Tháng sáu, ngày dài ra như không muốn dứt. Mười giờ đêm, trời vẫn đủ sáng cho ai muốn đọc sách không đèn.

Tháng sáu, đời sống như dài thêm, bởi vì buổi chiều dài thêm. Ôi, những buổi chiều bất tận của tháng sáu phù du !

Năm nào anh Tuân cũng "ôi" một câu như thế để ca tụng tháng sáu và để tiếc nó chóng qua.

Tháng sáu làm anh vui hơn, trẻ hơn, thấy cuộc đời đẹp hơn, yêu mọi người hơn, máu chảy mạnh hơn. Khi anh đi làm về, chị Tuân đã dọn sẵn bàn ngoài vườn : rượu khai vị, đồ nhắm.

Anh tắm nhanh, thay quần áo nhẹ, chải tóc mượt mà, người thơm phức, mát như trẻ thợ Ngả dài trên ghế, anh nhắm mắt hít hơi nắng nồng nàn còn vương trên lá, nghe buổi chiều êm ả ru anh bay theo dải mây trên trời.

Con cái đã ăn xong trong bếp, hai vợ chồng ăn riêng với nhau ngoài vườn. Họ ngồi với nhau cho đến khi chị Tuân thấy bóng đêm lành lạnh trên vai, phải mượn hai cánh tay của anh Tuân để sưởi. Ôi, những buổi chiều bất tận của tháng sáu thần tiên !

Anh Tuân là người có hoa đầu lưỡi. Anh ăn nói dễ dàng, tự nhiên, làm đẹp lòng người. Cách sống của anh cũng vậy, giản dị, hồn nhiên, thư thái, đem dễ chịu cho người chung quanh. Ai cũng mến anh, vậy mà anh lại rất ít bạn thân, tuy rất nhiều bạn. Trong số bạn thân hiếm hoi đó, anh lại gần như thân nhất với một cặp vợ chồng già đáng tuổi bố mẹ anh.

ông bà này qua Pháp hơn hai mươi năm rồi, nhưng lúc đầu đi làm ăn xa với một người bạn ở Tân Đảo. Mãi đến khi về hưu ông bà mới mua nhà định cư ở Pháp. Ở Tân Đảo, ông bà không ưa. Ở Pháp, ông bà không hợp. Hai vợ chồng già sống ru rú với nhau cả ngày trong nhà, cửa ngõ đóng kỹ, sợ tiếng bấm chuông, sợ bước chân trong hành lang, sợ tiếng cãi cọ ngoài cửa sổ, sợ cả im lặng.

Mua nhà là chuyện cực kỳ gian truân của hai bác, là tính toán chiến thuật chiến lược ở cả hai tầm vi mô và vĩ mộ Nhà phải ở trong khu vực an toàn nhất. Phải nằm trong một chung cư không có bóng người da màu. Không ở tầng sát đất, cũng không ở tầng trên cao : sát đất kẻ lạ dễ lẻn vào ; trên cao lỡ nhà cháy chạy không kịp. Hai ông bà đã quen tính toán suốt đời, và tính toán thành công. Vậy thì mua nhà cũng phải thành công thôi.

Quả nhiên, nhà hai bác nằm đúng tầng thứ nhất, khỏi cần đi thang máy, khỏi sợ kẻ gian lẻn theo chân. Cửa sổ của nhà mở ra ngay bên trên cửa sổ của người gác dan : có chuyện gì bất an ngoài hành lang, mình có thể kêu vọng qua cửa sổ. Trên đầu, ngay tầng thứ hai, phòng mạch của ba bác sĩ nằm kế phòng chữa răng của hai nha sĩ. Một ông bác sĩ là người Việt, một cô nha sĩ cũng là người Việt, bác gái khỏi lo cắt nghĩa bệnh tình không được cặn kẽ. Ở cuối đường, một trạm xe chữa lửa sẵn sàng ò e hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn giờ.

