Ngày hồi còn bé tí teo, tôi thường theo bà nội đi chùa trong những ngày rằm hay mồng một Âm lịch. Ngôi chùa trong làng cách nhà tôi độ chừng cây số. Rất đơn giản là trong khuôn viên chùa trồng rất nhiều cây hoa Phượng. Loại cây này được trồng hầu hết nơi các ngôi chùa cổ ở miền trung Việt Nam. Ngày đó tôi thường duy nhất mặc một chiếc áo ngắn màu trắng. Dù tôi có vài chiếc áo màu khác nhau, bà nội tôi cứ vẫn phải bảo tôi thay chiếc áo màu trắng ấy mỗi khi đi chùa. Cho tới khi nó quá chật, tôi không thể mặc được nữa, thì bà nội mới cẩn thận gói nó cất vào tủ. Nó không những chật mà còn cũ và rách vài chỗ nữa.

Cho tới một buổi chiều mùa đông nọ, bà nội cùng tôi ngồi nhìn mưa rơi tầm tã. Bất chợt bà nội hỏi tôi rằng tôi có biết tại sao Bà thường bảo tôi mặc chiếc áo màu trắng kia không. Hai mắt bà lúc đó nhìn xa thẳm, buồn vời vợi. Bà nói "Con thật tội nghiệp! Nếu mẹ con còn sống thì con đâu đến nỗi quần áo rách rưới như thế này". Suốt thời tuổi thơ của tôi, bình thường chỉ có vài bộ quần áo ngắn ngủn, cũ kỹ do bà nội đi xin từ mấy gia đình giàu có đông con. Đi học hay chơi đâu cũng chỉ quanh quẩn mấy bộ quần áo cũ ấy, chỉ khi nào đi chùa thì Bà tôi mới cho mặt chiếc áo màu trắng và mới hơn một chút. Bà nói khi mẹ tôi còn sinh tiền thì mỗi khi đi đâu xa, mẹ tôi thường đi bộ, chứ không đón xe, hoặc nếu có đi đâu quá xa mà phải đi bằng xe thì mẹ tôi thường để dành tiền uống nước dọc đường lại. Số tiền dành dụm đó mẹ tôi mua vải và tự tay mẹ may chiếc áo trắng kia cho tôi. Mẹ nói là phải có một chiếc áo cho đàng hoàng để tôi theo Bà nội đi chùa lạy Phật.

Từ ngày mua được miếng vải, mẹ tôi thường chong ngọn đèn dầu lạc leo lét bên cạnh chiếc võng dứa, vừa đưa tôi ngủ lúc mùa hè nóng bức, vừa may chiếc áo đó cho tôi. Ban ngày mẹ tôi phải tảo tần đi làm mướn hết chỗ này đến chỗ nọ; ban đêm phải lo việc nhà, nào cơm nước cho gia đình, nào giặt giũ áo quần cho ông bà nội, cho ba và tôi. Bấy nhiêu công việc đó cũng đã tới khuya. Công việc xong xuôi đâu vào đó, mẹ tôi mới chong đèn may áo cho tôi và cũng tiện bề chăm sóc tôi cho tới khi nào tôi ngủ hẳn thì mẹ mới lên giường nghỉ lưng một chút. Công việc may áo lúc đó không phải bằng máy, mà bằng tay. Từng mũi kim luồn qua vải dưới ánh đèn dầu là biết bao nhiêu ân tình, biết bao khổ nhọc mà mẹ tôi đã may cho tôi một chiếc áo chỉ mong ước nhỏ nhoi là khiến cho tôi vui và thích đi chùa khi có áo mới.

