LTG: Viết theo tâm sự một người bạn

Mẹ nhìn đồng hồ mãi. Mẹ mong con từ chiều mà bây giờ đã hơn 10 giờ khuya. Mỗi phút trôi qua, mẹ càng thấp thỏm lo âu, đầu nặng như treo đá, mắt mờ, tay run. Mẹ không làm gì được, cứ đi ra đi vào rồi vén màn ngó hờ ra sân, hoặc lắng nghe xem có phải tiếng xe con về. Điện thoại reo! Mẹ nín thở nhắc ống nghe. Chẳng có gì! Chỉ là người quảng cáo. Thế mà mẹ cứ sợ con gọi về báo một tin chẳng lành hay là cảnh sát công lộ báo một tai nạn gì...

Từ ngày con bị lật xe đến nay, mẹ trở nên ngớ ngẩn, hễ con ra khỏi nhà là mẹ hồi hộp, lo nghĩ bâng quơ... Bác sĩ nói thần kinh mẹ yếu nên hay tưởng tượng và thường xuyên sợ hãi. Mẹ biết đó là một cái bịnh, mẹ thường niệm đức Quan Thế Âm mong người ban vô úy thí.

Khi mẹ mỏi mệt sắp thiếp vào giấc ngủ—chắc chắn là nhiều mộng mị—thì con về. Mẹ hay con về trước khi con vào nhà, mẹ vui mừng không kịp xỏ chân vào dép, vội vàng ra mở cửa.

"Sao con về muộn thế?"

Mẹ chỉ mới nói bấy nhiêu thôi đã làm con bực bội.

Con trả lời, vừa gằn giọng, vừa lớn tiếng:

"Mẹ phải biết, đi chơi với bạn bè mà về giờ này là sớm! Con lớn rồi, đừng... "

Con còn muốn nói gì thêm nữa nhưng chợt nhớ có sự hiện diện của bạn con, con kịp dừng lại.

Mẹ làm thinh, lúi húi lo dọn cơm. Phải rồi, bây giờ con đã lớn, hai mươi mấy tuổi rồi, còn một năm nữa thôi, con sẽ tốt nghiệp y khoa. Con lớn thì khôn ra, mẹ già sinh ngớ ngẩn. Có lẽ vì vậy mà càng lớn lên, con càng đối xử với mẹ khác xưa, khác hẳn lúc con còn nhỏ.

Hồi mẹ sinh con, con nặng gần 4 kí. Mẹ rán gần đuối sức với sự tiếp tay của bác sĩ mà con vẫn chưa ra. Tưởng phải mổ. Bác sĩ nói: "Bà cố thêm một lần nữa, kẻo đứa bé ngộp". Lời nói có tác động mạnh mẽ, mẹ dùng hết sức bình sinh để đưa con ra ánh sáng cuộc đời. Mẹ đứt hơi, sắp sửa ngất đi thì có tiếng khóc "oa, oa". Tiếng khóc của con làm mẹ như được hồi sinh, mẹ mở mắt ra nhìn đứa con trai bụ bẫm dễ thương của mình.

Anh con thì ốm yếu khó nuôi, bịnh hoạn liên miên còn con lớn như thổi. Bú lắm, ăn nhiều. Ai đụng tới thì toét miệng cười; cả ngày không khóc, đêm ngủ một mạch tới sáng. Con là niềm an ủi vô biên của mẹ. Cha con, sĩ quan tác chiến, vắng nhà thường xuyên, hễ về là bày ra nhậu nhẹt. Tánh ổng nóng, mẹ không dám can ngăn thành ra đối với ông, mẹ chỉ biết chịu đựng thôi, do đó, tình phai nhạt dần.

Anh con tính tình cũng hung lắm, bắt đầu 6, 7 tuổi là đã đánh lộn cùng xóm, cha con không có ở nhà để dạy dỗ, nó thì chẳng sợ mẹ chút nào. Trái lại, con tỏ ra biết nghe lời mẹ. Mẹ dạy con làm điều phải, tránh điều trái, mẹ dạy con chăm chỉ học hành để sau này nhờ tấm thân, mẹ dạy con mở lòng thương yêu và giúp đỡ mọi người... Con thỏ thẻ: "Lớn lên con sẽ làm bác sĩ, ai nghèo, con trị bịnh không lấy tiền." Con khiến mẹ sung sướng quá! Những lúc cha hoặc anh con làm mẹ buồn, mẹ khóc, con quấn quít bên cạnh không rời. Con còn quá nhỏ để có thể nói những lời an ủi nhưng đôi mắt con đã biết nhìn mẹ xót xa và con dùng đôi bàn tay mủm mỉm như búp sen để vuốt má mẹ hay gạt dòng nước mắt đang tuôn trào. Nhờ thế, nỗi đau trong lòng mẹ dịu lại và giúp mẹ có nhiều can đảm, nghị lực hơn. Những lúc đó, đối với mẹ, con là một ông Phật nhỏ hiện xuống trần gian này để làm vơi bớt những đắng cay, phiền muộn của mẹ.

