Tập 1

Buổi chiều. Tú Quỳnh đang chăm sóc những chậu hoa lan trên sân thượng.

Bỗng cô chạy te xuống lầu, men theo vách tường, cô rón rén đi vào bên trong khu vườn nhà bên cạnh, đầy thắc mắc:

– Con gì vậy nhỉ?

Cô tiến đến gần con vật đó rồi lại hoảng hốt bỏ chạy đến nỗi bỏ cả dép. Vừa chạy, cô vừa la ỏm tỏi:

– Cứu tôi với!

Mọi người đều chạy đến xem có chuyện gì đã xảy ra thì thấy có một cô gái đang tái xanh mặt mày.

– Chết rồi! Quái vật cắn Tú Quỳnh.

Cách nói chuyện và xưng tên của cô thật là dễ thương. Thấy cô mệt lả người, ngồi xổm trên mặt đất, Trần Luân bế cô và lo lắng:

– Cô ấy bị trăn của mình cắn rồi sao?

Cô lớn tiếng:

– Anh làm gì vậy?

Anh đáp gọn:

– Bế cô.

Cô không hài lòng, sau đó lại đề nghị:

– Anh cõng tôi đi.

– Trời ơi! Giờ này mà còn nhõng nhẽo nữa.

Anh cõng nhanh cô vào nhà và hỏi:

– Cô bị đau ở chỗ nào?

Cô chỉ tay vào chỗ đau. Anh cười, cô quát to:

– Tôi bị thế anh còn cười nữa hả?

Không phải anh cười trước sự đau đớn của cô, mà vì sự trẻ con của cô. Anh quay sang chị Lượm:

– Chị lấy giùm em cây kim.

Chị Lượm ngạc nhiên:

– Để làm gì vậy Luân?

– Chị cứ lấy giúp em đi.

Chị Lượm đi đến tủ y tế gia đình lấy giúp anh. Ở ngoài đây Tú Quỳnh nhảy cẫng lên:

– Anh ác vừa thôi.

Anh khó hiểu:

– Sao lại ác vậy cô nương?

Cô đáp nhanh:

– Tôi bị quái vật trong vườn anh cắn. Anh không sơ cứu vết thương, lại lấy kim đâm chết tôi luôn hả?

– Cô làm như tôi ác lắm vậy.

– Không ác mà lại nuôi con quái vật đó.

Anh đính chính:

– Đó không phải là quái vật. Nó là con trăn, hiểu chưa?

Cô đáp gọn:

– Chưa hiểu.

– Vậy thì kệ cô.

Chị Lượm đưa cây kim nhọn hoắc vào tay của Trần Luân, anh nắm chặt chân cô, căn dặn:

– Ngồi im đi cô nương.

Cô la thật to làm cho chị Lượm phải bịt tai lại luôn.

– Á! Buông ra. Đau quá. Có ai không, cứu Tú Quỳnh đi!

Trần Luân lấy được cây gai bé xíu ra khỏi chân của Tú Quỳnh, anh bảo:

– Đưa tay ra đây.

– Chi vậy?

Cô nghe theo lời anh. Thì ra cô bị đạp gai chứ không phải bị trăn cắn như cô tưởng. Có lẽ vì sợ quá nên cô mới có cảm giác như thế.

– Ủa! Tôi bị đạp gai hả?

– Ừ!

– Cũng tại con trăn của anh tôi mới bị như thế.

Anh lạnh lùng:

– Lần sau, cô đừng có qua đây nữa.

Cô cong môi:

– Anh có mướn tôi cũng không thèm qua.

Anh bắt bẻ:

– Vậy sao lúc nãy cô lại qua đây?

– Tại ...

Hơi bị quê, cô không biết nói gì nữa, chợt cau có:

– Anh nuôi trăn để hù chết những người xung quanh đây hả?

– Ở đây chỉ có mình cô nên hù chết cô là đủ rồi.

Cô bực bội, bỏ về và hù dọa:

– Tôi mà chết, anh cũng không sống yên đâu.

Anh so vai:

– Tôi cũng mong đến ngày đó lắm.

Cô tức không thể tả nhưng đành im lặng. Nãy giờ cô đi cũng lâu rồi, chắc là bà vú tìm cô dữ lắm.

– Anh hãy đợi đấy.

Anh nhìn theo cô mà buồn cười.

– Hàng xóm mới của mình sao mà trẻ con thế nhỉ?

Bà vú tìm khắp nhà vẫn không thấy Tú Quỳnh, bà lo lắng:

– Không biết con bé này đi đâu rồi.

Bà lại suy nghĩ vu vơ:

– Không lẽ cô chủ bị bắt cóc?

Rồi bà lại xua tan đi ý nghĩ không hay đó.

– Tú Quỳnh ơi! Con đi đâu sao không nói cho vú biết.

Từ phía sau, Tú Quỳnh lớn tiếng:

– Hù!

Bà vú giật mình, quay đầu lại:

– Con làm vú giật mình à. Con đi đâu vậy?

– Con đi tưới cây, sau đó ...

Cô kể hết mọi chuyện cho bà vú nghe, bà liền hỏi:

– Thế chân con hết đau chưa?

– Dạ, hết rồi. Vú đừng lo.

– Vậy sao vú thấy mặt mày con nhăn nhó vậy?

– Tại con ghét cái gã hàng xóm đó.

– Vú thấy cậu ấy tốt mà.

– Vậy hả vú?

Bà vú gật đầu:

– Ừ!

Cô tỉnh queo:

– Vậy vú qua đó làm việc cho gã ấy đi.

– Con giận vú hả?

– Đâu có.

Cô đi nhanh lên lầu. Bà vú lắc đầu:

– Chắc là cậu ấy làm gì phật ý cô chủ nhỏ của mình đây.

Bà ra phía sau, lấy dĩa trái cây mang lên phòng cho cô. Bà gõ cửa:

Cốc ... Cốc ...

Cô lên tiếng:

– Vú vào đi.

Cô đang lên mạng nói chuyện với ba của mình, chẳng để ý gì đến bà vú cả.

Bà hỏi:

– Sao con không ăn trái cây vậy Quỳnh?

Cô đáp gọn:

– Con giận vú rồi.

Bà khó hiểu:

– Sao lại giận vú hả Quỳnh?

Cô cười hì hì:

– Tại con thích giận thì giận thôi.

Bà quen tính nết bướng bỉnh của cô chủ nhỏ nên rất thản nhiên:

– Vậy khi nào con hết giận thì xuống phòng tranh nha.

Bà ra ngoài vừa định đóng cửa lại thì cô gọi:

– Vú!

Bà quay lại:

– Gì vậy con?

– Vú nói chuyện với ba mẹ con nè.

Cô đưa tai phone cho bà nói voice với ba mẹ mình. Một lúc sau, đĩa trái cây hết sạch.

– Để vú lấy thêm cho con ăn nha.

– Dạ thôi ạ.

– Sao vậy con?

– Con để bụng đi ăn kem.

– Ở đâu?

Cô trả lời:

– Dạ, gần đây nè. Lát nữa, con với vú đi ăn kem hén.

– Thôi.

– Kem ngon lắm.

– Con đừng đi, để tí nữa vú mua cho con.

– Nhưng con thích tự mua hơn.

– Vậy cũng được.

– Con sẽ cẩn thận mà. Vú đừng lo. Con không có lạc đường đâu.

Thấy trời nắng gắt, những bồn hoa hồng của Tú Quỳnh như đang ủ rũ vì thiếu những giọt nước mát. Cô chạy te xuống sân.

– Con đi đâu vậy Quỳnh?

Nghe bà vú hỏi, cô chu môi:

– Hoa của con hết đẹp rồi.

– Sao lại hết đẹp vậy con?

– Tại sáng giờ con quên tưới nó.

– Vậy à?

– Dạ.

Cô đi tìm vòi nước, mở van ra nhưng không thấy nước chảy.

– Sao kỳ vậy?

Cô bặm môi:

– Bị gì thế nhỉ?

Bà vú từ trong nhà chạy ra:

– Vú quên nữa. Cúp nước rồi Quỳnh ơi!

Cô nhăn nhó:

– Sao lại cúp nước vào lúc này vậy?

– Vú cũng đâu có biết:

Cô bảo:

– Vú gọi điện thoại hỏi công ty cấp thoát nước xem khi nào có nước lại.

Bà vú nghe theo lời của cô, một lúc sau, bà lên tiếng:

– Đến tối mới có nước.

Mặt cô bí xị như quả bóng bị xì hơi. Cô không nỡ nhìn những bồn hoa của mình ủ rũ, cô quyết định:

– Mình phải ra sông mang nước vào mới được.

Cô đi lấy chiếc thùng nhỏ và ra trước cửa, bà vú giật mình:

– Con làm gì vậy Quỳnh?

– Dạ, con đi xách nước.

– Trời đất! Việc nặng nhọc đó sao con làm được.

Cô đọc một tràng dài:

– Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển, quyết chí ắt làm nên.

Bà cười:

– Vú biết, nhưng nếu con quý hoa như thế thì để vú làm cho.

Cô lắc đầu:

– Con làm được mà, vú xem thường con phải không?

– Vú không có ý đó.

Cô đẩy nhẹ hướng bà theo lối đi vào nhà.

– Công việc trong đó quá trời luôn. Vú làm nhanh bữa trưa đi, con đói lắm rồi.

Nói xong, cô chạy nhanh ra con sông trước cổng nhà. Cô nhón gót cố gắng để lấy nước.

– Á!

Bỗng cô té nhào xuống sông, tình cờ Trần Luân có mặt ở đó. Nhìn thấy anh, cô liếc dọc liếc ngang, lẩm bẩm:

– Thấy anh ta đúng là xui xẻo mà.

Anh chợt giơ cao hai tay mình lên:

– Không phải tại tôi mà cô té đâu nha.

Cô cong môi:

– Tôi có nói gì đâu.

– Tại cô nhìn tôi như thù oán với tôi nên tôi ...

Cô khó chịu:

– Nhiều chuyện.

Anh tiến đến gần bờ sông, chìa tay về hướng cô:

– Đưa tay ra, tôi kéo lên giúp cho.

– Không cần.

Cô bước lên. Cũng hên là con sông nhỏ, nước hơi cạn, cô tự lên không cần đến sự giúp đỡ của anh. Mình cô dính toàn bùn. Cô trề môi:

– Sao thấy ghê vầy nè?

Anh đùa:

– Tắm bùn cho trắng hả?

Cô lườm anh không nói gì hết, anh tiếp tục:

– Dạo này người ta theo mốt mới, mang giày bùn nữa, thời thượng ghê luôn.

Cô bắt đầu phản ứng mạnh không thể nhịn anh được nữa:

– Anh đúng là không phải đàn ông. Người ta bị thế không giúp đỡ còn trêu chọc.

Anh chỉ ngón tay vào mặt mình:

– Sao cô biết tôi không phải là đàn ông?

– Nhìn mặt anh là biết ngay.

Anh so vai:

– Mặt tôi điển trai thế này mà bảo không phải là đàn ông sao?

Anh bỏ đi, cô la í ới:

– Tên kia! Chưa cãi nhau xong mà.

– Thích cãi nhau thì cứ tự nhiên lèm bèm một mình đi nhé.

Cô cầm ngay chiếc thùng nước ném xa về hướng của anh.

– Đồ khó ưa. Có tin tôi qua phá nhà anh không?

Anh đã đi khỏi nên không thể nghe được lời hù dọa của cô.

– Được! Anh hãy chờ xem!

Cô cứ lảm nhảm một mình với bộ dạng thật khó coi nên cô trở thành trung tâm chú ý của mọi người, cô chợt nhận ra và hoảng hốt:

– Mình phải chạy nhanh vào nhà mới được.

Trong tích tắc cô đã vào đến nhà của mình. Cô đi vòng ra cửa sau và gọi to:

– Vú ơi! Mở cửa cho con.

Thấy cô bà giật mình:

– Sao con lại ...

Cô cười hì ... hì ...

– Có gì đâu vú. Con đi tắm đây.

Bà lắc đầu:

– Đã bảo là để mình làm cho, mình biết thế nào cũng có chuyện mà.

Bà lên phòng lấy quần áo giúp cô và đến phòng tắm gõ cửa:

Cốc.. Cốc ...

– Vú chờ tí đi, con tắm xong rồi đến lượt vú.

– Không phải. Vú lấy quần áo giúp con nè.

– Í quên! Vú thật là hay.

– Quần áo dơ của con đâu?

– Chi vậy vú?

– Đưa cho vú giặt tay. Nếu bỏ vào máy giặt sẽ không sạch đâu.

– Dạ khỏi ạ! Bỏ bộ quần áo đó luôn đi vú.

– Bỏ phí lắm con. Cứ để vú giặt sạch là mặc được mà.

– Không cần đâu vú.

Tú Quỳnh ngâm mình trong bồn tắm. Hương hoa lài thơm ngát trong bồn làm cô cảm thấy thật dễ chịu.

– Tí nữa mình phải rủ vú đi sở thú chơi mới được.

Vừa tắm xong, cô liền chạy te xuống bếp.

– Bữa nay vú làm nhiều món quá.

Cô giúp bà dọn thức ăn lên bàn. Cô bảo:

– Vú ngồi ăn chung với con luôn đi.

– Con ăn trước đi. Vú phải làm tí việc nữa.

– Việc gì vậy vú? Bữa cơm quan trọng hơn mà.

– Để làm xong rồi vú ăn cũng được.

Cô chau mày:

– Vú không ăn, con cũng không ăn luôn.

Bà đành chiều theo ý của cô. Cô liền nhe răng cười:

– Vú đúng là thương con. Ngoài ba mẹ con ra, con thương vú nhất.

– Vú biết rồi. Ăn cơm đi con.

Bà gắp thức ăn cho cô. Từ khi về Việt Nam, cô rất thích thú và không muốn về lại nước Úc tí nào.

– Con cám ơn vú.

Cô cũng gắp thức ăn lại cho bà:

– Các món ăn Việt Nam ngon quá há vú.

– Ừ!

– Ăn cơm xong con với vú đi sở thú chơi nha.

– Cũng được.

– Hay quá.

– Con ăn nhiều vô. Dạo này vú thấy con gầy hơn trước thì phải.

– Đâu có. Con thấy mình lên ký mà.

– Con có cân thử chưa?

– Dạ chưa.

– Vậy tí nữa con cân thử xem.

– Dạ!

– À quên nữa. Vú giúp con tưới những bồn hoa rồi đó.

– Vú hay thật. Vú tự xách nước tưới hả?

– Ừ!

– Con vậy mà tệ hơn vú nữa. Xách nước cũng không xong.

– Con là tiểu thư mấy việc đó không làm được là đúng rồi.

Tại sở thú. Tú Quỳnh chạy hết nơi này đến nơi khác mà chẳng thấy mệt tí nào, còn bà vú thì than vãn:

– Mệt quá?

Mồ hôi bà vú đổ thật nhiều, thấy thế, cô lấy khăn giấy chìa ra trước mặt bà:

– Vú lau mồ hôi đi.

Bà vú bảo:

– Hay là con cứ đi chơi. Vú ngồi ở đây khi nào con xem thú xong rồi mình về.

Cô không đồng ý:

– Con không thể bỏ vú ở lại đây.

– Con cứ an tâm, không sao đâu.

Thấy cô không muốn đi xem thú nữa, bà cố gắng:

– Vú khỏe rồi. Bây giờ, mình đi tiếp nha Quỳnh.

Mặt cô tươi rói:

– Vậy hả vú.

Bà gật đầu:

– Ừ!

Cô và bà đi đến khu nuôi voi, cô ngộ nghĩnh tạo dáng mình thành chú voi, bà bật cười:

– Ôi trời?

Cô hóm hỉnh:

– Voi Tú Quỳnh đây!

Bà đùa:

– Con đứng tránh ra xa tí xíu, lỡ voi mẹ thấy con ngỡ là con của nó, nó lấy vòi cuốn con vào chuồng bây giờ.

Cô đứng lùi xa ra khỏi chuồng voi, chu môi:

– Hết vui rồi, mình sang nơi khác đi vú.

Bà tuy mệt nhưng cố gắng để làm cho cô vui. Cô đã lớn nhưng hệt như trẻ con, bà với cô tuy không có quan hệ ruột thịt nhưng họ lại xem nhau như người thân.

– Vú uống nước đi.

Cô đưa cho bà chai nước suối. Không cần ống hút, cô đưa cao chai nước lên ực một hơi.

– Đã khát quá!

Cô tiếp tục:

– Thôi, mình về nha vú. Mai mình đi tiếp:

– Hả?

Cô lặp lại:

– Mai mình đi tiếp.

– Trời đất!

– Sao vú lại ngạc nhiên dữ vậy. Tại hôm nay vú mệt nên mình về sớm.

– Con cứ chơi vui đi.

– Thôi, ngày mai con sẽ đi một mình.

– Sao kỳ vậy?

– Có gì đâu mà kỳ vú?

Cô đi nhanh ra khỏi sở thú, vẫy tay gọi:

– Taxi!

Những việc cô đã quyết định rồi thì không ai có thể thay đổi được. Chiếc taxi chạy ngay vào lề đường, anh tài xế nhanh chóng mở cửa xe.

– Mời bà và cô.

Cô nhường vú lên xe trước rồi mới đến lượt mình. Trên xe cô cứ mãi nhắc về những con thú vừa xem được.

Buổi sáng, Tú Quỳnh thức dậy, cô uể oải vươn vai cho thoải mái:

– Mới đây mà đã tám giờ sáng rồi sao?

Cô đi ra khỏi phòng, nhìn xung quanh chẳng thấy bà vú đâu cả. Cô gọi to:

– Vú ơi!

Vẫn không nghe tiếng trả lời, cô nghĩ thầm:

– Chắc là vú đi chợ rồi.

Nhìn lên bàn, thấy bữa ăn sáng vú đã chuẩn bị xong, cô thấy đói bụng rồi, liền chạy nhanh đến bàn ăn.

– Món gì vậy nhỉ?

Cô chợt nhớ ra là mình chưa vệ sinh răng miệng, cô vội đi nhanh vào phòng tắm. Tiếng chuông điện thoại nhà reo lên inh ỏi:

Reng ... reng ...

Cô mặc kệ cho nó reo mãi:

– Ai mà gọi vào lúc này vậy kìa?

Cô thản nhiên ăn sáng. Chuông điện thoại thì cứ reo.

– Phải chi có vú ở nhà thì vú nghe điện thoại rồi.

Đúng lúc đó, bà vú về đến. Từ ngoài cổng, bà vội vã chạy nhanh vào trong để nghe điện thoại.

– Á!