Cuối cùng, như một chiếc nhẫn đã đẹp vẹn toàn lại còn nạm thêm một hạt kim cương óng ánh, ngay trước mặt nhà, chênh chếch một tý thôi, vừa đủ để khỏi bị một cửa hàng tạp hoá che khuất, tấm bản sơn cờ ba màu của bót cảnh sát hào hùng phô mình dưới lá cờ tuy đã cũ vẫn phất phơ khí phách.

Nhà cửa an toàn chu tất như thế, cần phải đi đâu nữa ! Tháng tám, con cái mời đi nghỉ hè, ông bà lắc đầu, người chết trên xa lộ đông hơn nạn nhân chiến tranh. Phải nài nỉ khan cổ, ông bà mới chịu nhận lời đi ăn tối với một người quen : đường phố đêm khuya càng ngày càng nhiều du thủ du thực. Thảng hoặc phải đành lòng nhận lời ăn cưới, đúng mười giờ đêm là ông bà bật lò xo đứng dậy dứt khoát cáo từ.

Tất nhiên cưới hỏi cũng là lĩnh vực mà ông bà đã chiến thuật chiến lược gian khổ. Hai bác có tám người con, toàn là gái. Qùa trời cho, đâu có tính toán được. Nhưng rể con thì phải tính toán chứ ! Tín đồ trung kiên của địa phương chủ nghĩa, nhỏ lớn chỉ rời quận Hóc Môn để ra đi biền biệt, ông bà sợ nhất là có rể Bắc.

Chiến thuật chiến lược, ông bà vạch đường chỉ lối thế nào mà bốn cô con gái đầu đều lấy chồng người Nam. Hay thế ! Nhưng ma quỷ cũng biết chỉ lối đưa đường, bốn cái má hồng sau cứ chọn toàn dân Bắc kỳ xông vào.

Mà quái lạ, bốn anh rể Nam lâu lâu buồn chân mới đến nhà cha mẹ vợ một lần, bốn anh rể Bắc thì luân phiên hầu hạ như con ruột. Bạn thân nhất của ông cũng là Bắc : anh Tuân gốc Hà nội chính cống, cuốn rốn chôn giữa phố Hàng Đào.

Cái gì xui khiến cặp vợ chồng già Hóc Môn trở thành tri kỷ của tay hào hoa Hà nội? Có gì đâu, anh Tuân là người rất sành ăn và cặp vợ chồng già không có thú vui nào khác trong đời ngoài việc nâng niu những món ăn ngon như người khác vuốt ve cây cảnh. Một người có hoa tay khi nấu, một người có hoa lưỡi khi ăn, hai người nghệ sĩ tìm đến nhau như cá đến với nước mắm.

Anh Tuân có lần nói đùa với vợ : " nếu phải lựa chọn giữa em với món tiết vịt của bác Năm, anh dứt khoát lựa... ". Hai vợ chồng cái gì cũng tâm đầu ý hợp trừ khi chị Tuân nghe anh đê mê tả vị ngon của miếng thịt dê tái hoặc cái ngọt của lát dao khi bác Năm lấy huyết vịt.

Ngày mười lăm tháng sáu, anh Tuân đang làm việc thì được điện thoại của bác Năm. " ông Tuân ơi, đổi chương trình rồi, chiều nay chứ không phải chiều mai. Đáng lẽ chiều mai chúng nó mới mang vịt đến, thế mà không hiểu làm sao chúng nó vừa mới bấm chuông giao vịt đây này. Vậy chiều nay ông đến nhé. Nhớ đấy, chiều nay chứ không phải chiều mai như đã hẹn ". Anh Tuân suy nghĩ : chiều nay anh đã lỡ hẹn với vợ đi mua quà sinh nhật cho đứa con đầu, thế này thì rắc rối thật rồi, thì phải lựa chọn giữa em với tiết vịt rồi !

Khi hai phe đánh nhau mà bất phân thắng bại, kỹ thuật thương thuyết là kéo dài để chờ xem. Buổi chiều, lúc ba giờ, anh có hẹn tại sứ quán để làm hộ chiếu. Anh tính toán : nếu phải chờ lâu quá để làm giấy tờ, mình sẽ điện thoại cho vợ nói là mắc kẹt tại sứ quán, không về sớm được để đi mua quà.