Rồi số phận gia đình mình cũng theo vận nước nổi trôi. May mắn hơn nhiều người khác, cha con đem được cả nhà xuống tàu hải quân đi Mỹ ngay ngày 30/4/75. Lúc đó, con mới 8 tuổi, anh con đã 13. Sang vùng đất mới, cha con thay đổi cách sinh hoạt và có thể gần gũi, dạy dỗ anh con chu đáo hơn. Nhưng khoảng thời gian quí báu này không kéo dài lâu. Chỉ 5 năm sau, cha con đột ngột qua đời vì tai nạn lưu thông. Tai nạn đó ám ảnh mẹ không thôi. Người ta đền cho mẹ 1 số tiền lớn. Anh con biết điều ấy nên bỏ bê việc học hành, cứ hạch sách tiền bạc để ăn chơi. Không tiền cũng khổ mà có tiền cũng khổ. Những lúc anh con đòi tiền không được, nó sừng sộ làm dữ, đập bàn đá ghế, mặt mày đỏ rần, tóc tai như dựng đứng cốt làm cho mẹ sợ. Nhưng mẹ không sợ đâu, mẹ phải cương quyết, nếu không, ngày nó càng hư và mẹ sẽ không còn tiền để giúp con theo học ngành y khoa như ước vọng của con. Chẳng phải mẹ không thương anh của con nhưng mẹ không thể nuông chìu sự hư hỏng của nó. Con hư con ngoan gì mẹ cũng thương nhưng tình thương cần phải kèm theo sự sáng suốt.

Anh con giận mẹ lắm, nó bỏ nhà đi. Cũng may cho nó, nó có cô bạn gái rất tốt. Chính cô ta khuyên nhủ, vỗ về, an ủi và kéo nó trở lại trường học. Anh con giàu tự ái, từ ngày bỏ nhà đi, nó thân tự lập thân, vừa đi làm vừa đi học cho đến khi tốt nghiệp kỹ sự Con nhớ không? Anh con gửi thiệp mời mẹ đi dự lễ ra trường của nó như mời một người quen, một người khách. Ngày đó, nó nhìn mẹ với ánh mắt kiêu hãnh kèm theo một chút gì oán trách. Ngày đó, tự ái của nó được thỏa thuệ Nhưng mẹ không buồn, cũng không ân hận. Mẹ đã hành động đúng nên nó mới được như ngày naỵ Nếu nó biết suy nghĩ sâu xa hơn, nó sẽ không giận mẹ đến thế.

Con sợ mẹ buồn, con an ủi mẹ một câu: "Anh ấy mới thành danh chứ chưa thành nhân, mẹ ạ!" Mẹ cười, không biết con học được câu chữ nho ấy ở đâu. Mẹ mong con cái của mẹ thành nhân hơn là thành danh vì giá trị con người chẳng phải ở nơi danh vọng hay bạc tiền. Từ đấy, mẹ có cảm tưởng đã vĩnh viễn mất anh con dù ngày nó cưới vợ, mẹ là người đứng chủ hôn và hàng năm, tới ngày "Mother's Day", nó gửi tặng mẹ một bó hoa.

Rồi con vào đại học với học bổng bán phần. Con thông minh lại siêng năng nên môn nào cũng giỏi nhưng con quyết định chọn ngành y khoa như dự định từ bấy lâu. Ngành này thật bận rộn, dù nhà ở gần trường nhưng có khi cả tuần mẹ mới gặp con vì con mải miết lo học, đi sớm về khuya, lại còn lắm bạn bè, hội hè, giao tế. Bữa nào mẹ cũng ăn cơm một mình nên ngày cuối tuần mẹ hay nấu món ngon mong con về cùng ăn cho vui nhưng con thường có hẹn với các bạn thành ra mẹ con mình cứ xa nhau dần.