Bà nội ôm tôi vào lòng với một giọng run run nói tiếp rằng chỉ vì chiếc áo đó mà mẹ tôi ngã bệnh nặng. Sau ba ngày hoàn thành chiếc áo, mẹ tôi đã ra đi vĩnh viễn. Với tấm thân hạc mảnh khảnh, mẹ tôi lại làm việc quá sức, nào là phải sớm hôm tần tảo nuôi cả gia đình bên chồng, chăm sóc mẹ già, con thơ, nào là tiết kiệm không dám ăn uống lặt vặt, để dành tiền may chiếc áo cho tôi khiến mẹ tôi kiệt sức. Thân hình gầy gò, sức khỏe yếu kém, mẹ tôi không đủ sức chống chọi với mưa chiều nắng sớm của khí hậu miền trung. Tất cả những thứ đó đã thực sự cướp đi mạng sống của mẹ tôi vào cái tuổi 25.

Cái ngày tôi xuất gia, bà nội tôi soạn trong tủ lấy ra một cái gói nho nhỏ, bên ngoài quấn một lớp vải cũ bạc màu. Bà đưa tôi cái gói đó và nói rằng dù đi đâu, ở đâu và làm gì thì tôi cũng phải trân trọng cái vật trong ấy. Vì thương nội cho nên tôi mới nhận cái gói vải cũ kỹ kia. Tôi không biết bên trong là cái gì.

Từ ngày sống với nếp sống thiền môn, tôi thật sự quên hẳn tất cả. Ban ngày hầu thầy, lo công việc thường trụ, ban đêm tụng kinh, ngồi thiền và học kinh luật tới khuya. Chuông khuya mõ sớm trong chốn già lam đã thật sự nuôi lớn tôi. Bây giờ tôi là một vị tu sĩ được rèn luyện từ trong chốn thiền môn quy củ, được mọi người kính mến.

Một ngày nọ, từ thành phố xa nơi tôi đang đi học, tôi nghe tin bà nội qua đời. Lòng tôi xót xa thương cảm. Tôi quyết định trở về quê để nhìn mặt Bà tôi lần cuối và tụng một thời kinh chú nguyện cho Bà như lời Bà trăn trối. Chính bà nội đã đem hạt giống từ bi, mầm trí tuệ giải thoát gieo vào trong đầu óc trẻ thơ lúc tôi còn nhỏ. Bà nội là Thiện tri thức của tôi. Đêm đó tôi đang kiểm tra lại hành trang để sáng mai lên đường, tôi chợt nhớ đến cái gói vải mà nội đã trao tôi cách đây 20 năm. Tôi vội mang nó theo với ý định là sẽ bỏ vào quan tài của nội đem xuống suối vàng. Khi về tới chùa xưa, giữa tiếng côn trùng rên rỉ, tiếng dế kêu sương, tôi lặng lẽ mở gói vải xem thử vật gì. Tôi lặng người giây lát mới nhẹ nhàng nâng vật ấy lên-một chiếc áo trẻ con màu trắng đục. Nhìn chiếc áo cũ năm xưa, lòng tôi càng thêm bồi hồi xao xuyến. Nhiều miếng vá trên vai, một vài chỗ còn thủng lỗ, nhất là trên cổ áo đã nhuốm màu lốm đốm đen như ai đã rắt mè lên đấy. Đây là chiếc áo của mẹ may cách đây 30 năm khi tôi còn là thằng bé tí tẹo theo nội đi chùa. Giờ đây cầm trong tay kỷ vật thiêng liêng này, tôi đã trở thành một tu sĩ hẳn hoi. Nhìn chiếc áo mà bao nhiêu kỷ niệm ấu thơ dần dần xuất hiện. Hình dáng mẹ tôi dưới ánh đèn dầu đêm khuya. Một tay giữ áo, một tay cầm kim đưa lên đưa xuống. Thỉnh thoảng tay cầm kim ngừng lại để đưa nhẹ chiếc võng cho tôi ngủ. Từng mũi kim xuyên qua làn vải mỏng là mẹ tôi đã khâu kết từng quãng đời trẻ trung của Người vào đó với một hy vọng nhỏ nhoi như ngọn đèn dầu đêm khuya. Giờ đây ngọn đèn đi về đâu? Nó mang theo cả một kỷ niệm quá khứ, mang theo cả hình bóng người mẹ suốt đời chỉ biết hy sinh cho con. Tôi có thể mua bao nhiêu ngọn đèn dầu cũng được; tôi cũng có thể đốt lên bao nhiêu ngọn đèn trong đêm khuya cũng được, nhưng tôi không thể tạo ra ngọn đèn mà nó chứng kiến cảnh mẹ tôi cặm cụi may áo trong đêm khuya. Giả như tôi có một khả năng nào đó tạo ra được ngọn đèn năm xưa kia thì có thể chấp nhận, nhưng còn mẹ tôi thì sao? Đây là một mất mát lớn không thể tìm lại được trong đời của tôi. Tôi nghĩ, không những riêng tôi, mà phần lớn con người sống trên thế gian này cũng đều có sự thiệt thòi đó. Cái gì mất cũng có thể tìm lại được, nhưng một khi đã mất mẹ rồi thì ngàn muôn năm không tìm lại được. Thế nhưng, trong trường hợp của tôi, chiếc áo năm xưa có thể gói trọn cả cuộc đời mẹ và thay thế mẹ trong suốt cuộc đời còn lại của tôi. Chiếc áo đó tôi sẽ mang theo xuống lòng đất.