Không ngờ lần này anh Tuân làm xong hộ chiếu nhanh quá, vào là ký ngaỵ Thế là anh vui quá, vui như lúc vừa bước qua bên kia cửa khẩu, trước mặt là gia đình đến đón. Hai tuần làm việc ở trong nước, bao nhiêu hào hứng ! Bạn bè lại sắp nói đùa với chị Tuân : " Chị Ơi, Tuân nó bảnh trai thế kia, không khéo các cô ấy lại cầm nhầm mất thôi ! ". Vợ anh lại sắp mỉm cười lấy lòng, chị thừa biết hai cánh tay của anh thì chỉ dành cho một vai chị mà thôi, hạnh phúc của hai người cứ như buổi chiều tháng sáu, kéo dài bất tận.

Anh Tuân không về thẳng nhà mà ghé vào sở. Anh vẫn có thể điện thoại cho chị, nói rằng tháng sáu người ta làm đuôi đông quá tại sứ quán như mọi tháng sáu. Nhưng nói thế hèn quá. Anh trình bày sự thật như là sự thật, nghĩa là có món tiết vịt khiến anh cầm lòng không đậu. Lúc đó chưa tới sáu giờ, trời nắng như vừa mới nắng, như vẫn ban mai. Quái, sao lòng vui thế này ! Tại mùi tiết canh hay tại tấm hộ chiếu trong túi áo?

Anh lật lật hồ sơ, nhưng trong đầu chỉ lao xao tiếng sóng vỗ đâu từ vịnh Hạ long. Cùng lúc đó, chị Tuân nhấc điện thoại định gọi cho anh. Chị thương chồng quá, định nói anh tạt qua nhà đón chị để cùng đi đến nhà bác Năm luôn thể, nhưng chưa kịp nói thì đứa con đi xe đạp ngoài vườn vấp phải trái banh anh nó vừa đá đến, ngã xuống sân, khóc ré. Chị gác điện thoại, chạy ra vườn, không gọi anh Tuân nữa.

Anh Tuân nhìn đồng hồ khi đến nhà bác Năm : chín giờ tối. Không, chín giờ chiều. Gớm, chiều tháng sáu có khác, xe đông nghẹt trên xa lộ, hai xe nào đấy lại tông nhau nát bét, kẹt cứng cả giờ.

Anh bấm chuông. Biết là tri kỷ đến, nhưng hai ông bà, quen lệ, vẫn quan sát kỹ qua kính mắt cáo, bà trước ông sau, để kết luận rằng đó đích thực là thằng Tuân, không phải ai khác. Trong bếp, mùi hành tỏi thơm phức. Bác gái đang cầm cây dao to tướng trong taỵ Bác nói : " Tôi chờ anh Tuân đến để chặt thịt vịt, chặt trước không ngon. Các ông nhắm tiết canh trước đi ". Anh Tuân xin lỗi : " Kẹt xe cả giờ, đói quá ! Cháu vào rửa tay rồi ra ngay ". Kỳ thực, anh vào nhà cầu, anh đau bụng quá, Tào Tháo đuổi anh suốt trên xa lộ, tưởng đã đầu hàng nó.

Trên bếp, nồi cháo vừa sôi, khói bốc um. Bác gái chặt thịt vịt trên thớt, lát nào lát nấy đốp đốp. Nước reo, khói bốc, dao chặt, hành tỏi thơm, cái bếp của bác Năm là giang sơn của no ấm, phồn vinh, an cư, hạnh phúc. Ở trong pháo đài hạnh phúc đó, đâu cần biết gì sự việc bên ngoài.