Mẹ con mình không còn có những dịp ngồi tâm sự với nhau; và con cũng chẳng có thì giờ để nói những lời an ủi khi mẹ buồn. Dần dần, mẹ có cảm tưởng con như người ở trọ. Tuy cùng một chốn đi về mà mạnh ai nấy sống, con chẳng muốn mẹ tham dự vào công việc và đời tư của con, có lẽ như vậy làm con không được tự do vì người mẹ nào chẳng hay cho ý kiến.

Mẹ cô độc quá! Đi làm 8 tiếng ở sở ra, lắm khi mẹ không muốn về nhà vì sợ cảnh quạnh hiu, mẹ đi loanh quanh ngoài phố đến mệt nhoài mới quay về.

Bữa nay mẹ nấu bún bò, cơm tay cầm, món ăn mà con rất thích nhưng cơm canh đã nguội lạnh, con vẫn chưa về. Mẹ muốn có những bữa ăn gia đình với sự tham dự của bạn bè con để mẹ được hưởng lây bầu không khí trẻ trung vui nhộn của các con và có dịp nói đùa đôi câu để con biết là mẹ chưa đến đỗi già nua, lạc hậu.

... Con đã ngồi vào bàn ăn mà mặt vẫn còn cày cạy. Con tiếp tục bày tỏ sự khó chịu của mình: "Mẹ biết con đi đâu thì mẹ có thể đoán được giờ con về chứ!"

Nước mắt mẹ ứa ra vì sự trách cứ của con nhưng mẹ cố ngăn lại. Mẹ không muốn khóc trước mặt Hảo, bạn con. Thấy mẹ khóc, có thể nó sẽ nói cho Hồng biết. Rồi cô em gái của nó sẽ nghĩ sao về con nếu cô ấy biết con đã lớn tiếng với mẹ, đã cằn nhằn mẹ và làm cho mẹ khóc chỉ vì mẹ có lỗi đã quá mong chờ và lo lắng cho con!

Mẹ thấy bây giờ hình như con không còn cần đến người đàn bà quê mùa này nữa. Chẳng những con muốn làm gì thì cứ làm—chắc vì con cho rằng con đã đủ lớn khôn—không bao giờ hỏi ý kiến mẹ, cho đến những sự nhắc nhở của mẹ, con cũng không lưu tâm. Mà mẹ thì chỉ biết lo những chuyện nhỏ thôi: "trời sắp mưa con nhớ mang dù theo"; "bữa nay lạnh đấy, con nhớ mặc áo ấm"; "con đã ho rồi, nhớ uống thuốc". Mẹ nói gì thì nói, con chỉ làm thinh và dĩ nhiên là không làm theo những gì mẹ dặn.

Mẹ trờ thành một người thừa thãi trong cuộc đời của con rồi chăng? Có thể là vậy. Con đã có bạn gái, cô săn sóc con thay mẹ; con đã kiếm ra tiền, đâu còn cần những đồng tiền chắt chiu dành dụm của mẹ mà mỗi lần xin, mẹ cứ hỏi lý do; còn kiến thức ư? Con hơn mẹ quá xa rồi. Những lời dạy dỗ của mẹ đã trở nên lỗi thời, xưa rích.

Thật là đau khổ cho người mẹ khi bà biết đứa con không cần đến mình nữa. Sự đau khổ này còn phũ phàng hơn tâm trạng của một công nhân bị Ông chủ thình lình gọi lên cho nghỉ làm vì đã hết việc.

Khi cuống rún đã đứt lìa, con có đời sống độc lập của con. Đó là lẽ tất nhiên, mẹ không muốn con mãi mãi lệ thuộc vào mẹ vì còn lệ thuộc thì không thể trưởng thành. Nhưng mà con ơi! người mẹ nào cũng có trái tim rất nhạy cảm. Trái tim đó đã ấp ủ nuôi nấng con nên người, trái tim đó đã khiến cho mẹ biết quên mình để trọn đời hy sinh lo lắng cho con; đôi khi vì trái tim mù quáng đó, có những bà mẹ dám làm điều sai quấy chỉ vì muốn con mình được đầy đủ mọi thứ.

Bây giờ, trái tim của mẹ khô cằn, nứt mẻ, chai cứng vì nó thiếu chất liệu ngọt ngào, nó không được tưới tẩm bằng tình thương yêu trìu mến của con mình.

