Chương 1

Từ thời xa xưa lắm rồi, khi nói “dâu trăm họ”, lập tức người ta nghĩ ngay đến những vị thầy trụ trì ở các chùa. (Xin hiểu chữ trụ trì như là danh từ chuyên môn rất phổ thông để chỉ các vị sư, tăng hay ni, viện chủ, chịu trách nhiệm toàn bộ về mọi công việc đối ngoại lẫn đối nội của một ngôi chùa, chứ không phải trụ trì như một động từ kép mà một số Phật tử hay không Phật tử đã dùng để chỉ cho việc ăn ở, trú ngụ của bất kỳ vị tăng sĩ nào). Các vị sư phụ khi bổ nhiệm đệ tử mình đi trụ trì ở một ngôi chùa nào đó đều dặn dò, huấn thị về việc “làm dâu trăm họ” phải như thế nào. Rồi cứ như vậy, từ ngữ đó truyền đi từ đời trụ trì này đến đời trụ trì khác, đến độ trong nhà chùa, từ ngữ ấy hầu như chỉ được hiểu như là từ chuyên môn để ám chỉ các vị thầy trụ trì, tu viện trưởng, viện chủ v.v...

Ngày nay, từ ngữ dâu trăm họ đã không còn xa lạ gì với mọi người. Thậm chí, nhiều người còn lấy từ ngữ ấy để áp dụng cho một số trường hợp khác ngoài thế tục (chẳng hạn ông chủ nhiệm một tờ báo cũng có thể than thở: “Chao ôi, biết làm sao cho vừa lòng độc giả đây! Thiệt khổ cho cái nghiệp làm dâu trăm họ.” Một ca sĩ hay chủ nhà hàng cũng có thể tự ví mình như vậy). Cho nên, chữ dâu trăm họ bây giờ không còn là của riêng của các thầy trụ trì nữa.

Nói như vậy không phải là tiếc nuối muốn đòi lại cái từ ngữ rất phiền đó về cho nhà chùa. Qúi thầy trụ trì có muốn cất riêng từ ngữ ấy đâu. Muốn vất đi thì có. Có điều là vất không được đó thôi. Vì lòng từ bi, vì hạnh nguyện dẫn đạo và sứ mệnh hoằng pháp mà phải gánh lấy, phải chịu làm người dâu cho bá tánh thập phương. Khi vị thầy trụ trì nói đến chữ dâu trăm họ, không phải là để than thở, mà là để nhớ lấy trách vụ của mình, nhớ lấy bổn phận hoằng đạo của mình để mà tiếp tục chịu đựng...

Chịu đựng cái gì? Nói vô phép, có cạy miệng quý vị trụ trì, quý ngài cũng không nói ra. Chuyện đạo, chuyện chùa, tự nguyện dấn thân làm việc, có gì phải than trách, kể lể. Những kẻ xuất trần, lấy trí tuệ giác ngộ làm sự nghiệp, xem ba cõi bốn đại là không, chẳng mấy người chịu đưa vai gánh lấy ngôi chùa để tiếp cận chúng sinh và cuộc đời mà dẫn dắt họ trên đường tu học. Đa phần người xuất gia thích ẩn cư trên núi cao, hoặc du hóa, nay chùa này mai chùa nọ, hoặc ở chúng (tức là chỉ ở chùa thôi, ai làm trụ trì thì làm, phần mình chỉ biết lo tu tập và nhận công tác nào vị trụ trì giao phó, chứ nhất quyết không nhận trách nhiệm trụ trì). Họ muốn cứu độ chúng sinh lắm, nhưng họ không muốn phải gánh cái trách nhiệm trụ trì, tu viện trưởng, viện chủ v.v... Trách nhiệm đó nặng nề, bận rộn và trở ngại việc tu tập lắm. Đã không gánh thì thôi, gánh thì phải gánh cho trọn. Mà làm sao cho trọn được khi mà chúng sinh khó độ, hết người này đến kẻ khác, hết thế hệ này đến thế hệ kia, hằng hà sa số chúng sinh mong đợi được dẫn đạo. Đó là chưa nói đến trăm ngàn Phật sự khác ở chùa, từ miếng cơm manh áo cho tăng chúng cho đến những lễ lượt, hết ngày này qua ngày khác, hết năm này qua năm nọ, làm thế nào mà ngưng được để gọi là trọn!

Cho nên, khi một tăng sĩ chấp nhận đi trụ trì một ngôi chùa là coi như đã chấp nhận hy sinh cả một đời. Rất hiếm khi vị trụ trì bỏ chùa mà đi (chỉ có những thầy trụ trì ở các chùa hội Phật giáo tại hải ngoại vì thấy không thích hợp với sinh hoạt hội hè nặng chất thế tục mới tự động rời chùa mà đi, hoặc bị các hội viên Phật tử chia phe phái, tranh giành quyền lực, tìm cách mời đi mà thôi). Thường thường đã nhận trụ trì là trụ trì suốt đời. Gánh lấy ngôi chùa là gánh lấy cục nợ, tự dưng phải lo việc trả, trả cho đến khi nào không còn nợ, hoặc đến khi nhắm mắt. Mà nợ Ở đây là nợ cái ân của chư Phật chỉ dạy con đường giải thoát sinh tử, và nợ cái ân của chúng sinh đã là những nghịch duyên và thuận duyên cho mình trên bước đường giải thoát đó. Cái ân đó biết bao giờ mới trả hết nếu không chứng ngộ thành Phật. Mà muốn thành Phật, đâu phải suốt ngày tiếp đón Phật tử để nghe hết lời than thở này đến sự trách phận kia, cùng với những đòi hỏi, yêu sách... rồi đùng cái thành Phật! Cũng phải có thời giờ tu tập riêng biệt tại phương trượng, tại phòng riêng; cũng phải có một khoảng không gian và thời gian tối thiểu nào đó trong ngày để quay về với chính mình chứ!

Cho nên, đề cập đến chuyện dâu trăm họ Ở đây, thực ra không phải để bàn tán bình phẩm gì về quý thầy trụ trì, mà chính là để nói chuyện với chính hàng Phật tử chúng tạ Qúy thầy sẽ không bao giờ nói, mà không nói thì chúng ta không biết. Vậy thì chúng ta phải tự nói, nói để cùng biết.