Bà vú vấp bậc thềm trước nhà nên các thứ trong giỏ xách của bà rơi ra ngoài hết. Bà cố gắng đứng dậy và đến bên điện thoại, nhấc ống nghe.

– Alô!

Thấy mấy con cua to đùng đang bò ngổn ngang trên sàn nhà, cô không biết làm gì nên lấy tay bắt chúng.

– Ui da! Đau quá!

Cô bị cua kẹp, đau điếng luôn. Nghe cô la, bà vú giật mình quay lại xử lý ngay:

– Ôi! Ngón tay của con.

– Sao con đụng vào nó chi vậy.

Bà xem lại bàn tay của cô:

– Con có đau lắm không?

– Đau ạ!

Cô liền lấy chiếc giỏ xách đập mạnh vào con cua cho bõ ghét.

– Mày hả cua!

Một lúc sau, con cua đó nằm chèo queo, cô hăm he:

– Tí nữa tao nhai mày thật nhuyễn rồi mới nuốt.

Bà bật cười vì tính trẻ con đó của cô. Bà hỏi:

– Con chưa ăn sáng hả Quỳnh?

– Dạ chưa.

– Con ăn đi.

– Dạ!

Bà vú nhặt các thứ rơi trên sàn nhà và bắt tay vào công việc nội trợ để chuẩn bị cho bữa trưa.

Cô hỏi:

– Cua vú làm món gì?

– Rang me.

– Hấp dẫn đó.

– Vú biết con thích nên mua nhiều đó.

– Vú thật tốt.

Tiếng chuông cửa reo lên. Bà Mai Thanh gọi to:

– Lượm ơi!

Không thấy chị Lượm đâu cả nên bà đành phải ra mở cổng.

– Ủa! Sao không có ai vậy kìa?

Bà trở vào nhà thì chuông cổng lại reo lên, bà lại tiếp tục ra cổng một lần nữa.

– Ai mà phá quá vậy kìa?

Cứ thế chuông cổng reo liên tục, Trần Luân lên tiếng:

Cô đừng ra mở cổng nữa. Mấy đứa con nít nó phá đó mà.

Bà cô chau mày:

– Vậy lần sau vú bảo người ta gắn chuông cao thêm tí nữa cho mấy tụi nhỏ không nhấn chuông tới.

– Cao quá tụi nó cũng bắt ghế à cô ơi.

– Cô mà biết ai là méc với ba má nó liền.

– Cô cứ vào nhà đi. Để chuyện này con giải quyết.

– Ừ!

Bà đi vào nhà, Trần Luân đứng ngay vách tường có những khung cửa nhỏ và bảo:

– Cô rảnh dữ hén.

Tú Quỳnh với vẻ mặt tỉnh bơ:

– Tôi bận lắm, đâu có thời gian rảnh.

– Rảnh hay không thì cô biết rõ nhất mà.

Anh cười hì ... hì ... cô thấy anh vẫn không có gì là khó chịu nên thắc mắc:

– Kỳ vậy ta?

Anh tiếp tục:

– Trả đũa trẻ con quá đi. Cô ghét tôi lắm hả?

Cô hất hàm:

– Chứ sao!

– Vậy à?

Cô cong môi:

– Nhìn anh là thấy khó chịu.

Anh lém lỉnh:

– Vậy đeo kính đen vào.

– Kính đen vẫn nhìn thấy anh.

– Thế thì lấy khăn che kín mắt cô lại.

– A ...

Anh tiếp lời cô:

– Chẳng phải cô không muốn nhìn thấy mặt tôi sao?

– Đúng là vậy, nhưng ...

– Đó là cách tốt nhất rồi. Cám ơn tôi đã chỉ cách cho đi.

Cô chanh chua:

– Cám ơn anh. Cái ơn này không biết khi nào tôi trả thù nữa.

– Ừ. Tôi sẽ chờ.

Nói chuyện với anh làm cô thấy máu nóng dồn lên. Cô bực bội chưa nói được gì thêm thì anh đã bỏ đi. Cô lầm bầm:

– Người gì đâu mà khó ưa chưa từng thấy.

Cô đi vào trong nhà, ngồi ngay xuống ghế xa-lông, nghĩ ngợi điều gì đó rồi lại tủm tỉm cười.

– Vỏ quýt dày thì cũng có móng tay nhọn thôi.

Cô thích thú với ý nghĩ đó rồi giơ cao chùm nho lên và cho vào miệng của mình:

– Nho ngọt thật.

Bà vú đang nấu ăn dưới bếp, Tú Quỳnh chạy te xuống và đưa cho bà bịch bông gòn to đùng:

– Gì vậy Quỳnh?

Cô nhanh miệng:

– Vú lấy bông gòn bịt kín tai lại đi.

– Chi vậy?

– Vú cứ làm theo lời của con đi.

Tú Quỳnh bật nhạc vũ trường thật sôi động, cô cố tình mở loa hết cỡ luôn, cô khoái chí:

– Cho bên kia điếc tai luôn.

Vừa nghe nhạc, cô vừa nhún nhảy. Bà vú lắc đầu:

– Sao bữa nay quậy tưng vầy nè.

Căn nhà bên cạnh cũng bị cô làm điên lên, bà Mai Thanh lấy tay che kín tai lại:

– Tại sao lại ồn ào quá vậy?

Chị Lượm thì thích thú, vừa lau nhà, vừa nhảy sôi động, bà cô lớn tiếng:

– Lượm! Mày làm gì như bị bệnh vậy hả?

– Đâu có cô. Con vẫn bình thường mà.

– Mày nhìn kìa, chẳng ra sao cả.

– Đây là kiểu lau nhà phong cách mới đó cô.

– Mày lo lau nhà rồi làm công chuyện nữa kìa.

– Dạ!

Bà khó hiểu:

– Con bé nhà bên cạnh làm gì mà bật nhạc to dữ vậy?

Chị Lượm đoán:

– Chắc là có ý tốt muốn cho mọi người cùng thưởng thức nhạc hay đó cô.

– Ý xấu thì có. Ồn ào nhức cả đầu?

– Con thấy hay mà. Nhạc này làm cho con thấy thoải mái, tỉnh táo hẳn lên.

Bà nhăn nhó:

– Cô phải sang nhà bên cạnh mới được.

– Chi vậy cô?

– Đề nghị tắt nhạc chứ chi.

– Thôi, để nghe cô ơi.

Bà ký nhẹ vào đầu cô:

– Mày lau nhà không xong là chết với cô.

– Từ đây đến chiều rồi cũng xong thôi.

Bà lớn giọng:

– Cái gì?

– Ý con là con sẽ lau nhà nhanh chóng.

– Thế thì nghe được.

Trần Luân từ phía sau nhà bước vào cổng cửa trước, anh nhăn mặt:

– Bộ có hội chợ về khu này hả ta?

Anh cố gắng thám thính thì phát hiện ra cái hội chợ đó nằm ngay cạnh nhà mình, anh cười:

– Sao lại nghe nhạc như thế nhỉ?

Đúng lúc đó, anh gặp bà Mai Thanh, anh liền hỏi:

– Cô định đi đâu vậy?

Bà trả lời:

– Qua nhà hàng xóm.

Anh đoán được bà sẽ làm gì nên bảo:

– Để việc này con xử lý cho.

– Được không con?

– Dạ, được ạ.

Bà cô trở vào nhà. Còn anh thì sang nhà Tú Quỳnh nhấn chuông cổng.

Ping ... poong ...

Bà vú chạy nhanh ra mở cổng, bà vui vẻ:

– Chào cậu!

Anh lễ phép:

– Dạ, con chào bà ạ.

– Mời cháu vào nhà.

– Dạ.

Anh đi theo phía sau bà, anh chợt bật cười vì thấy Tú Quỳnh đang nằm dài trên xa-lông, mặt đắp toàn dâu tây cắt lát, chân thì nhịp nhịp theo điệu nhạc.

– Sao tắt nhạc của con vậy vú?

Khi tắt nhạc, cô mới nhận ra nhà mình có khách. Cô ngồi bật dậy, anh đùa:

– Bữa nay người ta trồng dâu tây trên mặt nữa, lạ ghê.

Hơi bị quê, cô chạy te vào tẩy trang lại gương mặt.

– Sao anh ta lại dám nói thế nhỉ?

Cô tiếp tục bật nhạc, anh đề nghị:

– Cô làm ơn đi, cạnh đây có người già, cô có thể để cho họ nghỉ ngơi, được không?

Cô thản nhiên:

– Tôi có phá gì họ đâu mà họ không thể nghỉ ngơi chứ?

– Cô bật nhạc ì đùng vậy mà bảo là không phá hả?

Cô tỉnh bơ:

– Tôi phá anh chứ có phá họ đâu.

– Sao lại phá tôi?

Cô dẩu môi:

– Tại ghét anh nên phá, được không?

Anh bắt đầu chau mày, nhăn mặt vì đã đắc tội với đại tiểu thư bướng bỉnh:

– Tôi biết rồi. Ghét tôi thì hãy trả đũa tôi chứ đừng gây ảnh hưởng đến người xung quanh nhé.

– Cám ơn anh đã nhắc nhở.

Anh về rồi, cô hỏi vú:

– Vú có thấy khó chịu không ạ?

Bà suy nghĩ một lúc rồi thẳng thắn trả lời:

– Không có khó chịu ...

– Thế thì hay quá.

– Vú chưa nói hết lời của mình mà.

Cô cười toe:

– Vậy vú cứ nói tiếp đi.

– Không có khó chịu mà là quá khó chịu mới đúng.

– Thật hả vú?

– Thật!

– Vậy thì con tắt nhạc.

– Thế mới được chứ.

Không khí yên tĩnh lại trở về. Chị Lượm bị mất hứng:

– Nhạc đang hay tự nhiên tắt rồi.

Bà Mai Thanh mắng:

– Mày thích nghe nhạc đó thì qua nhà bên kia sống luôn đi, để nghe nhạc.

Chị Lượm cười tươi:

– Đâu có được, con qua bên đó ở công việc nhà bên đây ai làm chứ.

– Chuyện đó mày đừng lo, cô mày giỏi lắm.

– Con sợ cô mệt. Cô lo việc chăm sóc trăn mệt rồi, lo việc nhà nữa thì vất vả lắm.

– Vậy à?

– Dạ!

– Biết nghĩ cho người khác quá há.

– Cháu của cô mà.

– Không dám.

Bà vú chuẩn bị đi chợ, bà không biết mua gì nên hỏi ý kiến Tú Quỳnh:

– Bữa nay con muốn ăn gì?

Cô trả lời:

– Gì cũng được.

– Con cứ nói đại món gì đi, thật sự là vú hết biết mua gì rồi.

– Vậy thì khỏi đi chợ, tí nữa con với vú ra nhà hàng ăn.

– Như thế tốn kém lắm.

– Có gì mà tốn kém. Con còn nhiều tiền lắm mà.

– Vú biết vậy, nhưng ...

– Nhưng sao hả vú?

– Không làm bếp vú sẽ buồn lắm.

– Vậy vú cứ mua thức ăn nào vú thích rồi về làm.

– Cũng được.

Cô mở tủ lạnh ra lấy phô mai cho con Milu.

– Ăn đi mày.

Cô dặn:

– Vú nhớ mua thức ăn cho con Milu nha.

– Ừ! Vú nhớ rồi.

Bà vừa đi chợ thì cô đóng nhanh cửa cổng lại và dẫn con Milu đi dạo. Con Milu của cô rất nổi bật, cô dẫn nó ra ngoài ai cũng nhìn hết.

– Người ta thấy mày đẹp nên nhìn quá trời luôn đó Milu.

Con chó như hiểu ý của cô chủ nhỏ nên cứ ngoe nguẩy đuôi mãi. Nó được cô chủ mặc áo rất lòe loẹt, chuông cổ thì vang inh ỏi gây sự chú ý. Điều đặc biệt gây ấn tượng cho mọi người là cô còn buộc tóc cho nó nữa.

– Mình đi đâu đây Milu? Quẹo trái hay quẹo phải?

Cô dẫn nó sang bên kia đường, nhưng do quá hiếu động, con Milu đã chạy thật nhanh, cô chạy theo nó không kịp, bỗng sự cố xảy ra ...

Rầm ...

Một người đi đường bị té vì va phải con Milu. Giận dữ, ông vừa xoa xoa chỗ đau của mình vừa quan sát chiếc xe Nouvo bóng láng của mình.

– Bị trầy hết trơn rồi.

Gã ta nhìn Tú Quỳnh nẹt lửa, giọng giận dữ:

– Tại sao cô lại để con chó quái quỷ đó ra đường hả?

– Đó là con Milu chứ không phải là con chó quái quỷ.

– Tôi cóc cần biết. Tôi bị thế này cô phải bồi thường.

Cô cao giọng:

– Được. Nhưng ông làm ơn đừng có xúc phạm đến con Milu của tôi.

– Vậy thì mau đưa tiền cho tôi.

Nhìn cái vẻ mặt của ông ta là cô tức không thể tả.

– Ông cần bao nhiêu?

Ông ta đáp gọn:

– Năm triệu.

– Ông chỉ bị trầy sơ thế mà đòi năm triệu hả?

– Bây giờ cô có đưa hay không thì bảo.

Đối với cô số tiền đó chẳng là gì cả. Nhưng ông này hơi quá đáng, cô cũng đành nhịn để mọi chuyện được giải quyết. Cô chợt nhớ:

– Chết rồi! Mình quên mang theo ví!

Cô chợt cười duyên dáng:

– Bây giờ tôi không có tiền. Ông chờ tôi về nhà lấy được không?

Gã ta hung dữ:

– Định chuồn hả? Không có dễ đâu.

Cô giải thích:

– Không phải vậy, tại tôi không có mang theo tiền thật mà.

– Ông già rồi chứ không phải trẻ con đâu mà gạt nhé. Mau đưa tiền đây.

– Tôi đã bảo không có tiền mà.

– Vậy thì đừng trách ông nhé.

Ông sấn tới, nắm chặt lấy bàn tay bé xíu của cô. Đau quá, cô la lên:

– Buông tôi ra!

Ông hăm he:

– Khôn hồn thì mau đưa tiền đây.

Cô tức giận:

– Tôi mà có tiền cũng không thèm đưa cho người xấu xa như ông đâu.

Gã ta tức giận định tát vào má cô thì Trần Luân từ đâu phóng tới nhanh như chớp chặn tay gã lại:

– Khoan đã?

Thấy anh, cô như được giải thoát nên mừng lắm. Anh hỏi:

– Cô ta thiếu ông bao nhiêu?

– Năm triệu.

Anh lấy tiền trả cho gã ta.

– Được chưa?

Gã ta cười hì ... hì ...

– Đủ rồi.

Ông quay sang cô:

– Cũng hên là có chồng cô. Nếu không cô không sống yên với tôi đâu.

Tự nhiên bị hiểu nhầm, mặt cô đỏ ửng. Cô chưa kịp đính chính thì gã ta đã biến mất rồi.

– Tôi sẽ trả tiền lại cho anh.

Anh so vai:

– Dĩ nhiên rồi. Trả hay không thì chẳng quan trọng, miễn sao cô đừng quậy tưng là tôi cám ơn rồi.

– Ai quậy tưng chứ?

– Cô đó.

– Tôi quậy gì chứ?

– Tự cô hiểu.

Anh lên xe, đề máy và bảo:

– Lên xe!

Cô cong môi:

– Không thèm!

Anh hù dọa:

– Không chịu đi, tí nữa gã đó quay lại cô đừng có khóc nha.

Cô nhớ lại cảnh tượng lúc nãy thật đáng sợ liền nhảy nhanh lên xe, cô cho con Milu ngồi giữa.

– Về nhà thôi.

Anh đùa:

– Cô lên xe chưa vậy?

– Lên rồi.

– Vậy hả?

– Còn phải hỏi.

– Tại cô nhẹ quá nên cô lên xe mà tôi không hay.

– Ý anh chê tôi gầy chứ gì?

– Tự cô nói đó nha. Tôi bảo là cô nhẹ thôi à.

– Có gì khác nhau đâu.

– Khác chứ! Ngồi cẩn thận, vịn chắc nha, gió thổi mạnh là cô bay mất tiêu luôn đó.

– Anh làm như tôi là hạt bụi hay là tờ giấy không bằng.

– Đâu có. Cô là bong bóng, gió thổi nhẹ thôi là bay vù vù.

– Ê! Anh đừng có quá đáng nha!

– Ừ! Quá đáng thì sao?

Cô véo vào hông anh đau điếng. Anh la lên:

– Ê, nhỏ! Dám đối xử với ân nhân thế hả?

Cô vẫn thản nhiên:

– Ừ đó!

– Bó tay luôn. Đúng là con nít mà.

– Tôi không phải con nít. Đã mười tám tuổi rồi.

– Vậy hả? Số một với số tám cộng lại thành chín tuổi phải không?

– Vô duyên!

– Cám ơn, quá khen.

Cô chợt bật cười, anh cũng cười theo. Lâu rồi, anh không được vui như thế.

Có con nhóc này làm hàng xóm thế mà hay.

– Cô lên tiếng:

– Sao tự nhiên im lặng vậy?

– Tại không thích nói chuyện với cô.

Cô đâm quạu:

– Chắc tôi thích nói chuyện với anh lắm à?

– Vậy hả?

– Vậy đó.

– Thế à?

– Mệt quá! Hỏi hoài!

– Tôi hỏi ai bảo cô trả lời.

Cô lầm bầm:

– Sao anh ta khó ưa quá vậy trời. Hèn chi già rồi vẫn chưa có bồ.

– Ê nhóc! Nói xấu gì tôi đó?

– Anh có gì tốt đâu mà không nói xấu chứ.

Anh chạy lạng lách, quẹo hết bên đây lại tới bên kia, ổ gà anh không tránh, ổ voi anh cũng nhào vô luôn. Cô ngồi phía sau đấm túi bụi vào lưng anh:

– Anh chạy xe kiểu gì vậy hả?

– Kiểu của người xấu đó mà.

Ai bảo cô nói anh là người xấu làm gì để bây giờ phải chịu cảnh như thế. Cô hỏi:

– Anh còn cách trả đũa nào hay hơn thế này không?

– Còn.

– Vậy tại sao lại sử dụng cách này?

– Cách hay hơn để dành thời cơ thích hợp mới sử dụng chứ.

– Thật không ngờ ...

Anh nhanh miệng:

– Không ngờ thế nào?

– Hỏi chi vậy? Đáng lẽ, anh phải biết rất rõ chứ.

– Vậy hả?

– Hỏi hoài mệt nha.