... Hảo thấy bầu không khí có vẻ im lìm, căng thẳng, cậu khỏa lấp bằng vài câu bông đùa rồi mời mẹ xơi cơm trước khi cầm đũa. Mẹ mời cậu tự nhiên rồi bước vào trong.

Bây giờ nước mắt mẹ có thể tự do tuôn chảy. Mẹ khóc chẳng phải vì giận con đâu. Mẹ hay tủi thân ấy mà! Những lúc đau buồn như thế này, nếu mẹ có được một đứa con nhỏ như thuở con còn bé chắc em con cũng sẽ sà vào lòng mẹ để an ủi, dỗ dành và giúp nỗi đau của mẹ dịu lại, làm trái tim mẹ tươi tỉnh hơn.

Mẹ lại mơ ước hão huyền rồi phải không? Có lẽ bản chất của mẹ là một người yếu đuối nên lúc nào mẹ cũng tìm một chỗ nương tựa tình cảm. Hai mươi mấy năm qua, con đã là trụ cột để mẹ nương nhờ, đã là lẽ sống, là hy vọng, là tương lai của mẹ. Như thế chắc cũng đã đủ rồi, mẹ không dám đòi hỏi hơn nữa.

Bạn của mẹ thường nói: "Chị có hai người con, đứa kỹ sư, đứa bác sĩ, thế thì tuổi già của chị được bảo đảm rồi đấy!" Mẹ chỉ cười trừ. Mẹ đâu dám nói cho họ biết rằng mẹ là người đau khổ, bơ vơ; liệu ai hiểu được cảnh tình của mẹ?

Nói đến tuổi già, nhiều người lo sợ vu vợ Mẹ thì không! Biết mẹ sống được bao lâu nữa? Căn bệnh nan y đã bắt đầu phát hiện trong người mẹ, mẹ giấu không cho con biết, mẹ cũng không cần chạy chữa. Cắt xén một vài bộ phận trong cơ thể để sống thêm mấy năm nữa liệu có ích gì không đối với hoàn cảnh của mẹ hiện nay? Người ta chỉ ham sống khi người ta còn yêu đời. Nói thế chứ mẹ không phải là kẻ bi quan chán đời đến nỗi muốn tìm cái chết đâu. Mẹ chỉ nghĩ rằng bổn phận của mẹ đối với con cái đã xong thì mẹ có thể nhẹ nhàng ra đi bất cứ lúc nào, chẳng có gì phải bận tâm.

Mẹ thì giàu tưởng tượng lắm! Có thể mẹ không bị bịnh như mẹ nghĩ. Thế mẹ sẽ sống tới già! Mẹ sẽ sống làm gì! Mẹ sẽ ở đâu! Dĩ nhiên là mẹ chẳng muốn làm phiền các con. Mẹ biết đời nay, nhất là trên xứ Mỹ, vợ chồng son đâu ai muốn có cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ Ở chung. Dù mình dễ tính đến thế mấy, chúng nó cũng mất tự nhiên.

Mẹ sẽ không vào nhà dưỡng lão đâu! Mẹ đã cùng các bà bạn đến đấy làm công tác từ thiện mấy lần. Chao ôi! người ta nuôi người già như nuôi một loài động vật để làm thí nghiệm. Tới giờ ăn thì phải cố mà ăn. Ai không chịu há mồm ra thì bóp họng nhét thức ăn vào, cho nên đối với nhiều ông cụ bà cụ, đấy là giờ cực hình. Hãy để cho họ được tự do, muốn ăn thì ăn, muốn uống thì uống, đừng ép ngặt họ đến thế. Người già không cần thức ăn cho cơ thể lắm đâu. Họ cần tình cảm họ cần được yêu thương và mong có ai đến gần để họ có dịp nhắc đến những kỷ niệm xưa của họ, để được nói về người chồng quá cố hay những đứa con yêu dấu của mình giờ đã xa xôi quá.

Mẹ có dịp nhìn thấy một bà cụ đầu hói, răng rụng hết nên trông bà như một em bé. Bà ngồi im lìm trên xe đẩy. Mẹ tiến đến thăm hỏi đôi câu, bà mừng lắm, mắt sáng lên, hếch miệng cười. Bà nắm tay mẹ, nói líu lo rồi rút trong túi áo ra đưa cho mẹ xem tấm ảnh chụp chung của gia đình bà. Lúc đó, bà là một thiếu phụ xinh xắn đứng bên ông chồng mặc quân phục trên ngực gắn đầy huy chương trông rất uy nghi; chung quanh là 4 đứa con, 2 trai, 2 gái, đứa nào trông cũng ngộ nghĩnh, dễ thương. Có lẽ đó là thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời bà và dư vị của nó giúp bà sống nốt những ngày tàn trong viện dưỡng lão này.