Bên ngoài, thì vẫn thế thôi, vẫn chừng ấy tiếng ồn, vẫn thỉnh thoảng tiếng phanh xe buýt. Vẫn rất nhiều thanh niên đang đi ngoài đường. Một thanh niên nhiều râu dừng lại trước một cửa nhà, gõ cửa. Có gì lạ đâu? Anh gõ ba lần, năm lần, mười lần. Anh đập cửa thình thình. Gọi tên chủ nhà. La lối. Rồi van nài. Chửi. Cửa vẫn đóng im ỉm. Anh đá vào cửa. Vẫn đóng. Đá cái nữa, bỏ đi. Người qua lại trên đường, ai có chuyện nấy, liếc nhìn, rồi thôi, chuyện đó bình thường. Chỉ có đương sự biết là không bình thường. Biết là phải chấm dứt. Bởi vì anh ý thức anh sắp lên cơn điên. Anh gõ cửa nhà bạn để giúp anh chận đứng cơn điên như anh đã nhiều lần gõ cửa như thế và nhiều lần qua khỏi cuồng loạn. Nhưng bạn anh chiều nay đã đóng cửa. Chắc hẳn người kia có bao nhiêu chuyện khác phải làm.

Chiều tháng sáu trời không chịu tối. Trời sáng như thế, làm sao anh thanh niên ở một mình trong nhà được ? Làm gì cho hết buổi chiều? Trời sáng, làm sao ngủ ? Lửa cháy trong đầu, làm sao tắt ? Làm sao tắt mặt trời đang cháy? Anh bỏ đi, đi về phía nhà thờ. Anh nghĩ đến ông mục sư với quyển kinh. Hai ba lần, anh đã đọc kinh như thế với ông. Và thấy đầu dịu lại. Anh đến trước cửa, gõ. Ba lần, năm lần, mười lần. Đấm thình thình. Kêu tên. Van nài. Chửi. Cửa đóng im ỉm. Bên cạnh nhà thờ là hiệu sách nhỏ. Anh thanh niên đập đầu vào cửa kính, máu chảy đầy mặt, đầy tóc.

Anh vuốt máu, nhìn quanh. Đàng xa, lá cờ ba màu phơ phất. Đó là lá cờ trước bót cảnh sát. Đó là bót cảnh sát nằm chênh chếch trước mặt nhà bác Năm. Anh thanh niên đi về phía lá cờ. Có chuông điện nơi bót cảnh sát, nhưng anh cứ gõ cửa. Ba lần, năm lần, mười lần. Đấm thình thình. Chửi. Đấm nữa. Kêu to : " Nhà thương ! Cho tôi đi nhà thương ! ". Bên trong, nhân viên trực thấy người thanh niên máu me loang lổ, đấm đá cuồng loạn, vội gọi điện thoại cho xe đi tuần vừa mới ra ngõ, bảo tức tốc quay đầu về.

Chiều tháng sáu, bao nhiêu nhà đãi khách ngoài vườn. Người gác dan ở dưới nhà bác Năm cũng đãi khách như thế, trong khoảnh vườn con, cạnh cửa sổ. Khách đông. Phải một chiếc bàn lớn, ba chiếc bàn con, nhiều ghế. Đâu phải ăn tối. Ăn trưa ! Ăn từ một giờ trưa đến năm giờ chiều. Một số ra về, vài người ở lại lai rai đến chín giờ tối. Chín giờ, chủ tiễn khách ra đường, trời vẫn còn nắng, lại lai rai nói chuyện, lai rai đưa người này, chào người khác tận xe.

Không ai để ý đến anh thanh niên đang đá vào cửa bót cảnh sát rầm một cái, rồi càu nhàu bỏ đi. Đi vài bước, chợt anh thấy trước mắt một cánh cửa sổ mở. Một cánh cửa mở ! ôi thiên đường ! Đó là cửa sổ nơi bếp nhà bác Năm, trong đó khói đang bốc, nối cháo đang sôi, hành tỏi đang dậy mùi, con dao to tướng đang đốp đốp. Trời tháng sáu nóng, bếp lửa nóng, khói um, dù đứng về mặt chiến lược cửa sổ phải đóng, nhưng nguyên tắc nào cũng có ngoại lệ.

Vả chăng dưới cửa sổ là cửa sổ người gác dan, và bên ngoài cửa sổ đó khách khứa đang nói cười từ một giờ trưa. Anh thanh niên nhảy gọn vào vườn, bàn ghế sẵn sàng cả, như chờ đợi anh. Anh đặt chiếc bàn nhỏ trên chiếc bàn lớn, chiếc ghế ba chân trên chiếc ghế bốn chân, đu người một cái là vào thiên đường của anh.