– Mệt thì cứ tự nhiên ngủ đi:

– Tôi đâu có ngốc. Tôi mà ngủ lỡ anh chở tôi đi mất tiêu luôn rồi sao?

– Đưa cô đi mất công mang nợ vào người chứ có được lợi ích gì đâu.

– Biết vậy thì chạy nhanh lên đưa tôi về nhà.

– Biết rồi nhóc ơi. Mệt nhóc quá.

– Anh mệt thì xuống xe, tôi chở anh cho.

– Đưa cô làm tài xế, để tôi tự sát sướng hơn.

– Anh đừng có xem thường tôi quá đáng nha.

– Ừ. Thì sao?

– Ôi trời! Sao anh nói chuyện ngang như cua vậy hả?

– Ai cũng nói vậy hết đó.

– Thật là không chịu nổi mà.

Tú Quỳnh duyên dáng với chiếc váy hồng có đính kim tuyến, chiếc áo thun trắng ôm sát người. Ai bảo cô là trẻ con chứ. Người mẫu chuẩn thì có.

– Nhìn cô ta kìa! Ăn mặc chẳng ra sao cả!

Bà Mai Thanh vốn khó tính. Bà đã bốn mươi tuổi nhưng vẫn chưa có gia đình. Chị Lượm lại có cách nghĩ khác:

– Con thấy Tú Quỳnh mặc thế đẹp mà cô.

– Chẳng đẹp tí nào cả.

– Cô thông cảm đi. Người ta là Việt kiều mà.

– Nhưng đây là Việt Nam, ăn mặc sao cho phù hợp chứ.

Chị Lượm trêu:

– Hay là cô thấy Tú Quỳnh đẹp rồi ganh tị.

Cô Thanh khó chịu:

– Mày nói vậy mà nghe được hả Lượm?

– Có gì mà không nghe được hả cô. Tai con còn rất tốt mà.

Bà Thanh bỏ vào nhà không ngồi trên băng ghế đá trước sân nhà nữa.

– Nói chuyện với mày chắc tí nữa tao bệnh luôn quá.

– Cô bệnh hả? Bệnh gì con mua thuốc cho cô uống.

– Chỉ cần mày im lặng là cho tao liều thuốc bổ rồi đó.

– Vậy hả cô?

– Ừ!

– Thế thì con im lặng. Thật không ngờ sự im lặng của con có giá trị ghê gớm.

– Vậy thì mày im lặng hoài luôn đi.

Chị Lượm lắc đầu:

– Đâu có được cô. Im lặng hoài sao con chịu nổi.

– Ủa! Thằng Luân đâu rồi Lượm?

– Em Luân đi chăm sóc cho trăn rồi.

– Cho trăn ăn xong rồi mà.

– Con đâu có biết. Lúc nào con cũng thấy em ấy ở ngoài chuồng trăn hết.

– Để tao ra ngoài đó coi.

– Cô nhớ kêu em Luân vào ăn cơm. Con có gọi nhưng em nó cứ bảo tí nữa sẽ vào. Con chờ nhiều tí nữa mà vẫn không thấy vào.

– Cái thằng này, lo làm riết rồi quên bản thân luôn.

– Em Luân siêng thật đó cô. Chẳng bù cho Anh Đào lúc nào cũng lười, vậy sao họ yêu nhau được ta?

– Mày làm ơn đừng có nhiều chuyện. Lo làm việc của mình đi.

Giọng chị Lượm ỉu xìu:

– Dạ, con biết ạ.

Bà đi rồi, cô chun mũi lên, chu mỏ, chau mày xấu không thể tưởng.

– Hung dữ quá trời, hèn chi ế chồng.

Bà cô mà nghe chị Lượm nói câu đó chắc là chị ấy bị dần một trận te tua, tan tành, tơi tả luôn quá.

– “Lần cuối ta nắm tay nhau thì hãy nói hết đi anh, những năm tháng yêu nhau giả vờ ...”.

Chị Lượm cất giọng hát véo von rồi nhìn sang nhà bên cạnh. Chị nhìn rất chăm chú và đầy vẻ ngưỡng mộ:

– Ước gì mình được như cô ấy.

Những anh chàng lịch sự, điển trai đang đứng trước cổng nhà Tú Quỳnh để xin làm quen. Chị Lượm giơ tay cao ở phía bên đây:

– Mình là hoa hậu khu này sao họ lại không làm quen nhỉ?

Nói xong, chị tự cười một mình. Rồi chị lại mơ tưởng đến chàng hoàng tử của lòng mình.

– Lượm ơi! Anh yêu em. Em có đồng ý nhận lời cầu hôn của anh không?

Chàng hoàng tử quỳ xuống tay cầm bó hoa và đôi nhẫn cặp rất đẹp trao cho chị. Chị đón nhận nó bằng niềm hạnh phúc khó tả ...

– Chị Lượm!

Thực tại lại trở về, trước mặt chị không có hoàng tử, chẳng có hoa và nhẫn gì cả, chỉ có cây chổi quét sân và những lá cây nơi đây. Chị quay về phía sau lưng mình.

– Em làm gì giật cả mình.

Luân hỏi:

– Chị đang mơ mộng phải không?

Chị Lượm chối:

– Đâu có.

– Thật không?

– Thật!

– Vậy sao em thấy chị thẫn thờ vậy?

– Làm gì có.

– Vậy à?

– Thôi, em vào ăn cơm đi. Để chị dọn cơm cho em ăn.

Bà Mai Thanh bảo:

– Mày cứ lo quét sân đi. Cô dọn cơm cho.

– Dạ, cũng được ạ.

Bà Thanh dọn cơm cho Trần Luân ăn xong rồi lại vỗ vai chị Lượm:

– Mày làm gì như người mất hồn vậy Lượm?

– Cô nhìn kìa! Tú Quỳnh được rất nhiều chàng theo đuổi. Con ngưỡng mộ quá à.

– Vậy sao! Hồi còn trẻ cô mày cũng được như thế đó.

– Thật hả cô?

– Tao gạt mày làm gì.

– Vậy sao bây giờ con không thấy ai theo đuổi cô hết vậy?

– Mày còn câu nào hỏi vô duyên hơn nữa không?

– Con xin lỗi.

– Chuyện đó có gì đâu mà mày ngưỡng mộ. Tại con bé đó giàu có nên mấy thằng đó để ý thôi.

– Không những giàu mà Tú Quỳnh còn đẹp nữa chứ bộ.

– Nhưng nó đẹp theo kiểu phương Tây quá.

– Thế mới gọi là đẹp chứ cô.

– Mày có vẻ thân với con bé đó quá há. Hở tí là Tú Quỳnh này nọ:

– Không thân lắm, hì ... hì ...

Anh Đào nũng nịu:

– Mình đi chơi nha anh Luân.

Trần Luân choàng tay qua vai cô thân mật:

– Anh bận lắm, hay là để hôm khác.

– Nhưng em đã hẹn bạn bè em rồi.

– Vậy anh đưa em đến đó rồi em chơi vui vẻ với bạn.

Cô mè nheo:

– Em muốn anh đi chơi với em à. Không có anh sao em vui được.

– Anh phải theo dõi mấy con trăn. Tự nhiên nó bệnh lạ.

– Anh định nuôi trăn hoài sao? Tốt nghiệp Đại học Kinh tế để nuôi trăn hả?

– Nhưng đó là nghề của gia đình anh. Anh đâu thể ...

Cô nhanh miệng:

– Vậy anh yêu mấy con trăn của anh luôn đi, đừng có yêu em nữa.

Cô bỏ đi, anh đuổi theo và gọi:

– Anh Đào!

Bà Mai Thanh ra cửa kéo anh vào:

– Con còn đuổi theo chi nữa. Cô thấy con và Anh Đào không hợp nhau.

– Sao cô lại nói vậy?

– Suốt ngày hai đứa cứ cãi nhau vì chuyện không đâu. Lỡ xảy ra chuyện lớn thì sao?

– Làm gì có chuyện lớn chứ cô.

– Con cứ nghĩ thế không à. Yêu nhau mà không hiểu nhau thì yêu nhau làm gì.

Anh cười cười:

– Cô tâm lý về tình yêu quá há.

– Ừ. Thì cô ...

– Thì cô đã yêu nên biết chứ gì.

– Cái thằng này.

Đúng lúc đó, chị Lượm lên tiếng:

– Em vừa nói gì vậy Luân? Cô mình yêu ai?

Trần Luân nheo nheo mắt với chị Lượm, chị liền nhanh miệng:

– Cô mình yêu bác Tư hàng xóm phải không Luân?

Nói xong, chị Lượm bắt trớn chạy thật nhanh vào nhà.

– Đứng lại nhanh lên.

Chị Lượm vui vẻ:

– Con đứng lại cho cô xử tội con hả? Đâu có được!

– Mày nhắm chạy thoát cô không?

– Thoát chứ.

Chị Lượm vào phòng mình và đóng chặt cửa lại.

– Phù! Thoát nạn?

Buổi tối, hương hoa nguyệt quế thơm ngát, lan tỏa khắp nhà. Tú Quỳnh ngồi tựa lưng trên xích đu, tai đeo dây phone nghe nhạc MP3, gác chéo chân, nhịp nhịp:

– “Xa anh mới ban chiều, thấy lòng mình sao buồn hiu, Em nhớ anh nhiều, mong được gần bên người yêu, muốn nói bao điều ...”.

Người cô lắc lư theo điệu nhạc sôi động. Bà Mai Thanh nhìn thấy chau mày:

– Sao con bé này lại tưng tửng thế nhỉ?

Từ phía sau, chị Lượm lớn tiếng:

– Hù!

– Con quỷ! Định hại chết cô mày hả?

– Con đâu dám. Cô đang nhìn gì dữ vậy?

Chị Lượm nhìn theo phía cô mình đang nhìn:

– Cô đang nhìn Tú Quỳnh hả?

– Ai thèm nhìn con bé tưng tửng đó.

– Người ta bình thường mà.

– Bình thường mà thế à?

– Con thấy lâu lâu cô cũng có biểu hiện đó mà.

– Ý mày nói cô tưng tửng hả?

– Không phải vậy.

– Mày nhiều chuyện quá. Khuya rồi, ngủ đi.

– Còn sớm mà cô.

– Ngủ sớm, dậy sớm con.

– Vậy sao cô không dậy sớm?

– Cô không ngủ được.

– Con cũng vậy!

Tú Quỳnh thấy bà Mai Thanh và chị Lượm liền vẫy tay chào. Chị Lượm cũng giơ tay cao vẫy vẫy:

– Chào Tú Quỳnh.

Chị Lượm cười thật tươi. Còn bà Mai Thanh thì nét mặt cau có, không nở một nụ cười. Tú Quỳnh ngoắc tay ra hiệu cho chị Lượm tiến đến gần mình, cô lí nhí:

– Hình như cô của chị bị sún răng hả?

– Sao em lại hỏi thế?

– Tại không thấy cô ấy cười nên em nghĩ thế.

Chị Lượm nghe cô nói thì cười giòn tan. Bà Mai Thanh liếc xéo về hướng của họ:

– Hai con nhỏ đó nói xấu mình chắc luôn nè.

Bà đến gần họ và hỏi:

– Hai cô đang nói xấu gì tôi đó?

Chị Lượm giật mình và hơi bất cẩn trong lời nói:

– Tụi con không có nói xấu cô. Tại thấy cô không cười nên Tú Quỳnh nghĩ là cô bị sún răng.

Bà tức lắm nhưng không nói gì cả. Từ lâu, bà đã không có thiện cảm với Tú Quỳnh, giờ lại càng căng thẳng hơn. Tú Quỳnh luống cuống lên:

– Con chỉ nói đùa thôi. Có gì cô cho con xin lỗi nha.

– Có gì đâu cô tiểu thư.

Cách nói chuyện quá xa lạ đó của bà Thanh làm cho Tú Quỳnh khó chịu:

– Thấy ghét. Sao nhà bên đó ai cũng khó ưa vậy trời. Í mà quên, trừ chị Lượm ra.

Tú Quỳnh rủ:

– Đi xem phim bốn D không chị Lượm?

Chị Lượm thắc mắc:

– Phim ba D đã hay, hôm nay lại chiếu phim bốn D luôn hả Quỳnh?

– Bởi vậy em mới rủ chị đi xem đó.

– Tựa phim là gì vậy em?

– Giải cứu trong lòng đất.

– Nghe hấp dẫn quá há.

– Vậy chị đi xem không?

– Đi chứ!

Chợt mặt chị Lượm bí xị.

– Nhưng chị chưa làm xong công chuyện.

– Chị làm xong rồi đi cũng được.

Mặt chị Lượm tươi rói:

– Thế thì hay quá. Quỳnh chờ chị tí nha.

Chị Lượm khẩn trương làm việc nhà. Bỗng Anh Đào đến, chị Lượm ngạc nhiên:

– Sao em vào mà không nhấn chuông vậy Đào?

Anh Đào đáp nhanh:

– Cửa không đóng, nên em vào khỏi phiền đến chị đó mà.

Chị Lượm chợt nhớ lúc nãy nói chuyện với Tú Quỳnh, xong chị quên đóng cổng lại.

– Em tìm Trần Luân hả?

– Dạ! Có anh ấy ở nhà không chị?

– Không có.

Anh Đào nhăn nhó:

– Sao lại không hả chị? Anh ấy hẹn em ở nhà mà.

– Chị đâu có biết.

Anh Đào nổi giận bỏ ra về rồi đột nhiên quay lại hỏi tiếp:

– Chị biết anh Luân đi đâu không?

– Hình như là đi dự hội thảo gì đó.

– Vậy hả chị?

– Ừ!

Cô bỏ về luôn, bà Mai Thanh từ trên lầu bước xuống phòng khách:

– Cô vừa nghe tiếng của Anh Đào phải không Lượm.

– Dạ phải.

– Con bé đâu rồi?

– Dạ về mất rồi.

Bà thấy lạ:

– Mới đến đã về rồi sao?

– Tại không có em Luân ở nhà nên về thôi.

Bà bắt bẻ:

– Ít ra cũng phải chào hỏi người lớn rồi về chứ.

– Tại cô ở trên lầu Anh Đào ngỡ là cô không có ở nhà.

– Con bé đó xưa nay vẫn vậy. Đến và về chẳng biết thưa gởi người lớn gì cả.

– Sao cô khó tính quá, hèn gì ...

– Hèn gì thế nào nói ra luôn đi.

Sợ bị mắng, chị Lượm cười:

– Hèn gì cô dễ thương quá trời.

– Thôi mày đừng có nịnh.

Một lúc sau, công việc đã xong, chị Lượm đến ghế xa-lông ngồi sát bà Mai Thanh:

– Cô à!

Bà vẫn dán mắt vào màn hình tivi:

– Chuyện gì vậy Lượm?

– Cô cho con đi xem phim nha.

– Ở nhà có tivi mà đi đâu xem phim chứ?

– Phim ở nhà không hay.

– Ai bảo thế? Cô thấy phim hay lắm mà. Nè, thấy chưa?

Bà đang chăm chú theo dõi bộ phim “Ngôi nhà hạnh phúc” rồi cười một mình:

– Con thấy Minh Hằng và Lương Mạnh Hải đóng hay ghê chưa?

Cô phụng phịu:

– Nhưng con thích xem phim ở rạp hơn. Phim bốn D hay lắm cô.

– Không được! Ở nhà đi, tối rồi còn đi đâu nữa chứ.

– Mới có bảy giờ mà cô.

– Cô nói không là không.

Chị Lượm buồn hiu, ngồi ủ rũ một góc. Còn bà Thanh thì vẫn cứ xem phim, vẫn cứ cười khúc khích. Nhân lúc bà không để ý, chị rón rén từng bước nhẹ nhàng rời khỏi đó. Chị ra đến cổng nhà:

– Hên quá, cô vẫn chưa phát hiện.

Thế là chị co chân chạy thật nhanh qua nhà của Tú Quỳnh.

Tại rạp chiếu phim, mỗi người được phát cho một cặp mắt kính trước khi vào xem phim.

– Ôi trời! Làm hư cái mắt kính này đền hai trăm ngàn hả?

Chị Lượm ngạc nhiên hỏi Tú Quỳnh, cô cười tươi:

– Đúng rồi.

– Cái mắt kính xấu hoắc, cho chị cũng không thèm nữa.

– Nếu không có nó, chị xem phim không hấp dẫn đâu.

Qui định của rạp chiếu phim là ai làm hư mắt kính sẽ phải đền hai trăm ngàn nên chị Lượm mới có phản ứng như thế.

– Chị ngồi im đi, phim bắt đầu chiếu rồi kìa.

Mọi người ai cũng ngồi tựa lưng sát vào thành ghế. Chân đặt vuông góc với thành ghế để có cảm giác như hòa mình vào nhân vật thật trong phim.

– Á!

Những hình ảnh thật đáng sợ, chị Lượm và Tú Quỳnh đều la om sòm. Dường như ai cũng có cảm giác sợ hãi khi xem nó. Nhưng mọi người lại thấy thích thú và hấp dẫn khi xem.

– Hết rồi sao?

Mọi người luyến tiếc khi phim kết thúc. Chị Lượm vui vẻ:

– Thích thật! Lần sau hai chị em mình đi xem tiếp nha.

Tú Quỳnh vui vẻ:

– Nhất định rồi. Chị ơi!

– Chuyện gì vậy Quỳnh?

– Em đói bụng quá, hay là chị em mình đi ăn gì nha.

– Ừ! Chị cũng nghe bao tử đánh trống thổi kèn rồi.

Chị Lượm và Tú Quỳnh ăn bò viên, cá viên, trứng cút chiên ... còn thêm bò bía, cóc, ổi, mận, sơ ri nữa. Họ đi dạo mát quanh công viên cho đến khi cảm thấy mỏi mệt.

– Mình về thôi, Tú Quỳnh.

– Dạ!

Nhìn đồng hồ, chị Lượm giật cả mình:

– Đã hai mươi hai giờ rồi sao?

Tú Quỳnh gật đầu:

– Đúng vậy. Đồng hồ của em chính xác lắm.

– Ý chị không phải thế mà là đã muộn rồi, lần này chết chắc luôn.

– Chị nói gì em không hiểu.

Chị Lượm thật tình kể lại:

– Lúc nãy cô không cho chị đi nên chị trốn ra ngoài đó.

– Hèn chi em thấy chị cứ lấp ló ở trước cửa nhà em lúc nãy.

– Mình về nhanh lên Quỳnh ơi.

Tú Quỳnh đùa:

– Tí nữa có khi nào chị phải nằm cúi xuống cho cô Thanh xử trảm không?

– Cũng hên xui! Cô của chị hung dữ lắm.