Các con của bà bây giờ đều lớn khôn, chúng có đời sống riêng, có vợ chồng con cái nên chẳng mấy khi nhớ đến mẹ. Bà chưa chết nhưng hình như đã bị xếp vào một thế giới khác, thế giới của già nua, bịnh hoạn, phế thải; nơi mà thần chết thường xuyên gõ cửa.

Mẹ có người bạn làm chung sở, dì Lài. Chưa đầy 60 tuổi mà đã lo hoạch định chương trình hưu trí. Chị kêu gọi những người có khả năng và hợp tính tình, hẹn khi nào về hưu sẽ sống chung với nhau. Chị sẽ mướn một căn nhà rộng lớn ở vùng quê, mướn y sĩ đến chăm sóc định kỳ. Mùa ấm sẽ tổ chức đi du lịch, đi làm các công tác xã hội còn mùa lạnh thì cứ rút trong nhà xem tivi và nói chuyện khào với nhau. Chị nghĩ rằng sống như vậy sẽ ấm cúng và tự do, không lệ thuộc vào con cháu, cũng không phải theo thời khóa cứng ngắt của viện dưỡng lão. Ý kiến cũng hay đó chứ, nhưng mẹ chưa tính gì về chuyện ấy.

... Cả đêm không ngủ nghê được, gần sáng mẹ mới chợp mắt một giấc ngắn. Lúc thức dậy, mặt trời đã lên cao, mẹ nghe có tiếng nước chảy trong nhà tắm và tiếng huýt sáo của con. Hình như chuyện tối qua không gây chút ảnh hưởng gì đến con cả phải không? Mẹ tự hỏi đó là cái hay hay cái dở? Mẹ hiểu đạo, mẹ biết rằng mỗi ngày phải sống với sự mới nguyên, mới tinh khôi của nó, đừng để cho bóng tối phiền não của ngày hôm trước làm u ám sáng hôm sau, nhất là sáng chủ nhật vào mùa thu rất đẹp trời, rất nên thơ như bữa naỵ Nhưng mà, nếu không bao giờ con tự xét lại mình, lúc nào con cũng cho mình là đúng và không cảm thấy chút gì hối hận trong tâm thì cái tâm đó vô tư thật, vô tư đến nỗi trở thành vô tình.

Con không bao giờ xin lỗi mẹ dù con đã nhiều lần làm mẹ buồn, con hay sửa sai mẹ vì mẹ đã không làm đúng như ý con, con thường trách cứ mẹ điều nọ điều kia mà có lẽ không bao giờ con đặt câu hỏi tại sao mẹ lại cư xử như thế? Nếu con biết quên mình một chút và đặt mình vào hoàn cảnh của mẹ, chắc con sẽ hiểu biết và thông cảm hơn. Mẹ vẫn thầm mong thế.

Mẹ biết con kiêu lắm và tự ái cao cũng như anh con vậy. Mẹ không lấy làm quan trọng chi một câu xin lỗi nhưng mẹ ngại cho con, với tánh tình đó, con sẽ đau khổ khi ra đời. Mẹ chờ một lời xin lỗi đâu phải để cho tự ái mình được thỏa mãn, đâu phải để thấy mình còn đủ quyền uy của một bà mẹ. Mẹ chỉ mong con biết tự hạ thấp một chút và có thể thấy được lỗi lầm của mình, như thế con sẽ khá hơn vì biết sửa đổi, nhờ đó con dễ có hạnh phúc.

... Mẹ tránh không cho con thấy mặt mẹ sáng nay vì sợ gương mặt đau khổ của bà già này sẽ làm con mất vui. Con đang sửa soạn đưa bạn gái của con đi lễ nhà thờ. Hai người khăn khít lắm, có thể đi đến hôn nhân. Mẹ không có ý kiến chi cả, nhưng mà mẹ mong phải chi con dâu của mẹ cùng đạo Phật thì nói chuyện với nhau dễ thông cảm hơn vì có nền tảng chung. Mẹ nghĩ rằng đạo nào cũng có cái hay—chỉ trừ những nhóm người mê tín nhảm nhí—và tất cả tôn giáo đều gặp nhau ở chỗ xây dựng nên những con người tốt cho gia đình, cho xã hội nên mẹ không dám đả kích gì. Nhưng mà riêng đạo Phật mới chỉ thẳng vào chân lý, phô bày sự thật muôn đời và giải quyết vấn đề sinh tử luân hồi cho con người. Mai kia, nếu vì sự ép buộc mà con từ bỏ đạo của mình thì thật là tiếc lắm thay, như người có viên ngọc mà vứt đi vì không biết giá trị của nó. Mong ước là quyền của mẹ và dĩ nhiên quyết định là quyền của con.