Chuyện gì xảy ra sau đó, chẳng cần đọc biên bản của cảnh sát, khai báo của nhân chứng, cũng rành rành trước mắt. Cứ tưởng tượng bà già đang chăm chú chặt thịt bỗng thấy hiện ra một người máu me nơi cửa sổ. Cứ tưởng tượng con dao to tướng bà cầm trong taỵ Cứ tưởng tượng ông bà vừa kinh hoàng kêu cứu vừa loạng choạng hươi con dao trước mặt người điên. Và tưởng tượng anh Tuân từ trong nhà cầu ôm quần lúng túng chạy ra. Chỉ có thể như thế thôi : anh thanh niên giật cây dao trong tay bà già, say máu chém loạn xạ, chém luôn anh Tuân vừa chạy vào bếp, chân tay luýnh quýnh, rồi tiện tay thọc dao vào cổ mình. Bốn xác chết. Một biển máu. Một đĩa huyết vịt.

Xe cảnh sát xộc đến ngay lập tức, chưa đầy một phút sau. Nhân viên trực đã nhận được báo động của ông mục sư và của người bạn. Ông ta nhìn theo anh thanh niên và thấy anh đu vào cửa sổ căn nhà trước mặt. Rất có thể anh thọc dao vào cổ khi nghe tiếng ò e của xe cảnh sát bên dưới.

* * *

Đất chôn anh Tuân rồi, nhưng không chôn nổi hai chữ " giá như " trong đầu bạn bè anh. Giá như người gác dan không mời khách hôm đó, hoặc mời khách nhưng đừng lai rai đến chín giờ chiều, hoặc lai rai đến chín giờ nhưng đừng lai rai tiễn khách như thế. Giá như xe cảnh sát đi tuần trễ hơn một phút, hoặc đến sớm hơn một phút. Giá như ông mục sư mở cửa thêm một lần nữa, một lần nữa thôi. Giá như con vịt được giao đúng hẹn, nghĩa là chiều hôm sau đó . Giá như anh Tuân đừng về lại sở. Giá như anh tạt qua nhà đón chị cùng đi...

Tất nhiên chị Tuân là người khổ nhất với hai chữ " giá như " đó. Trong những " giá như " dày vò chị như vậy, có một " giá như " vô duyên mà chỉ một mình chị biết thôi : giá như lúc chín giờ tối ngày mười lăm tháng sáu anh Tuân không bị đau bụng đi cầu. Như thế, anh đã có thể ngồi vào bàn bên cạnh cửa sổ, thoải mái nếm tiết canh, và đã có thể đối phó với mọi tình huống trong một tư thế tay chân thuận lợi hơn. Suốt mấy tháng trời, uất khí chặn đứng cổ chị Tuân mỗi lần chị nghĩ đến nguyên nhân của cơn đau trong bụng anh Tuân.

Chị thấy rành rành nguyên nhân chỉ có một. Chị đâu biết rằng nguyên nhân có cả trăm nghìn trong bất kỳ chuyện tầm phào nào vớ vẩn nhất trong mọi chuyện tầm phào làm nên cuộc sống thường tình hàng ngày của mỗi người. Anh Tuân của chị đã sống một buổi chiều tầm phào như thế, một buổi chiều như mọi buổi chiều, trừ chữ "ôi" làm máu anh chảy mạnh hơn thường lệ.

Chiều hôm đó, khi về lại văn phòng làm việc với tấm hộ chiếu trong túi, anh Tuân thấy buổi chiều tháng sáu trong sở cứ nhấp nhô sóng Hạ long. Hứng chí, anh gọi điện thoại qua hiệu cà phê bên cạnh, bảo mang đến cho anh một cốc kem. Anh chợt nhớ kem Hà nội lúc nhỏ. Cô hàng kem quen biết hỏi anh muốn ăn kem gì. Anh vui miệng nói : " Cô bảo tôi muốn cái gì thì tôi muốn cái nấy ". Cô hàng kem đang túi bụi với khách khứa, sẵn cốc kem đang cầm trong tay, bảo chú hầu bàn mang qua cho ông khách thân bên kia đường.

