họ được.

Suốt tuần lễ cuối, ông sắp xếp công việc bàn giao cho Bác sĩ phụ tá người Nhật, ông rất buồn. Gần hai năm qua ông đã tận tâm tận lực phục vụ cho đồng bào Việt Nam tỵ nạn ở đất Thái này, những mong đem lại một chút an ủi hạnh phúc cho tha nhân, hầu đền đáp ân sũng mà Thiên Chúa đã ban cho ông.

Ngày chia ly, bất chấp lệnh của MOI cấm tụ tập quá 5 người, đồng bào vẫn len lén đưa nhau đến bệnh viện để mong được nhìn thấy một lần cuối vị lương y đã từng lo lắng giúp đở họ trong lúc bệnh tật. Ông đưa tay vẫy họ, nước mắt chực trào ra. Khi xe đã ra đến cỗng, ông còn ngoái đầu lại nhìn mọi người lần cuối. Những vòng rào kẽm gai lùi lại phía sau, một lớp, rồi hai lớp... rồi bụi mờ che khuất những con người khốn khổ, chỉ vì hai chử tự do mà sa vào địa ngục trần gian, không biết đến bao giờ mới được giải thoát.

Nắng vẫn đổ hừng hực, bụi đỏ bay mù sau xe, Bác sĩ Panza không còn nhìn thấy đám người tỵ nạn đáng thương nữa, mắt ông nhòa đi, vì nắng vì bụi, hay vì nước mắt.

Trai ty nan 1992

Hết