Có hai điều mà bậc làm cha mẹ không nên ép uổng con, đó là sự chọn nghề và chọn bạn trăm năm. Mẹ biết thế nên không nói ra mà cũng chẳng nói vào về mối tình của con và Hồng. Vợ chồng, âu cũng là duyên nợ.

... Con lái xe đi rồi mẹ mới ra khỏi phòng. Trong khi rửa mặt, mẹ có dịp nhìn mình trong gương. Gương trả lại hình ảnh của một người đàn bà tiều tụy dung nhan, mái tóc màu muối tiêu khô cứng tua tủa ra giống tóc một chú hề, đôi mắt quầng thâm, sưng húp, làn da tái mét như người bịnh lâu năm, lại thêm trán nhăn, má hóp... Hơn bao giờ hết, mẹ thấy rõ tính vô ngã, vô thường. Trên đời này, có cái gì trường tồn, không biến hoại đâu? Mẹ cũng đã từng là một đứa bé, rồi trở thành một cô thiếu nữ và bây giờ là một người luống tuổi. Mẹ đã từng vui, buồn, cười, khóc, ước mơ, hi vọng và thất vọng. Con cũng thế, con đang biến đổi, từng ngày một, về cả hai phương diện: sắc và tâm.

Tất cả mọi sự trên thế gian này đều do nhân duyên mà thành tựu, do nhân duyên mà thay đổi và tan hoại. Nhân duyên nào đã làm con không còn dễ thương như trước? Phải rồi, con đã lớn lên và trưởng thành trên đất Mỹ. Nơi xứ này, đứa bé không được hấp thụ khuôn khổ, nề nếp của người Á Đông mình. Đứa bé tự xem mình ngang hàng với cha mẹ, chẳng những nó có thể cãi tay đôi với người lớn mà nó còn có thể sừng sộ, lớn tiếng, chỉ thẳng vào mặt cha hay mẹ mình và đập bàn đá ghế để biểu lộ sự bất bình của nó. Những hình ảnh như vậy đầy trên màn ảnh, tivi và trong các gia đình người Mỹ tránh sao con không khỏi tiêm nhiễm mỗi ngày một ít? Mẹ tiếc rằng cha con chẳng còn sống để phụ mẹ níu giữ lại truyền thống dân tộc, nét đẹp của một gia đình có giáo dục Đông phương.

Mẹ hiểu rồi, mẹ không buồn giận nữa đâu. Chỉ một mình, làm sao mẹ chống chỏi được với xã hội và môi trường chung quanh con nhỉ? Nếu mẹ chấp chặt vào khuôn khổ trong đó mẹ đã lớn lên để phán xét con thì mẹ chỉ tự chuốc sầu mà thôi. Mẹ hiểu rồi nhưng mà mẹ vẫn còn hoài vọng, mong con đừng buông bỏ hết những gì mẹ đã dạy dỗ con từ tấm bé, những điều ấy tuy không cao xa chi nhưng mà nó là gốc rễ hạnh phúc cho cả đời con.

Con nên hiểu rằng hạnh phúc của con luôn luôn tùy thuộc vào người chung quanh. Nếu con biết làm cho những người thân quen của con vui vẻ, sung sướng thì ánh mắt và nụ cười của họ sẽ làm con được vui vẻ, sung sướng gấp bội phần. Trái lại, nếu con chẳng cần để tâm đến sự vui buồn của người, muốn làm gì cứ làm theo ý muốn cá nhân con, mặc ai trách cứ, mặc người than van thì chẳng những con làm tổn hại phước đức của con mà thôi, con sẽ bị cô lập và mất cả tình thương mến, ấy là một đại nạn. Trên đời này, chỉ có cha mẹ mới hoàn toàn tha thứ những lỗi lầm của con, còn đối với những người khác, dù con có hối lỗi ăn năn, những tì vết xấu của con cũng mãi còn đậm nét trong trí nhớ của họ. Bởi thế, con hãy nên cẩn trọng về ngôn ngữ, hành động của mình, con nhé!