Từ ngày đó, tôi không còn mẹ nữa, nhưng tôi có cả một quãng đời của mẹ trong chiếc áo cũ kia. Trong chiếc áo đó không những có hình bóng mẹ âm thầm đưa từng mũi kim sợi chỉ, mà còn vang lên giọng ..ầu ơ… ru con trong đêm vắng nữa.

Tuổi thơ của tôi, quãng đời trẻ trung cần cù của mẹ và lòng thành kính Tam Bảo của bà nội đã gói trọn trong chiếc áo cũ rách đó. Cho dù chiếc áo đó đang bị thời gian bào mòn và không gian thay đổi trong quy luật vô thường, một ngày nào đó nó sẽ tan hoại mất đi, nhưng ba yếu tố trên không mất. Chính ba yếu tố đã tạo ra cuộc sống đạo hạnh của tôi. Chiếc áo cũ rách quý hơn tất cả những gì tôi có trong đời. Khi nhận ra giá trị chiếc áo, tôi quyết định không mang về chôn chung với bà nội. Nếu bà nội biết được sự thay đổi này thì Bà cũng vui vẻ nơi suối vàng. Tôi nghĩ đó cũng là ý của bà nội khi trao nó cho tôi.

Chiếc áo có một tiềm lực vô biên. Tuổi thơ của tôi đã đi qua; cuộc đời trẻ trung của mẹ cũng lùi trong quá khứ và nay bà nội cũng lại ra đi, chỉ có chiếc áo theo tôi hết cuộc đời này. Tuy rằng tôi mất tất cả, mà lại không mất gì hết. Tôi còn có chiếc áo có nghĩa là tôi chưa mất thứ gì. Nếu trong cuộc đời tôi có làm được điều gì ích lợi cho đời, cho chúng sanh, phần lớn cũng nhân nơi chiếc áo cũ rách kia, có nghĩa là do đức hy sinh và lòng thương vô hạn của mẹ, do lòng thành kính Tam Bảo của Nội đã dành cho tôi nhiều năng lượng tu tập và hành đạo. Mỗi khi nhìn chiếc áo thì tôi không thể nào lơ đãng để thời gian trôi qua trong vô ích. Khi nào tôi giãi đãi lười biếng thì chiếc áo là lời khuyên hữu hiệu nhất. Tôi tin tưởng rằng Nội và Mẹ sẽ thảnh thơi trong một cảnh giới hoàn toàn an lạc nếu tôi tu hành nghiêm túc. Và cuộc sống phạm hạnh của tôi có được viên mãn hay không phần lớn cũng nhờ Nội và Mẹ, nhưng hai Người đã mất rồi, chỉ còn lại chiếc áo.

