Quyển I - Hồi 1
Lưu Gù Xử Vụ Lý Hữu Nghĩa
Giang sơn Đại Thanh thống nhất, quân dân an lạc thái bình, muôn nước vào triều nộp cống, triều có tôi hiền Lưu Dung, xuất khẩu thành chương hợp thánh minh, tài năng sách tày Khổng Mạnh, Sơn Đông là chốn quê nhà, trời sinh giúp rập khuông phò Đại Thanh.
Đây là mấy câu tân ca mở đầu cho cuốn sách này. Chuyện kể rằng vào thời Hoàng đế Càn Long xuất hiện một vị năng thần, tổ tiên vốn người huyện Chư Thành phủ Thanh Châu tỉnh Sơn Đông. Ông vốn là con trai của Lưu lão đại nhân Lưu Thống
Huân, họ Lưu, tên Dung, có ngoại hiệu là Lưu gù. Ông vốn xuất thân từ tầng lớp ấm sinh, nay chịu Hoàng ân của Hoàng đế Càn Long đích thân cất bút phê cho làm tri phủ Giang Ninh tại Kim Lăng.
Vị lão gia này nhận lệnh, không dám trễ nải, vội chọn ngày lành tháng tốt tới phủ Giang Ninh tại Kim Lăng nhậm chức. ông không mang theo gia quyến, chỉ dẫn theo một tên người hầu là Trương Lộc. Hai thầy trò ăn vận đơn giản, Trương Lộc cõng theo một bọc chăn màn. Họ rời khỏi cổng Hải Đại, rẽ theo hướng Tây, đi dọc theo chân thành tới cửa Tuyên Vũ, vượt qua cầu treo đi theo hướng Nam tới Thái Thị khẩu, lại rẽ về hướng Tây, đi dọc theo đường lớn, ra khỏi cổng Bành Nghĩa, thuê hai con la, hai thầy trò cưỡi la lên đường.
Lưu đại nhân một lòng muốn tới Kim Lăng nhậm chức. Họ đi qua hết đường lớn rồi lại ngõ nhỏ, vượt qua gò Chức Kinh rồi đi theo hướng Tây. Hai thầy trò cưỡi lừa quả nhiên đi nhanh hơn hẳn. Chỉ một lúc sau đã vượt qua thành Hiếu Minh tại Lư Cầu. Trước mặt đã là Thường Tân Điếm, họ tìm nhà dân trong huyện để đổi lừa rồi lại tiếp tục lên đường. Hai thầy trò dừng ăn bữa cơm trưa tại Trác Châu xong, không dám nghỉ ngơi, lại vội đi ngay. Cuốn sách này không kể vòng vo. Họ đi một mạch tới đường lớn tại Hà Giang. Vượt qua Đức Châu, qua huyện Ân thuộc châu Tế Ninh như một cơn gió. Thuê thuyền của một người lái đò họ Vương vượt sông Hoàng Hà rồi lại tiếp tục cuộc hành trình. Chuyện họ đi đường ra sao, ta không cần nhắc nhiều tới nữa. Chỉ biết hôm ấy, thành Kim Lăng đã hiện ra trước mắt họ.
Hai thầy trò Lưu đại nhân đang đi trên đường, nhìn thấy thành Kim Lăng hiện ra trước mắt. Họ dùng lại ở Thập Lý Bảo phủi bụi đường bám trên mình, lại thuê hai con lừa, hai thầy trò cưỡi lên. Chuyện không cần nhắc tới nữa.
Lại nói chuyện ba ban thư lại của phủ Giang Ninh từ khi nhận được công văn nói Hoàng đế Càn Long đích thân chỉ định một vị đại nhân họ Lưu làm tri phủ Giang Ninh, chỉ vài hôm nữa sẽ tới, đám thủ hạ, nha dịch ngày ngày ra đình Tiếp Quan ngồi nói chuyện phiếm đợi tân tri phủ tới. Hôm ấy, đám quan lại đang ngồi đợi bỗng thấy hai người cưỡi hai con lừa đi tới.
Đám thuộc hạ, nha dịch nhất tề quát hỏi:
- Này, đi đâu đấy. Đây là đình Tiếp Quan. Nếu còn xông tới nữa, bọn ta sẽ đánh gẫy chân lừa!
Trương Lộc ở phía sau quát lớn, nói:
- Nói càn, đây chính là phủ đài phủ Giang Ninh Lưu đại nhân của các người đó!
Đám nha dịch vừa nghe đến tên Lưu đại nhân đã sợ hãi rụng rời, vội vàng quỳ sụp cả xuống. Còn đám thư lại đứng cả bên đường, khom lưng, chắp tay, nói:
- Bọn tệ chức đón muộn, xin đại nhân trị tội!