– Vậy hả chị?

– Ừ. Em chưa biết đâu, từ nhỏ chị sống với cô, luôn bị la mắng.

– Ba mẹ của chị đâu mà phải sống với cô.

Chị kể lại:

– Hồi đó giờ, chị có biết mặt ba mẹ của mình đâu.

– Sao kỳ vậy chị?

– Tại chị là trẻ mồ côi mà. Cũng hên là cô nhận chị về nuôi đó.

– Vậy chị không phải là cháu ruột của cô hả?

– Không chỉ có em Luân là cháu ruột của cô thôi.

– Thì ra là vậy.

– Cô tuy khó, nhưng tốt lắm. Bề ngoài hung dữ vậy đó nhưng bên trong hiền khô à.

– Thật sự em không có sợ cô của chị.

– Thật hả? Ở xóm ai cũng sợ cô của chị hết đó.

– Tại sao phải sợ chứ. Cô chị hung dữ em còn hung dữ hơn nữa kìa.

– Vậy sao?

– Em nói thật mà.

– Chị đâu có nói gì đâu.

Căn biệt thự đồ sộ hiện ra trước mặt, chị Lượm bắt đầu cảm thấy run.

– Đến nhà rồi.

Tú Quỳnh bảo:

– Hay là chị qua nhà em ngủ đi. Sáng rồi về.

Chị Lượm lắc đầu:

– Không được.

– Sao vậy chị?

– Chị phải vào nhà, nếu không sẽ to chuyện.

– Vậy chị nhấn chuông cho cô ra mở cổng đi.

– Như thế có khác gì tự sát. Không biết nãy giờ cô chị phát hiện ra chị trốn đi chơi chưa?

– Chắc là biết rồi đó. Chị không có ở nhà biết ngay mà.

– Chưa hẳn thế. Trước khi trốn đi, chị đã tạo hiện trường giả trong phòng của chị.

Tú Quỳnh ngẩn ngơ:

– Là sao?

– Chị đã lấy cái gối ôm và đắp chăn kín lại làm như chị đang ngủ đó mà.

– Lỡ ai lấy chăn ra thì sao?

– Hên xui chứ sao.

– Hy vọng là hên chứ đừng có xui.

Tú Quỳnh che miệng ngáp:

– Buồn ngủ quá đi.

– Vậy em về ngủ đi.

– Em chờ chị vào được nhà rồi về.

– Phải leo rào mới vào được, thế thì quá nguy hiểm.

Tú Quỳnh chợt nảy ra sáng kiến:

– Chị đi theo em.

– Đi đâu?

– Theo em thì biết. Đảm bảo chị vào nhà an toàn.

Tú Quỳnh kéo tay chị Lượm theo mình, cô dẫn chị Lượm đi ra phía sau khu sân vườn nhà mình, bắt ghế cho chị Lượm trèo qua nhà chị ấy.

– Cẩn thận nha chị.

Đây là cách lúc trước cô vào vườn nhà chị để khám phá con trăn đến nỗi bị đạp gai đau điếng luôn.

– Phù! Được rồi!

Chị Lượm cám ơn Tú Quỳnh rồi vọt lẹ vào nhà bằng cửa sau.

– Hết hồn!

Trần Luân đứng ngay bếp làm chị Lượm giật mình. Anh rót cho mình ly nước và lên tiếng:

– Khai mau đi, chị đang yêu phải không?

Chị Lượm cười:

– Em nói gì thế?

– Chị không nghe rõ hả? Để em nhắc lại nha.

Chị Lượm khẽ đưa ngón tay lên miệng của mình:

– Suỵt!

Như hiểu ý chị, Trần Luân lên tiếng:

– Chị an tâm đi, cô ngủ rồi.

Chị cảm thấy nhẹ nhõm cả người. Trần Luân tiếp tục:

– Lần sau chị phải dẫn người yêu của chị ra mắt em đó nha.

– Chị làm gì có người yêu.

– Không có mà lại trốn nhà đi chơi sao?

– Em nghĩ xấu cho chị rồi.

– Còn giấu nữa, khai thật đi.

– Chị đã nói không có mà.

– Thật không chị?

Chị Lượm gật đầu xác nhận:

– Thật!

– Vậy chị đi đâu, với ai?

– Chị đi xem phim với Tú Quỳnh.

– Tú Quỳnh?

– Có gì đâu em ngạc nhiên dữ vậy?

– Sao lại không ngạc nhiên chứ. Chị và cô ấy đâu có thân nhau.

– Tại em không biết thôi. Chị và Tú Quỳnh thân nhau lắm.

– Vậy à?

– Còn phải hỏi.

– Chị liều thật. Lúc nãy em không bao che cho chị là bị cô phát hiện trong phòng có cái gối ôm đang ngủ rồi.

– Chị cám ơn em nhiều nha.

– Chỉ cám ơn suông vậy thôi sao?

– Chứ em muốn thế nào?

– Ít ra cũng phải nấu cho em tô mì thịt bò chứ, em đói bụng quá rồi.

– Chờ chị mười phút nghe.

– Dạ!

Chị đi nhanh xuống bếp, trong tích tắc, tô mì thịt bò thơm phức, nóng hổi đã nấu xong.

– Của em nè.

– Em đói bụng quá trời, chờ chị về nãy giờ đó.

– Em biết nấu mì mà.

– Nhưng chị nấu ngon hơn nên em cố chịu đựng chờ cho chị về đó.

– Tội nghiệp em ghê. À! Chị quên nữa!

– Quên gì vậy chị?

– Hồi chiều, Anh Đào có ghé tìm em.

Trần Luân nhanh miệng:

– Cô ấy có nói gì không chị?

– Cô ấy hỏi em có ở nhà không rồi về à.

– Em quên mất. Em có hẹn với cô ấy mà phải đi dự hội thảo gấp nên em làm cô ấy giận luôn.

– Em có gọi điện thoại xin lỗi chưa?

– Rồi! Nhưng điện thoại của Anh Đào không liên lạc được.

– Chị thấy Anh Đào đỏng đảnh quá à. Hay là ...

– Chị đang nói gì đó. Dù gì bọn em cũng quen nhau bốn năm rồi.

– Người ta quen nhau hơn mười năm, đám cưới rồi cũng có thể ly dị nữa, huống gì là yêu nhau rồi chia tay là bình thường.

– Vậy hả?

– Chị nói thật chứ bộ.

– Công nhận chị nấu mì ngon thật. Em ăn no quá rồi, đi ngủ đây.

– Chị chưa nói xong mà Luân.

– Vậy để bữa khác nói tiếp nha chị.

– Thấy ghét! Làm mình quê thấy ớn luôn.

– Cứu tôi với!

Tú Quỳnh la thất thanh nhưng chẳng có ai nghe thấy cô gọi cả. Cô vùng vẫy để thoát khỏi những con trăn khổng lồ đang quấn lấy.

– Buông tao ra đi trăn.

Cô càng la thì con trăn lại càng quấn chặt lấy cô. Cô quơ tay, múa chân, đấm đá loạn xạ. Bất ngờ làm cho bà vú té nhào vào vách tường.

– Ui da!

Tú Quỳnh chợt tỉnh giấc, mồ hôi cô nhễ nhại. Thấy bà vú nằm dài sát vách tường, cô nhảy nhanh xuống giường và đỡ bà dậy:

– Vú có sao không?

– Con mơ thấy gì mà la dữ vậy Quỳnh?

Thì ra đó là giấc mơ nếu là sự thật chắc cô chết mất. Cô kể lại cho bà nghe đến nổi da gà luôn.

– Thấy ghê quá. Hay là vú ngủ chung với con đi.

– Nhưng ...

– Không nhưng nhị gì hết. Con với vú mà vú còn ngại nữa hả?

– Không phải vậy! Con là tiểu thư, còn vú chỉ là người giúp việc.

– Từ lâu, con đã xem vú như người thân của con rồi.

Bà chợt cảm động vì câu nói đó của cô. Không uổng công từ bấy lâu nay bà xem cô như con cháu ruột thịt của mình, hết lòng lo lắng, chăm sóc cho cô.

– Vú nằm ở đây đi, con với vú mỗi người nằm nửa cái giường.

Bà và cô trò chuyện mãi. Thấy khuya rồi nên bà bảo:

– Con ngủ đi, thức khuya không tốt đâu.

– Nhưng con không dám ngủ. Con sợ ngủ sẽ thấy ác mộng nữa.

Bà vuốt tóc cô:

– Không có đâu. Vú đang ở cạnh con sẽ không sao hết.

– Vậy con ngủ nha vú.

– Ừ! Con ngủ đi.

Cô ôm chặt lấy bà như trẻ con ôm lấy bà ngoại của mình ngủ vậy. Cô gác hẳn chân của mình lên người bà luôn. Chẳng mấy chốc, cô ngủ rất ngon lành.

– Khò ... khò ...

Còn bà thì nằm trằn trọc không ngủ được.

Tú Quỳnh nói chuyện điện thoại với mẹ của mình ở Úc:

– Con nhớ mẹ quá à.

Mẹ cô vui vẻ:

– Thật hả con?

– Dạ thật ạ.

– Mẹ mừng quá, bữa nay con gái tôi biết nhớ mẹ nữa kìa.

Cô phụng phịu:

– Sao mẹ lại nói thế?

– Bình thường con ham chơi có nhớ đến ai đâu.

– Con đâu có thế.

– Vậy sao?

– Dạ!

Ông Quang lên tiếng:

– Con gái của ba sống ở Việt Nam thế nào?

– Dạ, bình thường ạ. Nhưng cũng vui, ba ạ.

– Con định khi nào trở về Úc?

– Con cũng chưa biết nữa.

– Tranh thủ về còn đi học nữa nha con.

– Dạ, tuân lệnh ba yêu dấu của con.

Ông Quang hỏi:

– Vú đâu rồi Quỳnh?

– Dạ, vú đi chợ rồi ba.

– Sao không đi siêu thị mà lại đi chợ mua đồ vậy Quỳnh?

– Dạ, tại chợ gần nhà nên thuận tiện hơn phải đi siêu thị.

– Nhưng thức ăn trong siêu thị chất lượng hơn.

– Chưa chắc đâu ba.

– Vậy con gái của ba nói chuyện với mẹ nha. Ba phải vào công ty đây.

Cô mè nheo:

– Ba nói chuyện với con tí nữa đi.

– Nãy giờ ba trễ làm rồi đó.

– Ba là tổng giám đốc đến trễ cũng đâu có sao.

– Mình đảm nhiệm chức vụ cao thì phải làm gương chứ con.

Giọng cô ỉu xìu:

– Vậy con tắt máy đây.

– Con không nói chuyện với mẹ à?

– Ông chưa nói xong thì cô đã tắt máy. Mẹ cô giật nhanh điện thoại trên tay ông, nhăn mặt:

– Ủa! Tắt máy rồi sao?

Ông lắc đầu như không phải lỗi của mình:

– Tại Tú Quỳnh không muốn nói chuyện chứ đâu phải tự anh tắt máy đâu.

Bà không hài lòng:

– Em chưa nói chuyện với con gái cưng gì hết.

– Nói rồi mà! Thôi, anh đi làm đây.

Ông đứng trước cổng chờ bà mang cặp xách làm việc của ông thì bà ngồi trên ghế xa-lông im re:

– Tự anh làm đi, em không lấy giúp anh nữa đâu.

Ông bật cười:

– Già mà còn giận nữa kìa.

Bà cau có:

– Anh vừa nói gì?

Ông xua tay:

– Không phải? Anh già chứ em còn trẻ.

– Vậy thì được.

Ông đi ra ngoài lầm bầm một mình:

– Vợ mình đã bốn mươi tuổi rồi mà vẫn thích khen trẻ. Đúng là phụ nữ.

Sau khi ăn cơm xong, bà Mai Thanh cùng Trần Luân ngồi ăn trái cây trên xa-lông. Chị Lượm từ dưới bếp đi lên, trên tay cầm theo chùm bòn bon vàng tươi.

– Có ai ăn bòn bon không?

Trần Luân lên tiếng:

– Có chứ.

– Một trái bòn bon mười ngàn, mời mua, mời mua.

Cô Mai Thanh lắc đầu:

– Dạo này nó bệnh nặng rồi.

– Sao cô lại nói xấu con vậy?

– Cô nói sự thật thôi mà.

Tiếng chuông điện thoại của Trần Luân reo lên inh ỏi.

Tèn ... ten ...

Chị Lượm vừa cho bòn bon vào miệng nhai vừa lên tiếng đoán:

– Chắc là Anh Đào gọi.

Bà Mai Thanh cũng nghĩ thế nên khó chịu:

– Nhỏ Anh Đào làm như rảnh lắm vậy đó, cứ gọi suốt à.

Thế là cả hai người cùng nhau huyên thuyên về những chuyện không hài lòng của mình với Anh Đào.

– Cô và chị nói hết chưa?

Chị Lượm bặm môi:

– Nãy giờ nghe lén chị với cô nói chuyện phải không?

Anh so vai:

– Em việc gì phải nghe lén. Chị với cô nói to như cái loa phát thanh vậy đó.

– Ôi trời! Em dám nói thế với cô luôn hả?

Anh lấy tay che miệng mình lại, rùng mình:

– Í, quên mất! Con xin lỗi cô. Hì ... hì ...

Bà cô nhăn nhó:

– Cười gì như nhát ma vậy con? Ủa! Ai gọi cho con vậy Luân?

Anh vui vẻ:

– Là Anh Đào.

Chị Lượm đánh mạnh hai lòng bàn tay vào nhau:

– Nãy giờ mình đoán chính xác quá há cô.

Chị Lượm tò mò:

– Ủa! Anh Đào gọi cho em chi vậy?

– Chị hỏi làm gì?

– Hỏi để biết?

– Chị biết chi vậy?

– Ừ thì ...

Bà Mai Thanh chen vào:

– Thì con cứ trả lời cho con Lượm đi.

Anh gãi gãi đầu:

– Có gì đâu cô.

– Gọi không có gì mà sao mặt mày của con đăm chiêu quá vậy?

– Thôi, con lên phòng của mình đây.

Bà Mai Thanh gằn giọng:

– Con đứng lại đó.

Anh không dám bước thêm, đứng yên tại chỗ. Bà vẫy tay:

– Lại đây cô nói chuyện với con tí xíu.

Anh tiến đến xa-lông ngồi đối diện với bà, bà nhanh miệng:

– Con với Anh Đào lại gây nhau về chuyện con không đi làm mà lại ở nhà phát triển nghề nuôi trăn hả?

Anh gật đầu:

– Dạ.

Anh có vẻ buồn lắm, chỉ vì chuyện này mà anh với cô cứ gây nhau suốt. Bà tiếp tục:

– Cô thấy Anh Đào chẳng lúc nào chịu nghĩ cho con hết.

– Không phải vậy đâu cô. Anh Đào ...

Bà ngắt ngang lời anh:

– Con còn định nói tốt cho nó nữa hả, chuyện gì cô cũng biết hết đó.

Chị Lượm lên tiếng:

– Cô là chuyên gia tâm lý chuyên tư vấn tình yêu đó nha Luân.

Mắt anh sáng rỡ:

– Vậy hả chị?

Bà liếc chị Lượm:

– Lo ăn trái cây đi, nhiều chuyện tí nữa sơ ý ăn luôn vỏ bòn bon bây giờ.

– Đâu có, con bỏ vỏ mà.

Bà bắt đầu tâm sự với anh. Nghe bà phân tích những hành động, lối sống của Anh Đào anh cảm thấy giữa anh và cô như có một khoảng cách rất lớn, nó như sợi dây vô hình kéo cả hai cách xa nhau.

– Dù gì con với Anh Đào cũng yêu nhau lâu rồi.

– Cô dám chắc, không sớm thì muộn Anh Đào cũng bỏ rơi con cho mà xem.

– Con tin Anh Đào sẽ không làm vậy.

– Thế thì con hãy chờ xem.

Bà Mai Thanh dự đoán trước những điều xấu nhất có thể xảy ra để khi nó có đến thật thì mọi người không phải bàng hoàng.

– Bây giờ con mệt mỏi quá. Con muốn đi nghỉ.

– Vậy con lên phòng đi.

– Dạ!

Chị Lượm chống tay lên cằm:

– Không hiểu sao số của thằng Luân khổ ghê hén cô.

– Lo cho mày đi, ở đó nhiều chuyện. Ăn xong dĩa trái cây, dọn dẹp lau bàn nha.

– Dạ!

Bà Thanh đứng dậy khỏi ghế. Chị liền hỏi:

– Cô đi đâu vậy?

– Lên phòng nghỉ.

– Còn sớm mà cô. Hôm nay có phim hay lắm.

– Mày coi một mình đi.

– Đang vui tự nhiên cô buồn hiu vậy?

– Kệ cô.

– Con biết tại sao cô buồn nè.

– Tại sao?

– Vì cô thấy em Luân buồn nên cô buồn theo chứ gì.

– Hay quá hén, phải chi chuyện gì mày cũng tinh tế như vậy thì tao đỡ khổ rồi.

– Con làm gì mà cô phải khổ chứ?

– Tự suy nghĩ đi.

Còn lại một mình. Chị Lượm ngồi ưu tư.

– Sao lại khổ vì mình vậy? Mình là niềm vui của gia đình này mà.

Sáng sớm, chị Lượm thức dậy vươn vai cho thoải mái, chị vẫn còn muốn ngủ thêm tí nữa nhưng phải làm rất nhiều việc nên bước xuống giường. Chị vừa mở cửa phòng ra:

– Ôi trời! Em làm chị giật mình.

Trần Luân đứng ngay cầu thang, im lặng đáng sợ. Chị tiếp tục:

– Em làm gì đứng trơ ra đó vậy?

Anh quay sang chị:

– Còn sớm mà sao chị không nghỉ thêm tí nữa.

– Giờ này mà sớm gì em?

Chị nhìn đồng hồ:

– Sao sớm vậy? Giờ mới có bốn giờ sáng sao?

– Ừ!

Chị che miệng ngáp:

– Vậy thì chị ngủ tiếp à. Cứ ngỡ là sáu giờ sáng rồi chứ.

Chị đi vào phòng mình rồi chợt khựng lại:

– Sao mắt em thâm quầng vậy?

Anh chối:

– Làm gì có chị.

Chị nhìn anh chăm chú:

– Có phải em thức sáng đêm không ngủ phải không?

– Đâu có.

– Còn chối nữa.

– Thật mà chị.

– Nghi ngờ lắm nha.

Anh đi xuống cầu thang như không muốn nói chuyện với chị. Anh không muốn vì anh mà mọi người lo lắng. Chị Lượm gọi với theo:

– Luân!