Khi viết lên những dòng này để tưởng niệm một kỷ vật giá trị, tôi cứ lo ngại rằng người đọc sẽ khinh thường tôi, vì lẽ tôi xuất thân hàn vi. Một lo ngại khác là các pháp hữu tôi sẽ cho rằng tôi xuất gia không phải vì một lý do chính đáng như: mến mộ đạo Phật, say mê giáo lý hay mang một chí hướng cao thượng. Nếu quả có như vậy tôi cũng không dám biện giải lời nào, vì đó là sự thật. Tôi cũng thấy xấu hổ rằng, ngoài những nguyên nhân ấy, tôi thực sự không có một lý tưởng cao xa nào khi cất bước xuất gia. Nhưng sau đó lại khác đi. Nhờ ơn giáo dưỡng của thầy tổ, nhờ lời kinh tiếng kệ mà bồ đề tâm được khơi dậy. Mỗi buổi công phu khuya trong chùa, dù lúc đó còn nhỏ tôi chưa hiểu gì nhiều, nhưng tôi thật sự xúc động mạnh với câu: "Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập. Như nhất chúng sanh vị thành phật. Chung bất ư thử thủ Nê hoàn." (tôi nguyện sẽ siêng năng hành đạo và quyết định không chứng phật quả nếu trong cõi trần ai đau khổ này còn có một chúng sinh nào chưa giải thoát). Và tôi thường hay thắc mắc tại sao trong mỗi động tác, mỗi việc làm trong chùa đều phải "Đương nguyện chúng sanh- cầu cho chúng sanh", làm cái gì cũng nghĩ đến chúng sanh trước nhất. Đó là tiếng sét lý tưởng đánh mạnh vào đầu óc trẻ thơ của tôi khi còn là một chú điệu để chởm. Tôi không ân hận thân phận thấp hèn của tôi, trái lại tôi rất cám ơn cái thân phận, cái hoàn cảnh ấy. Chính cái thân phận đó đã mang tôi vào chốn thiền môn và cũng chính hoàn cảnh ấy thúc đẩy tôi siêng năng tu tập. Thành quả tu tập ngày hôm nay tôi có được là do xây dựng trên căn bản bần hàn, khốn đốn trong suốt tuổi thơ của tôi.

Tôi về thăm lại chùa xưa đồng thời để dự đám tang bà nội lại trùng hợp vào mùa hoa Phượng nở. Nhìn cảnh hoa Phượng nở rộ đầy sân chùa, tôi lại nhớ đến kỷ niệm ấu thơ những ngày đầu đi chùa. Hoa còn đó vẫn nở như xưa, mây ngàn năm xưa vẫn bay, mà con người đi không trở lại. Cảnh đời thay đổi quá nhiều. Cũng thì tôi đứng trước cảnh chùa đầy hoa Phượng, nhưng không phải là thằng bé tí tẹo năm xưa. Cũng thì cảnh Phượng nở như năm nào, mà bà nội tôi không còn nữa. Dòng đời luôn trôi chảy như thế không ngừng, thế nhưng trong cái dòng chảy đó tôi thấy có một cái gì đó tồn tại với không gian và thời gian. Phải tìm cho ra cái tồn tại đó thì con người sống mới có ý nghĩa. Tôi lặng lẽ nhặt một hoa Phượng ép vào trong chiếc áo cũ kia. Tôi rời chùa để đi tiếp con đường mà linh hồn chiếc áo luôn nhắn nhủ tôi. Hy vọng một ngày nào đó tôi trở lại nằm dưới lòng đất trong khuôn viên chùa cũ có hoa Phượng trải thảm cùng với chiếc áo cũ trong lòng đất lạnh.

Hết