Đó là một cốc kem to tướng với chất béo của sữa tươi đánh lên trắng xoá, cao nghều nghệu như núi tuyết Phú sĩ bên Nhật. Anh Tuân có dạ dày cực tốt, món gì cũng nạp được, kể cả cơm hến ở Huế, trừ sữa. Một giọt sữa tươi lọt vào bụng là ruột già râm ran báo động. Anh cầm cốc kem : nào có giọt sữa nào đâu, chỉ thấy tuyết trắng thơm phức. Anh ăn ngon như trẻ con, ưỡn người dài ra trên ghế, một chân duỗi thẳng lên bàn, chân kia gõ nhịp theo điệu nhạc gì đó trong đầu.

Lúc đó đã gần bảy giờ chiều, đồng nghiệp lần lượt rời sở gần hết, về trễ để tránh kẹt xe. Cô thư ký của anh ghé chào anh để về, xắc tay lủng lẳng trên vai. Cô mở tròn mắt, ngạc nhiên nhìn sếp của mình ăm kem trong tư thế của một người nằm trên bãi biển, dưới dù che nắng. Anh Tuân reo lên : " Cô vào đây tí đã, mặt trời chưa cho phép cô về đâu ". Cô thư ký nhìn kem dính trắng nơi khoé môi anh Tuân, nơi cả râu nữa, ngập ngừng nói : " ông Tuân, ông có biết là ông cần một cái khăn tay không ? Tôi cho ông mượn nhé ! ". Cô đặt xắc trên bàn làm việc, mở ra, lấy khăn tay, dụ dự một lát, rồi cúi xuống lau nhẹ vết kem nơi râu anh Tuân, nơi miệng anh Tuân. Mùi thơm thoang thoảng từ khăn tay toa? ra, từ áo toa? ra.

ít nhất là có ba cô thư ký trong sở quyến luyến anh Tuân. Chị Tuân biết thế, nhưng không biết làm gì khác hơn là tin chồng. Đâu có phải cứ hào hoa là không chung thủy. Mà cánh tay của anh Tuân... Lúc đó, anh chỉ cần đưa cánh tay ra là một trong ba cô thư ký ca khúc khải hoàn trên những ao ước của các cô kia. Nhưng anh Tuân không nghĩ gì khác trong đầu ngoài tiếng sóng vỗ ngây ngây nơi nắng buổi chiều tháng sáu.

Anh thấy như vậy là hạnh phúc quá rồi, cái gì cũng nhẹ nhàng như mùi thơm nơi chiếc khăn taỵ Anh vui vẻ nói : " Cô biết không, tôi chưa bao giờ ăn một ly kem ngon như thế này trong đời trừ ly kem của tôi lúc nhỏ. Tuyệt ! Tất cả hương vị của tháng sáu ! Tôi gọi cho cô một ly nhé ! ". Không đợi trả lời, anh nhấc điện thoại : " Cô Lise nhỏ bé của tôi đấy phải không ? Chưa bao giờ tôi ăn một ly kem ngon thế trong đời. Cô có biết cô ban hạnh phúc cho tôi như thế nào không ? Cho thêm hai ly nữa nhé ! Hai ly ! ". Cô thư ký nhanh nhẩu ghé miệng vào ống điện thoại, nói sát vào miệng anh Tuân : " Nhiều kem trắng vào nhé ! Thật nhiều nhé ! "

Lần này, đích thân cô hàng kem xinh đẹp mang hai ly kem ngất ngưởng tuyết Phú sĩ đến trước mặt anh Tuân. Anh nhận hai ly kem nơi tay cô hàng, thân mật đọc một câu thơ : " Em mang hạnh phúc chứa đầy tay ". Không ngờ cô hàng kem cảm động quá. Sau đó, khi khai với cảnh sát, cô còn đọc thuộc lòng câu thợ Cô chỉ không biết hậu quả của hạnh phúc mà cô ban.

Trong nhà cầu, anh Tuân rút điện thoại cầm tay gọi cho vợ. Vợ chồng vốn tâm sự với nhau những chuyện sâu kín của lòng, thi phú là chuyện màu mè với thiên hạ.