Anh vẫn cứ đều bước, chị lắc đầu:

– Yêu là bể khổ. Mà sao hồi đó giờ mình muốn khổ lại không được nhỉ?

Những gì Trần Luân không muốn thấy, không muốn nhớ lại cứ hiện rõ trong đầu của mình. Hình ảnh Anh Đào với một người đàn ông khác tình tứ với nhau trong công viên làm anh buồn lắm. Anh muốn đến gần họ để hỏi cho rõ ràng nhưng sao anh không có can đảm làm việc đó.

– Luân!

Bà Mai Thanh ngạc nhiên:

– Sao con lại đứng thẫn thờ vậy Luân?

Anh thấy bà, vội chạy nhanh ra cổng.

– Con đi tập thể dục nha cô.

Bà hỏi:

– Con không mang giày thể dục sao?

– Con quên mất.

Anh mang giày thật nhanh rồi rút lui thật lẹ.

Trần Luân chạy với tốc độ thật nhanh, anh chạy đến mệt nhừ cả người rồi ngồi ủ rũ trong băng đá ở công viên.

– Hình như là anh ta?

Tú Quỳnh đang chạy xe đạp tập thể dục thì thấy Trần Luân, cô cho xe chạy lại gần anh, kéo chuông cho nó reo thật to.

Reng ... reng ... leng ... keng ...

Anh ngẩng mặt lên nhìn cô rồi ủ dột tiếp.

Cô vênh mặt:

– Anh hàng xóm kia, thấy tôi không chào hỏi gì hả?

– Đi xe đạp cẩn thận đó.

– Nhìn tôi nè, có bị gì đâu.

Anh chất vấn:

– Mới biết chạy xe đạp phải không nhóc?

– Sao anh biết?

– Thấy cô chạy theo đường ngoằn ngoèo là biết liền à.

– Tại tôi không thích chạy xe đường thẳng thôi.

– Vậy à?

– Còn phải hỏi. Anh thích đi xe đạp không?

– Cũng thích.

Cô cười toe:

– Vậy thì anh lên xe tôi chở anh đi lòng vòng chơi.

– Thôi!

– Sao không ai tin tưởng vào tay lái của tôi vậy kìa?

– Cũng phải có lý do chứ.

– Bây giờ anh có đi không thì bảo?

– Không.

– Vậy thì thôi.

Cô lên xe, chạy nhanh một vòng rồi lại chỗ của anh:

– Vẫn còn ngồi đây hả?

– Ủa! Nãy giờ chạy chưa bị té hả?

– Vô duyên thấy ớn luôn.

– Vậy hả? Nhưng hình như chưa bằng ai đó.

– Ý anh nói ai đó là ai?

– Nói đại vậy mà.

– Chứ không phải anh muốn ám chỉ tôi hả?

– Nghĩ sao cũng được.

Cô cong môi:

– Đáng lẽ anh phải nói là không phải thế chứ. Khó ưa.

Cô bắt đầu dựng chống xe để gây nhau với tên cà chớn này.

Anh bảo:

– Về nhà đi, ở đây làm gì?

– Vậy anh ở đây chi vậy?

– Hỏi hoài, mệt ghê, lèm bèm suốt.

Cô chống hông:

– Ê! Vừa thôi nha, sao tự nhiên nói tôi thế hả?

– Chứ tôi phải nói sao?

– Anh phải nói tôi dễ thương, đáng yêu ...

– Trời đất! Nghe qua như sét đánh bên tai.

Cô ghét anh lắm, bỏ đi một hơi. Anh gọi lại, cô nghĩ thầm rồi nói thành lời:

– Anh định xin lỗi tôi hả?

Anh lắc đầu:

– Đâu có. Đem xe đạp về kìa.

Vậy mà cô cứ tưởng ... từ trước đến giờ cô luôn được người khác chiều chuộng yêu thương, vậy mà cái gã này cứ làm cô phải ghét cay ghét đắng.

– Không thích đem về. Bỏ luôn.

Anh để mặc kệ cho cô về luôn, lắc đầu:

– Trẻ con thấy ớn luôn à.

Tú Quỳnh đi bộ từ công viên về nhà, than vãn:

– Mỏi chân quá vú ơi.

Bà hỏi:

– Xe đạp sao con không đi mà lại đi bộ cho mỏi chân vậy?

– Nhắc đến con tức quá.

Ping ... Pong ...

Chợt có tiếng chuông cửa vang lên bà vú đang xoa bóp chân cho cô, đứng dậy khỏi ghế:

– Vú ra mở cửa.

Cô tự xoa bóp chân cho mình.

– Sao nhức chân quá vầy nè.

Bà vú mở cổng chẳng thấy ai cả chỉ có chiếc xe đạp Martin.

– Ủa! Xe của Tú Quỳnh mà.

Bà dẫn xe vào nhà, cô ngạc nhiên:

– Sao vú lại ...

Bà giải thích:

– Vú không biết nữa, thấy nó ngoài cửa nên vú dẫn vô. Ai mà tốt bụng quá.

– Có gì mà tốt bụng, anh ta chỉ làm tròn trách nhiệm của người hàng xóm thôi.

– Là cậu Luân hả?

– Còn ai trồng khoai đất này nữa hả vú?

– Thế thì vú phải sang đó cám ơn cậu ấy thay con.

– Tại sao phải cám ơn chứ vú.

Bà đoán:

– Chắc là con và cậu Luân gây nhau nữa rồi phải không?

– Ai thèm gây nhau với gã đó. Ôi! Vú ơi con nhức chân quá.

– Để vú xoa bóp giúp cho con.

Một lúc sau, cô đi lại bình thường còn có thể chạy lung tung khắp nhà nữa.

Thấy chị Lượm đang quét sân, cô nheo nheo mắt gọi.

– Chị Lượm!

Chị Lượm liền tiến đến vách tường cạnh ô cửa.

– Gì vậy Quỳnh?

Em có trò này vui lắm, chị có muốn chơi chung với em không?

– Có. Mà trò gì vậy Quỳnh?

– Xếp máy bay, phóng xa đó mà.

– Ừ! Hay đó. Chờ tí nữa chị quét sân xong hai chị em mình ra phía sau sân vườn chơi hén.

– Quyết định vậy đi.

Vách tường rào quá cao nên họ phải ném máy bay giấy thật cao.

– Ôi! Rớt rồi!

Cô lớn tiếng:

– Chị Lượm ơi! Chị bắt ghế cho cao rồi phóng máy bay qua cho dễ nha.

– Thôi! Chị cố gắng phóng là bay cao chứ gì.

Tú Quỳnh và chị Lượm ném máy bay qua lại, cảm hứng âm nhạc lại trỗi dậy, Tú Quỳnh hát véo von. Chị Lượm thì chăm chú lắng nghe và khen:

– Em hát hay quá.

Tú Quỳnh vui vẻ:

– Ai cũng nói với em như thế hết.

– Em đi dự thi chương trình Việt Nam Idol đi.

– Là chương trình gì vậy chị?

– Chương trình tuyển chọn giọng hát hay đó mà.

– Em sợ em đi thi đoạt giải quá.

– Trời đất! Tự tin quá vậy?

Bỗng bà Mai Thanh gọi to:

– Lượm ơi!

Chị Lượm luyến tiếc:

– Chị phải vào nhà đây, cô chị đang gọi.

– Chị không lên tiếng thì cô đâu biết chị ở đây.

– Không trả lời, lỡ cô đến tìm thì sao?

– Thì chị bị la chứ sao.

– Ừ hén! Chị bị la chứ đâu phải em, nên em cứ chơi một mình.

– Chị Lượm!

Cô gọi vô ích vì chị Lượm đã chuồn nhanh vào nhà.

– Chị Lượm này nhát quá trời.

Tú Quỳnh xem phim, đến cảnh hấp dẫn, cô chăm chú nhìn không rời khỏi màn hình tivi. Trời đã sụp tối và cũng vừa lúc bị cúp điện luôn.

– Sao kỳ vậy?

Bóng tối bao phủ làm cho cô cảm thấy sợ. Bà vú lên tiếng:

– Con ngồi im trên xa-lông nha quỳnh.

Cô ngoan ngoãn nghe theo lời bà, ngồi co ro ở một góc.

– Có đèn cầy rồi nè.

Đúng lúc có ánh sáng, cô tìm ngay những lọ nến sáp thơm trong phòng mình:

– A! Đây rồi!

Cô mang sáp thơm ra sân đặt trên chiếc bàn cạnh xích đu.

– Ra sân ngồi cho thoải mái vú ơi.

Ngồi buồn, cô lên tiếng:

– Phải chi có gì ăn lúc này thì ngon lắm.

– Vú vào nhà lấy hạt dẻ cho con ăn đỡ buồn miệng nha.

Cô lắc đầu:

– Con không ăn đâu.

– Vậy con muốn ăn gì?

Trong đầu cô chợt nảy ra sáng kiến:

– Con muốn ăn khoai lang nướng.

Bà vú ngạc nhiên hỏi lại:

– Khoai lang nướng?

– Dạ đúng rồi.

– Để vú thử tìm xem trong nhà mình còn khoai không đã.

– Vậy thì nhanh đi vú.

Bà loay hoay tìm mãi mới được vài củ khoai, bà mừng quýnh:

– Hên quá, bữa hổm chưa nấu hết.

Bà mang các thứ ra sân nào là củi khô, khoai lang, giấy vụn để đốt lửa.

– Nướng được chưa vú?

– Được rồi, con tránh xa tí đi, khói cay mắt lắm.

– Nhưng con thích nướng khoai.

Bà đành chiều theo ý cô. Lửa cháy lớn làm cho hàng xóm bên cạnh giật mình hoảng hốt:

– Có cháy bà con ơi!

Tiếng của chị Lượm la to nhất. Người khác thì bảo:

– Gọi xe cứu hỏa đi.

Biết họ đang hiểu nhầm, bà vú giải thích:

– Không phải cháy nhà, tôi đang nướng khoai.

Mọi người thở phào nhẹ nhõm vì nếu cháy thật thì rất nguy hiểm. Tự nhiên Tú Quỳnh bật cười:

– Vui thật, tự nhiên mọi người ai cũng tập trung lại nhà mình.

Bà Mai Thanh kéo chị Lượm vào nhà:

– Nhanh lên! Ở đó mà nhiều chuyện.

– Đi đâu hả cô?

– Đi vào nhà chứ đi đâu.

– Trời này đang nóng bức lắm, ở ngoài sân cho thoải mái cô ơi.

– Cô bảo mày vào nhà ngay.

Chị Lượm ấm ức đi vào nhà lầm bầm:

– Tự nhiên bắt người ta đi vào nhà à.

Chị Lượm vừa vào nhà thì bà Mai Thanh đóng kín cửa, khóa lại cẩn thận.

Chị Lượm hỏi:

– Cô đóng cửa chi vậy? Em Luân chưa về mà cô.

– Cũng vì nó chưa về nên cô mới đóng cửa lại đó.

Chị Lượm lại càng khó hiểu hơn lúc nãy. Bà Thanh giải thích thêm:

– Cúp điện ăn trộm hay vào nhà lấy cắp đồ lắm. Đóng cửa lại cho chắc.

Chị Lượm bật cười:

– Cô lo xa quá trời luôn. Hơn nữa, nhà mình có gì để cho ăn trộm lấy chứ cô.

– Có chứ.

– Gì vậy cô?

– Máy giặt, tủ lạnh, ti vi ...

Bà liệt kê một loạt các vật dụng trong gia đình.

– Cô ơi! Thứ đó có thằng ăn trộm ngốc mới lấy thôi.

– Đắt giá lắm mà.

– Nhưng những thứ đó rất cồng kềnh dễ bị bắt quả tang lắm.

– Cũng đúng hén.

– Nếu chúng có lấy thì lấy vàng, tiền thôi à.

– Cô không có tiền cũng không có vàng.

Chị Lượm hù dọa:

– “Cướp của” không được coi chừng bọn chúng “cướp sắc” đó cô.

– Thấy ghê quá đi.

– Nhà này có ai đẹp đâu mà cướp sắc.

Chị Lượm tạo dáng cho mình:

– Con nè.

– Ôi trời! Chắc là thằng ăn trộm đó bị mù rồi.

– Con đẹp mà, vậy là cô ganh tị với sắc đẹp của con phải không?

– Mày đẹp thật.

– Cô nói câu này con nghe thích lắm.

Bà tiếp tục:

– Sắc đẹp của mày “nghiêng thùng đổ nước” luôn đó.

– Nghe mùi thơm rồi đó vú.

Tú Quỳnh phụ bà vú dập tắt lửa than và thưởng thức những củ khoai lang nướng vừa nóng vừa thơm.

– Ngon quá đi.

Bà vú gật đầu đồng tình:

– Ngon thật, mà còn ngọt nữa chứ.

Tú Quỳnh ăn một cách rất ngon lành. Cô chợt nhớ ra một chuyện.

– Chết rồi! Sao mình lại lơ đễnh vậy kìa?

Cô đi nhanh lên phòng của mình xách theo chiếc đèn cầy.

– Mình phải trả lại năm triệu cho anh ta mới được.

Hổm nay tự nhiên quên mất tiêu luôn, cô cằn nhằn:

– Phải chi còn dầu hỏa là chạy máy đèn được rồi, đâu phải chịu cảnh tối thui thế này.

Lấy tiền xong, cô liền đặt nó vào chiếc lồng đèn hình ngôi sao rồi dùng kim kẹp tiền lên trên đó. Cách trả tiền thật lạ lùng.

– Anh ta sẽ ngạc nhiên lắm đây.

Từ trên lầu Tú Quỳnh hí hửng chạy ra sân, cô buộc dây cho chiếc lồng đèn di chuyển từ từ xuống chỗ của Trần Luân đang ngồi.

– Gì thế nhỉ?

Bên vách tường nhà mình cô lên tiếng:

– Lồng đèn đẹp không?

Trần Luân đoán biết đây là trò nghịch ngợm của Tú Quỳnh, anh hỏi:

– Gì nữa đây?

Cô tiếp tục:

– Anh nhìn kỹ chiếc lồng đèn này đi.

– Nhìn kỹ rồi, xấu hoắc à.

– Sao anh vô duyên quá vậy hả?

– Ai cũng nói với tôi vậy hết đó.

– Vậy anh là “thiên hạ đệ nhất vô duyên” rồi.

– Ừ!

Cô cộc lốc:

– Trả nợ anh đó.

Lúc này anh mới nhìn kỹ chiếc lồng đèn dán đầy tiền polime trên đó, cũng may là tiền bằng chất liệu polime không cháy. Lúc này cô buông nhanh chiếc lồng đèn xuống nên đèn cầy tắt luôn rồi.

– Con bé này thật là ...

Anh lấy tiền ra khỏi lồng đèn, chợt cười một mình:

– Có ai lại để tiền vào lồng đèn như con nhóc này không nhỉ?

– Chỉ có con nhóc này mới tưng tửng như thế thôi.

Trả nợ xong Tú Quỳnh cảm thấy nhẹ nhõm cả người, cô len lén quan sát xem anh có nhận số tiền đó không. Bỗng anh lớn tiếng:

– Hù!

Cô giật cả mình. Đúng lúc đó, đèn sáng lên, mọi người ai cũng vui mừng:

– A! Có điện rồi!

Mọi người vui vì có điện lại. Còn Trần Luân vui vì chuyện khác. Anh cười ôm cả bụng ... Cô vênh mặt:

– Làm gì nhìn tôi mà cười dữ vậy hả?

Anh vừa cười vừa nói:

– Vào soi gương biết liền hà.

Cô cong môi:

– Ngày nào tôi chẳng soi gương, mặt tôi thế nào tôi biết mà.

– Ừ ... Vậy hả?

– Chứ sao.

Anh đi vào nhà, vẫy tay với cô:

– Chào tạm biệt mặt mèo nha.

Cô khó chịu:

– Mình thế này mà anh ta dám gọi là mặt mèo ư?

Cô đi vào nhà. Bà vú thấy cô liền che miệng cười, cô khó hiểu:

– Sao ai cũng nhìn mình cười hết vậy?

Cô tiếp tục:

– Mình có phải diễn viên hài đâu.

Cô đến gương soi thử, rồi la lên:

– Sao mặt mình thấy ghê vầy nè.

Bà vú đưa khăn ẩm cho cô:

– Con lau mặt cho sạch đi.

– Hèn chi ...

– Chắc tại lúc nãy con ăn khoai lang nên mới bị như thế.

– Cái tên chết tiệt đó còn dám gọi con là mặt mèo nữa. Thấy ghét! Sau này con không ăn khoai lang nướng nữa.

– Thật hả?

– Dạ!

– Nhưng con thích ăn món đó lắm mà.

– Tại nó mà con trở nên xấu xí.

– Vậy lần sau vú lột vỏ sạch rồi đưa cho con ăn.

– Con nói rồi, không thèm ăn nó nữa.

– Ừ! Không thì thôi.

Tú Quỳnh đề nghị:

– Bữa nay vú làm món gỏi trứng chiên Thái Lan cho con nha.

– Ừ!

Bà vú đi ra ngoài mua thức ăn. Ở nhà buồn, Tú Quỳnh lấy laptop ra chơi game. Điện thoại cô reo lên, cô đoán:

– Chắc là ba mẹ gọi.

Cô rời khỏi màn hình laptop, tìm ngay chiếc điện thoại di động của mình.

– Ủa! Số của ai lạ quá vậy?

Cô áp điện thoại vào tai:

– Alô!

Đầu dây bên kia hỏi nhanh:

– Tú Quỳnh phải không?

– Dạ phải.

– Thế thì hay quá.

– Xin lỗi, ai đầu dây ạ?

– Anh nè!

– Anh nào? Nhà tôi có mình tôi à đâu có anh em gì.

– Em vui tính quá à.

– Ủa! Anh là ai vậy?

– Em thử đoán xem.

Giọng cô chắc nịch:

– Không đoán! Tạm biệt!

– Khoan đã!

Hữu Tài chưa kịp nói dứt lời thì đã nghe âm thanh.

Tút ... Tút ...

Anh lầm bầm:

– Chưa chi đã tắt máy rồi sao?

Anh tiếp tục gọi cho cô nhưng vô ích, cô vẫn cứ thản nhiên chơi game mặc kệ điện thoại reo.

– Sao không nghe máy vậy kìa?

Một lúc sau thì anh nghe tín hiệu phát ra từ phía tổng đài viên:

– “Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được xin quý khách vui lòng gọi lại sau”.

Cô bực bội:

– Ai mà rảnh quá ta.

Chờ một lúc sau, cô mở nguồn điện thoại lên.