Có lẽ mẹ lo xa quá hay tưởng tượng nhiều quá! Con mẹ dù sao cũng đâu đến nỗi tệ! Con đâu lêu lỏng chơi bời, đâu phá làng phá xóm như những kẻ hư thân mất nết. Con chăm chỉ học hành, biết lo cho tương lai, có nếp sống lành mạnh và thỉnh thoảng cũng phụ giúp mẹ những công việc lặt vặt trong nhà ngoài sân vườn, mẹ còn dám đòi hỏi gì thêm? Nếu đặt kỳ vọng quá nhiều ở con mình, mình dễ bị thất vọng cho nên mẹ tập chấp nhận cái gì mình được và chấp nhận cả những cái gì mình không thể được. Như thế thì khỏe hơn! Đầu óc nhẹ nhàng hơn!

... Hôm nay mẹ chuẩn bị nấu nồi bánh canh cho con và Hồng về ăn. Con về ăn cũng tốt hoặc là hai đứa đi ăn tiệm cũng tốt, không sao. Nếp sống của các con dĩ nhiên là phải hơn cha mẹ rồi. Việc ăn xài đối với các con thật dễ dàng, không cần tính toán. Cuộc sống của các con không khó khăn như thế hệ của những người đi trước, những người đi lập nghiệp trên đất khách với hai bàn tay trắng và vốn liếng Anh văn không đầy lá mít. Họ chịu đựng nhiều cay đắng, nhọc nhằn, họ sống tiện tặn kham khổ để gây dựng cho đàn con của họ. Bởi thế, nhìn vào họ, con sẽ không thấy vẻ sang trọng phong lưu như thế hệ của các con hôm nay, những người trí thức trong xã hội Hoa kỳ.

Nhưng con ơi, nếu không có những người đi trước hi sinh và dọn đường như thế ấy, các con không dễ thành công đâu. Các con đừng quên nguồn cội của mình. Mẹ biết, có những người đồng trang lứa với con hoặc nhỏ hơn con vài ba tuổi, họ không thích chơi với cộng đồng Việt Nam, không muốn nói tiếng Việt, chỉ thích giao thiệp với Mỹ và tự đồng hóa mình với người Mỹ. Họ đâu biết rằng chối bỏ nguồn cội là tự mình bứng mình ra khỏi gốc, cây sẽ èo uột và chẳng lớn nổi nếu không bị chết non. Một ngày nào không xa lắm, họ sẽ thấy mình bơ vơ vì thật ra những người da trắng mắt xanh tóc vàng đâu xem dân da vàng di cư là người Mỹ dù mình đã có quốc tịch từ lâu.

Chối bỏ văn hóa Việt Nam, họ tự đánh mất di sản quí báu, họ không được thưởng thức những bài tình ca bất hủ, những câu hò câu hát trên sông nước, trên cánh đồng, những bài ca dao hồn nhiên trong sáng đầy tính dân tộc họ không biết Nguyễn Du là ai, bà huyện Thanh Quan là ai, kể cả những triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, những vị anh hùng chống ngoại xâm, kể cả mảnh đất hình cong như chữ S nằm ven biển Thái Bình Dương. Những thứ ấy đối với họ chẳng là gì cả, chẳng gây cho họ một cảm xúc gì. Một ngày nào đó, tình cờ người bạn Mỹ bảo: "Anh hãy nói cho tôi nghe về quê hương của anh." Người ấy sẽ trả lời ra sao? "Tôi không biết gì cả!" "Tôi là người Mỹ mà!" Con nghe như thế có được chăng?

Nghĩ đến quê hương, mẹ bỗng thấy nhớ quá những hàng dừa xanh um ở quê ngoại, những con sông rạch quanh co mà nước đầy phù sa, tôm cá, nhớ những "cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi", những thân dừa bắc ngang các con mương nhỏ trong vườn nhà rợp mát, nhớ cả "đèn Saigon ngọn xanh ngọn đỏ, đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu", nhớ những tà áo dài trắng thướt tha như đàn bướm nhỏ lúc tan trường, nhớ những con đường có lá me bay nhè nhẹ vào mùa gió chướng, lạnh hanh hanh...