Lưu đại nhân xua tay, đám thư lại theo cả phía sau. Chỉ phút chốc đã tới đình Tiếp Quan. Lưu đại nhân xuống lừa, người chủ lừa đi theo phía sau thấy cảnh ấy, trong lòng thầm nghĩ:
- Hay thật. Chẳng trách nào lúc thuê lừa họ không hề mặc cả. Vụ làm ăn này đúng là khiến ta được một mẻ vỡ hồn! Cũng hay, sau vụ này ai cũng biết lừa của ta cõng một vị quan phủ, chắc chắn sẽ kéo nhau tới thuê lừa của ta!
Nghĩ xong lên trước đón lấy cương lừa, cắm đầu đi thẳng.
Lưu đại nhân là loại quan phủ như thế nào? Thấy chủ lừa không dám đòi dù chỉ một xu tiền thuê lừa. Đại nhân vội gọi Trương Lộc, nói:
- Rốt cuộc vẫn phải trả tiền thuê lừa cho người ta. Người ta vốn là dân nghèo, không nên cưỡi lừa rồi quỵt tiền của họ.
- Dạ!
Trương Lộc lớn tiếng hô lên, cất giọng gọi vang:
- Chủ lừa hãy mau trở lại, đại nhân có thưởng.
Chủ lừa nghe hô "đại nhân có thưởng" vội vàng quay trở lại. Trương Lộc lấy ra một xâu tiền trao cho người chủ lừa.
Người ấy nhận lấy, dập đầu lạy tạ rồi bỏ đi.
Lúc này Lưu đại nhân mới quay sang nói với đám thư lại, nha dịch:
- Mang kiệu ra đây.
Đám nha dịch khiêng ra một chiếc kiệu bốn người khênh, vén rèm, dìu đại nhân lên kiệu. Lưu đại nhân khom lưng lên kiệu. Kiệu phu vác kiệu đặt lên vai. Đám chấp sự đi trước, kiệu lớn theo sau. Thanh la dẹp đường vang lừng đinh tai nhức óc.
Lưu đại nhân ngồi trên kiệu bốn người khiêng, đám chấp sự hai hàng đi trước. Quân dẹp đường đội mũ đen đỏ, nha dịch quát vang dẹp đường. Có một chiếc tán lụa hồng lớn che trên nóc khẩu hiệu của Lưu đại nhân. Dân chúng nhất tề kéo ra xem, tiếng cười nói, bàn tán xôn xao hai bên đường. Chỉ thấy Lưu đại nhân trên đầu đội một chiếc mũ Hồng Anh, rua đỏ trên mũ đã cũ, nhạt màu trở thành màu trắng, sườn mũ cũ, chỗ rách đã được vá lại bằng lụa xanh. Cả bộ y phục trên mình ông ta cũng không khá hơn. Tấm áo dài bằng đoạn xanh mặc đã nhiều năm, trên đó chi chít những lỗ rách thủng, đôi giày ông ta đi cũng không hơn gì. Nếu tính kỹ ra, khắp từ trên xuống dưới trên mình Lưu đại nhân chẳng đáng giá hai xâu tiền. Từ quân tới dân trong phủ thấy vậy, bất giác bật cười ầm lên, nói:
- Vị quan phủ này thực nghèo nàn.
Từ quân tới dân lại bàn tán xôn xao. Kiệu của Lưu đại nhân vào thành. Cỗ kiệu vượt đường lớn, ngõ nhỏ nhanh như tên bắn, thoắt chốc đã thấy nha môn phủ Giang Ninh hiện ra trước mắt. Đại kiệu tiến vào cổng, kiệu được nhẹ nhàng hạ xuống. Trương Lộc tiến lên trước, đưa tay đỡ vị quốc khanh lương đống của triều đình xuống. Lưu đại nhân sải bước đi đàng trước, Trương Lộc theo hầu phía sau.
Lưu đại nhân xuống kiệu, vào thẳng hậu đường ngồi xuống dặn dò Trương Lộc:
- Hôm nay đã muộn, ngày mai sẽ thăng đường làm lễ nhận ấn xét xử mọi việc.
Trương Lộc ứng thanh, sải bước ra ngoài. Tới trước sảnh đường dừng lại, truyền đạt lại lời của đại nhân. Đám quan lại, sai dịch tản đi. Chuyện không cần nhắc tới nữa.
Trương Lộc vào trong bẩm rõ lại với Lưu đại nhân. Đại nhân gật đầu, dặn dò:
- Trương Lộc, hãy đem hết lương khô còn lại của hai thầy trò ta ra đây!
- Dạ!