– Tắt hoài lỡ ba mẹ mình gọi lại không được thì nguy mất.

Điện thoại vừa khởi động lại thì tiếp tục bị làm phiền, cô tức quá, nghe điện thoại và quyết định rủa cái gã đáng ghét đó một trận cho ra trò.

– Anh điên hả? Rảnh quá không có gì làm hả? Sao lại phá tôi hoài vậy? Tôi có thù oán gì với anh sao?

Mẹ cô giật bắn cả mình và lo lắng:

– Hình như mình gọi nhầm số thì phải.

Bà kiểm tra lại thì biết là mình đã gọi đúng số nhưng sao lại có chuyện lạ lùng vậy.

– Mẹ nè Tú Quỳnh.

Tú Quỳnh cuống lên:

– Mẹ hả?

– Ừ!

– Con xin lỗi!

– Sao con lớn tiếng quá vậy?

– Tại nãy giờ con bị làm phiền.

– Ai lại làm phiền con?

– Con cũng không biết nữa.

– Sao con gái của mẹ hung dữ quá vậy?

– Con có hung dữ đâu, tại bực bội mới thế.

– Con gái thì phải nói năng nhỏ nhẹ chứ con.

– Con biết rồi ạ.

– Con đang làm gì vậy?

– Dạ, con đang đọc sách ạ.

Bà hài lòng:

– Con ham đọc sách rồi sao? À! Con đọc sách gì vậy?

Có khi nào cô chịu đọc sách đâu, cô chỉ đọc truyện tranh thôi à, nên không biết phải trả lời thế nào nữa. Cô liền vào trang web Google và gõ dòng chữ sách hay. Hàng loạt tên của sách hiện ra. Cô chọn đại tựa đề của sách để trả lời bà.

– Con đọc sách “Hành trình trưởng thành đích thực”.

Như không tin vào lời nói đó của cô nên bà thăm dò:

– Của tác giả nào?

Cô trả lời rất nhanh:

– Của M.Scott Peck.

Bà tiếp tục:

– Của nhà xuất bản nào?

Cô đáp liền:

– Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.

Bà thấy hài lòng về cô con gái cưng của mình:

– Vậy con tiếp tục đọc sách đi nha. Đọc sách rất tốt đó con.

– Con biết mà, con sẽ noi gương của mẹ và ba thường xuyên đọc sách.

– Sao tự nhiên ngoan ngoãn quá vậy?

– Con lúc nào cũng ngoan mà.

– Vậy thôi nha.

– Nói tí nữa đi mẹ.

– Ừ, con muốn nói gì thì nói đi.

– Mẹ ơi!

– Gì vậy con?

– Mẹ có nhớ con không?

Bà đùa:

– Không.

– Vậy thì con cũng không nhớ mẹ.

– Con dám?

– Ai bảo mẹ không nhớ con làm chi.

– Mẹ nói vậy thôi chứ mẹ nhớ con lắm. Mẹ mong cho mau hết kỳ nghỉ hè con trở về đây.

Cô chu môi:

– Mình không thích trở về Úc tí nào.

Cô thích thế nhưng không dám nói ra vì sợ bị la. Cô cười hì hì:

– Con biết tại sao mẹ lại mong con trở về Úc rồi.

– Vì sao?

– Vì không có con ở nhà mẹ không la mắng ai được nên buồn chứ gì.

– Con cũng biết thế nữa hả? Tại con không nghe lời nên mẹ mới la con thôi.

– Con biết mà.

– Vậy sao còn nói thế.

– Con đùa cho vui đó mà.

Cô mải lo nói chuyện với mẹ mình mà nhân vật trong game của cô bị loại, cô chau mày:

“Phải khôi phục chiến binh của mình lại thật mạnh mới được”.

Cô tìm cách nói dối:

– Mẹ ơi! Nhà có khách rồi. Tí nữa mẹ con mình nói chuyện sau nha.

– Ừ ... Ủa! Mà khách nào vậy con?

Bà lại tiếp tục lên tiếng, cô trả lời:

– Bạn mới của con đó mà.

– Nhớ tiếp bạn chu đáo nha.

– Dạ! Tạm biệt mẹ.

– Tạm biệt con.

– Hôn mẹ nhiều.

– Hôn con.

Bà Mai Thanh quan tâm:

– Sao con ăn cơm ít vậy Luân?

Trần Luân cố gắng tỏ thái độ bình thường nhưng thật ra anh đang rất đau khổ. Còn gì buồn bằng cảnh chứng kiến người mình yêu đang tay trong tay bên người khác chứ.

– Tại con no rồi cô ạ.

Chị Lượm lên tiếng:

– Hay là tại chị nấu ăn không ngon.

– Không phải vậy đâu chị.

– Vậy tại sao em không ăn?

Anh đứng bật dậy khỏi bàn ăn:

– Mọi người ăn cơm ngon miệng nha. Con lên phòng mình đây.

Bà Mai Thanh và chị Lượm đều nhìn nhau thắc mắc và đồng thanh nói:

– Cãi nhau với Anh Đào chắc luôn.

Thấy anh không được vui, mọi người cũng buồn theo.

– Lại chuyện gì nữa đây?

Chị Lượm chau mày:

– Con đã nói thế nào hai người đó cũng có chuyện mà.

– Hay quá hén. Ăn cơm đi.

– Con cũng no rồi.

– Cô cũng thế.

– Nhưng thức ăn còn nhiều quá.

– Vậy thì mày ăn hết đi.

– Không ăn nữa thì con dọn dẹp. Chuyện nhỏ.

Bà Mai Thanh lên phòng Trần Luân, bà gõ cửa.

Cốc ... Cốc ...

Bà chờ đợi anh ra mở cửa nhưng chờ hoài vẫn không thấy động tĩnh gì cả, bà lại tiếp tục gõ cửa. Bà nghĩ:

– Không lẽ nó ngủ rồi.

Rồi bà lại lầm bầm:

– Không phải nó làm chuyện gì dại dột chứ.

Bà sợ thế nên tự mở cửa vào phòng luôn, bà nhìn quanh chẳng thấy anh đâu cả.

– Luân ơi!

Bà gọi chẳng nghe thấy tiếng trả lời, bà giật mình:

– Cái thằng này, đi đâu mất rồi.

Bà nhìn ra khung cửa sổ thì thấy anh đang ở khu nuôi trăn phía sau nhà. Lúc này bà mới thấy an tâm.

– Hên quá!

Buổi sáng, Tú Quỳnh thức dậy thật sớm. Cô chạy bộ dọc theo công viên, bỗng có một cậu bé chạy gần cô:

– Cô ơi!

Cô quay qua nhìn cậu bé, cười thật tươi:

– Con gọi cô hả?

Cậu bé gật đầu:

– Dạ!

Cậu bé hỏi:

– Cô có phải là Tú Quỳnh không ạ?

Cô ngạc nhiên:

– Sao con biết tên của cô hay vậy?

Cậu bé chìa bó hoa hồng thật to ra trước mặt cô:

– Có người gửi cho cô nè.

Cô nhận bó hoa và khen:

– Hoa đẹp quá! Ủa! Mà ai tặng cho cô vậy con?

Cậu bé lắc đầu:

– Con cũng không biết nữa.

– Sao lại không biết chứ?

– Tại chú ấy nhờ con đưa giúp cô. Chú ấy chỉ bảo con đưa hoa cho cô chứ không có bảo con trả lời câu hỏi của cô.

– Trời đất! Con bao nhiêu tuổi rồi mà lém lỉnh quá vậy?

– Dạ, con năm tuổi rồi ạ.

– Vậy à?

– Dạ!

Cô nhận bó hoa mà chẳng biết chủ nhân đó là ai, cô nghĩ vu vơ:

– Có khi nào người ta nhầm mình với ai không?

– Mặc kệ! Miễn sao mình có hoa đẹp là được rồi.

Cô chạy nhanh về nhà đặt bó hoa trên bàn và tiếp tục tập thể dục. Cứ thế mỗi ngày cô đều được nhận một bó hoa thật đẹp. Cô bắt đầu tò mò:

– Mình phải tìm hiểu xem ai đã tặng hoa cho mình mới được.

Mỗi ngày một cách tặng hoa khác nhau, khi thì nhờ cậu bé đưa giúp, khi thì đặt ngay trước cửa nhà, khi thì nhân viên bưu điện đưa đến.

– Cho tụi bây nằm ngoài sân luôn.

Cô đặt tất cả những bó hoa từ trước đến giờ được tặng ra trước cổng nhà.

– Thế nào anh ta cũng sẽ xuất hiện.

Quả đúng như dự đoán của cô, Hữu Tài xuất hiện. Ngay lúc đó, nhân viên vệ sinh tưởng những bó hoa đó là rác nên họ gom hết bỏ vào xe. Mặt anh bí xị:

– Sao lại lấy hoa bỏ vào xe rác?

Nhưng vô ích, nhân viên vệ sinh đã cho xe rác đi thật xa. Cô nhìn anh một hồi lâu rồi hỏi:

– Anh là chủ nhân của những bó hoa đó hả?

Anh gật đầu:

– Đúng thế.

Tú Quỳnh ra hiệu cho cô nhân viên vệ sinh quay trở lại. Cô lấy những bó hoa đó chìa ra trước mặt anh:

– Của anh thì anh đem về đi.

– Chẳng phải chúng đã bị vứt bỏ không chút thương tiếc sao?

– Không làm thế sao anh chịu xuất hiện.

– Thì ra ...

– Thì ra thế nào hả? Tại sao anh lại tặng hoa cho tôi?

– Tại vì anh biết Quỳnh thích hoa.

– Lý do nào anh biết thế?

– Con gái ai chẳng thích hoa. Hơn nữa nhìn vườn hoa trong nhà Quỳnh là anh biết ngay.

– Vậy à?

– Ừ!

– Nhà tôi có nhiều hoa rồi anh tặng làm gì nữa chứ.

– Anh muốn được làm quen Tú Quỳnh đó mà.

Đứng bên đây, chị Lượm đang cố quan sát và ngưỡng mộ:

– Anh chàng đó thật là si tình. Tú Quỳnh thật là hạnh phúc.

Trần Luân vỗ vai chị, chị giật mình quay lại:

– Gì vậy Luân?

Lúc đó, Trần Luân chợt nhận ra chị đang làm gì, anh bảo:

– Chị bắt đầu quan tâm đến chuyện tình yêu của người khác từ lúc nào vậy?

– Phải quan tâm chứ. Tú Quỳnh là bạn của chị mà.

– Thế hả?

– Còn phải hỏi.

– Vậy chị cứ đứng đây nhiều chuyện đi nha. Nồi cá kho của chị khét đen thui rồi kìa.

Chị Lượm chợt nhớ mình đang nấu ăn trong bếp, chạy co chân vào trong nhà.

– Hên quá! Tí nữa là cháy rồi.

Thì ra bếp lửa đã được tắt rồi, chị cười toe:

– Cái thằng Luân này, lúc nào cũng chọc mình hết.

Trần Luân đi vào nhà:

– Sao hả chị? Cám ơn em đi chứ.

– Cám ơn.

– Em đi cho trăn ăn đây.

– Ừ!

– Thức ăn chị mua để sẵn phía sau nhà đó.

– Em thấy rồi.

Bà vú hỏi:

– Bạn con hả Quỳnh?

Tú Quỳnh chưa kịp trả lời thì Hữu Tài đã nhanh miệng:

– Dạ!

Bà vú vui vẻ:

– Vậy thì mời cậu vào nhà chơi.

Tú Quỳnh đi vào nhà, Hữu Tài lững thững bước theo sau.

– Nhà cô ấy giàu quá.

Khuôn viên trước sân rất rộng có cả những khu trồng hoa, trồng kiểng có hòn non bộ, phía sau sân vườn có thác nước. Không gian thật mát mẻ, gần gũi với thiên nhiên nhưng cũng không kém phần sang trọng.

– Mời cậu uống nước.

Tú Quỳnh cười cười:

– Lần sau anh đừng có làm thế nữa nha.

– Sao vậy Quỳnh?

– Tại tôi không thích.

– Tự nhiên được nói chuyện với em, anh vui lắm.

– Vậy sao?

– Thật đó.

– Anh thấy em lâu rồi mà không dám đến hỏi thăm để làm quen.

– Thế hả?

– Ừ!

– Vậy bây giờ quen rồi đó.

– Lúc trước, anh có gọi điện thoại cho em mà em không nghe máy.

Cô bỗng nhớ lại lúc trước mình bị số điện thoại lạ làm phiền:

– Thì ra đó là anh hả?

– Ừ!

– Sao anh biết số điện thoại của tôi?

– Điều đó không quan trọng.

Cô nghĩ thầm:

“Lạ thật. Sao anh ta lại biết chứ?”.

Cô tiếp tục:

– Anh có chịu trả lời không hả?

Sợ cô giận nên anh nói:

– Tại ...

Vừa định nói nhưng anh nhớ lại lời hăm he của chị Lượm:

– Cậu mà nói kể như tôi không cung cấp thông tin của Tú Quỳnh cho cậu.

Anh liền cười và bông đùa:

– Tại giác quan thứ sáu cho anh biết điều đó.

– Anh có giác quan thứ sáu hả?

– Ừ!

– Vậy anh thử đoán xem tí nữa sẽ xảy ra chuyện gì?

Anh vờ suy nghĩ rồi bảo:

– Tí nữa anh sẽ về nhà anh, còn em ở nhà của em.

– Cũng gần đúng rồi đó.

– Em thấy anh có hay không?

– Hay lắm.

– Bây giờ thì anh về nhà anh được rồi đó. Chính xác hơn là anh bị mời về đó, hiểu chưa?

– Anh muốn nói chuyện với em thêm tí nữa.

– Vậy hả?

– Ừ!

– Thế thì nói một mình đi nhé.

Bà vú cười một mình:

– Cách cư xử của Tú Quỳnh trẻ con thật. Ai đời lại tiếp đãi bạn mình thế chứ.

Tú Quỳnh lên phòng, còn Hữu Tài thì vẫn thản nhiên ngồi ở phòng khách.

Thấy thế, bà vú lại trò chuyện với anh:

– Cậu ở gần đây hả?

– Dạ!

– Thế là hàng xóm rồi. Rảnh thì cậu cứ ghé đây chơi.

Anh nhảy nhổm lên:

– Thế thì hay quá.

Nói chuyện được một lúc, anh từ biệt bà rồi ra về. Bà vú tiễn anh ra cổng:

– Rất vui khi cậu đến chơi.

– Con cũng vậy. Thưa bà, cháu về.

– Ừ, cháu về.

Vừa đi, Hữu Tài vừa huýt sáo, nhìn anh ai cũng đoán được là đang có “mùa xuân”.

Mặt chị Lượm hớn hở khi nghe Tú Quỳnh bảo:

– Hữu Tài rủ em tối nay đi xem phim.

– Rồi em trả lời thế nào?

– Còn sao nữa, từ chối không chút do dự.

Chị Lượm mặt bí xị:

– Sao kỳ vậy?

– Có gì đâu mà kỳ?

– Tại sao lại không đi?

– Vì không thích.

– Em thích xem phim lắm mà.

– Nhưng không thích đi với anh ta.

– Em thích đi với ai?

Tú Quỳnh nhoẻn miệng cười:

– Chị đó.

– Vậy em cứ hẹn Hữu Tài đi.

– Tại sao?

– Cứ rủ anh ta theo để anh ta chi “hóa đơn” cho tụi mình.

– Như thế không hay lắm. Em có thể tự thanh toán chi phí được mà.

– Chẳng phải em không thích anh ta sao?

Tú Quỳnh nhanh miệng:

– Đúng rồi.

– Vậy thì hãy cho anh ta môt trận đến nỗi “viêm màng túi” luôn.

Tú Quỳnh cười toe:

– Chị vậy mà hay thật.

Chị Lượm cao giọng:

– Cũng thường thôi.

Chị Lượm lấy chiếc điện thoại nhỏ xíu của mình đưa cho Tú Quỳnh:

– Nè!

Tú Quỳnh ngạc nhiên:

– Đưa nó cho em chi vậy?

– Thì gọi cho Hữu Tài đó.

– Em có điện thoại mà.

– Vậy thì em gọi đi, hên quá.

– Sao lại hên?

– Vì em gọi điện thoại của em chị đỡ phải tốn kém.

– Tính toán dễ sợ.

– Nhờ thế chị mới tồn tại được đó em.

Tú Quỳnh nhăn mặt:

– Chị dùng từ nghe ghê quá.

– Chị thấy bình thường mà.

Tú Quỳnh lấy chiếc điện thoại cảm ứng của mình ra gọi cho Hữu Tài thì anh tắt máy:

– Anh ta dám làm thế ư?

Một lúc sau, anh ta gọi lại, cô áp điện thoại vào tai:

– Sao anh lại không nghe điện thoại của tôi?

– Anh muốn mình gọi lại cho em, thế sẽ hay hơn.

– Ừ. Mà ai gọi chẳng được.

– Khác nhau chứ em.

– Mệt anh quá, tối nay hẹn ở đâu?

Hữu Tài mừng rỡ:

– Em đồng ý đi xem phim với anh rồi sao?

Cô cộc lốc:

– Chẳng lẽ không.

– Ôi! Anh vui quá! Cám ơn em.

– Có gì đâu mà cám ơn.

– Vậy anh đến đón em nha.

– Không được.

– Sao vậy Quỳnh?

– Tôi tự đi được.

Sợ cô hủy cuộc hẹn, anh đành chiều theo ý cô.

– Vậy mình gặp nhau tại rạp chiếu phim nha.

– Cũng được.

– Hẹn gặp em tối nay nha.

Tự nhiên cô nảy ra một ý nghĩ cô nói nhanh:

– Khoan tắt máy đã!

Hữu Tài hỏi:

– Chuyện gì vậy Quỳnh?

Mình hẹn nhau ngay con hẻm nhỏ gần nhà em nha.

– Ở đó hả?

– Ừ!

– Nhưng nơi đó vắng lắm.

– Thế mới không ai biết tôi với anh đi xem phim chứ.

– Ừ!

– Quyết định vậy nha.

Cô tắt máy xong, cười tủm tỉm:

– Anh muốn tán tỉnh Tú Quỳnh hả? Không dễ đâu!

Tự nhiên cô thấy vui lắm, cô tưởng tượng ra cảnh tượng Hữu Tài hoảng sợ là cô cứ cười hoài.

– Cho anh ta chạy “mất dép” luôn.

Chị Lượm ăn mặc thật đẹp để được đi xem phim cùng Tú Quỳnh và Hữu Tài.

– Chị Lượm!