_ Em ơi, anh đau bụng dữ dội. Đau thắt, đau quặn. Đang ở trong cầu tiêu.

Chị Tuân lo quýnh :

_ Coi chừng kẻo ruột thừa...

_ Không phải đâu. Tại uống sữa. Giá như có em ở bên cạnh để cầm tay anh lại...

_ Uống mấy ly?

Anh Tuân định trình bày sự thật như là sự thật, nhưng tự nhiên lại nói chệch ra :

_ Đâu có mấy ly ! Buồn ngủ quá, kêu một ly cà phê, nó nhầm, mang qua một ly cà phê sữa, chả nhẽ lại bảo nó mang về, lôi thôi quá.

Nói thế đâu có phải dối vợ ! ý của anh là muốn nói với vợ anh đau bụng. Chả nhẽ đang ngồi trong nhà cầu mà tâm sự với vợ về hạnh phúc thơm mát của buổi chiều tháng sáu? Của chiếc khăn tay? Chả nhẽ kể chuyện ăn kem với cô thư ký ? Vớ vẩn với cô về hạnh phúc đơn sơ của một buổi chiều dài? Chắc cô cũng chẳng hiểu anh đâu. Chẳng biết ly kem bờ hồ trong đầu anh là gì . Chỉ thấy cô ăn kem với ánh vui trong mắt. Cô không ăn bằng thìa mà lấy lưỡi liếm quanh tuyết trắng, rồi duyên dáng lấy chút đầu lưỡi quét nhẹ khoé môi, môi cô chúm chím, răng cô trắng đều.

Anh Tuân nhìn cô ăn, thấy vị mát nơi lưỡi cô thấm từ từ vào ruột mình. Anh nói thật thà : " Trông cô ăn, thích quá ! " . Cô thư ký ngước mắt nhìn anh Tuân. Rồi cô chớp hàng mi cong, múc một thìa kem đưa vào miệng anh. Anh Tuân ăn thìa kem, chẳng động tĩnh gì cả, chỉ khen ngon. Chả nhẽ múc thêm thìa nữa? Cô khuấy khuấy ly kem. Một lát cô hỏi : " ông đang nghĩ gì ? ". Anh Tuân cứ thật thà : " Tôi nghĩ cuộc đời thật đẹp ".

Ngang đó thì chuông điện thoại reo, ông giám đốc nghe nói cô thư ký còn đấy, mừng quá, bảo lên gấp. Một buổi chiều như mọi buổi chiều trong sở.

Nghe tin anh Tuân chết, cô thư ký khóc sưng mắt. Cô thú thực buổi chiều hôm đó cô chỉ ao ước được anh Tuân chiếu cố tình cảm thầm thì của cộ Không ngờ anh Tuân khó hiểu quá, máu âu châu nơi cô không hiểu nỗi kiểu lãng mạn á châu cổ điển, tiền hiện đại. Nhưng cô thú nhận bị thu hút đến rùng mình trước nỗi vui ngây thơ nơi anh Tuân khi mắt anh diễn tả cái ngà ngà say của buổi chiều tháng sáu. Cô nghẹn ngào : " Giá như hôm ấy ông Tuân phấn khởi hơn chút nữa... Chắc chắn tôi sẽ giữ ông lại thêm nửa giờ, một giờ, hay năm phút cũng được. Chỉ cần ông ấy về nhà trễ hơn năm phút thôi... ". Cô khóc thút thít : " Giá như lúc đó không có cú điện thoại đao phủ của ông giám đốc... ".

ông giám đốc nghe thế, tái mặt, phân trần: " Bên Nhật gọi tôi, đòi tức tốc gửi ngay hợp đồng, không thì mất phần, tôi hỏi họ cho tôi ngày mai được không, anh chàng Nhật bên kia nói không được, đã có hẹn đi chơi với cô bạn gái. Thế thì tại cô Nhật nào đó, đâu phải tại tôi ".