Mai nầy khi con ra trường và lập gia đình xong thì đã đến lúc mẹ hưu trí. Có thể mẹ sẽ trở về Việt Nam. Mẹ sẽ tìm một vùng quê yên tịnh, mua miếng đất nho nhỏ ở cạnh chùa và cất lên một am tranh. ƠŒ đó, mẹ sẽ có đủ duyên để chuyên tu Tịnh Độ và vui thú điền viên. Chắc chắn con nói rằng "ở Mỹ này, mẹ cũng có thể làm như vậy, cần gì phải về đấy mới tu được." Nhưng mẹ biết, nếu mẹ còn nấn ná chốn này thì cũng như bao nhiêu người khác cùng lứa tuổi, mẹ sẽ bận bịu với đàn cháu và sợi dây tình cảm ngày càng trói chặt lấy mình, quyến luyến mãi khó rời. Tham ái là nguyên nhân của sinh tử, nếu không sớm dứt khoát, không sớm lìa xa thì mãi mãi bị giam trong tù lục đạo, bị trói chặt trong bánh xe luân hồi. Như thế thật luống uổng cho một kiếp người, nhất là mình lại là một Phật tử.

Còn theo đề nghị của dì Lài, chị em bạn già họp lại sống chung với nhau cho vui. Thử hỏi, những ngày vui vẻ ấm cúng ấy được bao lâu? Rồi ai cũng phải lần lượt ra nghĩa trang một mình. Mẹ nghiệm ra rằng những thứ mà người thế gian này—dĩ nhiên là có mẹ trong đó—nương tựa vào đấy mà sống như hạnh phúc gia đình, tình bè bạn cho đến quê hương, giống nòi... tất cả đều chỉ là những chỗ tạm thời, là những cái phao. Phao thì mong manh quá trong biển khổ không bờ bến này. Làm sao có thể vượt trùng dương với phương tiện eo hẹp như vậy? Ít ra mình phải có một chiếc thuyền, như thuyền Bát Nhã chẳng hạn, giúp mình buông bỏ hết mọi chấp trước về ngoại cảnh, về thân tâm thì mới mong tự tại, an ổn đến bờ giải thoát.

Mẹ sẽ tập bỏ dần, bỏ dần những thứ mà xưa nay mình đã ôm đồm, tích lũy: những điều phải trái, những khuôn mẫu xã hội, những so sánh hơn thua, những quan niệm về còn mất, có không, những phân biệt tốt xấu, thiện ác, thánh phàm... Xả bỏ hết cho đến khi nào chỉ còn lại một "tâm không", một tấm lòng ngây thơ như trẻ nít, một nụ cười hồn nhiên trước sự đời thì khi đó mẹ khỏi cần tìm cách quay về Việt Nam vì quê hương đích thực đã hiển hiện ngay trong lòng mình.

... Mẹ đã tìm được sự an ổn, mẹ vừa thoát ra khỏi một cơn sóng phiền não. Mẹ đang mỉm cười nhìn hai chú sóc rượt nhau, chuyền hết nhánh này sang nhánh nọ và đang lắng nghe chim hót líu lo mừng ngày nắng ấm giữa mùa thu của cuộc đời. Xả trừ được phiền não, lòng mình nhẹ tênh!

Tuy biết rằng phiền não tức Bồ Đề nhưng không phải là sự dễ dàng cho mẹ để chuyển hóa phiền não đâu. Tuổi tác cao, sự suy nhược về cơ thể kéo theo sự yếu đuối về tinh thần cho nên người già hay bị chìm lún trong đau khổ. Họ không còn đủ ý chí, nghị lực để ngoi vượt lên dù họ là người hiểu đạo, thừa biết vui buồn chỉ là trò huyễn hóa của tâm thức.

Bởi thế, mong con thông cảm được sự yếu đuối và tánh nhạy cảm của mẹ mà tránh cho mẹ những giây phút tủi sầu, để mẹ có thể an vui tu tập. Được an vui tu tập, mẹ hồi hướng công đức này cho con và tất cả những người còn cha hay mẹ trên đời, mong mọi người con đều tròn câu hiếu đạo, cho tuổi già của những người mẹ, người cha không đến nỗi quá hiu hắt lạnh lùng vì những giọt lệ như sương. Và con ơi, nên biết rằng hiếu hạnh là căn bản của đạo làm người, không ai từ bỏ chữ hiếu mà có thể làm nên nghiệp lớn, cho đến những bậc thượng sĩ xuất trần như Thanh Văn, Bồ tát cũng nhờ đạo hiếu mà tiến tới quả vị Vô Thượng Bồ Đề.

Mùa Vu Lan 2540 (1996)

Hết