Từ đằng xa, Tú Quỳnh gọi khẽ. Chị Lượm nhìn tứ phía chẳng thấy Tú Quỳnh đâu cả. Cô tiếp tục lên tiếng:

– Em ở đây nè.

Trong bụi cây rậm rạp, Tú Quỳnh lù lù xuất hiện, chị Lượm la to vì sợ. Tú Quỳnh kịp thời bịt miệng chị lại:

– Em nè. Có gì đâu mà sợ.

Chị Lượm nghe giọng của Tú Quỳnh nên bình tĩnh trở lại.

– Sao em ăn mặc thấy ghê quá vậy?

– Chị thấy em thế này có sợ không?

– Sợ quá trời luôn.

Tú Quỳnh lấy chiếc mặt nạ xấu xí đeo vào, hóa trang thành nhân vật ma quái.

– Đừng ngất xỉu nha chị.

– Em qua đỡ chị đi Quỳnh.

– Em đã bảo chị đừng xỉu mà.

– Bữa nay em bị gì vậy Quỳnh?

Tú Quỳnh thản nhiên:

– Em có bị gì đâu.

Chị Lượm khó hiểu:

– Vậy tại sao em lại hành động khác thường vậy?

– Bí mật.

– Chị sợ em luôn. Thôi, tháo mặt nạ ra đi rồi nói chuyện.

– Í! Em quên.

Cô đưa cho chị Lượm chiếc giỏ xách. Chị Lượm chau mày:

– Gì vậy em?

– Chị lấy ra xem thì biết.

Đó là bộ đồ hóa trang “ma quái” của cô.

– Chị mặc vào đi.

– Để làm gì?

– Để đến nơi hẹn tìm Hữu Tài.

– Trời đất! Mặc thứ này ra đường người ta kêu xe cấp cứu đưa chị em mình đi cấp cứu đó.

– Chị khéo hù mình không à. Mau lên đi.

– Giờ trễ hẹn lắm rồi đó.

– Chị cứ an tâm, anh ta không có bỏ về đâu mà sợ.

– Sao em biết?

– Em đoán vậy mà.

Chị Lượm chần chừ, Tú Quỳnh hối thúc.

– Mặc vào nhanh đi chị.

– Nhưng mà ...

– Không có nhưng nhị gì hết. Phải vất vả lắm em mới mua được bộ trang phục độc đáo này đó.

– Thấy ớn chứ độc đáo gì.

– Thế anh ta mới sợ đến “mất dép” chứ.

Chị Lượm chợt hiểu lý do tại saoTú Quỳnh lại hẹn Hữu Tài chỗ con hẻm vắng và lại ăn mặc như thế này. Tú Quỳnh che miệng cười:

– Ôi! Thiên thần Lượm.

Chị Lượm trề môi:

– Ác quỷ Lượm thì có.

Tú Quỳnh ôm bụng cười:

– Vui quá à!

– Ghê quá à thì có.

Tại con hẻm nhỏ, Hữu Tài cứ nhìn đồng hồ:

– Sao trễ quá rồi mà Tú Quỳnh chưa đến nhỉ?

Anh đi tới đi lui, rùng mình vì khung cảnh nơi đây vắng vẻ, không người lại có gió nữa, se se lạnh làm cho người ta cảm thấy sờ sợ. Anh vẫn kiên nhẫn chờ cô.

– Chắc chắn cô ấy sẽ đến.

Anh vừa quay lại thì hoảng sợ đến nỗi không đứng vững nữa, la ré lên:

– Bớ người ta, có ma.

Anh ta co chân chạy nhưng vẫn không thoát được, hình ảnh hai người “ma quái” đó cứ bám sát theo anh, anh năn nỉ:

– Hãy tha cho tôi! Xin đừng hại tôi!

Tú Quỳnh không dừng lại trò đùa của mình, cô hù dọa:

– Bọn ta là “đầu trâu và mặt ngựa” đến để dẫn mi đi đây.

Chị Lượm vẫn cứ đứng im, chị khó chịu vì chiếc mặt nạ trên mặt mình:

– Chắc bộ dạng mình ghê lắm nên Hữu Tài mới sợ đến phát sốt luôn.

Tú Quỳnh giỡn quá trớn nên Hữu Tài xỉu luôn. Cô hoảng hốt:

– Chết rồi! Giờ mình phải làm sao đây chị Lượm?

Chị Lượm cũng cuống lên:

– Chị không biết nữa.

– Em biết rồi. Mình đưa anh ta đến bệnh viện đi.

Họ vất vả lắm mới đưa được Hữu Tài lên xe.

– Chạy đi, Tú Quỳnh.

Tú Quỳnh vẫn cứ đề máy chẳng hiểu sao xe vẫn không chạy.

– Sao kỳ vậy ta?

Cô kiểm tra lại thì thấy.

– Xe vẫn còn xăng nhiều mà.

Chị Lượm lắc đầu:

– Trời ơi! Em chưa bật chìa khóa sao khởi động được.

– Hèn chi.

– Khoan đã, chị ơi!

– Xe bị gì nữa hả?

– Không phải.

– Thế em còn chờ gì nữa?

Tú Quỳnh bước xuống xe, tháo mặt nạ, trang phục trên người mình.

– Phải trở về bình thường mới ra đường được chứ chị.

– Em nhắc chị mới nhớ. Tí nữa ngày mai báo chí sẽ có tin nóng.

– Tin gì vậy chị?

– Tin “quái vật ngoài hành tinh” xuất hiện.

Đột nhiên Hữu Tài tỉnh dậy. Anh vẫn còn hoảng sợ, xuống xe thật nhanh và chuồn lẹ.

– Thấy ghê quá.

Chị Lượm gọi to:

– Anh Tài!

– Chị gọi chi vô ích, anh ta sợ lắm rồi. Cũng may là anh ta không sao.

Tú Quỳnh ngạc nhiên:

– Ủa! Em với chị đã bình thường rồi mà sao anh ta vẫn còn sợ vậy?

– Chị cũng không biết.

Tú Quỳnh đoán:

– Chắc tại hoảng sợ quá anh ta nhìn người hóa ma.

– Chị thích bộ trang phục này không?

Tú Quỳnh hỏi chị Lượm, chị ấy lắc đầu ngay:

– Không!

– Vậy em sẽ đem về nhà hết.

– Ừ! Nhớ cất cẩn thận, ai thấy là nguy to.

– Em biết mà.

Chị Lượm chu môi:

– Vậy là bữa nay không được xem phim rồi.

– Xem chứ.

– Giờ này trễ quá rồi xem gì nữa.

– Mình xem suất thứ hai.

– Nhưng sẽ trễ lắm mới được về.

– Không sao hết.

Tú Quỳnh lên xe, đề máy và bảo:

– Lên xe nhanh lên chị.

Chị Lượm lên xe, ngồi mà hơi lo:

– Không biết về trễ quá có ai cho mình vào nhà không?

– Đừng lo, em có cách để chị vào được nhà mà.

– Thật không?

– Thật.

– Vậy thì rạp chiếu phim thẳng tiến.

Trên đường, xe cộ qua lại tấp nập, thành phố về đêm thật là đẹp, đèn sáng rực rỡ, mọi người dường như ai cũng đổ dồn ra đường hay sao mà cả thành phố đông nghẹt.

– Sao chị lo quá.

– Lo chuyện gì?

– Thì chuyện về nhà đó.

– Chẳng phải hai chị em mình đã bàn tính hết rồi sao?

– Biết thế nhưng chị vẫn sợ.

Tú Quỳnh cho xe chạy lòng vòng thành phố chứ không chạy thẳng về nhà.

Chị Lượm lớn tiếng:

– Sao em lại không về?

– Về nhà không vui.

– Trời ơi! Giờ này mà còn ham vui nữa.

– Phải vui vẻ, thoải mái mới sống được chứ chị.

Chị Lượm thì lo tột độ còn Tú Quỳnh thì vẫn cứ thản nhiên.

– Chị nhìn kìa!

– Nhìn gì vậy Quỳnh?

– Thằng bé đó dễ thương quá à.

Chị Lượm nhìn về hướng Tú Quỳnh đang quan sát thì thấy có một cậu bé rất bụ bẫm được ba mẹ dẫn đi khu vui chơi.

– Thằng bé bụ bẫm, đáng yêu quá trời.

– Vậy chị mau kết hôn rồi sinh ra đứa con hệt vậy đi.

– Đâu phải muốn thế là được đâu.

– Sao lại không được.

Giọng chị Lượm buồn hiu:

– Có rất nhiều lý do lắm em.

– Chị cứ kể ra hết đi.

– Chị có kể đến ngày mai vẫn chưa hết nữa.

– Sao nhiều vậy? Chị đùa à?

– Chị nói thật mà.

Tú Quỳnh chợt nhớ lại chuyện nghịch phá của mình rồi bật cười dự đoán:

– Chắc là suốt đêm nay anh Tài không ngủ được hén chị.

– Chắc là như thế.

– Cho anh ta sợ mà không dám theo đuổi em nữa.

– Sao em lại không thích cậu ta vậy?

– Đơn giản là không thích thế thôi.

– Em trả lời “huề vốn” quá đi.

– Thế à?

– Còn phải hỏi nữa.

Cô cười hì ... hì ...

– Hỏi cho có chuyện để nói đó mà.

Ở nhà Trần Luân cùng bà Mai Thanh lo lắng:

– Không biết chị Lượm đi đâu nữa.

Bà Mai Thanh cứ đi qua đi lại trước sân, anh bảo:

– Cô ngồi xuống đi, con chóng mặt luôn rồi đó.

Nghe anh nói thế, bà mới chịu ngồi xuống ghế, hai tay chống cằm:

– Một lát nữa nó về, cô phải mắng cho nó một trận te tua mới được.

Trần Luân bênh vực:

– Lâu lâu chị Lượm mới đi chơi mà cô.

– Đi cũng phải thông báo cho mọi người biết chứ.

– Chắc tại có lý do gì đó chị Lượm mới không nói gì với mình.

Bà Mai Thanh suy diễn:

– Có khi nào nó xảy ra chuyện nguy hiểm gì không?

Anh trấn an bà:

– Không có đâu cô.

– Cô phải đi tìm nó mới an tâm.

– Biết chị ấy ở đâu mà tìm hả cô?

– Thì cứ tìm đại.

– Hay là để con đi tìm cho.

Họ bắt đầu cùng nhau đi tìm nhưng vẫn không tìm thấy. Họ ngồi ngay cổng chẳng ai chịu vào phòng ngủ cả.

– Cô vào ngủ trước đi, con chờ cửa cho.

Bà cô lắc đầu:

– Không được, cô phải chờ nó về.

Họ chờ đến mỏi mệt luôn. Trần Luân nghe tiếng động ngoài cổng liền chạy nhanh ra xem thử. Chắc là chị ấy về.

Không phải thế, mà là người đi đường họ nói chuyện hơi to tiếng.

– Vậy mà mình cứ tưởng.

Bà Mai Thanh chờ cho đến nỗi ngủ gật trên ghế xa-lông luôn. Anh lấy chăn đắp cho bà. Anh không dám đánh thức bà dậy để lên phòng ngủ vì sợ bà không chịu ngủ nữa.

– Chị Lượm này thật là ...

Đây là lần đầu tiên chị Lượm về trễ như thế.

Ping ... Poong ... Tiếng chuông cổng vang lên, Trần Luân nhanh chân ra ngoài, anh nhanh miệng:

– Chị đi đâu về trễ quá vậy?

Bà vú lên tiếng:

– Vậy là cô Lượm không có ở nhà hả Luân?

– Vú hả?

– Ừ!

– Con xin lỗi.

Anh mở cổng mời bà vào, bà cũng lo lắng không kém gì gia đình bên đây.

– Tú Quỳnh đến giờ vẫn chưa về.

– Vú gọi điện thoại chưa?

– Gọi rồi. Nhưng “thuê bao không liên lạc được”.

– Chắc chắn là hai người đó đi cùng nhau rồi.

– Không hiểu sao Tú Quỳnh không thông báo về nhà gì hết. Thường ngày Tú Quỳnh không có như thế.

– Vú cứ an tâm đi, không sao đâu. Vú về nghỉ đi.

Bà đề nghị:

– Hay là mình báo công an đi.

– Đến sáng mà họ chưa về thì mình mới báo công an được.

– Vậy à!

– Dạ.

Bà lo lắng:

– Lỡ Tú Quỳnh xảy ra chuyện gì thì vú chết mất. Ông bà chủ sẽ không tha cho vú.

– Đây có phải là lỗi của vú đâu.

– Cô ấy và chị Lượm có lẽ chơi vui quá nên quên thời gian luôn.

Tiếng chuông điện thoại bàn reo lên, bà vú nhanh tay nghe máy:

– Alô!

Nghe giọng ông Quang, bà vú lo sợ:

– Chết rồi! Biết nói thế nào đây?

Ông Quang hỏi:

– Sao tôi gọi điện thoại cho Tú Quỳnh không được vậy vú?

– À! Tại ...

Giọng bà ngập ngừng, rồi tiếp tục:

– Tại điện thoại cô Quỳnh hết pin.

– Vậy hả?

– Dạ phải.

– Tú Quỳnh đâu rồi vú?

– À! Cô ấy đang ở nhà nè.

– Thế vú gọi nó cho tôi nói chuyện chút coi.

Lúc này bà thật sự không biết phải ứng phó thế nào. Đây là lần đầu tiên khuya thế này mà cô vẫn không có ở nhà.

– À! Cô Quỳnh ngủ rồi, ông chủ ơi.

– Tôi quên mất, hiện giờ ở Việt Nam đang khuya mà.

– Dạ.

Ông tắt máy xong, bà thở ra nhẹ nhõm:

– Sợ chết mất.

Bà âu sầu:

– Không biết Tú Quỳnh đang làm gì nữa.

Trần Luân ngồi ghế chờ hoài anh không chịu được nữa, anh chạy hết bệnh viện này đến bệnh viện khác.

– Hy vọng họ đừng có bị tai nạn gì.

Nhưng anh chợt thất vọng khi thấy trong danh sách tên bệnh nhân vừa vào viện có cả Tú Quỳnh và chị Lượm. Anh lo lắng:

– Họ đang nằm phòng nào vậy, bác sĩ?

– Phòng đặc biệt khoa chấn thương.

Anh hoảng hốt:

– Họ bị gì mà nằm khoa chấn thương vậy bác sĩ?

– Gãy chân.

Anh không tin vào những gì mình nghe nữa nên hỏi lại:

– Gãy chân ư?

Bác sĩ gật đầu:

– Đúng rồi!

Anh chạy nhanh đi tìm họ, lo lắng kinh khủng.

– Chẳng biết làm gì cho ra nông nỗi thế nữa?

Anh đứng trước phòng bệnh, giận lắm nhưng cố gắng bình tĩnh:

– Bị thế mà cũng không báo về nhà nữa.

Anh vừa mở cửa bước vào thì nghe tiếng rên rỉ của Tú Quỳnh.

– Em đau quá chị Lượm ơi!

– Chị cũng đau lắm.

– Lúc nãy em tưởng chị em mình chết rồi.

– Em nói gì lung tung vậy.

– Thật mà.

– Chẳng phải chị và em vẫn còn sống sao?

Anh cảm thấy xót xa khi nhìn thấy họ như thế. Chị Lượm che chăn kín lại:

– Không phải chị nằm viện đâu.

Anh tiến lại gần, kéo chăn xuống.

– Không phải chị mà lại lên tiếng hả?

Chị Lượm chợt khóc, anh hỏi thăm:

– Chắc chị đau lắm hả?

– Ừ!

Anh lau nước mắt cho chị rồi trách:

– Sao chị không gọi về nhà cho em biết hả?

– Tại chị sợ mọi người lo.

– Bị thế mà còn sợ nữa hả?

Anh quay sang Tú Quỳnh:

– Để tôi gọi điện báo cho vú ở nhà biết nha.

– Không!

– Cô cứng đầu quá. Cô có biết là suốt đêm vú ở nhà không được vì lo cho cô không?

Cô cong môi:

– Chứ tôi ngủ có được đâu.

Anh chợt thấy mình hơi quá lời, cô bị thế đã đau lắm rồi, anh còn trách móc cô nữa, anh hạ giọng:

– Chuyện gì cũng phải cho người thân biết chứ.

– Đó là chuyện của tôi. Anh cứ lo cho chị Lượm đi.

– Cô là hàng xóm của tôi sao tôi bỏ mặc được chứ.

– Sao tự nhiên tốt với tôi vậy?

– Không phải tốt, mà là việc phải làm thôi.

– Vậy sao?

Anh bảo:

– Mọi người ăn cháo nha.

Cả hai đều đồng thanh:

– Được đó.

Anh đi nhanh xuống căng tin của bệnh viện mua cháo cho họ. Anh cẩn thận múc sẵn ra hai chén riêng.

– Của chị nè!

Anh quay sang Tú Quỳnh:

– Của cô nè!

Chị Lượm cố gắng tự múc ăn nhưng chân đau quá, chị khó mà gượng dậy để múc ăn. Anh thấy thế, lên tiếng:

– Chị cứ nằm yên đi. Em sẽ đút cho chị ăn.

– Thế thì phiền em quá.

– Có gì đâu mà phiền.

Đút cho chị Lượm ăn xong, anh quay qua Tú Quỳnh:

– Há miệng ra?

Cô nghe theo lời anh, anh cẩn thận thổi cho cháo nguội rồi mới đút cho cô, tự nhiên cô cảm thấy:

Anh ta cũng tốt quá chứ.

Cô ăn được một muỗng cháo rồi trề môi:

– Cháo dở ẹc à.

Còn chị Lượm thì không có ý kiến gì hết. Anh chau mày:

– Dở cũng phải ăn nữa.

– Không ăn.

Anh dịu dàng:

– Cô ăn đi cho mau lành, không ăn sao uống thuốc được.

Cô vẫn không chịu há miệng ra, anh hỏi:

– Bộ răng sún hả gì mà không dám há miệng ra hả?

Cô há miệng thật to:

– Răng tôi đẹp thế này mà bảo sún răng hả?

Nhân lúc đó, anh đút cháo vào miệng cô:

– Ăn đi.

Chị Lượm tuy bị đau nhưng cũng phải bật cười:

– Câu này lúc trước em hỏi cô của chị nè.

– Em nhớ rồi. Ủa! Sao cô khó tính quá hả chị?

Anh chen vào:

– Đây là giờ ăn cháo chứ không phải giờ nói xấu người khác.

Anh cứ thế quay qua quay lại đút cháo cho hai người ăn. Tú Quỳnh vẫn cứ cứng đầu:

– Không ăn, cháo không ngon.