Ở bên kia thế giới, biết đâu anh Tuân có đủ thì giờ và kiên nhẫn để tìm tác giả cái chết của mình. Anh sẽ tìm chiều dọc, rồi anh tìm chiều ngang. Chiều dọc sâu thăm thẳm, hun hút, anh giật mình thấy một kiếp trước, hai kiếp trước. Chiều ngang trải dài vô tận, mênh mông, từ Nhật qua Mỹ, vươn tới trăng sao. Chị Tuân bao nhiêu lần mộng thấy anh giương mắt hỏi, chị cứ ngỡ là anh uất ức. Chị tưởng như còn nghe anh nói: " giá có em bên cạnh cầm tay anh lại... ". Có bao giờ chị cho anh uống cà phê sữa đâu !

_ Có bao giờ em cho anh uống cà phê sữa đâu? Khổ quá, trong tủ thuốc trên cầu tiêu còn hộp ganidan má vừa mở, anh uống ngay hai viên rồi về nhà liền. Lái xe nổi không, em đến đón nhé !

Anh Tuân vừa được giải phóng, thoa dịu chị :

_ Thôi, đi được rồi, toàn cả nước, nhẹ hẳn bụng, em đừng lọ Gớm, có hai giọt sữa mà như động đất.

Chị Tuân rời ống điện thoại, sục sạo tủ thuốc. Năm phút sau, điện thoại lại reo, chị cuống lên, khổ quá, lại một cơn đau bụng nữa rồi, bao giờ cũng thế, phải đi mấy lần. Nhưng không phải giọng anh Tuân.

_ Alô... có phải bà Tuân đấy không ạ, đây là cảnh sát. Mời bà đến ngay tại địa chỉ... Vâng, vâng ông ấy bị tai nạn.

Khi cảnh sát ập vào nhà, thói quen nghề nghiệp đầu tiên là moi vào túi. Họ rút tấm hộ chiếu của anh Tuân trong đó có ghi địa chỉ.

Chị Tuân mộng thấy anh Tuân giương mắt hỏi, chị nức nở : " Năm phút trước, em còn nghe giọng anh, năm phút sau... ". Trong tay chị khi bước vào bếp, chị còn cầm theo hộp thuốc đau bụng.

Suốt một năm chị Tuân phải uống thuốc ngủ. Chị nhờ thuốc ngủ đuổi những " giá như " dày vò chị. Đuổi hình ảnh đứa con đá trái banh, trái banh lăn đúng vào bánh xe đạp, em nó ngã xuống, khóc thét, đúng vào lúc chị sắp nói anh tạt qua nhà đón em cùng đi. Sao lại đúng cái phút ấy, giây ấy? Thế thì phút nào, giây nào lại chẳng quyết định mạng sống của mọi người ! Chẳng lẽ khi mình vô ý làm tắt máy xe hơi nơi ngã tư, lúc đèn xanh vừa bật, mình đang vô tình cứu mạng anh chàng lái xe inh ỏi bấm còi đàng sau? Như vậy có người nào lại chẳng đang cứu người nào, có người nào lại chẳng đang hại người nào từng giây, từng phút ? Ai cứu tôi để tôi đang sống thế này? Ai khiến tôi đã đi bên lề tay mặt, lúc đó, mà không đi bên lề tay trái, lúc kiả Chẳng lẽ tôi phải cảm ơn cả cơn mưa giông ban nãy đã cầm chân tôi lại dưới một mái hiên không quen ?

Chị Tuân là người bất hạnh nhất thế gian buổi chiều tháng sáu năm ngoái. Chị mất một hạnh phúc tưởng như bất tận. Nhưng chị còn hai đứa con, và chị phải sống để thương con. Những câu hỏi chị đặt ra khi anh Tuân chết, bây giờ chị lại đặt ra khi phải sống nuôi con. Ai đang cứu chị, cứu con chị giây phút này đây? Chị và con chị đang cứu ai? Bất cứ người vô danh nào trên trái đất lại chẳng đang tương quan với chị ? Chị cảm ơn tất cả mọi người đang sống. Cả nhân loại đang cảm ơn chị. Chị cảm ơn giây phút này. Ở giây phút này, chị đang hưởng phước. Ở giây phút này, chị đang tạo phước.

Chẳng lẽ phải có buổi chiều tháng sáu kia để chị hiểu điều hiển nhiên này?

Hết