Gã người hầu ứng thanh, không dám trễ nải, vội moi hết số lương khô còn lại trong chiếc tay nải cũ rách ra. Đó là gì vậy? Đó là hai chiếc bánh bao bên ngoài đã khô cứng họ ăn còn thừa, hai chiếc bánh nướng sừng bò trên đường đi ăn chưa hết. Lưu đại nhân không phải là người keo kiệt, không dám tiêu tiền trên đường đi, chỉ vì đại nhân thích ăn hai loại này mà thôi. Đại nhân lại quay qua dặn bảo Trương Lộc:
- Trương Lộc, con hãy qua bảo nhà bếp, chúng ta không cần bất cứ món gì do quan viên đưa lại. Con hãy lấy tiền của chúng ta, đi mua ba mươi tiền gạo, nấu một nồi cháo, hấp lại hai cái bánh bao lên, vậy là thầy trò ta đủ bữa rồi.
Trương Lộc ứng tiếng, đi làm theo sự sai bảo của đại nhân.
Chỉ một lúc sau, cháo đã nấu xong, bưng lên, bày ra bàn. Một đĩa dưa chua. Lưu đại nhân dùng xong, Trương Lộc bảo mọi người lui ra, ăn nốt những thức ăn còn lại, coi như đã no bụng.
Hai thầy trò dùng bữa xong, trời đã tối rồi. Trương Lộc đốt đèn lên, đứng ở bên cạnh. Hai thầy trò nói chuyện với nhau một hồi. Trống điểm canh hai, Lưu đại nhân nói: "Mấy hôm nay đi đường vất vả, con trải giường đi nghỉ cho sớm." Trương Lộc ứng thanh, vội vàng dỡ bao ra, sắp xếp xong xuôi. Lưu đại nhân thay đồ, lên giường nghỉ ngơi. Trương Lộc cũng đi nghỉ. Một đêm bình yên trôi qua, chuyện không cần nhắc tới nữa.
Vừa chợp mắt trời đã sáng bạch. Trương Lộc trở dậy, mời đại nhân rửa mặt, thay đồ, uống trà sáng. Lưu đại nhân nói:
- Truyền lời của ta: Bản phủ sẽ lập tức thăng đường, nhận ấn xử việc.
Trương Lộc ứng tiếng, sải bước ra ngoài, tới trước công đường, kêu lớn:
- Ba ban mã bộ nghe cho rõ. Đại nhân truyền rằng. Lập tức thăng đường, nhận ấn xử việc.
Đám người đứng ngoài nhất tề ứng tiếng. Trương Lộc lại trở vào bẩm rõ với Lưu đại nhân. Không lâu sau, đại nhân đã mặc xong triều phục, ra khỏi cửa, vượt qua noãn các, lên công đường, ngồi xuống. Có bọn quan lại thuộc cấp cùng ngưu đầu, cấm tử, hương dược, bảo chính hành lễ đón chào. Hành lễ xong sắp hàng đứng ở hai bên công đường. Đại nhân ngồi xuống, dặn mang cáo bài ra, sau đó chăm chú xem văn thư của các châu huyện gửi lên.
Đọc tới công văn của huyện Thượng Nguyên, quận thú phủ Giang Ninh do Lưu Tường trình lên. Công văn viết:
- Trên con đường phía Đông tại cửa Bắc của bản huyện có một người mở khách điếm. Người này họ Lý, tên Hữu Nghĩa. Đêm hôm trước có một đôi vợ chồng nghỉ lại tại khách điếm của hắn. Lý Hữu Nghĩa tham của giết người, dùng dao nhọn giết chết người chồng, người vợ bỏ chạy, không biết đi đường nào. Nay có khẩu cung của Lý Hữu Nghĩa làm bằng chứng.
Đại nhân đọc xong công văn của huyện Thượng Nguyên, nghĩ:
- Hãy khoan. Nếu chủ điếm giết được người đàn ông, lẽ nào người đàn bà có thể chạy thoát. Cho dù chạy thoát, chồng cô ta bị giết hại, lẽ nào cô ta lại không đi tố cáo, kêu oan? Theo ý bản phủ, vụ án này chắc có uẩn khúc chi đây. Thôi thôi, Lưu mỗ đã tới làm quan tại đây, tất phải dốc lòng vì dân báo quốc, nhất định điều tra cho rõ vụ này, không để lương dân chịu cảnh oan khuất, không cho hung thủ lọt lưới.
Lưu đại nhân nghĩ xong, ngồi ngay ngắn lại, nói:
- Thừa sai trực nhật đâu?
- Có Tiểu nhân là Chu Văn đợi lệnh của đại nhân.
Nói xong tiến ra, quỳ xuống. Lưu đại nhân nói:
- Ngươi mau chóng tới nhà giam của huyện Thượng Nguyên dẫn tên chủ quán tham tài hại người tới đây cho bản phủ thẩm vấn.