– Tôi biết, nhưng nãy giờ cô ăn có hai muỗng cháo à.

Chị Lượm khuyên:

– Em ráng ăn đi còn uống thuốc nữa.

Anh thấy năn nỉ hoài vẫn không ổn nên dùng biện pháp mạnh là hù dọa:

– Cô có tin bây giờ tôi gọi điện về báo cho vú biết, báo luôn cho ba mẹ cô biết cô bị gãy chân không?

Anh đúng là biết đoán tâm lý của người khác, cô ngoan ngoãn:

– Ăn thì ăn.

Cô miễn cưỡng ăn hết chén cháo, anh múc thêm chén nữa, cô ngán muốn chết nhưng phải cố gắng nuốt.

– Sao ăn hoài không thấy chén cháo vơi bớt vậy kìa?

Anh giải thích:

– Tại mỗi lần cô ăn có một muỗng tí xíu à.

Trần Luân lấy thuốc đưa cho chị Lượm và Tú Quỳnh.

– Chị uống thuốc đi.

Anh rót nước đưa cho chị rồi đưa luôn cho Tú Quỳnh, anh ngạc nhiên:

– Sao cô không uống thuốc.

– Tôi ghét uống thuốc.

– Lại giở trò trẻ con nữa rồi.

– Tôi không thích uống thật mà.

– Bộ cô muốn nằm viện hoài khỏi về nhà hả?

– Anh nói xui xẻo quá đi.

– Sợ thì uống đi.

Chị Lượm uống thuốc xong nằm nghỉ cho khỏe. Còn cô thì vẫn cứ nhìn mãi những viên thuốc đáng ghét đó.

– Làm sao uống được đây?

Anh lớn tiếng:

– Tôi hỏi lại lần cuối, cô có uống thuốc không thì bảo.

Giọng cô ỉu xìu:

– Uống thì uống. Nhưng ...

Anh nhíu mày:

– Còn chuyện gì nữa đây cô nương?

Không hiểu sao anh lại lo cho cô như người thân của mình vậy. Họ chỉ là hàng xóm mới với nhau thôi mà. Hơn nữa, anh với cô từ trước đến giờ như nước với lửa vậy đó.

– Tôi nói thật chuyện này anh và chị Lượm đừng có cười tôi nha.

– Ừ!

– Nhớ nha.

– Biết rồi.

Cô ngập ngừng một lúc rồi nói:

– Tôi không uống thuốc viên được.

– Sao lại không?

– Mỗi lần tôi uống thuốc vú đều nghiền ra rồi bỏ đường vào cho tôi nữa.

Trần Luân trố mắt nhìn cô:

– Cái gì?

– Anh nghe không rõ hả?

– Nghe rõ nhưng tôi không tin vào tai mình nữa.

Chị Lượm cố gắng lắm nhưng vẫn không thể nín cười được. Chị che miệng lại cười khúc khích. Bị quê, cô chu môi:

– Hứa là không cười em rồi mà.

Anh lắc đầu:

– Tôi không biết cô mười tám tuổi hay là trẻ mầm non ba, bốn tuổi nữa.

Anh đành phải nghiền thuốc cho cô uống.

– Nè! Uống đi!

Cô hỏi lại:

– Anh có bỏ đường vào chưa? Thuốc đắng lắm đó.

– Bộ cô không nghe người ta nói “thuốc đắng dã tật” hả?

– Nghe.

– Vậy thì uống đi.

Anh đưa cho cô cục kẹo:

– Nè! Được chưa, tiểu thư?

Cô cười thật tươi:

– Được rồi. Cám ơn “lão gia” nhiều.

– Tôi mà là “lão gia” sao?

Cô cong môi:

– Chứ gì nữa! Vừa gia trưởng vừa hung dữ hay bắt ép người khác làm theo ý mình.

– Như thế chỉ tốt cho cô thôi.

– Vậy sao?

– Hỏi hoài mệt quá.

– Mệt thì nghỉ đi.

– Hai người ngủ cho khỏe đi. Tôi phải đi giải quyết hậu quả của mấy người nữa.

Trần Luân cho xe từ bệnh viện lao thẳng về nhà. Chiếc Future X của anh chạy như máy bay luôn. Anh thắng gấp:

Két ...

Căn biệt thự sang trọng hiện ra, anh bắt đầu nhấn chuông ...

Ping ... Poong ...

Bà vú chạy nhanh ra vì ngỡ là Tú Quỳnh về đến. Anh nhanh miệng:

– Vú an tâm đi. Tú Quỳnh đi du lịch về Cần Thơ với chị Lượm rồi.

– Sao Tú Quỳnh không nói gì với vú hết vậy?

– Tại hôm qua cô ấy ngồi xe suốt mấy tiếng đồng hồ, mệt quá ngủ quên mất tiêu.

– Ủa! Mà sao con biết vậy Luân?

– À! Tại chị Lượm nói cho con biết ạ.

Anh đành phải nói dối để bao che cho Tú Quỳnh. Cô không muốn bà vú biết vì sợ bà lo lắng. Bà mà biết thì thế nào ba mẹ cô cũng biết.

– Vú ơi!

– Gì vậy cậu Luân?

– Tú Quỳnh nhờ con về nhà nói với vú sắp xếp quần áo vào vali cho cô ấy.

– Tú Quỳnh định đi bao lâu mà phải mang theo quần áo vậy Luân?

– Chắc khoảng một tháng.

– Một tháng?

Anh gật đầu:

– Dạ!

– Sao lâu vậy?

– Đi du lịch mà vú.

– Nhưng đi như thế ai sẽ chăm sóc cho tiểu thư?

– Có chị Lượm, vú đừng lo.

– Con có biết chỗ đó không?

– Dạ biết ạ!

– Thế thì con hãy đưa vú đến đó. Một mình Tú Quỳnh, vú không an tâm.

– À! Tú Quỳnh nhờ con chuyển lời với vú là vú phải ở nhà để dọn dẹp nhà cửa, sẵn trông nhà luôn.

– Vậy hả?

– Nhưng mà ...

Anh chuồn lẹ:

– Thôi, con về đây.

Anh lấy chìa khóa tự mở cổng vào nhà, bà Mai Thanh thì vẫn còn ngủ trên xa-lông chưa thức dậy. Có lẽ vì hôm qua bà thức khuya chờ chị Lượm mệt quá nên ngủ rất ngon lành.

– May quá! Mình sẽ dọn đồ mà cô không hay biết.

Anh nhẹ nhàng ra khỏi cửa thì có tiếng gọi lại:

– Luân!

Anh quay đầu lại, cười thật tươi:

– Chào cô!

Bà lấy tay dụi mắt cho tỉnh táo hẳn:

– Con lấy quần áo đi đâu mà xách vali to đùng thế?

– Con ...

Bà nhìn quanh nhà hỏi tiếp:

– Con Lượm chưa về hả Luân?

– Dạ rồi ạ! Chị ấy về lúc cô còn ngủ.

– Thế nó đâu rồi?

– Dạ, đi rồi.

– Đi đâu?

– Chị ấy đi du lịch ở Cần Thơ rồi.

– Cần Thơ?

– Dạ!

– Hôm nay nó bày đặt đi du lịch nữa hả?

– Tại công ty của Anh Đào cho vé đi du lịch Cần Thơ, con không đi vì phải lo rất nhiều việc nên cho vé chị ấy đi.

– Sao không nghe con nói gì hết vậy?

– Tại hổm nay con quên.

– Nó đi mà cũng không xin phép cô tiếng nào cả.

– Tại cô ngủ nên chị ấy không dám đánh thức cô dậy.

– Thế khi nào nó về?

– Một tháng ạ.

– Lâu quá vậy?

– Cho chị ấy đi để chị ấy học hỏi thêm nhiều điều.

– Nhưng công việc của gia đình mình rất nhiều.

– Con sẽ làm thay chị ấy.

– Con thật là ...

– Thôi, con đi nha cô.

– Ừ. Mà con đi đâu vậy?

– Con mang hành lý giúp chị ấy.

Anh tranh thủ ra ngoài, nếu cứ nói chuyện hoài không khéo là lộ tẩy hết. Lần này anh vất vả lắm đây, phải một mình chăm lo cho hai bệnh nhân.

– Sao trở thành ông quản gia vầy nè?

Anh không làm nhiệm vụ đó thì ai có thể giúp họ đây. Mọi người mà biết anh theo phe của Tú Quỳnh và chị Lượm giấu sự thật, họ sẽ mắng anh một trận nên thân chắc luôn.

– Thôi kệ! Tới đâu hay tới đó.

Anh mang lỉnh kỉnh các thứ vào bệnh viện, ai cũng nhìn anh hết, họ nghĩ:

– Anh ta giỏi thật. Nuôi một lúc đến hai người bệnh.

Tại phòng bệnh, anh tra hỏi:

– Tại sao hai người lại bị gãy chân thế hả?

Chị Lượm và Tú Quỳnh đều im lặng. Anh tiếp tục:

– Tại sao hả?

Sợ quá chị Lượm lên tiếng:

– Tại bị chiếc xe đè lên người.

– Thế tại sao lại như vậy?

Tú Quỳnh trả lời:

– Vì tôi không thấy đường nên bị té.

– Cô chạy xe sao lại không thấy đường hả?

Cô dẩu môi:

– Tại cái mắt kính đen chết bầm chứ có phải tại tôi đâu.

– Là sao?

Chị Lượm tường thuật lại mọi chuyện:

– Chị và Tú Quỳnh vào trung tâm mua sắm chọn hết thứ này đến thứ khác.

Sau đó, Tú Quỳnh mua một cặp mắt kính đen hàng hiệu.

Anh thắc mắc:

– Thế thì liên quan gì đến chuyện té xe?

– Có chứ em.

Tú Quỳnh chen vào:

– Anh chưa nghe hết câu chuyện mà đã vội hỏi rồi.

– Vậy chị kể tiếp đi.

Chị Lượm tiếp tục:

– Tú Quỳnh thích quá, đeo nó hoài luôn.

– Rồi sao nữa?

– Để kể cho nghe.

– Chị kể đi.

– Phải im lặng chị mới kể được chứ.

– Em im rồi nè.

Chị Lượm huyên thuyên:

– Trời thì tối, có ai lại đeo mắt kính đen chạy xe không? Còn liều mạng chạy vào những con đường không có đèn nữa chứ.

– Hèn chi ...

– Cũng may là lúc đó xe chạy tới, họ thắng lại kịp, nếu không chiếc xe tải làm nhừ xương bọn chị rồi.

– Tức ghê, tốn tiền mua nó mà còn bị nó hại nữa, cái mắt kính chết bằm.

– Còn trách móc gì nữa, tại bản thân mình không cẩn thận thôi.

– Không phải tại tôi mà.

– Ừ. Vậy tại tôi, được chưa?

Tú Quỳnh nghe anh nhận lỗi về mình thì thích thú:

– Mọi chuyện là tại anh.

– Vậy mới chịu để yên chứ gì. Cô mà cằn nhằn mãi ai mà chịu nổi chứ.

– Ý anh là sao hả?

– Không cãi nữa. Điện thoại của cô đâu.

– Mất tiêu rồi.

Anh đưa điện thoại cho cô và bảo:

– Hãy gọi về báo cho vú biết là cô đang đi du lịch rất vui vẻ ở Cần Thơ. Một tháng nữa mới về.

Cô nhanh trí hiểu ra mọi chuyện và khen anh:

– Nói dối hay ghê luôn. Y như chú Cuội vậy đó.

– Tôi nói dối vì cô đó, không biết cám ơn mà còn ...

– Cám ơn. Được chưa?

Cô gọi xong thì chuyển máy sang cho chị Lượm gọi về bà Mai Thanh.

– Cô hả?

– Ừ!

– Con là Lượm nè cô.

Bà Mai Thanh khó chịu:

– Đến tận bây giờ mới gọi về cho cô hả? Mày ham chơi quá đi.

– Con xin lỗi cô. Cô ở nhà vui vẻ nha cô, nhớ giữ gìn sức khỏe nữa.

– Không có mày dĩ nhiên là tao rất khỏe, rất vui.

– Con biết cô nói vậy thôi chứ thật ra cô rất nhớ con khi con không có ở nhà.

– Ai thèm nhớ mày.

– Thật không cô?

– Thật! Thôi, tao phải cho trăn ăn đây. Không biết thằng Luân đi đâu mà giờ này chưa về.

– À! Chắc em ấy đi gặp Anh Đào đó mà.

– Thế nó đưa hành lý cho mày chưa?

– Dạ rồi ạ.

– Đi chơi nhớ ăn uống cẩn thận, ăn chỗ lạ nhớ quan sát kỹ, thời buổi này vệ sinh an toàn thực phẩm kém lắm nha con.

– Dạ, con biết ạ.

– Thôi nha, cô có khách rồi.

Bà Mai Thanh gác máy bàn xuống và chạy ra cửa mở cổng. Chị Lượm mặt bí xị:

– Chưa nói xong chuyện gì hết.

Tú Quỳnh đùa:

– Nói chuyện muốn cháy máy luôn mà còn bảo chưa nói xong hả?

Trần Luân căn dặn:

– Hai người không được cố gắng đi đâu nha. Nằm yên đó, có gì gọi em hay là y tá giúp.

– Chân thế này còn đi đâu nữa chứ.

Mỗi lần anh phải chạy về nhà làm việc thì anh nhờ y tá trong bệnh viện chăm sóc họ giúp anh.

Trần Luân chợt nhớ mình có hẹn với Anh Đào nên anh vội gọi điện thoại cho cô:

– Em hả?

Giọng Anh Đào khó chịu:

– Anh đang ở đâu vậy?

– Em chờ anh mười lăm phút nha.

– Lại trễ hẹn nữa sao?

– Em thông cảm cho anh nha.

Cô cộc cằn:

– Nhanh đi!

Anh tắt máy vội chạy nhanh đến trung tâm mua sắm. Anh dừng xe lại và nhìn đồng hồ:

– Hên quá, đúng mười lăm phút luôn.

Anh nhìn ngay chỗ hẹn nhưng chẳng thấy Anh Đào đâu cả. Anh nghĩ:

– Chắc là cô ấy đang mua sắm bên trong.

Anh không gọi cho cô mà lại đi thẳng vào bên trong. Bất ngờ bước chân anh khựng lại.

– Sao lại như thế?

Anh Đào đang tay trong tay với một người đàn ông khác. Lúc trước anh đã thấy một lần ở công viên nhưng cô đã năn nỉ và mong anh tha thứ, sao bây giờ lại ...

– À! Anh ấy kìa!

Thấy Trần Luân đang đứng ở đằng xa, Anh Đào dẫn người yêu mới của mình tiến đến gần. Cô cười thật tươi, đến mức thật trơ trẽn:

– Anh đến rồi hả?

Trần Luân không muốn nhìn thẳng để đối diện với cô, anh cúi hơi thấp đầu và trả lời:

– Ừ!

Anh Đào tự nhiên giới thiệu:

– Đây là anh Luân.

Cô tiếp tục choàng tay tình tứ qua người đàn ông bên cạnh:

– Còn đây là bạn trai của em.

Trần Luân bắt tay chào xã giao với người đàn ông đó mà anh giận đến nỗi máu nóng dồn lên, muốn đấm vỡ mặt hắn ta ra. Anh cố kìm nén cơn tức giận đó, gượng cười:

– Rất vui khi được quen biết anh.

Người đàn ông đó cũng vui vẻ lên tiếng:

– Tôi cũng vậy.

Anh Đào thật nhẫn tâm, cô có cần phải đối xử với anh tệ như thế không, dù gì họ cũng đã yêu nhau một thời gian khá lâu.

– Thôi, hai người cứ tự nhiên đi. Tôi có chuyện phải về rồi.

Người đàn ông đó níu kéo:

– Anh ở lại cùng mua sắm với bọn tôi đi.

Anh từ chối khéo:

– Hai người mua sắm vui vẻ nha, công việc bận lắm, hẹn lại khi khác nha.

Trần Luân ra ngoài trung tâm mua sắm, anh liền gọi điện thoại cho Anh Đào:

– Em ra ngoài nhà xe, anh có chuyện muốn nói.

Cô chưa kịp nói gì thì anh đã tắt máy. Một lúc sau, cô có mặt tại nhà xe. Anh hỏi nhanh:

– Tại sao em lại làm thế?

– Vì em muốn chúng ta chia tay.

– Thật sao?

– Thật!

– Em nỡ nói như thế hả Đào?

Cô vô tình:

– Sao lại không?

– Anh không ngờ Anh Đào của anh lại như thế.

Cô bắt bẻ:

– Tôi hiện giờ không phải là Anh Đào của anh nữa.

– Í, anh nhầm! Giờ em là của người ta rồi.

– Đúng vậy.

– Chẳng lẽ tình cảm bao nhiêu năm của chúng ta kết thúc thật sao em?

Cô cong môi:

– Chính xác. Nếu chúng ta tiếp tục sẽ làm khổ nhau thôi.

– Em thay đổi nhiều quá.

– Người thay đổi là anh mới đúng. Tốt nghiệp đại học kinh tế xong thì ở nhà chăn nuôi, thật ngớ ngẩn.

– Em có thấy mình quá lời với anh không?

– Nếu chúng ta tiếp tục, cuộc đời của em sẽ khổ, vì sao chắc anh biết mà.

– Anh hiểu rồi.

– Bạn trai của em là một thương gia giàu có, anh ta có thể đáp ứng mọi nhu cầu của em.

– Đối với em, tình yêu là như thế sao?

Cô tỉnh bơ triết lý:

– Anh không nghe câu “Có thực mới vực được đạo” hả?

– Đến bây giờ anh mới hiểu sự thật về cuộc sống này.

– Chưa muộn đâu anh. Anh có thể làm lại từ đầu mà.

– Thế sao?

– Vâng!

Trần Luân buồn hiu. Anh không ngờ người anh yêu thương, tin tưởng nhất lại trở mặt làm anh thất vọng não nề.

– Thôi, em vào trong đi, bạn trai của em đang chờ.

– Em vào đây.

Cô vừa đi vào thì anh gọi lại, anh định nói gì đó nhưng lại thôi:

– Chúc em hạnh phúc.

Cô cười tươi:

– Chắc chắn rồi. Anh cũng vậy nha.

– Chắc cũng sẽ như thế.

Anh bắt đầu lang thang khắp thành phố. Anh cho xe chạy mà không biết phải chạy đi đâu và đến đâu. Cả thế giới này như đang quay lưng lại với anh, anh cảm thấy cô đơn lạ thường, mặc dù ngoài đường đông nghẹt người mà anh ngỡ như chỉ có mình anh.