Viên thừa sai này ứng tiếng, đứng dậy, rời khỏi công đường, sải bước ra khỏi nha môn. Không lâu sau đã dẫn theo bị cáo chủ quán Lý Hữu Nghĩa vào công đường, bắt quỳ xuống.
Các quý độc giả cũng nên biết rằng, huyện Thượng Nguyên của phủ Giang Ninh, Kim Lăng cũng giống như huyện Thanh Uyên của phủ Bảo Đinh hoặc huyện Uyển Bình tại Bắc Kinh vậy đều ở ngay bên ngoài thành, do đó đi lại rất nhanh. Ở đây, tôi đã kể ra rất rõ, nay xin trở lại với câu chuyện chính.
Lại nói chuyện viên thừa sai Chu Văn ở dưới thềm chắp tay vái, nói:
- Tiểu nhân Chu Văn đã dẫn chủ quán Lý Hữu Nghĩa tới.
Đại nhân xua tay, Chu Văn đứng dậy, đi vào hàng. Lưu đại nhân chăm chú nhìn người đang quỳ dưới chân thềm kia.
Lưu đại nhân ngồi ở trên chăm chú nhìn, đánh giá họ Lý đang quỳ dưới chân thềm. Chỉ thấy người ấy tuổi ngoại ngũ tuần, ánh mắt của lão vẫn còn ngấn lệ, đang quỳ dưới thềm chờ nghe phán xét. Trông bộ dạng, chắc chắn trong lòng có điều oan khuất. Đại nhân đánh giá xong, mở lời hỏi:
- Kẻ quỳ dưới thềm hãy nghe cho rõ. Ngươi đã mở cửa hàng buôn bán làm ăn, lẽ ra phải biết an phận, sao lại gây ra chuyện náo loạn, làm càn? Lẽ nào ngươi không biết giết người phải đền mạng, vương pháp vô tư không nể tình hay sao? Tại sao ngươi lại mở quán rồi hại người? Bản phủ trên công đường muốn nghe ngươi khai rõ.
Người quỳ dưới công đường thấy Lưu đại nhân hỏi vậy vội vã dập đầu, nói:
- Xin đại nhân hãy nghe tiểu nhân trình bày: Người hỏi tới chuyện này, tôi cũng xin đem nỗi oan khuất không nơi giãi tỏ kể cho ngài rõ. Tiểu nhân mở một quán trọ, sao dám gây chuyện thị phi, làm điều ác độc? Tối hôm ấy có hai người một trai một gái tới xin nghỉ trọ. Tuổi họ độ hai mốt, hai hai. Tiểu nhân hỏi lai lịch, họ nói là hai vợ chồng. Tiểu nhân nghe họ nói là hai vợ chồng, mình mở quán trọ, lẽ nào lại gây chuyện lôi thôi? Họ thuê một căn phòng giá hai trăm tiền trong quán của tiểu nhân, lại gọi một ấm trà, một cây đèn. Phục vụ xong xuôi, tiểu nhân đi ra ngoài, trong phòng nghỉ còn hai người bọn họ. Không lâu sau nghe thấy tiếng trống canh vang lên, hai vợ chồng người ấy thổi tắt đèn. Tiểu nhân đi đóng cổng, thấy họ có hai xe vải đổ trong sân quán trọ. Trước đó họ còn nói với tiểu nhân hôm sau, tới canh năm phải lên đường sớm. Sáng hôm sau tiểu nhân dậy sớm mở cổng, đẩy xe vải của họ ra ngoài. Chỉ một lúc sau trời đã sáng rõ. Tiểu nhân nghĩ: "Gọi vợ chồng họ lên đường cho sớm". Tiểu nhân vào phòng họ, ngẩng đầu lên nhìn, thấy cửa vẫn khóa, không có tiếng người nói. Tiểu nhân mở cửa, vào xem tường tận, đã thấy có chuyện không hay xảy ra rồi. Không biết người con gái chạy đi đâu mất, chỉ còn lại một mình người đàn ông trong phòng. Anh ta vẫn nằm vắt chân vắt tay trên giường, nhìn kỹ lại, thì ra anh ta đã bị giết, hồn xuống tới cõi u minh, vội vàng chạy lên báo với quan huyện. Tri huyện lão gia khám nghiệm tử thi rồi sai bắt tiểu nhân, dùng cực hình bức cung. Hôm nay may có đại nhân ngài hỏi tới, thực chẳng khác nào vén mây nhìn thấy mặt trời. Mong đại nhân công chính liêm minh, lão gia ơi, cầu mong ngài giải nỗi oan này cho tiểu nhân. Việc tuy đã xảy ra, nhưng tiểu nhân khai đây quyết không có dù chỉ là một lời gian trá!